Trích từ Dân Chúa

Mục Tử Nhân Lành, Chủ Chăn Thánh Thiện

Lm Phêrô Hồng Phúc

ĐI BỆNH VIỆN VÌ VÂNG LỜI

Chuông điện thoại vang lên tại phòng thường trực Tòa Giám Mục Phát Diệm, lần này do chính Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng, từ Tòa Tổng Giám mục Hà Nội gọi về. Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng đã nhận được thư của Đức ông Phaolô Giuse Tịnh Nguyễn Quang Thiều viết ngày 15.07.1996 đưa tin về thể trạng Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo Giám mục Giáo phận Phát Diệm. Đã từ mấy tuần nay, mắt Đức cha bị cộm, nhức mỏi và tăng huyết áp, các phương pháp điều trị thông thường không đủ để nâng được Đức cha dậy khỏi giường. Cuộc nói chuyện của Đức Hồng Y không ngoài nội dung mời Đức cha lên Hà Nội chữa bệnh. Đức Hồng Y quen giáo sư bác sĩ chuyên khoa điều trị bệnh này. Hôm đó là ngày 16.07.1996, ngày cầu nguyện và vâng lời, để ngay ngày hôm sau Đức cha lên xe đi Hà Nội chữa bệnh.

NHỮNG DIỄN BIẾN TẠI TỔNG GIÁM MỤC HÀ NỘI

Là Giám mục niên trưởng trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN) hiện nay, lại là Giáo phận quê hương của Đức Hồng Y đương kim Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng. Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo được đón tiếp tại Tòa Tổng Giám mục Hà Nội với đầy lòng kính trọng và ưu đãi. Đức Hồng Y dành phòng riêng, nhà khách riêng cho Đức cha. Việc điều trị ban đầu xem ra thuận lợi. Giáo sư Đỗ Doãn Đại, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, là người thân quen của Đức Hồng Y đã nhiệt tình đưa Đức cha nhập viện để cùng Giáo sư bác sĩ Trần Đức Thọ, Viện trưởng Viện Lão Khoa kiểm tra, chữa mắt cho Đức cha, tình hình khả quan tới mức hy vọng trong một tuần lễ Đức cha có thể trở về an toàn. Tất cả sẽ được ổn định nếu không có một bất ngờ xảy ra:

Ngày 22.07.1996, Đức cha thấy nổi cộm một khối u ở vùng đại tràng, ban đầu chỉ coi đơn giản như bệnh đường tiêu hoá, nhưng khi bác sĩ Hào đến, lập tức vấn đề trở nên nghiêm trọng. Nếu đây là do căn bệnh “Phồng động mạch chủ bụng” là nguyên nhân dẫn đến cao huyết áp, và từ cao huyết áp dẫn đến đau mắt, thì căn bệnh không còn đơn giản chút nào. Bác sĩ Hào lập tức giới thiệu đi Bệnh viện Bạch Mai. Tại đây các bác sĩ xét nghiệm và kết luận cho thấy đúng là “Phồng động mạch chủ bụng”, căn bệnh đã ở vào thời kỳ 2, thời kỳ gay cấn có thể dẫn đến vỡ động mạch chủ và khi đó tử vong đi theo là điều chắc chắn. Các bác sĩ còn cho rằng đoạn động mạch chủ phồng ở đoạn tách hai nằm sát với thận, như thế việc giải phẫu sẽ hết sức khó khăn nếu không muốn nói là không thể thực hiện được. Dù sao “Còn nước còn tát” cách tốt nhất là giới thiệu đi Bệnh viện Việt Đức để giải phẫu, nhưng xe ô tô chở Đức cha đến trước cửa bệnh viện lại quay về Tòa Tổng Giám mục Hà Nội theo chính yêu cầu của Đức cha vì ngài dường như đã không muốn chữa nữa mà chỉ nghỉ lấy sức để trở về!

NHỮNG NỖI LO ÂU

Phòng khách số 4 Tòa Tổng Giám mục Hà Nội đón Đức cha lưu lại không lâu, nhưng những lo lắng suy tính và nhất là tâm tình cầu nguyện thì cường độ tăng lên không ngừng. Cuối cùng sự khôn ngoan của loài người đã nhường bước cho tâm tình đơn sơ phó thác vào Thiên Chúa. Đức cha đồng ý vào Bệnh viện Việt Đức, phó mình trong tay Chúa và tin vào khả năng của các bác sĩ chuyên khoa.

Trải dài suốt cuộc đời chủ chăn thánh thiện, bàn tay của Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo đã xức dầu cho biết bao tín hữu, nhưng giờ đây bàn tay đáng kính ấy lại lãnh nhận Bí tích Xức Dầu Thánh từ tay Đức Hồng Y kính mến. Đây là lần đầu tiên trong đời, người cha già đáng kính của giáo phận chịu phép Xức Dầu Thánh để “tính sổ” với Chúa theo cách nói bình thản của người trước khi vào bệnh viện.

Công việc đầu tiên mà Đức cha Phaolô có thể thực hiện mang đầy tính nhân đạo là tặng bệnh viện một máy điều hòa nhiệt độ. Máy này được lắp đặt tại phòng hậu phẫu mà chính Đức cha cũng sẽ ở một khi ca phẫu thuật thành công.

Ngày lễ Hiển Dung 06.08.1996 cũng là ngày Đức cha Phaolô đi thử máu để xét nghiệm. Liệu dung nhan Đức cha có còn “tỏa sáng” sau những ngày thương khó vì phải qua giải phẫu hay không ?

Tất cả còn đang chờ đợi ở phía trước.

Thử máu là bước đầu tiên trong tiến trình giải phẫu. Đức cha Phaolô thuộc nhóm máu O, ai cũng hiểu đã mổ thì cần được truyền máu, không thiếu những người còn muốn hiến máu cho vị cha chung đáng kính của Giáo phận Phát Diệm, nhưng cần phải hợp nhóm máu mới được hiến. Cuối cùng vinh dự đó dành cho cha Phaolô Đinh Công Hanh, cho các chị giúp việc Nhà Chúa là chị Mơ và chị Sáng.

Những bước tiếp theo càng cần thận trọng. Đức cha Phaolô được đưa đi chụp X quang phổi và điện tâm đồ tại Bệnh viện K đối diện với Bệnh viện Việt Đức, vì ở đây có máy móc hiện đại hơn. Công việc được tiến hành tại tầng 4. Làm thế nào để đưa Đức cha lên an toàn? Cha Giuse Mai Văn Thiện – nghĩa tử của Đức cha - đã ghé vai cõng Đức cha lên, đó là cách an toàn và cơ động nhất! Kết quả chiếu chụp cho thấy tim, phổi Đức cha rất tốt, các bác sĩ nói cơ quan nội tạng của Đức cha tốt như ở người mới có 50 tuổi vậy.

Đó thật là một thể trạng tốt nhưng chưa phải là tình trạng tốt đối với căn bệnh của Đức cha Phaolô, vì theo bác sĩ nói, nếu động mạch chủ vỡ do bị phồng thì cái chết sẽ đến ngay lập tức. Cần phải tiến hành thận trọng từng bước. Việc siêu âm qua máy vi tính và đặc biệt là chụp cắt lớp (CT) theo phương pháp hiện đại nhất, đã đưa đến kết luận rõ ràng, cần phải giải phẫu và phải giải phẫu ngay.

Giáo sư bác sĩ Đặng Hanh Đệ, chủ nhiệm khoa Ngoại Bệnh viện Việt Đức đến khám trực tiếp cho Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo. Giáo sư đã khẳng định chuyên môn của mình bằng một quyết định cương quyết qua câu nói ngắn gọn: “Mổ!”. Chính câu nói đó đã làm tăng thêm lòng tin cho bệnh nhân là Đức cha. Lòng tin đó hoàn toàn có cơ sở vì giáo sư bác sĩ Đỗ Doãn Đại đã đến thăm Đức cha ngay sau đó, được biết tin chính giáo sư Đặng Hanh Đệ sẽ trực tiếp mổ cho Đức cha, ngài đã lạc quan nhận định: “Được giáo sư Đặng Hanh Đệ mổ thì Đức cha cứ yên tâm, đó là bàn tay mổ tài năng nhất hiện nay ở Việt Nam, chuyên mổ cho các vị lãnh đạo nhà nước. Một gia đình vinh dự có tới ba anh em là giáo sư bác sĩ.”

Thế là thời điểm mổ đã được ấn định. Ngày 12.08.1996 sẽ là ngày có đáp án cho cuộc giải phẫu của Đức cha Phaolô. Tin này đã gây chấn động trong khắp giáo phận. Đức ông Phaolô Tịnh Quang Thiều và các cha Phát Diệm hội thảo dưới sự chủ tọa của Đức cha phó Giuse Nguyễn Văn Yến, chủ trương tôn trọng nguyên tắc thầy thuốc – bệnh nhân: Nếu các bác sĩ quyết mổ và Đức cha đồng ý thì xin tuân theo, nhưng nếu được hỏi ý kiến thì không ai muốn để Đức cha mổ cả. Đức ông Thiều cho rằng Đức cha tuổi cao sức yếu, chữa bộ phận này lại liên quan tới bộ phận khác trong cơ thể, trở ngại sẽ không lường được.

Tin Đức cha Phaolô mổ cũng truyền vào miền Nam, tới Sở Hưu của các cha Phát Diệm, ai cũng lo lắng cầu nguyện nhiều cho Đức cha, Hội dòng Mến Thánh giá làm tuần khấn trọng thể liên tiếp hướng về cầu nguyện cho Đức cha. Tin bay sang Rôma tới Đức ông Vincent Trần Ngọc Thụ, Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Đức ông Đaminh Nguyễn Văn Thiện, Đức ông Phanxico Borgia Trần Văn Khả. Lập tức Đức ông Đaminh Nguyễn Văn Thiện điện về Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng hỏi thăm Đức cha và đề nghị nếu tại Việt Nam không có đủ điều kiện tốt thì chuyển sang Roma để các ngài lo liệu.

Trong Giáo phận Phát Diệm, các xứ hiệp dâng Thánh Lễ khấn Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, xin Đức Mẹ gìn giữ Đức cha qua cơn gian nguy.

Cuối cùng, ngày 12.08.1996 đã tới, một bầu khí hồi hộp, lo âu bao trùm khắp cả giáo phận.

Công việc đã được chuẩn bị từ tối hôm trước, Đức cha nhịn ăn để hôm sau lên bàn mổ. Người nhà túc trực để hiến máu, lời cầu nguyện đan xen giữa những tiếng thở gấp gáp bay lên trước nhan Chúa.

8h15’ bác sĩ Quyền tới đón Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo tại phòng và cùng với thầy Tuyên đẩy xe lăn đưa Đức cha tới phòng mổ. Khó có thể diễn tả hai trạng thái khác biệt nhau giữa cha và con. Những người con hiếu thảo đẩy xe lăn với đôi mắt ngấn lệ, các soeur và đại diện đoàn hội giáo dân ngồi dài trên hành lang, lo âu và thầm thì cầu nguyện. Gương mặt người cha già đáng kính, trái lại, rất bình thản và trong sáng. Những gì cần dặn dò Người đã dặn cả rồi, bàn tay gân guốc đã không hề run khi ký giấy cam đoan mổ. Lời trả lời “Không!” cũng rất rõ ràng cho bác sĩ khi bác sĩ vừa hỏi “Đức cha có sợ hãi gì không?” Hết sức điềm tĩnh nằm trên bàn mổ, Đức cha nói với một giọng đầy tự tin: “Tôi biết cách đây sáu mươi tám năm có một Đấng đã cứu tôi, bây giờ Đấng ấy vẫn đang ở bên tôi”.

