Trích từ Dân Chúa

Tìm hiểu Đạo Hồi (3)

ĐÔ Mai Đức Vinh

III. ĐỜI SỐNG TÔN GIÁO THỰC TẾ CỦA TÍN HỮU ĐẠO HỒI

A. Đạo Giáo, Luân Lý, Tổ Chức Xã Hội

1. Luật đạo Hồi (Chari’a)

Để xác định cách sống của mình, ngay từ đầu người đạo Hồi tuân giữ các giới truyền của Coran, của Lời Chúa, và phải noi gương Ngôn Sứ bằng cách sống theo Hadith. Nhưng chẳng bao lâu, nhiều vấn đề đặt ra, đạo Hồi lan ra ngoài xứ Arabie, chạm trán với nhiều nền văn hóa và phong tục khác. Cần phải xác định về sự thống nhất những cách sống của con người làm sao cho phù hợp với Luật Chúa. Một cách chung, điều quan hệ là phải trình bày rõ ràng nội dung của ý muốn thần linh tùy theo những trạng huống khác nhau của nhân loại và tùy theo mỗi vấn đề của đời sống. Vì thế trong suốt hai thế kỷ, người ta phải hết sức cố gắng chú giải (ljtihâd) sách Coran và các Hadith theo các tiêu chuẩn: lý trí, ích lợi chung, đồng tâm trong cộng đồng.

Những nỗ lực soạn thảo lâu dài này đã đạt tới chung kết là bộ Luật đạo Hồi (Chari’a) vào thế kỷ IX. Kể từ thời đó, việc chú giải này vẫn được người đạo Hồi tiếp tục, nhưng với điều kiện là phải ở trong các giới hạn của Luật đạo Hồi đã được xác định trước và được đạo Hồi nhìn nhận như Luật của Chúa. Sự kiện cả cộng đồng đạo Hồi thời đó đã đồng tâm nhất trí trong việc soạn thảo Luật đạo Hồi được coi như một dấu chứng của chân lý thần linh, như Hadith đã thốt ra từ miệng của Ngôn Sứ: “Cộng đồng của tôi không thể nhất trí trên sự sai lầm”.

Chủ đích của Luật đạo Hồi là đem đến cho loài người sự soi sáng và hướng dẫn cần thiết để sống phù hợp với thánh ý Thiên Chúa. Trong ngôn ngữ Ả Rập, từ ‘Chari’a’ đôi khi chỉ nghĩa một con đường nhỏ dẫn tới nguồn nước sự sống. Đó là con đường của Thiên Chúa dẫn loài người đến sự hòa bình tại thế và đến hạnh phúc của thiên đàng trong thế giới bên kia.

Luật đạo Hồi bao gồm toàn diện đời sống con người. Nó chứa đựng cái gì tương quan đến việc phụng tự, đến cách sống của từng người. .. và sau cùng đến những mối liên hệ xã hội. Người đạo Hồi cho rằng Luật không thể coi thường một khía cạnh sống nào của loài người. Nó bó buộc mọi tín đồ phải có tâm hồn ngây thơ và lành mạnh. Các trẻ em không buộc phải giữ luật. Tuy nhiên cần giúp cho các em làm quen thật sớm với những điều thực hành về tôn giáo và luân lý hầu chuẩn bị cho các em trở thành những người đạo Hồi tốt.

Hiện nay chỉ một thiểu số quốc gia đón nhận toàn vẹn Luật đạo Hồi, đó là Arabie, Séoudite, Iran, Pakistan. Luật đạo Hồi trở thành luật của quốc gia. Một số quốc gia khác như Soudan chỉ áp dụng chừng mực. Nhiều nước khác, luật pháp quốc gia chỉ nhận một số điểm của Luật đạo Hồi, như luật Hôn nhân, luật tài sản.. Thực tế, phần lớn các quốc gia mà đa số dân chúng theo đạo Hồi vẫn chủ trương hiến pháp thế tục của họ.

Chúng ta lưu ý ba điểm sau đây:

• Trên bình diện cá nhân: Những người theo đạo Hồi nhìn nhận một luật chung, xét chính yếu, tương ứng với đời sống luân lý của Mười điều răn (Décalogue) (điều thứ 4 và điều thứ 10). Những điều buộc khác xuất hiện trong nhiều chương Coran khác nhau.

