Trích từ Dân Chúa

Tinh thần im lặng theo chân phúc Rosmini

Vũ Văn An

BlAntonioRosmini.jpg

Trên giường bệnh tại Stresa, chân phúc Antonio Rosmini được người bạn thân là Alessandro Manzoni, tác giả I Promessi Sposi, cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất tại Ý lúc đó, năng lui tới thăm viếng. Một ngày kia, Manzoni hỏi chân phúc muốn nhắn nhủ gì cho những người ở lại, ngài chỉ nói vắn tắt: “Hãy giữ im lặng”. Mấy lời này không phải là những lời tình cờ, mà nói lên cả một thái độ, một lối sống mà chân phúc đã biến thành của riêng mình từ lúc còn trẻ và không ngừng nhắn nhủ những người được ngài chăm sóc về tâm linh.

Chúng ta, những người hằng ngày điếc tai với thế giới hiện đại, không biết có nhận ra giá trị lời khuyên của người vừa được Đức Bênêđíctô XVI nâng lên hàng chân phúc năm 2007 sau hơn 100 năm bị liệt vào hàng gần như lạc giáo (Xem VietcatholicNews, 9 Jul 2010)? Ngay Stresa thôi cũng nói với ta nhiều điều về thế giới ồn ào hiện nay. Cái làng đánh cá trầm lặng trong thế kỷ 18 ở bờ nam của Hồ Cả (Lago Maggiore), mà hồi chân phúc Rossimi còn sống, cảnh thanh bình êm ả chỉ bị khuấy động bởi những tiếng lốp cốp của cỗ xe ngựa chạy qua đường Simplon tới Domodossola và Thụy Sĩ, thì nay đã trở thành một địa điểm du lịch hiện đại cho hàng ngàn du khách Y và du khách Âu Châu. Bình thường dân số Stresa chỉ là 3,000 dân. Nhưng trong những tháng hè và dịp đặc biệt, số dân ấy thường xuyên lên đến 30,000 người. Nữ Hoàng Victoria, trước đây một thế kỷ, từng đến nghỉ mát tại Baveno, ngôi làng kế cận Stresa, đã làm cho vùng này trở thành nổi tiếng. Từ đó, và nhất là từ Thế Chiến II, tại Casa Bolongaro, nơi chân phúc Rossmini qua đời vào ngày 1 tháng 7 năm 1855, đã mọc lên đủ loại khách sạn. Cảnh ồn ào, đôi lúc đến điếc tai, là chuyện thường tình suốt ngày suốt đêm trong nhiều tháng mỗi năm. Thử hỏi, liệu thinh lặng có còn dính dáng gì tới một bầu khí như thế nữa hay không, bầu không khí khá điển hình trong thời đại ta?

Nếu Stresa đã đặt ra câu hỏi biểu tượng, thì nó cũng cho ta câu trả lời biểu tượng. Giữa cảnh ồn ào điếc tai, Casa Bolongaro, nay là Trung Tâm Quốc Tế Nghiên Cứu Rossmini, vẫn duy trì được sự thanh bình và thư thái của nó. Với mảnh vườn riêng, nằm sau con đường chính, và gần như bị che khuất bởi hai cây tuyết tùng khổng lồ, Casa có được nét trầm lặng, duyên dáng khác xa những người láng giềng to lớn và ồn ào. Quan sát gần hơn, nét trầm lặng và duyên dáng ấy càng gia tăng hơn nữa. Thư viện khổng lồ, nét tinh tế của những hàng cột đỡ mặt tiền căn nhà và bầu khí nói chung hết sức thanh thản của nó quả là một tương phản rõ nét với khu vực chung quanh. Nhưng dù khác biệt, nó vẫn là một thành phần của Stresa, một thế giới trong một thế giới. Có thể nói, nó là trái tim nội thẳm của cuộc hiện sinh ngoại diện của thị xã. Nó là câu trả lời hoàn hảo nhất cho câu hỏi về tính hợp thời và ý nghĩa của im lặng ở thời đại ta, và tóm lược được chiều hướng mà chân phúc Rossmini muốn để lại cho ta về ý nghĩa bên trong của sự im lặng.

Đối với chân phúc Rossmini, sự im lặng có một tầm quan trọng hết sức lớn lao. Giống mọi người khác cùng sống với ngài ở Calvario di Domodossola trong những ngày đầu mới lập Tu Hội Bác Ái, chân phúc chọn một câu thánh kinh rất có ý nghĩa, ghi ở lối vào phòng mình. Câu ấy là: Bonum est praestolari cum silentio salutare Dei [Im lặng chờ đợi ơn cứu độ của Thiên Chúa thực là điều tốt] (Ai Ca 3: 26). Những chữ này tóm lược hết các hoài mong và hy vọng của ngài, và làm ta nhớ tới các câu khác trong Thánh Kinh: “Sức mạnh của ngươi nằm trong im lặng và hy vọng” (Is 30:15) và “Hãy thinh lặng, và biết rằng ta là Thiên Chúa” (Tv 46:10).

