Trích từ Dân Chúa

Đạo đức sinh học và việc nhận phôi thai đông lạnh làm con nuôi

Vũ Văn An

E. Christian Brugger là một chuyên viên cao cấp về đạo đức tại Qũy Văn Hóa Sự Sống và là một giáo sư về thần học luân lý tại Chủng Viện Thần Học Gioan Vianey tại Denver, Colorado. Ông đậu tiến sĩ triết học tại ĐH Oxford năm 2000. Hãng tin Zenit ngày 17 tháng 3 vừa qua có đăng tải một bài của ông với tựa đề "Cứu phôi thai đông lạnh, nhận phôi thai làm con nuôi có hợp luân lý không?".

Khi tôi lên tiếng công khai về các vấn đề đạo đức sinh học, chủ đề tôi thường đề cập đến nhất là vấn đề khai thác các phôi thai người. Tôi thường nói với cử tọa rằng theo số liệu năm 2003, con số ước lượng các phôi thai bị đông lạnh tại các bệnh viện Thụ Thai Trong Ống Nghiệm (IVF) tại Mỹ là vào khoảng 400,000 (1). Tôi cũng thường thêm rằng con số ấy hàng năm gia tăng khoảng 19,000 (2). Như thế vào năm 2010, ước chừng sẽ có từ 500,000 tới 600,000 phôi thai người bị đông lạnh. Tôi cho cử tọa hay dù đại đa số các phôi thai này được chính thức ghi dấu trong bảng đăng bộ của IVF là dành cho “các vụ thai nghén tương lai”, nhưng ai cũng biết điều này: phần lớn các cặp vợ chồng từng nhờ IVF mà có thai không bao giờ trở lại với kinh nghiệm chẳng vui gì này (trong đó, có vấn đề giá cả lên tới 20,000 dollars); và do đó, người ta có lý mà nghĩ rằng đa số 600,000 con người nhân bản này sẽ không bao giờ được cấy vào tử cung người đàn bà và vì thế chắc chắn sẽ chết.

Trong phần đặt câu hỏi và trả lời, tôi luôn luôn gặp cùng một câu hỏi và những người hỏi lúc nào cũng là các thiếu phụ tuổi chừng 18 tới 30. Câu hỏi ấy là: “Ta có thể làm gì để giúp một tay?” Tôi bảo họ: xét về tình trạng kỹ thuật hiện nay, ta chỉ có một khả thể để những phôi thai này được sinh ra là cấy chúng và thai nghén chúng trong tử cung người đàn bà. Tôi cũng cho họ hay: một số Kitô hữu (nhiều Thệ Phản hơn Công Giáo, nhưng cũng có người Công Giáo) lên tiếng khuyên các cặp vợ chồng nên “hiến” phôi thai “phụ trội” của họ để người khác nhận “làm con nuôi” và khuyên các cặp vợ chồng khác nên nhận chúng “làm con nuôi” để người vợ mang thai chúng, một hình thức thay thế cho việc nhận làm con nuôi các trẻ đã sinh ra. Vì tôi thường nói chuyện với cử tọa Công Giáo, nên câu trả lời của tôi hay khiến người ta đặt câu hỏi: “Về vấn đề ấy, Giáo Hội Công Giáo dạy như thế nào?”. Tiện đây, tôi xin phác họa câu trả lời của tôi như sau:

Cho đến ngày Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin công bố tài liệu về đạo đức sinh học, tựa là "Dignitas Personae" (Phẩm Giá Con Người, từ đây sẽ viết tắt là PGCN), vào tháng 12 năm 2008, Giáo Hội chưa chính thức nói gì về vấn đề này. Trước đó, một số thần học gia trung thành với huấn quyền có viết bênh vực việc nhận phôi thai làm con nuôi, trong đó có bản thân tôi, nhưng không thiếu người khác chống lại việc này. Cả hai nhóm đều có lý để không hài lòng với việc công bố PGCN.

Dù tài liệu trên dành gần 2 số nói tới việc nhận phôi thai làm con nuôi, tựa là “Nhận con nuôi trước khi sinh ra” (PGCN số 19), nhưng nó không đưa ra bất cứ phán đoán luân lý nào về thực hành này, chỉ đưa ra một số dè dặt mà chẳng may đã bị một số người Công Giáo, kể cả các thần học gia, coi như lời kết án việc nhận phôi thai làm con nuôi. Thực ra, không hề có việc lên án. Điều này thấy rõ trong nhận định của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về PGCN, tựa là “Các Câu Hỏi và Trả Lời về ‘PGCN’” (3) công bố cùng lúc với tài liệu của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, cũng như trong Thông Cáo Báo Chí của Phòng Liên Hệ Truyền Thông ngày 12 tháng 12 năm 2008. Cả hai tài liệu này đều quả quyết rằng PGCN không đưa ra bất cứ phán đoán dứt khoát nào về thực hành này (4).

