Trích từ Dân Chúa

ẤN ĐỘ: Người Công giáo lập kỷ lục thế giới bằng cách hát liên tục trong 40 giờ

UCAN

MANGALORE, Ấn Độ (UCAN 31-1-2008) – Người Công giáo nói tiếng Konkani ở miền nam Ấn Độ đã lập một kỷ lục thế giới mới bằng cách hát liên tục trong 40 giờ, nhằm nỗ lực đẩy mạnh các khía cạnh văn hóa độc nhất vô nhị trong đức tin của họ.

Các linh mục, tu sĩ và giáo dân ở thành phố biển Mangalore đã tham gia buổi ca nhạc hôm 27-1, phá kỷ lục trước đó là 36 giờ do một nhóm Kitô hữu ở Brazil lập vào năm 2004.

Mangalore, thuộc bang Karnataka, cách New Delhi 2.290 km về phía tây nam, là một trung tâm của người Công giáo nói tiếng Konkani. Hiện có khoảng năm triệu người nói ngôn ngữ này, phần lớn liên hệ đến người Công giáo trên bờ biển tây nam Ấn Độ. Những người nói tiếng Konkani còn sinh sống ở các bang Goa, Maharashtra và Kerala.

Chị Juliet Lobo, nữ tu thuộc dòng Nữ vương các Tông Đồ giúp đạo diễn chương trình hát phá kỷ lục này, cho UCA News biết có khoảng 1.700 ca viên trong 44 nhóm đã hát liên tục, khoảng cách giữa các bài hát và các nhóm hát chưa đến 10 giây. Ca viên đa số đến từ các giáo xứ Công giáo ở Mangalore, Goa và Maharashtra, ngoài ra còn có những người Công giáo nói tiếng Konkani đến từ các quốc gia thuộc Vịnh Ba tư.

Chị Lobo nói: “Ngôn ngữ Konkani và đức tin Công giáo chúng ta liên kết với nhau, và chúng ta không thể tách rời nhau”.

Mandd Sobhann, một tổ chức văn hóa Konkani, tổ chức chương trình Konkani Nirantari (liên tục). Người sáng lập tổ chức này là Eric Ozario nói với UCA News rằng mục đích của chương trình là “làm thấm nhuần ý thức tự hào, tự trọng và tính độc nhất vô nhị nơi những người nói tiếng Kokani trên khắp thế giới”.

“Chúng tôi là một cộng đồng nhỏ và sự Tây hóa đang làm xói mòn văn hóa chúng tôi”, ông Ozario nói. Ông khẳng định một cộng đồng chỉ phát triển “khi đoàn kết, bén rễ sâu trong văn hóa và tự hào về văn hóa mình”. Do di cư và các nguyên nhân xã hội khác, một số người Công giáo nói tiếng Konkani theo thời gian đã chuyển sang “một văn hóa tiếng Anh, quên cội nguồn văn hóa phong phú của mình”, ông nói.

Keith Pullin, một giám khảo của Guinness Thế giới, đã giám sát buổi biểu diễn này. Ông nói với UCA News rằng ông “ngạc nhiên trước tính kỷ luật của các nhóm hát, và kỹ năng trình diễn của họ” tại sự kiện này. Ông lưu ý

Comunidade Evangelica Luterana (cộng đoàn Truyền giáo Luther) ở Brazil đã lập kỷ lục trước.

Sự kiện ở Mangalore được tổ chức dưới sự giám sát chặt chẽ, và thời gian giữa hai bài hát không được phép cách nhau quá 10 giây. Mỗi nhóm hát trình diễn khoảng một giờ, không được lập lại bài hát, và người hát không được xuất hiện hai lần. Các nhóm nhạc công thay đổi bốn giờ một lần.

Chị Lobo cho biết có khoảng 600 bài hát được trình diễn trong chương trình, tất cả đều là thánh ca Kitô giáo hay các bài hát nói về đức tin.

Clara D’Cunha, một người nội trợ, đã phải “thu xếp” thật nhiều mới có thể tham gia tập luyện ba giờ mỗi tối tại giáo xứ. Bà nói với UCA News: “Nhưng tất cả những hy sinh của chúng tôi là vì đại nghĩa, và tôi hạnh phúc về điều này”.

Bà cảm thấy “tự hào” khi giúp “cộng đồng nhỏ” của bà lập kỷ lục thế giới, trong khi nhiều sắc tộc lớn hơn ở Ấn Độ chưa làm được. Bà nói thêm: “Đối với chúng tôi, ngôn ngữ, văn hóa và đức tin của chúng tôi là một và giống nhau”.

Luis Pinto, trưởng ban tổ chức chương trình, xem sự kiện phá kỷ lục này còn là cách ca ngợi đức tin Kitô giáo. “Giáo hội không trực tiếp tham gia tổ chức chương trình”, ông thừa nhận, nhưng đây “cũng là sự kiện của Giáo hội, vì tất cả chúng tôi là Kitô hữu”.

Đức Giám mục Aloysius Paul D’Souza của Mangalore đã khai mạc chương trình này, được tổ chức tại một thính phòng công cộng, sáng ngày 26-1. Chương trình kết thúc lúc 22 giờ ngày hôm sau, với lời tuyên bố lập kỷ lục mới của người giám khảo.

Nữ tu Lorra Rodrigues, phó bề trên tỉnh dòng Nữ vương các Tông Đồ, cho UCA News biết nhóm của chị đã luyện tập gần hai tháng. Chị nói: “Chúng tôi học các bài thánh ca mới, và sẽ hát ngay cả sau sự kiện này”.

Linh mục Ramesh Naik, cha sở dẫn theo một ban nhạc đến từ Mumbai, nói với UCA News rằng môi trường văn hóa Konkani đã đóng một vai trò lớn trong việc hình thành “đức tin và văn hóa của chúng tôi, và nó phải được giữ gìn”. Ngài là người bảo trợ chính cho sự kiện này.

UCAN

URL: http://danchuausa.net/giao-hoi-hoan-vu/an-do-nguoi-cong-giao-lap-ky-luc-the-gioi-bang-cach-hat-lien-tuc-trong-40-gio/