Trích từ Dân Chúa

Nhân Ngày Giới Trẻ Thế Giới, sơ lược lịch sử Giáo Hội Úc (3)

Vũ Văn An

Giáo hội Công Giáo tại Úc ngày nay

23. Hình ảnh một tuyên úy di dân

Ngày 26 tháng 8 năm 2001, trên tờ Sunday Age Chúa Nhật, có bài báo dưới đây nói về một linh mục di dân qua Úc năm 1951 cùng với một ngàn người Ý khác. Bài báo này cho thấy nhiều cái nhìn sâu sắc về đời sống của nhiều di dân Công giáo trong thập niên 1950.

Thúc Đẩy bởi Tình Yêu Chúa – và Đôi Chút Tinh Thần Mạo Hiểm.

Tháng 9 năm 1951, tờ The Age chụp nhanh được tấm hình một tu sĩ trẻ, với cây thánh giá trong tay, khi ông cùng 1,000 di dân Ý đặt chân tới để khởi đầu cuộc sống mới tại Úc. Có cái gì nơi ông gồm tóm được cái tinh thần hy vọng và mạo hiểm của mọi người trên con tầu xuyên đại dương Toscana. Đã 50 năm trôi qua, nay Cha Luciano Rocchi chuẩn bị mừng kỷ niệm cuộc đời đầy tận tụy cho sứ vụ của mình.

Trên các bức tường của văn phòng mục vụ tại Hawthorn, có nhiều tranh ảnh thờ phượng và sùng kính. Có cả một bản phóng bức tranh của Raphael diễn tả lễ đính hôn của Đức Maria và Thánh Giuse, một phóng ảnh lớn cây thánh giá từng được treo trên tường Công đồng Trent (1545-1663), và bức ảnh Thánh Antôn, vị thánh quan thầy cho việc tìm lại những vật đã thất lạc.

Và còn có cả hình chiếc xe Maserati 300S, một bức hình khác chụp ông đang làm phép chiếc Ferrari kiểu 1964, lại cả bức hình chiếc xe đua 1939 với dòng chữ “Tặng cha Luciano, người yêu Chúa và yêu Alfa”!

Khi con tầu đại dương Toscana của Hãng Lloyd Triestino đậu tại Melbourne ngày 12 tháng 9 năm 1951, nó đổ bộ lên bờ một tu sĩ trẻ dòng Phanxicô, sau này trở thành một thứ quốc bảo. Hình ông đăng trên trang đầu tờ The Age, mình tựa vào tầu, tay nắm chặt cây thánh giá (ông vẫn còn giữ được cho đến bây giờ) và một nụ cười thánh đức.

Tháng tới, Cha đáng kính “Padre” Luciano Rocchi, nay đã 75 tuổi, sẽ mừng kỷ niệm nửa thế kỷ tại Úc, phục vụ cộng đoàn di dân lớn thứ nhì của Úc, sau người Anh. Trong lòng vô số người Công giáo Melbourne, cha xứ của Đền Thánh Antôn chiếm được một vị thế đặc biệt, tổng hợp được cả cái duyên dáng của một người đàn ông kiểu cách Ý và tính đơn giản cũng như độ lượng trong ơn gọi của mình.

Ông sinh ra và được giáo dục tại Modena, miền Bắc nước Ý, chỉ cách hai hãng Ferrari và Maserati mấy cây số, và lúc còn là một cậu bé đã hau háu nhìn những người lái thử nổi danh vụt chạy qua các khúc quẹo bên đường. Theo học tại một trung học nổi tiếng để làm linh mục, chứ không làm một chàng Fangio khác, ông không lúc nào mất hứng đối với những chiếc xe “lên tinh thần” ấy. Lúc 24 tuổi, được sai đi làm việc giữa những người sau này trở thành 400,000 di dân Ý sẽ lên đường qua Úc giữa các năm 1947 và 1981, ông đã thay đổi vĩnh viễn cách ăn, uống, may mặc và lái xe của mình.

Ở trên tầu cùng với 1,000 di dân Ý, ông làm tuyên úy cho boong tầu hạng nhất, nhưng một khi tới nơi, nhiệm vụ của ông là phục vụ những người Ý tầm thường, mà đại đa số là lao công không tay nghề hay có chút tay nghề ở Melbourne trong thập niên 1950.

