Trích từ Dân Chúa

Ðức Gioan Phaolô II và Lòng Thương Xót Chúa

Ngọc Loan

VietCatholic News (Thứ Bảy 17/08/2002 22:24)

Vatican -- Cách đây 25 năm, những tác phẩm của Thánh Faustina bị Tòa Thánh cấm và sự tôn sùng đặc biệt lòng thương xót Chúa dường như còn bị ngờ vực.

Ngày nay Nữ Tu Faustina là một vị Thánh, cuốn nhật ký đã được dịch ra hơn 12 thứ tiếng, phong trào Lòng Thương Xót Chúa thu hút cả triệu giáo dân Công Giáo trên hoàn vũ, Ðức Thánh Cha ban hành Ngày Chúa Nhật thứ 2 Phục Sinh là ngày Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa và tín hữu hưởng ơn Ðại Xá nếu giữ theo những điều qui định trong ngày này, và thêm một trang sử mới diễn ra vào ngày thứ Bảy 17/8/2002 Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cung hiến Vương Cung Thánh Ðường Lòng Thương Xót Chúa.

Ðối với vị Thánh Faustina Kowalska, là một sự hoàn toàn đảo lộn. Cũng giống như số những vị thánh khác được tấn phong trong những năm gần đây, người giữ vai trò then chốt chính là Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị.

Ðức Giáo Hoàng đã phong Chân Phước cho Nữ Tu vào ngày 18/4/1993 và 7 năm sau, Nữ Tu Faustina được tôn lên bậc hiển Thánh vào ngày 30/4/2000 và cũng là vị Thánh đầu tiên trong Năm Thánh 2000.

Trong ngày trở về cố hương Ba Lan chiều 16/8/2002, tại phi trường Ðức Thánh Cha công bố "Anh chị em thân mến! 'Thiên Chúa giàu lòng xót thương'. Ðó là khẩu hiệu cho cuộc hành hương này..". Một trang sử mới trong triều Giáo Hoàng chú tâm nơi vị Thánh, một Nữ Tu đã sống nhiều năm trong Tổng Giáo Phận Krakow nơi Ðức Thánh Cha cai quản trước đây, đã qua đời vào ngày 5/10/1938 hưởng dương 33 tuổi, khi ấy vị giáo hoàng tương lai mới còn là chàng trai trẻ 18 tuổi. Khi còn tuổi thanh niên, Ðức Giáo Hoàng thường viếng đền thánh được cống hiến cho Faustina sau khi Nữ Tu qua đời.

Sau khi nhậm chức Tổng Giám Mục tại Krakow vào ngày 8/3/1964, và nhậm chức Hồng Y 28/6/1967, Ðức Hồng Y Karol Wojtyla (Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II) đã vận động Tòa Thánh hủy bỏ lệnh cấm phổ biến những tác phẩm của Nữ tu Faustina. Ngài thuyết phục rằng sự cấm đoán của Tòa Thánh vì đã dựa vào bản dịch sai lầm cuốn nhật ký của Nữ Tu Faustina và chính Ðức Hồng Y Wojtyla đã dịch lại. Vào năm 1978, Tòa Thánh đã bãi bỏ việc cấm chỉ này vào thời gian trước khi Ðức Hồng Y Wojtyla lên ngôi Giáo Hoàng 6 tháng.

Hai năm sau khi lên ngôi Giáo Hoàng, Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đã công bố thông điệp "Giàu Lòng Xót Thương" (Dives in Misericordi) cũng là thông điệp thứ 2 trong triều Giáo Hoàng vào ngày 30/11/1980. Mở đầu thông điệp Ðức Thánh Cha đã trích câu Phúc Âm thánh Gioan chương 14 câu 9: "Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha", được dành trọn cống hiến cho chủ đề Lòng Thương Xót của Chúa, và chính Lòng Thương Xót Chúa đã lôi kéo đời sống tinh thần của Thánh Faustina.

Những ai đã từng đọc qua thông điệp của Ðức Thánh Cha phải thừa nhận là không dễ hiểu. Với phần phụ chú rất nhiều trang trích dẫn xuất xứ và lịch sử triết học khái niệm của lòng thương xót Chúa, thông điệp cắt nghĩa thế nào "trong thời cánh chung, lòng thương xót sẽ được biểu lộ như tình yêu".

Nhưng ai đã từng đọc hồi ký của Thánh Faustina thì nhận thấy rằng Nữ Tu viết những tư tưởng rất giản dị dễ hiểu, dựa trên thị kiến của Nữ Tu với Chúa Giêsu, Người đã nói với chị "Ta mở lòng ta ra như một dòng suối từ bi sinh động. Ðể các linh hồn kín mục sự sống từ nguồn mạch ấy".

Sự giản đơn trong cuốn nhật ký không giống như thể văn của Ðức Giáo Hoàng, Ðức Thánh Cha tin rằng Thiên Chúa đã dùng những con người thật tầm thường, không có học thức để truyền đạt sứ điệp cho thế giới. Những vị Thánh mới đây được tấn phong đã nói lên điều đó như Thánh Piô năm dấu, Thánh Juan Diego, một thổ dân Mexico được thị kiến Ðức Mẹ Guadalupe.

