Trích từ Dân Chúa

Hôn Nhân - Tình Yêu Phái Tính

Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh, BVL

Tình Yêu Phái Tính: Nhân Duyên Cuộc Đời

Nếu hôn nhân hiệp thông xã hội thì phái tính chính là yếu tố xã hội bẩm sinh nơi con người. Thế nhưng, phái tính chính là yếu tố xã hội bẩm sinh nơi con người ấy không phải giống như phái tính đực cái nơi xã hội loài vật, loài tìm đến nhau hoàn toàn theo bản năng và chu kỳ tự nhiên. Ở chỗ, khi con cái đến thời kỳ của nó, và con đực một khi ngửi thấy mùi của con cái, liền tự động tìm đến với con cái, để cùng với con cái làm việc truyền giống và bảo tồn giống loài của chúng một cách vô thức.

Việc con đực tìm đến với con cái nơi xã hội loài vật cũng phản ảnh xu hướng tự nhiên nơi xã hội loài người, qua việc phái nam vốn có khuynh hướng tìm đến với phái nữ, một cử chỉ hay hành động được xã hội loài người gọi là “cua gái”, “tán gái”. Còn việc con cái nơi xã hội loài vật để cho con đực “chồng” lên thân mình khi tới thời kỳ của mình, cũng phản ảnh xu hướng phái đẹp thích được phái nam theo đuổi và cảm thấy hãnh diện vì mình có giá nên được nhiều kẻ để ý, thậm chí có những lúc phái yếu của họ đã “sa ngã” vào vòng tay khéo vuốt ve của phái nam, đến độ chẳng những tự động hiến thân cho việc chiếm đoạt của phái mạnh, mà còn cảm thấy những gì vẫn được ngôn từ tình ái gọi là “thoải mái”.

Tuy nhiên, giữa việc tìm đến với nhau nơi loài vật và loài người hoàn toàn khác nhau. Trong khi loài vật tìm đến với nhau chỉ theo bản năng của con đực và chu kỳ của con cái, thì loài người tìm đến với nhau theo hấp lực của tình ái.

Vẫn biết, thực tế cho thấy, có những trường hợp con người phái mạnh tìm đến với con người phái yếu hoàn toàn theo bản năng chiếm đoạt về tình dục của mình, được gọi là “hiếp dâm”, hay phái đẹp theo hấp lực xác thịt của mình, cũng có những cử chỉ hay hành động nhục dục được gọi là “khiêu dâm” hay “mãi dâm”. Tuy nhiên, bình thường ra, theo tự nhiên, con người, cả phái nam lẫn phái nữ, thực sự tìm đến với nhau theo khuynh hướng phái tính hay hấp lực tình ái. Ở chỗ, vì tình ái liên quan đến tự do hơn là bản năng, do đó, trong khi tìm đến với nhau theo khuynh hướng phái tính, con người nam nữ cũng tìm đến với nhau theo cái “duyên” của mình nữa. Nghĩa là, họ chỉ yêu thương nhau và hiến thân cho nhau, trước hôn nhân hay trong hôn nhân, khi hợp với nhau mà thôi, khi cảm thấy “perfect match”, hoàn toàn “xứng đôi vừa lứa”, chứ không phải gặp ai cũng nhào tới, như con đực tìm đến với con cái khi tới thời kỳ của con cái, hay không phải gặp ai cũng hiến thân, như con cái khi tới kỳ của mình thì để cho con đực chiếm đoạt.

Đó là lý do, khi không hợp với nhau nữa về phương diện tâm lý, hai con người nam nữ liên hệ với nhau về tình dục, ngoài hôn nhân hay trong hôn nhân, họ sẽ đi đến chỗ bỏ nhau, không tìm đến với nhau theo nhục dục nữa, nếu chưa chính thức lấy nhau, hay không sống với nhau theo xác thịt nữa, nếu đã thành vợ chồng. Đó cũng là lý do, ngôn ngữ loài người dùng chữ “giao cấu” cho loài vật, còn chữ “giao hợp” cho con người, một tác động liên hệ xác thịt của loài người, kể cả ngoài hôn nhân, tức một tác động sinh lý nhân bản, một tác động, theo tư thế tự nhiên nhất, được thực hiện bởi hai thân xác đối diện với nhau, áp vào nhau, chứ không ấp lên nhau như nơi loài vật.

