Trích từ Dân Chúa

Bên Lề Chuyến Đức Thánh Cha Thăm Mỹ

Vũ Văn An

VietCatholic News (Thứ Năm 17/04/2008 20:15)

Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI đã tới Hoa Kỳ và được mọi giới đón tiếp nồng hậu. Quả là ấm lòng khi thấy giữa một xã hội đảo điên như nước Mỹ, vị cha chung của thế giới Công Giáo vẫn được tiếp đón với một tâm tình tự phát đầy yêu thương đến thế. Người Công Giáo Mỹ quả tình vẫn là anh chị em tôi. Chỉ cần nghĩ đến thế cũng đủ nước mắt thấm mi vì cảm động. Người Công Giáo chúng tôi vẫn có một điểm chung để bám víu.

Đức Thánh Cha Sẽ Nói Gì

Bây giờ thì mọi người đều biết Đức Thánh Cha đã nói gì lúc gặp Ông Bush, lúc nói truyện với Hội Đồng Giám Mục Hoà Kỳ và lúc giảng trong thánh lễ cho giáo dân Thủ Đô Hoa Kỳ. Nay hay mai, ta sẽ rõ ngài nói gì ở Yankee Stadium, ở Ground Zero và nhất là ở trụ sở Liên Hiệp Quốc.

Nhưng trước khi ngài đến Mỹ, tạp chí Công Giáo America, một tạp chí của các cha Dòng Tên, tự hào là Tạp Chí Công Giáo Toàn Quốc (The National Catholic Magazine), đã đặt câu hỏi: Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI sẽ nói gì trong cuộc thăm viếng Washington D.C. và Thành Phố New York? Tiếp theo là một loạt những câu hỏi đại loại như: Phải chăng ngài sẽ chỉ hướng lưỡi búa (hew) vào việc công bố Phúc Âm? Hay sẽ lừa banh (tackle) các vấn đề bỏng nút như hôn nhân đồng tính, phá thai và chiến tranh Iraq? Liệu ngài có nhắm bắn (take aim) các vấn đề đau đầu trong giáo hội như khủng hoảng lạm dụng tình dục hay lòng trung trinh tôn giáo nơi các đại học Công Giáo? Trong bài giảng Chúa Nhật Lễ Lá, ngài từng đặt câu hỏi: “Đức tin của ta đã cởi mở và trinh trong đủ chưa?” khiến nhiều người tự hỏi không biết trong cuộc tông du này, ngài chú trọng đến phần đạo hay phần đời.

Và Tạp Chí ấy tự trả lời: chắc chắn ngài sẽ chú tâm tới cả hai. Trong bài nói truyện tại Đại Học Công Giáo Mỹ Châu, chắc chắn ngài sẽ đề cập đến việc công bố Phúc Âm, các thính giả chắc chắn sẽ được nghe ít nhất cũng một số lời của Ex Corde Ecclesiae (Tông Hiến của Đức Gioan Phaolô II công bố ngày 15-08-1990 về vai trò các đại học Công Giáo). Trong khi công chúng tại National Park và Yankee Stadium được nghe về tình yêu Thiên Chúa, thì đồng thời họ cũng được nghe nói đến các nguy cơ của chủ nghĩa tiêu thụ Mỹ. Dù gì, thì đó cũng là một nhị phân giả tạo: Phúc Âm bao giờ cũng có điều muốn nói tới thế giới thế tục. Khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tới Yankee Stadium năm 1979, ngài dùng dụ ngôn Ladarô và người giầu có để nhắc cho người Mỹ nhớ đến bổn phận của họ với người nghèo: “Các bạn không bao giờ bằng lòng chỉ cho họ các vụn bánh rơi rớt từ tiệc tùng của qúy bạn. Để giúp đỡ họ, qúy bạn hẳn phải lấy của chính kho (substance), và không hẳn chỉ là khoản dư thừa của qúy bạn”.

