Trích từ Dân Chúa

Bài phát biểu về phòng chống HIV /AIDS của người Công giáo Việt Nam tại Nghị Hội Geneva

Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

CHƯƠNG TRÌNH THAM GIA PHÒNG CHỐNG HIV/AIDS CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO TẠI VIỆT NAM

(Bài phát biểu của Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn tại Hội nghị CHAN)

Lời Mở Đầu

Năm 1990, Việt Nam phát hiện bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đầu tiên. Tính đến 31-8-2007, con số người nhiễm tính khoảng 293.000 người. HIV có mặt trong tất cả 64 tỉnh thành, 96% trong tổng số 659 quận huyện và 66% trong số 10.732 phường xã. Số người nhiễm HIV trong độ tuổi từ 20-39 là 78,9% và 85,2% là nam giới (x. Báo cáo của Nhà nước Việt Nam về Cam kết Phòng chống HIV/AIDS, Hà Nội, 1-2008, tr. 6). Nhà Nước cũng như nhiều tổ chức nhân đạo trong cũng như ngoài nước đã có nhiều hoạt động nhằm ngăn chặn đại dịch này. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa được như ý muốn.

it-affects.gif

Theo số liệu của Bộ Y tế Việt Nam, mỗi ngày có hơn 100 trường hợp nhiễm HIV mới và 40 người chết vì AIDS. Tính đến thời điểm này, ngày 3-6-2008, số bệnh nhân nhiễm HIV đã lên tới trên 300.000 người. Con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều. Dân tộc Việt Nam đang phải đối mặt với một nạn dịch gây kinh hoàng cho cả thế giới, và nếu không hành động nhanh chóng để phòng chống thì đại dịch này có thể ảnh hưởng lớn lao đối với tương lai dân tộc. Tổ chức Công giáo Liên kết Phòng chống HIV/AIDS (CHAN: Catholic HIV AIDS Network) đã dành riêng một ngày cho Việt Nam (3-6-2008) trong Hội nghị được tổ chức ở Geneva, Thuỵ Sỹ, để bàn về các Chương trình Phòng chống HIV/AIDS trên toàn thế giới, từ 4 đến 6-6-2008.

Đại dịch này ở Việt Nam có nhiều điểm đặc biệt cần phải mổ xẻ và phân tích kỹ lưỡng so với một số nước trên thế giới mà chúng tôi sẽ trình bày dưới đây. Tuy nhiên, trước tiên nó là một vấn đề xã hội toàn diện mà mỗi cá nhân và cộng đồng trong xã hội cần ý thức và góp phần giải quyết. Với ý thức rằng Giáo hội Việt Nam là một thành phần trong cộng đồng dân tộc Việt Nam, và xa hơn nữa là cộng đồng thế giới, chúng tôi xin trình bày dự án này trong tinh thần cộng tác và liên kết với mọi người.

Bài trình bày chuẩn bị cho dự án gồm mấy phần chính sau đây:

1. TÌNH TRẠNG LÂY NHIỄM HIV/AIDS Ở VIỆT NAM

Tình trạng lây nhiễm nhanh chóng HIV ở Việt Nam không phải bắt nguồn từ một hai lý do đơn giản như tiêm chích ma tuý hay hoạt động mại dâm, nhưng nó còn gắn liền với nhiều nguyên nhân khác. Chúng ta có thể lược qua rất nhanh một số nguyên nhân cơ bản sau:

1.1. Tiêm chích ma tuý

Theo thống kê của Cục Phòng chống Tệ nạn Xã hội đưa ra tại Hội nghị Song phương về Hợp tác Phòng chống Ma tuý giữa Thái Lan và Việt Nam, ngày 28 đến 29-5-2008, tại Đà Nẵng, số người nghiện ma tuý ở Việt Nam tính đến cuối năm 2007 là gần 200.000 người, tăng 11% so với năm 2006. Điều đáng lo ngại là số người nghiện ma tuý ở độ tuổi 18-30 chiếm đến 65,9%, tỷ lệ tái nghiện sau cai là 70-95%. Nguy hiểm hơn là số học sinh trung học tại cơ sở nghiện ma tuý đã tăng từ 28% (1995) lên 40,5% (2007) và học sinh trung học phổ thông tăng từ 7,1% (1995) lên 34,9% (2007) (x. Báo Tuổi Trẻ, ngày 29-5-2008, tr.2).

Tỷ lệ người nhiễm HIV chiếm khoảng 33%, phần lớn là do sử dụng chung kim chích với nhau, nhất là trong các trại tập trung. Thành phố Hồ Chí Minh là một đơn vị có nhiều hoạt động trong lĩnh vực thu gom những người nghiện ma tuý để giáo dục tập trung khoảng 40.000 người, trong số 57.000 người nghiện ma tuý đang sống trong 83 trung tâm cai nghiện ma tuý trên cả nước, tính đến cuối năm 2006. Tuy nhiên, số người sử dụng ma tuý vẫn không ngừng gia tăng trong xã hội và các vụ án mua bán ma tuý với số lượng lớn vẫn được các cơ quan an ninh khám phá thường xuyên. Số người tái nghiện sau khi rời khỏi trung tâm rất cao, từ 70%-80% (x. Khuất Thị Hải Oanh, Đương đầu với HIV/AIDS ở Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, tháng 11-2007, tr.18).

