Trích từ Dân Chúa
UCAN
DUSHANE (UCAN 23-1-2008) – Cách đây 20 năm, nhà thờ Thánh Giuse ở đây chật ních giáo dân tham dự Thánh lễ, học giáo lý và các hoạt động khác được tổ chức bằng tiếng Đức. Hiện nay giáo xứ này bị co lại thậm chí không có đến một thành viên người Đức nào thường trú.
Di cư đang làm thay đổi xã hội Tajikistan. Do cuộc nội chiến từ năm 1992-1994 và các vấn đề kinh tế sau đó, người dân bỏ đi đã ảnh hưởng lớn đến người Công giáo và cộng đồng Chính thống Nga, cũng như xã hội nói chung.
Theo linh mục Ezequiel Ayala, chánh xứ Thánh Giuse, trong thủ đô chỉ còn một đến hai người Đức Công giáo sinh sống, nhưng họ mang quốc tịch nước ngoài và đến làm việc cho tòa đại sứ hay tổ chức quốc tế.
Trong giáo xứ lớn thứ hai là giáo xứ thánh Roch ở Jurgan-Tube, cách thủ đô 80 km về phía nam, cũng vậy.
Linh mục chánh xứ ở đó là Pedro Lopez nói với UCA News sau Ngày Di dân và Người Tị nạn Thế giới năm 2008, được Giáo hội kỷ niệm vào ngày 13-1: “Tôi không biết chính xác số giáo dân trong giáo xứ thánh Roch trong thời Xô viết, nhưng tôi chắc chắn đa số họ là người Đức, mà hầu hết đã di cư sang Đức”.
Ngài cho biết chỉ còn một hoặc hai người gốc Đức trong giáo xứ, số giáo dân còn lại là người gốc Nga hay Tajikistan.
Vào thập niên 1960 và 1970, theo các nguồn tin Giáo hội, có khoảng 3.000 người gốc Đức sinh sống ở Tajikistan, trong đó có nhiều người Công giáo. Năm 1974, họ tu sửa một ngôi nhà ở và dùng nó làm nhà thờ Thánh Giuse, nhà thờ Công giáo đầu tiên ở Dushane. Ngôi nhà này được bao bọc bởi các cây thông và một bức tường cao hai mét trong một vùng ngoại ô yên tĩnh và người ta chỉ có thể nhận ra qua hàng chữ nhỏ ghi trên cửa và một cây thánh giá nhỏ trên mái nhà, bị cây cối che khuất.
Ngày nay nhà thờ đã được phát quang sáng sủa. Tuy nhiên, có rất ít người đi lễ do các linh mục thừa sai dòng Ngôi Lời Nhập Thể phục vụ. Trong nước chỉ có khoảng 250 người Công giáo.
Cha Ayala có thể hy vọng số người Công giáo sẽ tăng, nhưng ngài không có ý quay lại quá khứ. Ngài nói: “Quốc tịch của người Công giáo chúng tôi thực sự không quan trọng”.
Di cư cũng ảnh hưởng lớn đến cộng đồng Chính thống Nga. Cách đây 20 năm, họ chiếm 15% dân số, nhưng nay chỉ còn khoảng 3%.
Ekaterina Makarova, 82 tuổi, sống một mình vì người con trai duy nhất của bà đã bỏ sang Nga cùng với gia đình vào năm 1995. Bà cố sống nhờ vào 70 somoni (20 Mỹ kim) tiền lương hưu hàng tháng và đã phải đem ra chợ bán một số quần áo và đồ đạc trong nhà.
“Tôi biết mình đã quá già và sẽ làm mất hạnh phúc gia đình con trai nếu chúng đưa tôi sang Nga, bởi vì chúng chỉ mua được một căn hộ có một phòng ở Khimki”, một thị xã cách Mạc Tư Khoa 80 km về phía nam, bà nói với UCA News.
Bà Makarova nói thêm: “Có nhiều người già bị con cái bỏ lại để sang Nga sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991”. Bà lưu ý Dushanbe từng là thành phố hoàn toàn là người Nga, nhưng từ khi xảy ra nội chiến do các tay súng vũ trang Hồi giáo chống lại chính phủ, hầu hết người Nga đã bỏ đi.
Bà nói: “Tôi sẽ sống hết đời ở Tajikistan này”.
Di cư cũng đang ảnh hưởng đến dân số Hồi giáo địa phương, mặc dù đa số là người gốc Tajikistan. Do thất nghiệp và kinh tế nghèo nàn, những người lao động không có chuyên môn đã bỏ sang Nga tìm việc làm.
Theo số liệu thống kê của chính phủ số người thất nghiệp trong năm 2007 chiếm 2-3%, nhưng theo ước tính không chính thức con số này cao hơn nhiều.
Các tổ chức quốc tế quan tâm vấn đề di cư cho biết có tới 900.000 công dân Tajikistan, phần lớn trong số lao động chính tại quốc gia có 6,5 triệu dân này, hàng năm đi ra nước ngoài để kiếm việc làm ổn định hay theo mùa.
Nhiều phụ nữ ở nhà một mình hay với con cái.
Chồng của Makhbuba Sfieva sống với gia đình không quá ba đến bốn tháng một năm. Thời gian còn lại ông làm việc ở Moscow.
Bà nói với UCA News: “Ông ấy làm việc ở Nga và có thể kiếm được rất nhiều tiền để nuôi bảy người trong gia đình chúng tôi, nhưng sống xa nhau hầu như cả năm là một vấn đề rất khó”.
Sfieva, 36 tuổi, cho biết con trai được một tuổi của bà “chưa thấy mặt bố nó, do ông đi làm ở Nga từ khi nó mới sinh”.
URL: http://danchuausa.net/giao-hoi-hoan-vu/di-cu-lam-thay-doi-bo-mat-cac-giao-hoi-va-xa-hoi-tajikistan/