Trích từ Dân Chúa

Thao Túng Sự Sống

Vũ Văn An

Tin tức gần đây về việc Nadya Suleman sinh tám đứa con một lúc khiến người ta lo âu đối với vấn đề thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Tờ Hoa Thịnh Đốn Bưu Báo (Washington Post) ngày 4 tháng Hai vừa qua tường thuật rằng: ngày 26 tháng 1, Suleman, một người đàn bà độc thân, thất nghiệp, và có 6 con, đã sinh thêm 6 con trai và 2 con gái. Tờ báo này cho hay: tin tức trên gây nên nhiều lo ngại rộng lớn đối với tình trạng thiếu qui định đối với các bệnh xá thụ tinh trong ống nghiệm. David C. Magnus, giám đốc Trung Tâm Đạo Đức Sinh Y của Đại Học Stanford (Standford Center for Biomedical Ethics) cho tờ Hoa Thịnh Đốn Bưu Báo hay: Ở Mỹ, hiện đang có một thị trường gần như không bị luật lệ chi phối ngoại trừ luật đòi bồi thường thiệt hại.

Tờ Nữu Ước Thời Báo (New York Time) ngày 12 tháng Hai vừa qua tường thuật rằng gần 1/3 các vụ sinh nở nhờ thụ tinh trong ống nghiệm đã mang lại kết quả sinh đôi hay hơn thế. Thực thế, ngược với nhiều quốc gia khác, ở Mỹ hiện không có hạn chế chi về việc các bệnh xá thụ tinh trong ống nghiệm được phép cấy bao nhiêu phôi thai vào tử cung người đàn bà. Tờ báo này trưng dẫn các dữ kiện của các Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Bệnh Tật để cho thấy rằng trong năm 1996, có tất cả 64,681 vụ thụ tinh trong ống nghiệm được thực hiện tại 330 bệnh xá. Theo các tin tức hiện có, con số các vụ thụ tinh nhân tạo này đã gia tăng tới 134,260 tại 483 bệnh xá loại này trên toàn quốc Hoa Kỳ. Tóm lại, tại Hoa Kỳ, mỗi năm có chừng hơn 50,000 trẻ em được hạ sinh nhờ phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm.

Scott B. Rae, chuyên viên tại Trung Tâm Đạo Đức Sinh Học và Nhân Phẩm, trong một nhận định đăng ngày 13 tháng Hai trên Trang Mạng của Trung Tâm này nhận định rằng: Vụ sinh tám nói trên là một điển hình của việc sử dụng kỹ thuật sinh sản một cách vô trách nhiệm. Ông cho rằng: những vụ như thế gây nên nhiều đe doạ đối với sức khỏe của người mẹ và mấy đứa con.

Các nguy cơ có tính di truyền

Các vụ sinh nhiều con một lúc không phải là vấn đề duy nhất có liên hệ tới việc thụ tinh trong ống nghiệm. Chẳng bao lâu sau bản tin về vụ sinh tám trên đây, ngày 17 tháng Hai, tờ Nữu Ước Thời Báo có đăng một bài báo khá dài nói về các nguy cơ có tính di truyền liên quan tới việc sử dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.

Các nhà nghiên cứu ngày càng quan tâm tới các biến đổi có thể xẩy ra nơi phôi thai, vốn phải phát triển bên ngoài tử cung cả mấy ngày trước khi được cấy. Một số cuộc nghiên cứu đã cho thấy do thụ tinh nhân tạo, đã có sự phát triển gien cách bất thường cũng như việc gia tăng các khuyết điểm di truyền. Bài báo trên trưng dẫn một nghiên cứu đã được Trung Tâm Kiểm Sóat và Ngăn Ngừa Bệnh Tật công bố hồi tháng Mười Một năm ngoái. Cuộc nghiên cứu này cho thấy có sự gia tăng một số bệnh nơi các trẻ sơ sinh do thụ tinh trong ống nghiệm.

