Trích từ Dân Chúa

Nhà Thờ Chính Toà Phát Diệm

ĐÔ Trần văn Khả

Một công trình thích nghi phụng vụ về phương diện nghệ thuật đi trước công đồng chung Vaticanô II

Nhiều bài viết về Nhà Thờ Chính Tòa Phát-Diệm, cũng gọi là Nhà Thờ Lớn, hay Nhà Thờ Đức Mẹ Rất Thánh Mân Côi, đã phân tích một số khía cạnh liên hệ tới việc xây cất ngôi thánh đường này, cũng như các nhà thờ và cơ sở chung quanh1. Trong bài này, tôi muốn trình bày một cái nhìn khác về lối kiến trúc ngôi thánh đường thời danh do Cha Trần-Lục đã xây cất cho Phát-Diệm : đó là công cuộc thích nghi phụng vụ trong phạm vi nghệ thuật.

PhatDiem-chuch.jpg

Nhà Thờ Lớn Phát Diệm

Trong khi trình bày về nghệ thuật kiến trúc tại Việt-Nam tác giả Đức Cha Celso Costantini đã lấy Nhà Thờ Lớn Phát-Diệm làm tiêu biểu 43. Ở đây chúng tôi muốn trình bày lối kiến trúc ngôi thánh đường này trong cái nhìn vào khía cạnh thích nghi phụng vụ về phương diện nghệ thuật.

1. Dịp gợi hứng

Cha Trần-Lục đã nuôi ý định thực hiện công trình này từ năm 1866. Khi Đạo Công Giáo được tự do, Đức Cha Chiêu (Mgr Theurel), Giám mục giáo phận đã sai Cha vào yết kiến Vua Tự-Đức tại kinh đô Huế để xin Vua trả lại làng Vĩnh Trị cho người công giáo 44. Làng này đã bị tàn phá, các giáo hữu phải tản mát sang các làng bên lương ở chung quanh. Trong khi chờ đợi để được vào triều yết Nhà Vua, Cha lợi dụng thời gian này để đi quan sát các đền đài, lăng tẩm Nhà Vua, được xây cất một cách cực kỳ lộng lẫy 45. Cha Trần-Lục tự hỏi mình trong dịp này như sẵn một vì Vua trần thế thì ở trong một ngôi đền lộng lẫy như thế, mà Vua Trên Trời lại không ở một ngôi nhà như vậy ? 46. Từ cuộc thăm viếng này, đã nảy ra nơi ngài ý định xây một ngôi đền thờ theo kiểu kiến trúc dân tộc Việt-Nam, như các đền đài lăng tẩm ở Huế để dâng kính Thiên Chúa, dâng kính Mẹ Maria và các Thánh. Nhà thờ này cũng được xây để giữ trọn lời hứa của ngài là xây một nhà thờ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu và Mẹ Maria trong khi ngài bị tù ở Lạng-Sơn và khi coi xứ Phát-Diệm47. Từ ý định nguyên thủy này, việc xây cất toàn khu Nhà Thờ Lớn Phát-Diệm đã được bổ túc thêm về sau, theo một dự án xây cất đồ sộ và lớn lao hơn.

Rồi từ mẫu kiến trúc á đông của Nhà Thờ Lớn Phát-Diệm, một số nhà thờ khác của Giáo phận Phát-Diệm đã bắt chước một số bộ phận trong công trình kiến trúc của mình 48.

2. Thời gian chuẩn bị vật liệu (1873-1883)

Để thực hiện công trình kiến trúc vĩ đại này, Cha Trần-Lục đã phải bỏ ra 10 năm chuẩn bị: lo dọn đất đai cho thích hợp, chuẩn bị mua sắm vật tư xây dựng cho đủ. Công việc này ngày nay người ta phải nhờ tới một hay một nhóm kiến trúc sư thực hiện, một số nhà buôn bán vật tư tính toán cho đủ. Vào thời Cha Trần-Lục, Ngài đã có thể hỏi một số người chuyên môn. Tuy nhiên thật khó kiếm ra những người chuyên môn tại một vùng đất tân bồi49, nơi đó việc xây dựng nhà cửa chỉ toàn bằng vật liệu thô sơ. Vì thế Cha Trần-Lục đã phải tự mình tính toán và thu xếp công việc.

