Trích từ Dân Chúa

Đức Giám Mục JB Bùi Tuần: Vị Ân Sư tôi

Lm Đaminh Nguyễn Ngọc Long

Ân sư Đức Giám mục JB Bùi Tuần năm nay có hai kỷ niệm lớn:

Lẽ dĩ nhiên, ân sư ĐGM JB Bùi Tuần của tôi không chỉ có hai kỷ niệm này trong đời. Nhưng hai kỷ niệm này là hai biến cố lớn với nhiều biến chuyển thăng trầm, khắc ghi đậm nét đời sống đức tin và văn hóa tình người trong đời hành trình làm thợ trong vườn nho cho Chúa của ngài.

Vì thế, tôi cùng vui mừng với ngài.

Khi người ta mừng kỷ niệm nào đó trong đời, họ thường hay nhìn lại qúa khứ, hoặc có tâm tình vui mừng hãnh diện, hoặc có chút tâm tình hối tiếc…

Ðiều đó hợp tình hợp lý. Nhưng tôi chắc ân sư ĐGM JB Bùi Tuần của tôi sống dào dạt tâm tình biết ơn nhiều hơn. Như ngài đã tâm tình dịp kỷ niệm 28 năm là giám mục cách đây hai năm: “ Tôi hết lòng cảm tạ Chúa giàu lòng thương xót. Tôi tận tình cảm ơn tất cả mọi người nhất là Ðức Cha Micae và Ðức Cha phó Giuse. Tôi rất biết ơn các cộng tác viên gần xa đã cùng tôi loan báo Tin Mừng“.

Cũng khi mừng kỷ niệm biến cố nào đó trong đời, nhất là nơi những người vị vọng chức sắc đạo đời, người ta cũng thường hay kể liệt kê ra những thành tích của vị có mừng kỷ niệm đã làm, đã đạt được.

Việc này muốn nói lên tâm tình vui mừng lòng biết ơn của người khác với người có kỷ niệm.

Việc này tốt và đúng. Nhưng chưa chắc đã nói lên hết nhiệm vụ căn bản cùng cuộc sống của người có kỷ niệm.

Trong suốt nửa thế kỷ là linh mục, ân sư ĐGM JB Bùi Tuần, không hồ nghi gì cả, đã dâng Thánh Lễ Misa tạ ơn Thiên Chúa không biết bao nhiêu trăm vạn nghìn lần. Nhưng điều đúng hơn, ngài đã không ban bí tích rửa tội nhiều, như phần đông các linh mục ở ngoài xứ đạo. Vì hầu như phần lớn thời gian đời ngài là sinh viên du học ở ngoại quốc (Hong kong, Roma, Thụy sĩ và Ðức), rồi trở về quê hương làm cha linh hướng, cha giảng tĩnh tâm, cha giám đốc, cha giáo ở chủng viện Châu Ðốc, Long xuyên, Rạch gía, rồi từ 1975 làm giám mục ở tòa giám mục Long xuyên.

Cơ hội ban bí tích rửa tội cho trẻ em cùng người lớn, vì thế không có nhiều.

1. Hành trình rao giảng Tin Mừng.

Như thế phải chăng linh mục Gioan Baotixita Bùi Tuần đã không (có dịp) sống đúng chức linh mục là ban Bí tích Rửa tội cho muôn dân?

Ðâu phải chỉ đơn giản như thế. Cơ hội ban Bí tích Rửa tội, nhất là cho trẻ em sơ sinh là dịp vui mừng cùng là cơ hội truyền giáo tốt. Nhưng nếu chỉ có như thế chưa phải là tất cả. Cuộc đời linh mục còn hơn thế nữa.

Thánh Phaolô đã tâm tình về chức vụ linh mục của mình như sau: “Quả vậy, Đức Ki-tô đã chẳng sai tôi đi làm phép rửa, nhưng sai tôi đi rao giảng Tin Mừng, và rao giảng không phải bằng lời lẽ khôn khéo, để thập giá Đức Ki-tô khỏi trở nên vô hiệu.Thật thế, lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta là những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh của Thiên Chúa.“ (1 cor 1, 17-19).

Chân thành chí thiết hơn. Rõ ràng minh bạch hơn. Thật khó có thể diễn tả hơn được!

1.1. Truyền giáo: căn cước tính đời linh mục

Quan sát hình hài bộ diện cùng cung cách cư xử và lời ăn tiếng nói của một người, có thể phần nào suy đoán ra người đó là ai.

Nhưng muốn hiểu biết rõ hơn về căn cước tính của ai đó, cần nghe và nhìn sâu vào đời sống bổn phận của người đó.

Hình ảnh thứ hai phát xuất từ thần học Công đồng Vatican II. và từ nền tu đức dấn thân hiện nay, đó là hình ảnh linh mục, người truyền giáo. Hình ảnh này dựa trên lời Ðức Kitô đã truyền dạy các tông đồ xưa: “Các con hãy đi giảng cho mọi dân…Hãy dạy cho họ những điều Thầy đã dạy các con.“(Mt 28,19)

Trong một Giáo hội coi truyền giáo là bản tính và là ưu tiên số một của mình, thì hình ảnh thứ hai về linh mục đang trở thành một hình ảnh thân thương, trong đó truyền giáo được coi là đặc điểm đáng quan tâm nhất nơi thiên chức linh mục. Cũng từ đó người ta có quyền đánh gía từng linh mục theo nhiệt tình truyền giáo, khả năng truyền giáo, hoạt động truyền giáo, lãnh đạo truyền giáo và kết qủa truyền giáo.

Một cái nhìn truyền giáo như thế về Hội Thánh nói chung và về linh mục nói riêng sẽ lan sang các lãnh vực của tôn giáo, như tu sĩ, giáo dân, phượng tự, giáo lý, thánh đường, sách báo đạo. Tất cả sẽ phải có tính cách truyền giáo.“ (+GM JB Bùi Tuần, Cái đúng và cái đẹp trong truyền giáo; trong: Nói với giáo dân tr. 183-184).

Từ khi trở thành Giám mục, đức cha Bùi Tuần đã tuyển chọn và truyền chức Thánh Phó Tế cũng như chức linh mục cho trên dưới trăm linh mục trong giáo phận, suốt quãng thời gian là giám mục phó cũng như giám mục chánh tòa Long xuyên.

Và ngài cũng đã truyền chức Giám mục cho Đức Giám mục Giuse Trần xuân Tiếu và Đức Tổng giám mục Giuse Ngô quang Kiệt nữa.

Truyền chức Linh mục, truyền chức giám mục cho người cộng tác, cho người kế vị, là năng quyền và bổn phận của giám mục giáo phận được Chúa và Giáo hội tín nhiệm trao ban. Một việc phải đạo và chính đáng. Nhưng chưa phải là việc chính yếu, mà là đóng góp vào việc truyền giáo rao giảng Tin Mừng của Chúa cho có hiệu qủa.

Một việc bổn phận đức cha Bùi Tuần luôn để ý quan tâm hàng đầu là việc tiếp xúc gặp gỡ, cùng lắng nghe tâm sự con người thuộc mọi thành phần trong và ngoài giáo phận Long xuyên.

Những cơ hội gặp gỡ, như khi đến đâu ban Bí tích Thêm sức cho Bạn Trẻ, làm phép Thánh đường… là cơ may rất tốt cho ngài rao truyền Lời Chúa bằng những bài giảng suy tư ngắn gọn, sáng sủa dễ hiểu, chan chứa tâm tình đạo đức và văn hóa tình người, nhất là hợp với hoàn cảnh cụ thể sinh sống của con người nơi đó. Có thể nói theo ngôn từ nôm na: Mùa nào thức nấy, theo hợp với từng hoàn cảnh địa phương hiện tại!