1.2. Hoạt động mại dâm

Số người hoạt động mại dâm trên cả nước ước tính khoảng 100.000. Bộ Lao động và Thương binh Xã hội đã đưa ra con số 55.000 cô gái hoạt động mại dâm được quản lý, tính đến tháng 6-2007. Tuy nhiên, con số thực tế chắc chắn là cao hơn. Báo Tuổi Trẻ nói đến 27.000 cô gái mại dâm tuổi từ 14-18 đang hoạt động trong vùng biên giới Cambodia và Việt Nam với tỷ lệ lây nhiễm HIV rất cao.

Tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người bán dâm nữ ước tính là khoảng 6,5% (2004), nhưng ở một số thành phố như TP.HCM và Hà Nội, tỷ lệ này lên tới 15,5%-15,6% (x. Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, Bản tin JVnet, tháng 12-2007, tr.20). Các bằng chứng dịch tễ học cho thấy HIV đang lan truyền ra ngoài các nhóm nguy cơ cao thông qua bạn tình của những người mua dâm. Trong năm 2005, ước tính khoảng 75% trường hợp mới nhiễm HIV là do lây qua đường tình dục (x. Khuất Thị Hải Oanh, Đương đầu với HIV/AIDS ở Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, tháng 11-2007, tr.14).

Nếu giả thiết có khoảng 5% trong số 100.000 cô gái mại dâm nhiễm HIV, tức là 5.000 người, và nếu mỗi người đó tiếp từ 1-5 người khách mỗi ngày thì số người nhiễm HIV mỗi ngày không còn là 100 người theo ước tính của Chính quyền, mặc dù 90,4% gái mại dâm cho biết có sử dụng bao cao su với khách hàng thường xuyên trong những lần quan hệ tình dục gần đây nhất để phòng ngừa việc lây nhiễm HIV (x. Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, Bản tin JVnet, tháng 12-2007, tr. 21). Đây là điểm cần chú ý trong việc truyền thông về việc tiết dục (abstinence), chung thuỷ trong tình yêu (be faithful in marriage) và trong sáng trong quan hệ tình dục (clearness in love) để ngăn ngừa việc lây nhiễm HIV qua đường tình dục.

1.3. Tình trạng nghèo khổ và di dân

Việt Nam là một nước đang phát triển với số người nghèo chiếm 22% dân số, tính theo tiêu chuẩn quốc tế (<1 USD/ngày). Do tình trạng đô thị hoá, nhiều nông dân đã bỏ đồng ruộng để tìm việc làm tại những thành phố lớn. Số di dân hiện nay khoảng 8 triệu người, trong số đó có khá nhiều phụ nữ. Những người này do trình độ văn hoá thấp (cấp tiểu học), không có tay nghề chuyên môn nên họ rất dễ bị lôi cuốn vào những nghề có nguy cơ lây nhiễm HIV cao như bán hàng ở các quán cà phê, quán bia trá hình, massage, quán nhạc karaoke, tiếp viên khách sạn…

Những di dân nam giới, do tình trạng xa nhà, xa gia đình, xa vợ con, để giải quyết nhu cầu sinh lý, thường tìm gặp các cô gái mại dâm. Sau khi bị lây nhiễm HIV từ những cô gái này, mà chính bản thân họ cũng không biết, họ lại vô tình làm lây nhiễm cho những người thân khi trở về gia đình trong những dịp lễ Tết. Ở đây, chúng ta đặc biệt nói đến những công nhân di dân nghèo khổ nơi các đô thị lớn. Do tình đồng hương hay đồng nghiệp, họ thường mướn nhà ở chung với nhau, năm ba người một phòng, để giảm bớt chi phí. Tình trạng sống chung đụng nam nữ giữa những người này cũng là một nguồn lây nhiễm HIV.

Chúng ta cũng lưu ý đến tình trạng thiếu cân đối về giới tính trong cơ cấu dân số ở Việt Nam: nam thiếu, nữ thừa. Từ năm 1995 đến nay, nữ trung bình chiếm 51% so với nam là 49% dân số (x. Tổng Cục Thống kê, Niên giám Thống kê 2006, NXB Thống Kê, Hà Nội 2007, tr.39). Con số hàng triệu người phụ nữ thừa ra trong khi luật hôn nhân một vợ một chồng đã tạo nên nhiều khó khăn cho những người phụ nữ yếu kém trong xã hội vì không biết nương tựa vào ai để sống và đành bán rẻ thân xác của mình. Họ đã trở thành nạn nhân dễ dàng bị lây nhiễm HIV.

1.4. Các phương tiện truyền thông đại chúng

Việt Nam là một trong những nước phát triển rất nhanh về công nghệ thông tin và số người sử dụng hệ thống thông tin toàn cầu như trang web, Internet, diện thoại di động mỗi năm tăng rất nhanh, và hiện nay đang chiếm khoảng 1/3 dân số, nhất là đối với giới trẻ. Mạng thông tin toàn cầu tuy mang lại nhiều lợi ích và giá trị tích cực nhưng có nguy cơ truyền bá những phim ảnh đồi truỵ, lối sống hưởng thụ vật chất, cổ vũ những quan hệ tình dục phóng túng.