Ông cho hay: “Sinh hoạt của tôi là lo chạy thật nhanh để kịp những chuyến tầu tới, để vào nhà tù, bệnh viện hay trại di dân”.

Ông cũng cho hay gia nhập một cộng đồng Công giáo Melbourne mà chủ yếu là Ái Nhĩ Lan, người Công giáo Ý thường không dám phô trương lòng đạo của mình nhiều và khi ông cũng như các linh mục khác có việc phải liên lạc với Tổng Giám mục nghiêm khắc và dễ sợ là Daniel Mannix, thì ngả hay nhất là qua hai gia nhân người Ý của vị Giám mục này.

Qua thập niên 1960, những con tầu lớn chở di dân đã ngưng không tới nữa và ngày nay, gần phân nửa cộng đồng Ý đã trên 60 tuổi. Ông vừa nói vừa mở cuốn nhật ký ghi các đám tang: “Người đến đây cùng thời với tôi phần lớn đã ra đi cả”. Tuy thế vẫn còn một số người để vị linh mục này lui tới thăm viếng.

Cha Luciano đã sống phần lớn cuộc sống trên đất Úc tại Villa Gonzaga, Đường Power, Hawthorn, mà sau này trở thành tu viện Phanxicô. Dòng cũng xây một nhà lớn rộng lớn bên cạnh tu viện, là chính Đền Thánh Antôn, một trung tâm sùng kính đa văn hóa. Mỗi năm nột lần, nó cũng là địa điểm Làm Phép Thú Vật, và Cha Luciano nổi tiếng là người sẵn sàng “đi kẻ liệt” bất cứ giờ nào và không bao giờ từ chối bất cứ trường hợp nào, dù khó khăn đến đâu.

Một người có uy tín kể lại rằng nhiều năm trước đây có người đàn ông buồn bực hết sức vì bị giáo hội làm nhục. Con trai ông, vốn bị hội chứng Down, không được cha xứ cho rước lễ lần đầu lấy lý do em không hiểu sự thánh thiện của bí tích. Khiếu nại lên tổng Giám mục cũng chẳng ăn thua gì. Nhờ có người bạn giới thiệu với Cha Luciano, đứa nhỏ liền được rước lễ, không theo nhóm như thường lệ, nhưng một mình trong một thánh lễ tại Đền Thánh Antôn. Người cha sau đó đã không ngừng tặng hoa cho Đền Thánh.

Dòng các cha khổ tu Phanxicô được thành lập năm 1525, và tên này được đặt theo chiếc nón nhọn (capuccino) của áo dòng, giống chiếc áo của Thánh Phanxicô thành Assisi. Điều lý thú là cà phê cappuccino kiểu Ý đã lấy tên từ mầu áo nâu của dòng này. Chính cha Luciano cũng là người sành uống càphê, tự pha lấy bằng máy.

Để đi lại trong thành phố Melbourne rộng lớn, Cha Luciano phải đổi dép dòng Phanxicô, lấy bánh xe và không chịu để bụi tích lũy dưới các bánh xe của mình. Ngài sở hữu một loạt những chiếc Alfa Romeos cũ, do các đại lý xe hơi địa phương dâng cúng, và hiện nay lái một chiếc Twin-Spark thể thao kiểu 1988, do các chuyên viên Alfa bảo trì. Ngày kỷ niệm 12 tháng 9, vị linh mục 75 tuổi này, với một chút bugi kép (twin spark) trong người, có ý định sẽ nhẩy vào chiếc Alfa của mình, làm một vòng tới Station Pier để bõ lòng hoài cổ năm nào. (Viết bởi Paul Heinrichs: The Sunday Age, 26 August 2001: dùng có phép).

24. Người Công Giáo Á Châu

Năm 1966, chínhh sách White Australia (Nước Úc Da Trắng) bị bãi bỏ, và cuối thập niên 1970 và đầu thập niên 1980, Úc bắt đầu tiếp nhận dân tị nạn Đông Nam Á trốn chạy các xáo trộn chính trị tại quê hương họ. Trong số này, có các thuyền nhân từ Việt-Nam, Lào và Cambodia. Trong 10 năm từ 1973 đến 1983, các di dân Á Châu chiếm một phần ba tổng số di dân tới Úc. Nói chung, từ Thế Chiến II, đã có hơn 4 triệu di dân tới Úc, trong đó, di dân gốc Anh chiếm non phân nửa. Trong trích đoạn sau đây, Kim Nguyễn, một người Công giáo Việt-Nam đến Úc trong tư cách tị nạn, chia sẻ với ta các ấn tượng của cô.

