Trích từ Dân Chúa

ĐTC viếng thăm Hoa Kỳ: ngày 17 và 18-4-2008

Lm Trần Đức Anh, OP

Gặp các nạn nhân bị lạm dụng tính dục

Hôm thứ năm, 17-4-2008, ĐTC đã có một cuộc gặp gỡ ngoài chương trình với một nhóm các nạn nhân bị LM lạm dụng tính dục và ngài cho biết Giáo Hội tiếp tục nỗ lực giúp hàn gắn các vết thương do những hành động ấy gây ra.

LM Lombardi S.J, Giám đốc Phòng báo chí Tòa Thánh cho biết: tại nhà nguyện riêng trong tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Washington, ĐTC đã gặp 5 nạn nhân cả nam lẫn nữ do ĐHY Sean O'Malley, TGM giáo phận Boston, hướng dẫn. Họ đã cầu nguyện với ĐTC, ngài lắng nghe mỗi người kể lại sự tích đau thương họ đã phải chịu, khích lệ họ và cho biết ngài sẽ cầu nguyện cho họ, cho gia đình họ cũng như cho tất cả các nạn nhân của những vụ lạm dụng tính dục”. Cuộc gặp gỡ kéo dài khoảng 25 phút. Cha Lombardi cũng nói rằng đó là một cuộc gặp gỡ rất cảm động, và một số người đã rơi lệ. ĐHY O'Malley đã trao cho ĐTC một cuốn sách liệt kê tên của khoảng 1 ngàn nạn nhân bị lạm dụng tại tổng giáo phận Boston của ngài trong nhiều thập niên qua, để ĐTC nhớ cầu nguyện cho họ.

Gặp giới giáo dục Công Giáo

Chiều ngày 17-4-2007, ĐTC đã có hai cuộc gặp gỡ quan trọng: với giới giáo dục Công Giáo tại Đại Học Công Giáo Hoa Kỳ và với các vị lãnh đạo liên tôn tại Trung Tâm Văn Hóa Gioan Phaolô 2.

Khi ĐTC đến khuôn viên đại học Công Giáo Hoa Kỳ lúc 6 giờ chiều, hàng trăm sinh viên tụ tập tại đây đã reo hò chào đón ngài.

ĐTC đã gặp 400 người gồm 200 giáo sư viện trưởng các Đại học và trường cao đẳng Công Giáo ở Mỹ, và 200 vị đặc trách về các học đường Công Giáo thuộc các giáo phận toàn quốc Hoa Kỳ. Cuộc gặp gỡ diễn ra tại hội trường và ĐTC ngồi trên chiếc ghế gỗ do chính các sinh viên Công Giáo vẽ kiểu và thực hiện. Sau lời chào mừng của Đức Ông David O'Connell, Viện trưởng Đại học Công Giáo Hoa Kỳ, ĐTC đã ngỏ lời với mọi người và tái khẳng định vai trò quan trọng của nền giáo dục Công Giáo đối với gia đình, Giáo Hội và xã hội. Ngài nói:

”Giáo dục là một phần sứ mệnh loan báo Tin Mừng của Giáo Hội, vì mỗi một cơ cấu giáo dục Công Giáo trước hết và trên hết là nơi giúp gặp gỡ Thiên Chúa hằng sống, Đấng đã mạc khải qua Đức Giêsu Kitô tình yêu và chân lý, trao ban cho con người cuộc sống mới xinh đẹp, tốt lành và chân thật. Mặc khải của Thiên Chúa cống hiến cho mọi thế hệ cơ may khám phá ra chân lý cuối cùng về cuộc sống của con người và mục đích của lịch sử. Nhiệm vụ này không dễ dàng. Nó liên hệ tới toàn cộng đoàn Kitô và động viên mọi thế hệ các nhà giáo dục Kitô bảo đảm làm sao để quyền năng chân lý của Chúa thấm nhập mọi chiều kích các cơ cấu mà họ phục vụ.”

ĐTC gọi các giáo sư, giáo chức và nhà giáo dục Công Giáo là ”những người mang trong mình sự khôn ngoan”, và ngài mời gọi suy tư về căn tính của các trường Công Giáo và phần đóng góp của nó cho thiện ích của xã hội qua sứ mệnh đầu tiên của Giáo Hội là loan báo Tin Mừng. Mọi hoạt động của Giáo Hội bắt nguồn từ Tin Mừng phát xuất từ chính Thiên Chúa.