Tình Yêu Phái Tính: Trưởng Thành Con Người

Tuy nhiên, dù con người có tìm đến với nhau và nên một xác thịt với nhau theo khuynh hướng phái tính hay hấp lực tình ái như thế, chứ không phải thuần bản năng như nơi loài vật, nguyên nhân chính yếu của khuynh hướng phái tính và hấp lực tình ái này cũng không phải hoàn toàn thuần thể lý, như phái nam tìm đến phái nữ chỉ vì nhan sắc hay duyên dáng hấp dẫn nơi phái nữ, hoặc thuần sinh lý, như phái nữ chấp nhận phái nam chỉ vì tầm vóc hay sức lực dồi dào nơi phái nam. Thế nhưng, cũng nhờ chính những yếu tố ngoại tại thần tượng này, những yếu tố thuần phái tính đầy hấp lực tình ái này, con người nam nữ mới có thể nhận ra hay tìm được chính bản thân mình, một bản thân mà, một khi gặp được rồi, họ cảm thấy không thể nào bỏ được nữa, không còn một cá nhân nào có thể thay thế “ý trung nhân” đó của họ nữa, thậm chí họ không thể nào sống mà không có đối tượng lý tưởng duy nhất này, và từ đó họ đã quyết định tiến tới hôn nhân, nên một thân thể với nhau, coi nhau và gọi nhau là “mình”, là bản thân mình của nhau.

Thật vậy, trong tiến trình phát triển tâm lý nơi con người, chính lúc con người ở vào lức tuổi dậy thì, lứa tuổi vừa phát triển về cả thể lý lẫn tâm lý, lứa tuổi con người đang tìm kiếm bản thân mình, đang muốn biết mình là ai và như thế nào, thì cũng lại là chính lúc con người bắt đầu biết yêu, bắt đầu hướng ngoại, cho đến khi thấy được đối tượng yêu, tìm được ý trung nhân, gặp được người tình lý tưởng. Như thế, người tính lý tưởng của họ bấy giờ, ý trung nhân có một không hai của họ khi ấy, đối tượng yêu vô cùng khả ái của họ này, vào chính lúc thời gian họ đang tìm kiếm, khám phá và nhận thức bản thân mình như thế, không phải là chính bản thân khác của họ, một bản thân khác được ngôn từ loài người gọi là “tha nhân” hay sao? Chính tình yêu phái tính, và chỉ có tình yêu phái tính, mới có khả năng làm cho tha nhân trở thành bản thân, cho dù tha nhân ấy có khác mầu da ngôn ngữ, quốc gia chủng tộc, tôn giáo văn hóa, trình độ kiến thức, giai cấp xã hội v.v., qua một cơ cấu được gọi là hôn nhân, một cơ cấu hôn nhân hiệp thông xã hội.

Như thế, có thể nói, khi bắt đầu biết yêu là con người bắt đầu trưởng thành về phương diện tâm lý. Vì ngay lúc con người cảm thấy con tim khởi sự rung động trước một đối tượng yêu là con người bắt đầu khám phá ra bản thân mình. Ở chỗ, họ đã chẳng những biết mình là ai và như thế nào, mà còn, từ đó, thực hiện quyền tự do chọn lựa đối tượng yêu của mình nữa. Họ không yêu những đối tượng đầu đời hay trong đời họ gặp không hợp với họ. Một khi “phải lòng” một đối tượng nào, lòng họ tự nhiên được lấp đầy khoảng trống cô đơn, thiếu hụt, đến nỗi, lòng họ không còn chỗ cho một đối tượng nào khác nữa, cũng như không một đối tượng nào có thể lọt vào lòng họ được nữa.

Thế rồi, nếu tình yêu của họ được đáp ứng bởi đối tượng yêu, nghĩa là con người chẳng những biết yêu mà còn được yêu, thì họ lại càng cảm nghiệm được bản thân của họ hơn nữa. Họ cảm thấy mình có giá, ở chỗ, chẳng những chính họ nhận ra họ nơi đối tượng yêu, mà còn được chính đối tượng họ yêu nhận biết họ nữa. Cái giá của họ ở đây không phải là cái giá họ được ưu ái hơn người, tức được đối tượng yêu của họ chọn họ làm ý trung nhân duy nhất trên đời này, hơn tất cả mọi người khác, nhất là những người khác ấy lại là những người hội đủ điều kiện hơn họ, ngon hơn họ về bề thế gia đình, về công danh sự nghiệp, về tài năng duyên sắc v.v. Cái giá của con người khi bắt đầu biết yêu và được yêu ở đây đó là và chính là kiến thức về bản thân họ, là sự thật về con người họ: họ là ai và như thế nào!