Cách đây sáu mươi tám năm, tức là khi Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo mới 20 tuổi, một cơn bệnh nặng tưởng chừng Đức cha không thể qua khỏi. Một đêm trong giấc mơ, thật lạ lùng, ông cố thân sinh Đức cha thấy có người đến bảo: “Nhà này có kẻ ốm nặng mà không đi lấy thuốc chữa cho nó à?” sáng tỉnh dậy, bán tín bán nghi, ông cố định bụng xuống Thị trấn Phát Diệm lấy thuốc cho con. Vừa khi ra đến cổng gặp người quen, chào hỏi xã giao biết ông cố đi lấy thuốc cho con, người này giới thiệu đến nhà một thầy lang cũng gần, ông cố bụng bảo dạ: Thôi thì “Có bệnh thì vái tứ phương,” cứ nghe người ta giới thiệu xem sao! Nào ngờ thuốc về khỏi bệnh, cả gia đình tin rằng Chúa quan phòng đã cho gặp thầy gặp thuốc để khỏi bệnh.

Giờ thì Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo đã ở trong phòng mổ, người nhà không có ai được ở lại. Giáo sư bác sĩ Đặng Hanh Đệ chủ ca phẫu thuật; bác sĩ Nguyễn Thành, thạc sĩ, phụ mổ; bác sĩ Sơn, bác sĩ Tuấn phẫu thuật viên; bác sĩ Kính gây mê cùng các trợ lý trong khoa. Công việc gây mê bắt đầu từ 8h30’. Thời gian nặng nề trôi. Tất cả người nhà bao gồm các thầy, các sœurs, giáo dân Phát Diệm có, Hà Nội có; hồi hộp lo lắng chờ đợi! Đã ba tiếng trôi qua, tiếng dao, kéo không còn đụng chạm nữa, Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo bất động trên bàn mổ, phòng mổ vẫn đóng im!

Khác với các ca phẫu thuật khác, mãi không thấy đưa Đức cha Phaolô xuống phòng hồi sức, hay đã có chuyện gì xảy ra, hoặc lỡ có gì rủi ro rồi chăng? Thật là sự im lặng đến sợ hãi. Không ai biết được kết quả, vẫn là không gian im lặng, chậm chạp đến não nề. Bóng đã ngả về chiều!

Cuối cùng, chiếc băng-ca cũng đã xuất hiện, thân hình bé nhỏ của Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo nằm gọn trên băng-ca, vẫn chưa khẳng định được điều gì. Yếu tố duy nhất để xác định sống chết giờ đây là thời gian. Tất cả vây quanh Đức cha hồi hộp đợi chờ...

Mãi tới năm giờ chiều, mọi dồn nén mới trôi qua, Đức cha tỉnh lại và nhẹ nhàng thốt lên câu đầu tiên: “Sống rồi!” Niềm vui tỏa chật căn phòng, tạ ơn Chúa vô cùng, Đức cha đã hồi sinh! Niềm vui và bình an trở lại với giáo đoàn!. Người đầu tiên đến chúc mừng là Giáo sư Đặng Hanh Đệ. Đây là ca phẫu thuật đầu tiên thành công của Giáo sư cũng như của toàn khoa Tim Mạch đối với một bệnh nhân ở tuổi 88, nếu không phải vì Đức cha, chẳng ai tiếp nhận bệnh nhân mổ ở độ tuổi này. Cùng ca mổ với Đức cha, một bệnh nhân ở độ tuổi bảy mươi đã hôn mê suốt cả đêm sau, ngày kế tiếp phải cấp cứu trở lại và không hy vọng sống.

Những ngày tiếp theo sau là nối tiếp những niềm vui, vui từ khoa Tim Mạch về đến Giáo phận quê hương Phát Diệm, ra đến Tòa Tổng Giám mục Hà Nội và xa hơn... Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng đến tận giường bệnh Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo chúc mừng, hai đấng ôm hôn bình an thật xúc động. Đức Hồng Y tươi cười hài hước hỏi Đức cha:

- Bây giờ Đức cha đã thấy Chúa chưa?

Đức cha mỉm cười dí dỏm đáp:
- Con đã thấy và con vẫn thấy !

Ngày xuất viện hai tuần sau đó thật cảm động, cả khoa Tim Mạch tiễn chân một bệnh nhân xuất viện! Điều chưa hề có ở đây và còn đáng nhớ hơn nữa là sau đó khoảng hai tuần toàn khoa đã về thăm Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo tại Tòa Giám mục Phát Diệm giữa ngày giáo dân Phát Diệm đang sung sướng, hoa trên tay mừng Đức cha bình phục. Giáo dân đứng chật sân Tòa Giám mục nhìn lên tầng hai, Đức cha đứng tại vòm hiên rạng rỡ, vui tươi, có giáo sư Đặng Hanh Đệ đứng bên cùng với toàn khoa Tim Mạch. Một kỷ niệm sâu sắc không những cho cộng đoàn dân Chúa mà còn cho cả khoa Tim Mạch Bệnh viện Việt Đức. Chính Giáo sư Đặng Hanh Đệ đã tâm sự với tôi khi tôi được Đức cha cử lên thay mặt Đức cha cám ơn giáo sư và toàn khoa sau đó như sau: “Đây là lần đầu tiên kể từ 36 năm thành lập khoa tới nay, toàn khoa cùng về thăm Đức cha và Nhà thờ Phát Diệm. Tôi rất cảm động thấy giáo dân kính mến Đức cha và cũng rất ngạc nhiên thấy Đức cha bình phục quá nhanh. Tôi có cảm nghĩ Đức cha có một sự hộ phù linh thiêng cộng với ý chí tuyệt vời của Đức cha nên mới có một sự phục hồi mau lẹ như vậy”.

NHỮNG BẤT NGỜ CỦA ƠN THÁNH

Giáo sư Đặng Hanh Đệ đã không thiếu thực tế khi nhận xét hiện trạng sức khoẻ khả quan của Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo. Và còn hơn thế nữa, chỉ sau đó hai tháng, ngày 05.11.1996 Đức cha lại lên Hà Nội, nhưng không phải để chữa bệnh mà là để tiễn Đức Hồng Y lên đường đi Rôma. Có ai ngờ rằng chỉ chưa đầy một tháng sau đó, ngày 02.12.1996 Đức cha cũng bay sang Rôma để cùng với các Giám mục Việt Nam viếng mộ hai Thánh Tông đồ Phêrô - Phaolô và bái kiến Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II theo thông lệ.

Dịp đi Âu châu “trối già” này, Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo đã ghé qua Đức và Pháp. Đặc biệt tại Pháp, Đức cha đã đi hành hương tới Lộ Đức và dâng Thánh lễ tại Bàn thờ trong hang đá, nơi Đức Mẹ đã hiện ra 1858 với chị Bernadette Soubirous. Sau một tháng rưỡi công du, Đức cha trở về Việt Nam vào ngày 18.01.1997, ngày mà trước đó tròn 6 tháng, Đức cha đi Hà Nội chữa mắt để rồi tiếp nối một chuỗi dài những sự kiện thăng trầm về căn bệnh hiểm nghèo của Đức cha. Thật may mắn, trong Thư chung viết ngay sau khi về tới giáo phận nhà, chúng ta được nghe chính Đức cha kể lại hành trình:

“Trước hết, tôi xin cám ơn các cha và tất cả mọi người đã thương cầu nguyện nhiều cho tôi trong các dịp đặc biệt vừa qua. Tôi nhận thấy có bàn tay quan phòng, che chở của Chúa và Đức Mẹ một cách rất đặc biệt trong năm qua. Tôi được khoẻ mạnh, bình an như hôm nay là nhờ lời cầu nguyện thiết tha của các cha, các nam nữ tu sĩ và toàn thể anh chị em. Những biến cố quan trọng đến với tôi năm Bính Tý (1996) vừa qua là:

1. Đi khám bệnh và cuộc giải phẫu:

Kỳ đó tôi lên Hà Nội chỉ có ý chữa mắt, nhưng trong khi điều trị mắt, tình cờ khám phá ra bệnh “Phồng động mạch chủ bụng” một bệnh nếu không biết trước mà chữa thì khi nó vỡ động mạnh là chết, mà rất khó phát hiện vì nó không đau, khi vỡ ra mới đau, mà khi vỡ thường là chết.

Nhờ ơn Chúa thương tôi đã gặp được Giáo sư bác sĩ cao tay Đặng Hanh Đệ điều trị cho tôi. Vết mổ của tôi mau lành đến nỗi chính Giáo sư Đệ cũng lấy làm ngạc nhiên vì tôi đã 88 tuổi mà bệnh viện thường không mổ cho những người trên 70 tuổi nữa. Lý do là tuổi ấy các tế bào không phát triển nhanh được như khi còn trẻ, nên vết thương lâu khỏi, dễ nguy hiểm.

Tôi đã được chữa lành là do ơn Chúa, được như thế là nhờ lời cầu nguyện của mọi người anh chị em.

2. Chuyến công du sang Rôma yết kiến Đức Thánh Cha:

Lại một hồng ân lớn lao và đặc biệt hơn nữa cho tôi dịp vừa qua là tôi đủ sức đi Rôma yết kiến Đức Giáo Hoàng, thủ lãnh của Giáo Hội hoàn vũ mà tôi không dám nghĩ rằng được gặp Người như thế. Qua cuộc giải phẫu, tôi nghĩ chỉ còn dọn mình chờ chết thôi, nhưng không ngờ Chúa lại cho có sức làm cuộc hành trình dài gần hai tháng (từ 02.12.1996 đến 28.01.1997). Vì thế, khi tôi tới Rôma, các cha và mọi người quen biết rất ngỡ ngàng vì thấy ông già 88 tuổi, yếu đau, bệnh tật, chống gậy, còn có sức sang được tới Rôma. Nay tôi xin kể sơ qua về hành trình mà tôi vừa mới đi về để các cha và anh chị em được biết và thêm lời tạ ơn Chúa cho tôi.

Tôi khởi hành từ sân bay Nội Bài Hà Nội lúc 3 giờ chiều ngày 02.12.1996, 5 giờ tới Sài Gòn. Tới đó, tôi thấy đông các cha, các tu sĩ nam nữ tới đón và tiễn chân tôi đi Rôma. 19h là bảy giờ tối máy bay cất cánh đi Paris – thủ đô nước Pháp – Sau bảy tiếng rưỡi, máy bay tới Dubai (Ảrập) để lấy dầu, tới đây đã được nửa chặng đường. Sau đó tiếp tục đi Paris, chúng tôi tới Paris lúc 5h30 sáng hôm sau (03.12.1996). Từ Paris chúng tôi đi tiếp sang Rôma, thủ đô của Giáo Hội. Tới đây lúc 9h30 và sau đó chúng tôi đã được đưa về Foyer Phát Diệm (Nhà Quản lý Rôma). Ở đây, chúng tôi gặp Đức Hồng Y Phaolô J. Phạm Đình Tụng, các Đức cha đã tới trước. Nghỉ ngơi ở đây một ngày, rồi cùng Đức Hồng Y, các Đức cha vào yết kiến Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.