ĐTC kêu gọi bảo vệ căn tính Công Giáo của các cơ sở giáo dục của Giáo Hội và nhấn mạnh rằng: ”căn tính của một đại học hay trường học công giáo không tùy thuộc thống kê con số sinh viên học sinh Công Giáo, mà còn là vấn đề của sự xác tín nữa: chấp nhận, hiểu biết và sống chân lý mạc khải, làm sao để niềm tin được lộ hiện rõ ràng trong các cơ cấu giáo dục, được diễn tả ra qua phụng vụ, bí tích, lời cầu nguyện, các việc bác ái và lo lắng cho công lý và tôn trọng thụ tạo... Cuộc khủng hoảng chân lý ngày nay bắt nguồn từ cuộc khủng hoảng lòng tin. Vì thế đã xảy ra nhiều lệch lạc trong phương cách giáo dục: như chú ý quá nhiều đến trí thông minh mà quên đào tạo ý chí, quan niệm méo mó về sự tự do. Tự do không phải là chọn lựa đi ra ngoài, nhưng là chọn đi vào, chọn tham dự vào chính Đấng là Hiện Hữu. Do đó không thể đạt tự do đích thật bằng cách xa rời Thiên Chúa. Các giáo chức phải khơi dậy nơi người trẻ ước muốn có một cử chỉ của lòng tin và khích lệ họ dấn thận cho cuộc sống giáo hội. Chính nơi đây sự tự do đạt cái chắc chắn của chân lý, Khi chọn lựa sống chân lý đó là chúng ta có sự sống lòng tin tràn đầy được trao ban cho chúng ta trong Giáo Hội... Các chân lý của lòng tin và của lý trí không bao giờ mâu thuẫn nhau.”

Gặp gỡ liên tôn

80417pope-usa01.jpg

Gặp gỡ liên tôn tại Washington

Liền đó, ĐTC đã đến Trung tâm Văn hóa Gioan Phaolô 2 chỉ cách đó 1 cây số để gặp gỡ 200 vị lãnh đạo các tôn giáo khác như Hồi giáo, đạo Jaina, Phật giáo, ấn giáo và Do thái giáo. Khi ngài vừa đến đây, ĐHY Adam Maida, TGM giáo phận Detroit, là người đã có công rất nhiều trong việc khởi xướng và thực hiện trung tâm Văn hóa này đã quì xuống hôn nhẫn của ĐTC.

Tại hội trường Rotunda của trung tâm hai lầu này, ĐTC đã được vị giám đốc và Đức Cha Richard Sklba, GM phụ tá giáo phận Milwaukee, Chủ tịch Ủy ban GM Hoa Kỳ về đại kết và liên tôn tiếp đón và ngỏ lời chào mừng, trước sự hiện diện của các chức sắc các tôn giáo theo phẩm phục cổ truyền của tôn giáo liên hệ.

Lên tiếng trong buổi gặp gỡ, ĐTC đề cao truyền thống cộng tác giữa các tôn giáo trong nhiều lãnh vực cuộc sống công cộng dọc dài lịch sử Hoa Kỳ như các buổi cầu nguyện liên tôn trong ngày lễ Tạ Ơn, các sáng kiến hoạt động bác ái tông đồ và phục vụ công ích. Ngài khích lệ mọi nhóm tôn giáo tại Hoa Kỳ tiếp tục duy trì truyền thống cộng tác cao qúy ấy, vì nó khiến cho cuộc sống chung được phong phú với các giá trị tinh thần thúc xẩy hoạt động của các tôn giáo.

Đề cập tới quyền tự do tôn giáo ĐTC nói: ”Nhiệm vụ duy trì tự do tôn giáo không bao giờ hoàn tất. Có các hoàn cảnh và thách đố mới mời gọi các công dân và giới lãnh đạo suy tư về việc làm thế nào để các quyết định của họ tôn trọng quyền căn bản này của con người. Bảo vệ tự do tôn giáo trong khuôn khổ luật lệ không bảo đảm cho các dân tộc, đặc biệt là các nhóm thiểu số, tránh được các hình thức kỳ thị bất công và thành kiến. Điều này đỏi hỏi mt cố gắng liện tục từ phía mọi thành phần xã hội để bảo đảm cho các công dân có cơ may thực hành việc thờ tự trong an bình và thông truyền gia tài tôn giáo cho con cái họ.”