Bất hạnh thay, nhiều người lại chỉ thích nghe Đức Thánh Cha nói tới các vấn đề bỏng nút. “Chúa Kitô đã sống lại!” có lẽ là lời công bố bạo dạn nhất, nhưng đối với giới truyền thông, đó chẳng phải là tin tức chút nào nên đâu đáng để tường trình. Càng là lý do khiến ta phải đọc trọn bộ các buổi nói truyện của Đức Bênêđictô, một bậc thầy ưu hạng, chứ không nên chỉ dựa vào những lời bình luận hãm độ của giới truyền thông (America, số 21 tháng Tư 2008)

Bác Ái

Ken Hackett, chủ tịch Cơ Quan Cứu Trợ Công Giáo thì nhấn mạnh đến Bênêđíctô, Giáo Hội và Bác Ái, được America trích đăng lại cùng số. Theo Hackett, Đức Thánh Cha cho rằng công việc bác ái hết sức chủ yếu trong sinh hoạt Giáo Hội cũng như trong cuộc sống thiêng liêng của mọi thành viên Giáo Hội. Trong Deus Caritas Est, ngài viết: “Giáo Hội không thể sao lãng mục vụ bác ái cũng như không thể sao lãng Các Bí Tích và Lời Chúa được nữa” (số 22).

Đức Thánh Cha minh xác rằng yêu thương người lân cận, trợ giúp họ, hiện diện với họ lúc họ cần, đối với người Công Giáo, không còn phải là nhiệm ý nữa. Lòng bác ái Kitô giáo không phải chỉ là một hình thức khác của lòng vị tha, đúng hơn nó bắt rễ trong chính linh đạo của chúng ta.

Do đó phương thức bác ái Công Giáo phải là: “Dù khả năng chuyên nghiệp là đòi hỏi đệ nhất và căn bản đi chăng nữa, nó không tự mình đầy đủ. Ta giao tiếp với những con người nhân bản. Mà con người nhân bản thì không chỉ cần đến việc chăm sóc đúng nghĩa kỹ thuật. Họ cần tình người. Họ cần một quan tâm ân cần từ trái tim” (số 31).

Nghĩa là một thái độ cởi mở và khiêm hạ đi theo, xây cầu thông cảm, cầu cảm thương và cầu công lý, một lối nói khác của tình liên đới hoàn cầu. Ta được kêu mời làm thành Một Gia Đình Nhân Bản.

Theo Hackett, trong khi giới truyền thông rất có thể chỉ chú ý tới những vấn đề gây chấn động, thì trên đây mới là sứ điệp của Đức Bênêđíctô mà ông hy vọng người Công Giáo Mỹ sẽ lắng nghe (America, 21 tháng Tư, 2008)

Thời Điểm

Có người như Dolores Leckey lại trích lời của linh mục Thomas SJ. Ông này khuyên người ta muốn hiểu rõ điều gì, thì bắt đầu nên hỏi “Bây giờ là mấy giờ vậy?”

Bà này nhớ lại cuộc viếng thăm của Đức Gioan Phaolô II năm 1979. Lúc ấy, bà đang làm việc tại Văn Phòng Hội Đồng Giám Mục Mỹ và bầu khí lúc đó nặng mùi lễ nghi, công an chìm nổi và ráng hết sức để có vé tham dự Thánh Lễ tại The Mall. Nhưng điều sống động nhất trong ký ức bà là cảm thức tự do. Không có rào cản, và dĩ nhiên chưa có Bộ An Ninh Quốc Nội (Dept. of Homeland Security). Dân thường đứng dọc hai bên Đại Lộ Hiến Pháp (chẳng cần có vé) để chiêm ngắm vị khách qúy áo trắng lúc ngài đứng trên xe mui trần, giang rộng hai tay, như muốn ôm lấy không phải chỉ riêng đoàn chiên của mình mà là cả dân tộc này. Buổi chiều hôm ấy, bà được tham dự buổi hòa nhạc tại sân cỏ Tòa Bạch Ốc (nhờ uy tín của một người bạn làm việc cho chính phủ Carter) và được mục kích cảnh Đức Gioan Phaolô II và Tổng Thống Jimmy Carter bước xuống cầu thang, khóac tay nhau như hai anh bạn chí tình, trước khi dàn đại hòa tấu New World của Dvorak bắt đầu. Bạn như nếm được hy vọng trong không khí mùa thu.

