Trích từ Dân Chúa

Tại sao Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân chỉ trích Tổ Chức Y Tế Thế Giới?

Đặng Tự Do

Sự phụ thuộc của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, gọi tắt là WHO, vào Trung Quốc cũng là một trong những yếu tố dẫn đến đại dịch coronavirus kinh hoàng hiện nay, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, nguyên Giám Mục Hương Cảng đã nhận định như trên trong một bài đăng trên tờ Catholic Herald.

Phản ứng của Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân đã được đưa ra sau khi cách hành xử của ban lãnh đạo WHO gây bùng nổ trong dư luận tại Đài Loan và Hương Cảng.

Trong một cuộc phỏng vấn video diễn ra vào tuần trước với đài truyền hình Hương Cảng RTHK, Bruce Aylward, cố vấn chính của WHO tại Trung Quốc, đã từ chối bình luận về các biện pháp Covid-19 của Đài Loan, và từ chối giải thích lý do tại sao WHO, một tổ chức lẽ ra phải phi chính trị, đã tìm mọi cách gạt đảo quốc này sang một bên, và quyết liệt theo đuôi lập trường của bọn cầm quyền Bắc Kinh, theo đó Đài Loan chỉ là một tỉnh của Trung Quốc.

Tại một thời điểm, bác sĩ Aylward thậm chí còn cúp máy, chấm dứt cuộc phỏng vấn một cách vô cùng bất lịch sự, với người phỏng vấn mình, là cô Thang Y Phương (Yvonne Tong - 汤依芳), trước các câu hỏi do cô đưa ra.

Khi người phóng viên gọi lại cho Aylward để nói cật vấn tiếp về tình hình tại Đài Loan, nhà dịch tễ học Canada liền tuôn ra một bài học thuộc lòng, không ngừng đánh giá cao những nỗ lực của bọn cầm quyền Trung Quốc, khoe khoang những cái mà ông ta gọi là “thành tích sáng chói trên tất cả các lĩnh vực khác nhau của Trung Quốc”, nhưng không hề đề cập một câu nào đến Đài Loan, là đối tượng chính trong câu hỏi của nữ ký giả người Hương Cảng.

Cho đến nay, bọn cầm quyền Bắc Kinh coi Đài Loan là một “tỉnh nổi loạn” của Trung Quốc. Do đó, Trung Quốc đã yêu cầu các tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc và WHO bác bỏ các yêu cầu trở thành một thành viên của Đài Loan, mặc dù, quốc gia này vẫn giữ quan hệ ngoại giao với 14 quốc gia, trong đó có Tòa Thánh.

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân là một nhà phê bình nổi bật chính sách của bọn cầm quyền Trung Quốc. Trên Twitter, ngài chỉ trích các quan chức của WHO đã trốn tránh những câu hỏi như vậy và nói rằng điều đó khiến niềm tin của cá nhân ngài và nhiều người trên thế giới vào tổ chức này là không thể có được.

Cuộc tranh cãi về cuộc phỏng vấn với ký giả Hương Cảng diễn ra trong bối cảnh càng ngày càng có những chỉ trích gay gắt về mối quan hệ của WHO với Trung Quốc. Các quan chức WHO cố tình đánh giá cao Trung Quốc về “tốc độ xác định virus và cởi mở trong việc chia sẻ thông tin”, bất chấp các ý kiến trái ngược của công luận quốc tế, và những thực tế không thể chối cãi được.

Ngay trong nội bộ của tổ chức này cũng có sự mâu thuẫn trong đánh giá về Trung Quốc liên quan đến đại dịch coronavirus. Giáo sư John Mackenzie, một chuyên gia của WHO từ Đại học Curtin tại Úc, cho rằng phản ứng của bọn cầm quyền Trung Quốc là “đáng khiển trách”.

Trong tuyên bố hôm 2 tháng Tư về trách nhiệm của cộng sản Trung Quốc đối với đại dịch coronavirus, Đức Hồng Y Charles Bo nhắc cho mọi người nhớ rằng:

“Một mô hình dịch tễ học tại Đại học Southampton cho thấy nếu Trung Quốc đã hành động có trách nhiệm sớm hơn dù chỉ một, hai hoặc ba tuần, thì số người bị ảnh hưởng bởi virus sẽ được giảm thiểu lần lượt là 66%, 86% và 95%. Thất bại của nó đã gây ra một sự lây lan toàn cầu giết chết hàng trăm ngàn người.”