”Việc thông truyền các gía trị tôn giáo cho các thế hệ tiếp nối không chỉ giúp duy trì một gia sản, nhưng cũng nâng đỡ và dưỡng nuôi nền văn hóa chung quanh. Điều này cũng có giá trị đối với cuộc đối thoại giữa các tôn giáo: người tham dự cũng như xã hội đều hưởng được sự phong phú của nó.”

ĐTC cũng nêu bật trách nhiệm của giới lãnh đạo tôn giáo trong nền giáo dục người trẻ. Phần đóng góp của các tôn giáo cho xã hội dân sự là các trường học đào tạo trí tuệ, đức dục và tinh thần, dậy tôn trọng phẩm giá con người và tôn trọng tín ngưỡng của nhau. Ngài cũng ca ngợi sáng kiến của nhiều chính quyền bảo trợ các chương trình thăng tiến đối thoại liên tôn và liên văn hóa.

Sau bài diễn văn của ĐTC, 5 thiếu niên đại diện cho 5 tôn giáo lớn đã tặng cho ĐTC 5 biểu hiểu tượng trưng sự đóng góp của truyền thống tôn giáo liên hệ cho thế giới.

Viếng thăm Liên hợp quốc

Sáng sớm thứ sáu 18-4-2008, ĐTC đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở thủ đô Washington, rồi ra phi trường căn cứ quân sự Andrews để đáp máy bay tới phi trường thành phố New York cách đó 330 cây số, là chặng thứ hai và cũng là chặng chót trong cuộc viếng thăm 6 ngày của ngài tại Hoa Kỳ.

Khi đến LHQ, ĐTC đã được ông Tổng thư ký Ban Ki Moon và Chủ tịch Đại hội đồng LHQ Kerim Srgjan tiếp đón. Sau khi Hội kiến riêng với Ông Tổng thư ký, ngài tiến ra hội trường Đại hội đồng giữa tiếng vỗ tay chào mừng của các vị Đại Sứ và đại diện của các nước.

Diễn văn

80417pope-usa-lhq4.jpg

ĐTC đọc diễn văn tại LHQ

Trong diễn văn trước đại hội đồng, ĐTC lần lượt đề cập đến vai trò của LHQ, sự cần thiết phải có sự hoạt động đồng thuận để thăng tiến tình liên đới quốc tế, và cần có sự phù hợp giữa khoa học và luân lý. Trong bối cảnh kỷ niệm 60 năm công bố Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền, ĐTC đặc biệt nhấn mạnh tới các quyền con người và nền tảng của các quyền này ở nơi luật luân lý tự nhiên. Ngài không quên khai triển các chiều kích của quyền tự do tôn giáo và kêu gọi hoàn toàn tôn trọng quyền này.

Trước tiên về vai trò của LHQ, ĐTC nói: ”LHQ cụ thể hóa khát vọng ”có một tổ chức ở cấp độ cao, có tầm mức quốc tế” (JPII, Sollicitudo rei socialis, 43), phải được soi sáng và hướng dẫn do nguyên tắc phụ đới, và có khả năng đáp ứng các đòi hỏi của gia đình nhận loại, nhờ những qui luật quốc tế hữu hiệu và thiết lập những cơ cấu có khả năng đảm bảo sự diễn tiến hòa hợp trong đời sống thường nhật của các dân tộc. Điều này càng cần thiết hơn trong bối cảnh hiện nay, qua đó người ta đang cảm nghiệm một sự nghịch lý hiển nhiên: sự đồng thuận đa phương giữa các nước tiếp tục bị khủng hoảng vì nó còn phải tùy thuộc những quyết định của một số nhỏ, trong khi những vấn đề của thế giới đòi cộng đồng quốc tế phải có những cuộc can thiệp dưới hình thức những hoạt động chung”.