Tuy nhiên, việc chân phúc Rossmini chấp nhận và yêu sự thinh lặng không bắt đầu tại Calvario. Lúc 17 tuổi, ngài đã viết một bài tựa là “Ngày Cô Tịch” (Il Giorno di solitudine). Trong bài độc thoại với linh hồn này, ngài nói tới việc cư ngụ với chính mình và Thiên Chúa, rồi kết luận: “Hãy chọn thinh lặng chống lại cái ồn ào của phù hoa. Cái ồn ào này làm điếc lỗ tai của trí hiểu và trái tim, và hãy tiến tới việc thích lắng nghe lời Chúa nói, một cách cẩn trọng trong thinh lặng”.

Thành thử ngay lúc đó, Rossmini đã cảnh giác trước các nguy hại của sự ồn ào, vì nó chỉ làm điếc thêm chứ không hề cổ vũ sự hiểu biết. Ngài cũng đã nêu rõ mục đích của im lặng là để dễ dàng lắng nghe Lời Chúa. Thứ cô tịch này hết sức chủ yếu đối với ngài, và theo ngài, đối với mọi Kitô hữu, như ngài từng nói trong “Các Phương Châm Đạt Sự Hoàn Thiện Kitô Giáo” (Maxims of Christian Perfection): “Môn đệ Chúa Giêsu Kitô phải luôn sống trong cõi cô tịch nội tâm, trong đó, để mọi sự khác qua một bên, họ sẽ tái khám phá ra một mình Thiên Chúa và chính linh hồn mình. Môn đệ Chúa Giêsu Kitô phải luôn có Thiên Chúa hiện diện với mình, thờ lạy sự cao cả của Người; và cả chính linh hồn họ nữa, họ phải mỗi ngày mỗi hiểu rõ các yếu đuối và tình trạng như không của nó”.

Tuy nhiên, sự thanh tĩnh mà chân phúc Rossmini thèm muốn và coi như chủ yếu đối với cuộc sống Kitô hữu không phải là sự im lặng hay cô tịch bề ngoài. Ngài chú tâm tới sứ điệp bên trong và thiêng liêng của nó. Ngài nói rõ khía cạnh đó khi mô tả các phương tiện cần có giúp Kitô hữu đạt được cùng đích của mình. Ngài nói như sau về cuộc sống cô tịch của ngài tại Calvario khi sống suốt mùa chay ở đó lần đầu tiên (năm 1828): “Cô tịch rất thân thiết đối với tôi vì nó giúp ta đi sâu vào tư duy của mình và tạo ra quanh ta một xã hội tốt hơn xã hội loài người. Nhưng không phải núi non cùng thung lũng kia, không phải cái thứ bình an và im lặng kia chiếm hữu tâm hồn tôi… Đối với chúng ta, các nơi chốn vật lý quá chật hẹp; nơi chốn của ta chính là Thiên Chúa. Ở nơi ấy, chúng ta cảm thấy thoải mái, nhưng quam arcta est via quae ducit ad vitam! [con đường dẫn tới sự sống sao mà hẹp thế!]. Khoảng rộng bao la, nơi niềm vui tâm hồn mở rộng đến vô biên, sau một dải đất hẹp (Epistolario Ascetico, vol. 1, p. 248).

Các tu sĩ của ngài, những người được mời gọi sống bậc cầu nguyện và sau đó thực hành mọi điều kiện cần thiết cho bậc sống ấy, cũng không coi sự im lặng bề ngoài như lối sống cần thiết. Hiến pháp của Tu Hội Bác Ái nhấn mạnh rằng: “Bậc sống chiêm niệm được ta chọn lựa trước nhất đòi ta phải yêu thích sự cô tịch thánh thiện nhờ đó ta có thể chú tâm tới Chúa một cách thiết tha và không ngừng, bao lâu sự yếu hèn của ta cho phép”.

Ấy thế nhưng, khi trình bày và giải thích cho Thánh Maddalena di Canossa về kế hoạnh lập Tu Hội Bác Ái, chân phúc Rossmini khẳng định rằng: “Đây không phải là lúc trốn chạy, nhưng tranh đấu… Ngay các tu sĩ, những người tự ý rời bỏ thế gian, cũng sẽ hành động một cách không hoàn hảo nếu cùng một lúc họ không chịu từ bỏ sự im lặng ưa thích của chốn thâm cung tu viện để giúp đỡ anh chị em mình khi họ cần đến mình. Ngày nay, việc hoàn toàn rời bỏ thế gian phải được hiểu theo nghĩa tinh thần, như các tông đồ vốn hiểu. Ta không thể hài lòng với sự rời bỏ bề ngoài”. Chân phúc cũng nói tới “việc không ngừng tĩnh tâm tinh thần ngay giữa các bận bịu bên ngoài”.