25. Một người Công giáo Việt-Nam

Tôi tới Úc với tư cách tị nạn năm 1982 sau khi sống một năm tại trại tị nạn ở Indonesia. Đến Úc, đầu tiên, chúng tôi ngụ tại một ký túc xá, và nhận được nhiều trợ giúp của một cơ quan Công giáo thường tới ký túc xá giúp bất cứ những gì chúng tôi cần. Qua tổ chức này, chúng tôi gặp được một gia đình người Hòa Lan, những người sau này trở thành cha mẹ đỡ đầu các em gái tôi và hiện nay vẫn là những người bạn thân thiết của gia đình tôi. Mỗi Chúa nhật, giáo xứ Thánh Giuse ở Collingwood thường tổ chức một chuyến xe buýt tới ký túc xá đón các trẻ em Việt-Nam đi học trường đặc biệt Chúa nhật, cùng một truyền thống như khi chúng tôi còn ở Việt-Nam. Như thường lệ, chúng tôi tham dự Thánh lễ rồi chia thành ấu nhi, thiếu nhi và nhóm lớn hơn. Điều người ta cũng đang làm tại các giáo xứ Công giáo bên Việt-Nam. Chúng tôi sinh hoạt, học hỏi Phúc âm, rồi chơi các trò chơi. Các nhóm Chúa nhật trợ giúp chúng tôi và giúp chúng tôi duy trì đức tin. Cũng có ngày chúng tôi được vào nội thành, gặp gỡ các người Việt-Nam đã định cư trước và nay đã an cư lạc nghiệp. Qua các nhóm này và nhờ sự giúp đỡ của giáo xứ, em trai và em gái tôi đã được rửa tội ở đó, do một linh mục Việt-Nam. Nhờ các chương trình ngày Chúa Nhật, tất cả chúng tôi đã được thêm sức.

Ở Việt-Nam, đời sống chúng tôi xoay quanh Nhà Thờ. Bạn có thể nghe tiếng chuông nhà thờ đổ hầu hết trước lúc mặt trời mọc, và ngày nào người lớn cũng đến Nhà Thờ. Sau Thánh lễ, họ về nhà, ăn bữa sáng, rồi lên đường ra đồng hay tới sở làm. Từ chỗ làm việc trở về, họ thường tới Nhà Thờ một lần nữa, khoảng lúc 4 hay 5 giờ chiều. Khi các trẻ em lớn lên, chúng cũng sẽ làm giống như thế. Trong cộng đoàn nơi gia đình tôi sinh sống, ai cũng là Công giáo cả. Cho nên, đối với người lớn, Nhà Thờ phải một ngày hai lần, còn trẻ em thì ít ra một lần vào buổi chiều. Khi muốn đi Nhà Thờ với bà cố, tôi phải đi sớm nửa giờ để còn đọc kinh mân côi. Mọi người Công giáo đều có tên thánh cũng như tên riêng bằng tiếng Việt… Cha mẹ chọn tên thánh vì muốn con em mình lớn lên có được những đức tính của vị thánh đã chọn. Bạn thường đọc kinh xin vị thánh hướng dẫn cũng như xin được nên giống ngài. Ngày lễ kính thánh quan thầy là ngày lễ lớn. Chúng tôi thường cử hành cả ở nhà lẫn ở Nhà thờ. Còn tại Úc, chúng tôi thấy cuộc sống Công giáo rất lỏng lẻo khiến nhiều người Việt-Nam lúc đầu lấy làm sợ.