Điều này tác động nhiều đến lớp thanh thiếu niên được giáo dục trong môi trường xã hội chủ nghĩa. Nền giáo dục này chú trọng đến lĩnh vực khoa học kỹ thuật, ít quan tâm đến mặt đạo đức và các giá trị nhân bản, nhất là tín ngưỡng vẫn ẩn sâu trong lòng người Việt từ bao nhiêu thế kỷ nay. Ở Việt Nam, mỗi năm có cả triệu sinh viên mới, trong mấy năm ở đại học, nhiều sinh viên đã có những quan hệ tính dục sớm với các cô gái mại dâm hay với những bạn học. Số người nhiễm HIV trong giới sinh viên gia tăng một cách đáng kể trong những năm gần đây. Nghiên cứu Điều tra Quốc gia về Vị Thành niên và Thanh niên Việt Nam tuổi từ 14-25 (SAVY) năm 2004 cho thấy 21,5% nam thanh niên độc thân và 1% nam thanh niên đã lập gia đình có quan hệ tình dục với gái mại dâm. Hơn 1/3 nam thanh niên thành thị độc thân và 1/4 nam thanh niên nông thôn độc thân có quan hệ tình dục trước hôn nhân và tuổi quan hệ lần đầu trung bình là 19,6 (x. Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, Bản tin JVnet, tháng 12-2007, tr.20).

Các chương trình truyền hình thường trình chiếu những phim ảnh của các nước giàu có với nếp sống xa hoa, những bìa tạp chí hầu như chỉ giới thiệu những khuôn mặt thiếu nữ tươi đẹp với những bộ quần áo thời trang đắt tiền… như ngấm ngầm thúc đẩy những người trẻ yếu kém về mặt đạo đức sống buông thả theo những tham vọng và dục vọng. Tình trạng này phản ánh qua cách sống hiện nay của các em học sinh trung học với những vụ bán dâm để kiếm tiền tiêu xài, những vụ phá thai trong độ tuổi vị thành niên, với số thuốc ngừa thai được sử dụng phổ biến trong giới học sinh. Theo các nhà xã hội, số ca phá thai trung bình từ 1,4 triệu đến 2 triệu ca/năm. Những quan hệ tình dục trước hôn nhân và ngoài hôn nhân của các thanh thiếu niên là một trong những nguyên nhân quan trọng khiến cho đại dịch HIV/AIDS lan rộng.

1.5. Thái độ của cộng đồng xã hội đối với những người nhiễm HIV

Qua những hình ảnh tuyên truyền mang tính tiêu cực, những người nhiễm HIV hay nghiện ma tuý hoặc mại dâm thường bị cộng đồng xã hội lên án, xa lánh và phân biệt đối xử khiến cho những người này luôn cảm thấy tủi nhục, bị bỏ rơi, bị gạt ra ngoài lề cuộc sống. Thậm chí có những gia đình do thiếu hiểu biết đã xua đuổi chính con cái của mình. Những người này phải sống một cách lén lút nơi những phòng trọ, do tình trạng nghèo khổ không kiếm được tiền họ phải sống lang thang, chui rúc nơi những gầm cầu hay những chỗ hoang vắng bẩn thỉu.

Có những địa phương vì muốn bảo vệ danh hiệu “xã anh hùng”, “ấp văn hoá” của mình nên đã không chấp nhận những người dân của họ lỡ sa vào những vấn nạn xã hội trên. Rất nhiều người trong chính quyền địa phương hoặc những người giữ gìn an ninh trật tự như công an, dân phòng đã đối xử với những nạn nhân này như những tội phạm.

Ngay trong các xứ đạo, nhiều tín hữu, ngay cả một vi linh mục, có những quan niệm rất khắt khe đối với những người bất hạnh này. Họ cho rằng những người nhiễm HIV là những kẻ chơi bời phóng túng. Những gia đình có người nhiễm HIV sợ bị tai tiếng nên đã phải gửi những bệnh nhân này đi xa hoặc sống lén lút ngay tại nhà mình. Khi những bệnh nhân AIDS xin lãnh bí tích Xức Dầu hoặc gia đình xin an táng, có linh mục đã từ chối vì thiếu hiểu biết và sợ lây nhiễm khi đến gần họ. Do việc tuyên truyền HIV ở ngoài xã hội thường giới thiệu cách sử dụng bao cao su nên nhiều tín hữu và thậm chí linh mục đã cho việc tuyên truyền này là chống lại giáo huấn của Giáo Hội.

Vì thế, có những người nhiễm HIV đã bất mãn nên trả thù đời bằng cách gây nhiễm cho nhiều người khác. Thực ra, có những người nhiễm HIV do một hành động yếu đuối hay lỡ lầm của mình nhưng thực tế họ vẫn là những con người cần được tôn trọng, yêu thương vì họ là những nạn nhân đáng thương do cơ chế hoặc hoàn cảnh xã hội gây nên.

Những nguyên nhân chúng tôi vừa kể ra trên đây mới chỉ là bề mặt của hiện trạng HIV/AIDS ở Việt Nam. Có lẽ chúng ta cần phải tìm hiểu sâu xa hơn về bối cảnh văn hoá xã hội của hiện trạng này thì mới có thể xác định được đường hướng đúng đắn để phòng chống hiệu quả.