Những ngày sau, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gặp riêng từng vị, mỗi người chỉ được 10 phút. Đến lượt tôi, Đức Giáo Hoàng mở bản đồ Việt Nam ra và hỏi tôi: “Phát Diệm chỗ nào?” và Ngài ân cần hỏi thăm một số linh mục, tu sĩ và giáo dân trong Giáo phận nhà. Tôi xin Đức Giáo Hoàng chúc lành cho tôi và hết mọi người trong giáo phận, thế là hết 10 phút và tôi bái Người đi ra.

Tôi dâng lễ Đồng tế với các Đức cha tại Đền thờ Thánh Phaolô, ngay trên phần mộ của thánh Tông đồ.

*Ngày 14.12 .1996 chúng tôi đã đồng tế với Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tại Nhà nguyện riêng của Người.

*Ngày 04 .01.1997 tôi sang Đức thăm một cha học trò bị ốm nặng phải mổ, và thăm mấy chị em dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm ở Bonne, một thành phố lớn của Đức.

*Ngày 11 .01.1997 tôi rời Đức trở về Rôma để chuẩn bị chuyến viếng thăm Đức Mẹ Lộ Đức ở Pháp.

*Ngày 11.01.1997 chúng tôi từ giã Rôma lên đường đi Pháp. Tới Pháp, chúng tôi được các cha Thừa sai Paris đón tiếp rất nồng hậu vì nơi đây là nhà tổ của mình. (Đạo Công giáo của Giáo Hội Việt Nam chúng ta được phát triển như ngày hôm nay là nhờ công lao của các cha Thừa sai này). Tôi đã đi viếng Đức Mẹ Lộ Đức, làm lễ ngay ở hang Đức Mẹ đã hiện ra, tham dự Thánh lễ này có khoảng 100 người, trong đó nhiều người Việt Nam.

*Ngày 17.01.1997 chúng tôi trở về Việt Nam, các cha Thừa sai Paris tiễn chúng tôi tới tận Sân bay quốc tế Paris. Đúng 12h30 máy bay cất cánh, sau 15 tiếng tới Sài Gòn vào lúc 8h30 ngày 18.01.1997. Có đông các cha gốc Phát Diệm, các chị dòng Mến Thánh Giá ở miền Nam ra đón. ở Sài Gòn, tôi đi thăm Vũng Tàu, thăm Đức cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật và vùng Gia Kiệm, nơi có nhiều người gốc Phát Diệm. Mừng Quan thầy tại Nhà Hưu Dưỡng Phát Diệm, gặp mặt 120 cha và đông các chị em Nhà dòng Mến Thánh Giá. Trong Thánh Lễ tạ ơn tại Nguyện đường nhà Hưu Dưỡng các cha Phát Diệm. Sau đó, có bữa tiệc mừng Ngọc Khánh và Quan thầy của tôi.

Tôi không quên cuộc đón tiếp tôi nồng nhiệt, vui tươi, chân tình của các cha và các chị em Nhà dòng Mến Thánh Giá trong miền Nam.”

Thật là kỳ diệu việc Chúa quan phòng, kỷ niệm 60 năm Linh mục, 40 năm chủ chăn Giáo phận của Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo đã khởi sự từ chính Rôma, nơi có Foyer Phát Diệm và đông đảo con cái ưu tú Giáo phận đang làm việc hoặc sống cộng đoàn taị đây. Hạ cánh máy bay tại Việt Nam vào ngày 18.01.1997, Đức cha còn được mấy ngày nghỉ lấy sức để chuẩn bị cho con cái mừng ngày 21.01.1997, ngày Sinh nhật tròn 88 bước sang tuổi 89 của Đức cha. Vinh dự lớn lao này trước hết được dành cho cộng đồng dân Chúa tại miền Nam, điều đó là hoàn toàn hợp lý vì ai cũng hiểu chuyến đi “trối già” này của Đức cha là lần cuối cùng, không hy vọng Đức cha có đủ sức để đi một chuyến từ Bắc vào Nam nữa. Chẳng cần bàn cãi, ai cũng hiểu không được bỏ qua cơ hội cuối cùng này. Đông đảo các thành viên trong gia đình Linh mục, tu sĩ, gốc Phát Diệm từ Đà Nẵng, Đà Lạt, Bảo Lộc, Xuân Lộc và từ miền Tây đã có mặt tại An Dưỡng viện Phát Diệm đón chào Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo. Đặc biệt có sự hiện diện của Đức cha Phaolô Maria Nguyễn Minh Nhật, Giám mục Giáo phận Xuân Lộc. Đức cha Aloisiô Phạm Văn Nẫm, Giám mục phụ tá Giáo phận Tp Hồ Chí Minh, cha Tổng đại diện Gioan B. Huỳnh Công Minh, Đức ông Trần Văn Hiến Minh. Thánh lễ 9h00 do Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo chủ sự vừa long trọng lại vừa xúc động. Chính Đức cha đã bày tỏ tâm tình đó trong Thánh lễ:

“Với thân già sức yếu, lại đang mệt nhọc vì cuộc hành trình đường xa vạn dặm, tôi rất phấn khởi được quý Đức cha, quý cha, quý tu sĩ nam nữ và các con cái gần xa đón tiếp tôi rất nồng hậu và tổ chức mừng tôi trọng thể như thế này, thực tôi hết sức cảm động và tận tình cảm ơn mọi đấng bậc, vì tấm thịnh tình ưu ái đặc biệt đối với tôi.

Tuy xa cách ngàn dặm, nhưng lòng tôi vẫn hướng đến những người con của Giáo phận mẹ, sinh sống trong miền Nam này, và ước ao có dịp vào viếng thăm.

Với ngót chín mươi tuổi đời, không biết Chúa còn để tôi sống được bao lâu nữa, có khi năm nay là năm sau cùng đời tôi!”

Linh cảm này của Đức cha khiến mọi người ai cũng xúc động và hồi tưởng về quá khứ hào hùng của một người cha đáng kính.

ƠN GỌI LINH MỤC

Trước năm 1936, chưa ai biết đến giáo xứ Tam Châu vì xứ Tam Châu lúc đó thuộc về giáo xứ Phúc Nhạc – Một giáo xứ đã thành lập từ năm 1790 nổi tiếng với Nhà dòng Mến Thánh Giá Phúc Nhạc thành lập từ khoảng năm 1830, nơi có nhà in sách chữ Nôm do chị em nữ tu phụ trách và là quê hương của bà thánh Anê Lê Thị Thành, người phụ nữ Việt Nam duy nhất trong số 117 vị thánh được phong thánh năm 1988; với trường Tiểu Chủng viện Phúc Nhạc được cha Paul Francois Puginier MEP (về sau làm Giám mục Giáo phận Tây Đàng Ngoài) thành lập 01.11.1867.

Mãi tới năm 1940 xứ Tam Châu mới được biết đến và chỉ thực sự nổi danh vào năm 1957 – năm Tòa Thánh bổ nhiệm cha Phaolô Bùi Chu Tạo – quê xứ Tam Châu – làm Giám quản Giáo phận Phát Diệm để rồi hai năm sau đó chính thức được tấn phong Giám mục Giáo phận ngày 26.04.1959.

Xuất thân từ một gia đình nông dân đức hạnh, là con cả trong gia đình gồm 5 trai, 2 gái, chú Phaolô Bùi Tạo (hồi nhỏ chưa đệm tên Bùi Chu Tạo) dâng mình vào Nhà Chúa từ năm 10 tuổi với lý lịch ghi ngày sinh: 21.01.1909 tại Giáo họ Tam Châu, Giáo xứ Phúc Nhạc, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Tên bố: Giuse Bùi Liêm, tên mẹ: Anna Nguyễn Thị Hợi.

Cha Phaolô Dương Đức Liêm là vị linh mục khôn ngoan và đạo đức. Vào những năm 1920, cha dạy trường Thầy giảng tại Tam Châu, nhận thấy gia đình ông bà Giuse Bùi Liêm hiền lành, thật thà, sống đạo và nên gương chứng nhân, con cháu đều chăm ngoan, hiếu học, đặc biệt cậu cả của ông bà mắt sáng, trán cao, tiềm ẩn một trí khôn sâu sắc, tính tình khiêm tốn nhường nhịn, cha liền nhận cậu cả vào trường thử học tại Nhà xứ Ba Làng (Thanh Hóa). Đến năm 1930 lại nhận cậu Simon Đạt, con thứ 6 của ông bà cố Liêm. Simon Đạt học trường Thử Ba Làng. Sau ba năm vào, Tiểu Chủng viện Phúc Nhạc học được hai năm thì ốm đau, xin hồi tục lập gia đình có hai con đi tu là Thầy An dòng Trợ thế Gioan Thiên Chúa ở Tân Biên, Hố Nai và soeur Hưởng dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm, Gò Vấp.

Cũng thời gian ấy, chú Phaolô Bùi Tạo đã đi hết chặng đường của 6 năm Tiểu Chủng viện. Dấu hiệu ơn gọi rõ ràng: gầy còm nhưng không yếu đau, luôn đứng đầu lớp về học lực cũng như về hạnh kiểm.

Hai năm làm Thầy giảng giúp cha dưỡng phụ Phaolô Dương Đức Liêm, thầy Tạo đã tỏ ra là một tông đồ nhiệt thành thánh đức. Nhiều học sinh ngày nay vẫn còn nhớ công ơn người thầy dạy đạo đức giúp họ nên người trưởng thành. Ai cũng cảm phục Thầy là giáo viên gương mẫu, hiền lành mà cương nghị, nghiêm khắc nhưng với tất cả tình thương.

Khi học Thần học với cha giáo Gioan Maria Phan Đình Phùng (sau này là Giám mục Phát Diệm), thầy Tạo luôn có những câu hỏi chứng tỏ một suy tư sâu sắc và một tư cách cương nghị, khẳng khái. Có lần cha giáo phải lên tiếng với học trò của mình: “Không nghe thì hãy ngồi im đi”.

Ngày 13.03.1937, thầy Phaolô Bùi Chu Tạo thụ phong Linh Mục từ tay Đức cha Gioan B. Nguyễn Bá Tòng tại Nhà thờ Chính tòa Phát Diệm. Mười hai tân Linh mục như con số mười hai Tông đồ xưa được đưa vào cánh đồng truyền giáo của Giáo phận. Cha Phaolô Bùi Chu Tạo là người yếu còm, nhỏ bé nhất, nhưng sứ mệnh của ngài lại lớn lao hơn cả. Sau một tuần làm phó xứ Khiết Kỷ, bề trên sáng suốt đặt ngài làm giáo sư Chủng viện Phúc Nhạc. Chín năm trôi qua trong an bình và ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, nhưng những sự kiện lớn thay đổi liên tiếp tại Giáo phận đã kéo theo sự thay đổi của vị giáo sư gương mẫu.