William E. May, bạn và là đồng nghiệp của tôi tại Qũy Văn Hóa Sự Sống, trước đây 2 năm, có viết một bài chú giải về “PGCN”. Lối giải thích của ông đã được các công bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ ủng hộ và tôi từng khuyến cáo nên dùng nó làm kim chỉ nam đáng tin cậy để đọc “PGCN”. Bởi thế, thay vì thảo luận giáo huấn của PGCN, tôi muốn dành phần còn lại của bài khảo luận này để nói đến việc cập nhật hóa tình trạng của một số luận điểm luân lý quan trọng trong nền thần học Công Giáo.

Bất cứ người Công Giáo nào muốn có một phán đoán chân thực về một vấn đề luân lý chưa được giáo huấn có thẩm quyền của Giáo Hội giải quyết thì nên đặt câu hỏi liệu đã có một nhất trí nào đó về vấn đề này giữa các thần học gia Công Giáo trung thành hay chưa. Nếu đã có, thì họ có thể an tâm tiếp nhận sự nhất trí đó, coi nó như định mức đáng tin cậy của chân lý. Trên thực tế, nó có thể sai lạc, bởi thế họ không nên tiếp nhận nó như một một chân lý đức tin giống như lúc ta tiếp nhận giáo huấn của mạc khải, đúng hơn, chỉ tiếp nhận nó sau khi đã xem sét và so sánh cẩn thận với các chân lý rõ ràng khác.

Trái lại, nếu không có sự nhất trí nào, thì vì không có thẩm Giáo Hội cũng như ý kiến chuyên môn, tín hữu nên thận trọng xem sét các luận điểm ủng hộ hay chống đối hay nhất đối với vấn đề đang bàn và thuận theo phán đoán nào mình cho là đúng nhất. Nên nhớ, một sự việc không đúng vì Giáo Hội dạy thế; mà Giáo Hội dạy thế vì nó đúng. Sự thật là điều chúng ta mưu tìm. Vì hiện chưa có giáo huấn rõ ràng về việc nhận phôi thai làm con nuôi và chưa có sự nhất trí của các thần học gia đáng tin cậy, ta phải tìm tòi các luận điểm ngược xuôi.

Các luận điểm chống

Luận điểm thuyết phục nhất chống lại việc nhận phôi thai làm con nuôi đã được triết gia luân lý người Úc rất có khả năng là Nicholas Tonti-Filippini đưa ra. Quan điểm của ông nhận được cảm tình của nhiều người Công Giáo khi họ nghe tới thủ tục này lần đầu tiên.

Khả thể một phôi thai không có tương quan gì với mình nhưng chỉ nhờ kỹ thuật mà được cấy vào tử cung một ai đó hay tử cung của vợ mình khiến người ta tự nhiên có cảm nhận rằng chấp nhận thụ thai theo lối này, một cách nào đó, đã vi phạm tính thánh thiêng của liên hệ vợ chồng. Người ta thấy có điều gì không ổn. Luận điểm của Tonti-Filippini chiếm được cảm tình ở chỗ đó. Ông kết luận: thai nghén một phôi thai không có tương quan gì với mình là phạm tới đặc tính hợp nhất của hôn nhân, mà ta vẫn cho là một trong các điều thiện hảo của hôn nhân. Điều này là hệ luận của tiền đề cho rằng người đàn bà chỉ nên mang thai bởi chồng mình qua diễn trình giao hợp phu phụ. Trong trường hợp nhận phôi thai làm con nuôi, nàng đã mang thai bởi một phương cách khác không phải là giao hợp với chồng mình, hành vi này rõ ràng là điều xấu ngay trong nó (intrinsically), tức dùng một phương tiện xấu để đạt mục đích tốt là cứu một sinh mạng.