”Thực vậy, những vấn đề an ninh, các đối tượng phát triển, giảm bớt chênh lệch ở bình diện địa phương và thế giới, việc bảo vệ môi sinh, các nguồn tài nguyên thiên nhiên và khí hậu, đòi mọi vị hữu trách của đời sống thế giới phải hành động có phối hợp với nhau, và sẵn sàng làm việc chân thành, trong niềm tôn trọng công pháp, để thăng tiến tình liên đới tại những miền mong manh nhất thế giới. Tôi đặc biệt nghĩ đến một số nước Phi châu và các đại lục khác vẫn còn ở ngoài lề sự phát triển toàn diện đích thực, và có nguy cơ chỉ cảm nhận được những hậu quả tiêu cực của sự hoàn cầu hóa. Trong bối cảnh các quan hệ quốc tế, cần phải nhìn nhận vai trò hàng đầu của các qui luật và các cơ cấu, tự bản chất, nhắm thăng tiến công ích, và bảo tồn tự do của con người. Những qui luật ấy không giới hạn tự do, trái lại chúng thăng tiến tự do khi cấm những thái độ và hành động đi ngược công ích, cản trở sự thực thi hữu hiệu tự do và vì thế làm thương tổn phẩm giá của mọi người. Nhân danh tự do, cần phải có một sự tương quan giữa quyền lợi và nghĩa vụ. Ở đây chúng tôi nghĩ đến cách thức sử dụng những tiến bộ của kỹ thuật. Tuy những tiến bộ ấy có thể mang lại ích lợi lớn lao cho nhân loại, nhưng một số ứng dụng của chúng là một sự vi phạm tỏ tưởng trật tự tự nhiên, đến độ không những chúng trái ngược đặc tính thánh thiêng của sự sống, nhưng còn tước đoạt căn tính tự nhiên của con người và của gia đình... Vấn đề là không bao giờ phải chọn lựa giữa khoa học và luân lý, nhưng đúng hơn là chấp nhận một phương pháp khoa học thực sự tôn trọng các qui luật của luân lý đạo đức”.

Bảo vệ dân chúng

80417pope-usa-lhq.jpg

ĐTC tại diễn đàn LHQ

ĐTC nói đến nghĩa vụ của mọi Quốc gia trong việc bảo vệ dân chúng của mình chống lại những vi phạm trầm trọng và tái diễn đối với các quyền con người, cũng như những hậu quả của các cuộc khủng hoảng nhân đạo vì những thiên tai do hoạt động của con người gây nên: ”Nếu các quốc gia không có khả năng thực hiện sự bảo vệ ấy, thì cộng đồng quốc tế có nghĩa vụ phải can thiệp với những phương thế mà Hiến chương của LHQ và các văn kiện công pháp quốc tế đã dự trù, theo mức độ hoạt động ấy tôn trọng các nguyên tắc của trật tự quốc tế, thì nó không thể bị giải thích như một sự cưỡng bách bất công, hoặc một sự giới hạn chủ quyền quốc gia. Trái lại, chính sự dửng dưng hoặc không can thiệp mới là điều gây thiệt hại đích thực”.

ĐTC cũng nhắc đến biến cố kỷ niệm 60 năm Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền. Văn kiện này là kết quả một sự đồng qui của các truyền thống văn hóa và tôn giáo khác nhau, tất cả đều muốn đặt con người ở trung tâm các tổ chức, các luật lệ và hoạt động của xã hội, và coi nhân vị con người như điều thiết yếu đối với thế giới văn hóa, tôn giáo và khoa học. ..Các quyền được nhìn nhận và trình bày trong bản Tuyên ngôn được áp dụng cho tất cả mọi người, vì nguồn gốc chung của con người, vốn là điểm nòng cốt trong ý định sáng tạo của Thiên Chúa đối với thế giới và lịch sự. Các quyền ấy có nền tảng nơi luật tự nhiên được ghi khắc trong tâm hồn con người và hiện diện trong các nền văn hóa và văn minh khách nhau. Tách rời các quyền con người ra khỏi bối cảnh ấy có nghĩa là thu hẹp phạm vi của nó và chiều theo một quan niệm duy tương đối, cho rằng ý nghĩa và sự giải thích các quyền con người có thể thay đổi, và đặc tính phổ quát của các quyền ấy có thể bị phủ nhận nhân danh những quan niệm khác nhau về văn hóa, chính trị, xã hội và cả tôn giáo nữa.

ĐTC xác quyết rằng việc thăng tiến các quyền con người vẫn là một chiến lược hữu hiệu nhất để lấp đầy hố chênh lệch giữa các nước và các nhóm xã hội, và để củng cố an ninh. Thực vậy, nạn nhân của lầm than và tuyệt vọng, khi phẩm giá của họ bị người ta chà đạp và những thủ phạm như thế không bị trừng phạt, họ dễ trở thành mồi cho những kẻ chủ trương dùng bạo lực và trở thành những người phá hủy hòa bình”.