Tờ Nữu Ước Thời Báo còn thêm rằng các khám phá trên mới chỉ có tính sơ khởi; tuy nhiên, nó cho người ta thấy nhiều lo âu nơi các chuyên viên trong lãnh vực này. Richard M. Schultz, phụ tá khoa trưởng các khoa học tự nhiên của Đại Học Pensylvania, cho tờ báo này hay: Trong cộng đồng lâm sàng, càng ngày càng có nhiều nhất trí hơn đối với các nguy cơ của IVF. Tờ nhật báo Người Úc (the Australian) ngày 21 tháng Mười năm ngoái cho hay: các cuộc nghiên cứu khác cũng cho thấy nhiều lo âu đối với các hậu quả của IVF. Các trẻ em sinh ra do IVF thường dễ có tính gây hấn và gặp nhiều vấn đề về tác phong lúc thiếu niên. Một cuộc nghiên cứu do các chuyên gia của Đại Học Cambridge thực hiện và được trình bày tại một hội nghị về sinh sản tại Brisbane, Úc Châu, so sánh 26 trẻ em sinh ra do IVF với 38 trẻ em được nhận làm con nuôi và 63 trẻ em được thụ thai theo lối tự nhiên. Người ta ghi nhận được một dị biệt nho nhỏ về tác phong nơi các trẻ em được thụ tinh theo lối IVF. Ngày hôm sau, tờ Người Úc lại cho đăng một bài khác về vấn đề này, cho thấy các bà mẹ của các trẻ được thụ tinh theo lối IVF gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đương đầu với các đòi hỏi của chức phận làm mẹ.

Một cuộc nghiên cứu được Hội Đồng Nghiên Cứu Úc (Australian Research Council) bảo trợ cho hay rằng: phụ nữ mang thai theo kiểu IVF thường gặp phải nhiều vấn đề rắc rối sau khi sinh hơn là các phụ nữ khác. Tại Anh, một bài báo của tờ Telegraph ngày 30 tháng Sáu nói rằng các trẻ em IVF thường sinh thiếu tháng và nhẹ ký hơn các trẻ em khác. Một nhóm nghiên cứu do Liv Bente Romundstad, thuộc phân khoa Khoa Học và Kỹ Thuật của Đại Học Na Uy tại Trondheim dẫn đầu, đã khảo sát 2,500 phụ nữ thụ thai theo lối tự nhiên và theo lối IVF và so sánh kết quả ấy với hơn một triệu vụ thụ thai theo lối tự nhiên khác. Kết quả cho thấy tỷ lệ tử vong trước hoặc sau khi sinh nơi các trẻ sinh theo lối IVF là 31%. Tính trung bình, chúng sinh sớm hơn hai ngày và 26% các trẻ này có thân hình nhỏ hơn so với tuổi.

Không giới hạn

Một lãnh vực đáng lo ngại khác là việc các trẻ sơ sinh thụ thai theo lối IVF đã bị sử dụng ra sao như một đối tượng để thoả mãn yêu sách của cha mẹ chúng. Tường trình ngày 30 tháng Mười Hai vừa qua của nhật báo Telegraph, có trụ sở tại Luân Đôn, cho hay: một phụ nữ Ấn Độ 70 tuổi sau khi sinh một bé gái vào hồi tháng Mười Một, đã tuyên bố là “cụ” có dự tính sẽ sinh thêm đứa con thứ hai. Cụ Rajo Devi, 70 tuổi, hình như muốn có thêm một mụn con trai. Cụ Rajo và chồng cụ là Bala Ram tới Bệnh Xá Sinh Nở Quốc Gia tại Hisar để chữa trị bệnh hiếm con sau khi nghe tin một phụ nữ 60 tuổi vừa hạ sinh hai đứa con sinh đôi. Trứng do một phụ nữ khác hiến tặng đã được thụ tinh bằng tinh trùng của cụ Bala và được cấy vào cụ Rajo.

