Trích từ Dân Chúa

Thánh Kinh Vượt Trên Giáo Phái, Chính Trị

Vũ Văn An

VietCatholic News (Thứ Năm 01/05/2008 20:24)

Vatican, 28 tháng Tư, 2008 (Zenit.org).- Theo kết quả thăm dò vừa được đệ trình cho Vatican, người ta thấy không còn dị biệt giữa các truyền thống Kitô giáo liên quan đến mối liên hệ với Thánh Kinh.

Hôm nay, tại Văn phòng Báo Chí của Tòa Thánh, Đức Tổng Giám Mục Gianfranco Ravasi, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Văn Hóa, đã trình bầy kết quả một cuộc nghiên cứu về việc đọc Thánh Kinh tại 9 quốc gia: Mỹ, Anh, Hòa Lan, Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Ý, Ba Lan và Nga.

Đức cha Vincenzo Paglia của Terni, Ý, chủ tịch Liên Đoàn Thánh Kinh Công Giáo, và Ông Luca Diotallevi, phối hợp viên nhóm nghiên cứu và là giáo sư xã hội học tại Đại Học Tre ở Rô-ma, cùng tham gia trình bầy với Đức Tổng Giám Mục.

Đức cha Paglia giải thích rằng Liên Đoàn Thánh Kinh Công Giáo thực hiện cuộc thăm dò này là nhắm tới thượng hội đồng giám mục thế giới sẽ họp trong tháng Mười với chủ đề “Lời Chúa trong Sinh Hoạt và Sứ Mệnh của Giáo Hội”.

Ngài cho hay: cuộc thăm dò của Liên Đoàn bao gồm nhiều truyền thống Kitô giáo khác nhau, nhằm để “lãnh hội được những thông tri cụ thể về mối liên hệ của Kitô hữu đối với Thánh Kinh”. Đức cha Paglia cũng cho hay: cuộc thăm dò này “xác nhận đầy đủ trực giác mục vụ của Công Đồng Vatican II muốn khuyên tín hữu tái khám phá Thánh Kinh như nguồn suối đầu hết của cuộc sống thiêng liêng”. Theo ngài, cuộc thăm dò này cũng tái khẳng định “mối liên kết vốn có giữa Thánh Kinh và Phép Thánh Thể” vì “đa số những người được thăm dò đã cho thấy việc cử hành Chúa Nhật là nơi họ thường được nghe Lời Chúa”.

Vai Trò Đại Kết

Vị giáo chủ người Ý cho hay vai trò của Thánh Kinh trong cuộc đối thoại đại kết quả là chủ yếu. Ngài ghi nhận rằng cuộc thăm dò cho thấy “Thánh Kinh vẫn là ‘nơi’ hữu hiệu nhất để các Kitô hữu đạt tiến bộ trên đường cùng nhau tiến về hiệp nhất. […] Các câu trả lời cũng cho thấy không còn dị biệt giữa các truyền thống Kitô giáo nữa, một dị biệt khá rõ ràng trong quá khứ, liên quan đến mối liên hệ của họ với Thánh Kinh”.

Theo ngài, một yếu tố khác vừa xuất hiện là “con người thời nay có nhiều hoài mong đáng kể đối với Thánh Kinh”, các hoài mong “được mọi người xem sét cách kính trọng”. Ngài giải thích: giữa các Kitô hữu, “rất nhiều người chủ trương rằng Thánh Kinh chứa đựng Lời Thiên Chúa, đó là công trình được linh hứng, có khả năng đem lại ý nghĩa cho cuộc sống và có thẩm quyền lớn hơn các biểu hiện giáo hội khác,” dù các giá trị chứa đựng trong nó “khó có thể đem ra thực hành”.

Do đó, Đức Cha Paglia kết luận rằng một trong các thách đố lớn được cuộc thăm dò này nêu lên là giáo huấn dựa vào Thánh Kinh phải “tạo ra được một hấp lực có thế giá đối với tín hữu và mọi người tìm kiếm nó”.