Việc ấy xẩy ra trước mưu toan ám sát Đức Giaon Phaolô và Tổng Thống Reagan, và trước thảm họa 11/9. Quả thuộc một thời điểm khác hẳn.

Bây giờ, Đức Bênêđíctô đến với một đất nước đang khốn khổ vì cuộc chiến bất tận, một nền kinh tế đang mỗi ngày một lẩy bẩy hơn, và thật nhiều chia rẽ về di trú. Người nghèo đang bị dấu đi. Ngài cũng đến với một giáo hội từng lao đao để mà sống còn cơn động đất gương mù giáo sĩ lạm dụng tình dục và nhiều bất năng lực lúc đầu nơi một số giám mục trước cơn khủng hoảng ấy. Căn cứ vào các nhận định sơ khởi, xem ra Đức Giáo Hoàng đã hiểu được nhu cầu người Công Giáo Mỹ cần có những nhà lãnh đạo trung thực, can đảm, chân chính biết tín nhiệm dân mình. Ta hy vọng các nhà lãnh đạo cả đạo lẫn đời sẽ lắng nghe ngài. Nhưng còn chúng ta thì sao, mình có chịu lắng nghe không?

Đức Bênêđíctô đến thủ đô một đất nước trong tư cách chủ chăn. Hãy để ngài nói về hòa bình và công lý, tha thứ và hòa giải cho cả giáo hội lẫn nhà nước. Thi sĩ Jessica Powers nói rằng muốn nhận được sự khuấy động của Thánh Thần, ta cần phải nghiêng mình. Nói cách khác, phải ra khỏi những chiếc hộp tự mình chế tạo ra từ trước.

Bây giờ là mấy giờ rồi vậy? Chắc chắn không phải là giờ, là thời đại của ngây thơ trong trắng. Hy vọng là giờ của nói thật và hy vọng thực (America, 21 tháng Tư, 2008).

Đại Học

Michael Sean Winters, một trong những blogger đắt khách hiện nay chú trọng tới bài diễn văn Đức Bênêđíctô sẽ đọc tại Đại Học Công Giáo Mỹ Châu, một bài diễn văn không kém quan trọng bằng bài diễn văn ngài sẽ đọc tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc.

Nhiều người cho rằng ngài sẽ lên tiếng chỉ trích giới Đại Học Mỹ. Điều ấy chắc chắn sai, vì đâu cần ngài phải thân chinh đến tận đây để làm việc đó. Bởi thế, chắc chắn ngài sẽ đề cập đến chân tướng hay bản sắc Công Giáo.

Bài diễn văn trên sẽ được đọc tại Đại Sảnh Đường tại trung tâm sinh viên. Winters từng tham dự buổi khánh thành trung tâm này trong đó các sinh viên trường âm nhạc trình tấu bản “Thánh Lễ” của Leonard Bernstein. Người ta tin chắc đó là bản sắc Công Giáo: trình bầy một nghệ thuật vĩ đại và một nền bác học cũng như văn hóa nẩy sinh từ đức tin Kitô giáo của chúng ta (America, 21 tháng Tư, 2008)

Xấu Hổ Sâu Xa…

Linh Mục James Martin S.J. nói đến việc Đức Bênêđíctô phá vỡ im lặng trước các suy diễn về việc liệu ngài có đề cập đến cơn khủng hoảng lạm dụng tình dục hay không. Trên máy bay tới Washington D.C., theo hãng Associated Press, Đức Thánh Cha tuyên bố: “Cả là một đau lòng lớn cho Giáo Hội Mỹ và cho giáo hội nói chung và cho cá nhân tôi nói riêng khi chuyện ấy xẩy ra… Tôi thật khó hiểu tại sao các giáo sĩ lại có thể phản bội sứ mệnh của họ cách đó… đối với trẻ em”. “Tôi thật xấu hổ và chúng tôi sẽ làm hết sức để trong tương lai chuyện ấy không thể xẩy ra nữa. Chúng tôi sẽ tuyệt đối loại bỏ các ấu dâm ra khỏi thừa tác vụ thánh”. Rồi ngài cho hay: “Có được các linh mục tốt là điều quan trọng hơn là có nhiều linh mục. Chúng tôi sẽ làm hết cách để hàn gắn vết thương này” (America, 21 tháng Tư, 2008)

Lăng Kính Truyền Thông Và Độc Tài Chuyên Gia

Michael Sean Winters lại có một bài nữa về cuộc viếng thăm của Đức Bênêđíctô, nhận xét rằng cái nhìn thần học sâu sắc của ngài chắc chắn đụng phải cơn gió lốc của thứ văn hóa 24/7 của truyền thông… Thay vì thông điệp, sách vở và bài giảng, sứ điệp của ngài sẽ được ống kính của CNN cũng như nền độc tài chuyên gia (punditocracy) lọc lựa rồi mới tới được đa phần dân Mỹ.