Giờ này đây những đệ tử theo chân Thánh Faustina gọi Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô đệ nhị là "Vị Giáo Hoàng Từ Bi" và sự ủng hộ vận động cho vị Thánh Faustina phải kể lại ngược dòng thời gian. Khi còn là Tổng giám Mục Krakow, Ðức Giáo Hoàng phải kiềm chế lòng nhiệt thành trong Dòng của Nữ Tu Faustina là Dòng Nữ Tu Ðức Bà Từ Bi, các chị đã muốn Ðức Giáo Hoàng phải tranh đấu với Tòa Thánh để hủy bỏ việc cấm phổ biến các tác phẩm của chị và tiến hành hồ sơ phong thánh.

Linh Mục Adam Boniecki thuộc Dòng Ðức Mẹ Maria, là người viết tiểu sử của Ðức Thánh Cha trong nhiều năm đã cho biết vào năm 1965: "Họ ồ ạt xin tôi bắt đầu tiến trình hồ sơ phong Thánh". Lúc đó còn là Tổng Giám Mục Wojtyla, Ðức Giáo Hoàng đã mở hồ sơ cấp Giáo Phận và được tiến hành mau chóng nên đã nộp án phong Thánh lên Bộ Phong Thánh vào năm 1967. Ðức Giáo Hoàng nghĩ rằng một khi duyệt qua các tài liệu trong hồ sơ phong Thánh, Tòa Thánh sẽ cởi mở để cho phép phổ biến những tác phẩm của Nữ Tu.

Cùng lúc đó, Ðức Giáo Hoàng đã cảnh giác các linh mục trong Tổng Giáo Phận của Ngài, về việc cử hành nghi lễ hàng tuần tại "bàn thờ từ bi", vì sợ rằng điều này có thể bị coi là cổ võ lòng tôn sùng của Nữ Tu.

Theo Cha Boniecki, vì vấn đề tế nhị đối với Tòa Thánh, Ðức Giáo Hoàng nói "Hiện thời chúng tôi như người đi trên gương".

Quan điểm của Tòa Thánh được coi là rất nghi ngờ đối với những mặc khải riêng tư. Cha Gianfranco Girotti nguyên là thành viên trong Bộ Giáo Lý Ðức Tin cho biết "Giáo Hội đã từng dạy rằng mạc khải đã chấm dứt thời các Tông Ðồ. Chính vì lý do này nên Tòa Thánh rất quan tâm để tín nhiệm một cách chính thức tới những mạc khải được coi là có tính cách tư riêng này".

Cha Girotti nói trong trường hợp của Thánh Faustina, giọng văn có tính cách bắt buột trong một vài tác phẩm cũng là một yếu tố nữa. Thể văn có tính cách "quyết định" trong những trang hồi ký lại càng gây thêm sự cẩn trọng của Tòa Thánh.

Trong hồi ký có đoạn viết: "Cha cho họ một hy vọng cứu rỗi cuối cùng, đó là ngày lễ Lòng Thương Xót của Cha. Nếu họ không tôn sùng lòng thương xót của Cha, họ sẽ bị diệt vong đời đời".

DivineMercy1.jpg

Những chỉ thị này đã được Ðức Giáo Hoàng Phaolô đệ nhị công bố khi kính viếng mộ Thánh Faustina trong chuyến tông du về quê hương Ba Lan vào ngày 7/6/1997, ban hành ngày Chúa Nhật Lòng Thương Xót tại quê hương Ba Lan. Ðức Thánh Cha công bố: "Con cảm tạ Thiên Chúa quan phòng, đã cho chính con đóng góp trong việc hòan thành ý định của Chúa Kitô qua việc thiết lập ngày Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa." Năm 2000, Ðức Thánh Cha một lần nữa công bố Ngày Chúa Nhật Lòng Thương Xót vào ngày Chúa Nhật thứ 2 Phục Sinh được áp dụng cho Giáo Hội Hoàn Vũ. Và trước khi lên đường đi tham dự Ngài Thế Giới Trẻ, Tòa Thánh đã công bố tín hữu được hưởng ơn Ðại Xá vào ngày Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa với điều kiện phải giữ theo những qui định.

Thánh Faustina đã viết về thị kiến với Chúa Giêsu, một tay Chúa giang ra ban phép lành và một tay kia để trên ngực của Chúa, từ đó phát ra hai luồng sáng; một luồng sáng trắng nhợt chỉ nước, nó làm cho linh hồn nên công chính; luồng sáng đỏ chỉ máu, đó là sự sống của linh hồn.

Bức ảnh Lòng Thương Xót Chúa được để tại rất nhiều nhà thờ trên toàn thế giới. Tại nhà thờ Chúa Thánh Linh gần điện Vatican, Ðức Thánh Cha đã kính viếng nhà thờ và làm phép ảnh vào năm 1995.

Ngọc Loan

URL: http://danchuausa.net/giao-hoi-hoan-vu/uc-gioan-phaolo-ii-va-long-thuong-xot-chua/