Trích từ Dân Chúa

ĐTC chủ sự Thánh Lễ kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa

Lm Trần Đức Anh, OP

VATICAN -- Sáng ngày Tết dương lịch 1-1-2008, ĐTC Biển Đức 16 đã chủ sự thánh lễ trọng thể tại Đền thờ thánh Phêrô để kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và cũng là dịp cử hành Ngày Hòa Bình quốc tế lần thứ 41.

Đồng tế với ĐTC trong thánh lễ lúc 10 giờ sáng, có 5 vị là ĐHY Tarcisio Bertone, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, ĐHY Renato Martino, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, Đức TGM Fernando Filoni, Phụ tá quốc vụ khanh, Đức TGM ngoại trưởng Dominique Mamberti, và sau cùng là Đức Cha Giampaolo Crepaldi, Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình. Ngoài ra có 2 Hồng y đẳng phó tế tháp tùng ĐTC là ĐHY Lajolo, Chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh đặc trách Quốc gia thanh Vatican, và ĐHY Rylko Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về giáo dân.

Trong số 8 ngàn tín hữu tham dự thánh lễ, cũng có đông đảo các vị thuộc ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh, 22 HY và hàng chục GM. Phần thánh ca, ngoài ca đoàn Sistina của Tòa Thánh, còn có 5 ca đoàn khác, gồm ca đoàn Mẹ Giáo Hội ở Roma, Ca đoàn các bạn trẻ Ca Viên Ngôi Sao từ Đức, và 4 ca đoàn khác từ Hoa Kỳ. 70 LM thuộc dòng Đạo Binh Chúa Kitô phụ trách việc cho rước lễ được ngồi phía sau bàn thờ chính.

Bài Giảng

Pope_200880101NewYear.jpg

Trong bài giảng, ĐTC đặc biệt nói đến khát vọng hòa bình của nhân loại và nhắc đến sứ điệp nhân ngày Hòa bình thế giới năm nay với chủ đề ”Gia đình nhân loại, cộng đồng hòa bình”. Ngài nói:

”Tất cả chúng ta đều khao khát sống trong hòa bình, nhưng hòa bình chân thực, như được các thiên thần loan báo trong đêm Giáng Sinh, không phải chỉ là một sự chinh phục của con người hoặc là thành quả của những thỏa hiệp chính trị; hòa bình trước tiên là hồng ân của Chúa mà chúng ta phải không ngừng cầu khẩn, và đồng thời phải dấn thân kiên nhẫn thực hiện, trong tinh thần ngoan ngoãn tuân theo các giới răn của Chúa. Trong sứ điệp nhân ngày hòa bình thế giới hôm nay, tôi đã muốn làm nổi bật quan hệ chặt chẽ giữa gia đình và việc xây dựng hòa bình trên thế giới. Gia đình tự nhiên, dựa trên hôn nhân giữa một người nam và một người nữ, là ”chiếc nôi của sự sống và tình thương” và là ”người giáo dục đầu tiên và không thể thay thế được về hòa bình”. Chính vì thế, gia đình là tác nhân chính yếu của hòa bình, và mọi sự phủ nhận hoặc thu hẹp các quyền của gia đình, làm lu mờ sự thật về con người, sẽ đe dọa chính nền tảng của hòa bình” (nn.1-5). ”Tiếp đến, vì nhân loại là một ”đại gia đình”, nên nếu ta muốn sống trong hòa bình thì không thể không lấy hứng từ các giá trị làm nền tảng và điều hành cộng đoàn gia đình”.

ĐTC nhắc đến những dịp kỷ niệm trong năm nay, 60 năm công bố Tuyên ngôn nhân quyền của LHQ, 40 năm Đức Phaolô 6 thành lập Ngày Hòa bình thế giới và 25 năm Tòa Thánh chấp nhận Hiến chương về các quyền của gia đình. Ngài nói: ”Dưới ánh sáng các dịp kỷ niệm ấy, tôi mời gọi mọi người nam nữ hãy ý thức hơn nữa về sự kiện mình cùng thuộc về một gia đình nhân loại và dấn thân để sự sống chung trên mặt đất này ngày càng phản ánh xác tín vừa nói, vì sự thiết lập một nền hòa bình chân thực và lâu bền tùy thuộc xác tín chúng ta cùng thuộc về một gia đình nhân loại”.