• Trên bình diện nghi thức: Năm giới điều cơ bản nhất: Tuyên xưng đức tin đạo Hồi; Chu toàn việc cầu nguyện theo nghi thức; Đóng thuế theo luật; Giữ chay trong tháng Ramadan; Hành hương tới La Mekke khi có thể. Đó là nền tảng hay ‘cột trụ’ của đời sống tôn giáo trong các nước đạo Hồi.

• Trên bình diện xã hội: Kính trọng Luật đạo Hồi sẽ bảo đảm cho xã hội có một trật tự tốt. Mỗi người đạo Hồi phải chịu trách nhiệm về cách sống của mình. Phải khuyến khích điều thiện và cấm chỉ điều ác. Mọi phạm vi xã hội đều liên hệ với nhau: chỗ đứng của tôn giáo trong xã hội, những nguyên tắc liên quan đến vấn đề chiến tranh, cách đối xử với tù nhân, cách sửa trị tội ác, hình phạt, hôn nhân, ly dị, gia tài, quyền tư hữu, cho vay, biết ‘hổ thẹn’ trong gia đình và ngoài xã hội, phục vụ cộng đoàn đạo Hồi... Luật đạo Hồi thấm nhuần sâu xa vào nếp sống của người đạo Hồi, vào phong tục xã hội và gia đình...

2. Luật luân lý.

Đôi khi Coran nhắc nhở ‘Al Furquan’ nghĩa là ‘phải phân biệt giữa điều tốt điều xấu’. Coran thực sự là cuốn Chỉ Nam cho tín đồ về đời sống luân lý. Giáo huấn của Coran được xác định thêm bởi các Hadith. Thí dụ: “Chúa của tôi truyền cho tôi chín điều: thành thật với chính mình và với người khác, giầu hay nghèo cũng cố sống tiết độ, khi tức giận hay khi vui thỏa đều trân trọng đức công bằng, tha thứ cho người xúc phạm đến mình, giúp đỡ người cần đến mình, giữ thinh lặng khi suy gẫm, nói những điều xây dựng, đắn đo trong quan điểm của mình, trọng công ích hơn tư lợi”.

Những nhân đức hay những tội phạm của loài người thì không xúc phạm gì đến uy quyền tuyệt đối của Thiên Chúa. Tội là sự lỗi Luật thần linh và vĩnh cửu đã được mạc khải cho loài người. Nhân đức là sống đúng theo Luật đó. Thiên Chúa chỉ dạy cho loài người biết đâu là điều tốt đâu là điều xấu. Mọi giới truyền của Ngài đều đúng vì Ngài là Đấng Sáng Tạo, là Tôn Sư. Cần lưu tâm đến giá trị mà Luật thần linh đã gán ban cho các hành động của loài người.

3. Những việc làm có thể là:

• Bó buộc: những việc thuộc năm ‘cột trụ’ của đạo Hồi, chung thủy vợ chồng.

• Đáng khen, nhưng không bó buộc: Làm phúc tự nguyện, hay làm việc đạo đức cá nhân.

• Không buộc, không cấm, không khuyến khích: cách ăn mặc, đi tản bộ...

• Cấm đoán: nói dối, ăn trộm, giết người, ngoại tình, uống rượu, ăn thịt heo.

• Đáng chê trách, nhưng không cấm: ly dị, thiên tư trong việc chia gia tài cho con cái...

Vậy đạo Hồi sẽ phán quyết mỗi người về những hành động cá nhân của họ theo quy chế mà ý muốn thần linh đã tự do và hiển nhiên trao ban cho họ. Quy chế này được trao truyền lại bởi sách Coran và bởi ngôn sứ Mohammed, thì đã được công thức hóa cách rõ ràng bởi Luật đạo Hồi (Chari’a).