2. PHÂN TÍCH TÌNH TRẠNG LÂY NHIỄM THEO BỐI CẢNH VĂN HOÁ VÀ XÃ HỘI

Chúng tôi muốn phân tích sâu xa hơn những nguyên nhân trên đây để tìm hiểu tại sao việc lây nhiễm HIV lại kéo dài và nhanh chóng như vậy dù có nhiều hoạt động phòng chống của Nhà Nước cũng như của cộng đồng. Chúng tôi muốn lưu ý đến quan niệm dễ dãi về quan hệ tính dục của một số nam giới, bắt nguồn từ bản sắc văn hoá xã hội lâu đời của người Việt và chiến lược phòng chống ma tuý của chính quyền hiện nay.

2.1. Bản sắc văn hoá và bối cảnh xã hội

Ngược dòng lịch sử văn hoá dân tộc, chúng ta thấy từ khoảng năm 5000 đến năm 1000 TCN, dân tộc Việt Nam hình thành từ những bộ tộc thuộc dòng giống Bách Việt ở phía Nam Trung Quốc tràn xuống và những bộ tộc thuộc chủng Nam (Australoid) di lên. Tính theo hệ ngôn ngữ, 54 dân tộc Việt Nam hiện nay (dân tộc Kinh chiếm 81% dân số) thuộc 3 khối ngữ hệ chính: Nam Á (Austroasiatic), Nam Đảo (Austronesian) và Hán Tạng (Sino-Tibetan). Các dân tộc này có nền văn hoá phồn thực, đề cao những quan hệ tính giao. Chúng ta thấy đặc điểm này trong các câu chuyện dân gian như Trạng Quỳnh, Ba Giai Tú Xuất; trong nền văn chương bình dân với những câu ca dao, những câu đố tục giải thanh hay đố thanh giải tục, những lễ hội dân gian như lễ hội Nõn Nường ở Bắc Ninh, những tác phẩm điêu khắc linga-yoni còn đầy trong các viện bảo tàng. Cấu trúc văn hoá này dường như là một bản sắc đặc biệt ăn sâu vào tâm tính của người Việt Nam khiến cho họ có một quan niệm dễ dãi về những mối quan hệ tính giao.

Trong thời kỳ bị người Trung Hoa đô hộ (từ năm 111 TCN đến 938) cũng như trong thời kỳ độc lập dân tộc (938-1883), người Việt Nam chịu ảnh hưởng của nền văn hoá Trung Hoa dành cho người đàn ông nhiều quyền hành trong gia đình và dễ dãi trong quan hệ tính dục: “Trai thì năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên chỉ có một chồng”. Khi tiếp xúc với nền văn minh Tây phương và chấp nhận quan điểm một vợ một chồng của Công giáo với bộ Luật Gia đình hiện nay, người Việt Nam vẫn dành những sự dễ dãi cho nam giới trong vấn đề này. Chúng ta cũng không thể không nhắc tới tâm trạng yêu cuồng sống vội trước viễn tượng cái chết lúc nào cũng đe doạ của một bộ phận dân chúng trong thời kỳ chiến tranh, từ 1945-1975.

Từ 1975 đến nay, một bộ phận thanh niên ở thành thị của miền Nam Việt Nam bị khủng hoảng tâm lý. Họ là con cái của những sĩ quan cán bộ chính quyền thuộc chế độ cũ vì tuyệt vọng trước tương lai đen tối đã lâm vào tình trạng nghiện ngập ma tuý. Trong khi đó, một bộ phận khác là những người giàu có mới nổi lên, do nền giáo dục yếu kém về mặt nhân bản, đạo đức đã sa vào các tệ nạn xã hội, ăn chơi trác táng, sống buông thả theo cách sống được trình bày qua những phim ảnh của nước ngoài.

2.2. Hoạt động phòng chống HIV/AIDS của Nhà nước Việt Nam

Chúng tôi biết rằng các tham dự viên trong Hội nghị này thuộc về các tổ chức quốc tế nên đã có những bản báo cáo rất đầy đủ về các hoạt động của Nhà nước Việt Nam trong lĩnh vực này. Chính quyền Việt Nam đã có rất nhiều những hoạt động để giúp đỡ những người nhiễm HIV/AIDS cũng như tuyên truyền cho dân chúng để phòng hiểm hoạ này trên các phương tiện truyền thông như sách báo, phim ảnh, truyền thanh, truyền hình.

Người dân Việt Nam cũng đã tích cực giúp đỡ các nạn nhân xã hội này qua các hội thiện nguyện của các đoàn thể tôn giáo trong cũng như ngoài nước.

Các tổ chức quốc tế dưới sự thúc đẩy của cơ quan phòng chống AIDS của Liên Hiệp Quốc cũng đóng góp tài lực, nhân lực, vật chất cho chương trình này.