Chắc chắn một điều những đường lối sâu sắc ngài thách thức nước Mỹ sẽ được một số người nghe ra và với thời gian sẽ đào tạo và biến đổi ý thức nhiều người Công Giáo, khi các giám mục và linh mục trích dẫn lời Đức Giáo Hoàng trong các bài giảng của họ, khi lời ngài tìm được đường xâm nhập các giảng đường chủng viện, và các suy tư đầy tính cầu nguyện của ngài dẫn tới việc biết đánh giá một cách có suy nghĩ và có thích ứng làm thế nào để bóng Thập Giá và lời hứa của Phục Sinh có ảnh hưởng trên tất cả chúng ta. Nhưng trong đoản kỳ, chắc chắn sứ điệp của Đức Giáo Hoàng sẽ bị bóp méo hết nhận ra nổi, ngay cả nắm được cũng không.

Liệu người ta có nhận ra sứ điệp của ngài đối với chiến tranh nói chung và chiến tranh Iraq nói riêng? Liệu con người có nhận ra việc phải dựa vào cả lý trí lẫn niềm tin để nắm bắt chân lý về chính mình? Hay họ, cả những anh chàng cuồng tín tôn giáo lẫn tư bản chủ nghĩa tiêu dùng, vẫn tiếp tục coi mọi chân lý đều là tương đối và cổ võ một thứ duy thế tục đẩy lui mọi khả thể niềm tin? (America, 21 tháng Tư, 2008).

Người Chó Người Mèo

Trong khi ấy, trên tờ National Catholic Register, số các ngày 20-26 tháng Tư, 2008, Mark Shea lại có bài Benedict, The Cat People (Đức Bênêđíctô, Người Mèo).

Mark Shea bảo trên đời có hai loại người: người chó và người mèo. Người chó là người, như thánh Đôminicô, Con Chó nguyên ủy của Chúa, luôn nhìn lên Thiên Chúa và các quà phúc của Người mà kết luận rằng lòng đại lượng của Chúa là dịp để cảm tạ về mọi thứ tất cả, kể cả quà phúc Ba Ngôi, một quà phúc mà con người thật bất xứng một cách đến buồn cười, một cách đến phi lý, một cách đến hoàn toàn hài hước để mà nhận lãnh. Người chó không nghĩ rằng khi đụng đến quà phúc Giáo Hội, thì lòng trung thành chẳng phải là huy hiệu hổ thẹn mà là dấu chứng danh dự.

Người mèo là người đảo mắt nhìn quanh một lượt cái đống vĩ đại ơn phúc trên đời để rồi hãnh diện kết luận: “mẹ kiếp, hẳn mình phải là trân châu bảo ngọc! Dù sao, đây cũng chỉ là điều mình đáng được! Hẳn Thiên Chúa cũng phải ghen tị với mình!”

Trong cộng dồng Công Giáo, người ta miêu tả thái độ đó bằng thuật ngữ “sở hữu” Giáo Hội. “Bọn ta mới là Giáo Hội” với ngụ ý Bọn Họ (tức những ai không chịu bất đồng với Huấn Quyền) Không Sở Hữu Giáo Hội, Bọn Nhân Dân Ta Mới Sở Hữu Giáo Hội.

Dưới hình thức cực đoan hơn, ta thấy có ý niệm cho rằng những thứ như đóng đinh, đau khổ và tội lỗi chỉ là những thuật ngữ đen tối của thời Trung Cổ do các giáo sĩ hận đời đặt để. Theo đường lối suy nghĩ này, lý do thực sự của Nhập Thể là Thiên Chúa muốn làm người chỉ là để cảm nghiệm những điều kỳ thú của chúng ta.