Ngày 28.05.1944 Đức cha Gioan Maria Phan Đình Phùng đột ngột qua đời, Đức cha Anselmô Tađêô Lê Hữu Từ được tấn phong vào ngày 28.10.1945 lên kế nhiệm. Cha Phêrô Phạm Ngọc Chi (sau này là Giám mục Bùi Chu) lên làm giám đốc Đại Chủng viện Thượng Kiệm thay cho Đức cha Gioan Maria Phan Đình Phùng. Cha Giám đốc Phêrô Phạm Ngọc Chi chọn cha Phaolô Bùi Chu Tạo làm linh hướng cho Đại Chủng viện Thượng Kiệm. Người cha giàu cương nghị và cũng giàu tình thương ấy đã tạo nền cho một hàng giáo sĩ của Phát Diệm xây đời phục vụ trên lòng đạo đức và tình thương. Theo sát phương châm của thánh bổn mạng: “Tôi trở nên mọi sự cho mọi người, để cứu rỗi mọi người” (1Cr 9, 22). Cha linh hướng đã vắt kiệt sức mình vì một trọng trách cao cả là cầm cân nảy mực cho Đại Chủng viện Thượng Kiệm, tận tâm đến độ phải về nghỉ dưỡng bệnh tại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Thượng Kiệm (1951 - 1954). Ba năm tĩnh dưỡng cũng là một biến cố quan trọng mà Chúa quan phòng đã chuẩn bị cho người con ưu ái của ngài. Biến cố đời tư hòa nhập trong biến cố lịch sử trọng đại của đất nước - di cư năm 1954. Hàng giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân của Giáo phận Phát Diệm nối nhau di cư vào miền Nam. Con số linh mục từ 152 cha chỉ còn 33 cha, hầu hết là các cha lớn tuổi ở lại. Giáo dân từ 138.900 người xuống còn 58.900 người. Cha Phao lô Bùi Chu Tạo cũng lui về phụ trách xứ quê hương Tam Châu, phụ trách thêm bốn xứ là Gia Lạc, Nam Biên, Hiếu Thuận và Phúc Hải. Chính tại Giáo xứ Phúc Hải, cha đã ghi nhớ mãi một câu chuyện cảm động mà sau này trong suốt đời chủ chăn, vào những dịp lễ hôn phối cha không ngừng kể lại, câu chuyện về một người vợ đến xin cha cầu nguyện cho gia đình chị, không phải để di cư mà là ở lại bình an.

- Sao chị không di cư, người ta đi hết cả rồi?

Cha Phaolô Tạo hỏi.
- Thưa cha, chồng con bị phong cùi. Con ở lại để chăm sóc chồng con.

Nếu cha cảm động trước tấm lòng người vợ hiền của gia đình kia, thì Giáo phận cũng xúc động trước sự hy sinh thầm lặng ở lại với đoàn chiên của cha. Sự hy sinh đó đã được ghi nhận xứng đáng. Ngày 30.11.1956, cha được Tòa Thánh bổ nhiệm làm Giám quản Giáo phận Phát Diệm.

Ngày lễ thánh Phaolô trở lại 25.01.1957, cha Phaolô Bùi Chu Tạo được trợ lực bằng tinh thần của Thánh quan thầy: “Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban sức mạnh cho tôi”(Phl 4,13) để can đảm nhận chức, trở thành tân Giám quản giữa một bối cảnh lịch sử vô cùng khó khăn và biến động.

Khó khăn chồng chất khó khăn, thiếu hụt hàng giáo sĩ, Đại Chủng viện Thượng Kiệm lại bị giải thể, dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm di cư gần hết. Cha Giám quản Phaolô Bùi Chu Tạo kiên nhẫn gửi các thày đi học ở Hà Nội; nhận lớp đệ tử mới vào Nhà Thử, Nhà Tập cho Hội dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm, bày tỏ một lập trường kiên định và một tư cách người chủ chăn tốt lành hiến mạng sống vì chiên. Tư cách đó đã khiến Đức Khâm sứ Dooley tại Tòa Khâm sứ Hà Nội trực tiếp tuyển chọn và phúc trình Tòa Thánh và Tòa Thánh đã sắc phong Giám mục cho Đức cha ngày 24.01.1959 hiệu tòa Numidia (Algérie).

Lấy lý do ốm yếu không được, cha Giám quản khất lần vì chưa kịp tĩnh tâm nhưng Đức Khâm sứ Dooley không những hiểu lý do ngoại cảnh mà còn hiểu rõ cả đức khiêm nhường của cha Giám quản Phaolô Bùi Chu Tạo, ngài dàn xếp: “Cha tĩnh dưỡng cũng như là đã tĩnh tâm, hãy can đảm lãnh nhận lấy sứ mệnh”. Và đức vâng phục đã dẫn đến ngày 26.04.1959 ngày cha được tấn phong Giám mục do tay Đức Tổng Giám mục Hà Nội Giuse Trịnh Như Khuê (sau là Hồng Y tiên khởi Việt Nam). Ngài nhận khẩu hiệu “Hãy yêu thương nhau thực tình đừng giả dối” - In caritate non ficta” (2Cr 6,6).

THUNG LŨNG TỐI

Theo quan niệm Trung Quốc, người ta bàn luận nhiều về những người tuổi Thân (tướng cầm tinh con khỉ) và láy đi láy lại thành một lập luận rất hay:

Tuổi Thân thì mặc tuổi Thân
Sinh vào giờ Dần cũng vẫn làm quan
Làm quan thì mặc làm quan
Sinh vào giờ Dần cũng vẫn tủi thân.

Ít nhất là ứng nghiệm đối với Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo. Ngài “làm quan” nhưng vẫn “tủi thân”, có lẽ vì do hoàn cảnh xã hội lúc đó tác động, mà cũng có thể do bản lĩnh của ngài tạo nên. Hoặc có thể cả hai cộng hưởng để tạo thành những trang sử đặc biệt của Giáo phận Phát Diệm suốt nửa cuối thế kỷ XX.

Khởi đầu là sự ra đi lặng lẽ của các cha già. Các cha “lão thành” của Phát Diệm giảm dần theo thời gian mà tương lai chủng sinh thì mờ mịt. Các chủng sinh gửi học Hà Nội tiếp tục bị giải tán. Giáo phận Phát Diệm lâm vào tình trạng không phải là “Tre già măng mọc” mà là “Tre già măng cọc”.

Chưa hết, vì số nữ tu dòng Mến Thánh Giá Phát Diệm cũng bị “sơ tán”, số còn lại đã ít lại gặp biến cố đau thương của loạt bom Mỹ phá hoại năm 1968. Mẹ Bề trên và bốn nữ tu chết. Cơ sở Nhà dòng bị tàn phá khốc liệt. Nhà thờ Chính tòa Phát Diệm phải đắp luỹ đất tránh bom đạn và sau phải sơ tán lễ Chúa nhật về các họ lẻ. Tưởng như thế đã là bi đát nhưng đau thương còn lên đến tột đỉnh. Vào giữa ngày lễ Đức Mẹ Hồn Xác Về Trời năm 1990, chính Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo đã tả lại trong bài giảng lễ khai mạc năm kỷ niệm 100 năm Nhà thờ Chính toà Phát Diệm:

“Ngày 15.8.1972, máy bay Mỹ đã thả một chuỗi 8 quả bom, suốt từ Nhà Chung ra tới ao hồ mạn đàng tây. Trong số đó, có 4 quả khoét những hố sâu, một quả rơi trúng sân đường kiệu Nhà Thờ Lớn về phía tây, thẳng chỗ giáp giới hai nhà thờ cạnh, làm đổ Nhà thờ cạnh phía bắc và làm xiêu ghé nhà thờ phía nam, tung lên mái Nhà Thờ Lớn cả mái trên mái dưới 36 viên đá thước, ngói vỡ bay gần hết. Trong 112 cánh cửa hai bên nhà thờ vỡ hết chỉ còn 4 cánh. Nhà thờ xiêu ghé về phía đông bắc 15-20cm , vỡ 4 tấm đá đàng Thánh Giá ở gian cung thánh, đất bắn phủ đầy kèo cột”.

“Lửa thử vàng, gian nan thử đức”, chính trong gian khó chồng chất đó mà chúng ta thấy rõ được bản chất cương nghị và đức tin sống động, sâu sắc của một Người cha giáo phận đáng tôn kính. Chính ngài đã tự thuật về công cuộc tái thiết Nhà Thờ Lớn:

“Đứng trước quang cảnh ấy, ai trong chúng tôi cũng ngã lòng và tưởng có sửa chữa được thì phải đợi sau chiến tranh. Nhưng để lâu thì những vàng thiếp ở trên gian cung thánh sẽ bay hết, nên chúng tôi đã quyết sửa ngay. Nói đến việc sửa chữa thì ai cũng hào hứng. Và bắt đầu tháng Mân Côi năm ấy, chúng tôi tra tay vào công việc: lấp các hố bom, xẻ gỗ đóng lại 52 cánh cửa chung quanh nhà thờ, đi mua ngói ở các nơi về lợp lại.

Không những giáo dân ở Phát Diệm, mà cả anh chị em giáo dân bên Giáo phận Bùi Chu, trong Thanh Hoá cũng đóng góp thóc, gạo nuôi thợ. Trong hai, ba tháng đầu, chung quanh nhà thờ ngày nào cũng có đến 200 người giúp việc, phần đông là làm không lấy công hay lấy phần nào thôi. Gỗ thì nhờ họ Thượng Kiệm cúng cả ngôi nhà thờ của họ bị bom đổ, được nhiều gỗ vì nhà thờ ấy cột kèo vào cỡ lớn nhất trong giáo phận. Do lòng nhiệt thành, có người ở xa đem cơm gạo về trọ ở đây mà làm, có tốp thợ mộc làm cả tháng không lấy công. Mặc cho máy bay hàng ngày bay lượn ở trên đầu, mặc cho súng bắn, họ vẫn cứ làm. Công việc tấp nập như thế hàng hai, ba tháng, sau đó còn phải sửa chữa những nhà thờ nhỏ và sân, hai năm trời mới xong”.

Hoàn thành một công việc mang tính trọng trách lịch sử như thế, lẽ ra Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo cần được nghỉ ngơi và thanh thản tâm hồn thì biến cố bi thương lại xảy đến: Đức cha phó Giuse Lê Quý Thanh - người mà Đức cha Phaolô đã xin Tòa Thánh bổ nhiệm năm 1964 với quyền kế vị sau khi ngài qua đời, lại ra đi trước ngài vào ngày 07.05.1974. Nỗi đau đã vật ngã người cha già trên giường bệnh suốt từ đó kéo dài trong nhiều năm. Nhưng, chính từ trong đau thương ấy, Đức cha Phaolô càng trở nên dẻo dai, sáng suốt. Ngài ra Thư chung, kêu gọi các thanh niên có học thức và thiện chí đáp ơn gọi dâng mình cho Chúa và xin Chính quyền cho học hàm thụ tại giáo phận để có thêm Linh mục phục vụ giáo dân. Một mặt, ngài kêu gọi giáo phận cầu nguyện cho có thêm Đức cha phó kế vị ngài. Mặt khác, truyền chức Phó tế cho thày Giuse Hiến quê Giáo xứ Bình Sa năm 1975. Mấy tháng sau, thầy Sáu qua đời chưa kịp truyền chức Linh mục. Ánh chớp yếu ớt vừa loé lên trong thung lũng tối lại vụt tắt. Dù vậy, Đức cha Phaolô vẫn kiên trì và tin tưởng rằng: “Dù bước đi trong thung lũng tối, tôi không lo mắc nạn vì Chúa ở cùng tôi” (Tv 22,4 ). Đức cha phó Giuse Nguyễn Thiện Khuyến được Tòa Thánh chấp thuận theo thỉnh nguyện của Đức cha và được tấn phong ngày 24.04.1979. Ngày 06.01.1979 thêm hai thầy Phó tế, Phêrô Nguyễn Quang Phúc và Phanxicô Xaviê Nguyễn Đức Quỳnh để rồi một năm sau, ngày 22.03.1980 thụ phong Linh mục cho hai thầy Phó tế đầu tiên là Phêrô Phúc và Fx Quỳnh kể từ sau năm 1954. Đó là niềm an ủi cho Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo và niềm vui hé mở cho Giáo phận Phát Diệm. Năm 1982, thêm hai Linh mục nữa là Antôn Đoàn Minh Hải và Antôn Phạm Hoàng Lãm. Đây là kết quả của lớp đào tạo hàm thụ tại Tòa Giám mục theo sáng kiến của Đức cha. Và lần lượt bảy cha trong lớp cựu chủng sinh tái trường, đã công khai hóa chức Linh mục vốn trước đó đã thụ phong âm thầm, thể hiện lập trường kiên định của Đức cha Phaolô.