Tội phạm nặng thứ nhất là thờ ngẫu thần và gán ghép (tức đặt một đấng thần minh hay một nhân vật nào ngang hàng với Thiên Chúa), bởi vì đó là tội chống lại duy nhất tính của Thiên Chúa. Tội nặng thứ hai là giết người đạo Hồi. Các tội phạm có thể được đền trả bằng những việc lành hay những việc đền tội. Khi đi hành hương La Mekke với tấm lòng chân thực thì có thể được tha hết mọi tội.

Năm đòi buộc được coi như năm ‘cột trụ’ của đạo Hồi. Thực hiện năm điều buộc là dấu chứng trung thành với đạo Hồi và gắn bó với ‘Ummah’ (Cộng đồng đạo Hồi).

B. Năm Cột Trụ Của Đạo Hồi

1. Cột trụ I: Tuyên xưng đức tin (Chahada).

“Tôi xác tín rằng không có một thần linh nào khác ngoài Thiên Chúa và chỉ Mohammed là Ngôn Sứ của Ngài”.

Đây là điều tin căn bản nhất của người đạo Hồi. Họ tuyên xưng duy nhất tính của Thiên Chúa. Mỗi lần đọc lên lời tuyên xưng chính là trải một tấm khăn che phủ mọi tội lỗi. Người đạo Hồi đọc lời Chahada mỗi ngày, mỗi lúc, nhất là khi gặp gian nan. “Mỗi ngày trước khi ngủ, tôi đọc Chahada. Giấc ngủ là hình ảnh của sự chết; và nếu tôi không thức dậy... Mỗi lần tôi đến hãng làm việc, mỗi lần tôi đi qua dưới cầu trục, mỗi lần tôi đi phá bức tường... tôi đều đọc Chahada... Thiên Chúa biết tôi...”

Lúc gần chết, khi lâm cơn hấp hối chính đương sự hay người khác cũng đọc Chahada. Họ cho Chahada là chìa khóa đi vào Thiên Đàng: “Những người chết mà còn gán ghép thần linh ngang hàng với Thiên Chúa thì chắc chắn sẽ bị ném vào lửa, còn những người chỉ tôn kính một Chúa duy nhất thì sẽ được dẫn vào Thiên Đàng”.

Dưới mắt của người đạo Hồi, Chahada có nghĩa là xác quyết về niềm tin cội rễ và chỉ cần tuyên bố công khai xác quyết này là đủ để được coi như người đạo Hồi và đi vào cộng đồng đạo Hồi rồi. Trong viễn tượng đạo Hồi, chính là trở thành phần tử của ‘Ummah’ hay của cộng đồng huynh đệ, ở đó, nhất thiết người tân tòng thành tâm sẽ khám phá ra nguồn phong phú của niềm tin mới mẻ của họ và sẽ dần dần ý thức rằng đạo Hồi là chính thực. Tuy nhiên việc học khai tâm vẫn cần thiết và đòi phải trải qua đối với những ai muốn vào đạo Hồi. Một đứa nhỏ sinh ra phải đặt cho nó một tên đạo Hồi, để chỉ nghĩa đứa nhỏ thuộc về đạo Hồi. Tuy đạo Hồi không buộc phải cắt bì cho trẻ nam, nhưng thường cũng có một ‘nghi thức quá độ’ (rite de passage) khi đứa trẻ nam từ tuổi thiếu niên bước sang tuổi thành niên.

2. Cột trụ II: Cầu nguyện nghi thức (sada).

Trong các nước đạo Hồi, người ta nhắc nhở năm lần cầu nguyện bằng những tiếng loa phát ra từ tháp cao của giáo đường.

• Sáng tinh sương (Sobh)
• Trưa (Dhor).
• Chiều (Asr)
• Sau khi mặt trời lặn (Maghreb)
• Tối (‘Icha).

Đó là năm lời nguyện theo nghi thức nói đến trong Coran bằng tiếng Ả Rập. Cầu nguyện là một món nợ người ta phải trả cho Thiên Chúa, Đấng Tạo thành thế giới. Trong trường hợp không thể cầu nguyện đúng giờ, người ta có thể giãn lại vào giờ khác. “Tôi có thể giãn lại nhiều lần cầu nguyện, cũng có thể cầu nguyện ban tối sớm hơn nếu tôi mệt mỏi. Thiên Chúa không muốn làm phiền hà ai”.