Nhìn sâu hơn vào nguồn gốc của lệnh cấm luân lý này, Tonti-Filippini khảo sát ý nghĩa của việc thai nghén. Ông bảo: mối liên hệ được thiết lập giữa người mẹ và đứa con là một mối liên hệ hoàn toàn độc đáo: Đứa con “là của bà một cách yếu tính, nó không phải chỉ được định chỗ trong bà mà thôi, mà nối chặt với bà một cách yếu tính, một cách sinh tử”. Bà là “mái ấm (home) theo nghĩa đen” đối với đứa con, là “mái ấm theo nghĩa tùy thuộc năng động và là mối liên hệ hỗ tương trong đó cả hai chia sẻ cùng một nối kết sinh học và tâm linh mật thiết”. Sự kết hợp mật thiết này hết sức độc đáo, không có gì song hành với nó. Theo ông, hệ luận là sự kết hợp ấy “không tách biệt nhưng đúng hơn nó nối dài và nhập thân sự kết hợp giữa người đàn bà và chồng nàng”. Nói cách khác, việc mang thai nằm trong liên hệ vợ chồng. Nếu thế thì việc nhận phôi thai làm con nuôi chỉ có nghĩa là mang thai ngoài hôn nhân.

Tôi xin trả lời như sau: luận điểm này dựa trên giả thiết cho rằng về phương diện luân lý, việc mang thai thuộc về hôn nhân. Vì hành vi phu phụ tóm lược ý nghĩa kép của hôn nhân, nên việc thai nghén phải thuộc hành vi phu phụ, nghĩa là, khi hai vợ chồng giao hợp và người vợ có thai, thì việc thai nghén này không những có tương quan nhân quả với việc giao hợp, mà về phương diện luân lý, nó còn là một phần nội tại của hành vi giao hợp vợ chồng. Và do đó, hành vi vợ chồng luôn phải là hành vi duy nhất nhờ đó, người vợ mang thai. Nhận phôi thai làm con nuôi chủ ý tách biệt việc mang thai ra khỏi việc giao hợp của vợ chồng; do đó, nó làm sai lạc hành vi vợ chồng và là một tội chống lại hôn nhân. Ta thấy nhiều hình thức luận lý như thế trong nhiều công trình của các nhà đạo đức học đáng kính của Công Giáo như Luke Gormally, Mary Geach, và Cha Tadeusz Pacholczyk.

Thai nghén và hôn nhân

Dù xét qua có vẻ có lý, nhưng tiền đề và kết luận trên cần được bác bỏ. Tiền đề cho rằng thai nghén thuộc về hành vi phu phụ đã lầm lẫn ở điểm coi việc phụ tạo (procreation) và thai nghén là một thực tại luân lý đơn nhất. Tuy nhiên, giả thiết này lẫn lộn ý nghĩa của qui phạm luân lý hợp pháp đòi phải có sự hợp nhất giữa phụ tạo và giao hợp vợ chồng. Giao hợp tính dục có được ý nghĩa phụ tạo của nó, một ý nghĩa được khẳng định và được chuyển giao từ thời Thánh Kinh đến thời ta, không phải do sự kiện người đàn bà mang thai, mà do sự kiện một con người nhân bản mới đã bước vào hiện hữu. Việc bước vào hiện hữu này được hoàn tất với việc thụ tinh (fertilization) vào chính lúc việc mang thai bắt đầu.

Trong thế giới không có tội, phụ tạo và thai nghén không bao giờ bị tách biệt. Nhưng phụ tạo và hôn nhân cũng không bị tách biệt. Ấy thế nhưng thế giới tội lỗi đã đem lại cho chúng ta những đứa con được thụ thai bởi hoang dâm (fornication), bởi hiếp dâm, bởi ngoại tình và loạn luân. Ta không quay mặt đối với các mạng sống đó chỉ vì hoàn cảnh nguyên lại của chúng vi phạm kế hoạch ban đầu của Thiên Chúa. Trong cái cõi bước vào hiện hữu là có tội ấy, chúng vẫn đáng được một tương lai tốt đẹp nhất có thể.

Theo một nghĩa nào đó, ta hoàn toàn có lý khi quả quyết rằng người đàn bà chỉ nên thai nghén nhờ giao hợp vợ chồng và do đó, dạ người mẹ sinh lý là dạ qui phạm để mang thai mọi đứa trẻ đã được thụ thai. Nhưng chữ “nên” kia đã bị vi phạm mỗi lần có ai đó dùng phòng thí nghiệm mà tạo ra một con người nhân bản. Dù đúng khi nói rằng hoàn cảnh bao quanh nguồn gốc của chúng vi phạm kế hoạch ban đầu của Thiên Chúa, nhưng điều ấy không có nghĩa phải loại bỏ việc giúp một em nhỏ thoát nạn bằng cách nuôi em trong tử cung cũng như không có nghĩa vì mọi việc thai nghén xẩy ra bên ngoài hôn nhân đều sai qui phạm nên người đàn bà không được mang thai đứa con đã được thụ thai trái phép cho đến ngày sinh nở. Trong cả hai trường hợp, việc sai trái đã đem vào hiện hữu một hữu thể nhân bản, người mà nay có quyền đòi công lý nơi các anh chị em của mình trong cộng đồng nhân loại; cũng như có quyền đòi hỏi lòng từ tâm và tình yêu nơi chi thể Giáo Hội Chúa Kitô. Dù mang tội ở đầu nguồn, em vẫn xứng đáng được hưởng một tương lai tốt đẹp nhất. Và lẽ dĩ nhiên, đối với những anh chị em tí hon đang bàn, thì tương lai tốt đẹp nhất ấy chỉ có thể là tử cung hiếu khách của người đàn bà.