Là người may mắn, được trực tiếp Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo dạy dỗ, tôi không bao giờ quên được những hình ảnh về người cha già đáng kính của Giáo phận:

Năm 1975, khi tôi được Đức cha cho gọi vào Tòa Giám mục Phát Diệm, Nhà Chung lặng ngắt giữa thời khó khăn, chỉ có Đức cha, Đức cha phó - chính xứ Phát Diệm là Đức Cha Giuse Nguyễn Thiện Khuyến (1974-1981) và tôi là người giúp việc. Đêm đầu tiên trằn trọc khó ngủ, đến nửa đêm về sáng lại ngủ quên, tới giờ lễ Đức cha phải từ tầng hai xuống gọi dậy giúp lễ, thái độ không khó chịu nhưng ôn tồn, bao dung của Đức cha khiến tôi quyết tâm từ đây tự điều chỉnh để dậy đúng giờ. Ngày thứ hai, nghe tiếng chân Đức cha bước lên cầu thang, tôi vội bật dậy lên theo. Đồng hồ nhà nguyện chỉ 2 giờ, tôi hơi bỡ ngỡ. Rồi ngày nào Đức cha cũng lên nhà nguyện vào giờ đó. Tôi hiểu ra sức sống nội tâm của Đức cha và hiểu được bí quyết làm cho Đức cha vừa mềm dẻo lại luôn cương quyết giữa bối cảnh xã hội đầy biến động lúc đó.

Tôi vào Nhà Chúa được mấy ngày thì gặp bão lớn. Mái Nhà Chung tốc ngói, nước tràn vào đầy phòng Đức cha. Ngài không cho tôi gọi người nhà mà trực tiếp cầm chổi gạt nước, múc nước vào xô cho tôi xách ra ngoài đổ. Tâm tình cha con thân mật của ngài khiến tôi nhớ mãi.

Một lần, tôi phát hiện một con rắn giữa đường đi, con rắn bò chậm vì thuộc loại rắn độc. Tôi vội đánh chết con rắn và cầm que hất xuống vườn. Đúng lúc ấy, Đức cha đi qua. Ngài hỏi:
- Sao con lại đánh nó?

- Dạ, nó cắn mình thì mình phải đánh nó chứ ạ!

Đức cha ôn tồn giải thích:
- Nếu mình không có ý đánh giết nó thì đâu nó có cắn mình. Nó cắn chẳng qua chỉ để tự vệ thôi chứ!

Tôi bỗng hiểu tâm hồn yêu thiên nhiên của Đức cha, chính vì thế mà Đức cha không đồng ý cho ai đem súng hơi vào săn bắn chim trong khu vực Tòa Giám mục.

Năm 1980, truyền chức Linh mục cho hai anh em chúng tôi xong, Đức cha khưyên một lời mà tôi nhớ mãi suốt đời tôi: “Các cha xem các pho tượng Chúa và Đức Mẹ, được giáo dân tôn kính vì nó mang hình ảnh Chúa và Đức Mẹ, ngày nào còn mang hình ảnh Chúa và Đức Mẹ thì còn được tôn kính, mất hình ảnh Chúa và Đức Mẹ thì người ta vất vào sọt rác vì nó chỉ là bùn đất mà thôi.”

Quả thực Đức cha Phaolô có những lời ngắn gọn mà sâu sắc cả đời. Năm 1985, khi tôi bị Chính quyền đưa đi quản chế tại họ lẻ Thiện Mỹ xứ Ninh Bình, tôi được khích lệ suốt 4 năm quản chế bằng một lá thư ngắn Đức cha động viên: “Kỳ tôi sang Rôma, thấy người ta nhốt những con Voi, Nai ở Sở thú. Ban đầu tôi nghĩ chắc chúng khổ lắm, đang xấn xổ chạy rừng giờ bị nhốt vào chuồng. Nhưng đến sau tôi nghĩ lại: Nếu nó không chịu khổ như thế thì nhiều người không biết con Voi, Nai là thế nào. Việc cha về trên ấy không ngoài ý Chúa để cho nhiều người biết Chúa hơn. Chúc cha vui theo thánh ý Chúa.” Tôi coi đó là nguồn trợ lực hơn mọi lời động viên và phần thưởng nào khác.

Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo là con người cương nghị, luôn bình tĩnh trong mọi tình huống. chỉ có một lần vào năm 1981 tôi thấy Người bày tỏ cảm xúc của mình cách rõ rệt nhất.

Đó là buổi sáng ngày 14.05.1981, vừa khi tới bàn ăn, thay vì đọc kinh ăn cơm, Đức cha tỏ vẻ đau đớn và tuyên bố: Có một tin rất buồn là hôm qua Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II vừa bị ám sát. Người ta đã thực hiện cuộc giải phẫu hơn 5 tiếng đồng hồ, hiện giờ ngài còn rất mệt. Chúng ta hãy cầu nguyện cho ngài.

Nỗi đau còn tiếp tục trở lại vào ngày 15.12.1981. Đúng vào lúc Giáo xứ Phát Diệm đang rạo rực hướng về ngày lễ Giáng Sinh thì Đức cha Giuse Nguyễn Thiện Khuyến qua đời đột ngột. Thế là cả hai Đức cha phó đều đã ra đi trước Đức cha chính, để lại hậu quả là Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo phải ốm liên tiếp nhiều năm. Khó khăn chồng chất khó khăn, ngày 03 tháng 12 năm 1985 Chính quyền đưa tôi đi quản chế, chính sách tôn giáo trở nên nóng bỏng hơn. Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo lượng định tình hình chính xác chỉ bằng một câu ngắn gọn tại Nhà thờ Chính tòa: “Tuổi già của tôi ước mong có gậy chống, nào ngờ Nhà nước bắt cha Phúc đi quản chế. Án thì cha Phúc nhận, còn đòn thì chủ đánh vào tôi!”

Từ năm 1986 tình hình trở nên khá hơn do những diễn biến của cục diện hòa bình thế giới. Phái đoàn tôn giáo Liên xô gồm 4 Giám mục Chính Thống giáo đã ghé thăm Nhà thờ Chính tòa Phát Diệm và hứa hẹn một tương lai cởi mở hơn. Tại Giáo phận Phát Diệm, khởi đầu là việc Đức ông Phaolô Tịnh Quang Thiều, Giám chức danh dự của Đức Thánh Cha (Prélat d’honneur de sa sainteté) được giải án quản chế năm 1987. Kế đến là Đức cha phó Giuse Nguyễn Văn Yến được tấn phong Giám Mục ngày 16.12.1988. Hai năm sau, năm 1990, Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo tiếp tục lên đường đi Rôma lần thứ hai, viếng Tông tòa hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô. Lần thứ nhất vào năm 1980, trên đường đi có ghé thăm Liên xô và Hung-ga-ri. Tại Liên xô lần ấy, Đức cha Phaolô không hiểu lý do tại sao một vị quan chức Liên xô phụ trách xuất nhập cảnh đã nhìn chằm chằm vào đôi mắt của Đức cha rất lâu. Đôi mắt sâu hóm hỉnh đó mãi tám tháng sau mới từ Rôma về Việt Nam khiến cả Giáo phận Phát Diệm xôn xao. Lời nói đầu tiên của ngài trước cộng đồng dân Chúa là: “Tôi sang châu Âu tăng được 2kg, nhưng khi trở về Việt Nam, lại sút mất 2kg. Của châu Âu trả lại cho châu Âu.” Lần thứ hai trở về, ngài nhận xét: “Trước đây ở Việt Nam tôi đã thấy, giờ sang châu Âu càng thấy rõ hơn, là ở Việt Nam nghèo khó mà giữ được lòng đạo như thế là một phúc rất lớn”. Đức cha còn sang Rôma lần thứ ba vào năm 1996, khi về, vòng qua Sài Gòn vào tháng giêng năm 1997, để cho con cái mừng Ngọc Khánh Linh Mục của ngài. Tất cả mọi người đều nhớ câu nói hóm hỉnh của Đức cha: “Hai miền Nam - Bắc như hai đầu dây Cao-su, càng kéo xa ra thì nó càng co gần lại.” Về tới nhà, Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo đã có thư kể chuyện như chúng ta đã biết ở phần đầu. Người ta gọi ngài là “Ông già hóm hỉnh” thiết tưởng chẳng có gì để oan! Ngài còn là “Một anh thanh niên bẩy mươi” như lời một bác sĩ nhận xét, bởi tâm hồn ngài phóng khoáng bao dung và còn bởi tinh thần rất canh tân của ngài nữa. Sáng kiến thành lập lễ gia trưởng và Hội gia trưởng. Năm 1990, tổ chức kỷ niệm 100 năm mừng Nhà thờ Chính toà Phát Diệm với sáng kiến xin ơn toàn xá của Tòa Thánh, sáng kiến tổ chức các xứ hành hương về giáo phận...Tất cả đều đã được các giáo phận áp dụng và lan rộng trên quy mô cả nước.

THỜI GIAN NGHỈ HƯU

Làm việc đi đầu, rồi nghỉ hưu cũng đi đầu. Ngài chủ động đệ đơn xin Tòa Thánh cho nghỉ hưu để Đức cha phó Giuse Nguyễn Văn Yến lên kế vị. Đơn của ngài được Tòa Thánh châu phê ngày 15.10.1998. Nội dung cô đọng và toát lên trọn vẹn cuộc đời của Đức cha:

BỘ TRUYỀN BÁ PHÚC ÂM

Số 4300.98 Rôma 15.10.1998

Kính thưa Đức cha,

Ngày 15.07.1998 Đức cha đã đệ đơn xin Đức Thánh Cha cất gánh mục vụ ở Giáo phận Phát Diệm, theo giáo luật khoản 401,1.

Đức Thánh Cha dạy tôi viết thư kính báo là: Đức Thánh Cha đã chấp nhận đơn của Đức cha, vì tuổi khá cao, xứng đáng nghỉ hưu sau khi đã làm Giám mục lâu năm mà hiệu quả, cách đây gần 40 năm, kể từ 24.01.1959.

Đức Thánh Cha và Bộ Truyền Bá Phúc Âm cho các dân tộc chân thành cảm ơn Đức cha, về tất cả những việc Đức cha đã làm cho Giáo phận Phát Diệm và Giáo Hội ở Việt Nam, với cương vị Linh mục, rồi cương vị Giám mục, giữa một tình cảnh khó khăn và đối địch với việc truyền bá Phúc Âm.

Lòng trung thành của Đức cha đối với Tông Tòa, đức khôn ngoan của Đức cha trong mục vụ, chắc hẳn sẽ là tấm gương sáng lạn cho Đấng kế vị, cũng như cho các tín hữu. Thánh Bộ muốn báo tin cho Đức cha việc công bố cho Đức cha nghỉ hưu và việc Đức cha Giuse Nguyễn văn Yến chính thức kế vị Đức cha. Văn phòng Tòa Thánh liên lạc với các Quốc gia, sẽ kính báo Chính phủ Việt Nam về việc thay đổi này.

Xin nhắc lại rằng: Tông Tòa biết ơn sâu sắc đối với việc Đức cha đã phục vụ. Tôi tận tâm chúc Đức cha sức khoẻ dồi dào, trường thọ mà thanh thản, an bình của Chúa chúng ta.