Bản thân những người có HIV ở Việt Nam cũng đã tích cực giúp đỡ bạn bè của mình qua những sinh hoạt đồng đẳng, đồng giới. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa chiến thắng được mặc cảm tội lỗi và sự kỳ thị của cộng đồng xã hội, vì những lý do sau đây:

Chiến lược đối phó với nạn nghiện ngập ma tuý:

Tình trạng lây nhiễm HIV/AIDS ở một vài nơi như TP.HCM, Hải Phòng, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu đã gia tăng đột biến trong giai đoạn 5 năm vừa qua, đã bắt nguồn một phần từ việc tập trung cưỡng chế những người nghiện ma tuý, khoảng 60.000 người, trong một số cơ sở như ở Bình Phước, Đồng Nai, Vũng Tàu, Hải Phòng. Các học viên này được phân chia và tổ chức sinh hoạt tập thể theo những chương trình giáo dục nghiêm ngặt với sự đồng thuận và giúp đỡ của nhiều tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, do một số cán bộ quản lý không có trình độ chuyên môn, không được đào tạo về tham vấn tâm lý, không có đường hướng giáo dục tâm linh nên họ hành xử như những tên cai ngục trong các trại tập trung khiến cho các học viên bất mãn. Một số cán bộ biến chất lại là những người đem ma tuý bán cho học viên.

Hơn nữa, khi thu gom tất cả những người nghiện ma tuý thuộc nhiều thành phần trong xã hội và giam chung họ với nhau đã dẫn đến tình trạng nhiều thanh niên đơn sơ, yếu đuối học đòi những thói hư tật xấu của những tay anh chị, trở thành mồi ngon cho những tên “đại bàng”. Do tình trạng sống đồng giới nên dẫn đến việc đồng tính luyến ái và những người yếu đuối trở thành phương tiện giải trí cho các tay anh chị. Do tình trạng heroin vẫn được lén lút đưa vào trong các trại này trong khi thiếu những ống bơm và kim chích nên số người dùng chung kim tiêm đã làm lây lan nhanh chóng HIV/AIDS. Từ tỷ lệ 20% vào những năm 1998, đến năm 2005, số người nhiễm HIV đã tăng tới 30-40%, có những trại cá biệt lên đến 60-70%. Bắt đầu từ năm 2008, sau khi Quốc hội không chấp thuận đề án giữ những người nghiện ma tuý thêm 2 năm tập trung và yêu cầu trả họ về địa phương để cộng đồng quản lý thì nguy cơ lây lan HIV trong cộng đồng xã hội càng cao hơn nữa (x. Báo Tuổi Trẻ, ngày 25,26,27-4-2008, tr.1,4).

Chúng ta đừng quên rằng những người nghiện ma tuý thường bị cơn đói thuốc hành hạ tưởng chừng như muôn ngàn dòi bọ rút rỉa thân xác mình. Vì thế, họ sẽ làm bất cứ hành động gì để có được ma tuý làm giảm cơn đau. Lợi dụng tình trạng nghèo khổ của họ, những tên đầu nậu buôn bán ma tuý dùng họ như những tay sai để chuyển ma tuý cho những người khác. Mỗi ngày chỉ cần bán được 5 tép ma tuý là người nghiện có được 1 tép để chơi hoặc bán đi để có tiền ăn xài. Việt Nam đang nằm ở cửa ngõ của nhiều đường dây vận chuyển ma tuý quốc tế từ khu Tam Giác Vàng ở biên giới Myanmar-Thái Lan vượt qua Lào và Cambodia để vào những cảng biển Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM hoặc các đường bay quốc tế để đi sang các nước khác. Những tổ chức Mafia quốc tế này đang làm băng hoại người trẻ Việt Nam bằng những mối lợi khổng lồ từ việc buôn bán các chất ma tuý.

Nói chung, hầu hết những người nghiện chỉ là nạn nhân của những tên trùm ma tuý quốc tế. Vì thế, những người giữ an ninh trật tự quốc gia không nên coi họ là những tội phạm để kết án với vài ba gram ma tuý trên người. Ngoài việc giáo dục những người nghiện ngập, người ta cần phải đào tạo những người gìn giữ an ninh để họ thay đổi thái độ đối xử tích cực, nhân ái đối với những nạn nhân xã hội này.

Nền giáo dục quá thiên về vật chất và yếu về đạo đức cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sống buông thả của nhiều người, nhất là người trẻ hiện nay và từ đó làm lây lan HIV. Báo chí và dư luận xã hội đã nói nhiều về vấn đề này. Người Việt Nam trước đây vẫn có niềm tin tưởng vào “Trời” như một vị thần linh nhìn thấu mọi hành động của con người để thưởng phạt họ: “Thiên bất dung gian”, ‘Trời cao có mắt”…, thì những bài học đả phá tôn giáo trong một giai đoạn lịch sử nào đó đã làm mất nền tảng luân lý tối thượng đó và con người không còn lắng nghe tiếng lương tâm ngay chính trong lòng mình để loại trừ những ham muốn bất chính hay những thôi thúc của bản năng thấp hèn. Vì thế, những bài học tâm linh dạy cho con người sống ngay chính theo lương tâm trong sáng cũng rất cần thiết để giúp ngăn ngừa đại dịch HIV/AIDS.

2.3. Hoạt động phòng chống HIV/AIDS của Giáo hội Việt Nam

Giáo hội Việt Nam cũng đã có nhiều hoạt động cụ thể giúp đỡ những người có HIV như: tại Giáo phận TP.HCM, nhờ sự nhiệt tình của Đức Hồng y G.B. Phạm Minh Mẫn mà bài trình bày của Lm. G.B Phương Đình Toại sẽ soi sáng vấn đề.