Ta cũng cần nhấn mạnh điều này: lời mời gọi im lặng được ngỏ với mọi người. Vì các lời trích từ “Các Phương Châm Đạt Sự Hoàn Thiện Kitô Giáo” vốn nhằm nói với mọi Kitô hữu: “Mọi Kitô hữu, mọi môn đệ của Chúa Giêsu Kitô, bất kể bậc sống và điều kiện sống ra sao, đều được kêu gọi sống hoàn thiện: vì tất cả đều được kêu gọi sống Phúc Âm, vốn là luật của hoàn thiện; và Thầy Chí Thánh từng nói với mọi người như sau: ‘Hãy nên hoàn thiện như Cha trên trời của các con là Đấng Hoàn Thiện”.

Ấy thế nhưng, một lần nữa, ngài cũng viết: “Người Kitô hữu khiêm nhường và sốt sắng, người tự ý chỉ chọn cuộc sống ẩn dật mà họ mộ mến vì đức khiêm nhường thành thật, rất có thể phải pha mình vào cuộc sống hoạt động. Nếu ý Chúa muốn, họ còn có thể phải lao mình vào biển đời của lo toan và rắc rối, của kinh doanh và nghiệp vụ, cả quan yếu lẫn không quan yếu, cả đáng kính lẫn khinh bạc, để phục vụ người lân cận, theo thứ bậc Chúa muốn họ đi để đến với Người”.

Cho nên, theo nhận định của chân phúc Rossmini, sự im lặng bên trong phải được coi là chủ yếu đối vời đời sống người Kitô hữu; sự im lặng bề ngoài phải được duy trì bao xa có thể, nhưng sự im lặng bên trong mới nói lên tinh thần từ bỏ mình của người Kitô hữu trước tiếng gọi của Thiên Chúa.

Các lý do phải giữ im lặng bên trong

Bl-Antonio-Rosmini.jpg

Đâu là động lực của sự im lặng bên trong? Ta có thể gọi động lực đầu tiên là nhu cầu ‘im lặng hữu thể’ (ontological silence). Nói cách khác, chính hữu thể của ta trong tư cách tạo vật đòi ta phải im lặng hoàn toàn, phải tùy thuộc hoàn toàn, trước Đấng Tạo Hóa. Trước thánh nhan của Người, mà ta luôn luôn ở trước thánh nhan của Người, ta không thể làm gì khác ngoại trừ chờ lời Người phán. Với cái nhìn này, ta thấy rõ sự hư không của ta, nhìn nhận sự tùy thuộc hoàn toàn của ta, một sự tùy thuộc chính là sự hiện hữu của ta trong tư cách tạo vật. Ta hãy nghe lời phát biểu của Thánh Tôma Aquinô: “Sáng thế không phải là sự thay đổi, nhưng là chính sự tùy thuộc của hữu thể tạo vật vào nguyên lý đã dựng nên nó” (Contra Gentes, II, c. 18).

Ta được mời gọi giữ im lặng chính vì ta tùy thuộc vào Đấng đã dựng nên ta. “Thiên Chúa phán…và liền có như vậy” (St 1:6-7). Sức mạnh của lời Chúa tương phản hẳn với lời vô hiệu của ta. Nhiều khi ta bảo: “như nói với đầu gối”. Sự im lặng của ta trước Đấng Tạo Hóa sẽ bị bẻ gẫy duy bởi những ồn ào lộn xộn do sự độc lập của tội lỗi mang lại. “Hãy nghe đây, hỡi nhà Israel, Chúa và là Thiên Chúa của ngươi là Chúa duy nhất…” (Đnl 6:4). Nhưng làm sao có được việc nghe nếu không có sự im lặng tùy thuộc để lắng nghe.

Động lực thứ hai khiến ta im lặng bên trong là nhu cầu ‘im lặng của đức tin”. Ta quả là tạo vật, nhưng là tạo vật tội lỗi, nghĩa là tự mình không còn khả năng tiếp xúc với Đấng Thiên Chúa đã dựng nên mình. Ta cần ơn đức tin cứu rỗi: “Thật vậy, mọi người đã phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa, nhưng họ được trở nên công chính do ân huệ Thiên Chúa ban không, nhờ công trình cứu chuộc thực hiện trong Chúa Giêsu Kitô. Thiên Chúa đã đặt Người làm nơi xá tội nhờ máu của Người cho những ai có lòng tin” (Rm 3: 21–25). Thời khắc cứu rỗi được đánh dấu trong Cựu Ước bằng sự im lặng. Lúc Pharaô gần đuổi kịp người Do Thái đang trốn chạy, lời của Môsen nói với dân của ông thật đơn giản: “Chúa sẽ chiến đấu cho các ngươi, các ngươi chỉ cần thinh lặng” (Xh 14:14). Hay câu sau của Sách Ai Ca mà ta đã trích dẫn: “Im lặng chờ đợi ơn cứu độ của Thiên Chúa thực là điều tốt” (Ai Ca 3: 26).

