Trích từ Dân Chúa

Giê-su: con người ngớ ngẩn

Người Giồng Trôm

Đâu đó trong kho tàng ca dao tục ngữ Việt Nam ta bắt gặp được câu này :

Làm trai cho đáng nên trai
Xuống Đông, Đông tĩnh, lên Đoài, Đoài yên.

Tiếp đến, ta lại thấy :

Trót đem thân thế hẹn tang bồng
Đã mang tiếng ở trong trời đất
Phải có danh gì với núi sông

Chính xác là như vậy và đã là người thì phải làm điều gì đó thật là điều chính đáng và phải đạo. Thế nhưng rồi, ở giữa cuộc đời này, ta là ai ? ta làm gì ? ta sống để làm gì ? ta sống vì ai ? quả là điều cân não nhức óc.

Trong những ngày này, ta bắt gặp những đoản khúc "Lời nguyện hiến tế" của Thầy Chí Thánh Giêsu thật là hay. Đâu đó như ngày hôm nay, thứ Ba sau Lễ Thăng Thiên, bắt đầu những trang "lời nguyện hiến tế", Thầy thủ thỉ, thỏ thẻ với Cha của mình : "Bây giờ chúng biết rằng những gì Cha ban cho Con, đều bởi Cha mà ra ... Và mọi sự của Con là của Cha, và mọi sự của Cha cũng là của Con".

Với xác tín như vậy, với tất cả những điều đó, ta thấy Chúa Giêsu đã sống trọn vẹn kiếp phàm nhân khiêm hạ đến tận cùng mà không ai chê vào đâu được. Nơi thư Thánh Phaolô gửi tín hữu Philipphê ta thấy : "Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự". (Pl 2, 6-8).

Quả thế, từ ngày công khai với sứ vụ của mình, Chúa Giêsu đã khiêm hạ xuống dòng sông Giođan đứng cùng với hàng tội nhân dù Ngài là Đấng Chí Thánh, Ngàn Trùng Chí Thánh để chịu phép rửa từ tay Gioan và đến tận cùng cho sự khiêm hạ trên cây thập tự. Xét theo lẽ tự nhiên và có quyền tự do, Chúa Giêsu có quyền để bước chân xuống khỏi cây thập tự nhưng Ngài đã đón nhận tất cả với tấm lòng vâng phục.

Sự vâng phục, sự khiêm hạ đã mang về cho Thiên Chúa vinh quang mà như Chúa trần tình với Chúa Cha. Hơn nữa, mẫu gương vâng phục của Chúa Giêsu mãi mãi là mẫu gương cho những ai gọi là môn đệ của Chúa.

Ta thấy nơi các Thánh, đặc biệt Thánh Phaolô : "Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa" và Ngài đã hạ mình đến tận cùng trước quyền năng của Thiên Chúa.

Người môn đệ của Thầy Giêsu, người Kitô hữu được đóng ấn Ba Ngôi Thiên Chúa trong đời mình luôn được mời gọi vác thập giá đời mình để theo Chúa. Hơn nữa, cách đặc biệt của những đời sống tận hiến là trở thành một Kitô khác chứ không phải khác Đức Kitô như một số người đang sống và đang ủng hộ.

Người Kitô hữu luôn được mời gọi bước theo Đức Kitô : Sequela Christi nghĩa là đi theo Đức Kitô chứ không phải đi theo con đường của quyền lực, của thế gian, của danh vọng, của của cải vật chất. Đơn giản rằng quyền lực, vật chất và danh vọng đều trở thành hư vô trước mặt Chúa và sẽ chấm hết khi con người ta nhắm mắt lìa đời.

Tâm tình hay nói đúng hơn là lời dạy của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ truyền chức ngày 12 tháng 5 vừa qua có nhắc nhở : Các anh em và các con, những người sắp được nâng lên hàng linh mục, thân mến. Hãy nhớ rằng khi thi hành sứ vụ giảng dạy Đạo Lý Thánh, các con sẽ tham gia vào sứ mạng của Chúa Kitô, là Thầy Duy Nhất. Đây không phải là một hiệp hội văn hóa; cũng không phải là một nghiệp đoàn. Các con sẽ là những tham dự viên trong sứ vụ của Chúa Kitô. Hãy phân phát cho mọi người Lời Chúa mà chính các con đã vui mừng lãnh nhận. Và để đạt được mục tiêu này, các con hãy siêng năng đọc và suy gẫm Lời Chúa để tin những điều các con đã đọc, dạy những điều các con đã học trong đức tin, và sống những điều các con rao giảng. Đừng bao giờ soạn một bài giảng, mà không cầu nguyện thật nhiều, với Kinh Thánh trên tay. Xin đừng quên điều ấy.