80417pope-usa-lhq2.jpg

Đề cập đến tự do tôn giáo, ĐTC khẳng định rằng:

”Dĩ nhiên các quyền con người cũng phải bao gồm cả quyền tự do tôn giáo, được hiểu như một sự diễn tả chiều kích vừa cá nhân và cộng đoàn, viễn tượng này phải làm nổi bật sự đơn nhất của con người, đồng thời phân biệt rõ ràng giữa chiều kích công dân và chiều kích tín hữu... Vì thế, không thể tưởng tượng được các công dân phải chịu mất một phần của mình, tức là niềm tin của họ, để trở thành những công dân tích cực. Không bao giờ cần phải chối bỏ Thiên Chúa để được hưởng các quyền của mình. Nhất là cần phải bảo vệ các quyền liên quan đến tôn giáo, nếu chúng bị coi như đối nghịch với một ý thức hệ thế tục đang thịnh hành hoặc những lập trường tôn giáo của đa số có tính chất loại trừ tôn giáo khác. Sự bảo đảm hoàn toàn tự do tôn giáo không thể bị thu hẹp vào việc tự do làm việc thờ phượng, nhưng còn phải để ý đến chiều kích công cộng của tôn giáo và làm sao để các tín hữu có thể tham gia vào việc xây dựng trật tự xã hội. Hiện nay họ thực sự thi hành điều đó, ví dụ qua sự dấn thân hữu hiệu và quảng đại trong một hệ thống rộng lớn các sáng kiến, từ các đại học, các học viện khoa học và trường học, cho đến các cơ cấu thăng tiến sức khỏe các các tổ chức bác ái, phục vụ những người nghèo khổ nhất và những người bị bỏ rơi. Từ chối nhìn nhận sự đóng góp cho xã hội ăn rễ nơi chiều kích tôn giáo và trong sự tìm kiếm Đấng Tuyệt Đối, có nghĩa là dành ưu tiên cho thái độ cá nhân chủ nghĩa và như thế là làm băng hoại sự đơn nhất của con người.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Sự hiện diện của tôi giữa Đại hội đồng này là dấu chỉ nói lên lòng quí chuộng của tôi đối với LHQ và bày tỏ mong ước rằng tổ chức này ngày càng có thể là dấu chỉ đoàn kết giữa các quốc gia và là một dụng cụ phục vụ toàn thể gia đình nhân loại. Sự hiện diện này cũng biểu lộ ý chí của Giáo Hội Công Giáo đóng góp vào những quan hệ quốc tế, làm sao để mọi người và toàn thể các dân tộc cảm thấy tầm quan trọng của họ. LHQ tiếp tục là một nơi ưu tiên trong đó Giáo Hội cố gắng chia sẻ kinh nghiệm của mình về tình người, vốn đã được chín mùi qua bao thế kỷ giữa cac dân tộc thuộc mọi chủng tộc và văn hóa, và dành kinh nghiệm ấy cho mọi thành phần của cộng đồng quốc tế. Kinh nghiệm và hoạt động ấy, nhắm đạt được tự do cho mọi tín hữu và cũng nỗ lực làm cho các quyền của con người được bảo vệ một cách hữu hiệu hơn.”

Sau bài diễn văn trên đây, ĐTC còn hội kiến riêng với ông chủ tịch Đại hội đồng LHQ, Chủ tịch Hội đồng bảo an, và ngài gặp 60 quan chức của LHQ. Trong dịp này, ĐTC đánh giá cao hoạt động của các quan chức và nhân viên tổ chức quốc tế này, cũng như nhắc đến nhiều nhân viên LHQ đã hy sinh trong khi thi hành sứ mạng, kể các các binh sĩ bảo hòa. Chẳng hạn, nguyên trong năm 2007 đã có 42 người hy sinh trong chiều hướng đó.

Rời LHQ, ĐTC đã về trụ sở Phái Bộ quan sát thường trực của Tòa Thánh cạnh LHQ để dùng bữa vào lúc 2 giờ chiều.

Lúc quá 5 giờ chiều, ngài đã hoạt động trở lại, và viếng thăm Hội đường Do thái Công viên Phía Đông, chỉ cách trụ sở phái bộ Tòa Thánh nửa cây số. Sau đó, ngài đến Nhà thờ thánh Giuse ở khu vực Manhattan để chủ sự cuộc gặp gỡ đại kết dưới hình thức một buổi phụng vụ Lời Chúa với 250 đại diện của 10 cộng đồng Kitô.

Lm Trần Đức Anh, OP

URL: http://danchuausa.net/giao-hoi-hoan-vu/dtc-vieng-tham-hoa-ky-ngay-17-va-1842008/