Ðức Cha Bùi Tuần đã sống tận dụng những cơ hội đó. Ngài mong muốn diễn tả, mang Lời Chúa đến cho con người, theo cách thức diễn đạt sứ điệp của Chúa ẩn dấu trong những dấu chỉ thời đại, mà ngài đã bắt gặp nhìn hiểu ra.

Nghe và đọc những bài giảng, bài viết của ngài, tôi không tìm thấy những kiểu nói “luân lý đạo đức sáo ngữ bay bổng chung chung hay mù mờ khó hiểu“, những kiểu có thể áp dụng cho trường hợp giảng giải nào, thời nào, người nào cũng được, hay muốn tạo ra vẻ thần học cao siêu thần thánh.

Không, không, không là như vậy. Những bài suy giảng của Ðức Cha Bùi Tuần có đích điểm, có địa chỉ rõ ràng minh bạch, cùng là những lời chân thành chí thiết của một tâm hồn sống suy tư từ bản thân mình trước hết. Bài viết, lời nói như thế mới đi thấm nhập vào lòng người và có sức đánh động tâm linh.

Ðức cha Bùi Tuần đã sống làm nhiệm vụ bổn phận này với nhiệt tình hăng say do lửa Chúa Thánh Thần hun nóng hướng dẫn, và với khả năng kiến thức suy tư tràn đầy văn hóa thời đại.

Xin tạ ơn Chúa, đã ban cho chúng con một mẫu gương sáng sống động về cung cách sống làm chứng cho Chúa giữa đời!

1.2. Bản đồ Truyền giáo

Truyền giáo là gì? Truyền giáo cho những ai và đi tới đâu? Phải chăng truyền giáo là nói giới thiệu cho người ta con đường thiêng liêng cứu rỗi linh hồn? Phải chăng chỉ cho con người biết đạo lý của Chúa, giữ luật Hội Thánh có thể nói đó là truyền giáo rồi chăng?

Chúa Giêsu xuống thế sống giữa con người rao giảng giới thiệu cho họ về nước Thiên Chúa ba năm trường. Trước khi trở về Trời, Ngài căn dặn các Thánh Tông đồ: Anh em hãy đi rao truyền những điều Thầy đã truyền cho anh em. (Mt 28,19-20).

Từ ngày đó Giáo Hội Chúa Kitô hằng luôn trung thành với nhiệm vụ thánh thiêng này, tùy theo hoàn cảnh mỗi dân tộc, mỗi văn hóa thời đại đất nước nơi con người đang sinh sống.

Ngày xưa Thánh Phanxicô Xavier sang truyền đạo bên miền Viễn Ðông, chủ yếu bên Ấn Ðộ, đã ban Bí tích Rửa tội cho từng trăm nghìn vạn con người.

Cũng thời các đấng Thừa Sai sang Việtnam rao truyền Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô hồi thế kỷ 17.-18., công việc mục vụ cũng tập trung chú ý nhiều đến Bí tích Rửa tội, đến học kinh lẽ đạo.

Phần rỗi linh hồn được ưu tiên chú trọng trong việc truyền giáo qua việc ban phát đón nhận các Bí Tích, nhất là Bí tích Rửa tội.

Ðiều này đúng và cần thiết cùng là sức sống giúp thăng tiến đời sống đức tin. Nội dung xưa nay vẫn thế. Nhưng cuộc sống xã hội con người dần có nhiều biến chuyển thay đổi, ngay cả trong cung cách rao truyền Tin Mừng đạo Công giáo.

Các Vị Thừa Sai khi sang Việtnam đã chú trọng, nhất là các giáo sỹ lỗi lạc Dòng Tên, đến việc hội nhập văn hóa. Cha Alexandre De Rhodes cùng với các cha thừa sai Dòng Tên khác đã lập ra chữ Quốc ngữ, không chỉ cho việc truyền đạo viết dạy kinh bản, mà còn cho cả dân tộc Việtnam, cho nền văn hóa chúng ta nữa.

Xin thành kính cúi đầu với lòng vui mừng biết ơn, nhớ đến gia sản tinh thần văn hóa các ngài đã làm để lại cho chúng ta!

Công đồng Vatican II. đã phác họa bản đồ cho việc mục vụ truyền giáo: “Vui-mừng và Hy-vọng, Buồn sầu và Lo sợ của con người ngày hôm nay, nhất là của người nghèo khổ, bị ruồng bỏ quên lãng, cũng là niềm Vui, Hy vọng, nỗi Buồn sầu lo lắng của Môn-đệ Chúa Kito. Không thể nói được là nhân-bản, khi những ưu tư này không bén rễ tự trong tâm hồn, và không gây được âm hưởng nơi tâm hồn người đối diện. Cộng đồng dân Chúa được thành hình do con người cùng liên kết với nhau trong niềm Tin vào Chúa Giêsu, vào Chúa Thánh Thần, và họ đang cùng nhau trên đường tiến về quê trên trời nơi Thiên Chúa Cha ngự trị...(Lời mở đầu của Hiến chương về Mục vụ giáo hội trong thế giới ngày nay số 1 - Constitution Pastoralis de Ecclesia in mundo huius temporis - Prooemium Nr. 1.).

Vào năm cuối cùng của thế kỷ 20. đức cha Bùi Tuần đã khai triển trình bày dựa theo Lời Chúa Giêsu và hoàn cảnh đời sống con người cùng kinh nghiệm riêng của ngài, bản đồ địa chỉ truyền giáo như sau:

Hãy đi làm chứng cho Ðức Kitô đến tận cùng trái đất.

- Tận cùng trái đất là các ranh giới tận cùng về địa lý, các vùng sâu vùng xa, các vùng biên giới.

- Tận cùng trái đất là các ranh giới tận cùng về thời gian, cho đến tận cùng ngày, tận cùng tháng, tận cùng năm, tận cùng thế kỷ.

- Tận cùng trái đất là ranh giới tận cùng về thân phận con người, như các lớp người cùng khổ nhất, cô đơn nhất, bị nhục nhã nhất, bị thiệt thòi nhất.

- Tận cùng trái đất còn là ranh giới tận cùng của các lớp tâm sinh lý sâu thẳm làm nên bản thân mỗi người như tính tình, tiềm thức, vô thức…“ (+GM JB Bùi Tuần, Làm chứng cho Ðức Kitô tới tận cùng trái đất. Bài giảng lễ phong chức hai tân Giám Mục Giuse Kiệt và Giuse Tiếu, Lx 29.06.1999).

Như thế theo bản đồ truyền giáo, không phải là con người đến với Tin Mừng của Chúa. Nhưng mang Tin Mừng của Chúa đến với con người.

1.3. Ðức tính giúp cho việc Truyền giáo

Cuộc sống ở đời phức tạp. Mối liên hệ tương quan giữa con người với nhau, vì thế đòi hỏi nhiều kiến thức văn hóa cần thiết, nhất là mặt đức tính cá nhân thấm nhuần tính tích cực xây dựng có sức thu hút. Có thế cuộc sống chung mới phát triển xây dựng được.

Truyền giáo là một cung cách nghệ thuật sống làm chứng cho đức tin vào Chúa giữa đời sống. Cung cách nghệ thuật sống này không nằm ở ngoài mối dây tương quan giữa con người với nhau. Và như thế, cũng đòi hỏi đức tính văn hóa sống tích cực của người đi truyền giáo.