Kính thưa Đức cha, xin Đức cha nhận nơi tôi tâm tình huynh đệ trọng kính.

Hồng y Jozef Tomko
Bộ Trưởng
Giám mục Marcello
Thư ký

Văn thư Tòa Thánh trở nên hiệu lực chính thức tại Phát Diệm ngày 3.11.1998. Từ đây Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo rút vào trong thầm lặng như một mùa vọng tỉnh thức hướng về đại lễ cứu rỗi.

Công việc đầu tiên của Đức cha khi nghỉ hưu là viết bức Thư chung cuối cùng gửi toàn Giáo phận:

“Kính thăm các cha, các nam nữ tu sĩ và toàn thể anh chị em trong Giáo phận Phát Diệm.

Như anh chị em biết, Tòa Thánh đã chấp nhận tôi nghỉ hưu vì tuổi già sức yếu. Chiếu theo luật, Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến đương nhiên lên kế vị tôi làm Giám mục Phát Diệm.

Thánh Giám mục tiến sĩ Augutinh đã nói với tín hữu: “Chức Giám mục quả là một gánh nặng. Vì anh chị em chỉ thưa với Chúa về đời sống của mình; còn tôi không những phải thưa với Chúa về đới sống của tôi, mà còn thưa với Chúa về đời sống của anh chị em nữa.” Vì thế xin anh chị em cầu nguyện cho Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến được nhiều ơn Chúa Thánh Thần để chu toàn chức vụ của người, đồng thời chân thành cộng tác với người như đã cộng tác với tôi.

Suốt đời tôi, từ khi thụ phong cách đây gần 62 năm (13.3.1937) và khi thụ phong Giám mục cách đây gần 40 năm (25.4.1959), tôi đã phục vụ Giáo phận Phát Diệm quý yêu. Giờ đây tôi xin cám ơn tất cả những ai đã giúp tôi trong các nhiệm vụ đó. Cách riêng tôi cám ơn Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến đã chia sẻ với tôi trong mười năm qua, cám ơn các cha, nhất là các cha già, đã đồng lao cộng khổ với tôi mấy chục năm qua, cám ơn các nam nữ tu sĩ, các ban chấp hành xứ họ và mọi người trong cũng như ngoài Giáo phận đã giúp đỡ tôi cách này hay cách khác.

Trong cuộc đời 90 tuổi chắc hẳn tôi đã có những thiếu xót lỗi lầm vì yếu đuối. Xin Thiên Chúa nhân từ tha thứ cho tôi. Xin mọi người cũng vui lòng bỏ qua cho tôi.

Sau hết xin mọi người cầu cho tôi biết dùng tốt những tháng năm còn lại để chuẩn bị ngày Chúa gọi về với Chúa .

Xin thân ái chào các cha, các nam nữ tu sĩ và toàn thể anh chị em. Tôi nguyện xin Chúa, nhờ lời cầu bầu của Đức Mẹ Mân Côi, ban cho mọi người một lễ Giáng Sinh sốt sắng và một năm mới mạnh khoẻ, bình an, vui vẻ.

Phát Diệm, ngày 01.12.1998
Giám mục Phaolô Bùi Chu Tạo
Nguyên Giám mục Phát Diệm

Bức thư cuối cùng này đã gây xúc động mạnh trong toàn Giáo phận Phát Diệm. Kính trọng và sửng sốt, nhiều chức sắc, đại diện hội đoàn về gặp gỡ chia sẻ với Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo, nhưng ngài từ chối với lý do không còn coi sóc việc Giáo phận nữa. Khi Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến cùng toàn thể các cha giáo phận vào chào Đức cha, ngài khiêm tốn và dí dỏm:

- Đức cha và các cha đến thăm tôi đông quá, tôi nghĩ ngợi...

Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến trả lời:
- Địa phận là của Đức cha, chúng con có nghĩa vụ đến với Đức cha mà!

Đức cha Phaolô Tạo nói rất hài hước:
- Bây giờ là của Đức cha, con trả lại địa phận cho Đức cha đấy.

Đức cha Giuse thưa với ngài:
- Nhưng tất cả các cha đây đều là con cái Đức cha.

Đức cha Phaolô Tạo khăng khăng khẳng định lại:
- Bây giờ thuộc về Đức cha rồi, Đức cha nhận lấy mà coi sóc, cả con bây giờ cũng là con cái của Đức cha!.

Có một bất ngờ là chính ông phó Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình - người trực tiếp theo dõi, lãnh đạo khối Công giáo toàn tỉnh - về thăm Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo với một tình cảm đặc biệt, ngược hẳn với những gì ông đã thể hiện suốt những năm tháng làm việc với Đức cha. Sau hồi lâu chuyện vãn, ông ngỏ ý được chụp ảnh chung với Đức cha. Tôi thấy trên tay ông nâng niu một con chim bồ câu Hồng Kông mà Đức cha đã nuôi từ ngày dưỡng bệnh tại phòng 20 tầng 2 Nhà Chung. Loại bồ câu này nhỏ, xinh và rất dễ mến người. Hình ảnh hòa bình tràn ngập khung cảnh hưu trí và như lan sang vị Phó Giám đốc Công an Tỉnh. Quả là bầu khí thanh thản của một con người sau những năm dài hoàn thành trọng trách quản cai Giáo phận!

Từ Rôma, người con ưu tú của GiáoHội Việt Nam là Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tấn phong Hồng Y ngày 21.3.2001. Ngài viết qua danh thiếp gửi về Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo vài hàng chữ thân tình mà đầy ý nghĩa: “Kính thưa Ông Nội, con nhớ Ông Nội lắm. Con mong có Ông Nội trong ngày trọng đại của con nhưng Ông Nội yếu lắm. Xin Ông Nội giữ gìn sức khoẻ. Con mong có ngày gặp lại Ông Nội”.

Đúng là những ngày hưu thầm mà không lặng, cũng Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận trong tác phẩm “Đường Hy Vọng” đã nhận định: “Không có tông đồ hưu, chỉ là thay đổi lối làm việc” thật thích hợp với Đức cha già Phaolô Bùi Chu Tạo hôm nay.

Đức ông Phaolô Giuse Tịnh Quang Thiều đã nhận xét về Đức cha già như sau:

“Hình vóc bé nhỏ mà trí óc vĩ đại, thân hình mảnh dẻ mà hành động mãnh liệt. Nơi người, kết hợp hài hòa các cực đoan: vừa nghiêm nghị lại hiền từ. Cương quyết mà khiêm nhu mực thước, sáng tạo và thích nghi... Có một tinh thần vững mạnh khi biết mình có lý, không chịu khuất phục lùi bước hay là mềm yếu- xét- cần- để đạt cái chính yếu. Có nhiều sáng kiến tuyệt vời để giải uyết mọi vấn đề và thực hiện đến cùng điều đã dự định. Có những câu nói dí dỏm, tế nhị, đem niềm vui cho mọi thính giả”.

Năm 1999 đánh dấu một mốc điểm quan trọng của thiên niên kỷ. Cũng là năm Đức cha già tròn 90 tuổi, tuổi người đời gọi là hồng thượng thọ. Nhớ ngày Ngân Khánh Giám mục của Đức cha 1959-1984, Đức cha già ốm yếu tưởng không thể thọ thêm nổi chục năm nữa. Hồi đó tôi làm bài thơ kính mừng, trong đó có đoạn chúc:

Một chín chín, chín ơi là chín
Năm hai nghìn khẽ vịn cũng rơi
Chúng con chúc đến thế thôi
Sợ thêm tí nữa Chúa Trời bảo tham!...

Vậy mà bây giờ năm hai ngàn đã ló rạng. Ngày tôi và cha Hải còn là hai chú chủng sinh, Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo thường hay nói chuyện với chúng tôi: “Đời các anh sống đến năm hai ngàn chắc có nhiều sự lạ lắm, khoa học người ta tiến bộ nhanh khó tưởng tượng nổi. Năm 1968, tôi có radio sử dụng thì tin đầu tiên là phi hành đoàn Apollo của Mỹ đã đặt chân lên mặt trăng. Tôi cứ nghĩ đến năm 2000 thì không biết họ sẽ tiến bộ tới đâu”. Chúng tôi rất mừng vì năm 2000 đến, chính Đức cha cũng trực tiếp bước vào năm chuyển giao thế kỷ của nhân loại, chứng kiến những tiến bộ của khoa học hiện đại. Rồi năm chuyển giao của thế kỷ đi qua, Đức cha còn khoẻ mạnh bước vào thế kỷ 21”.

Ngày 19.4. 2001 kỷ niệm 100 Đức Giáo Hoàng Lêô XIII ký sắc lệnh thành lập Giáo phận Phát Diệm. Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng về dự ngày lễ trọng đại khai mạc Năm Toàn xá kỷ niệm 100 năm Thành lập Giáo phận Phát Diệm. Các Đức cha thuộc giáo tỉnh Hà Nội cùng hơn 100 Linh mục miền Nam, miền Bắc quy tụ. Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo vẫn còn đủ sức tiếp đón Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng viếng thăm, và tiếp chuyện vui vẻ, thân tình với các Linh mục, tu sĩ miền Nam gốc Phát Diệm về thăm Giáo phận Mẹ. Ai cũng vui vì thấy Đức cha trường thọ, sức bền dai và dí dỏm.

VIỆC PHẢI ĐẾN SẼ ĐẾN

Vừa một tuần lễ sau, ngày 26.4.2001, đúng ngày mừng kỷ niệm thụ phong Giám mục của Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo 42 năm về trước, Đức cha đột ngột ngã bệnh. Căn bệnh viêm phổi cấp tưởng chừng không có gì trầm trọng nhưng đã khiến Đức cha thở bằng ô-xy và chuyển lên Bệnh viện Việt Đức, nơi còn mang nặng nghĩa tình trong lần phẫu thuật thành công 1996.

Bác sĩ Quyền đã đón nhận Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo nhập viện như thân nhân số một. Vượt qua mọi thủ tục hành chính, bác sĩ Quyền đưa thẳng Đức cha vào khoa Hồi sức Tim Mạch, nơi đây đã có thêm nhiều y bác sĩ trẻ và khoa Tim Mạch năm 1996 nay đã trở thành Phòng Tim Mạch. Giáo sư Đặng Hanh Đệ rất vui khi được bác sĩ Quyền báo cáo về việc nhập viện của Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo. Giáo sư Đệ là người đầu tiên tới thăm Đức cha, rồi từ sau đó cứ từng hai người y bác sĩ đã từng chăm sóc Đức cha hồi trước lên phòng hồi sức chào Đức cha. Có người còn mang cả hoa để tặng “ông cố” theo cái tên thân thương họ gọi.

Giáo sư Đặng Hanh Đệ tâm sự: “Từ hồi cái máy điều hòa nhiệt độ đầu tiên do Đức cha tặng khoa Tim Mạch đến nay, phòng đã được nâng cấp có 13 máy khác hiện đại hơn, nhưng tôi vẫn giữ cái máy do Đức cha tặng tại phòng riêng, để nhớ lại kỷ niệm về lần gặp đầu tiên ấy”.

