Trích từ Dân Chúa

Chân dung linh mục Việt Nam: Linh mục Antôn Phùng Quang Mạnh (Phùng Sanh)

TGP Saigon

A. Từ một người ngoại đạo

Cha Antôn Phùng Quang Mạnh chào đời ngày 12 tháng 9 năm 1922 trong một gia đình ngoại giáo tại thành phố Mỹ Tho. Cha của ngài là ông Phùng Hiệp, một bang trưởng Quảng Đông giàu có với nhiều hiệu buôn lớn và phố xá tại thành phố kỳ cựu này. Mẹ của ngài là bà Hà Thị Mai, một phụ nữ Nam Bộ hiền hậu. Cha của ngài quyết định sau này, khi lớn lên, ngài sẽ tiếp tục công việc kinh doanh rất phát đạt của ông. Nhưng ý Chúa lại định thể khác…

ChaPQManh.jpg

Cha Antôn Phùng Quang Mạnh (1922 – 2004)

B. Trở nên con cái Chúa

Ngày 22-12-1928, cha Phêrô Nguyễn Văn Tiên, cha sở Mỹ Tho lúc bấy giờ, đã ban bí tích Thánh Tẩy cho toàn thể gia đình của ngài. Bắt đầu cuộc hành trình đức tin, Chúa gởi đến cho gia đình ngài biết bao thử thách gian truân: Ông Cố Phùng Hiệp bị bà con bên nội và bạn bè đồng hương chỉ trích dữ dội và quyết liệt tẩy chay vì họ cho rằng Ông Cố đã bỏ tổ tiên ông bà khi theo đạo Chúa; rồi cũng trong năm đó, Bà Cố lâm trọng bệnh và qua đời khi mới 32 tuổi; 4 năm sau, 1932, tất cả các hiệu buôn đều bị phá sản, phố xá bị tịch thu và trong lúc gia tài khánh kiệt, Ông Cố lại qua đời vào năm 1934. Thế là 7 anh chị em trở nên côi cút, bơ vơ, từ chỗ giàu sang rơi xuống cảnh bần cùng, thiếu thốn trăm bề, vô vàn khổ sở. Nhưng trong cảnh khốn cùng đó, Chúa đã gởi đến cho 7 trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ một người mẹ khác thật tuyệt vời: đó là dì Ba, em gái của Bà Cố Mađalêna. Chính dì Ba là người tận tình nuôi dưỡng và nghiêm khắc dạy dỗ các cháu của mình nên những người Kitô hữu tốt, giúp các cháu giữ vững niềm tin trong cơn thử thách, và cũng chính dì Ba đã vun trồng ơn gọi linh mục cho các cháu trai của mình, nhờ đó 3 trong số 4 cháu trai đã trở thành linh mục của Chúa, đó là cha Antôn Phùng Quang Mạnh (giáo phận Sài Gòn), cha Antôn Phùng Thành (giáo phận Phú Cường), cha Giuse Phùng Cảnh (giáo phận Đà Lạt).

C. Trở thành linh mục của Chúa

Cha Antôn Mạnh chịu chức linh mục ngày 21-9-1947 tại nhà thờ Chính toà Sài Gòn cùng với 6 anh em khác, trong số đó có Đức Cố Tổng Giám mục Philípphê Nguyễn Kim Điền. Hành trình phục vụ của ngài kéo dài 57 năm: từ nhà thờ Thánh Phanxicô Xaviê (nhà thờ Cha Tam) ở Chợ Lớn, đến nhà thờ Bình Đại ở miền Duyên Hải tỉnh Bến Tre, hoặc lên Vườn Xoài hay qua Gia Định, ngài luôn để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng giáo dân, cách riêng ở Gia Định, nơi ngài đã gắn bó suốt 43 năm, từ ngày 24-6-1961 cho đến khi ngài được Chúa gọi về vào sáng sớm ngày 16-1-2004. Mọi người đều nhận thấy nơi ngài:

1. Một cha sở đặc biệt có tinh thần Giáo Hội: Ngài luôn đặt lợi ích Giáo Hội lên trên lợi ích cá nhân, rất có lòng chung với công việc của giáo phận: từ việc xây dựng Nhà Hưu Dưỡng Linh Mục ở Chí Hoà cho đến công trình xây dựng Nhà Khách và Văn Phòng Toà Tổng Giám Mục. Mỗi khi Toà Tổng Giám Mục có việc cần nhờ, ngài nhanh chóng điều động giáo dân đến giúp đỡ, chẳng hạn như cuộc đón tiếp Đức Hồng Y Etchegaray (năm 1989), lễ an táng Đức Cố Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình (5-7-1995), việc rước Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn về nhận giáo phận ngày 2-4-1998; ngoài ra, Chủng Viện là nơi được ngài quan tâm giúp đỡ nhiều nhất.

2. Một cha sở thật lòng yêu thương anh em linh mục, cách riêng các cha phó của mình: Trong 43 năm làm cha sở Gia Định, cha Antôn có rất nhiều cha phó. Có những cha làm phó cho ngài trên 20 năm, như cha Giuse Nguyễn Hữu Triết (1972-1993), cha Inhaxiô Hồ Văn Xuân (1975-2004). Ngài luôn nâng đỡ và tạo điều kiện thuận lợi để các cha phó phát huy tài năng. Ngài cũng hết lòng quý mến anh em linh mục cũng như tu sĩ, sẵn sàng giúp đỡ các anh em linh mục nghèo khổ ở các vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh, thậm chí có lần ngài đã vét hết tiền riêng của ngài để chuộc mạng cho một anh em linh mục. Ngài luôn cảm thông và chia sẻ mọi buồn phiền với những anh em linh mục đang gặp đau khổ. Vì thế, nhiều linh mục đã xem ngài như một người cha thiêng liêng hoặc một người anh tinh thần …

3. Một cha sở hết lòng yêu thương giáo dân: Đối với những ai nghèo khổ bất hạnh, ngài âm thầm giúp đỡ và tìm dịp thăm viếng ủi an; mở phòng khám bệnh và phát thuốc miễn phí vào mỗi chiều Chúa nhật cho hàng trăm bệnh nhân nghèo túng; mở trường Trung Tiểu học Thánh Mẫu để nâng cao trình độ văn hoá của giáo dân; mở trường giúp các trẻ em chậm phát triển tâm thần hội nhập với cuộc sống bình thường; đối với nạn nhân chiến tranh, ngài tạo cho họ công ăn việc làm …

4. Một cha sở đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng ngôi nhà đức tin cho cộng đoàn Dân Chúa qua các lớp Thần học giáo dân, các lớp Thánh Kinh chuyên biệt, các cuộc cử hành bí tích sốt sắng, cách riêng cổ võ việc hát cộng đồng trong thánh lễ giúp thánh lễ trở nên sống động hơn.

5. Một cha sở sống giản dị, khó nghèo: Tất cả những gì ngài có là dành để phát triển và mở mang họ Gia Định, xây dựng 3 Nhà Nguyện cho 3 họ lẻ: Thánh Giuse 1964, Thánh Mẫu (Đồng Ông Cộ) 1970 và Đức Mẹ Lên Trời (Trần Kế Xương) 1973; trong khi bản thân ngài sống rất giản dị, nghèo khó. Ba ngày trước khi qua đời, lúc đang hấp hối trên giường bệnh, ngài vẫn quan tâm đến việc sửa chữa nhà thờ Gia Định. Rồi khi chết, ngài trối lại tất cả tiền bạc của cải cho họ Gia Định, chỉ xin trả lại cho gia đình ngài pho tượng Đức Mẹ mà Ông Bà Cố của ngài đã chuộc khi mới trở lại đạo vào năm 1928, và ngài đã mang pho tượng quý báu này theo ngài suốt 57 năm cuộc đời linh mục …

TGP Saigon

URL: http://danchuausa.net/giao-hoi-viet-nam/chan-dung-linh-muc-viet-nam-linh-muc-anton-phung-quang-manh-phung-sanh/