Một đức tính căn bản làm nền tảng cho đời truyền giáo là lòng khiêm nhường. Ðức tính này cũng là đặc điểm đời sống đạo đức làm người giữa trần gian:

Sự khiêm nhường của người truyền giáo không phải chỉ là một đức tính nhân bản, mà còn phải là một nhân đức được chia sẻ từ sự khiêm nhường của Ðức Kitô. Ðức Kitô truyền sang cho họ sự khiêm tốn của Người, để nhờ đó, họ sẽ luôn nhận được thêm chân lý và sự sống cứu độ của Người.

Chính ở điểm này, mà đến lượt mình, chính người truyền giáo cũng là người cần được Chúa Giêsu thường xuyên truyền giáo cho. Và đây chính là một kinh nghiệm quí báu họ có được về người được truyền giáo.

Kinh nghiệm cho thấy người được truyền giáo rất cần có lòng khiêm tốn…

Vì thế, tôi nghĩ rằng: Người truyền giáo cần phải khiêm nhường. Người được truyền giáo cũng cần khiêm nhường.

Ðể có đức khiêm nhường, chúng ta không thể coi thường việc tập luyện mình về nhiều mặt. Một người không được uốn nắn tập luyện kỹ lưỡng về đức khiêm nhường sẽ dễ trở nên hư hỏng: Hư hỏng do những thất bại và do cả những thành công, do những thực tế cuộc đời và cả do những ước mơ và ảo tưởng của mình, nhất là do sự cố chấp tôn thờ cái tôi và làm nô lệ cho ý riêng mình….

Một điều lợi nữa, mà ơn khiêm nhường hôm nay sẽ đem lại cho ta, đó là nó giúp ta biết kiểm điểm lại bổn phận đón nhận Tin Mừng và bổn phận loan báo Tin Mừng. Ai trong chúng ta cũng có hai bổn phận đó.

Trong hoàn cảnh cụ thể ta đang sống, Chúa vẫn gửi cho ta vô số Tin Mừng mới mẻ. Ta đã đón nhận thế nào?

Trong địa vị cụ thể với những phương tiện cụ thể của ta, ai trong chúng ta cũng vẫn có thể góp phần không nhỏ vào việc loan báo Tin Mừng, hoặc bằng cách này, hoặc bằng cách khác. Ta đã thực hiện bổn phận đó thế nào?

Nếu khiêm tốn biết mình, khiêm tốn ăn năn, khiêm tốn sửa mình về bổn phận truyền giáo, chúng ta sẽ có một lương tâm truyền giáo đổi mới. Ðể từ nay, ta biết nhận lãnh, biết sinh lời và biết chia sẻ Tin Mừng cho những người gần xa, mà ta có thể gặp.“ (+GM JB Bùi Tuần, Khiêm nhường trong Truyền giáo)

Tâm tình dứt khoát cùng thấm nhuần chiều sâu đạo đức giáo dục hơn, tưởng khó có thể trình bày hơn được như thế!

2. Cùng thắp sáng ngọn nến

Ngày lãnh nhận chức vị Giám Mục cách đây ba thập niên (1975-2005), đức cha Bùi Tuần đã chọn hình ảnh ngọn nến cháy sáng làm biểu hiệu cho đời Giám mục của mình cùng với lời Kinh Thánh: Mandatum novum - Giới luật mới.

Hình ảnh cây nến cháy sáng làm say mê lòng tôi rất nhiều từ ngày đó. Và cũng từ ngày đó, tôi hằng suy gẫm ý nghĩa mầu nhiệm thần thiêng thánh đức về cây nến cháy sáng.

Xin được giãi bày suy tư của tôi về ngọn nến cháy sáng nơi huy hiệu Giám mục của đức cha Bùi Tuần, theo 12 ngôi sao trên triều thiên Ðức Mẹ Maria.

2.1. Xin thắp sáng ngọn nến niềm tin ngày chịu phép Thánh tẩy đã được đốt lên từ ngọn lửa cây nến Chúa phục sinh cho tâm hồn niềm tin của người tín hữu Chúa Kitô.

Ánh sáng cây nến niềm tin là ngôi sao dẫn đường chỉ lối cho tâm hồn đức cha, cũng như cho mọi người tín hữu Chúa Kitô trên đường sống ở trần gian.

Ðức cha đã đón nhận và sống đức tin đó như sau “Tin không phải chỉ là tin có Chúa, tin cũng không phải chỉ là chấp nhận một hệ thống chân lý Chúa dạy. Nhưng tin chủ yếu là đón nhận Ðức Kitô, là đến với Ðức Kitô, là sống với Ðức Kitô, là gắn bó với Ðức Kitô, là bước theo Ðức Kitô. Tin như thế không ở thể tĩnh, mà ở thể động.“ (+GM JB Bùi Tuần, Sống đức tin; trong Hành trình phục sinh, năm 1999, tr. 99.)

2.2. Xin thắp sáng ngọn nến tình yêu. Thiên Chúa và cha mẹ chúng ta đã trao vào thân xác, tâm hồn từ ngày chúng ta được tạo dựng trong cung lòng mẹ.

Cây nến tình yêu là ngôi sao thức ăn, nhựa sống cho phát triển đời sống thể xác lẫn tinh thần cho đức cha, cho mọi người.

Lời Chúa Giêsu nhắn nhủ lại cho con người: “Thầy ban cho anh em giới răn mới là anh em thương yêu nhau“(Ga 13,34). Lời này là kim chỉ nam cho đời mục vụ, khẩu hiệu giám mục của Ðức Cha: Mandatum novum - Giới luật mới!

2.3. Xin thắp sáng cây nến niềm hy vọng. Thiên Chúa và công trình sáng tạo trong thiên nhiên hằng luôn luôn mang đến đổi mới, lòng phấn khởi hướng về ngày mai.

Cây nến niềm hy vọng là ngôi sao chiếu sáng vào trong tâm hồn, những khi con người phải sống trải qua những bước đường thử thách đen tối.

“- Chúng ta, dù là cộng đoàn hay cá nhân đều thuộc về Chúa. Còn hay mất, thịnh hay suy, đều trong tay Chúa. Nhưng cũng do sự tự do của chúng ta có cộng tác với ý Chúa hay không.

- Nếu chúng ta dùng sự tự do của mình, để sám hối, thực thi ý Chúa, thì Chúa sẽ làm cho chúng ta nên tốt đẹp, cho dù trước đó chúng ta xấu xa và khốn khổ.» (+GM JB Bùi Tuần, Tương lai các cộng đoàn công giáo. Trong Ra khơi thả lưới tình thương, Lx 2003 tr. 28)

2.4. Xin thắp sáng ngọn nến tình người. Từ ngày chúng ta mở mắt chào đời cùng nắm tay chung vai sát cánh với mọi người đi vào xây dựng đời sống đã được Chúa trao gửi cho.

Cây nến tình người là ngôi sao lòng khoan dung bác ái cho đời sống chung trong khu vườn công trình sáng tạo của Chúa thêm khởi sắc.

Ngày xưa Martin Luther King đã nói lên tâm tình tình người của Ông qua bài I´ have a dream - Tôi có một giấc mơ - lừng danh đi vào lịch sử huyền thoại nhân loại và vào lòng con người.