Thật ra chúng ta làm sao sở hữu được Giáo Hội. Những kẻ hay chết làm sao làm được điều đó. Giáo Hội là của Chúa Kitô, Đấng đã ban nó cho chúng ta vì chúng ta là những tạo vật đồi trụy đến độ đã đóng đinh Ngài vào thập giá chỉ để mua vui và rồi đứng gần đó mà nhạo cười Người khi Người sinh thì.

Ngài bị lôi cuốn xuống đây, chẳng phải vì những kỳ thú của chúng ta, nhưng chỉ vì Ngài là Tình Yêu, dù là yêu những tạo vật khốn nạn là chúng ta.

Dĩ nhiên, trên đời này, điều lạ lùng là một số người mèo đã tiệm tiến biến cải trở thành người chó xuyên qua diễn trình gọi là “thống hối”. Cũng thế, một số người chó vẫn đang trên đà tiệm tiến trở thành người mèo dưới tác động của nền văn hóa tiêu thụ của chúng ta. Bởi thế, Chúa dạy ta không được phán đoán. Những người bề ngoài có vẻ chó hơn hết, cả cái con người ở trong gương đây, bất cứ lúc nào cũng có thể đang có mặt trong diễn trình từ từ khép lòng mình đối với Thiên Chúa. Ngược lại, những người mèo đang phun ra đủ nhảm nhí đầy khoe khoang khoác lác về Tân Giáo Hội, rất có thể trong lúc này, đang hiểu ra nhu cầu mình cần đến Chúa Giêsu Kitô và cái trống rỗng của thứ văn hóa Tân Đại. Việc ấy kết cục ra sao vào ngày sắp xếp lịch sử vĩ đại thì chỉ có Chúa mới biết được.

Nhưng như C.S. Lewis từng nhận xét, cuối cùng, chỉ còn những người nói với Chúa “Ý Cha thể hiện” hay những người bị Chúa phán “ý bay được toại nguyện”.

Trong chiều hướng ấy, Đức Bênêđíctô quả là người chó hoàn toàn và là một mục tử tốt lành của đoàn chiên. Chẳng lạ gì người ta gọi ngài là “German Shepherd” (shepherd vừa có nghĩa mục tử, vừa chỉ giống chó người Việt thường gọi là chó bẹc-giê, chó chăn chiên)

Mozart Thần Học

Cũng trong chiều hướng dọn đường cho chuyến viếng thăm của Đức Bênêđíctô, tạp chí The National Catholic Register cũng có một bài của Brennan Pursell ví ngài như Mozart Thần Học, không những vì nét trong sáng và đơn sơ trong lối hành văn dù là để trình bầy những chủ đề khó nhá nhất. Nhưng còn là vì ngài thường viết và cho công bố một lèo.

Thực vậy, Mozart thường sáng tác trọn danh phẩm trong đầu rồi viết xuống một lúc. Đức Bênêđíctô cũng vậy, đã viết là viết một hơi trọn tác phẩm của mình. Một thứ thiên tài chẳng nhỏ.

Tại Sao Nước Mỹ Cần Đức Giáo Hoàng?

Đó là tựa đề một bài báo của linh mục Dwight Longenecker đăng trên tờ The National Catholic Register, cùng số các ngày 20-26 tháng Tư, 2008.

Theo tác giả, người Anh Giáo có chiếc “kiềng ba chân” để giải thích việc họ hiểu thẩm quyền trong giáo hội. Ba chân đó là Thánh Kinh, Thánh Truyền và Lý Lẽ Nhân Bản.

Thoạt nghe, xem ra đó quả là căn bản tốt để quyết đoán. Tuy nhiên, không có thẩm quyền đáng tin cậy bên ngoài, cả ba chân kia đều không vững.

Thánh Kinh tự nó có thể được sử dụng để chứng minh bất cứ điều gì. Cả hai phía đều có truyền thống giải thích bắt Thánh Kinh phải nghiêng về các kết luận do mình định trước. Giải thích Thánh Kinh vì thế tùy thuộc các giả thiết có trước.