Còn trong Tân Ước, lệnh truyền còn rõ ràng hơn nữa: muốn cứu rỗi phải tiếp nhận Lời Chúa bằng đức tin. “Ta đang sống trong thời sau hết lúc Thiên Chúa nói với ta qua Con của Người” (Dt 1:2) và ta không thể bước vào thời của ta nếu ta không tiếp nhận Ngôi Lời nhập thể: với mọi người tiếp nhận Người, Người ban quyền trở nên con cái Thiên Chúa; là những người sinh ra không phải do máu cũng không do ý muốn xác thịt, hay ý muốn của người đàn ông, nhưng do Thiên Chúa” (Ga 1:11).

Nhưng, kẻ vừa được thụ thai đâu có nói lời nào, dù họ đã nhận được khả năng nói. Việc họ chấp nhận khả năng này chỉ diễn ra trong im lặng, trong việc họ tiếp nhận Ngôi Lời, Đấng, khi hiến mạng sống cho họ, sẽ nói ở trong họ và cứu vớt họ. Chân phúc Rossmini diễn tả điều ấy rất minh bạch, súc tích và đẹp đẽ khi ngài cầu nguyện như sau: “Lạy Cha, khi Con Cha cầu nguyện trong con, là con cầu nguyện cùng Cha”. Chân phúc không có ý nói ngài muốn dùng lời cầu nguyện của Chúa Con chỉ như một điển hình. Ngài muốn nói như Thánh Augustinô rằng “Khi chúng ta kêu lên: ‘Ápba! Cha ơi!’ thì chính Chúa Thánh Thàn chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa và là đồng thừa kế với Ðức Kitô” (Rm 8: 15–17).

Động lực thứ ba khiến ta im lặng nội tâm là nhu cầu thực hành việc hãm mình. Việc này, với ơn Chúa, sẽ cho ta cơ hội lắng nghe Lời Chúa hoàn hảo hơn. Ta có thể gọi nó là ‘im lặng tu đức’ (ascetical silence), được chân phúc Rossimni tóm tắt như sau: “Để có được thói quen tĩnh tâm tinh thần thường xuyên, điều cần là phải cố gắng nhiều ngay từ lúc đầu và phải cương quyết khổ chế bản thân trong bất cứ điều gì làm tâm trí mình sao lãng và đi ngược lại trạng thái tĩnh tâm và nhớ đến Chúa; ta phải không ngừng xin Chúa Giêsu Kitô ban cho ta ơn đó; chỉ nhờ kiên tâm cầu nguyện sốt sắng, tinh thần ta mới ổn định và sẵn sàng đạt được tình trạng thường xuyên an tịnh trong Chúa, một sự an tịnh sẽ không bao giờ mất đi vì các hoạt động ở bên ngoài, nếu ý chí ta không sa vào điều xấu. Hãy nhớ, sức mạnh mà ta dùng để thông đạt với Chúa và kết hợp với Người là một sức mạnh khác với mọi sức mạnh ta dùng để hoạt động ở bên ngoài. Bởi thế, khi người ta đạt tới một trạng thái chiêm niệm và kết hợp nào đó rồi, thì dù họ hành động bằng các sức mạnh vốn điều khiển các hoạt động bên ngoài đi nữa, các sức mạnh ấy cũng không gián đoạn được sức mạnh tối cao từng đem lại sự an tịnh và thư thái trong Chúa”.

Nhưng điều đó không ngăn cản người thánh thiện “tiến hành các hoạt động bên ngoài của họ một cách tốt đẹp hơn, cũng như các hoạt động bên ngoài kia cũng không khiến họ sao lãng việc thông đạt nội tâm, đầy yêu thương với Chúa. Bình thường, trạng thái tốt đẹp ấy chỉ có thể đạt được bởi các linh hồn trung tín, bền đỗ, ngay từ đầu, biết nghiêm túc tự khổ chế và không ngừng chuyên chăm cầu nguyện”.