Thông thường, khi đã sống ở ký túc xá một thời gian lâu, bạn thường để dành được một món tiền đủ để đi kiếm chổ ở riêng. Hiển nhiên, chúng tôi sẽ dọn tới nơi có thân nhân và bạn hữu, tức Abbotsford. Tôi đi học tại trường tiểu học Thánh Giuse ở Collingwood. Lo lắng chính của tôi tại trường là ngôn ngữ. Khi tôi khởi sự học ở trường thánh Giuse, tôi mới chỉ tới Úc được chừng 3 tháng. Thời gian thông thường bạn cần phải học ở một trung tâm ngôn ngữ là 6 tháng. Vì nghĩ tôi là đứa nói nhiều và muốn học hỏi, nên cha mẹ tôi gửi tôi vào ngay trường chính. Tôi nói sai tiếng Anh khá nhiều và nhớ là mình lúc nào mắt cũng ướt vì bị cười đọc sai. Trong thời gian này, chỉ có hai hay ba học sinh là người Việt-Nam mà thôi, nên tôi “đúng là thẳng từ thuyền mà ra” như qúi vị thường nói. Tôi thấy khó hiểu được thầy giáo muốn nói gì qua câu nói đó và tôi thật chới với.

Trường trung học của tôi là Academy of Mary Immaculate (Học Viện Đức Bà Vô Nhiễm), một chuyển tiếp tự nhiên từ trường Thánh Giuse. Hồi đó, chúng tôi sống tại căn “flat” của Ủy Ban Nhà Cửa. Tôi chưa bao giờ thực sự khảo sát hay tra vấn đức tin của mình trước khi học lớp 9, thì đến lúc này, giống như mọi thiếu nữ khác, tôi bắt đầu đặt câu hỏi. Nhờ diễn trình tra vấn này, đức tin của tôi trở nên sâu sắc. Tôi thấy cả đời tôi, tôi từng đi nhà thờ và luôn đọc kinh, vì người Việt-Nam chúng tôi năng đọc kinh lắm. Trong thời gian ở “flat”của Ủy ban Nhà cửa, chúng tôi thường đọc kinh quanh tượng Đức Mẹ Maria được người ta rước từ “flat” này qua “flat” khác, rồi sau đó chuyện trò thân hữu với nhau. Xã hội Úc gây ảnh hưởng trên tôi khiến tôi đặt câu hỏi không biết tập tục trên có bình thường hay không cũng như nghi vấn cả vị thế mạnh mẽ của tôn giáo trong đời sống tôi và đời sống gia đình tôi. Dường như đó không phải là cách thế của những học sinh khác cùng trường với tôi. Tôi tự hỏi nếu mình không được rửa tội làm người Công giáo, mình sẽ nghĩ về thế giới ra sao. Qua các tra vấn này và sự nâng đỡ của các thầy cô trong trường, đức tin của tôi thành sâu sắc, và có lúc còn muốn trở thành nữ tu nữa. Nhờ diễn trình tra vấn này, tôi thực sự tự mình chọn làm người Công giáo, và đặt trọn trái tim và linh hồn mình vào đức tin. Từ đó, tôi thấy mình hạnh phúc hơn nhiều.

Ở Việt-Nam, hoặc bạn là Phật tử hay là Công giáo, và người ta tin rằng bất cứ theo tôn giáo nào, miễn bạn nhiệt tâm, đạo ấy đều tốt cho bạn cả. Tuy nhiên ở Úc, bạn có thể theo tôn giáo mà cũng có thể là người vô thần, điều đó chả ai thắc mắc chi hết. Tôi có được cái tốt nhất của cả hai thế giới trên: Truyền thống vững chãi từ gia đình và tôn giáo, và các cơ may từ xã hội Úc. Trong gia đình chúng tôi, có một cuốn sách mỏng truyền lại từ 5,6 đời, lúc các tổ tiên của chúng tôi trở lại Đạo Công Giáo. Thời ấy, trở lại Đạo Công Giáo là bị xã hội ruồng bỏ, nên tổ tiên chúng tôi phải di cư qua nơi khác để thành lập làng mới, và thế là Đạo Công Giáo trong gia đình tôi phát nguyên từ các vị. Giờ đây, tôi thấy tra vấn và thăm dò đức tin của mình là điều không sai, bởi đó cũng chính là điều tổ tiên tôi đã làm và nhờ người mà toàn bộ gia đình tôi trở thành người Công giáo. Không có gì sai nơi những người thực sự tin vào đức tin của mình và thực sự hy sinh, ngay cả chết nữa, cho đức tin của mình. Không có những người như tổ tiên tôi trở lại đạo, Đạo Công giáo ở Việt-Nam không thể có được.