Ðức Cha cũng có mơ ước về một ngọn nến tình người phát xuất từ trong tâm hồn đầy suy tư thấm nhuần đạo đức:

Thời nay, chúng ta cần lửa Thánh Thần đốt nóng lên niềm tin vào tình yêu thương xót Chúa. Hơn nữa, chúng ta càng rất cần lửa đó đốt nóng lên tình người, tình đồng bào, tình đồng đạo, để chúng ta biết yêu thương nhau và xót thương nhau.

…………

Tôi mơ ước trở nên một ngọn đèn nhỏ cháy lửa tình yêu. Ngọn đèn nhỏ này không có gì để cho, ngoài sự hiện diện của yêu thương trong âm thầm, chân thực, hiệp thông với lửa trái tim Chúa Giêsu.

Tôi mơ ước các cộng đoàn đức tin của tôi trở thành những tổ ấm tình yêu, biết nhìn nhau bằng cái nhìn nhân ái, cùng nhau xây dựng nền văn minh tình thương, liên đới với nhau bằng cảm thương trong khiêm tốn và quảng đại, chia sẻ tình người tình Chúa cho mọi người mọi nơi. Với hai mơ ước bé nhỏ đó, ít ra tôi đã có một hướng sống Tin Mừng chuẩn bị bước vào đại Năm Thánh 2000. “

(+GM JB Bùi Tuần, Chuẩn bị khẩn cấp bước vào Năm Thánh. Trong : Những bước nhỏ của hành trình dài, Tôn giáo 2000. tr. 64-65)

2.5. Xin thắp sáng ngọn nến lòng biết ơn, đã được ông bà cha mẹ, thầy cô dậy nói cho biết từ ngày có trí khôn.

Cây nến lòng biết ơn là ngôi sao nhắc nhở nhớ đến cội nguồn đời mình : “Uống nước nhớ nguồn. Ăn trái nhớ kẻ trồng cây.“

Nếu tôi tưởng mình không chịu ơn ai, thì tôi lầm lớn. Vì đời tôi nằm trong những liên đới chập chùng. Tôi chẳng cho đi được bao nhiêu, nhưng đã nhận được qúa nhiều. Thử một ngày nhận được các dây liên lạc, cộng tác yêu thương, giúp đỡ cung cấp, tôi sẽ lập tức trở thành vơ, nghèo nàn khốn đốn.“ (+GM Bùi Tuần, Biết ơn, trong Nói với chính mình).

2.6. Xin thắp sáng ngọn nến ngày Ðức cha nhận chức Linh mục cách đây nửa thế kỷ và chức Giám mục cách đây 30 năm.

Ngọn nến cháy sáng ngày chịu chức thánh Linh mục và Giám mục là cây nến Niềm Tin ngày xưa, khi Ðức Cha lãnh nhận làn nước Bí tích Rửa tội đã được trao vào tâm hồn đức cha.

Cây nến này là ngôi sao soi lối cho đời sống đức cha đi sống làm nhân chứng rao giảng Tin Mừng đức tin nước Chúa trong mọi hoàn cảnh của đời sống.

Cây nến này cũng là cây nến trên huy hiệu đời giám mục của Ðức Cha.

Ngọn nến đời linh mục và giám mục của đức cha tâm sự về cuộc đời con người Bùi Tuần:

Nhưng giây phút kinh hoàng đã tới. Que diêm châm ngọn lửa đã chạm đến ngọn bấc của tôi…Ngọn lửa nóng cháy thiêu rụi dần mòn thân xác kiều diễm tôi. Nó làm tan biến những giấc mơ mộng tưởng êm đẹp, thành những đau khổ chịu đựng cho đến khi bị tan chảy thành những giọt nước đặc sệt chảy rơi xuống hai bên và bị cạo vứt bỏ vào thùng rác…

Dẫu vậy tôi cũng liếc nhìn ra xung quanh thấy ánh sáng từ cây nến chiếu lan tỏa ra sức nóng cùng vẻ đẹp thi vị trong không gian căn phòng. Ánh sáng long lanh tỏa ra từ đôi mắt của những người ngồi nơi bàn ăn, phản chiếu ánh sáng từ cây nến.

Ôi sức chiếu sáng phát tỏa ra từ tôi huyền diệu làm sao !

Bỗng chốc tôi giật mình nghĩ ngợi: Phải chăng điều đó không là gì sao? Phải chăng mang đến niềm vui cho con người, dù phải hy sinh bị thiêu đốt, không có ý nghĩa gía trị gì hơn sao, là mãi mãi nằm yên dưới đáy ngăn tủ tối tăm trong lo âu sợ hãi và vẻ đẹp còn được giữ nguyên vẹn?

Tôi cảm nhận ra một cảm giác sâu thẳm trong tôi: Ðó mới là cuộc sống thật sự của tôi. Và tôi thấy mình hạnh phúc, lúc này được đem dựng trên gía để chiếu tỏa ánh sáng niềm tin vui cho mọi người. ». ( W. Hoffsümmer, Kurzgeschichten 7, Eine Kerze erzählt Nr. 1- nguyễnngọclong chuyển ngữ)

2.7. Xin thắp sáng cây nến lòng khiêm nhường, là bài học sống ở đời trong gia đình với cha mẹ anh chị em và ngoài xã hội, trong Giáo Hội, trong Giáo phận Long Xuyên với mọi người.

Khiêm nhường ví như một thứ muối thiêng. Nếu các nhân đức ví được như những món ăn nuôi dưỡng tâm hồn, thì nhân đức nào cũng cần có chút muối thiêng đó.“ (+ Bùi Tuần, Khiêm nhường, trong: Ðời tôi là một hành trình, tr. 75)

Cây nến lòng khiêm nhường là ngôi sao chiếu tỏa tình thân ái, lòng kính trọng sự chân thật trong đời sống chung.

Chúa Giêsu và chính Đức Mẹ đã sống nêu gương cho chúng ta về cách sống lòng khiêm nhường với Chúa và với mọi người.

2.8. Xin thắp sáng cây nến lòng trông cậy. Tâm tình lòng trông cậy chúng ta đã học được trong đời sống, khi nhận ra giới hạn của mình về khả năng trí tuệ học hành, khả năng sức khoẻ, khả năng làm việc.

Cây nến lòng trông cậy là ngôi sao hướng dẫn làm phong phú thêm đời sống tinh thần, giúp vượt qua những giới hạn yếu kém của mình, mà không có tự ty mặc cảm.

Thực vậy, nhiều người đã thấy có những năm tháng đời mình giống như cuộc vượt biển đầy gian nan. Với sóng gió dữ dội. Với nguy cơ chết chìm. Lúc đó, họ đã cầu nguyện và Chúa đã cứu họ. Và họ nhận ra rằng: Chúa đồng hành với họ. Chúa là Ðấng quyền năng và hay thương xót. Từ nay họ quyết tâm chọn Chúa làm nơi nương tựa, dù trong hoàn cảnh nào. Niềm tin này là kết qủa của sự họ vâng lời Chúa phấn đấu vượt qua biển đời đầy thử thách và vì họ đã cầu nguyện.“ (+ Bùi Tuần, Hãy sang bờ bên kia, trong Ra khơi thả lưới tình thương, Lx 2003 tr. 191)

2.9. Xin thắp sáng cây nến niềm an ủi. Cây nến này đức cha đã luôn nhận được trong cuộc sống từ nơi ông bà cha mẹ, anh chị em, bạn bè; từ những người cùng đồng hành cộng tác và từ nơi Chúa cho bản thân trong những bước đường khó khăn đau khổ của đời sống.