Khía cạnh tu đức có tính nhiệm nhặt này cần được nhấn mạnh nếu ta muốn nắm được toàn bộ giáo huấn của chân phúc. Tuy nhiên, trước khi làm được việc đó, ta cần nắm vững ta đang đương đầu với điều gì. Loại khổ hạnh đang bàn ở đây, trong cuộc sống hằng ngày, thường được thực hành ở một bình diện tầm thường. Điều này sẽ được bàn sau. Nhưng nhờ ơn Chúa, con người cũng có thể đạt được một bình diện rất cao trong đó việc cầu nguyện có tính huyền nhiệm tự biến thành một hy sinh tột đỉnh. Đó là điều từng được chân phúc Rossmini đề cập tới một cách chi tiết. Ngài viết: “Tại sao ta thấy việc cầu nguyện lại ít được con người thế tục biết đến? Tại sao lại có quá ít Kitô hữu đạt được đỉnh cao nhất của nó? Trong hành vi nâng tâm hồn lên Chúa này, người yêu tìm thấy những niềm vui hết sức tuyệt vời, niềm sảng khoái trọn vẹn, ánh sáng chói lọi nhất, sự sống mạnh mẽ nhất, sự gần gũi thân mật với Chúa nhất. Thế thì tại sao lại hiếm hoi như thế? Đơn giản chỉ vì ai muốn đạt tới đỉnh cao của nó, phải từ bỏ hoàn toàn cái bản nhiên của mình, phải từ bỏ chính mình và lao thẳng vào thẩm cung người khác, tức, thẩm cung lòng Chúa. Hành động ấy thực sự là một kiểu tự tha hóa tinh thần mình. Ở đây, ta không tìm kiếm điều gì, không thấy bất cứ tạo vật nào. Ở đây, mọi trợ giúp đến từ các hình ảnh khả giác đều chấm dứt, dù cách này vẫn là cách suy nghĩ thông thường của ta. Ở đây, ta tìm kiếm Thiên Chúa, một tìm kiếm hoàn toàn khác với việc tìm kiếm các sự thiện trong thiên nhiên; ở đây không có hình ảnh nào có thể mô tả được Sự Thiện này, không một sự tương tự nào trong toàn vũ trụ có thể làm ta mường tượng được. Việc kết hợp yêu thương của linh hồn với Thiên Chúa, mà ta coi là lời cầu nguyện cao nhất khi nó đạt được độ ngọt ngào nhất, đòi ta phải xa lánh một cách phổ quát, một cách trọn vẹn mọi sự vốn thoả mãn và cần thiết đối với bản tính nhân loại của ta; nó đòi ta phải quên, phải từ bỏ từ bên trong bất cứ điều vui thú nào, bất cứ điều gì vốn được các quan năng nhân bản tìm kiếm, bất luận ở dưới đất hay ở tầng trời vật lý, và sau cùng phải từ bỏ chính mình… Các linh hồn quảng đại cần phải hy sinh biết bao mới có thể nếm được một phần Đấng Yêu Dấu, cái phần đã được nhượng cho, được ban phát ở đời này, và một phần Đấng Thần Linh, Đấng mà không một phàm nhân nào đã thấy hoặc đã nếm mà thoát chết: “Ngươi không thể thấy mặt Ta; vì không một người nào thấy Ta mà còn sống sót”. Vâng đúng thế, việc nâng cao linh hồn cầu nguyện, linh hồn chiêm niệm, cắt đứt khỏi mọi giác quan xác thân, quên hết thời gian và không gian và mọi thụ tạo, và chỉ còn chăm chăm, bất động nhìn vào một mình Thiên Chúa thì có khác chi một sự chết, chết thật rồi! Bởi thế, nếu muốn tận hiến cho việc thể hiện tối hậu tấm tình yêu hân hoan nhất nhưng đầy chiến đấu và dằn vặt này, chắc chắn ta phải có quyết tâm anh hùng” (La Dottrina della Carità, 200–1).

Nhưng như đã nói, trong cuộc sống hằng ngày, ta chỉ nên bắt đầu xem sét thực hành sự im lặng ở một bình diện thấp hơn thế. Nhiều người cho rằng: trong hoàn cảnh hiện nay, những gì được chân phúc Rossmini nói đến từ hơn thế kỷ rưỡi trước đây về sự cần thiết của im lặng bây giờ còn cần thiết hơn nữa. Điều này không biết có đúng như thế không hay vì ngụp lặn trong cảnh náo nhiệt ồn áo quen rồi, nên ta đã quên khuấy cả nhu cầu giữ thinh lặng, nhu cầu im lặng tâm hồn để lắng nghe Lời Thiên Chúa? Bạn hãy nghĩ lại những gì đã nghe và đã thấy trên truyền thanh và truyền hình gần đây. Hãy tự hỏi đã đọc gì trên nhật báo hôm nay. Hãy ôn lại bất cứ cuộc thảo luận nghiêm túc nào trong tuần. Bạn đã tiêu phí biết bao thời gian cho những truyện vô bổ mà đáng lý ra nên dành cho sự im lặng. Và hình như ta thấy điều ấy rất bình thường!

Câu hỏi quan trọng hơn là: “Tôi có thể sống mà không cần những điều trên hay không?” hay “Tôi có thể sống với Chúa và với bản thân mình hay không?” Những câu hỏi như thế rất quan trọng vì nó giúp ta hiểu rõ vấn nạn thực sự của thế giới ngày nay nói chung. Vậy thử hỏi: tôi có thể sống với chính bản thân mình hay không? Hỏi như thế, ta thấy câu trả lời sẽ rõ ràng ngay, và giải thích được tại sao ta lại trốn chạy sự im lặng. Ta sử dụng kỹ thuật hiện đại, tức các phương tiện truyền thông, cách này hay cách khác, để trốn chạy chính mình. Ta sẽ không vào sa mạc, theo kiểu nói của Thánh Kinh, vì ta không tin sẽ tìm được điều gì giá trị ở đấy. Thái độ ấy là thái độ duy nhân bản hiện nay, và đức tin cần đánh đổ thái độ này bằng cách chứng tỏ cho người ta thấy: ở cõi cô tịch và im lặng của sa mạc, có điều gì đó không phải chỉ là cái bản ngã tùy thể của ta. Ở đó, ta tìm thấy sức mạnh cứu rỗi của Thiên Chúa.