Mỗi lần cầu nguyện gồm có nhiều cử chỉ (rak’a): đứng, ngồi, phủ phục. Đồng thời miệng đọc liên tiếp lời kinh ngợi khen. Người ta thân thưa trực tiếp lên Chúa, không qua một trung gian nào cả. Chương đầu của Coran ghi nhiều mẫu kinh thờ lạy, chẳng hạn: “Ngợi khen Thiên Chúa là Đấng Cao Cả, Đấng toàn năng và toàn hảo. Lạy Chúa, xin lắng nghe những tôi tớ Chúa đang dâng lời ngợi khen. Con dâng phần rỗi con cho Chúa, con dâng mọi việc lành của con cho Chúa”(x.Cr 1,1-7). Còn có những mẫu cầu nguyện khác, tùy theo sáng kiến của mỗi người.

Muốn cầu nguyện nghi thức, người đạo Hồi phải trong sạch tâm hồn, phải tắm rửa thân xác hết bụi bặm và nhơ bẩn. Vì thế người nằm bệnh viện, người vướng mắc không tắm rửa được thì không thể cầu nguyện nghi thức. Nơi cầu nguyện phải thoáng đạt, không bụi bặm, thường trải ta-pi.

Những người có đời sống bất hảo cũng buộc phải cầu nguyện nghi thức để nhờ Thiên Chúa trở nên tốt hơn. Tuy nhiên những người này phải quyết tâm xa lánh điều xấu. “Cầu nguyện đối với tôi rất quan trọng. Bạn đừng nghĩ đến việc gì khác, nhất là đừng nghĩ đến những thủ đoạn làm hại tha nhân. Tôi không thấy một người nào cầu nguyện rồi sau đó lại có những cử chỉ xấu xa, mưu mô xảo quyệt...” “Lời cầu nguyện giúp người ta xa tránh những điều ngu xuẩn và những hành động đáng chê trách” (Cr 29,45).

Giáo đường (mosquée) chính yếu là nơi cầu nguyện, nhưng cũng là nơi hội họp bàn thảo về những vấn đề của cộng đoàn. Trong giáo đường thường có một ‘mihrab’ (cửa nhỏ) để chỉ về hướng La Mekke, và một ‘minbar’ (tòa giảng) để ‘iman’ đứng giảng cho đạo hữu.

3. Cột trụ III: Đóng thuế theo luật (Zakat).

Zakat là một thứ ‘thuế tôn giáo’ mục đích để giúp đỡ người nghèo trong đạo Hồi, trang trải mọi sinh hoạt chung, nhất là xây cất hay bảo trì các nơi thờ tự. Nhưng mục đích của Zakat còn để tẩy rửa tâm hồn khỏi tính tham lam, hà tiện, ích kỷ. Sách Coran nói rõ những lớp người nào được hưởng phần hoa lợi của Zakat. “Những của đóng góp và dâng cúng dành cho những người nghèo, những người cần thiết, những người lo việc đón tiếp dân nghèo khổ, những người có trái tim rộng mở mua chuộc lại những kẻ bị bắt bán làm tôi tớ, những người nợ nần chồng chất, những người chiến đấu vì Thiên Chúa, và những khách đi đường” (Cr 9,20).

Luật đạo Hồi ấn định rõ ràng mức độ phải đóng Zakat. Tuy nhiên còn tùy theo các đoàn vật chăn nuôi, lượng thu hoạch mùa màng, tiền lợi tức, các vật quý hay hàng hóa. Cách chung, phải đóng thuế từ 2 đến 5%. Chế độ Zakat có nhiều khác biệt giữa các nước đạo Hồi với các nước ‘đời’ (état laic) như tại Pháp.

Thuế Zakat hàng năm có tính cách nghi thức và bó buộc và chỉ những người hay những tổ chức đạo Hồi mới được hưởng. Còn những tiền ‘làm phúc ‘ tự nguyện (Sadage) thì người ngoài đạo Hồi cũng được hưởng.