Tình Yêu Phái Tính: Sự Thật Nhân Sinh

Thật vậy, sự thật về con người chủ thể yêu, được thể hiện sống động qua việc họ biết yêu, nhất là qua trường hợp họ được yêu, là giá trị cao quí nhất của mỗi một cá nhân con người, cũng như nơi mỗi một con người cá nhân. Như thế, có thể nói, yêu thương chính là tiến trình đi tìm mình, đi tìm khám phá ra sự thật về mình, một sự thật chất chứa tính cách hiệp thông xã hội và hướng về thực tại hiệp thông xã hội, một tính cách hiệp thông và một thực tại hiệp thông xã hội được hoàn toàn thể hiện qua đời sống hôn nhân gia đình. Một khi đánh mất sự thật này, tức một khi con người trực tiếp đánh mất bản thân mình, từ đó gián tiếp đánh mất xã hội tính hiệp thông nơi mình, con người sẽ trở thành hoang dại, buông thả, sẽ đi đến chỗ đổ vỡ và tan nát một cách hết sức thê thảm, như hiện tượng ly dị và phá thai, hiện tượng đồng tính luyến ái và đồng tính hôn nhân của con người văn minh về vật chất và nhân bản từ hậu bán thế kỷ 20 đến nay đã và đang tỏ tường cho thấy.

Vì sự thật về con người ở ngay chính phái tính con người và được diễn đạt hay thể hiện nơi cơ cấu hôn nhân mà sự thật này trước hết và trên hết liên quan đến sự sống. Bởi vì, phái tính không phải chỉ liên quan đến yếu tố tâm lý là hấp lực tình ái mà còn trực tiếp liên quan đến yếu tố thể lý là xác thịt nữa. Chính xác thịt mới cho thấy phái tính con người. Và chính xác thịt là phương tiện và là cơ sở để tình yêu phái tính bộc lộ, nhất là qua việc giao hợp giữa hai con người nam nữ yêu thương nhau trong cuộc sống hôn nhân vợ chồng, một tác động phát sinh sự sống. Đó là lý do hai thân xác nam nữ đã được Tạo Hóa cấu trúc khác nhau, để có thể giao hợp với nhau, một trong những tác động thiết yếu nhất để bày tỏ tình yêu phái tính. Bằng tình yêu phái tính này nơi con người, một tình yêu phái tính được thể hiện nơi đời sống vợ chồng làm phát sinh sự sống ấy, con người hoàn trọn những gì Tạo Hóa mong muốn và ấn định nơi thân xác phái tính của họ, nhất là nơi thân xác của người nữ. Chính vì thế, những bộ phận liên quan đến vấn đề sinh dục nơi người nữ đều có hai công dụng, nhận lãnh trước (từ chồng) ban phát sau (sinh con), hay thụ hưởng trước (bởi chồng) phục vụ sau (nuôi con). Bởi thân xác phái tính của con người đã được bẩm sinh cấu trúc với công dụng lưỡng diện như vậy mà nếu con người làm sai lệch đi định luật thiên nhiên này, họ sẽ không thể nào đạt được hạnh phúc, một hạnh phúc chân thật, cao cả và bền vững.

Không phải hay sao, nếu thân xác của con người chỉ biết nhận lãnh và thụ hưởng mà không biết ban phát và phục vụ, thì thân xác của họ chẳng khác gì như một con tem sống không bao giờ muốn bị đóng chấm để trở thành một con tem vĩnh viễn chết. Thế nhưng, tiếc thay, con tem sống ấy thực tế lại là một con tem chết, một con tem hoàn toàn vô dụng, không bao giờ được xài đúng như mục đích sống của nó. Hay thân xác của họ cũng giống như một chi phiếu có ghi số tiền đàng hoàng, theo đúng giá trị của nó, và được Đấng Hóa Công là chủ nhân ông tạo dựng nên thân xác của họ ký sẵn sàng và đề đích danh trả cho người được thừa hưởng. Thế nhưng, người mang thân xác ấy, với tư cách là quản lý viên, lại không bao giờ trao cho hay gửi cho người được thừa hưởng là thành phần con cái, để thân xác của họ vĩnh viễn trở thành một chi phiếu vô dụng, vô giá trị, dù nó có trẻ đẹp và hấp dẫn mấy đi nữa, song cùng lắm cũng chỉ có một giá trị thấp hèn ngang hàng với tình dục.