Thu gọn ý nghĩa của phụ tạo và thai nghén vào một thực tại luân lý như Tonti-Filippini và những người theo lối lý luận của ông sẽ dẫn tới kết luận kinh hoàng và phản trực giác, được mọi phe phái chống việc nhận phôi thai làm con nuôi khẳng định, rằng luân lý tính đòi ta phải để hàng trăm ngàn con người này tự do chết; rằng nghĩa vụ của ta đối với số đông đáng khinh bỏ này phải chấm dứt nếu ta không thể duy trì được tình trạng đông đá của họ; rằng luân lý tính và phẩm giá con người đòi ta phải từ khước, không giúp gì thêm được cho chúng.

Còn cảm tưởng ghê sợ?

Vậy phải tính sao với cảm giác ghê sợ của một số tín hữu Công Giáo ngoan đạo? Ở đây, có hai điểm. Thứ nhất, Thụ Tinh Trong Ống Nghiệm (IVF) thường tạo ra một cái bóng tiêu cực về luân lý đối với việc nhận phôi thai làm con nuôi, vì tác phong các cặp vợ chồng nhận phôi thai làm con nuôi thường phản ảnh tác phong các cặp vợ chồng thực hành IVF. Trong cả hai trường hợp, phôi thai tạo ra nơi phòng thí nghiệm được cấy vào tử cung người đàn bà. Nhưng chúng chỉ giống nhau đến đó mà thôi. Cái xấu của IVF không hệ ở chính việc cấy phôi thai, mà hệ ở việc ‘tạo’ trẻ em một cách bất chính trong phòng thí nghiệm. Nếu việc cấy phôi thai tự nó vô luân, thì, về mặt luân lý, các cặp vợ chồng có con theo IVF hẳn không được phép mang thai chúng cho đến ngày sinh nở, đây chắc chắn là một kết luận sai lầm.

Thứ hai, xét về một phương diện, có thể nói tư cách làm mẹ chỉ vì mang thai (gestational) là một tư cách độc đáo; đó là mối liên hệ sinh học hết sức độc đáo giữa hai con người; nó cũng có chiều kích gắn bó độc đáo đối với cả mẹ lẫn con. Nhưng khẳng định tính độc đáo này vẫn chưa giải quyết được vấn đề liệu có được phép dưỡng một phôi thai đang bị đe dọa sau khi nó đã được đem vào thế giới một cách bất chính hay không.

Theo tôi, tương tự như việc nhận một trẻ sơ sinh làm con nuôi sau thời gian mang thai không vi phạm quyền độc hữu của vợ chồng được “trở nên cha mẹ chỉ qua nhau mà thôi”, thì việc nhận một phôi thai trước khi nó được mang thai cũng không vi phạm quyền ấy. Ở đây, người đàn bà cung cấp cho một con người nhân bản đang bị đe dọa một cơ may nuôi dưỡng duy nhất có thể có để cứu mạng sống mình, tức việc nuôi dưỡng trong tử cung. Nếu bà có gia đình, hẳn bà sẽ cùng chồng biện phân được sự thích đáng của hành vi này. Nếu vợ chồng quyết định cùng nhau tiến hành, thì đâu có gì gọi là vi phạm đến sự tốt lành của hôn nhân, nhiều hơn là người đàn bà có sữa nuôi sống một đứa trẻ bị bỏ rơi trong 9 tháng.

Trong cả hai trường hợp, người đàn bà đều hiến cho đứa trẻ điều em cần hơn cả: sự nuôi dưỡng bằng chính thân thể bà. Quan tâm của bà chủ yếu không phải dành cho bà, mà là dành cho đứa trẻ. Theo cách này, bà đã biến cái bản ngã có thân xác nữ tính của mình thành một quà tặng thực sự vô vị lợi cho một con người khốn khổ. Tonti-Filippini không chứng tỏ được tại sao việc thai nghén tự nó lại có thể mang tới một kết án tuyệt đối cho người đàn bà thai nghén ở bên ngoài ngữ cảnh giao hợp phu phụ.