Ngoài chế độ Zakat, trong đạo Hồi còn có nhiều hình thức đóng góp khác. Trong Coran nói tới 70 hình thức chia sẻ hay làm phúc: “Đừng ai khép đóng cuốn Sách này: Sách chỉ dạy những ai kính sợ Thiên Chúa, những ai tin tưởng vào mầu nhiệm, những ai làm phúc bố thí với những của cải Ta đã ban cho họ” (Cr 2,2-3).

Với niềm tin mạnh mẽ, nhiều người đạo Hồi tự nguyện thực hành việc chia sẻ hay bố thi: “Lúc chết, chẳng ai đem theo của cải gì đi, trừ ra những cái đã chia sẻ cho dân nghèo. Đi làm về, tôi hỏi vợ tôi xem những người hàng xóm sống đầy đủ không. Nếu nghe ai thiếu thốn điều chi, tôi liệu cách đem đến cho họ. Chỉ sau khi làm việc đó, tôi mới ngồi xuống ăn cơm tối”.

4. Cột trụ IV: Ăn chay trong tháng Ramadan (Syam ramadan)

“Này anh chị em, chay tịnh truyền cho anh chị em hôm nay giống như đã truyền cho các thế hệ trước. Hãy giữ chay những ngày đã ấn định. Ai trong anh chị em đau yếu hay đi đường có thể giãn lại và sẽ ăn chay về sau nhưng phải đủ số ngày đã ấn định. Chay tịnh có lợi ích cho anh chị em... Coran đã được mạc khải trong tháng Ramadan” (Cr 2,182-185)

Luật ăn chay hàng năm trong tháng Ramadan: không ăn, không uống, không hút thuốc, không làm tình từ lúc mặt trời lên cho tới khi mặt trời lặn. Trong các nước thuần túy đạo Hồi, sinh hoạt xã hội bị đảo lộn trong tháng Ramadan: các chương trình về tôn giáo chiếm nhiều giờ trên các đài phát thanh, điện ảnh.

Một trong những mục đích của tháng Ramadan là “tập tính tự chủ, trừ khử nhiều tật xấu, làm chủ dục vọng”: “Đối với tôi, Ramadan là bắt đầu đời sống trong một năm mới. Tôi thấy tôi như đã bị xiềng xích, nô lệ cho nhiều chuyện, nhiều vấn đề. Tháng này ngưng lại tất cả. Tôi làm lại cuộc đời, tôi kiểm điểm mọi hành động, tôi phục tùng một Thiên Chúa duy nhất”.

Tháng Ramadan là thời gian chia sẻ và thông cảm. Tự nguyện nhịn đói hầu chia sẻ với những người đói ăn vì hoàn cảnh. “Bạn chưa hiểu Ramadan ! Chính là để “những người to lớn vì ăn no đủ”hiểu rõ hơn “những ngưới bé nhỏ vì đói ăn”.

Người đạo Hồi cũng ý thức rằng, giữ Ramadan chính là trở về với Thiên Chúa: “Ramadan nhắc bảo chúng ta rằng: người ta sống trên đời không phải chỉ để ăn, để uống, để ngủ, nhưng còn để nghĩ tưởng đến Thiên Chúa. Đó là món nợ phải trả cho Ngài. Phải cám ơn Ngài về bao hồng ân Ngài đã ban cho. Ramadan là thời điểm hướng về Thiên Chúa và ao ước Ngài”.

Sau khi mặt trời lặn, người ta ăn uống vui vẻ, có thể thức khuya thăm hỏi bạn bè., dự các cuộc trình diễn văn hóa. Các trẻ em không buộc giữ Ramadan, tuy nhiên có thể khuyến khích các em giữ một vài ngày.

5. Cột trụ V: Hành hương đến nhà của Thiên Chúa (Hajj)

Theo truyền thống đạo Hồi, chính tổ phụ Abraham đã xây (hay theo một số người, đã xây lại) ‘Nhà của Thiên Chúa’ (Kaaka) tại La Mekke. Tất cả người đạo Hồi, trong điều kiện có thể, phải đến đó hành hương ít ra một lần trong đời sống. “Quả thật, đền thờ đầu tiên đã được dựng nên cho loài người là ngôi nhà ở La Mekke: đền thờ này được thánh hiến và được xử dụng để hướng dẫn cả thế giới... Những ai có đủ điều kiện thì có bổn phận phải hành hương đến nhà của Thiên Chúa” (Cr 3,96-97).