Cây nến niềm an ủi là ngôi sao mang đến niềm phấn chấn, vực dậy và gây lòng hào hứng cho tâm hồn trong cơn sầu muộn thất vọng.

“ Tôi hỏi ông Ba:” Các hoạt động từ thiện của ông Ba có dựa trên giáo lý nào không?

Ông Ba trả lời: Có, giáo lý rất đơn sơ. Thế này:

- Mỗi ngày tôi, tôi khấn nguyện với Trời Phật: ngày hôm nay suốt 24 tiếng đồng hồ, tôi nguyện làm hết sức mình để làm việc từ thiện, giúp các bệnh nhân cho họ bớt khổ.

- Phúc nhỏ cũng không bỏ. Tội nhỏ cũng không làm.

- Tôi coi nhân loại, dân tộc là gia đình tôi”

(+GM Bùi Tuần, Chia sẻ vài suy nghĩ giúp các Dòng Tu sống tinh thần sám hối; trong: Làm chứng cho Ðức Kitô tới tận cùng trái đất, Longxuyên 2000, ztr.59-60)

2.10. Xin thắp sáng cây nến xây dựng hòa bình, như lời Chúa nhắn nhủ: Phúc cho ai xây dựng hòa bình. Vì nước Trời là của họ.

Cây nến hòa bình là ngôi sao Bethlehem chiếu ánh sáng cho mọi tâm hồn. Ngôi sao này được trao gửi cho mọi người, cho đức cha cùng nhau kiến tạo xây dựng một thế giới tình yêu thương trong cuộc sống.

Ðức Thánh cha Gioan Phaolô đã nói về xây dựng Hòa bình: “Ngày nay chúng ta phải biết ơn Thánh Thần Thiên Chúa đã đưa chúng ta đến sự hiểu biết rõ ràng: Cách tốt nhất và đồng thời cũng là cách hợp với Phúc âm hơn cả, để đối phó với các vần đề có thể nảy sinh trong những liên hệ giữa các dân tộc, giữa các tôn giáo và giữa các nền văn hóa, đó là đối thoại kiên trì, vừa vững vàng và vừa kính trọng.” (+ Bùi Tuần, Sau Nobel Hoòa Bình 2003; trong: Ðời tôi là một hành trình, Tr. 132.)

2.11. Xin thắp sáng cây nến niềm vui. Niềm vui giúp củng cố tâm hồn cuộc sống, xóa tan mây mù lo âu sợ hãi.

Cây nến niềm vui là ngôi sao Chúa mang từ trời cao xuống cho trần gian. Thiên Thần Chúa hiện đến báo tin cho các mục đồng: Ta báo cho anh em một tin mừng: Chúa Giêsu, đấng cứu thế đã sinh ra cho anh em. Niềm vui có Chúa cùng đi. Niềm vui mang Chúa đến cho người khác như cuộc sống của Đức Mẹ ngày xưa ở Nazareth.

Sự sống, sự vui, sự cậy nhiều khi không đến với tôi vội vã ồn ào, nhưng đến một cách bất ngờ, ngay cả qua những người nghèo khổ, bệnh tật, vô danh.

Sự sống, sự vui, sự cậy cũng nhiều khi ở lại trong tôi, khi tôi bắt chước Đức Mẹ biết âm thầm giữ kỹ các kỷ niệm trong lòng để suy gẫm (x. Lc 2,51).” (+ Bùi Tuần, Kinh lạy Nữ Vương trong đời tôi)2.12. Xin thắp sáng cây nến Giáo Phận Long Xuyên, nơi là quê hương và gia đình của đức cha từ ngày đức cha gia nhập giáo phận Longxuyên, thuở giáo phận mới được thành lập năm 1960 và sau này là Giám mục của mọi người trong giáo phận Longxuyên.

Cây nến giáo phận Long xuyên là ngọn đèn dẫn đàng cho đức cha tìm ra biên giới địa lý, cùng bước vào thời gian nơi đó, đi đến với con người đang khao khát chờ đợi Tin mừng của Chúa và cùng chia sẻ cuộc sống thân phận yếu đuối của con người, trong giáo phận Long xuyên miền đồng bằng sông Cửu Long.

3. Một vài kỷ niệm nhỏ với ân sư tôi

Là học trò của ngài, lẽ dĩ nhiên ai trong các học trò chúng tôi, cũng đều có ít nhiều kỷ niệm đã cùng với ngài sống trải qua, nhất là thời cùng chung sống dưới mái trường chủng viện Longxuyên. Những kỷ niệm đó đẹp và sống động mãi trong tâm tình lòng biết ơn nơi các học trò của ngài.

Tôi rời xa mái trường chủng viện từ hơn một phần tư thế kỷ nay.Tình cờ lại có thêm được một hai kỷ niệm khác nữa cùng sống trải qua với ngài ở bên nước Ðức, nơi tôi chọn làm quê hương thứ hai cả đời lẫn đạo. Xin được viết ra để tỏ tâm tình lòng biết ơn ân sư tôi.

3.1. Trên quê hương Luthero

Năm 1988, lúc đó tôi bắt đầu lại cuộc đời học sinh bên Ðức, có dịp được gặp lại ân sư + Bùi Tuần, nhân chuyến ngài sang Ðức thăm người bạn cũ thời ngài là sinh viên du học bên Ðức, ông Giám đốc Caritas, Prälat Hüssler, ở nhà Cha giáo Phero Qúy.

Bẵng đi tám năm trời không nghe biết gì về nhau. Không ngờ thầy trò lại có dịp gặp nhau ở một xứ nơi chân trời xa lạ. Nhưng tình nghĩa thầy trò trước sau vẫn đằm thắm như xưa. Dịp này, tôi cũng đánh bạo đưa ân sư +GM Bùi Tuần đến thăm xã giao ông Giám mục + Hubert Luthe, giám quản tổng giáo phận Köln (cơn!), nơi tôi được nhận vào chủng viện.

Sau cuộc nói chuyện làm quen.Vị giám mục giám quản Köln có thiện cảm ngay với ân sư +GM Bùi Tuần.

3.2. Tình thầy trò

Hai năm sau, đức cha Bùi Tuần có dịp sang Ðức thăm cơ quan Caritas, người bạn qúa cố Lm. Giuse Vũ xuân Huyên đã báo tin cùng rủ tôi đến thăm ân sư + Bùi Tuần, ở nhà cha cố Qúy. Dịp này cha Huyên đã đưa ngài đi thăm tổng giáo phận Paderborn, nơi cha Huyên phục vụ.

Xin cúi đầu thành kính tưởng nhớ về người bạn quá cố Lm. Giuse Vũ xuân Huyên đã được Chúa gọi trở về với Ngài năm rồi 28.07. 2004, lúc tuổi đời sống và tuổi đời linh mục đang bước vào giai đoạn chín mùi triển nở: 52 tuổi trời, 18 năm là linh mục trong giáo hội Chúa.

Giờ đây trên khu vườn sáng tạo mới của nước Chúa, cha qúa cố Giuse Huyên là Thiên Thần tình bạn của tôi, Thiên Thần học trò của đức cha. Tôi tin ngài là người bầu cử cho tôi, cho Ðức Cha ân sư + Bùi Tuần của ngài bên ngai Thiên Chúa!

