Trích từ Dân Chúa

Những nẻo đường thiên nhiên

Lm Đaminh Nguyễn ngọc Long

Mùa Hè nóng bức, nhiều người sau những ngày tháng học hành làm việc mệt nhọc đi tìm nơi chốn nghỉ ngơi cho thân thể và tâm trí được thư giãn bình an.

Đó là nếp sống văn hóa bên các nước xã hội Âu Mỹ xưa nay.

Nơi chốn nghỉ hè cũng đóng góp phần quan trọng cho việc nghỉ hè. Thông thường người ta hoặc đi nghỉ hè ở vùng biển sông nước hay vùng đồi núi rừng rậm.

Ở vùng biển sông nước khí hậu mát mẻ, nhiều cơ hội tắm biển hoặc đi dạo dọc theo bờ biển.

Ở vùng rừng núi cao khí hậu thông thoáng mát mẻ. Nhưng với nhiều người có cái gì thoát ra vẻ huyền bí hay cảm thấy như bị đe dọa, nhất là khi leo núi đá cao cheo leo, hay đi vào chốn hoang vu…

Nhưng dẫu vậy, leo núi tuy mệt nhọc tốn nhiều sức lực thời giờ, mà vẫn cảm hứng nhận được niềm vui cùng điều gì mang lại lợi ích cho tâm trí. Vì trước cảnh núi đồi thiên nhiên cao sâu hùng vĩ, con mắt tâm trí cảm thấy như đang đứng trứớc một nhà hát Opera vĩ đại với cảnh thiên nhiên diễn ra sống động hàng trăm hoa lá cây cỏ đủ mọi mầu sắc, bầy chim chóc bay lượn ca hót,vầng mây che phủ bay lơ lửng ngang ngọn núi, cảnh tia ánh sáng mặt trời chiếu lúc bình minh, lúc trời trong sáng ban trưa, hay lúc chiều tà mặt trời lặn sau những rặng núi cao, rồi những cơn gió lộng thổi lướt gây ra tiếng động rung rinh cây cối trên sườn núi, và thung lũng dưới chân núi…

Cảm nhận trước cảnh thiên nhiên hùng vĩ, một người có thú leo núi mùa Hè đã có tâm tình: "Có nhiều đường thiên nhiên dẫn về tới Thiên Chúa. Nhưng có một nẻo đường đi qua những dẫy núi."

Có lẽ khi nói lên cảm nhận này người leo núi đó nghĩ rằng núi đá hùng vĩ tuy câm lặng, nhưng như đụng chạm vươn tới trời cao!

Phải, núi đá cao chót vót vươn lên cao sừng sững không ai, cùng không có dây thước gì có thể ôm choàng lấy đo được. Núi từ bao thuở bấy lâu nay đâu có nói gì, luôn luôn đứng đó câm lặng, nhưng toát ra vẻ hùng vĩ uy nghiêm cùng linh thiêng.

Những rặng núi đá chạy liên tiếp nối dài như vô tận chắn lối cản đường đi, nhưng lại là nơi chốn nhà ở cho thú vật thiên nhiên sống trong đó. Người leo núi nói lên cảm nhận đó muốn gói ghém tình yêu mến cùng lòng kính sợ với núi đồi. Và qua đó họ muốn dần dần học hỏi cùng khám phá những bí ẩn chứa đựng trong cảnh núi đồi của thiên nhiên.

Về tuổi thọ của núi đồi đâu có ai biết được, và cũng chẳng thể lấy mốc điểm thời gian năm hay thế kỷ mà đo tính được. Với con người chúng ta đó thời gian vĩnh cửu.

Từ khung cảnh hùng vĩ uy nghiêm núi đồi, con người còn cảm nhận ra sự thanh thản an bình lan tỏa ra sang cho tâm hồn mình.

Những ngọn núi lớn còn giúp con người hướng tầm nhìn vượt qua đường ngang chân trời, như Vua Davít trong Thánh Vịnh 148, 9 đã nói lên tâm tình: "Nào ca tụng Chúa đi, hỡi núi đồi trùng điệp"; hay: " Lạy Thiên Chúa, Ngài dùng quyền năng tạo dựng núi đồi vững chãi." ( Tv 65,7).

Và Chúa Giêsu trên bước đường rao giảng nước Thiên Chúa đã một mình leo lên núi cầu nguyện với Thiên Chúa trong tĩnh lặng.

Không chỉ Kinh thánh đạo Công Giáo dùng núi là nơi loan báo, là nơi Thiên Chúa và con người gặp gỡ nhau, nhưng trong các Tôn giáo khác cũng có những "ngọn núi thánh".

Trên ngọn núi Olympia người Hy lạp kính thờ thần thánh thế giới.

Ngọn núi Ararat ở giữa vùng Armenien và Thổ nhĩ Kỳ quanh năm có tuyết bao phủ, có tên là núi cứu độ, vì chiếc tầu của gia đình Ông Noe sau trận lụt đại hồng thủy đã cập bến ở đó.

Bên Ai Cập có ngọn núi Sinai, như Kinh thánh diễn tả là nơi Thiên Chúa hiện ra với thánh Tiên tri Mose và ban cho 10 Điều Răn.

Trên ngọn núi Tabor 3 Tông đồ được thấy Chúa Giêsu biến hình trắng như tuyết phủ.

Bên vùng Tibet, hằng năm thiện nam tín nữ hàng ngàn người đến hành hương kính viếng ngọn núi Kailasch để được tha thứ mọi tội lỗi.

Bên Nhật Bản ngọn núi Fujiyama là ngọn núi thánh của người dân Nhật Bản.

Bên Phi châu nước Tanzania ngọn núi Ol Doinyo Lengai là ngọn của Thiên Chúa mầu đen nơi trời cao.

Nơi tất cả những ngọn núi đều toả ra vẻ huyền bí hấp dẫn, nhưng con người chúng ta không sao có thể nắm bắt thấu hiểu hết được.

Ai người nào đó cảm nhận được vẻ đẹp hùng vĩ cao vời cùng sự bình an thanh thản của núi đồi thiên nhiên, người đó đã kín múc cho tâm trí mình niềm vui cùng sức mạnh, mà không khí huyền bí của núi đồi thoát tỏa lan ra.

Điều này chỉ có thể hứng múc được trong yên lặng đang khi lắng nghe ngắm nhìn thiên nhiên núi đồi.

Mùa Hè 2010

Lm Đaminh Nguyễn ngọc Long

URL: http://danchuausa.net/giao-hoi-hoan-vu/nhung-neo-duong-thien-nhien/