Trích từ Dân Chúa

Diễn văn của ĐTC cho cuộc viếng thăm "hụt" tại Đại Học La Sapienza

Lm Trần Đức Anh, OP

VATICAN 17/01/2008 -- ĐTC Biển Đức 16 kêu gọi giới đại học hăng say tìm kiếm chân lý và ngài cảnh giác lý trí sẽ bị khô cằn nếu khép kín đối với sứ điệp cao cả đến từ đức tin Kitô.

Trên đây là ý tưởng nổi bật trong diễn văn lẽ ra được ĐTC đích thân trình bày trong cuộc viếng thăm tại Đại học La Sapienza ở Roma sáng 17-1-2008, nhưng bị hủy bỏ vì không có bầu không khí thuận lợi do sự chống đối của một nhóm nhỏ các giáo sư và sinh viên.

Nguyên văn bài diễn văn của ĐTC đã được gửi tới giáo sư Renato Guarini, Viện trưởng đại học La Sapienza, và được Phòng Báo chí Tòa Thánh công bố chiều ngày 16-1-2008. Nhiều báo chí đã đăng nguyên văn bài này trong số ra ngày 17-1-2008.

Diễn văn đã được giáo sư phó viện trưởng đại học La Sapienza tuyên đọc trong buổi khai mạc niên khóa mới tại đại thính đường đại học. Trong văn kiện này, ĐTC tìm cách trả lời câu hỏi: ”một giáo hoàng có thể nói gì trong cuộc viếng thăm như tại đại học này? ĐTC cho biết ngài ”nói trong tư cách là đại diện của một cộng đoàn tín hữu, trong đó, qua cuộc sống bao thế kỷ có một triết lý sống đã được trưởng thành”; ngài cũng ”nói như đại diện của cộng đoàn đang mang và gìn giữ nơi mình một kho tàng kiến thức và kinh nghiệm luân lý đạo đức, quan trọng đối với toàn thể nhân loại”.

ĐTC nói đến ”sứ điệp Kitô, do căn cội của mình, phải luôn luôn là một khích lệ hướng về chân lý và qua đó cũng là một sức mạnh chống lại sức ép của quyền lực và lợi lộc”. Ngài cũng nêu rõ nguy cơ của thế giới tây phương ngày nay, đó là con người đầu hàng trước vấn đề chân lý, và điều này đồng thời cũng có nghĩa là lý trí phải cúi mình trước sức ép của lợi lộc và sự thu hút của những gì là hữu dụng, bó buộc phải coi sự hữu dụng ấy như tiêu chuẩn tối hậu”. ĐTC nói: ”Nếu lý trí, bị thúc đẩy bởi thái độ tự mãn là tinh tuyền, để rồi giả điếc đối với sứ điệp cao cả đến từ đức tin Kitô và sự khôn ngoan đức tin, thì nó sẽ khô héo như một cây với những rễ không còn đi tới nước mang lại sự sống nữa. Lý trí ấy đánh mất can đảm đối với sự thật và không còn cao cả nữa, trái lại trở nên thấp kép”.

Áp dụng ý tưởng trên đây vào nền văn hóa Âu Châu, ĐTC nói: ”Điều đó có nghĩa là nếu Âu Châu chỉ muốn tự xây dựng trên những lý lẽ riêng của mình và những gì có sức thuyết phục nhất thời, để rồi chỉ bận tâm đến đặc tính đời (laicità) của mình và xa rời những gốc rễ nhờ đó mà nó sống, thì nền văn hóa Âu Châu sẽ không còn hợp lý trí và sinh động nữa, nhưng sẽ tan rã và phân tán”.

Trở lại với câu hỏi đặt ra ngay từ đầu bài diễn văn, ”Giáo hoàng phải làm gì và nói gì ở đại học?”, ngài trả lời: ”Chắc chắn là giáo hoàng không được tìm cách áp đặt đức tin một cách độc đoán cho người khác, vì đức tin chỉ có thể trao tặng trong tự do. Ngoài sứ vụ chủ chăn trong Giáo Hội và trên căn bản bản chất nội tại của sứ vụ mục tử này, nhiệm vụ của giáo hoàng là luôn thức tỉnh sự nhạy cảm đối với sự thật; luôn tái mời gọi lý trí tìm kiếm chân, thiện, Thiên Chúa, và trong hành trình này, mời gọi lý trí để ý đến những ánh sáng hữu ích phát sinh qua dòng lịch sử đức tin Kitô và nhờ đó nhận thấy Chúa Giêsu Kitô là Ánh Sáng soi sáng lịch sử và giúp tìm ra con đường hướng về tương lai”.

Trong buổi lễ khai giảng, Giáo sư viện trưởng Renato Guarini đã lên án những chống đối ý thức hệ không thể chấp nhận được và bày tỏ mong ước Đại học sẽ có cơ hội đón tiếp ĐTC. Bộ trưởng Giáo Dục Italia, Ông Fabio Mussi, khẳng định rằng việc ĐTC đến thăm và phát biểu tại đại học không hề làm thương tổn nguyên tắc đời của đại học như một số người đã nói.

Đô trưởng Roma, Ông Veltroni lên án thái độ bất bao dung của những thành phần chống đối cuộc viếng thăm của ĐGH và nói rằng ”Không bao giờ được phép để cho thái độ bất bao dung tước bỏ lời nói của một ai vì bất kỳ lý do nào, và càng không thể cấm cản một diễn văn về các quyền phổ quát của con người và nhất là đây là ĐGH Biển Đức 16 là một điểm tham chiếu luân lý, tinh thần và văn hóa của hàng triệu người”.

Trong khuôn viên đại học và đại thính đường có nhiều sinh viên ủng hộ ĐTC và cũng có những người đòi giáo sư viện trưởng phải từ chức, trong khi bên ngoài các sinh viên chống đối biểu tình đòi bộ trưởng giáo dục phải từ chức và chống ông đô trưởng Roma (SD 17-1-2008)

Lm Trần Đức Anh, OP

URL: http://danchuausa.net/giao-hoi-hoan-vu/dien-van-cua-dtc-cho-cuoc-vieng-tham-hut-tai-dai-hoc-la-sapienza/