Trước khi đi, người hành hương phải bảo đảm có đủ lương thực cho gia nhân trong thời gian mình vắng nhà. Đến Arabie họ phải hy sinh mặc đồ trắng. ‘Ihram’ có nghĩa là tình trạng trong sạch cần thiết theo luật buộc để hoàn tất việc hành hương. Trên đường về La Mekke, người ta phấn khởi, vui mừng đi về Nhà của Thiên Chúa bằng lời cầu xin của khách hành hương (Labbay ka): “Ôi Thiên Chúa ! chúng con đây ! chúng con đây ! Không ai được gán ghép ngang hàng với Chúa ! Mọi lời ngợi khen, mọi điều toàn hảo đều thuộc về Chúa và Nước của Chúa !”

Trong cuộc hành hương, người ta đi vòng quanh Nhà của Thiên Chúa bảy lần như chính Mohammed đã đi. Còn những nghi lễ khác thì tập trung về thời điểm Agar và Ismael trong sa mạc. Cuộc hành hương diễn tiến trong suốt thời gian lễ ‘Aid el kbir’ tức là lễ hiến tế của Abraham. Khách hành hương ném đá vào các tấm bia tượng tưng cho ma quỷ. Sau cùng, để kết thúc cuộc hành hương, mọi người phải đi viếng mộ của Mohammed tại Médine.

Cuộc hành hương mang nhiều ý nghĩa: Trước khi lên đường, khách hành hương xin lỗi những người chung quanh về những lỗi lầm đã xúc phạm đến họ, trong cuộc hành hương, khách hành hương được tha hết mọi tội lỗi. “Tôi xin mọi người sống trong khu phố, Marocains, Algériens và Francais tha lỗi cho tôi”. Cuộc hành hương phải kể như một khởi điểm cho một cuộc sống mới. Sau lần hành hương, người đạo Hồi muốn sống tuyệt đối trung thành với Thiên Chúa... Hành hương về La Mekke còn là dịp biểu đương sức sống mạnh mẽ của Cộng đồng đạo Hồi (Ummah).

C. Những Ngày Lễ Của Đạo Hồi

1. Nhiều ngày lễ trong năm đạo Hồi.

Trong năm, đạo Hồi có nhiều ngày lễ:

• Lễ ‘Muharram’ tức ngày đầu năm tưởng nhớ Mohammed di tản tới Médine.

• Lễ ‘Mulud’, lễ có tính cách bình dân để kỷ niệm ngày sinh nhật của Mohammed. Lễ này bị nhiều người chống đối vì không được dành một phụng tự nào cho Ngôn Sứ của Thiên Chúa.

• Lễ ‘Đêm Định Mệnh’, cử hành vào ngày 27 tháng Ramadan, kỷ niệm ngày Mohammed nhận được mạc khải đầu tiên.

• Lễ ‘Achoura’: Ngày thứ 10 trong năm, đối với ngành Chiites rất quan trọng: Họ kỷ niệm ngày tạ thế của Hocéine là cháu của Mohammed tử đạo vì đức tin.

• Hai lễ quan trọng hơn cả: lễ ‘Kết thúc tháng Ramadan’ và ‘Hiến tế của Abraham’.

2. Lễ kết thúc tháng chay Ramadan (Aid es Seghir).

Trong lễ này, nổi bật tinh thần ‘đổi mới thiêng liêng’ của người Hồi giáo sau tháng chay tịnh. Đây là lúc mọi tín đồ thi nhau làm việc bố thí, góp tiền giúp đỡ dân nghèo khổ, đói kém... Theo truyền thống, mọi người được mời đến cầu nguyện chung ở ngoài trời, bạn bè chúc nhau thăng tiến đời sống. “Chớ gì lễ này trở thành lời chúc phúc cho chúng tôi, cho các bạn và cho nhiều người khác” Lễ này cũng được gọi là lễ ‘giải hòa’.