Ngài đã thực hiện việc chuẩn bị theo các giai đoạn sau đây :

- quyên góp tiền bạc : đây là vấn đề khó khăn, vì dân chúng nghèo túng. Nhưng Cha đã muốn chính họ góp công góp của vào việc xây cất nhà của Chúa và cũng là nhà cầu nguyện của họ. Vì thế Ngài đề nghị năm mỗi gia đình đóng góp 10 ký gạo vào công việc50 ; cũng có một số làng nhớ công ơn giúp đỡ của Ngài cho họ, nên cúng ruộng đất cho Cha thực hiện công việc này51. Vào thời đó không có việc tài trợ giúp từ bên ngoài.

- chuẩn bị vật liệu : vấn đề thứ hai còn gay cấn hơn, đó là lo sắm làm sao vật liệu cho đủ. Vào thời đó không có phương tiện chuyên chở, xây cất, cần trục và các phương tiện tân kỳ khác như thời đại ngày nay. Người ta cần những khối đá từ 7 đến 8 thước khối, với trọng lượng khoảng 20 tấn. Phải chuyên chở các khối đá này từ 30, 50 cây số ở xa về, như từ Thiện-Dưỡng; hoặc các cây gỗ từ BếÔn-Thủy (Vinh, cách Phát-Diệm 200 cây số)52. Rồi các phiến gỗ lớn cũng phải chuyên chở về như vậy 53. Lúc này Cha Trần-Lục phải dùng trí để tính toán và lợi dụng các yếu tố thiên nhiên bên ngoài, như sức nước, dòng sông, thủy triều lên xuống. Ngài đã lợi dụng tất cả cho việc xây cất các thánh đường tại Phát-Diệm.

3. Việc xây cất

Tại Phát-Diệm, vào năm 1862 chỉ có một ngôi nhà tranh, rồi một nhà thờ khác rộng hơn (năm l871) 54. Năm 1865 Cha Trần-Lục được cử làm Cha xứ giáo xứ Phát-Diệm. Khi ngài đến Phát-Diệm, thì đây chỉ là một bãi bùn lầy đầy những cói và sậy 55. Cha đã xây dựng xứ đạo và Nhà Thờ Lớn Phát-Diệm trên cơ sở tầm thường này.

Việc xây cất được thực hiện theo hai giai đoạn : giai đoạn xây cơ sở và các nhà thờ chung quanh, và giai đoạn xây cất chính ngôi Nhà Thờ Lớn56.

Năm 1875, để xem móng đất có vững chắc đủ hay không - bởi vì vùng Phát-Diệm là vùng đất tân bồi - Cha Trần-Lục đã cho thử xây "Núi táng xác", cũg gọi là "Núi Calvariô = Núi Sọ". Kết quả được nhận định là rất khả quan. Móng đất rất vững chắc. Do đó việc xây cất các nhà thờ được tiến hành.

Khi thấy đất khá vững chắc, Cha Trần-Lục bắt đầu xây cất ngôi Nhà Đức Mẹ Maria. Nhà thờ này được xây cất theo lời khấn của Cha khi Ngài còn ở trong tù tại Lạng-Sơn. Người ta cũng gọi nhà thờ này là Nhà Thờ Đá, vì tất cả đều bằng đá. Nhà thờ dài 18 thước, rộng ngang 9 thước và cao 5 thước.

