Trích từ Dân Chúa

Đức Cha Kurt Koch chia sẻ kinh nghiệm đại kết

Lm Giuse Vũ Tiến Tặng

ROMA, (Zenit.org) - Đam mê bởi công cuộc đại kết, kể từ ngày 1 tháng Bảy, Đức Cha Kurt Koch đã bước vào chức vụ mới, Chủ Tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Thăng Tiến Hiệp Nhất Kitô hữu.

Ngài từ biệt giáo phận Bâle, Thụy Sĩ, mà trong suốt 15 làm giám mục tại đây, để kế vị người tiền nhiệm người Đức, Đức Cha Walter Kasper, từng điều hành Bộ này từ năm 1999. Zenit có cuộc phỏng vấn với vị Tân Chủ Tịch về kinh nghiệm của ngài cũng như những thách đố cần phải nêu lên.

Đức cha đã đón nhận việc bổ nhiệm vào trọng trách đứng đầu Hội Đồng Tòa Thánh về Hiệp nhất Kitô hữu như thế nào ?

Đối với tôi đây là một vinh dự lớn. Đức Thánh Cha đã trao đổi với tôi vào tháng Hai vừa qua, trong dịp tiếp kiến riêng, về ước muốn của ngài là thấy tôi điều hành Bộ này. Đây là một niềm vui lớn cho cá nhân tôi, vì tại Thụy Sĩ, những anh em Tin Lành thật gần gũi, từ bao giờ vẫn thế tôi ôm ấp công cuộc đại kết trong trái tim mình. Và tôi đương nhiên quan tâm nhiều đến các Giáo Hội Chính Thống.

- Đâu là những thách đố chính của Bộ này ?

Trong thời gian đầu tiên, điều cần thiết là quan sát tất cả những gì diễn ra tại đây. Tôi vốn là thành viên của Bộ này từ năm 2002, cũng từng liên quan đến việc đối thoại với anh em Chính Thống. Trước tiên, tôi tính tiếp xúc với tất cả các cộng sự viên, và trong tháng Mười Một chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị toàn thể lần thứ nhất. Thách đố đầu tiên là làm sao chuẩn bị cho tốt khóa họp này để có được một ý tưởng chung về đại kết và để thấy được điều chúng tôi có thể tiến hành như thế nào.

- Trong cương vị giám mục giáo phận Bâle, đâu là những kinh nghiệm của Đức Cha, nhất là điều liên quan đến đại kết ?

Các Giáo Hội và cộng đoàn Giáo Hội được sinh ra từ Cải Cách tại Thụy Sĩ là trường hợp đặc biệt. Thách đố lớn nhất là đối thoại đại kết giữa Công Giáo và Chính Thống. Chúng ta có cùng một nền tảng đức tin, nhưng lại có khác biệt lớn về văn hóa, trong khi đó giữa các Giáo Hội Cải Cách, lại không có cùng một nền tảng đức tin chung, tuy nhiên lại có nền văn hóa chung. Với họ, có một cách thức khác để thực hiện đại kết, là điều vốn không bao giờ cũng dễ dàng.

- Và cả kinh nghiệm của Đức Cha với tư cách là Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Thụy Sĩ ?

Tôi từng là Phó Chủ Tịch trong 9 năm, và Chủ Tịch trong 3 năm. Đây là một công việc tốt. Với tư cách là Chủ Tịch, tôi đã hướng nhiều cái nhìn của mình về Giáo Hội Châu Âu, nhưng công việc trong giáo phận tiếp tục, đến nỗi cần phải nâng cao những điểm chung, cái không phải bao giờ cũng dễ dàng.

- Đâu là vai trò của ủy ban trong việc đối thoại với Do Thái Giáo ?

Liên quan đến mối quan hệ giữa người Công Giáo và anh em Do Thái giáo trong Hội Đồng các mối quan hệ tôn giáo, Đức Hổng Y Kasper đã làm rất nhiều để cải thiện và đào sâu công cuộc đối thoại. Trong những mối quan hệ này, điều quan trọng là hiểu biết nhau và đào sâu những chiều kích tôn giáo. Không phải những mối quan hệ chính trị được ưu tiên, nhưng là những mối quan hệ tôn giáo. Những chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha tại hội đường ở Cologne, New York, hay Roma đều là những dấu chỉ rất quan trọng.

- Đức Cha thấy như thế nào về các nỗ lực chu toàn bởi Đức Thánh Cha trong những mối quan hệ với những Kitô hữu có niềm tuyên xưng khác ?

Tôi nghĩ rằng Đức Thánh Cha đã làm rất nhiều. Trong bài giảng đầu tiên sau khi được bầu làm Giáo Hoàng, ngài đã nói một cách cởi mở rằng công cuộc đại kết là một thách đố đến từ Đức Giêsu Kitô, rằng đối thoại có được nền tảng dựa trên các văn kiện của Công Đồng Chung Vaticanô II. Nhất là trong các chuyến tông du của Đức Thánh Cha, thường có một phần dành cho công cuộc đại kết. Chúng ta có thể đan cử chuyến viếng thăm Vương Quốc Anh của ngài vào tháng Chín tới. Sẽ không dễ dàng vì tình hình của các tín hữu Anh Giáo không đơn giản (…). Đức Thánh Cha đã đề nghị tôi làm công việc này và ngài đã nhấn mạnh nhiều về sự việc là muốn có một vị giám mục hiểu biết các Giáo Hội Cải Cách không chỉ qua sách vở, nhưng qua nền tảng của kinh nghiệm. Điều đó cho thấy rằng Đức Thánh Cha đánh giá cao tầm quan trọng của các Giáo Hội Cải Cách. Cũng như thời kỳ còn là giáo sư, ngài đã làm việc rất nhiều về lãnh vực này.

- Các cuộc đối thoại này đã mang lại những hoa trái nào ?

Thật khó nhìn thấy những hoa trái, vì công cuộc đại kết dựa trên đời sống thiêng liêng. Con người không thể tạo ra sự hiệp nhất, vốn là ơn Chúa Thánh Thần. Chúng ta có thể đào sâu đối thoại tình yêu được Đức Thánh Cha tán thành qua các cuộc gặp gỡ của ngài.

- Theo Đức Cha cần phải đối diện như thế nào với thách đố về các giáo phái ?

Ở vị trí đầu tiên, Giáo Hội cần phải tự đề nghị mình tại sao người ta lại tìm đến các giáo phái. Tại sao họ không đến với chúng ta ? Tôi biết rằng Bộ Giáo Lý Đức Tin đã tiến hành những bước quan trọng với các giám mục trong việc trong việc xử lý câu hỏi này, và tôi nghĩ rằng chúng ta có thể tiếp tục và đào sâu những gì đã được khởi sự cách tốt đẹp.

Lm Giuse Vũ Tiến Tặng

URL: http://danchuausa.net/giao-hoi-hoan-vu/duc-cha-kurt-koch-chia-se-kinh-nghiem-dai-ket/