Tiếp tục bài giảng, ĐTC quảng diễn ý nghĩa của lễ Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa và ngài đề cao mẫu gương của Mẹ Maria trong việc con người kiến tạo hòa bình. Ngài nói:

”Tước hiệu Mẹ Thiên Chúa, cùng với tước hiệu Đức Trinh Nữ, là những tước hiệu cổ kính nhất và là nền tảng của mọi tước hiệu khác mà chúng ta tôn kính và tiếp tục cầu khẩn Đức Mẹ từ thế hệ này sang thế hệ khác ở Đông và Tây phương... Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta chiêm ngưỡng Đức Maria, Mẹ trọn đời đồng trinh Con Duy Nhất của Chúa Cha, chúng ta hãy học từ Mẹ cách thức đón nhận Chúa Hài Đồng đã sinh ra cho chúng ta tại Bethlehem. Nếu chúng ta nhận ra nơi Hài Nhi do Mẹ sinh ra là Con đời đời của Thiên Chúa và đón nhận Người như Đấng Cứu Độ duy nhất của chúng ta, thì chúng ta có thể được gọi và thực sự là con Thiên Chúa. Thánh Tông Đồ đã viết: ”Thiên Chúa sai Con Ngài đến, sinh bởi người nữ, sinh dưới Lề Luật, để cứu chuộc những người ở dưới lề luật, để họ được nhận làm con” (Gal 4,4).

”Thánh Sử Tin Mừng Luca nhiều lần lập lại rằng Đức Mẹ suy niệm thinh lặng về những biến cố ngoại thường mà Thiên Chúa đưa dẫn Mẹ vào. ”Mẹ Maria cũng giữ những điều ấy và suy niệm trong lòng” (Lc 2,19).. Hài Nhi khóc oe oe trong máng cỏ, tuy bề ngoài giống như mọi hài nhi trên thế giới, nhưng đồng thời cũng rất khác biệt: Người là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa, là Chúa thật và là người thật. Mầu nhiệm nhập thể này của Ngôi Lời và thiên chức làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria thật là cao cả và không dễ hiểu đối với trí tuệ loài người. Nhưng nơi trường của Mẹ Maria chúng ta có thể đón nhận trong tâm hồn điều mà con mắt và trí tuệ tự mình không thể hiểu và cũng không chứa đựng nổi. Thực vậy, đây là một hồng ân cao cả đến độ chúng ta chỉ có thể đón nhận trong đức tin, tuy không thể thấu hiểu hết. Và chính trên con đường đức tin ấy, mà Mẹ Maria đến gặp chúng ta, nâng đỡ và hướng dẫn chúng ta. Người là Mẹ vì đã sinh ra Chúa Giêsu trong thể xác, Người là Mẹ vì đã hoàn toàn tuân theo thánh ý Chúa Cha. Thánh Augustino đã viết: ”Chính chức vị làm Mẹ Thiên Chúa sẽ không có giá trị gì đối với Mẹ, nếu Mẹ không mang Chúa Kitô trong tâm hồn, với một số phận may mắn hơn là việc Mẹ chịu thai Chúa trong thân xác” (De Sancta Virginitate, 3,3). Và Mẹ Maria tiếp tục gìn giữ trong tâm hồn Mẹ tất cả những biến cố kế tiếp mà Mẹ chứng kiến và giữ vai trò chính về sau này, cho đến cái chết trên thập giá và sự sống lại của Chúa Giêsu Con của Mẹ”.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Anh chị em thân mến, chỉ khi nào gìn giữ trong tâm hồn, nghĩa là đặt chung tất cả và tìm được sự hiệp nhất của tất cả những gì chúng ta đang sống, chúng ta mới có thể noi gương Mẹ Maria đi vào trong một nhiệm một vị Thiên Chúa, vì yêu thương, đã làm người và kêu gọi chúng ta theo Ngài trên con đường yêu thương; một tình yêu phải được diễn tả hằng ngày qua việc quảng đại phục vụ anh chị em. Ước gì năm mới mà chúng ta tín thác khởi sự hôm nay, trở thành một thời gian trong đó chúng ta được tiến triển trong tri thức của tâm hồn, là sự khôn ngoan của các thánh. Chúng ta hãy cầu xin Chúa làm cho tôn nhan Ngài chiếu sáng rạng ngời trên chúng ta, thuận lợi và chúc lành cho chúng ta, như chúng ta đã nghe trong bài đọc thứ I (cf Nm 6,24-7).