Năm 1889, Cha Trần-Lục tiếp tục xây Nhà thờ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Nhà thờ này được xây cất toàn bằng gỗ lim. Nhà thờ dài 25 thước, rộng ngang 12 thước và cao 9 thước. Cửa chính nhà thờ này được chạm trổ rất đẹp và được đưa sang triển lãm bên Paris. Ngoài ra chúng ta phải kể tới các nhà thờ khác cũng được lần lượt xây cất, như nhà thờ kính thánh Giuse, nhà thờ kính thánh Phêrô, nhà thờ kính thánh Gioan Tiền Hô hay kính thánh Rocô, rồi Phương-Đình với tháp chuông; và ba hang đá.

Năm 1891, Cha Trần-Lục cho xây Nhà thờ kính Đức Mẹ rất thánh Mân Côi, cũng gọi là Nhà Thờ Lớn, và bây giờ là Nhà Thờ chính tòa Phát-Diệm. Nhà thờ này đã được thánh hiến năm 199157. Nhà thờ được xây cất theo kiểu á đông, pha kiểu gô-tích 58. Để làm cho nền được vững chắc, người ta phải chôn xuống nhiều cây tre và đổ xuống thật nhiều đá. Nhà thờ dài 74 thước, cao 16 thước và rộng ngang 21 thước59. Có 48 cột gỗ lim lớn, trong đó 16 cây cột ở giữa có chu vi mỗi cột là 2 thước 35, cao 11 thước và nặng 7 tấn. Trên mỗi cột có khắc tên Đức Mẹ và tên Thánh Cả Giuse. Nhà thờ có 9 gian ; gian cung thánh, gian kiệu và 7 gian khác. Mái ngói hai tầng.

Gian kiệu cũng là cửa chính của Nhà thờ : có 4 cửa nhỏ và một cửa lớn ở giữa. Trên cửa giữa, có hai phiến đá lớn chồng lên nhau. Mỗi phiến dài 4 thước 20 phân, chiều cao 1 thước 50 phân; chiều rộng 75 phân. Còn phiến kia có chiều kích như sau ; 2 thước 10 phân chiều dài; 1 thước 20 chiều cao và rộng 60 phân. Trên cửa chính có chạm trổ 15 mầu nhiệm mân côi. Ở đây có để cỗ kiệu trang trí rất mỹ thuật.

Gian cung thánh toàn chạm trổ trên gỗ theo kiểu á đông, với mây, tre trúc, và các biểu hiệu á đông khác 60. Trên gỗ có chạm vàng và các chất kim loại khác làm cho lộng lẫy hơn và mầu sắc cũng như các nét nghệ thuật vẫn còn rực rỡ sau 100 năm cho tới ngày nay. Cách trang trí này luôn thấy trong đền vua 61, hoặc tại các Chùa tại Việt-Nam 62. Ngoài Ảnh Đức Mẹ Mân Côi, Thánh Đaminh và Thánh nữ Catarina, cũng như các Thiên Thần, Cha Sáu đã để lại nét đậm của Giáo Hội tại Việt-Nam, tức là việc ghi khắc chân dung 6 vị Tử Đạo Việt-Nam : Thánh Nữ Anê Đê, tức Lê-Thị-Thành, người Phúc-Nhạc, Phát-Diệm (tử đạo 12-7-1841, hiển thánh 19-6-1988); Thánh Micae Hồ-Đình-Hy, quan Thái Bộc (tử đạo 22-7-1857, hiển thánh 19-6-1988); Thánh Phêrô Cao (Pierre Rosa Ursula Borie, Giám mục phó Giáo Phận Tây Đàng ngoài, trong đó có Phát-Diệm, tử đạo 24-11-1838, hiển thánh, 19-6-1988); Thánh Phaolô Phan-Khắc-Khoan, Cha xứ Phúc-Nhạc (tử đạo 28-4-1840, hiển thánh 19-6-1988); Thánh binh sĩ Nicola Bùi-Đức-Thể (tử đạo 13-6-1839, hiển thánh 19-6-1988); Thánh Micae Nguyễn-Huy-Mỹ, lý trưởng làng Vĩnh-Trị (tử đạo 12-8-1838, hiển thánh 19-6-1988) 63. Trên các tường có 14 chặng đàng thánh giá chạm trên gỗ, với nghệ thuật khá tinh vi. Ở phía cùng nhà thờ, có tượng Đức Mẹ Maria. Đây là công trình kiến trúc rất đặc sắc. Bàn thờ bằng một phiến đá dài 3 thước, rộng 81 phân và cao 80 phân. Ngày nay có đặt một bàn thờ khác ở giữa gian cung thánh, cũng bằng một khối đá duy nhất, được thánh hiến ngày 7 tháng 10 năm 1991. Nói về bàn thờ này Bà Yvonne Schultz viết trong tạp chí Illustration, ngày 9-11-1929 như sau :"Các Ngài hãy ngắm cả cái bàn thờ chính đục nổi chạm bóng mà sơn son thiếp vàng chói lọi... có lẽ khắp hoàn cầu, không có những nhà thờ nào rực rỡ như trong nhà thờ ở Phát-Diệm, trùng trùng điệp điệp những bức cuốn, càng vào trong càng lộng lẫy" 64.

