Trích từ Dân Chúa

'Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được!'

Quang Tâm

Trong một bài viết hồi đầu tháng 6, chúng tôi có kể câu chuyện về cháu bé Giuse Ngô Quang Kiệt ở Sàigòn, một cháu bé được cứu sống và đặt tên theo tên của Đức Tổng Giám Mục Hà Nội. Lần này, tôi lại xin kể chi tiết câu chuyện về một cháu bé khác được sinh ra phía bên kia quả địa cầu, xứ sở Canada xa tít tắp. Thật ngạc nhiên và vui vì cháu được đặt tên theo tên của cha Giuse Hồ Đắc Tâm của DCCT chúng tôi, hiện đang du học tại Pháp.

Tôi phỏng đoán, ngoài lòng yêu mến cách riêng đối với Đức Cha Ngô Quang Kiệt và cha Hồ Đắc Tâm, cha mẹ các cháu bé này cũng có ý muốn dâng con mình cho Thiên Chúa trong Ơn Gọi Tu Sĩ Linh Mục như một sự bày tỏ lòng tri ân đầm đìa nước mắt hạnh phúc ?!? Nếu thật vậy thì quý hóa quá, không khéo các bài viết về Bảo Vệ Sự Sống như thế này của tôi lại gợi ý cho nhiều gia đình Công Giáo Việt Nam khác, từ nay sẽ chọn đặt tên con trai con gái của mình theo tên của những vị họ hằng biết ơn và yêu mến, đặc biệt kỳ vọng các cháu rồi đây lớn lên sẽ đi tu, hoặc sẽ trở thành những người tử tế và hữu ích cho xã hội.

Chuyện bé Hồ Đắc Tâm được mẹ cháu gọi điện từ Canada về kể đầu đuôi thế này:

Ba của cháu tên là anh Giuse Hồ Minh Khiêm, một thợ hàn sinh năm 1967, còn mẹ cháu, chị Maria Nguyễn Thị Trâm sinh năm 1970, làm nghề thợ may. Trước đây gia đình thuộc Giáo Xứ Vườn Xoài, thứ bảy bao giờ cũng về hành hương Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Kỳ Đồng, năm 1998 đi định cư tại Canada. Cách nay sáu năm, anh chị đã có cháu bé trai thứ nhất tên là Giuse Hồ Đắc Nhân, lúc sinh được 3Kg700 dài 47cm. Hai năm sau, mang bầu cháu thứ nhì thì… có chuyện !

Lúc cháu bé được 14 tuần thai, anh chị Khiêm Trâm vui vẻ háo hức đi khám thai tại bệnh viện Vancouver. Không ngờ sau khi các bác sĩ chọc nước ối, xét nghiệm gen và thử máu, kết quả thật choáng váng: thai dư một Nhiễm Sắc Thể !

Nếu dư ở cặp thứ 21, bé sinh ra bị hội chứng Down (Down Syndrome, lấy theo tên bác sĩ Landon Down người phát kiến và nghiên cứu về hội chứng này từ thế kỷ 19), bé sẽ chậm phát triển tâm thần, khờ khạo ngu ngơ suốt đời, khuôn mặt cứ như người Mông Cổ với đôi mắt xếch nên trước đây người ta quen gọi là hội chứng Mongolism. Ở đây không phải vậy, dư một Nhiễm Sắc Thể ở cặp thứ 20, nghĩa là bé có đến 47 Nhiễm Sắc Thể, mà cứ theo luận điểm và tài liệu y khoa thì như thế bé sẽ bị bệnh… tim bẩm sinh trầm trọng hoặc không có cột xương sống, vô phương cứu chữa, coi như chết chắc !

Bệnh viện mời cha mẹ cháu đến thảo luận, phía họ có đến hai bác sĩ chuyên về Huyết Học, các sinh viên thực tập về Sản Khoa và Nhi Khoa, hai chuyên gia về Tâm Lý, một thông dịch viên Mỹ – Việt. Bầu khí thật căng thẳng, kéo dài trong 3 giờ đồng hồ. Họ cho anh chị hai tuần về nhà suy nghĩ trước thời điểm thai được 16 tuần, buộc phải chấm dứt sự sống, không thì sẽ không còn kịp phá thai (có lẽ luật Canada không cho phép phá quá 4 tháng tuổi thai chăng ?). Họ còn chú thích thêm là sự thường một em bé được sinh ra chỉ đạt tỷ lệ hoàn hảo (perfect) cao nhất là 93%, vậy mà cháu bé này chỉ được xê xích từ 88 đến 90%, dân Canada phá bỏ đi là cái chắc ! Không biết dân Á Đông quyết định thế nào ?