Đối với mọi cuộc sống trọng tinh thần, ta phải nhấn mạnh tới sa mạc như bước minh nhiên đầu hết và như thái độ mặc nhiên không bao giờ chấm dứt. Sa mạc là một hằng số trong Thánh Kinh và là một nét lớn trong cuộc sống của chính Chúa nhập thể. Nó không thể bị triệt tiêu trong cuộc sống các môn đệ Người bất kể bậc sống hay điều kiện sống của họ ra sao. Chân phúc Rossmini nói rõ điều này trong một lá thư gửi một thiếu phụ sống ngoài đời: “Có điều này chắc chắn. Với sự trợ giúp của Thiên Chúa, bà có thể tạo ra sự cô tịch ngay trong tâm hồn bà và sống trong đó với Người [Chúa] bằng đức tin y hệt như trong tu viện kín. Cô tịch trong tâm hồn! Điều này qúy giá hơn biết bao so với bức tường tu viện. Ở đấy, ngay trong chính mình, bà hãy dựng lên những bức tường lửa mà chỉ Thánh Thần Thiên Chúa, Đấng vốn là lửa, mới có thể đi qua. Những bức tường ấy chính là tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân. Khi tình yêu này tăng tiến trong tâm hồn đến mức trở thành chủ động trong ta, nó sẽ khiến ta chán ghét sự vật trần thế, dù là vinh dự và vui thú bao nhiêu chăng nữa…Nó biến chúng trở thành hình khổ đối với ta vì chúng chính là thế nếu so sánh với những điều ở trên trời”.

Thoạt đầu, sa mạc là điều khó khăn vì ta bước vào nơi xem ra là đất hoang. Như người Do Thái xưa trong sa mạc, ta trách móc: "Ai sẽ cho chúng ta có thịt ăn đây? Nhớ thuở nào ta ăn cá bên Ai-cập mà không phải trả tiền, rồi nào dưa gang, dưa bở, nào hẹ, nào hành, nào tỏi. Còn bây giờ đời ta tàn rồi; mọi thứ đó hết sạch, chỉ còn thấy man-na thôi." (Ds 11: 4–6).

Ta không thèm manna, bánh của các thiên thần, vì vị giác ta đã ra hư đốn; ta không dành tai cho im lặng vì ta sợ mất ồn ào là điều đang mang lại cho ta sự an toàn giả tạo có được điều gì đó không phải là cái tôi trống rỗng của mình.

Ở đây, ta nhớ tới lời của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger viết năm 1993. Ngài bảo: “Con người hiện đại gần như sợ hãi phải ở một mình; anh ta sợ sự im lặng, sợ cái trống vắng của im lặng. Dường như các phương tiện truyền thông muốn ngăn cản không cho con người ở một mình với chính anh ta. Nhưng cùng một lúc, trong anh ta lại có một sự tởm gớm đối với cuộc oanh kích của truyền thông; trong anh ta có một ước muốn nào đó, có thể chỉ là tiềm ẩn, được thoát khỏi cảnh nô lệ miên viễn gây ra do tất cả những điều thế gian có thể cung hiến” (Il cinema e la fede. La Messa é finita? Cf. Osservatore Romano, 11 tháng 11 năm 1993).

Từ thẳm sâu, ta biết: tốt hơn nên sống với vấn nạn chân thực còn hơn trao thân cho một giải pháp dễ dãi, kiểu cà phê uống liền. Đức Gioan Phaolô II từng nói: “Đây là điều con người thời nay cần có; anh ta thường thiếu khả năng im lặng vì sợ gặp gỡ chính mình, sợ cảm thấy trống rỗng khiến mình phải tra vấn ý nghĩa của chính mình; con người đành lấy ồn ào làm mình điếc tai. Mọi người chúng ta, tin hay không tin, đều cần một sự im lặng để Đấng Khác lên tiếng lúc nào và cách nào Người muốn, để ta hiểu được lời của Người” (Orientale Lumen, n. 16).