Viết về Cha Trần-Lục, tác giả Celsi Costantini (s.t.d.) đã nói như sau:"Cha Trần-Lục không muốn làm cho các tân tòng bỡ ngỡ bị mất gốc, khi cho hủy bỏ phong tục khác thường, nhưng Ngài biết làm cho họ yêu thích sự khiêm nhường kitô gíáo...".

Công trình xây cất cuối cùng là Phương-Đình, ở trước Nhà Thờ Lớn. Đây là công trình kiến trúc theo kiểu á đông và dựa theo quan điểm thần học : nhà vuông với kích thước gần bằng nhau : chiều ngang 24m, sâu 17m và cao 25 m; mái cong, 4 tháp chuông khác ở bốn góc, tháp ở giữa cao 25 thước 65. Cách xếp đặt này có tính cách thần học, vì phương đình là con đướng đẫn vào yết kiến các thần. Trên là lầu chuông, với quả chuông nặng gần hai tấn do Giáo xứ Phát-Diệm dâng cúng với hàng chữ ghi "Phát-Diệm xứ cống vật", cao 1 thước 90, đường kính là 1 thước 10. Ở giữa treo một trống cái thật lớn 66, cao 1 thước 90,đường kính là 1 thước 10.

4. So sánh với các công trình kiến trúc khác trong Nước

Khi nói tới thích nghi phụng vụ về khía cạnh nghệ thuật chúng ta nên nhớ rằng việc thích nghi này phải thỏa mãn hai nhu cầu : nhu cầu văn hóa và nhu cầu tôn thờ, hay nhu cầu thờ phượng, nhu cầu đức tin công giáo.