Một vài giáo phận khác cũng đã có hoạt động phòng chống HIV/AIDS trong một số năm gần đây như Hà Nội, Hải Phòng, Xuân Lộc, Huế, Nha Trang. Riêng Tổng Giáo phận Huế có hoạt động cộng tác với các sư ni của Phật giáo trong việc phòng chống HIV/AIDS mà nữ tu Nguyễn Thị Hiền sẽ trình bày trong phần tham luận của chị. Còn lại 20 giáo phận khác hầu như không có hoạt động nào hay chỉ mới bắt đầu hoạt động từ đầu năm 2008 đến nay như Long Xuyên, Cần Thơ, Đà Nẵng. Những giáo phận này hầu như chưa có một cơ cấu nào lo cho công tác bác ái xã hội, ngoại trừ việc đặt tên và cử một người (thường là linh mục) coi văn phòng. Các giáo phận hầu hết đều thiếu phương tiện làm việc như văn phòng, các nhân sự không được đào tạo chuyên môn và không được trả lương, các phương tiện máy móc, tài liệu…

Chính tại Uỷ ban Bác ái Xã hội (UB BAXH) Trung ương trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN), chúng tôi mới chỉ bắt đầu từ năm 2000 với Khoá Phục Sinh, vào tháng 8-2000, lúc đó có 12 em tham dự đợt tĩnh tâm cắt cơn nghiện heroin tại dòng Anh Em Đức Mẹ Người Nghèo, Q. Thủ Đức, trong đó có 6 em nhiễm HIV. Chúng tôi mở thêm 7 lớp Phục Sinh giúp các em cắt cơn. Nhưng từ năm 2000-2008, chúng tôi phải chuyển đổi nơi sinh hoạt đến 5 lần: Từ Sóc Bombo ở tỉnh Bình Phước đến xã Bù Đăng, sau về xã Xuân Sơn, huyện Ngãi Giao, tỉnh BR-VT, rồi về huyện Tân Thành và sau cùng là xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành, tỉnh BR-VT. Lý do là chính quyền địa phương không muốn có những người nghiện ma tuý hay nhiễm HIV/AIDS trong địa phương của họ vì sợ quần chúng phản đối, vì sợ mất danh hiệu “anh hùng” hay “có văn hoá”.

Trong 8 năm qua, từ năm 2000-2008, UB BAXH cũng ý thức việc phòng chống HIV/AIDS là một vấn đề toàn diện nên cũng đã quan tâm đến vấn đề giáo dục thanh thiếu niên về mặt tâm linh như in tập Hành Khất Kitô (5.000 bản), Daily Gospel 2006,2007,2008 (50.000 bản), Phương pháp Điều trị Nhân bản Tâm linh cho Người nghiện Ma tuý, phát hành các băng đĩa: Sứ điệp Loài hoa… Uỷ Ban cũng cử một bác sĩ chuyên khoa để lo các vấn đề về sức khoẻ phụ nữ, mở các khoá đào tạo về kỹ năng sống cho các bạn thanh niên… Tuy nhiên, những hoạt động này còn rất giới hạn và chỉ tác động tới một ít người trước nhu cầu lớn lao của xã hội.

Lý do các giáo phận ít quan tâm hay có quan tâm nhưng không có hoạt động: một phần là do sự đòi hỏi phải có giấy phép hoạt động của chính quyền, phần khác là các giáo phận thiếu người có chuyên môn về BAXH hay về HIV/AIDS. Lý do cuối cùng là không có kinh phí để hoạt động vì Giáo Hội không có khả năng chu cấp tài chính, những người lãnh đạo trong các giáo xứ hay tổ chức dòng tu chưa biết động viên đóng góp của chính người địa phương để lo lắng cho con em có HIV, con em bị nghiện ma tuý hay hành nghề mại dâm của mình.

UB BAXH thuộc HĐGMVN mỗi năm thu được một số tiền khoảng 100,000 USD (tương đương 1,6 tỷ VND) vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh hằng năm, từ 26 giáo phận gửi về, để lo cho các nạn nhân thiên tai. Tuy nhiên, Uỷ Ban không thể sử dụng nguồn thu đó để phục vụ các nạn nhân loại khác. Trong Hội nghị HIV/AIDS tổ chức tại Hà Nội, tháng 1-2008 vừa qua, Giáo phận Phát Diệm, qua 14 đơn xin của 14 linh mục, đã cho thấy tình trạng thiếu thốn cùng cực của gần 1.000 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS. Với yêu cầu giúp đỡ về tài chính lên tới 1 tỷ đồng Việt Nam, UB BAXH không thể có phương tiện để đáp ứng những yêu cầu này.

Mỗi năm HĐGMVN cho UB BAXH số tiền là 2,000 USD để chi phí trả lương cho nhân viên giao dịch giấy tờ, chi phí điện thoại, Internet, bưu điện… số tiền này chẳng thấm vào đâu so với nhu cầu điều hành văn phòng của Uỷ Ban mỗi ngày, còn đâu để dành cho việc phòng chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn có nhiều hoạt động nhờ sự ý thức của quần chúng và những ân nhân khác. Cho đến hôm nay, UB BAXH thuộc HĐGMVN chưa nhận tiền hỗ trợ của bất cứ tổ chức quốc tế hay trong nước nào cho chương trình phòng chống HIV/AIDS của Uỷ Ban.