Ta cũng cần lưu ý tới tính khí và nền văn hóa Tây Phương, một nền văn hóa có xu hướng thiên về phân tích. Họ thường hay đi tìm các kết luận thuận lý cho sự an toàn của mình. Họ muốn được giải thích, nhưng không thấy rằng mọi giải thích, nếu muốn là giải thích chân thực, thì sau cùng phải bám rễ vào điều tự nó hiển nhiên (self-evident), vào điều không thể giải thích được, nhưng, chính vì thế nó đứng ở đầu nguồn mọi giải thích. Trong cuộc sống của người trọng tinh thần, thái độ này có thể trở thành một quyến rũ thật sự. Thường thì ta chỉ giống những người đốt nến tìm đường giữa lúc mặt trời chiếu sáng chói chang hơn là để cái nhìn của mình hành động trọn vẹn dưới sự thúc đẩy của ơn thánh.

Lời khuyên của chân phúc Rossmini về sự im lặng bề ngoài trong cuộc sống hằng ngày của ta chứng tỏ ngài rất nghiêm túc đối với vấn đề ấy; lời khuyên này cũng giúp ta hiểu được sự thực nằm dưới cách diễn đạt súc tích, khô khan một nội dung mà thoạt mới đọc người ta có cảm tưởng là dễ dãi và đạo hạnh một cách cường điệu. Thí dụ, trong “Các Phương Châm Đạt Sự Hoàn Thiện Kitô Giáo”, ta hay gặp những câu như: còn về phần mình, người Kitô hữu tự chọn cho mình một ‘cuộc sống ẩn dật, một cuộc sống càng cô tịch, càng thinh lặng và dấu ẩn bao nhiêu càng hay”; ‘lòng yêu thích sự ẩn dật khiến họ không muốn liên hệ với những người họ không có trói buộc nào cả’; ‘Người Kitô hữu… muốn trở nên hoàn thiện phải chọn một cuộc sống ẩn dật, thinh lặng và bận bịu. Việc chọn sống ẩn dật ấy bao hàm một quyết tâm không ra ngoài một cách không cần thiết… Sự thinh lặng họ chọn sẽ dẫn họ tới việc tránh những lời nói vu vơ càng nhiều càng hay, nghĩa là, những lời nói không dính dáng gì tới việc lớn mạnh của họ cũng như của người khác hay không cần thiết đối với nhiệm vụ và nhu cầu của cuộc sống họ’. Đọc qua loa các câu đại loại như thế, ta dễ có cảm tưởng đó chẳng qua chỉ là những điển hình cực đoan nhất của lối văn nhà đạo hay tu đức. Nhưng nếu hiểu chúng như những bước thực tiễn lúc ban đầu để ta được ‘hoàn toàn đưa vào trong Thiên Chúa’ hay như chân phúc Rossmini thường dùng câu Xuất Hành 19:4 để ám chỉ: “Các ngươi thấy đó… Ta đã mang các ngươi trên cánh đại bàng và đưa các ngươi đến với Ta”, thì đó là lời mời gọi ta ra khỏi thế giới mộng mơ do chính ta tạo ra để bước vào thế giới thực tại vốn tùy thuộc hành động sáng tạo và cứu chuộc đầy yêu thương của Thiên Chúa.

Khát vọng thinh lặng có tính Kitô Giáo này hoàn toàn tiếp nối truyền thống sống đạo của những con người thánh thiện suốt trong lịch sử Giáo Hội mà điển hình nhất là lối sống của các tu sĩ dòng thánh Bruno (Chartreux). Tất nhiên lối sống này không hẳn thích hợp cho mọi người, nhưng những nét chính yếu họ nhấn mạnh về sự thinh lặng thì ai ai cũng áp dụng được, và những điều đó tóm lược được hết những gì chúng ta vừa nói về sự thinh lặng này.

“Im lặng là lắng nghe: không phải nỗi chờ mong ray rứt được nghe những lời lọt vào lỗ tai ta hay tràn ngập trái tim ta, mà là bình thản tiếp nhận Đấng đang hiện diện và đang hành động một cách thầm lặng trong cõi thâm cung của ta. Thực thế, im lặng phối hợp việc không nói lời nào trên môi miệng và trong trái tim với việc đối thoại sống động cùng Thiên Chúa. Ta không nên vướng vào những cuộc đối thoại dài dòng về chủ đề này nhưng hãy đọc chính lời của Thánh Bruno: ‘hoa trái của sự im lặng chỉ người cảm nghiệm được nó mới thấy…’. Im lặng là thế này: để Chúa nói trong ta lời tương đương với chính Người. Lời ấy tới tai ta mà chính ta không biết bằng cách nào, mà ta không có khả năng diễn tả các đường nét chính xác của nó; chỉ biết: chính Lời Thiên Chúa đến với ta và vang dội trong trái tim ta” (The Wound of Love, tr. 63–4, London 1994).

Sự im lặng của Đức Mẹ

Nói về sự im lặng mà không nói tới gương mẫu im lặng của Đức Mẹ khi tiếp nhận Ngôi Lời là một điều thiếu sót. Những lời đẹp đẽ và thích đáng nhất về sự im lặng này có thể trích dẫn từ Đức Gioan Phaolô II, từ chân phúc Rossmini và từ thi hào Paul Claudel.