Về nhu cầu văn hóa và truyền thống dân tộc, chúng ta công nhận với tác giả Hoàng-Xuân-Việt là công trình kiến trúc tại Phát-Diệm nổi tiếng khắp nơi trong Nước và ngoài Nước, cũng như đã được Bộ Văn Hóa công nhận là Di tích lịch sử văn hoá, là vì đây là một công trình kiến trúc đại qui mô và có giá trị nghệ thuật cao của Cha Trần-Lục. Đàng khác theo lời Oạng Việt, thì khi Cha Trần-Lục thực hiện các công trình kiến thiết này, Cha làm truyền thống, làm văn hóa 67. Điều này đã được Kỹ sư Hoàng-Nghĩa-Lược tóm kết về giá trị công trình kiến trúc của quần thể nhà thờ Phát-Diệm như sau :"Với vậỳt liệu và kết cấu cổ truyền, kiến trúc Nhà thờ chính cũng như các nhà thờ các Thánh và cả Phương-Đình đều mang đậm nét dáng dấp các đình chùa cổ Nước ta, dáng dấp kiến trúc truyền thống Việt-Nam, có sự kết hợp ăn ý các mô-típ kiến trúc gô-tích tôn giáo Phương Tây. Trong sự kết hợỳp đó, các mô-típ kiến trúc gô-tích đều được cải biến"68. Chúng ta thử xem cái giống của toàn khu kiến trúc Phát-Diệm với các công trình kiến trúc khác trong Nước, nhất là với các Chùa cổ và các dinh thự tại Việt-Nam. Trong cuốn Kỷ Yếu Phát-Diệm 1891-1991 một cách thoáng qua, người viết đã đưa ra một số điểm so sánh giữa một vài cơ sở kiến trúc của Phát-Diệm, với một số kiến trúc cổ khác tại Việt-Nam; nhưng tác giả không đi sâu vào việc phân tích chi tiết : như so sánh hai tháp đá của Nhà Thờ Đá với Tháp Bút của Đền Ngọc Sơn Hà-Nội 69, hoặc so sánh Phương-Đình với tháp của Chùa Trăm Gian ở Hà Tây 70. Nhìn chung, thì cũng có phần nào giống nhau giữa các công trình được so sánh. Nhưng, có lẽ chúng ta cần nhìn vào nét chính của cung điện ở Huế và đường nét kiến trúc ở Phát-Diệm.

Tại Huế, chúng ta có thể đưa ra một số nhận xét sau đây về các công trình kiến trúc nghệ thuật :

1- Đây là một công trình xây dựng lớn và có quy mô, cũng như có tính cách nghệ thuật cao, được coi như một đúc kết văn hóa, nghệ thuật vững chắc cho các thế hệ sau, trước khi họ bước vào một nhãn quan mới về khoa học cũng như các ngành khác của văn minh hiện đại. Vì thế Huế tiêu biểu cho nghệ thuật cổ truyền Việt-Nam, và trở thành di sản văn hóa thế giới từ năm 1993 71. Tại Huế, chúng ta có Điện Thái Hòa, Ngọ môn, Lầu Ngũ Phụng, Điện Cần Chánh, Điện Càn Thành, Lầu Tử Phương Vô Sự, Khu Thế Miếu, Cột Cờ, Điện Hòa Khiêm, Cửa Thể Nhân, Lầu Bát Giác, Thái Bình Ngự Lâm Thư Lầu, Miếu môn, Hiển Lâm Các, Đốc Hựu Môn, Hưng Miếu, Duyệt thị đường, Bảo tàng cổ vật, Cung diên thọ, Cổng cung trường sinh, Trường du tạ, Cửa Hiển nhơn, Quốc tử giám, Viện cơ mật, Văn Miếu, Văn bia, Đỉnh thương bạc, Phú văn lâu, Nghênh lương đỉnh, Chùa Thiên Mụ, Hồ Tỉnh Tâm, Đàn Nam Giao, Cổng Trai cung Cầu Ngói Thanh Toàn, Chùa Diệu đế, Chùa Quốc ân, Chùa Thuyền Tôn, Chùa Tây Thiên Cổng Chùa Từ hiếu, Chùa Bảo quốc, Chùa Từ Đàm, Nhà thờ Phú Cam, Nhà thờ dòng Chúa Cứu thế, Trường quốc học, Lăng Gia long, Lăng Minh Mạng, Trung đạo kiều Lăng Triệu Trị, Lăng Tự Đức, Lăng Kiến Phúc, Lăng Đồng Khánh, Lăng Kiên Thái Vương, Lăng Khải Định72. Trừ các Chùa và Nhà thờ, tất cả các cơ sở khác đều được xây cất để phù hợp với công việc hành chánh, hoặc văn hóa và lăng tẩm chôn cất các vì vua.