3.2.1. Món qùa tặng

Cũng hai năm sau năm 1992, một bất ngờ, đúng hơn là một qùa tặng từ trời cao ban cho tôi. Tháng hoa kính Ðức Mẹ Maria năm đó tôi được đón nhận chức Phó tế. Sau thánh lễ truyền chức, nhìn xuống hàng ghế bên dưới lòng nhà thờ, bất ngờ nhìn thấy ân sư +GM Bùi Tuần cùng với cha cố Qúy, cha Giuse Vũ xuân Huyên, cha Phaolô Huỳnh Chánh cùng với những người giáo dân Việtnam đang đứng hát cầu nguyện cho tôi chen giữa mọi người. Ðiều mà trước đó tôi không được biết. Ngài sang Ðức dịp này trên đường đi Bale, Pháp quốc, dự hội nghị quốc tế về Truyền giáo.

Món qùa tặng thật bất ngờ đầy ý nghĩa! Tôi cảm động và ghi nhớ mãi hình ảnh cùng nghĩa cử đạo đức tình nghĩa thầy trò đó.

Bẵng đi hai năm nữa, tôi lại tình cờ biết ngài được hội từ thiện Misereor của giáo hội công giáo Ðức mời sang dự cuộc hội thảo, do anh Hòa làm ở Misereor cho tôi biết. Sau khi liên lạc được với ngài và thu xếp xong một vài việc ở Aachen, ngài về nhà tôi chơi gần một tuần.

Tôi còn nhớ, dịp này ngài quen biết đức giám mục Franz Kamphaus, giáo phận Limburg. Vị giám mục này ngày xưa cũng có qúa trình là cha linh hướng, giáo sư rồi giám đốc chủng viện như đức cha Bùi Tuần trước khi trở thành giám mục.

Lời văn cùng cách suy tư diễn tả của Ông cũng chân thành tình người, hợp với hoàn cảnh cụ thể đời sống của con người. Ông viết hay nói ngắn gọn chính xác có địa chỉ đích điểm rõ ràng, tương tự như Ðức Cha Bùi Tuần của chúng ta.

Sau đó một năm ngài đã đại diện Hội đồng giám mục Ðức sang thăm giáo hội công giáo Việtnam và đã đến thăm giáo phận Long Xuyên cùng dâng thánh lễ ở nhà thờ chính tòa.

3.2.2. Những mẩu chuyện trao đổi

Những dịp nói chuyện với Ðức Cha Bùi Tuần, hồi gặp ngài ở nước Ðức và những lần ở bên quê nhà hay qua điện thoại, ngài thường hỏi tôi về nếp sống đạo bên xứ Ðức như thế nào?

1. Về thần học, triết lý, kinh thánh họ có những người chuyên môn tài giỏi như linh mục thần học gia lỗi lạc nổi tiếng Karl Rahner +, Hồng Y Höffner +, Hồng y Ratzinger, Hồng y Lehmann, Hồng Y Kasper, Giám mục Kamphaus, Gm. Hemmeler +, Thần học gia khoa Kinh Thánh R. Schnackenburg, J. Gnilka…..Giáo hội bên này đầu tư nhiều vào con người - gọi nôm na là đầu tư chất xám - cho tương lai. Vì thế họ luôn có người tài giỏi.

Việc này không chỉ cho thần học trong đạo, nhưng còn đóng góp vào nền văn hóa xã hội nữa. Nước Ðức họ hãnh diện và kính trọng những người tài giỏi trong mọi lãnh vực đạo đời.

Những nhà thần học chuyên môn về kinh thánh, giáo luật, họ nghiên cứu luôn tìm cách diễn tả Tin mừng sao sống động, có khía cạnh suy tư mới khởi sắc, dễ đọc, dễ hiểu cho mọi người nhất là trong lãnh vực mục vụ và phụng vụ.

Nhiều khi họ bị phê bình là sai trái hay không theo đúng gốc chính truyền hay đi trước Giáo hội mẹ! Nhưng đó là văn hóa tâm tính người Ðức nói chung và sự cởi mở của họ nói riêng. Và họ cũng sẵn sàng chấp nhận sửa sai, sẵn sàng tìm giải pháp thoả thuận, chứ không khư khư một chiều. Họ không bị dị ứng tự ty mặc cảm. Phương pháp chú giải Kinh thánh theo nghiên cứu Phê bình lịch sử do các nhà kinh thánh thần học người Ðức mở đường tìm ra. Có thể vì đó mà nền thần học công giáo cũng như Tin lành, triết học bên Ðức có chỗ đứng trên thế giới.

2. Sau thế chiến thứ hai, nước Ðức thua trận. Niềm tin đã giúp họ sức mạnh xây dựng lại đất nước từ đống tro tàn gạch vụn. Các ngôi thánh đường được tu sửa lại khang trang đẹp đẽ và còn xây dựng thêm nhiều ngôi thánh đường mới khác nữa. Ðời sống đạo đức thời kỳ đó sầm uất, có cha xứ kể lại số người đi lễ nhà thờ từ 50 tới 70 phần trăm. Nhưng sau một thời gian xây dựng, đời sống kinh tế phát triển sung túc, no đủ dư thừa, đời sống đạo giáo bắt đầu đi xuống. Số người đi lễ nhà thờ ngày càng giảm ít đi, bây giờ ở những xứ đạo thành phố, số người đi lễ ngày chúa nhật từ 7 đến 13 phần trăm. Ở những xứ nhà quê khá hơn từ 10 đến 17 phần trăm.

Những ngưòi đi nhà thờ phần đông là những ngưòi gìa cả có tuổi. Những người tuổi trung niên, thanh thiếu niên, trẻ con càng dửng dưng với giáo hội với nhà thờ. Họ bị cuốn lôi theo dòng sông kinh tế, dòng sông sự nghiệp tiền bạc, dòng sông tự do hưởng thụ, dòng sông tôn thờ chủ nghĩa cá nhân. Lối sống dễ dãi theo cảm tính, những tổ chức lễ hội ca múa vui chơi, thể thao hằng tuần tháng, cùng cơ hội đi du lịch đó đây khắp nơi trên thế giới hấp dẫn họ nhiều hơn là nhà thờ, đạo giáo niềm tin.

3. Về ơn kêu gọi bây giờ bên Âu châu, bên Ðức đang trải qua “mùa Ðông” gía lạnh. Thần học viện ở Bonn, một loại chủng viện, cách đây 10 năm hầu như có từ một trăm tới gần hai trăm sinh viên ứng sinh thần học muốn làm linh mục cư ngụ ở đó. Càng ngày số sinh viên muốn làm linh mục càng giảm. Bây giờ chỉ còn 25 bạn trẻ học ở đó thôi. Năm 1992 cùng chịu chức linh mục với tôi là 22 tân chức. Năm vừa qua (2004) chỉ có hai tân linh mục.

Lý do tại sao như thế? Càng ngày các gia đình càng có ít con. Xã hội thiếu người trẻ. Ý thức về niềm tin tôn giáo càng giảm bớt nhiều hơn, nhất là họ không còn mấy ý niệm gì tích cực về đời sống độc thân của linh mục!

Nhà Dòng nữ Ursuline có từ mấy trăm năm nay. Bây giờ cả bốn nhà chỉ còn vỏn vẹn 63 chị nữ tu. Chị lớn tuổi nhất năm nay 94 xuân xanh, chị trẻ thứ hai 43 tuổi; chị trẻ nhất (út) vừa mừng sinh nhật thứ 33. Nếu lấy số tuổi của 63 chị đó cộng lại rồi chia đều ra, tuổi trung bình là 67 tuổi. Từ 12 năm nay không có ơn kêu gọi mới nữa.