3. Lễ hiến tế của Abraham (Aid el kbir).

Lễ này cử hành vào ngày thứ bảy mươi sau tháng Ramadan, nhắc lại cuộc hiến tế của Abraham. Câu chuyện được kể lại trong Coran (Cr 37,102-109). Theo lệnh của Thiên Chúa, Abraham không sát tế con mình là Isaac ( Ismael, theo truyền thống của đạo Hồi), nhưng là con cừu đực. Chính vì thế, chủ yếu của ngày lễ là ‘cắt cổ một con cừu, rồi nấu lên và cả gia đình cùng ăn, có thể mời lối xóm đến dùng chung’, để nhắc nhở: người tin tưởng thật sự là người quy phục Thiên Chúa theo gương Abraham.

D. Người Tín Hữu Đạo Hồi

Sách Coran, các Hadith và Luật đạo Hồi (Chari’a) rất chú trọng đến con người. Các ngành đạo Hồi rất khác nhau về quan điểm phụng tự, chính trị, xã hội, văn hóa. .. nhưng tất cả đều có chung một quan niệm về con người:

1. Địa vị của con người: Con người là thụ tạo ưu biệt của Thiên Chúa.

Rất nhiều lần sách Coran nhắc nhở rằng: Với quyền năng tối cao của Ngài, Thiên Chúa đã cho con người hiện hữu ngay từ trong lòng mẹ. Nhưng, cho dù được tạo dựng cách rất hòa hợp và diệu kỳ, con người vẫn yếu đuối, vô ơn, hay thay đổi... và còn làm đổ máu người khác. “Con người được dựng nên, không kiên định, yếu hèn mỗi khi gặp dủi do, bạo tàn mỗi khi được sung sướng” (Cr 70,19-21).

Thiên Chúa thổi thần khí của ngài vào con người để con người có khả năng tham dự một phần đặc tính cao đẹp của ngài, như trí thông minh, trí phán đoán... Nhưng địa vị của con người cốt yếu ở giao ước huyền nhiệm giữa Thiên Chúa và loài người ngay từ khi tạo thành vũ trụ. “Thiên Chúa đòi con cái Adam tuyên chứng tương quan huyền nhiệm giữa Ngài với họ: Nào Ta không phải là Chúa của các ngươi sao? Họ trả lời: Vâng, chúng tôi tuyên chứng điều đó !” (Cr 7,177).

Cũng vậy, theo giáo huấn của Coran, mọi người đều có một thiên hướng là tin vào Thiên Chúa duy nhất và vào Ngôn Sứ của Ngài, từ bẩm sinh, mọi người đều có khả năng nhận ra chân lý mà Coran trao truyền. Vì thế cố chấp từ chối đạo Hồi là một tội phạm. Lý tưởng là mọi người trở thành ‘tín hữu đạo Hồi’.

2. Người tín hữu đạo Hồi là người quy phục Thiên Chúa.

‘Người quy phục Thiên Chúa’ là ý nghĩa của từ ‘Musulman’. Bởi lẽ Thiên Chúa là Đấng Sáng Tạo và là Tôn Sư của mọi loài. Vì thế hết mọi loài phải thuần thục quy phục Thánh Ý Ngài. Sách Coran nhắc bảo luôn rằng người tín hữu quy phục Thiên Chúa sẽ được thưởng nước Thiên Đàng, và ai không quy phục Thiên Chúa sẽ lãnh chịu cơn thịnh nộ của Ngài. “Họ phải chịu sỉ nhục đê hèn ngay ở đời này và hình phạt khủng khiếp ở đời sau” (Cr 2,114)

Muốn quy phục hoàn toàn Thiên Chúa, người đạo Hồi phải tuân thủ các giới răn của Luật đạo Hồi (Chari’a) và phải miệt mài tìm hiểu Luật ấy. Người tín hữu chân thành phó thác cho Thiên Chúa bằng việc từ bỏ và tôn thờ.