2- Đây là một công trình xây dựng với đường lối nghệ thuật khá cao: người ta có thể nhìn vào từng vì cột, từng mái góc cong, từng cánh cửa, vì là do ý muốn của nhà vua đường thời, vì khả năng tài chánh có thể giúp thực hiện các công trình kia.

Tại công trình xây dựng ở Phát-Diệm, chúng ta cũng nhận thấy hai điểm trên đây. Quần thể Phát-Diệm cũng bao gồm có Nhà Thờ Lớn và 4 nhà thờ khác ở chung quanh : Nhà thờ Trái Tim Đức Mẹ, Nhà Thờ Trái tim Chúa Giêsu, Nhà Thờ Thánh Phêrô và Nhà Thờ Thánh Rocô (=Nhà Thờ Thánh Gioan Baotixita), với 3 núi đá : Hang Belem, Hang Núi Sọ và Hang Lộ-Đức, một Phương-Đình, một tượng đài Chúa Giêsu Làm Vua. Quần thể kiến trúc này tuy là ít, nếu so sánh với quần thể kiến trúc tại Kinh thành Huế, nhưng cũng đã nói lên một tổng thể đáng kể, nhất là về phương diện nghệ thuật kiến trúc. Ở Phát Diệm, Cha Trần-Lục xếp đặt và kiến thiết theo một mục đích rõ ràng, đó là để dùng vào việc phụng thờ Thiên Chúa. Ngoài ra ở đây, Cha Trần-Lục cũng hòa hợp các yếu tố như nước, như các phiến đá, các cơ sở hữu ích.

Nhìn vào Phương-Đình ở Phát-Diệm, chúng ta thấy có nét vẻ hao hao giống Miếu môn của Huế, hoặc Đốc Hựu môn, hoặc Cổng cung trường sinh, hoặc Cửa Thiên môn, hoặc Đại Hồng Môn (Cổng vào lăng Minh mạng), hoặc Chùa Thiên Trù 73. Tuy nhiên Phương-Đình Phát-Diệm có ba tầng, và tầng mặt đất có 5 cửa (ngũ quan); sau đó tầng trên mới có 3 cửa (tam quan) và lầu chuông. Kích thước Phương-Đình ( = Nhà Vuông ) được ghi nhận như sau : chiều ngang 24 mét, sâu 17 mét, cao 25 mét. Tầng dưới lớn nhất, có ba lòng, trong mỗi lòng có một sập đá; sập đá ở lòng giữa to nhất, là một khối đá dài 4m20, rộng 3m20 và dày 0m30. Người ta có thể nghĩ tới Long Sàng (sập rồng) bằng đá trước đình tại Đền Vua Đinh (thế kỷ 17-18) 74 ; hoặc Sập Rồng ở giữa sân tại Đền Vua Lê, Thanh Hóa gần núi Yên Mã. 75.

Chúng ta biết rằng việc xây cổng tam quan (hoặc ngũ quan) thường được hiện trong các công trình kiến trúc nghệ thuật tại các cơ sở hoặc các chùa chiền tại Việt Nam, như Cổng tam quan của Chùa Một Cột, Hà-Nội 76, hoặc Tam Quan tại Chùa Láng,Hà-Nội 77, hoặc Tam quan tại Chùa Quán Sứ, Hà-Nội 78 hoặc Tam quan tại Chùa Báo Quốc (1674), Thừa-Thiên, Huế 79, hoặc Tam Quan Chùa Linh sơn Đông thuyền (giữa thế kỷ 18), Thừa Thiên, Huế 80, hoặc Tam Quan, tại Chùa Thiên Aãn, Quảng-Ngãi 81 ; hoặc Tam Quan, tại Thiền viện Trúc-Lâm, Lâm-Đồng 82. Tại Chùa Hương, chúng ta có Nam Thiên Môn với tam quan và có hai tầng lầu 83. Kiến trúc ngũ quan được thực hiện tại Chùa Pháp-Vân (thời Lý), Hà-Nội 84 ; hoặc Tam quan Chùa Từ-Hiếu (giữa thế kỷ 19), Thừa- Thiên, Huế 85 và tại nhiều chùa khác.