Trời ơi, nói thế không khác gì kết án tử ? Ép mà không buộc ! Không chịu phá thai đi thì rõ là dại dột ngu dốt ! Hai tuần lễ để suy nghĩ, phải nói đó là hai tuần lễ của dằn vặt ray rứt kinh hoàng, hai tuần lễ ướt đẫm nước mắt bất an đối với anh chị Khiêm Trâm. Bệnh viện cứ gọi điện thoại liên tục để thuyết phục phá thai. Cuối cùng, Tình Yêu và Lòng Tin đã chiến thắng, cha mẹ cháu dứt khoát không chọn theo đa số thường tình, họ lội ngược dòng đời theo mách bảo của lương tâm Công Giáo.

Sau hai tuần lễ, trở lại bệnh viện Vancouver, anh chị Kiêm Trâm trả lời: Dứt khoát không giết em bé cho dẫu sinh ra cháu có thế nào đi nữa. Các bác sĩ Canada tròn xoe mắt ngạc nhiên, nhưng một điểm còn đáng khen, đó là họ tôn trọng quyết định cuối cùng và hoàn toàn tự do của đôi vợ chồng người Việt, họ tuyệt đối không mắng nhiếc quát tháo theo kiểu một số bác sĩ phụ khoa, sản khoa Việt Nam như chúng ta thường gặp tại các bệnh viện Nhà Nước.

Anh chị từ chối sẽ không về thành phố Vancouver để sinh tại bệnh viện lớn và hiện đại hết mức, nhưng sẽ ở lại sinh ngay tại bệnh viện nhỏ của tỉnh lỵ Surey nơi gia đình đang sinh sống, cách Vancouver một giờ lái xe. Các bác sĩ lại ngỏ ý xin anh chị ký giấy đồng ý sau khi sinh, cho họ xin cái nhau thai để mang về xét nghiệm, anh chị nhận lời, dẫu sao đó cũng là một việc giúp nghiên cứu y khoa có ích cho các trường hợp khác.

Trở về Surey, 5 tháng chờ đợi cho đến ngày sinh cháu bé là cả một hành trình dài đằng đẵng cho đôi vợ chồng quả cảm. Tháng đầu tiên là căng thẳng và đau khổ đến tuyệt vọng. Thế nhưng, nhờ cầu nguyện, gia đình dần dần tìm được nơi nương tựa vững chắc là Lòng Thương Xót của Chúa Giêsu. Chị Trâm kể cho tôi nghe qua điện thoại, bây giờ đã qua được gần 4 năm rồi, mà giọng nói vẫn pha lẫn nghẹn ngào nước mắt với niềm vui phó thác.

Chị bảo: “Cha biết không ? Con tự lấy làm kinh ngạc về chính mình, chồng con anh Khiêm cũng thế, chúng con bình an đến lạ lùng ! Những người biết chuyện cứ ngỡ chúng con lúc này sẽ buồn sầu kinh khủng, chắc chắn sẽ đưa tới tình trạng suy sụp kiệt quệ cả tâm hồn lẫn thể xác, không ngờ, vâng quả thật không ngờ, chúng con đã thanh thản an nhiên làm việc, sống bầu khí gia đình với nhau, với bé Nhân con trai đầu lòng. Vợ chồng chúng con biết rõ tất cả là nhờ mình đã cầu nguyện ký thác trọn vẹn cho Thiên Chúa và Mẹ Maria !”

Gần đến kỳ hạn, ngày 29.9.2005, chị Trâm vào nhà thương tỉnh lỵ Surey nằm chờ, lần chuỗi Mai Khôi với Mẹ suốt từ 9giờ sáng đến 12 giờ trưa thì lên bàn mổ. Đúng 12 giờ 5 phút, cháu bé chào đời, nặng 4Kg, dài 55cm, trội hơn bé anh mọi mặt dù sinh non hơn 1 tuần !

Anh Khiêm túc trực ngay bên cạnh giường, được đỡ lấy con trai trên hai tay rồi trao sang cho chị Trâm, chị ôm lấy con, mắt nhòa lệ niềm vui khôn tả, miệng bật lên bài Thánh Ca: “Xin dâng lời cảm tạ, hồng ân Thiên Chúa bao la…” Bé anh đã có tên là Hồ Đắc Nhân, Nhân thì đi đôi với Tâm, vậy bé em được chọn tên là Hồ Đắc Tâm. Anh Khiêm còn tò mò gõ vào Internet, nhờ Google tìm xem tên cháu trùng tên những ai, thì biết có một cha DCCT cũng tên Hồ Đắc Tâm, chỉ khác cha tên Thánh là Giuse, còn cháu tên Thánh là Tôma ! Chị Trâm tâm sự với tôi rất chân thành: “Cha ơi, vợ chồng chúng con ao ước cháu lớn lên sẽ theo cha Hồ Đắc Tâm đi tu DCCT !”