Căn bệnh phổi của Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo trở nên trầm trọng do Đức cha quá yếu không còn đủ sức đẩy đờm ra khỏi cổ họng. Bác sĩ Quyền nhiều lần đã phải dùng phương pháp vỗ đờm nhân tạo và ban đêm thường phải dùng máy hút đờm cho Đức cha dễ thở. Mặc dù phải thở ô- xy liên tục 24.24h, nhưng có lần phải đưa Đức cha đi chụp chiếu phổi phòng khác. Lần đó Đức cha như một vị tử đạo chịu cực hình vì máy chụp chiếu. Thân gầy, sức yếu, gân run rẩy, phim bị nhòa phải chụp lại. Mỗi lần ngài phải dướn mình do hai người sốc nách, dán ngực vào máy chiếu chụp, trong khi đó đờm tắc không thở được...

Sau suốt chín ngày đêm chiến đấu với bệnh tật, Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo được Đức Hồng Y Phaolô Phạm Đình Tụng thân đến giường bệnh viếng thăm và ban Bí tích xức dầu thánh cho. Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến và các cha Phát Diệm lần lượt lên thăm và đưa tin để mọi người cầu nguuyện cho Đức cha. Từ Mỹ và Auxtralia hai người cháu của Đức cha là ông Điện và soeur Nghĩa đáp máy bay về kịp để thăm người bác kính yêu. Ông Điện về kịp từ tối hôm trước và vui mừng nhận thấy tình trạng Đức cha khả quan hơn. Các bác sĩ hy vọng Đức cha có thể vượt qua cơn ác bệnh và về điều dưỡng tại nhà.

Sáng ngày 5.5.2001 Đức cha đã có thể ngồi lên rước Mình Thánh Chúa sốt sắng trên giường bệnh. Ai cũng hy vọng một cuộc trở về vui vẻ...

Đột ngột hồi 10 giờ 10 phút sáng ngày 5.5.2001, Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo đã ra đi. Ngài hưởng thọ 92 tuổi. Lúc Đức cha lâm chung, chỉ có một thầy và một cha thường trực bên cạnh. Các thầy và ông Điện còn vui vẻ đi thăm phố vì thấy Đức cha khả quan. Tôi vừa từ bệnh viện Việt Đức trở về Phát Diệm báo tin hy vọng... Ai cũng thấy là đột ngột dù đã chuẩn bị tinh thần từ lâu...

Đức cha già Phaolô Bùi Chu Tạo không còn nữa. Một tổn thất lớn lao cho Giáo phận Phát Diệm và cho Giáo Hội Việt Nam.

CÂY CAO BÓNG CẢ

Người đầu tiên đến hôn tiễn Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo ngay trên giường bệnh là Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng kính mến. Cũng chính ngài đã bước lên xe tang hôn tiễn lần nữa trên thi hài đã ướp xác của Đức cha tại tiền đường Nhà thờ Chính tòa Hà Nội.

Tại nhà thờ Chính tòa Phát Diệm, Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến cùng các cha, tu sĩ nam nữ và giáo dân Phát Diệm, trong trầm lặng đau thương đón Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo về quàn tại Nhà thờ Chính tòa Phát Diệm vừa mới được đại tu xong.

Đài Chân lý Á Châu đưa tin về cuộc ra đi của Đức cha già cố Phaolô Bùi Chu Tạo.

Ba ngày sau điện văn của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II kịp gửi về an ủi cùng Giáo phận Phát Diệm:

Điện văn của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II gửi cho Đức Giám mục Phát Diệm qua Đức Hồng y ASelô Quốc vụ khanh.

“Được tin Đức cha Bùi Chu Tạo, nguyên Giám mục Phát Diệm đã được Chúa gọi về. Đức Thánh Cha xin trao gửi vào tay Thiên Chúa người tôi tớ trung thành của Giáo Hội và xin Chúa đón nhận Người vào ánh sáng và sự bình an của Nước Chúa. Để nói lên niềm an ủi, Đức Thánh Cha xin Đức Mẹ La Vang lấy lòng từ mẫu chuyển cầu cho môn đệ, cho thân nhân người quá cố và cho toàn thể Giáo phận Phát Diệm phép lành đặc biệt của Tòa Thánh.”

Hồng y ASelô Sodano
Quốc vụ khanh

Mặc dù đang điều trị tại Mỹ, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận vẫn cố gắng gửi điện văn về:

“Kính gửi Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến Giám mục Phát Diệm

Kính thưa Đức cha, vì còn nằm tại nhà thương nên biết tin trễ. Đức cha già đáng kính Phaolô Bùi Chu Tạo đã qua đời, con xin có lời phân ưu với Đức cha, cha chính, các cha, các thầy và các tu sĩ nam nữ và toàn thể giáo dân Phát Diệm cũng như gia đình Đức cha già. Con xin hiệp ý với tất cả, cầu nguyện cho Đức cha già được hưởng nhan Chúa.”

Boston ngày 8.5.2001
Hồng Y Phanxicô X. Nguyễn Văn Thuận

Các Giáo phận bạn lần lượt về phúng viếng Đức cha, bên linh cữu Đức cha già cố kính yêu, nhiều tâm tình lắng đọng đã gợi lên công đức của Đức cha:

Cha Tổng đại diện Giáo phận Bùi Chu Phanxicô Xaviê Phạm Hoan Đạo đã bày tỏ:

“Kính thưa Đức cha, con còn nhớ khi chúng con sang thăm viếng Đức cha, Đức cha nói: Tên Giáo phận Bùi Chu đã khắc trong tôi (Bùi Chu Tạo). Hai Giáo phận nhớ cầu cho nhau nhiều.”

Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Sang, trưởng đoàn Giáo phận Thái Bình:

“Kính thưa Đức cha, khi con chưa về Thái Bình, thì cả Giáo phận con còn khuyết Giám mục. Chính Đức cha đã vâng ý Tòa Thánh kiêm nhiệm thêm Giáo phận Thái Bình để coi sóc. Con về đây kính viếng Đức cha là người tiền nhiệm của con và để nói lên lòng biết ơn của Giáo phận Thái Bình chúng con đối với Đức cha.”

Đức ông Gioan B. Lưu Văn Khuất, Giáo phận Thanh Hoá:

“Kính thưa Đức cha, hồi Đức cha Phêrô Phạm Tần qua đời đột ngột, Đức cha đã rộng lòng trang trải món nợ cho chúng con. Công ơn ấy thật to lớn. Chúng con xin ghi sâu ơn Đức cha và nguyện cầu Chúa thưởng công vô cùng cho Đức cha.”

Đức cha Ngô Quang Kiệt, Giáo phận Lạng Sơn (sau này là Tổng Giám Mục Hà Nội):

“Kính thưa Đức cha, vị tiền nhiệm của con là Đức cha Vincent Phaolô Phạm Văn Dụ quê hương Phát Diệm, đã luôn cảm nghiệm được tình thương của Đức cha đối với Giáo phận, con xin cùng với ngài tri ân Đức cha và cầu nguyện cho Đức cha.”

Suốt ba ngày đêm không ngớt lời kinh viếng của các Giáo phận và của 65 Giáo xứ thuộc Giáo phận Phát Diệm. Một câu đối trên bức trướng phúng viếng của các Giáo xứ nói trên toát lên tinh thần của cả Giáo phận Phát Diệm:

Ân sâu đức đầy, toàn Phát Diệm tạc ghi
Tình cao nghĩa cả khắp Việt Nam thương nhớ

Ngày 09.05.2001, 12 Giám mục, 105 Linh mục, hàng trăm tu sĩ nam nữ, khoảng 25.000 giáo dân cử hành lễ an táng trọng thể Đức cha già cố Phaolô Bùi Chu Tạo, có sự tham dự của Ban Tôn giáo Trung ương; đại diện chính quyền Mặt trận tỉnh Ninh Bình, huyện Kim Sơn, xã Lưu Phương, Hội Phật giáo tỉnh Ninh Bình, Hội Phật giáo huyện Kim Sơn. Linh cữu được rước từ Nhà thờ Chính tòa Phát Diệm ra Phương Đình trong lời điếu thơ của ông Phạm Đình Khiêm:

Trời Phát Diệm mây đen vần vũ
Sóng sông Ân nức nở khóc than
Đức cha Tạo đã ly trần !
Còn đâu đại thụ che thân Dân Người ?
Vầng tinh đẩu bỗng thôi chiếu sáng !
Bậc tiên tri im lắng lời vàng !
Còn đâu mục tử chí thành ?
Còn đâu Linh Phụ mối tình thiết tha ?!
Đời toàn hiến sao mà vội vã
Bỏ con thơ bỏ cả đoàn chiên ?!
Chúng con chợt hiểu thiên duyên
Cha đi dọn chỗ cao thiêng quê trời.
Chờ ngày vinh phúc tuyệt vời
Cha con sum họp đời đời âu ca. Alleluia.

Đức Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng một lần nữa hiện diện qua văn thư chia buồn:

“Kính thưa Đức cha, các cha, các nam nữ tu sĩ và anh chị em Giáo phận Phát Diệm.

Hôm nay, lễ an táng Đức cha già cố Phaolô Bùi Chu Tạo. Với tư cách là một người con của Phát Diệm, và một người em kết nghĩa của Đức cha già cố, tôi thấy mình có bổn phận về cử hành lễ an táng và tiễn đưa người đến nơi an nghỉ cuối cùng, nhưng tiếc rằng tôi yếu mệt không đi được, nên xin phép gửi mấy lời phân ưu với Đức cha và cộng đồng dân Chúa trong Giáo phận.

Đức cha già cố Phaolô mất đi, HĐGMVN thiệt mất đi một vị niên trưởng giầu kinh nghiệm, một tấm gương bình tĩnh, khôn ngoan và can đảm trong hoàn cảnh khó khăn và thử thách nhất.

Đức cha già cố Phaolô mất đi, Giáo phận Phát Diệm thiệt mất một vị mục tử hiền lành, một vị chủ chăn bác ái theo đúng khẩu hiệu Giám mục của người là:“Bác ái chân thành không gian dối”(2Cr 6,6). Đúng thế, ngài đã hy sinh bản thân vì mọi người. Bởi đâu mà ngài sống được như thế? Thiết tưởng đó là do tinh thần cầu nguyện của ngài. Chính từ đời sống cầu nguyện mà ngài được ơn soi sáng để hành động khôn ngoan, được sức mạnh nâng đỡ trong những lúc khó khăn, được lòng can đảm để chu toàn sứ mạng Chúa trao phó.

Đức cha già cố Phaolô mất đi, riêng cá nhân tôi, thiệt mất một người anh thiêng liêng, thân cận hơn 40 năm trời, thường xuyên đi lại thăm viếng nhau, cùng nhau chia sẻ những vui buồn và được người đóng góp ý kiến rất khôn ngoan trong những trường hợp khó khăn.

Ngày 19.4.2001, dịp Khai mạc Năm Thánh mừng Giáo phận 100 năm tôi được gặp ngài, thấy ngài khoẻ mạnh tỉnh táo, tôi rất vui mừng chúc người bách niên giai lão và lâu hơn nữa!

Nhưng ngờ đâu, được mấy hôm tức ngày 26.04.2001 được tin ngài ngã bệnh nặng phải đưa lên Hà Nội cấp cứu. Tôi ra thăm, ngài còn tỉnh và xin chịu các phép Bí Tích sau cùng. Tôi đã cử hành ngay cho ngài. Đến ngày 05.05.2001 lúc hơn 10 giờ tôi được tin ngài qua đời ở bệnh viện Việt Đức, tôi ra hôn kính vĩnh biệt ngài lần cuối cùng, tâm hồn đầy nhớ thương luyến tiếc.

Nhưng cũng được an ủi nhớ đến lời Kinh Thánh: “Ôi, quý giá biết bao cái chết của các thánh nhân Chúa.”