Tránh Cực Đoan

Vị giáo chủ này còn ghi nhận thêm rằng “việc lắng nghe Thánh Kinh sẽ cổ vũ sự gắn bó giữa người nghe. Thực thế, việc lắng nghe Lời Thiên Chúa mới ‘tạo ra’ Giáo Hội”. Do đó, “đọc Thánh Kinh trong đồng hành với Giáo Hội” sẽ giúp ta tránh được “hai trở ngại nguy hiểm nhất: lối đọc bảo thủ […] và lối đọc cá nhân chủ nghĩa đầy tính tâm lý nửa mùa, vốn là hai lối đọc sẽ dẫn người đọc tự phản ảnh chính con người họ qua các trang sách”.

Đức Cha Paglia, trong lời kết luận, đã nhấn mạnh đến nhu cầu phải “dành chỗ cho trường Lời Chúa, trường Phúc Âm, trường đọc và lắng nghe Thánh Kinh. Chính trong viễn tượng này, ta phải coi trọng lối ‘lectio divina’ (đọc lời Chúa), một phương pháp cổ xưa nhất và phong phú nhất trong việc lắng nghe Thánh Kinh”. Cần phải đem lại cho phương pháp này “những không gian và hình thức mới cho đến lúc nó trở thành phương cách thường hàng để tiếp cận Lời Chúa trong các cộng đồng Kitô giáo chúng ta”.

Đại Đa Số

Ông Diotallevi thì giải thích rằng 13,000 cuộc phỏng vấn đã được thực hiện trong cuộc thăm dò lần này, cuộc thăm dò được ông mô tả là “công trình khoa học có hệ thống nhất xưa nay nhằm so sánh, trên bình diện quốc tế, các trình độ và hình thức làm quen với Thánh Kinh theo truyền thống Kitô giáo nơi người lớn”.

Cuộc thăm dò này đã được Liên Đoàn Thánh Kinh Công Giáo và tổ chức GFK-Eurisko cổ vũ. Ông Diotallevi cho hay: “Thánh Kinh, trong các phạm vi được chúng tôi khảo sát, không phải là bản văn của một thiểu số nhưng là điểm quy chiếu hiện hữu trong cuộc sống và văn hóa của đại đa số người ta, tuy ở các trình độ và phương cách khác nhau… Người ta có thể khẳng định rằng khoảng từ một phần tư tới một phần ba số người lớn trong các quốc gia khảo sát từng đọc ít nhất một đoạn Thánh Kinh trong 12 tháng qua”.

Ông Diotallevi cũng ghi nhận rằng có một “khoảng cách biệt phân chia thế giới Anglo-Saxon và Trung Âu cũng như Đông Âu”. Tại khối trước, “cảm nhận gần gũi với Chúa gần như đã mất hẳn và thói quen cầu nguyện chỉ còn là chuyện bên lề. Tuy thế, đại đa số người ta vẫn coi Thánh Kinh là nguồn chân lý, nguồn sứ điệp có liên quan tới cuộc sống”.

Hơn 50% những người được phỏng vấn ở Nga, Ba Lan, Ý, Anh và Đức ủng hộ việc học Thánh Kinh tại trường. Giáo sư Diotallevi ghi nhận rằng cuộc thăm dò cũng cho thấy “thói quen đọc Thánh Kinh, theo thống kê, tùy thuộc việc tham dự vào các biến cố và các nhóm vốn đã áp dụng thói quen đó rồi, hơn là vào những tín ngưỡng chung… Đọc Thánh Kinh không hề phản ảnh sự phân cực chính trị giữa ‘cánh hữu’ và ‘cánh tả’”

Vũ Văn An

URL: http://danchuausa.net/giao-hoi-hoan-vu/thanh-kinh-vuot-tren-giao-phai-chinh-tri/