Các qui phạm luân lý

Khi xem sét việc nhận phôi thai làm con nuôi, có ba qui phạm luân lý cần được cân nhắc. Đó là: 1) phải bảo vệ việc phụ tạo nhân bản; 2) phải bảo vệ việc giao hợp vợ chồng, và 3) phải loại bỏ việc mang thai hộ (surrogacy). Như thế phải đặt câu hỏi: liệu việc nhận phôi thai làm con nuôi có vi phạm bất cứ qui phạm nào trong số ấy hay không. Cả hai văn kiện "Donum Vitae" (Quà Phúc Sự Sống) và "Dignitas Personae" (PGCN) đều dạy rằng chỉ hợp pháp đem vào hiện hữu một sự sống nhân bản mới trong bối cảnh giao hợp vợ chồng.

Việc nhận phôi thai làm con nuôi hiển nhiên không vi phạm qui phạm này vì thực ra nó không liên quan tới việc đem một sự sống nhân bản mới vào thế giới, mà đúng hơn liên quan tới một sự sống nhân bản đã được đem vào thế giới rồi; như thế, qui phạm không thể kết án một điều vốn liên hệ một cách đặc trưng với việc phụ tạo. Cả hai văn kiện trên cũng dạy rằng hai chiều kích phụ tạo và kết hợp của hành vi vợ chồng không bao giờ được tách biệt một cách cố ý. Nhưng việc nhận phôi thai làm con nuôi không liên hệ tới bất cứ hành vi giao hợp tính dục nào, tới bất cứ hành vi tính dục nào hết. Bởi thế, qui phạm ấn định tính trọn vẹn của giao hợp vợ chồng không liên quan đến sự đánh giá việc này về phương diện luân lý.

Sau cùng, cả hai văn kiện đều kết ánh việc mang thai hộ. Như thế ta phải đặt câu hỏi xem việc nhận phôi thai làm con nuôi có giống như việc mang thai hộ hay không. Mặc dù có nhiều điểm tương tự về thể lý giữa việc mang thai hộ và việc nhận phôi thai làm con nuôi, chủ yếu ở chỗ người đàn bà đã chuyển vào tử cung của mình một phôi thai không phải của mình và dưỡng nó cho tới lúc nó sinh ra đời, nhưng hai hành vi này rất khác nhau về phương diện luân lý. Cái xấu của việc mang thai hộ tự nó không phải là việc trở nên có thai với một phôi thai không có tương quan gì với mình và dưỡng cái phôi thai ấy, mà đúng hơn là việc hợp tác của người mang thai hộ với cái xấu của IVF. Khi ký khế ước với cha mẹ của phôi thai IVF để dưỡng thai nó rồi trao nó lại cho họ dưới hình thức tròn đầy của một đứa trẻ, người mang thai hộ dự phần vào ác ý của những người đem đứa trẻ vào đời một cách không công chính. Nhưng người đàn bà chọn việc nhận phôi thai làm con nuôi lên án các bất công người ta dành cho phôi thai, bác bỏ thi hành bất cứ dự án xấu xa nào của những người tạo ra phôi thai, và do đó chống đối IVF.

Tóm lại, mục đích của việc nhận phôi thai làm con nuôi là để cứu sống một con người đang gặp nguy cơ, đang bị đe dọa diệt vong, và phương tiện của nó là hành vi nuôi dưỡng trong tử cung, vốn là một việc hợp lệ về phương diện luân lý. Dù có thể có sai lầm trong một số trường hợp cá biệt, nhất là khi người đàn bà có đủ lý lẽ để tin rằng nhận gánh nặng thai nghén có thế gây hại tới khả năng chu toàn các nhiệm vụ đã có của mình, nhưng nói chung, hành vi này không thể bị coi là một điều xấu nội tại.

Ghi chú

(1) Theo Phúc Trình RAND-SART NĂM 2003 [www.rand.org/about/annual_report/2003/RAND_2003_Annual_Report.pdf], một nghiên cứu đáng tin nhất cho đến nay.

(2) Casey, Samuel B. 2007. “The Frozen Waiting to be Chosen: Human Embryo Adoption in America” (Đông Lạnh Chờ Được Chọn: Việc Nhận Phôi Thai Người Làm Con Nuôi Tại Hoa Kỳ) The Christian Lawyer 3(2): 13.

(3) www.usccb.org/comm/Dignitaspersonae/Q_and_A.pdf

(4) www.usccb.org/comm/archives/2008/08-196.shtml

Vũ Văn An

URL: http://danchuausa.net/giao-hoi-hoan-vu/dao-duc-sinh-hoc-va-viec-nhan-phoi-thai-dong-lanh-lam-con-nuoi/