Thưa anh chị em thân mến, trước mắt những người không tin thì chết là ra đi viễn viễn, là thân xác bị tan rữa hoàn toàn. Phần chúng ta nhờ ánh sáng đức tin soi dẫn, chúng ta biết chết là tạm biệt, hẹn ngày gặp lại trong cõi trường sinh.

Với niềm tin đó, chúng ta hãy biến những giọt nước mắt và những nỗi đau buồn thành lời cầu nguyện cho linh hồn Đức cha già cố sớm về Thiên đàng.

Đi đôi với lời cầu nguyện, chúng ta hãy ra sức thực hành những điều người dạy dỗ chúng ta khi còn sống, đặc biệt chúng ta hãy đoàn kết yêu thương nhau như người đã yêu thương chúng ta.”

Hà Nội, ngày 08 tháng 05 năm 2001
Hồng Y Phaolô Giuse Phạm Đình Tụng
Tổng Giám mục Giáo phận Hà Nội

Lời cảm ơn sau Thánh lễ của soeur Nghĩa cháu Đức cha, cũng là cảm nghĩ chung của mọi người về một vị cha già kính yêu đã hết lòng chăm lo cho đoàn chiên giáo phận.

“Trọng kính Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến, Giám mục Giáo phận Phát Diệm.
“Trọng kính Đức cha phụ tá Phaolô Lê Đắc Trọng đại diện cho Đức Hồng Y.

Kính thưa quý Đức cha, thưa quý cha Tổng đại diện, quý cha Giám quản, Đức ông, quý khách đại diện cơ quan và chính quyền, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể ông bà, anh chị em trong và ngoài Giáo phận.

Khi nhận được tin Đức cha bác chúng con qua đời, chúng con vội vã trở về từ khắp nẻo đường trên quê hương Việt Nam, cũng như quý vị nơi đây để dự lễ an táng. Trong niềm thương tiếc đó chúng con chỉ biết dâng lên những lời cầu xin tha thiết nhất, xin Thiên Chúa là Cha chí nhân đoái thương cho người cha, người bác thân yêu của chúng con được sớm về hưởng chốn ngàn thu bên tòa Chúa. Trong những giờ phút cảm động và tự hào, giờ phút đứng giữa cõi sinh tử biệt ly, chúng con ngậm ngùi đưa tiễn.

Trải dài trong suốt cuộc sống dương trần của Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo, ngài đã luôn chu toàn trách vụ của một người tông đồ kiên trung, một vị mục tử nhân lành và luôn chu toàn bổn phận một vị mục tử chiến sĩ Nước Trời không biết mệt mỏi là sống một đời sống trung thành.

Kính thưa Đức cha bác khả kính, xác của bác sẽ ra đi vào lòng đất và sẽ trở về với cội nguồn của Đấng đã tạo dựng đất trời. Tất cả những khổ lụy cuộc đời, những đau đớn vật chất, những khắc khoải tâm hồn, tất cả đối với bác sẽ không còn nữa nhưng chỉ còn những luyến nhớ thương yêu, còn những lời kinh cầu, những thánh lễ của những người con, người em, người cháu thân yêu của bác. Xin Thiên Chúa rủ tình thương xót, sớm đưa bác về ánh sáng ngàn thu với Chúa.

Và kính thưa Đức cha, quý cha, đặc biệt quý cha Giám quản, quý Đức ông, quý bề trên của các Hội dòng, tu sĩ nam nữ, quý quan khách và toàn thể quý ông bà. Trong giây phút linh thiêng và bùi ngùi này, con cũng xin thay mặt cho gia đình tang quyến, chân thành cảm tạ đến quý Đức cha, quý Đức ông, quý cha Giám quản và toàn thể các cha, các tu sĩ nam nữ trong và ngoài Giáo phận, quý tín hữu và tất cả những người đã từng quen biết giúp đỡ an ủi Đức cha trong suốt cuộc đời làm môn đệ Chúa và nhất là những giây phút cuối đời. Đặc biệt chúng con xin hết lòng cảm tạ Đức cha Giuse Nguyễn Văn Yến và tất cả các cha trong Giáo phận, cũng như ban tổ chức tang lễ. Ngày lễ thật trang nghiêm, trịnh trọng sốt sắng, chắc chắn chúng con cũng như mọi người không bao giờ quên ơn.

Lời cảm ơn của chúng con không bao giờ đầy đủ được, nhưng chúng con hứa sẽ tiếp tục cầu nguyện cho Đức cha già cố Phaolô Bùi Chu Tạo, chúng con ra đi nhưng tấm lòng của chúng con đối với Giáo phận, cũng như đối với quê mẹ không bao giờ xa cách. Một lần nữa xin nhận nơi chúng con tấm lòng biết ơn vô bờ bến.

Chúng con cùng đồng bái”

Linh cữu được chuyển vào Nhà thờ Chính tòa Phát Diệm và thi hài Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo được an nghỉ trong một ngôi mộ đặt đúng vị trí mà năm 1937 Đức cha nằm phủ phục khi chịu chức Linh mục.

Một phiến đá lớn 0,80m x 1,6m đặt trên mộ chí của Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo với hàng chữ:

Đợi ngày sống lại vinh quang

Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo

Sinh ngày 21.01.1909
Tại Giáo xứ Tam Châu, Giáo phận Phát Diệm

Thụ phong Linh mục
Ngày 13.03.1937

Thụ phong Giám Mục Phát Diệm
Ngày 26.04.1959

An nghỉ trong Chúa
Ngày 05.05.2001

RIP

Người ta có thể nói về Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo như nói về Đức cha Pierre Lambert de La Motte xưa:

“Công trình mà Đức Giám mục thực hiện trong đời ngài thì không ai có thể làm nổi! Ngài có biệt tài đối xử với mọi người và điều hành mọi việc. Thật vậy, bằng một thái độ hiền hòa nhẫn nại, bằng gương sáng của một đời sống thánh thiện, không bao giờ thay đổi hoặc lung lay, và nhất là bằng lời cầu nguyện khẩn thiết dâng lên Thiên Chúa, ngài tạo được sự đoàn kết giữa những người chia rẽ nhau, ngài làm chủ tình hình và chi phối hoàn cảnh theo ý muốn”.

Trong tiểu sử của Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo được đọc hôm tang lễ có đoạn viết:

“Ai cũng công nhận rằng: Phát Diệm ngày nay còn được như ngày nay, một phần khá lớn là nhờ sự khôn ngoan và lòng đạo đức của Đức cha. Ngài rất khiêm tốn, không thích cho người ta khen ngợi mình. Nhưng chúng ta cũng phải nhắc đến ở đây, vừa phần để ghi công ơn ngài, vừa để chính chúng ta và con cháu noi gương.”

Đúng như lời viết trên bức trướng của một giáo xứ mừng Ngọc Khánh 60 năm Linh mục của Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo (13. 03 .1937 – 1997): Ngài quả là một Mục tử hiền lành - Chủ chăn thánh thiện.

Trong sổ ghi cảm tưởng hơn một trăm đoàn viếng Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo đều toát lên một lòng nhớ thương kính trọng. Đức cha Ngô Quang Kiệt, Giáo phận Lạng Sơn (sau này là Tổng Giám Mục Hà Nội) đã viết:

“Đức cha già Phaolô là một tấm gương sáng về lòng mến Chúa yêu người. Người luôn luôn là một người cha đáng kính và đầy tình yêu thương con cái. Hình ảnh Người chắc chắn sẽ khắc ghi sâu trong trái tim mỗi người”.

Cha Laurent Chu Văn Minh (sau này là Giám mục phụ tá Tổng Giáo Phận Hà Nội) trưởng phái đoàn nam nữ tu sĩ tổng Giáo phận Hà Nội viết:

“Đức Cố Giám mục Phaolô Bùi Chu Tạo, một vị tông đồ trung tín của Chúa Kitô. Một vị huynh trưởng của Giám mục đoàn Việt Nam.

Chúng con ngưỡng mộ ngài
Và nguyện bước theo chân ngài”.

Hòa thượng Thích Minh Thức, trưởng ban trị sự Phật giáo tỉnh Ninh Bình:

“Xin chia sẻ sự mất mát lớn lao với Tòa Giám mục Phát Diệm.

Ước mong gương sáng và đạo hạnh của Đức cha Phaolô Bùi Chu Tạo sẽ tỏa bóng mát ở cõi trần gian”.

Đại diện Hội Đồng Nhân Dân tỉnh Ninh Bình, Ủy Ban Nhân Dân tỉnh Ninh Bình, Ủy Ban Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam tỉnh Ninh Bình, ông Đặng Đức Tạo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình viết:

“Vô cùng thương nhớ Đức cố Giám mục niên trưởng Phaolô Bùi Chu Tạo đã trọn đời chăn dắt Giáo Hội cộng đồng Phát Diệm sống “tốt đời đẹp đạo” góp phần cùng Giáo Hội Công giáo Việt Nam “Sống Phúc Âm trong lòng Dân tộc”

GIÃ BIỆT NGƯỜI CHA GIÀ KÍNH YÊU

Ôi! Đức cha vô cùng kính mến
Đã ra đi về bến Thiên Đàng
Giã từ Phát Diệm Giáo đoàn
Chìm trong nước mắt trăm ngàn con thơ.

Kìa hình ảnh Phaolô ngã ngựa
Đã hết rồi những thuở anh hùng.
Hết rồi bóng vị cha chung
Trải trên Giáo phận khắp vùng sống vui.

Những năm tháng khắp nơi bom đạn
Nhà Chính tòa cũng đổ hoang tàn,
Hết rồi khí phách hiên ngang
Sửa nhà thờ dưới đạn bom hoành hành.

Đồng lúa chín đang cần thợ gặt
Đã hết rồi những cách khôn ngoan
Lo tăng số Linh mục đoàn
Khắp toàn Giáo phận hiện đang mong chờ !

Vâng đã hết những giờ trần thế,
Để chỉ còn của lễ toàn thiêu,
Về trong tình Chúa cao siêu
Thoát ly trần thế bao nhiêu khổ sầu.

Ôi! Đức cha - người giàu ân đức
Bốn hai năm Giám mục khôn ngoan
Sáu tư năm Linh mục đoàn
Chín mươi hai tuổi vững vàng trung kiên.

Kỷ niệm Bách chu niên Giáo phận
Lễ khai mạc đón nhận hồng ân
Ai ngờ Thiên Chúa từ nhân
Cất Người ra khỏi thế trần từ đây.

Giữa con cái vơi đầy giọt lệ
Người lặng im nhưng để lời khuyên
“Hãy yêu nhau cho thực tình
Đừng còn một chút giả hình, dối gian”

Người nhắm mắt nhưng đang cảm nhận
Nỗi đau toàn Giáo phận: Đại tang!
Người không nói nhưng nhắn rằng:
“Đau thương rồi sẽ trở thành yêu thương.”

Trong nghi thức dâng hương cầu nguyện
Qua lời kinh, suy niệm âm thầm
Bóng người cha vụt lớn dần
Đi vào tâm thức, tinh thần đoàn con.

Giã biệt Người - Vàng son tình mến,
Giã biệt Người - Lưu luyến vô vàn
Niềm tin thắp lửa Thiên đàng (Thánh thi)
Yêu thương giãi tỏa vinh quang Nước trời. Amen.

Phát Diệm, ngày 9.5.2001

Lm Phêrô Hồng Phúc

URL: http://danchuausa.net/giao-hoi-viet-nam/muc-tu-nhan-lanh-chu-chan-thanh-thien/