3. Người tín hữu đạo Hồi là người bình thản và vững tâm về niềm tin.

“Tôi bình thản...” người đạo Hồi thường dùng kiểu nói này để chứng tỏ họ lương thiện, họ sống đúng luật Chúa và luật xã hội. Thực tế, một người tín hữu chân thành là người bình thản. Khi họ thi hành đầy đủ những đòi buộc tôn giáo và luân lý, họ là những người đơn thành. Phương án sống của đạo Hồi là sống thật trung dung, không theo tà thần như dân ngoại đạo, không vô thần như người Maxít, không khổ chế như người phật tử hay kitô. Cái hy sinh của họ là nỗ lực đi trên con đường của Thiên Chúa.

Mọi niềm vui và hoan lạc đều tốt và do Chúa muốn như vậy. Họ rất chú trọng đến hoan lạc xác thịt trong hôn nhân. Người đạo Hồi khó hiểu về đức khiết tịnh của người tu sĩ công giáo. Có một Hadith phát biểu rõ ràng: “Những ai tin tưởng, xin đừng lấy tôn giáo cấm đoán những điều tốt lành mà Thiên Chúa đã tuyên bố là hợp pháp cho các người”.

4. Ba nhân đức căn bản của người đạo Hồi.

• Đức nhẫn nại: Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, ban sự sống và sự chết, những thử thách và mọi hồng ân. Trước mọi đau khổ chung của con người như bệnh hoạn và chết chóc, người ta không hoài nghi về sự hiện diện của Thiên Chúa. Thiên Chúa có thể biến cải con người theo thánh ý Ngài. Không ai có thể đối nghịch với điều Ngài truyền dạy. Người theo đạo Hồi không nổi loạn với Thiên Chúa. Họ thường nói “Thiên Chúa muốn như vậy” hay “Nếu Chúa muốn” (Incha’llah). Do đó họ nhẫn nại trước những thử thách của đời sống.

• Đức hiếu khách: Người ta rất cảm phục về nhân đức này của người đạo Hồi đối với khách xa lạ. “Nếu bạn đón tiếp một người mà họ không biết bạn và bạn không biết họ, tức là bạn đón tiếp người khách trọ của Thiên Chúa, người Thiên Chúa sai đến”. Cho Khách trọ nhờ là một đòi buộc tôn giáo như Coran và Hadith thường nói, thí dụ “Ai tin tưởng vào Thiên Chúa, thì vào ngày sau hết sẽ được đối xử tốt như người khách trọ của Thiên Chúa”.

• Đức công bằng và tinh thần chia sẻ: Theo quan niệm của đạo Hồi, người giầu là người quản lý tài sản của Thiên Chúa. Những tài sản ấy không thể bị thất thoát. Mọi sự thuộc quyền Đấng Tạo Thành, tài sản của ai cũng chỉ là của Thiên Chúa cho mượn. Người đạo Hồi không có quyền dính bén của cải, của cải không theo người chết, chỉ có việc lành phúc đức đi theo thôi. Vì thế người giầu không được khai thác người nghèo, trái lại phải từ tâm chia sẻ cho hợp tình hợp lý với những người khổ cực hơn mình. Những người hành khất thường nói: “Xin cho tôi cái đã được ban cho ông (bà) vì tôi”. Người đạo Hồi chân chính không khi nào chấp nhận sự bất công. Có lời Hadith: “Vào ngày phán xét, người để mình bị lôi cuốn làm điều bất công cũng sẽ bị luận án như chính người làm điều bất công”. Sự chia sẻ trước tiên là ở trong gia đình, nhưng cũng với những người khách trọ, với người thân cận, nhất là những người nghèo khổ. “Mỗi khi bạn bố thí cho người nghèo hay người già cả, là bạn đi tới La Mekke, La Mekke vô hình”.

Nói về sự chia sẻ công minh trong gia đình, cần lưu ý đến ‘tình trạng đa thê’: Khi hạn chế một người đàn ông chỉ được lấy bốn người vợ, sách Coran đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải công minh giữa các bà vợ. Tại Médine, Mohammed có nhiều vợ. Ngày nay, chế độ đa thê thực tế đã biến mất trong nhiều nước đạo Hồi.

(còn tiếp)

ĐÔ Mai Đức Vinh

- Tìm hiểu Đạo Hồi (1), (2), (3) & (4)

URL: http://danchuausa.net/giao-hoi-hoan-vu/tim-hieu-dao-hoi-3/