Một chiều hướng đáng lo ngại nữa là phương cách trẻ em bị dính vào các cơ cấu gia đình quá rắc rối. Ở Gia Nã Đại chẳng hạn, Tờ Quốc Gia Bưu Báo (National Post) ngày 29 tháng 1 vừa qua cho hay: tòa án đã phán quyết về một tranh cãi liên quan tới một cặp nữ-nữ đồng tính (lesbian) và một người đàn ông đồng tính, là người hiến tặng tinh trùng cho cặp ấy. Theo bài báo này, tòa phán quyết rằng khế ước hiến tặng giữa người đàn ông và cặp đồng tính kia có tính trói buộc (enforceable), và như thế là mở đường cho khả thể đứa trẻ có thể có nhiều cha mẹ khi người hiến tặng có can dự vào. Cặp đồng tính này và người đàn ông quả có ký một khế ước trước khi đứa trẻ sinh ra. Khế ước này cho người đàn ông một số quyền trong tư cách có thể nói là cùng làm cha mẹ (co-parent). Các tranh cãi xẩy ra sau đó giữa cặp đồng tính và người đàn ông xoay quanh vấn đề ông ta bị hạn chế không được đến thăm đứa con của mình. Tòa đã bãi bỏ các hạn chế này.

Thế rồi Hãng Thông Tấn Associate Press ngày 11 tháng Mười Một vừa qua đưa tin về việc một phụ nữ 56 tuổi hạ sinh 3 đứa cháu gái sinh ba. Jaci Dalenberg, ở Ohio, thỏa thuận làm mẹ thay thế (surrogate mother) cho con gái mình là Kim Coseno, và người chồng của cô ta tên là Joe. Coseno đã có hai con với người chồng trước nhưng sau đó không còn khả năng sinh sản nữa vì đã cắt bỏ dạ con. Cô ta vẫn có khả năng sinh sản trứng. Các trứng này được thụ tinh bằng tinh trùng của người chồng mới rồi cấy vào dạ con của mẹ mình. Đứa con gái được hạ sinh ngày 11 tháng Mười năm rồi, thiếu hơn hai tháng.

Phẩm giá con người

Giáo huấn do Bộ Giáo Lý Đức Tin công bố ngày 8 tháng Mười Hai vừa qua dạy rằng: “Phẩm giá con người phải được thừa nhận nơi mọi hữu thể nhân bản từ lúc tượng thai đến lúc chết đi cách tự nhiên”. Tài liệu này đề cập tới nhiều vấn đề thuộc đạo đức sinh học liên quan tới sự sống con người. Ở số 4, tài liệu này viết rằng: “Hữu thể nhân bản phải được tôn trọng và đối xử như một con người, một bản vị, từ lúc mới tượng thai; và do đó, từ cùng giây phút ấy trở đi, các quyền lợi trong tư cách một con người của nó phải được thừa nhận; trong các quyền lợi ấy, trước nhất phải là quyền được sống, một quyền bất khả xâm phạm của mọi hũu thể nhân bản vô tội”.

Nói về các kỹ thuật trợ giúp việc thai nghén, tài liệu trên minh định rằng: chúng không bị bác bỏ chỉ vì chúng nhân tạo. Việc sử dụng y khoa và khoa học không bị bác bỏ, nhưng điều chính yếu là phải lượng giá chúng theo phẩm giá của con người nhân bản. Bộ Giáo Lý Đức Tin nhận định rằng: thủ tục IVF thường liên hệ tới việc hủy diệt các phôi thai. Mặt khác, việc sinh sản đã bị tách biệt hóa khỏi hành vi phu thê của vợ chồng. Tài liệu nhìn nhận rằng: “Giáo Hội thừa nhận tính hợp pháp trong ý muốn có con và hiểu được nỗi khổ tâm của những cặp vợ chồng đang lao đao vì vấn đề hiếm muộn”. Tuy nhiên “Ý muốn có con không biện minh được việc ‘sản xuất’ ra hậu duệ, cũng như ý muốn không có con không biện minh được việc bỏ đi hay hủy hoại một đứa con khi nó đã được thụ thai”.

Trong tình thế khủng hoảng kinh tế hiện nay, chủ nghĩa tiêu thụ ngày càng bị bác bỏ nhưng khi nói tới sự sống con người, xem ra quá nhiều khi người tiêu thụ lại đang làm vua, đang tác oai tác quái tới nhân phẩm con người.

Theo cha John Flynn, LC, Zenit 22 tháng 2

Vũ Văn An

URL: http://danchuausa.net/giao-hoi-hoan-vu/thao-tung-su-song/