26. Người Công Giáo tại Úc ngày nay

Theo thống kê năm 1996, gần một phần tư người Công giáo ở Úc ngày nay sinh tại nước ngoài. Sau đây là mười nước hàng đầu nơi sinh của người Công giáo Úc theo thống kê trên:

Úc: 3,578,910; Ý: 221,880; Vương Quốc Anh: 129,160
Phi luật tân: 76,439; Balan: 49,469; Malta: 47,228
Tân Tây Lan: 44,787; Croatia: 43,076; Ái Nhĩ Lan; 37,549
Vietnam: 33,985

Bảng sau đây cho thấy 10 ngôn ngữ hàng đầu được người Công giáo Úc sử dụng, cũng theo thống kê trên:

Anh: 3,462,201; Ý: 337,219; Croatian: 62,311
Tây Ban Nha: 61,582; Tagalog (Phi luật tân):56,162
Ảrập (luôn cả Lebanese): 55,526;
Ngôn ngữ khác: 52,713; Không khai (not stated): 52,640
Balan: 51,847; Maltese: 43,091

Thêm vào đó, nhiều người Công giáo sinh tại Úc nhưng ít nhất có một cha hay mẹ sinh tại nước ngoài. Thực thế, 50 phần trăm người Công giáo tại Úc ngày nay hoặc sinh tại nước ngoài hoặc có cha hay mẹ sinh tại nước ngoài. Giáo hội đã làm hết sức trong cố gắng làm cho các di dân Công giáo tại Úc cảm thấy như ở nhà mình, bằng cách cung cấp cho họ các tuyên úy riêng, giúp họ cử hành Thánh lễ và các bí tích bằng ngôn ngữ của mình. Tuy thế, Giáo hội vẫn còn nhiều điều để học hỏi, nhất là trong lãnh vực tìm hiểu các phương cách khác nhau trong đó người Công giáo từ khắp nơi trên thế giới có thể nói lên tính Công giáo của mình.

27. Giáo Hội độc hay đa văn hóa?

Năm 2001, Giáo Hội Công Giáo Úc vượt quá con số 5 triệu tín hữu, chính xác là 5,001,833 giáo dân, chiếm 26.7 phần trăm tổng số dân Úc, một tỷ lệ hơi kém tỷ lệ trong năm 1996. Điều ấy có thể do hiện tượng về già trong số dân Công Giáo mà cũng có thể vì trong số các nhóm di dân và tỵ nạn gần đây, con số Công Giáo không đông.

Nhóm di dân Công Giáo đông nhất vẫn là Ý. Nhu cầu thiêng liêng và các nhu cầu khác của nhóm này khá nổi bật trong công tác mục vụ của Giáo Hội suốt trong nửa thế kỷ trước. Thậm chí trong các thập niên 1950 và 1960, các chủng sinh đại chủng viện buộc phải học tiếng Ý. Dĩ nhiên một phần để sau này họ có thể được chọn đi du học tại Rome, nhưng lý do chính là để giúp đỡ các di dân Ý.

Qua thiên niên kỷ thứ ba, Giáo Hội Úc không còn nghĩ nhiều đến nhóm này nữa vì dân số Công Giáo đã dị biệt hóa nhiều hơn rồi. Thực vậy, giữa các năm 1996 và 2001, người gốc Ý giảm 8.2 phần trăm, các nhóm Âu Châu khác cũng giảm như thế (Ba Lan 10.8%, Hung Gia Lơợ 9.9%, Malta 7.7%, Hòa Lan 5.2%, Đức 1.9%). Trái lại, các nhóm Á Châu, nói tiếng Tây Ban Nha (Nam Mỹ) và Trung Đông đang gia tăng đáng kể.

Điều đáng lưu ý, nhóm Ý và nhóm Malta hiện vẫn còn là các nhóm trung thành nhất với Đạo Công Giáo ở đây. Chỉ có không đầy 0.88% người gốc Ý theo giáo phái Giêhôva. Trái lại nhóm Phi Luật Tân có đến 10% theo các hệ phái phúc âm và Ngũ Tuần. Tuy nhiên nhóm Ái Nhĩ Lan là nhóm rời bỏ Đạo Công Giáo hơn cả. Nhóm Ba Lan cũng có tỷ lệ trung thành cao dù đợt đến đây đầu thập niên 1980 ít được giáo dục trong đức tin Công giáo, do sự đàn áp của Cộng Sản.

