Trích từ Dân Chúa

Những chuyện buồn cuối năm

Lm Anmai, DCCT

Những năm gần đây, mặc dù các phương tiện thông tin đại chúng vẫn lu loa rằng đất nước đang trên đà phát triển! Thật ra cũng đúng một phần nhưng phần lớn còn lại của thông tin ấy không thật. Vì sao? Vì cứ nhìn vào đời sống chung của mọi người thì ai ai cũng thấy một sự thật không chối cãi được đó là đời sống của đa phần người dân ngày càng rơi vào cảnh chật vật hơn.

Năm nay, chỉ còn 2 tuần nữa là mọi người đón Tết. Lẽ ra, mọi người sẽ nô nức, sẽ hân hoan như mọi năm nhưng năm nay tình hình khác hẳn. Dường như mọi người, chẳng ai còn để ý đến việc chia tay với năm cũ nữa cả vì tình hình thực tế thật bi đát. Có chăng chỉ dự trữ một chút thức ăn gì đó cho vài ba ngày tết nghỉ ngơi ngại biếng ra phố chợ thôi.

Thử dạo quanh một vòng các phố chợ, ta sẽ thấy một màu đen u ám buồn!

Đến với những người nghèo di dân sống ở những phòng trọ bình dân ở Bình Dương mọi người sẽ rõ. Con số đưa lên mặt báo là hơn 1000 công nhân bị sa thải trước tết, vài công ty đóng cửa nhưng thật sự thì con số ấy lớn hơn nhiều. Những chủ phòng trọ nay cũng phải méo mặt với cái tình trạng thất nghiệp như hiện nay. Với những người kha khá một chút thì họ còn cơ may tìm cái gì đó để siết nợ nhưng với những người nghèo “tha phương cầu thực” chẳng có gì để mà xiết, để mà trừ nợ cả. Những chủ phòng trọ bình dân ấy cùng chung chia với số phận của những kẻ tha phương cầu thực. Họ bị nợ lương vài tháng trước nay lại bị sa thải khi cái tết cận kề thì làm sao mà có đủ tiền để thanh toán tiền phòng!

Mọi năm thì những kẻ tha phương cầu thực ấy còn có cái “giấc mộng hồi hương” sau một năm ra sức “cày” nơi đất khách quê người còn năm nay thì chẳng mấy kẻ trông mong niềm mơ ước ấy! Vậy là năm nay họ phải ở lại với vùng đất mà vì hoàn cảnh họ phải đặt chân đến trong nỗi buồn của nền kinh tế suy thoái!

Có những đôi bạn tưởng chừng cuối năm nay sẽ cùng nhau xây tổ uyên ương như đã dự định từ năm trước nhưng nay “giấc mộng vàng” ấy cũng tiêu tan! Các bạn ấy vun vén cho mình những đồng lương ít ỏi và dự định cuối năm nay sẽ cưới nhưng rồi đành phải gác lại vì hậu quả của cơn khủng hoảng kinh tế!

Cũng do báo chí đưa tin là 30.000 người bị mất việc làm trong năm 2008 và trong năm tới 2009 không biết con số đó sẽ tăng vượt đến chừng nào!

Bên cạnh cái khó mà xã hội đang đối diện với những người mất việc thì còn có cái khó của các tệ nạn xã hội. Tỷ lệ cai nghiện hiện tại đang một ngày tăng cao. Số con nghiện được đưa vào trong các trung tâm cai nghiện ngày càng nhiều. Những con nghiện ấy hiện nay dường như không còn chỗ chứa đến độ phải cho về trước niên hạn những người được cải tạo. Vui hay buồn khi số con nghiện cũng như số bệnh nhân sida ngày càng gia tăng như vậy?

Vài tháng trở lại đây, tình hình an ninh xã hội không như người ta báo cáo, không như người ta tổng kết.

Cách đây vài hôm, sau khi tham dự giờ Chầu ở nhà thờ Tân Định, vừa dắt xe ra khỏi bãi thì một tiếng la thất thanh “cướp! cướp! cướp!”. Nhìn ra bên đường thì dòng xe đang nối đuôi nhau từng chiếc một nhưng kẻ cướp vẫn cố gắng chiếm đoạt được những gì làm thoả mãn cơn đói thuốc của chúng. Chúng vụt chạy và mọi người đều ngao ngán đứng nhìn cái cảnh đau thương trước mắt mình.

Nhìn những khuôn mặt “búng ra sữa”, non choẹt của thế hệ 8X tra tay vào còng số 8 tôi cảm thấy đau lòng làm sao ấy! Trách chúng hay trách cha mẹ? Tại sao chúng lại ra như cái nông nỗi như vậy? Nếu như xã hội có một nền giáo dục tốt thì làm sao có những “sản phẩm đặc biệt” như vậy?

Thật ra mà nói thì có đó nhiều công trình, nhiều cao ốc vẫn cứ ngày đêm ló dạng. Thế nhưng, đó chỉ là những hình ảnh bề nổi của cuộc đời, thực chất bên dưới của đa phần người dân nghèo vẫn rơi vào tình trạng lây lất!

Đừng vội mừng khi nhìn thấy những ngôi nhà chọc trời cứ vun vút mọc lên! Chúng chính là nguyên nhân khôn lường của việc phân chia giai cấp trong xã hội. Rồi đây sẽ có những người đã giàu càng giàu thêm và rồi những người nghèo lại nghèo thêm. Bi đát một chỗ là những người giàu ấy lại là con số rất khiêm tốn còn những người nghèo lại chiếm đa phần trong xã hội.

Năm hết tết đến nhưng trong lòng đang trào dâng những nỗi buồn man mác! Dẫu biết rằng đời tu của mình dẫu thế nào đi chăng nữa cũng có cơm ăn ngày 3 bữa. Thế nhưng đâu phải mình sống chỉ có mình mình, nhất là quanh mình vẫn còn đó những con người nghèo, những con người phải chạy ăn từng bữa. Liệu rằng những bát cơm vơi đầy mà ngày ngày mình thụ hưởng có vui chăng khi cạnh mình còn có quá nhiều người đang lâm vào cơn đói!

Tết! Tết! Tết đến rồi!

Tết! Tết! Tết đến rồi! nhưng lòng chẳng thấy vui khi cuộc sống còn ngổn ngang những lo toan, những bôn ba của cuộc đời!

Lm Anmai, DCCT

URL: http://danchuausa.net/giao-duc/nhung-chuyen-buon-cuoi-nam/