Trong phần lời nguyện phổ quát, có 5 ý nguyện bằng 6 thứ tiếng: Bồ đào nha, Nga, Đức, Arập, và Tây Ban Nha, được xướng lên, lần lượt cầu nguyện cho Giáo Hội luôn là một cộng đồng hiệp thông trong tình yêu thương và liên đới, cầu cho ĐTC và các vị chủ chăn của Giáo Hội luôn là những sứ giả không biết mệt mỏi của chân lý và chứng nhân hòa bình; cầu cho các gia đình, Giáo Hội tại gia, luôn thể hiện nơi mình mẫu mực nhân loại được hòa giải trong yêu thương và chiếu tỏa Tin Mừng hòa bình; cầu cho mọi dân tộc trên trái đất biết chiến thắng những xúi giục của bảo lực và chiến tranh, đồng thời dồn toàn năng lực vào việc kiến tạo hòa bình vững bền; sau cùng là cầu cho mọi người hiện diện biết cảm nghiệm an bình trong gia đình, trường học, nơi làm việc và trong mọi lãnh vực của đời sống dân sự.

Kinh Truyền Tin

Thánh lễ kết thúc lúc quá 11 giờ rưỡi và đúng 12 giờ trưa, ĐTC đã xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài để cùng với 60 ngàn tín hữu tụ tập ở Quảng trường Thành Phêrô dưới bầu trời nắng đẹp để đọc kinh Truyền Tin.

Trong bài huấn dụ ngắn, ĐTC quảng diễn ý nghĩa mầu nhiệm giáng sinh và chức vị làm Mẹ Thiên Chúa của Đức Maria. Ngài nói: ”Mẹ Maria, sau khi mang lại một thân xác cho Con Duy Nhất của Thiên CHúa, đã trở thành mẹ của các tín hữu và toàn nhân loại.. Và nhân danh Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa và loài người, từ 40 năm nay, trong ngày đầu năm, Ngày Hòa Bình thế giới được cử hành. Đề tài tôi chọn cho ngày hôm nay là ”Gia đình nhân loại, cộng đồng hòa bình”. Chính tình yêu kiến tạo và giữ cho gia đình được hiệp nhất, gia đình là tế bào sinh tử của Giáo Hội, tạo điều kiện cho sự thiết lập nơi các dân tộc trên thế giới các mối quan hệ liên đới và cộng tác của các phần tử cùng một gia đình nhân loại duy nhất... Vì thế có một quan hệ mật thiết giữa gia đình, xã hội và hòa bình. Bởi vậy ”người nào, dù vô tình, cản trở định chế gia đình, thì cũng làm cho hòa bình trong toàn thể cộng đồng, quốc gia và quốc tế, trở nên mong manh, vì làm suy yếu ”tác nhân chính yếu của hòa bình” (n.5). Ngoài ra, ”Chúng ta không sống cạnh nhau một cách tình cờ; tất cả chúng ta đang tiến bước trên cùng một con đường như con người và vì thế như anh chị em với nhau (n.6). Vì thế, điều thực sự quan trọng là mỗi người đảm nhận trách nhiệm của mình trước mặt Chúa và nhìn nhận Chúa là nguồn mạch nguyên thủy cuộc sống của mình và của tha nhân.”

Sau khi ban phép lành cho các tín hữu, ĐTC đặc biệt gửi lời chúc mừng Tổng thống và toàn dân Italia trong năm mới. Ngài cũng ca ngợi, khuyến khích và liên đới với các sáng kiến của các cộng đoàn Giáo Hội ở mọi đại lục nhân Ngày Hòa Bình Thế giới. Ngài chào thăm các tham dự viên tham gia cuộc tuần hành ”Hòa bình ở các nơi trên mặt đất” do Cộng đồng thánh Egidio khởi xướng ở Roma và nhiều thành phố trên thế giới. ĐTC cũng nhắc đến các thành viên Phong trào tình yêu gia đình đã canh thức đêm giao thừa vừa qua tại Quảng trường Thánh Phêrô để cầu nguyện cho các gia đình cũng như cho Đại gia đình Giáo Hội. Với tất cả mọi người, ngài cầu chúc dồi dào an bình và những điều thiện hảo trong năm mới.

Lm Trần Đức Anh, OP

URL: http://danchuausa.net/giao-hoi-hoan-vu/dtc-chu-su-thanh-le-kinh-duc-maria-me-thien-chua/