Tính đa phức hóa trong dân số Công Giáo Úc hiện nay đang tác động ở nhiều mặt. Ngay cả con số các linh mục và tu sĩ cần thiết để phục vụ Dân Chúa. Vì nạn thiếu linh mục, một số giáo phận đang phải khai triển một chiến lược lôi cuốn các linh muc từ các quốc gia khác. Và đưa ra các chương trình nhằm huấn luyện và thích nghi các linh mục này vào môi trường từng giáo phận một. Các dòng tu cũng có nhiều biến đổi. Như các cha dòng Scalabrinian chẳng hạn, trong một thập niên qua, đã không còn cậy nhờ nhiều vào cộng đồng Ý, trái lại đã quay qua Phi Luật Tân và Nam Mỹ để tuyển các linh mục đến phục vụ cho người Phi Luật Tân và Nam Mỹ. Một dòng nữ Ba Lan mới được thành lập hiện đang làm việc để thoả mãn nhu cầu thiêng liêng và mục vụ của người đồng hương, các nữ tu Việt Nam cũng đang đóng vai trò nổi bật ở một số nơi. Nói tóm lại, Giáo Hội Công Giáo Úc trong tương lai sẽ rất khác và đa dạng hơn về phương diện văn hóa.

28. Vai trò của Giáo Hội trong việc tạo nên một nước Úc đa văn hóa

Trong thập niên 1970, liên quan đến Giáo Hội Công Giáo, có người cho rằng ‘tôn giáo chia rẽ nhưng văn hóa kết hợp’ có ý nói rằng các di dân Công Giáo không chịu hòa nhập vào chính dòng Giáo Hội Công Giáo Úc. Có người còn cho rằng ý niệm một giáo hội phổ quát chỉ là huyền thoại (Lewins, 1979). Nhìn lại, xem ra cái nhìn đó hơi đơn giản, nhất là trong việc đánh giá vai trò và công việc của các tuyên úy di dân. Giáo Hội ở đây đã đưa ra nhiều chiến lược để thích nghi dù vẫn có những va chạm giữa các tuyên úy di dân và các cha xứ Úc, những vị thường mong muốn có những đồng hóa nhanh chóng. Một số các vị giám mục trước đây cũng mong mỏi như vậy. Nhưng những va chạm này từ từ đã mất đi và vai trò các tuyên úy di dân đã được chấp nhận nhiều hơn. Họ đóng một vài trò hết sức quan trọng trong việc hội nhập đồng hương họ vào chính dòng văn hóa và tôn giáo Úc, đồng thời nâng đỡ đồng hương họ về đủ mọi phương diện của cuộc sống mới, một cuộc sống không thiếu ngỡ ngàng bối rối. Có những vị tình nguyện làm thông dịch viên, giúp đồng hương tại tòa án, điền mẫu giấy khai thuế, an ủi họ khi họ nhớ vợ thương con, nhớ cha mẹ già còn kẹt lại ở quê hương xa xăm vạn dặm. Sự hiện diện của các vị trong lễ rửa tội, lễ cưới, lễ tang của gia đình khiến họ cảm thấy vẫn còn ‘tại nhà’ dù đang sống trên vùng đất thật lạ. Có những tuyên úy di dân còn đóng cả vai trò hòa giải, kết hợp nhiều phe phái, kể cả các phe phái chính trị. Trong một nghiên cứu gần đây, Cahill, Bouma, Dellal và Leahy (2004) đã cho thấy nhiều tuyên úy di dân đã tháo gỡ được nhiều ngòi nổ cho những hận thù cả xưa lẫn rất gần đây, như thái độ của người Croatians đối với người Serbs.

Hiện có đến 150 tuyên úy di dân tại Úc. Thêm vào đó, còn có ba giáo phận, với giám mục riêng, dành cho các người Công Giáo theo các nghi lễ Maronite (12 linh mục), Melkite (10 linh mục) và Ukrainian (25 linh mục). Sáu nghi lễ khác cũng có linh mục riêng chăm sóc các cộng đoàn đặc thù của họ, nhưng chịu sự điều động của các giám mục sở tại. Đó là các nghi lễ Armenian, Chaldean, Coptic, Nga, Syria và Syro-Malabar (tổng cộng 8 linh mục).