Người ta cũng thấy những lầu chuông tại các Chùa có thể gợi hứng cho Phương-Đình Phát Diệm, như Đại Hồng chung của Chùa Cổ Lễ 86, hoặc tháp chuông của Chùa Keo, Thái-Bình 87 ; Lầu chuông tại Chùa Huyền thiên, Hà-Nội88.

Nhìn vào trong lòng Nhà Thờ Lớn, chúng ta cũng nhận thấy cái hao hao giữa ngôi thánh đường này và nội thất của các tòa nhà hoàng cung Huế. Các hàng cột chạy thẳng từ trên xuống dưới (sáu hàng cột xếp theo 8 hàng dọc, tất cả là 48 cột gỗ lim). Chúng ta hãy so sánh các hàng cột này với các hàng cột của Điện Thái Hòa, của Điện Khoa Khiêm, của Thế Miếu, của Lầu Ngũ Phụng tại Hoàng cung Huế. Người ta cũng có thể nghĩ tới lối chạm trổ trên các cột này như tại hàng cột của Đền Vua Lê, Yên Mã, Thanh-Hóa 89. Việc trang trí các vì kèo cũng cho thấy nét giống của Nhà Thờ Lớn Phát-Diệm và một số kiến trúc ở nơi khác 90. Rồi nhìn vào kích thước của Ngôi Nhà Thờ Lớn, với chiều cao của Nhà Thờ lớn Phát Diệm là 16 thước, chiều dài là 80 thước và chiều ngang là 21 thước. Khi so sánh kích thước Nhà thờ này với các tòa nhà dài tại Hoàng cung Huế, chúng ta cũng phải nhận thấy một sự gần gũi giữa hai quần thể kiến trúc. Chúng ta nên lưu ý là tại các ngôi Chùa cổ, sự xếp đặt ngôi Chùa thường chia làm 3 phần : gian giữa để bàn thờ Kính Đức Phật, ở hai gian hai bên và các gian kế cận dùng cho các tín đồ đến cầu kinh, hoặc các phần vụ khác. Như vậy việc xử dụng ngôi Chùa được thể hiện theo các gian chiều ngang, trừ một ngôi Chùa ở Sàigon, tức là Chùa Giác Hải (1887), trong đó bàn thờ Kính Đức Phật đuợc đặt ở gian cuối tòa nhà, chứ không ở gian giữa như trong các Chùa khác.

Các cửa tại các ngôi nhà thờ ở Phát-Diệm cũng được chạm trổ công phu theo nghệ thuật kiến trúc á đông 92. Chúng ta so sánh với những cánh cửa chạm trổ tinh vi tại các cơ sở kiến trúc khác ở Việt-Nam, sẽ nhận ra cái giá trị nghệ thuật cao của công trình thực hiện tại Phát-Diệm và mức độ thích nghi trong phạm vi nghệ thuật của công trình kiến trúc này 93.

Song song với việc xây cất các ngôi thánh đường tại Phát-Diệm, chúng ta còn có các sáng kiến thích nghi phụng vụ khác trong phạm vi nghệ thuật, như việc làm cỗ kiệu chạm trổ "thông phong" dùng trong buổi đi kiệu tại Phát-Diệm đã có từ 100 năm nay 94.Rồi tòa giải tội được chạm trổ với hình cây trúc thay vì tấm màn che ngăn như trong các tòa giải tội thường thấy ở các nơi khác 95.

(còn tiếp)

ĐÔ Trần văn Khả


Nhà Thờ Chính Tòa Phát-Diệm, phần (1) & (2)

URL: http://danchuausa.net/giao-hoi-viet-nam/nha-tho-chinh-toa-phat-diem/