Đức Hồng Y nói thêm:

“Khi virus lần đầu tiên xuất hiện, nhà cầm quyền Trung Quốc đã bóp nghẹt tin tức này. Thay vì bảo vệ công chúng và hỗ trợ cho các bác sĩ, đảng Cộng sản Trung Quốc đã bắt những người tố giác phải im lặng. Tệ hơn nữa, khi các bác sĩ đã cố gắng báo động - như bác sĩ Lý Văn Lương (Li Wenliang - 李文亮) tại Bệnh viện Trung ương Vũ Hán, là người đã đưa ra một cảnh báo cho các đồng nghiệp y khoa vào ngày 30 Tháng Mười Hai - cảnh sát đã ra lệnh cho họ phải ‘ngưng ngay không được đưa ra những lời bình luận sai trái’. Bác sĩ Lương, một bác sĩ nhãn khoa 34 tuổi, đã bị răn đe là ông sẽ bị điều tra vì tội “loan truyền tin đồn” và cảnh sát buộc ông phải ký một lời thú nhận. Sau đó, ông đã chết vì nhiễm coronavirus.”

Bàn về sự “cởi mở trong việc chia sẻ thông tin” của bọn cầm quyền Bắc Kinh, Đức Hồng Y đưa ra một sự thật không thể phản bác được:

“Một khi sự thật được biết đến, đảng Cộng sản Trung Quốc đã từ chối lời đề nghị giúp đỡ ban đầu. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ đã bị Bắc Kinh lờ đi trong hơn một tháng trời và ngay cả Tổ chức Y tế Thế giới, mặc dù tổ chức này hợp tác chặt chẽ với chế độ Trung Quốc, ban đầu tổ chức ấy đã bị gạt sang một bên.”

Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm xây dựng mối liên hệ với Tổng Giám đốc WHO hiện tại, bác sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus, thông qua những lời mời và tăng những khoản đóng góp cho WHO, đã gây lo ngại cho một số chuyên gia y tế. Điều này đã trùng hợp với sự hỗ trợ quá mới mẻ của WHO cho “nguyên tắc một nước Trung Quốc”, trong đó bác bỏ sự độc lập của Đài Loan. Đó là một sự thay đổi lập trường quan trọng đối với Trung Quốc mà WHO đã thông qua trong quá khứ.

Trong thời gian bùng phát dịch SARS từ 2002 đến 2004, Tổng giám đốc WHO lúc bấy giờ, là bác sĩ Gro Harlem Brundtland, đã lên án phản ứng chậm chạp của Trung Quốc và tính chất thiếu minh bạch, và năn nỉ rằng “lần sau, khi một cái gì đó kỳ lạ và mới mẻ xảy đến ở bất cứ nơi nào trên thế giới, xin cho chúng tôi đi vào nơi ấy càng sớm càng càng tốt”, và một trong những nghị quyết của WHO theo sau dịch SARS là Đài Loan đã được cấp tư cách quan sát viên tạm thời dưới cái tên “Chinese Taipei” – “Đài Loan Trung Hoa”.

Đại dịch coronavirus kinh hoàng bùng phát tại Vũ Hán từ cuối tháng 11 mà đến ngày 16 tháng Hai, các đại diện của WHO mới được vào Trung Quốc. Trong suốt thời gian đó và thậm chí cho đến nay WHO chỉ nhại lại các con số báo cáo của Trung Quốc mà không hề kiểm tra. Trong suốt ròng rã 5 tháng trời, con số tử vong tại Trung Quốc chỉ bằng một nửa so với số tử vong trong vòng 3 tuần lễ tại Hoa Kỳ!

Ban lãnh đạo hiện tại của WHO đã thẳng thừng gạt Đài Loan sang một bên trong trận đại dịch coronavirus, điều này đã hạn chế quyền truy cập của Đài Loan vào các dữ liệu khoa học được chia sẻ. Các nhà chức trách Đài Loan đã lặp đi lặp lại những lời chỉ trích của họ đối với các “hạn chế bất hợp lý” của WHO trong việc chia sẻ thông tin liên quan đến đại dịch Covid-19 hiện nay. Bất kể tình trạng bị cô lập, Đài Loan đã đương đầu hiệu quả với cuộc khủng hoảng hiện nay, chỉ có 355 trường hợp nhiễm virus được ghi nhận và 5 trường hợp tử vong do các biện pháp y tế công cộng được giám sát bởi Phó tổng thống Trần Kiến Nhân (Chen Chien-jen -陈建仁), một nhà dịch tễ học Công Giáo nổi tiếng.

Khi a dua theo bọn cầm quyền Trung Quốc, ban lãnh đạo hiện tại của WHO đã buộc Đài Loan phải chiến đấu một mình. Đó là tội thứ nhất đối với đảo quốc này. Tội thứ hai đối với cả cộng đồng quốc tế là ngăn cản Đài Loan chia sẻ các kinh nghiệm quý báu của họ đối với thế giới trong trận đại dịch coronavirus kinh hoàng hiện nay.

Source: Catholic Herald Explainer: Why Cardinal Zen is criticising the WHO

Đặng Tự Do

URL: http://danchuausa.net/giao-hoi-hoan-vu/tai-sao-duc-hong-y-giuse-tran-nhat-quan-chi-trich-to-chuc-y-te-the-gioi/