Trích từ Dân Chúa

Bài chia sẻ của Đức TGM Ngô Quang Kiệt nhân dịp Lễ Tạ Ơn và mừng thọ 100 tuổi, 75 Linh Mục, 50 năm Giám Mục của ĐC Micae Nguyễn Khắc Ngữ

+TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

Bầu Trời Yêu Thương (Ga 15, 9-17)

kietngu.jpg

Lời Chúa hôm nay thấm đẫm tình yêu thương. Chỉ trong 8 câu ngắn ngủi hai từ yêu thương được nhắc đi nhắc lại đến 10 lần. Qua đó Chúa cho ta thấy những nét đặc biệt trong tình yêu thương của Người. Tình yêu thương của Chúa không phải là tình yêu thương thụ động nhận lãnh, nhưng là tình yêu thương chủ động cho đi. Không phải là tình yêu thương cảm tính, nhưng là tình yêu thương cụ thể bằng việc tuân giữ giới răn. Không phải là tình yêu thương đi tìm bản thân nhưng là tình yêu thương quên mình vì tha nhân. Chúa Giêsu đã làm gương về tất cả những điều đó. Người đã yêu thương chúng ta trước khi ta biết và yêu mến Người. Người luôn giữ điều răn và vâng lời Chúa Cha cho đến chết. Người đã hiến mình chịu chết để thực hiện lời: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”. Sau đó, Người mời gọi chúng ta hãy ở lại trong tình yêu thương của Người và nhất là hãy yêu thương nhau bằng tình yêu thương của Người.

Nhìn lại cuộc đời của Đức cha Cố Micae, ta có thể nói ngài đã tích cực đáp lại lời mời gọi của Chúa. Suốt 100 năm sống trên đời, ngài đã bày tỏ một tình yêu thương lớn lao khi không ngừng quên mình vì Chúa, vì Giáo hội và vì tha nhân.

Yêu thương đến quên mình nên ngài từ bỏ của cải. Ngài làm cho giáo phận ngày càng trở nên giầu có trong khi ngài sống rất đơn sơ khó nghèo. Khi ngài về nhận nhiệm vụ, Long xuyên là một giáo phận mới thành lập thiếu thốn cơ sở vật chất. Chỉ sau một thời gian ngài đã xây dựng được ngôi nhà thờ chính tòa đẹp đẽ, các chủng viện khang trang, các trường trung học nề nếp. Thế nhưng cho đến khi nghỉ hưu ngài vẫn chưa có tòa giám mục, phải ở nhờ nhà thờ chính tòa. Phòng của ngài tương đối chật hẹp và thiếu thốn tiện nghi. Vật dụng duy nhất đáng giá là chiếc máy đánh chữ cũ kỹ. Y phục chỉ vài bộ bà ba. Nghỉ ngơi trên chiếc giường sắt nhỏ bé không chăn đệm. Giấy viết là những giấy thừa. Bao thư do ngài tự chế cũng bằng giấy phế thải.

kietngu1.jpg

Yêu thương đến quên mình nên ngài từ bỏ gia đình. Rât quan tâm chăm sóc giáo phận nhưng không mấy quan tâm đến gia đình. Khi còn làm việc, ngài biết rõ từng chủng sinh, nhưng ngài không biết trong gia đình có bao nhiêu cháu chắt. Ngài rất yêu thương các linh mục. Khi cha Giuse Vũ đăng Trình bệnh nặng, ngài đã nói: Tôi xin Chúa được chết thay cha Trình nhưng Chúa không nhận lời. Quan tâm tới các linh mục, nên có bao nhiêu tiền, ngài dồn hết vào ý lễ cho các linh mục già yếu bệnh tật và các linh mục sống trong vùng sâu, chẳng giữ lại gì cho bản thân và càng không lo lắng cho gia đình.

Yêu thương đến quên mình nên ngài từ bỏ quyền hành. Ngài luôn tìm tiến cử người khác trong khi bản thân luôn tìm cách rút lui. Ngài mở rộng cửa chiêu hiền đãi sĩ và lo bồi dưỡng nhân tài. Nên sau một thời gian đã đủ nhân sự để mở tiểu chủng viện và đại chủng viện. Không chỉ đủ nhân sự cho giáo phận mà còn có thể chia sẻ với các giáo phận khác. Nhưng bản thân ngài luôn tìm dịp rút lui. Ngày 30-04-1975, vừa tấn phong Đức cha Phó xong, ngài lập tức trao hết quyền hành cho Đức Cha Phó để rút lui vào bóng tối.

Yêu thương đến quên mình nên ngài từ bỏ ảnh hưởng. Ngài luôn tìm vun đắp uy tín cho người khác trong khi tự tước bỏ hết ảnh hưởng của mình. Khi các linh mục tu sĩ muốn xin ý kiến, ngài đều chỉ sang Đức Cha Phó và nói: “Giáo phận chỉ có một đầu thôi”. Không bàn những việc đại sự, ngài cũng tránh không bao giờ phê phán công việc hay người nào. Không bao giờ than phiền về chỗ ở, về đồ ăn, thức uống. Hoàn toàn vâng theo sự sắp xếp của mọi người trong nhà. Ngài thực sự trở nên bé nhỏ để không ai phải bận tâm về sự hiện diện của ngài, không ai phải ngần ngại khi muốn thưa chuyện với ngài và nhất là không ai phải sợ hãi kể cả khi lầm lỗi.

kietngu2.jpg

Để trở nên bé nhỏ như thế, ngài đã phải phấn đấu rất nhiều. Chúng ta biết rằng lúc còn trẻ ngài rất nóng tính. Nên để đạt tới tình trạng hiện tại ngài đã phải phấn đấu quên mình hằng ngày. Hoàn toàn quên mình vì yêu thương để mọi người được an vui, để giáo ohận được hiệp nhất. Hiện nay ngài vẫn tiếp tục yêu thương quên mình bằng hy sinh hãm mình cầu nguyện cho tất cả chúng ta. Nếu quên mình là chết dần mòn thì đúng là ngài đang thực hiện Lời Chúa: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hi sinh tính mạng vì bạn hữu”. Với tình yêu thương đó, ngài ở lại trong tình yêu thương của Chúa. Với tình yêu thương đó, ngài kiến tạo bầu trời yêu thương. Trong bầu trời yêu thương đó ta được hít thở không khí yêu thương, được lớn lên trong tình yêu thương và được hạnh phúc trong niềm vui trọn vẹn.

Mừng đại thọ bách niên của Đức cha Cố Micae, chúng ta hãy tạ ơn Chúa đã thương ban cho chúng ta một người cha hết lòng quên mình vì Chúa, vì Giáo hội. Chúng ta chúc mừng ngài đã đạt tới tuổi thọ hiếm có và đạt tới tình yêu thương của Chúa còn hiếm có hơn nữa. Chúng ta hãy noi gương ngài ở lại trong tình yêu thương của Chúa; tiếp tục công việc ngài đã khởi sự: yêu thương đến quên mình để góp phần nhân rộng bầu trời yêu thương.

Long Xuyên, ngày 14-5-2009

+TGM Giuse Ngô Quang Kiệt

URL: http://danchuausa.net/giao-hoi-viet-nam/bai-chia-se-cua-duc-tgm-ngo-quang-kiet-nhan-dip-le-ta-on-va-mung-tho-100-tuoi-75-linh-muc-50-nam-giam-muc-cua-dc-micae-nguyen-khac-ngu/