Cũng một nhà Dòng nữ chuyên lo nhà thương có truyền thống từ hơn năm trăm năm nay, bây giờ chỉ còn 55 chị. Chị trẻ nhất gần tứ tuần rồi. Ða số vào tuổi 70 đến 80 cả rồi. Tương lai ơn gọi mới rất mù mịt!

Vì thế nhiều nhà Dòng nam cũng như nữ đã và đang tính chuyện dâng hiến hay bán cơ sở nhà cửa đất đai. Họ thu gọn nhỏ lại. Những người còn lại về sống chung với nhau, giúp đỡ nhau. Vì không có người lo giữ nhà nữa và cũng không có tiền để lo bảo trì, trả chi phí lò sưởi, điện nước và sửa chữa cùng quyét dọn nữa.

Một nhà Dòng nữ than thế này: Từ gần hai mươi năm nay, nhà Dòng sang bên Rumania chiêu mộ chị em trẻ vào dòng. Họ đem về Ðức huấn luyện, những mong sau đó họ trở về quê hương bên đó lập Dòng. Nhưng sau vài ba năm, nhà Dòng chính phải chấp nhận để những chị em trẻ đó ở lại Ðức sống làm việc trong Dòng vào những khâu như nhà bếp, may vá, văn phòng, lo vườn tược, săn sóc các chị em nữ tu gìa yếu… Vì nhà Dòng không còn người nữa. Cứ thế số chị em nữ tu trẻ người Rumania càng đông thêm nhiều hơn. Họ còn trẻ, học hành làm việc hội nhập nhanh chóng thành công. Dần dần họ được cử cắt bầu vào ban quản lý, ban lãnh đạo…Lấy ai nữa mà bầu người khác đây?

Giật mình suy nghĩ: Nhà Dòng ở Ðức, cho người Ðức, truyền thống Ðức, mà càng ngày dần dần do chị em nữ tu người Rumania chỉ huy lãnh đạo và chiếm đại đa số. Lẽ dĩ nhiên niềm tin chỉ có một Chúa. Và ai cũng là do Chúa dựng nên. Nhưng là con người ai chẳng có chút tự ái tự hào về nguồn gốc của mình!

Lo, nhưng mừng. Vì còn có người tu tiếp. Nếu không Dòng sẽ bị mai một khai tử. Vì không có ơn gọi tiếp tục ở nơi bản xứ.

4. Cơn khủng hoảng đức tin từ hằng chục năm nay hoành hành làm tan rã đời sống đạo giáo niềm tin giáo hội bên Âu châu, đang xảy ra bên nước Ðức. Cộng thêm với tình trạng tài chánh đang bị thiếu hụt. Thuế nhà thờ giảm ít đi là một lỗ hổng trong ngân sách của mỗi giáo phận ở đây. Chính vì thế họ bắt buộc phải nghĩ tới chuyện cắt giảm chi tiêu về nhân sự cũng như về cơ sở nhà cửa.

Tổng giáo phận Köln đưa ra quyết định từ nay tới năm 2007 trễ nhất là 2010 sẽ thu gọn chỉ còn 270 liên giáo xứ, thay vì 815 xứ như đang có hiện nay. Ba bốn xứ gom chung lại với nhau. Mỗi cụm như thế sẽ có hai linh mục coi sóc phần thiêng liêng mục vụ. Xứ chính nơi cha sở ở, ưu tiên hơn. Các nhà thờ họ lẻ cũng còn thánh lễ, nhưng hạn chế it đi. Những cơ sở nhà cửa phòng ốc dư hay nhiều qúa, sẽ bán hoặc cho thuê mướn.

Giáo Hội công giáo Ðức đã thú nhận đang trở thành “ một xứ truyền giáo”. Phải chăng một Giáo hội xưa kia gửi người đi giúp việc truyền giáo ở những xứ xa xôi. Bây giờ đang trên đường trở thành người nhận lại trợ giúp truyền giáo có thể từ những nước đã được truyền giáo?

Tôi không tin hoàn toàn như vậy. Lẽ dĩ nhiên họ cần lời cầu nguyện liên đới từ khắp mọi nơi. Nhưng Truyền giáo bây giờ cho một giáo hội đã có qúa trình trưởng thành thâm sâu vững chãi, trong một xứ sở văn minh tiến bộ như nước Ðức, cung cách phải khác lắm.

Trí thức không, không đủ, không bằng họ đâu. Nguyên chỉ đạo đức đọc kinh xem lễ, chịu các Phép Bí tích, đâu có sức thu hút người ta nữa, nhất là người trẻ.

Con người ở đây bây giờ có đời sống vật chất dư thừa cũng như nền văn hóa cao. Họ thiếu và cần tình người, nhất là từ phía giáo hội hơn hết. Có lẽ trên thửa đất đó, thuận lợi cho việc truyền giáo! Như Ðức giáo hoàng Gioan Phaolô đã nói đến việc “Tái phúc âm hóa”, đến nền văn minh tình thương, đến nền văn minh sự sống!

Có thể trong hoàn cảnh khó khăn, người Ðức, theo sự hướng dẫn của Ðức Chúa Thánh Thần, sẽ tìm ra cung cách khác cho việc sống làm chứng cho Ðức Kitô hợp với hoàn cảnh thời đại mới!

Tôi cầu mong và tin như vậy!

5. Tuy người dân càng ngày càng dửng dưng với nhà thờ, với niềm tin đạo giáo. Nhưng họ có ý thức cao về lòng bác ái liên đới với những người nghèo khổ. Họ rộng rãi việc quyên góp tiền bạc giúp người đau khổ hoạn nạn trên thế giới. Năm 1979 họ đã hô hào đóng góp tiền bạc và vật dụng gửi con tầu Cap Anamur đi cứu vớt những người Việtnam đi thuyền tỵ nạn ngoài biển khơi. Nạn Sóng thần vừa qua ngày 26.12.2004 ở vùng bờ biển Bên Á Châu họ cũng đã quyên góp được nửa tỷ Euro vào việc trợ giúp.

Hằng năm chỉ riêng giáo hội công giáo Ðức hào kêu gọi mọi người giáo dân giúp cho chiến dịch bác ái trên thế giới: Mùa Chay cho hội từ thiện Misereor; mùa lễ Ðức Chúa Thánh Thần hiện xuống cho hội từ thiện giúp các giáo hội bên đông âu, Renovabis, Kirche in Not; mùa Thu cho hội từ thiên Caritas và ngày khánh nhật truyền giáo thế giới cho hội Missio; mùa Vọng cho hội từ thiện giúp các giáo hội bên Trung và Nam châu mỹ latinh Adveniat; mùa giáng sinh lễ Ba Vua cho Hội giúp các trẻ em nghèo khổ, Sternsinger…Và còn hằng trăm hội từ thiện tư nhân hội đoàn khác nữa.

3.3. Cuộc sống chung

Ở nhà tôi, ngày đêm đức cha Bùi Tuần dành thời giờ đọc sách viết thư, viết bài miệt mài. Ngài và tôi nói chuyện về đời sống của người dân ở đây cùng chuyện lề thói sống đức tin ở bên xứ Luthero thôi. Tôi nhớ có lần ngài hỏi tôi: cha có sách gì hay không?

Tôi lưỡng lự trả lời: Thưa đức cha, sách bằng tiếng Ðức thì con có. Sách bằng tiếng Pháp con không có cuốn nào. Sách bằng tiếng Việtnam con chỉ có vài cuốn thôi. Nhưng không biết có hay không?