Cầu xin cho đạo lý của các con trở thành lương thực cho dân Chúa; khi nó đi thẳng vào tâm hồn và được nảy sinh từ lời cầu nguyện, nó sẽ sinh nhiều hoa trái. Cầu xin cho niềm vui và sự nâng đỡ của các tín hữu trở thành hương thơm cuộc sống của các con như những con người cầu nguyện, hy sinh, vì với Lời Chúa và gương sáng, các con xây dựng nhà Chúa là Giáo Hội. Như thế, các con tiếp tục công trình thánh hóa của Chúa Kitô. Nhờ sứ vụ của các con, hy tế thiêng liêng của các tín hữu được trở nên hoàn hảo, vì nó được hiệp nhất với hy tế của Chúa Kitô, mà qua tay các con nhân danh toàn thể Giáo Hội, được dâng hiến một cách không đổ máu trên bàn thờ trong khi cử hành các Mầu Nhiệm Thánh. Hãy chú tâm trong việc cử hành Bí tích Thánh Thể. Và do đó, nhận rõ những gì các con làm. Hãy bắt chước những gì các con cử hành vì khi tham gia vào mầu nhiệm cái Chết và Phục sinh của Chúa, các con mang cái chết của Chúa Kitô trong các thành viên của mình và bước đi với Ngài trong sự sống mới. Chúa muốn chúng ta trao đi cách nhưng không. Chính Ngài đã từng nói với chúng ta: “Hãy cho đi nhưng không những gì anh em đã nhận được một cách nhưng không.” Việc cử hành Thánh Thể là đỉnh cao sự nhưng không của Chúa. Xin vui lòng, đừng xói mòn nó với những lợi ích hẹp hòi".

Thật vậy, ranh giới giữa khiêm hạ và cao ngạo thật mong manh. Con người dễ rơi vào chiếc bẫy của danh vọng để mọi người tìm đến mình và tung hô mình thay vì tìm đến Chúa và tung hô Chúa. Để nhận ra điều này lại cần hết sức khiêm hạ để ngoan ngùy theo sự điều khiển của Thánh Thần. Hẳn ta còn nhớ khi con người có ý định tôn vinh Chúa Giêsu lên làm Vua thì Ngại lại tìm cách trốn đi chỗ khác. Con người thì lại khác, khi ai nào đó khen mình một chút và ca tụng mình thì mình lại tìm mọi cách để người ta tôn vinh mình.

Những ngày này, khi Giáo Hội đang đồng lòng đồng trí để xin ơn Chúa Thánh Thần xuống như Thánh Thần đã xuống trên các tông đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần thì cần phải lắng đọng tâm hồn và điều cần thiết là mở lòng ra cho Thánh Thần ngự vào. Như căn phòng chất đầy đồ đạc như quyền lực, danh vọng, tiền bạc, của thế gian ... thì dù có mở cửa thì cũng không có chỗ cho Thánh Thần. Và cũng như căn phòng dù trống nhưng không mở cửa thì Thánh Thần cũng chẳng tài nào vào được vì lòng họ đã khép kín.

Thật ra thì Thánh Thần đã đến thế gian từ thuở ban sơ, từ thuở tạo thành nhưng chuyện đón nhận là sự tự do của mỗi người. Chúa Giêsu trong bản tính làm người của mình cũng mỏng dòn, cũng yếu đuối nhưng nhờ bí kíp là kết hợp với Cha và Thánh Thần và ý thức tất cả những gì "của Con đều là của Cha" để rồi Ngài khiêm hạ đến tận cùng.

Chúa Giêsu là như vậy, Ngài khù khờ, ngớ ngẩn với thế gian để có vinh quang bên hữu Thiên Chúa. Con người thì khôn ngoan theo kiểu trần đời và con người để tìm vinh quang của con người và đánh mất vinh quang mà Thiên Chúa dành sẵn cho những ai khiêm hạ.

Thiên Chúa vẫn để cho ta tự do đáp trả về lối sống của ta : Hoặc là ngoan ngùy để cho Thánh Thần hướng dẫn, hoặc là ta hướng dẫn Chúa làm theo ý muốn của ta.

Người Giồng Trôm

URL: http://danchuausa.net/giao-hoi-viet-nam/giesu-con-nguoi-ngo-ngan/