Chúng tôi phải nói lên điều này vì có rất nhiếu tổ chức Nhà nước và Phi Chính phủ tài trợ cho chương trình phòng chống HIV với số tiền lên đến hàng trăm triệu đô la Mỹ. Chỉ riêng năm 2006, có 56,8 triệu đô la Mỹ và giai đoạn 2007-2010 ước lượng 518 triệu đô la Mỹ (x. Báo cáo của Nhà nước Việt Nam về Cam kết Phòng chống HIV/AIDS, Hà Nội, 1-2008, tr.1-5; Khuất Thị Hải Oanh, Đương đầu với HIV/AIDS ở Việt Nam, Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, tháng 11-2007, tr.34-36). Sự tài trợ này đã dẫn đến hiểu lầm ở một số người và cho rằng đây là nguồn lợi béo bở mà người ta có thể khai thác. Trong thực tế, với tình trạng tham nhũng ở Việt Nam, những lạm dụng trong việc sử dụng nguồn trợ giúp tài chính này không thể không có. Đây cũng là mối ưu tư của các tổ chức quốc tế khi trợ giúp cho Việt Nam.

3. CHƯƠNG TRÌNH THAM GIA PHÒNG CHỐNG HIV/AIDS CỦA NGƯỜI CÔNG GIÁO TẠI VIỆT NAM

Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN) đã trao trách nhiệm cho Uỷ ban Bác ái Xã hội (UB BAXH)-Caritas Việt Nam tổ chức và phối kết các hoạt động phòng chống HIV/AIDS trên toàn quốc và liên kết với cộng đồng thế giới.

3.1. Đường hướng hoạt động

Vì thế, UB BAXH-Caritas Việt Nam xin giới thiệu đường hướng hoạt động theo 3 tôn chỉ: toàn diện, cởi mở và liên kết.

Toàn diện: Việc phòng chống HIV/AIDS phải là một công trình toàn diện vì:

- Liên quan đến nhiều lĩnh vực như: xã hội, an ninh, y tế, truyền thông, giáo dục và đào tạo, tâm lý và tâm linh…

- Việc chữa trị cho những người HIV/AIDS không phải chỉ nhằm vào thể xác mà cần phải hồi phục cả tinh thần.

- Việc phòng ngừa lây nhiễm HIV không phải chỉ dành cho nhóm người có nguy cơ lây nhiễm cao mà còn cho cả cộng đồng xã hội, nhất là giới trẻ.

- Trong phạm vi Giáo hội Việt Nam, việc phòng chống HIV/AIDS không phải chỉ dành cho một số người chuyên môn hay một ít tình nguyện viên nhưng liên hệ đến tất cả mọi thành phần trong Giáo Hội như giám mục, linh mục, dòng tu và giáo dân.

Cởi mở: Việc phòng chống HIV/AIDS này được

- Mở ra cho hết mọi người và mời gọi mọi thành phần trong xã hội tham gia chứ không đóng kín trong nội bộ Giáo hội Công giáo.

- Mở ra để giới thiệu một tình yêu trong sáng và quảng đại vượt qua những ích kỷ hẹp hòi.

- Mở ra cho một thái độ đối xử nhân ái và khoan dung đối với các nạn nhân xã hội như người có HIV, nghiện ma tuý, mại dâm.

- Mở ra cho việc tôn trọng sự sống.

Liên kết: Giáo hội Công giáo Việt Nam sẵn sàng

- Liên kết với tất cả các tổ chức trong cũng như ngoài nước để cùng hoạt động với mình.

- Liên kết với Nhà Nước, tổ chức chính quyền trung ương cũng như địa phương, thông qua Uỷ ban Phòng chống AIDS hay Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

- Liên kết với các tổ chức quốc tế như CHAN, UNAIDS và cả các tư nhân.

- Liên kết với các tôn giáo bạn trong hoạt động này.

- Liên kết và tạo sự liên kết giữa những người có HIV và gia đình của họ để có thể tự trợ giúp lẫn nhau và giúp đỡ người khác.

3.2. Đối tượng của chương trình

Chương trình phòng chống HIV/AIDS nhằm đến các đối tượng trực tiếp và gián tiếp sau đây:

- Trực tiếp là những người nhiễm HIV/AIDS, gồm bệnh nhân và những người thân của họ.

- Gián tiếp là những người sống trong cộng đồng địa phương của người có HIV, và trải rộng ra là cả dân tộc Việt Nam với những thành phần đặc biệt như người nghiện ma tuý, các cô gái mại dâm, giới trẻ, phụ nữ, di dân…

3.3. Các hoạt động trong chương trình

Chương trình gồm 3 loại hoạt động chính: chữa trị, săn sóc và phòng ngừa.

Chữa trị: Ưu tiên cho những người có HIV đã tiến tới giai đoạn AIDS:

- Chữa trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội, lao và các tật bệnh khác.

- Những người nghiện ma tuý cần phải được cắt cơn và phục hồi sức khoẻ.