Nếu bạn ủng hộ đồng tính luyến ái, bạn sẽ giải thích Thánh Kinh một chiều. Nếu bạn chống đối nó, bạn lại giải thích Thánh Kinh theo chiều khác. Hai chân kia cũng thế. Thánh Truyền và Lý Lẽ Nhân Bản phải là các lực lượng bên ngoài lên khuôn cho tâm trí tín hữu. Nhưng thực tế, tâm ấy đã được định mà trí ấy cũng đã được lên khuôn cả rồi. Nên Thánh Truyền được đào xới làm chứng cớ bênh vực cho nguyên cớ riêng của người ta, còn Lý Lẽ Nhân Bản được dùng như khí cụ thắng tranh luận, lèo lái chứng cớ, tăng sức nặng cho lý luận và bóp méo sự thật.

Kết quả không phải là kiềng ba chân nữa mà chỉ là cây gậy trò chơi lò so pogo stick cho thần học. Mỗi giáo phẩm, mỗi giám mục, mỗi thần học gia, mỗi linh mục đều ráng dùng pogo stich của mình để thắng cuộc đua. Ai cũng ráng nhẩy quanh để giữ thăng bằng, cố gắng đứng vững trên gậy đồng thời ráng tiến về phía trước để đo ván đối thủ.

Người Công Giáo hình như cũng không thoát được tình thế trên. Phe bảo thủ trình bầy đủ thứ chủ trương từ chủ thuyết Trống Tòa (sedevacantism: tòa Phêrô trống ngôi từ ngày Đức Piô XII qua đời) tới việc cổ vũ lòng sùng kính thời xưa, các chính nghĩa cực hữu và Thánh Lễ La Tinh. Phe tiến bộ thì cổ vũ đủ thứ từ quyền người đồng tính, linh mục phụ nữ, lý thuyết Mác-xít tới canh tân phụng vụ.

Cả hai bên đều là những người thành tâm, người cầu nguyện, tin mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, thành thực tin rằng Thánh Kinh, Thánh Truyền, Lý Lẽ Nhân Bản đứng về phía mình. Không ai chịu nhận là mình đã sử dụng chúng như tài nguyên để chứng minh, làm tiền lệ quá khứ và lý lẽ nghe được để hỗ trợ cho lý lẽ đặc thù của mình. Cứ thế mà kình chống nhau, mà rút lui chờ thời, chờ hiệp sau hiệp tới.

Đó là lý do tại sao Giáo Hội ngày nay hết sức cần, không phải cái thứ kiềng ba chân, mà là Ngôi Tòa Phêrô. Ngôi tòa này có đến bốn chân: Thánh Kinh, Thánh Truyền, Lý Lẽ Nhân Bản và Sự Kiện, hay Lương Tri (Common Sense). Bên trên bốn chân đó là ghế ngồi (seat) mà cả bốn chân kia được ráp vào. Ghế ngồi đó chính là huấn quyền. Huấn quyền chính là thẩm quyền giảng dạy thống nhất, liên tục, sống động, phổ quát của Giáo Hội Công Giáo…

Để chứng tỏ cái Ghế Ngồi ấy không phải là món đồ bảo tàng viện, phải có người ngồi. Người ngồi ấy chính là Đức Giáo Hoàng, người kế vị của Phêrô. Thẩm quyền của Đức Giáo Hoàng vượt trên mọi thứ tầm phào của mốt kiểu cá nhân, của thời gian và uy tín chính trị. Thẩm quyền ấy vượt trên các áp lực địa phương, khuynh hướng tri thức, thế lưỡng nan luân lý và các ý kiến xã hội chủ quan.

Bởi thế, khi Đức Giáo Hoàng tạm biệt Nước Mỹ sau cuộc viếng thăm vắn vỏi của ngài, nước Mỹ vẫn cần tới ngài. Chúng ta cần tới ngài vì ngài giúp ta vượt lên trên nước Mỹ. Ngài giúp ta hiểu ra rằng còn có điều gì đó lớn hơn chính chúng ta; điều gì đó còn lớn hơn cả đất nước vĩ đại này.

Vũ Văn An

URL: http://danchuausa.net/giao-hoi-hoan-vu/ben-le-chuyen-duc-thanh-cha-tham-my/