Đức Gioan Phaolô II từng nói như sau về sự im lặng của Đức Mẹ: “Gương sáng của Đức Mẹ làm Giáo Hội hiểu rõ hơn giá trị của sự im lặng. Sự im lặng của Ngài không những chỉ là việc điều độ về lời nói mà trên hết còn là khả năng đầy khôn ngoan nhớ lại và nhắc lại trong một chớp nhoáng của niềm tin trọn mầu nhiệm Ngôi Lời thành người và mọi biến cố thuộc cuộc sống dương gian của Người. Sự im lặng để tiếp nhận Ngôi Lời này, khả năng biết suy niệm về mầu nhiệm Chúa Kitô này đã được Đức Mẹ lưu truyền cho những người biết tin. Trong một thế giới ồn ào và đủ mọi thứ thông điệp này, chứng tá của Ngài giúp ta biết đánh giá được sự im lặng hết sức phong phú về tâm linh và khích lệ ta phát triển tinh thần chiêm niệm. Đức Mẹ làm chứng cho giá trị của một cuộc sống khiêm hạ và ẩn dật. Ai trong chúng ta cũng thường yêu cầu và đôi lúc đòi hỏi quyền được đánh giá trọn vẹn con người và các phẩm tính bản thân của mình. Ai cũng nhậy cảm đối với lòng qúy mến và trọng vọng. Chính Phúc Âm cũng nhiều lần cho thấy các Tông Đồ đã thèm muốn chỗ đầu hết trong vương quốc Chúa Kitô như thế nào và tranh luận với nhau xem ai là người vĩ đại nhất. Khiến Chúa Giêsu phải dạy họ nhiều bài học về sự cần thiết phải khiêm nhường và có tinh thần phục vụ (xem Mt 18:1-5; 20: 20-28; Mc 9:33-37; 10:34-45; Lc 9:46-48; 22:24-27). Đức Mẹ, trái lại, không bao giờ thèm muốn vinh dự hay địa vị ưu thế. Ngài luôn tìm cách chu toàn Thánh Ý Chúa bằng cách sống một cuộc sống phù hợp với kế hoạch cứu rỗi của Chúa Cha. Đức Mẹ tỏ lộ cho tất cả những ai thường cảm thấy sự nặng nề của một cuộc sống bề ngoài xem ra vô nghĩa thấy rõ: cuộc sống ấy thực ra hết sức qúy giá nếu họ chịu sống nó vì tình yêu Chúa và tình yêu anh em” (Osservatore Romano, 23 tháng 11 năm 1995).

Chân phúc Rossmini thì nói những lời sau đây về Đức Nữ Trinh, những lời rõ ràng đi trước các lời lẽ trên đây của Đức Gioan Phaolô II: “Đàng khác, người Kitô hữu lúc nào cũng phải suy niệm và mô phỏng đức khiêm nhường sâu sắc của Đức Nữ Đồng Trinh Maria, Đấng mà Thánh Kinh mô tả là luôn ở trong trạng thái thanh thản, bình an và yên tĩnh. Cuộc sống được Đức Mẹ tự ý chọn là cuộc sống của khiêm nhường, ẩn dật và thinh lặng. Chỉ có tiếng nói của Thiên Chúa hay sự thúc giục của Đức Ái đối với Thánh Nữ Isave mới lôi kéo Ngài ra ngoài cuộc sống ấy mà thôi. Theo sự phán đoán nhân bản, ai lại chẳng nghĩ: sao Thánh Kinh nói ít đến thế về tạo vật hoàn hảo nhất trong các tạo vật? Không nhắc chi đến bất cứ công trình nào của Ngài; ấy thế nhưng đời Ngài, một đời mà thế giới mù lòa coi như chuỗi dài những bất động liên tục, đã được Thiên Chúa công bố là siêu việt nhất, đạo hạnh nhất, cao thượng nhất trong mọi cuộc đời, và do đó, Nữ Trinh khiêm nhường và ẩn dật này đã được Đấng Toàn Năng nâng lên địa vị cao trọng nhất, lên tòa vinh quang cao cả hơn bất cứ con người và thiên thần nào”.

Còn thi hào Paul Claudel thì sao? Trong bài thơ “Je n’ai rien à offrir” (Con chẳng có chi để tiến dâng) ông đã viết như sau:

Con chẳng có chi để tiến dâng, chẳng có chi để khẩn cầu!
Lạy Mẹ chí ái, con chỉ đến ngắm Mẹ.
Chẳng có chi – song được ở với Mẹ, Lạy Mẹ Maria,
chỉ một lúc thôi
khi mọi sự lặng thinh
tại chốn này
nơi Mẹ ngự.

Vũ Văn An

URL: http://danchuausa.net/giao-hoi-hoan-vu/tinh-than-im-lang-theo-chan-phuc-rosmini/