- Những người nghèo được cấp thuốc và trợ giúp sinh sống (gạo + vay vốn).

Săn sóc: Những người có HIV nhưng chưa tới giai đoạn AIDS:

- Những người nghiện ma tuý cần phải được cắt cơn và phục hồi sức khoẻ.

- Những người nghèo được trợ giúp sinh sống bằng cách đào tạo nghề hoặc vay vốn tín dụng nhỏ.

- Những phụ nữ có gia đình được săn sóc đặc biệt và trợ giúp khi sinh con.

- Những phụ nữ mại dâm được hướng dẫn đặc biệt để tôn trọng sự sống và trợ giúp sinh sống.

- Những học sinh, sinh viên nghèo được trợ cấp học bổng để hoàn thành các giai đoạn học tập.

- Những trẻ em được trợ cấp học bổng và được nuôi dưỡng nếu mồ côi hay cha mẹ nghèo khó.

- Những người chết được an táng xứng đáng.

Phòng ngừa: Tập trung vào công tác truyền thông và dành ưu tiên cho tất cả những người có nguy cơ cao và cho quảng đại quần chúng như:

- Những người có nguy cơ cao như tài xế đường dài, thuỷ thủ, tiếp viên trong các quan bia, khách sạn, phòng trà, quán bar…: được truyền thông về HIV/AIDS, về tình yêu chung thuỷ, tôn trọng sự sống, giá trị nhân bản và đạo đức.

- Những thân nhân trong gia đình có người nhiễm HIV/AIDS được đào tạo bằng truyền thông qua các buổi gặp gỡ, thăm viếng để giúp họ phòng tránh lây nhiễm, không kỳ thị loại trừ nhưng đón nhận, yêu thương người có HIV.

- Những thành phần đặc biệt trong xã hội như giới trẻ, phụ nữ, công nhân xa nhà, học sinh và sinh viên bằng các buổi truyền thông về HIV/AIDS hay các khoá đào tạo về kỹ năng sống, về tình yêu chung thuỷ, về sức khoẻ sinh sản, giáo dục giới tính…

3.4. Tiến trình hoạt động

Ở cấp Trung ương là Uỷ ban Bác ái Xã hội:

- Uỷ Ban này thiết lập chương trình hành động cụ thể như: Soạn thảo nội dung truyền thông về HIV/AIDS cũng như nội dung của các khoá đào tạo về kỹ năng sống, tình yêu chung thuỷ, sức khoẻ sinh sản, giáo dục giới tính…

- In ấn các tập tài liệu để phổ biến nội dung truyền thông.

- Mở các khoá đào tạo nhân sự để chữa trị, săn sóc cũng như phòng ngừa cho các giáo phận và giáo xứ.

- Phối hợp và liên kết hoạt động phòng chống HIV của các tổ chức trong cũng như ngoài nước để trợ giúp cho hoạt động của các giáo phận.

Ở cấp giáo phận là các Ban Bác ái Xã hội giáo phận:

- Thiết lập văn phòng hoạt động về HIV/AIDS tại giáo phận có nhân viên làm việc thường xuyên, có những phương tiện cần thiết để làm việc.

- Mở phòng tham vấn về HIV tại văn phòng HIV/AIDS của giáo phận hay tại giáo xứ để phụ trách giúp đỡ những người có HIV tại địa phương. Trong phòng tham vấn này, có thể nhờ bác sĩ chăm sóc về sức khoẻ, linh mục hay tu sĩ chăm sóc về tâm linh.

- Mỗi giáo phận hay giáo xứ chọn những tình nguyện viên có khả năng và gửi đi tham dự các khoá đào tạo về việc phòng chống HIV/AIDS, về kỹ năng sống… do UB BAXH trung ương tổ chức để về truyền thông lại cho địa phương.

4. DỰ ÁN DÀNH CHO NHỮNG NGƯỜI CÓ HIV/AIDS VÀ TRUYỀN THÔNG XÃ HỘI

(Phần này do Cha Toại và cô Tâm Đan chuẩn bị)

Kết Luận

Đại dịch HIV/AIDS là một nguy cơ đối với dân tộc Việt Nam mà người Công giáo chúng tôi phải tích cực cùng với mọi thành phần trong xã hội tham gia chương trình phòng chống HIV/AIDS của quốc gia và quốc tế. Sự tham gia này cũng là dịp để chúng tôi giới thiệu Tin Mừng cứu độ của Đức Giêsu Kitô cách sống động cho đồng bào thân yêu của chúng tôi. Dù phương tiện vật chất không nhiều nhưng chúng tôi có thể chia sẻ với mọi người, nhất là những người có HIV/AIDS, tình yêu và ân sủng của Thánh Thần để những người có HIV cảm nghiệm được ơn chữa lành về mặt tinh thần cũng như thể xác trong chính đời sống của họ.

Chúng tôi xin cám ơn Đức ông Vitillo và tất cả các bạn đã quan tâm trợ giúp Việt Nam và chú ý lắng nghe phần trình bày này.

Lm Antôn Nguyễn Ngọc Sơn

URL: http://danchuausa.net/giao-hoi-viet-nam/bai-phat-bieu-ve-phong-chong-hiv-aids-cua-nguoi-cong-giao-viet-nam-tai-nghi-hoi-geneva/