Cũng cần nói thêm là khi cháu lên ba, các bác sĩ ở Vancouver vẫn thường xuyên theo dõi hồ sơ của cháu Tâm, họ mời gia đình đưa cháu lên khám, chụp hình, cân đo kỹ lưỡng, lại lấy một tý da ở lưng bé để xét nghiệm cái này cái kia. Gần như cả êkíp bác sĩ xúm lại, trầm trồ kinh ngạc, họ không thể hiểu nổi tại sao như thế như thế mà bây giờ sinh ra lại thế này thế này. Chính vị bác sĩ đã từng mạnh miệng yêu cầu phá thai thì nay phải công nhận mình đã… sai ! May mà đứa bé đã được giữ lại, được cứu sống ! Mà sống khỏe hẳn hoi: 11 tháng biết đi, 16 tháng biết gọi ba gọi má !

Bản thân tôi tò mò hỏi tại sao chị Trâm lại tìm ra tôi bên Việt Nam để gửi Mail và gọi điện kể lể đầu đuôi, chị khoe gia đình có họ gần với cha Philípphê Lê Văn Vui, cũng DCCT. Cha Vui không đi xuất cảnh theo gia đình, chọn ở lại phục vụ một Xứ Đạo nghèo ở tỉnh Quảng Nam, Giáo Phận Đà Nẵng. Tháng 5 vừa qua, cha Vui được đi thăm gia đình bà con một vòng, ghé chơi nhà anh chị Khiêm Trâm, bé Tâm thích cha Vui lắm, cứ đeo theo nghịch ngợm cho đến khi cha mệt phờ. Cha Vui biết chuyện về bé thì bảo phải gửi Mail cho cha Uy đi, cha Uy sẽ có thêm chứng cứ sống động về BVSS để thông tin cho mọi người gần xa mà cứu được thêm bao nhiêu trường hợp tương tự.

Thì ra vậy, câu chuyện liên quan đến mấy ông cha DCCT, đến tôi là ông cha thứ ba rồi đó. Tôi hãnh diện được anh chị Khiêm Trâm tin tưởng, tôi vui mừng ghi lại tất cả để kể qua các bài viết trên Internet, qua các bài giảng ở Nhà Thờ. Cụ thể thứ hai này, 20.7.2009, buổi chiều lúc 14g, khi giảng trong Thánh Lễ cầu nguyện cho các chị em đang mang thai tại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp Sàigòn, tôi sẽ cùng mọi người chắc tin và vững tâm ở hai luận điểm chính yếu của tinh thần BVSS:

1. Dứt khoát không bao giờ phá thai. Không nên quá tin vào người đời, vào các máy móc, dù hiện đại đến đâu vẫn luôn có những sai sót vô tình và cả những nhẫn tâm cố ý. Biết đâu còn có cả một chủ trương “giảm sinh tối đa” để kế hoạch hóa dân số, nặng nhất là thúc ép xô đẩy người ta đến chuyện đành lòng phá thai, từ khước chính đứa con vô tội của mình, nhẹ nhất cũng gây cho gia đình người ta nỗi lo sợ, buồn sầu, khủng hoảng oan uổng suốt từ khi nghe kết quả siêu âm cho đến khi sinh con khỏe mạnh.

2. Dứt khoát bảo vệ lấy Sự Sống là quà tặng vô giá của Thiên Chúa. Hãy vững tin vào Thiên Chúa. Hãy nắm chắc lời cam kết đoan hứa của Thiên Thần được cử đến với Mẹ Maria: “Đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1, 37). Dẫu thực tế bào thai đang cưu mang có bị dị tật hoặc trục trặc bệnh hoạn nào đi nữa, quyền năng yêu thương của Thiên Chúa vẫn vượt lên trên mà chữa lành, hồi sinh tất cả nhờ lời cầu bầu của Mẹ Hằng Cứu Giúp.

Xin tạ ơn Chúa, biết ơn Mẹ. Xin cám ơn anh chị Khiêm Trâm và cám ơn cả cháu bé Tôma Hồ Đắc Tâm, nhờ chứng tá của cháu mà chắc chắn sẽ có thêm nhiều cháu bé khác được cứu sống !

Thứ Sáu 17.7.2009

Lm Lê Quang Uy, DCCT

URL: http://danchuausa.net/giao-hoi-viet-nam/doi-voi-thien-chua-khong-co-gi-la-khong-the-lam-duoc/