Tôi lấy đưa cho ngài mớ sách tiếng Việtnam. Ngài cầm về phòng đọc. Hôm sau nói với tôi: Những sách đó cha mua ở đâu vậy, đọc được đấy.

Tôi nhanh nhẹn đáp ngay: Thưa đức cha, con không còn nhớ rõ hết. Nhưng cách đây hai ba năm con tình cờ đến nhà một người giáo dân, họ tặng con một cuốn sách của tác gỉa Nguyễn văn Thành. Về đọc thấy hay. Con đặt mua thêm một vài cuốn nữa. Con thỉnh thoảng đọc cho vui thôi và để khỏi quên tiếng Việt!

Ngài cười tiếp tục đọc. Ngày từ gĩa ra về, tôi gói biếu tặng những cuốn sách ngài thích.

Sau đó một năm rưỡi, thình lình ngài gọi điện thoại cho tôi từ nhà các cha hội Thừa sai Paris. Tôi mời ngài sang đây với tôi. Ngài đồng ý ngay.

Cũng như lần trước, tôi ngoài ngày giờ chở đưa ngài đi đó đây. Chúng tôi tự nấu cơm lấy ăn. Tôi nấu cơm, sau bữa cơm ngài cùng thu dọn dẹp và rửa chén bát với. Một việc khó có thể xảy ra ở bên quê nhà nơi một nhà xứ hay ở tòa giám mục.

Món mà ngài thích, bây giờ thỉnh thoảng ngài còn nhắc lại, là món xúc xích (Bockwurst) luộc ăn chấm quyệt với mù tạt cay nồng (Senf). Ngài ăn khen ngon, xúc xích dòn thơm. Thế là mỗi sáng ngài chỉ điểm tâm lót lòng bằng thứ Xúc xích với bánh mì đen của Ðức. Ðây là một trong những món đặc sản của người Ðức.

Ðức cha Tuần không bao giờ chú ý đến miếng ăn. Chưa bao giờ ngài hỏi hay đề nghị ăn món gì. Mấy hôm ở nhà tôi, ngài ăn thưởng thức ngon lành món ăn rặt Ðức như thế. Tôi vừa mừng và cũng rất ngạc nhiên. Vì bánh mì đen của Ðức tuy bổ, gần giống như cơm gạo lứt của ta, nhưng khô khó nuốt lắm. Biết bao nhiêu người Việtnam ở đây hàng chục năm mà vẫn không sao ăn nổi thứ bánh mì này và Bock Wurst chấm với Senf.

Xem như thế, ngài là người mềm dẻo, biết chọn lựa và thích ứng với từng hoàn cảnh cuộc sống. Một đức tính cao qúy đem lại cho đời sống nhiều niềm vui thanh tao cao thượng.

3.4. Ðức cha Tuần và Ðức cố Hồng y Thuận

Nhưng lần gặp gỡ này có thêm sự khác lạ: Ðức Tổng giám mục Phanxico Nguyễn văn Thuận, lúc đó đang ở bên Tòa thánh Roma. Hai người hẹn gặp nhau tại một nhà Dòng bên Ðức ở Köln, trao đổi về việc truyền giáo thế nào cho có hiệu qủa. Ðúng ngày giờ hẹn tôi đưa đức cha Tuần ra phi trường Düsseldorf đón đức tổng giám mục Phanxicô Thuận.

Sau lúc chào hỏi nhau, tôi hỏi đức Tổng Thuận: Ðức cha chắc không biết con đâu?

Ngài cười nói ngay: Chú là cha Long mà!

Tôi cảm động, ngạc nhiên thầm phục trí nhớ sắc sảo tuyệt vời của ngài. Vì tôi gặp ngài có một lần và cũng là lần đầu tiên cách đó ba năm về trước chỉ hơn kém ba khắc đồng hồ thôi.

Lúc băng ngang qua đường có đèn đỏ, hai đấng vui truyện cứ tự nhiên đi qua. Vì thấy hai bên không có xe chạy. Tôi đứng lại nói: Thưa hai đức cha, đèn đỏ, đứng lại chờ đi chứ. Luật giao thông mà!

Ðức Tổng Thuận quay sang cười nói dí dỏm: Mình là ngoại quốc sợ gì chú! Ðèn đỏ đâu có cho Ausländer (ngoại quốc)! - Ðức tổng Thuận nói tiếng Ðức thông thạo lắm.

Nhà Dòng cho tài xế đến đón hai đức cha về nhà Dòng ở Köln. Hai ngày sau, tôi ra phi trường đón đức cha Tuần về nhà tôi lại. Ðức Tổng Thuận nói với tôi: Bao giờ đức cha Tuần sang, chú cứ đưa ngài lên máy bay bắn sang Roma cho tôi!

Lời căn dặn đó tôi nhớ mãi. Nhưng Ðức Hồng y đã ra người thiên cổ.

Xin thành kính thắp sáng ngọn nến niềm Tin mầu đỏ, cúi đầu nhớ về Ðức cố Hồng y Phanxico Nguyễn văn Thuận, một người được Trời cao ban cho trí nhớ thông minh sắc sảo, nhưng lại có cuộc sống hài hòa bình dân thấm nhuộm tình người cùng với óc khôi hài ý nhị!

3.5. Mối quan tâm

Ðức cha Bùi Tuần có ngỏ ý muốn thăm những người giáo dân công giáo Việtnam ở đây. Tôi nói với ngài: Vâng, tốt lắm!

Sau đó một số người giáo dân Việtnam và đức cha quen biết nhau đã có dịp gặp lại nhau sau hàng chục năm xa cách. Vui mừng kính trọng nhau. Họ nhắc lại những kỷ niệm ngày xưa đã có lần cùng nhau sống trải qua ở ngoài Bắc trong làng xứ Cao Mộc, ở Long Xuyên kênh Tư, kênh Tám, ở Sàigòn, ở Cao Thái, Cần xây, Châu Ðốc, Rạch giá…

Ðức cha Bùi Tuần chỉ nói xa gần ngắn gọn những khó khăn về đời sống bên quê nhà, nhất là trong giáo phận Long xuyên về các thí điểm truyền giáo. Là học trò, tôi nghĩ, phải giúp Thầy mình những gì có thể. Tôi mạnh dạn đề nghị đi gặp tiếp xúc văn phòng của tổng giáo phận Köln phụ trách giúp các nơi truyền giáo…

Sau cuộc thăm hỏi trao đổi, họ có cảm tình ngay với ân sư + Bùi Tuần và hứa giúp giáo phận Long xuyên vào việc rao giảng Tin mừng của Chúa cho con người. Ðúng như câu ngạn ngữ bình dân: mình lo Chúa liệu!

Xin cám ơn Thầy + Bùi Tuần đã gửi gắm và xây dựng cho các học trò của ngài, trong đó có tôi, một nền tảng sống đức tin làm con Chúa. Và một nền tảng biết bỡ ngỡ thắc mắc trước những dấu chỉ thời đại. Thấy mà xem chẳng thấy!

Xin tạ ơn Chúa và chúc mừng ân sư Giám Mục Bùi Tuần của tôi.

Düsseldorf, mùa Xuân Ất Dậu 2005
Lm Đaminh Nguyễn ngọc Long
Chú học trò thuở thập niên 60. 70. của thế kỷ trước ở chủng viện Long xuyên.

Lm Đaminh Nguyễn Ngọc Long

URL: http://danchuausa.net/giao-hoi-viet-nam/duc-giam-muc-jb-bui-tuan-vi-an-su-toi/