Về phần chính dòng Úc, tại các giáo phận Sydney, Melbourne, Brisbane và Perth, và một số giáo phận khác, đều có một đại diện giám mục lo về di dân, với nhiệm vụ cổ vũ việc hiểu biết bản chất đa văn hóa của giáo hội và của xã hội. Các thánh lễ đa văn hóa cấp giáo phận mỗi năm được cử hành luân phiên ở các thành phố khác nhau nhất là tại Melbourne, Brisbane và Adelaide. Cộng đồng địa phương được mời tham dự với các cộng đồng di dân khác nhau. Các cộng đồng di dân này được khích lệ mang theo cờ xí tôn giáo đặc thù của họ, vận quốc phục, và hát hay đọc một phần thánh lễ bằng tiếng mẹ đẻ. Giáo Hội Úc hàng năm còn mừng Chúa Nhật Tị Nạn và Di Dân vào Chúa Nhật cuối cùng của tháng Tám…

Giáo Hội này không quên lời của Đức Gioan Phaolô II nhân Chúa Nhật Tị Nạn và Di Dân: “Hội nhập không có nghĩa là đồng hóa, nghĩa là không dẫn di dân đến chỗ hủy diệt hay quên lãng bản sắc văn hóa riêng của họ. Đúng hơn, việc tiếp xúc với người khác phải dẫn tới việc khám phá ra bí quyết của họ, biết cởi mở với họ ngõ hầu chào đón các khía cạnh có giá trị của họ và nhờ thế góp phần vào việc hiểu biết lẫn nhau một cách tốt hơn. Đây là một diễn trình lâu dài nhằm lên khuôn cho các xã hội và các nền văn hóa, làm chúng mỗi ngày một suy tư nhiều hơn đến các hồng phúc muôn hình muôn dạng của Thiên Chúa dành cho các hữu thể nhân bản…Trong xã hội ta, một xã hội vốn chịu ảnh hưởng của hiện tượng di dân hoàn cầu, cá nhân phải tìm được sự quân bình đúng nghĩa giữa lòng kính trọng đối với bản sắc họ và lòng kính trọng bản sắc người khác. Thực thế, cần phải nhìn nhận tính đa phức hợp pháp của các nền văn hóa đang hiện diện tại một quốc gia, hoà nhịp với việc duy trì luật lệ và trật tự, mà hoà bình xã hội và tự do công dân vốn tùy thuộc vào”.

Chính trong tinh thần trên, một Hội Nghị Toàn Quốc về Chăm Sóc Mục Vụ cho Di Dân Và Tị Nạn đã được tổ chức vàotháng Mười Một năm 2005. Chủ đề của đaị hội là: “Vì tất cả anh chị em đều là một trong Chúa Kitô” (Gl 3:4).

Các cố gắng kia đang đem lại nhiều hiệu quả tích cực, giúp tạo nên những giáo xứ, những cộng đồng gắn bó, hàn gắn nhiều vết thương quá khứ và hiện tại gây nên bởi chiến tranh và chia rẽ, lên tiếng bênh vực người di dân và tị nạn. Tất cả những điều đó đã trở thành một phần trong việc làm của Giáo Hội Úc. Đó không hẳn là một thành tích hoàn hảo, nhưng là một thành tích có thể tự hào được. Nó chứng tỏ rằng không một dị biệt nào, dù lớn đến đâu, lại không thể giải quyết khi ta có thiện chí và mở lòng ra cho Chúa Thánh Thần, Đấng luôn hiệp nhất chúng ta. Sứ mệnh của Giáo Úc vẫn còn dài trên nẻo đường này.

Tài liệu:

1. Tiến sĩ Kathleen Engerbretson, To Know, Worship and Love, Year 9, James Goold House Publications, Melbourne, 2003;

2. Joseph Grech and Desmond Cahill, The Catholic Church and The Australian Nation- Monolithic or Multicultural? 1 Mar 2005

Vũ Văn An

URL: http://danchuausa.net/giao-hoi-hoan-vu/nhan-ngay-gioi-tre-the-gioi-so-luoc-lich-su-giao-hoi-uc-3/