Tình Yêu Phái Tính: Sự Sống Phát Sinh

Ngược lại, nếu thân xác của con người chỉ được dùng, đúng hơn, bị dùng vào việc ban phát và phục vụ, như trường hợp bị hiếp dâm hay ép duyên, thậm chí cả trường hợp tà dâm hay ngoại tình, thì con người nói chung và thân xác của họ nói riêng chẳng khác gì như một thứ đồ vật, bất xứng với phẩm giá làm người của họ, phản lại với sự thật về con người theo đúng ý định của Đấng Hóa Công, Vị đã tạo dựng nên con người có nam có nữ để trước hết yêu thương nhau bằng một tình yêu phái tính, rồi từ đó, từ tình yêu phái tính trong hôn nhân này mới phát sinh sự sống, mới phát sinh ra những con người “linh ư vạn vật”. Tuy nhiên, không phải bất cứ con người nào được sinh ra bởi những cuộc hôn nhân bị ép duyên hay bị hiếp dâm hoặc ngoại hôn đều là những con người đáng khinh bỉ, không đáng làm người, hay chỉ là hiện thân nhục nhã của người mẹ, mà người mẹ có quyền sát hại nó trong lòng mình. Nếu người mẹ không tự mình mà có, thì con cái cũng vậy. Đứa con phát sinh từ những trường hợp ngoài ý muốn của người mẹ như thế càng chứng tỏ nó bởi trời hơn bởi đời, nên càng phải giữ lấy sự sống vô tội hết sức đáng thương này. Sát hại nó không phải là trả thù đời mà là chống lại nguồn mạch sự sống là Đấng Hóa Công.

Nếu sự sống là mục đích của và cho tình yêu phái tính, thì tình yêu phái tính phải hướng về và phát sinh sự sống. Nếu tình yêu phái tính, được hợp thức hóa bởi hôn nhân, chỉ vì chủ ý của vợ chồng, không dẫn đến sự sống, thì con người đã đánh mất sự thật về mình, đã sống ngược lại với bản chất của phái tính vốn hướng về sự sống. Nếu tình yêu phái tính liên quan đến sự thật về con người, mà sự thật này lại liên quan đến sự sống của con người như thế, thì những hành động phái tính nào không phát sinh sự sống đều là những hành động bất hợp pháp, những hành động phản với lề luật tự nhiên, trái với sự thật về con người. Những hành động phái tính bất hợp pháp, phản nhiên luật và trái sự thật này có thể kể đến là việc ngừa thai hưởng lạc, việc phá hủy bào thai, việc đồng tính hôn nhân v.v. Ngoài ra, còn có những hành động liên quan đến phái tính, chứ không phải trực tiếp bởi phái tính hay từ phái tính, dù những hành động liên quan đến phái tính này có làm phát sinh sự sống, nhưng vẫn có thể là những gì nghịch với sự thật về con người. Chẳng hạn phương pháp cấy thai ống nghiệm, hay kiểu cấy thai chửa mướn, hoặc phương pháp tạo sinh phi tính dục cloning. Tại sao? Bởi vì, con người không phải là một sản phẩm của khoa học và kỹ thuật, mà là một ngôi vị, một hoa trái của tình yêu phái tính, của ý thức tâm linh, và vì thế cần phải được thụ thai bởi chính tác động chất ngất ái ân giao hợp của cha mẹ.

Tóm lại, sự thật về con người liên quan đến tình yêu phái tính và được thể hiện nơi tình yêu phái tính có thể được tóm gọn như sau:

  1. chính ở vào giai đoạn dậy thì, giai đoạn con người đang tìm kiếm và khám phá bản thân mình lại chính là lúc con người biết yêu thương, hướng về người khác phái;
  2. chính lúc con người bắt đầu biết yêu thương và được yêu thương ấy, cũng chính là lúc thân xác phái tính của họ bắt đầu có khả năng sinh dục và sinh sản, một khả năng để họ có thể diễn đạt tình yêu phái tính và từ đó phát sinh sự sống;
  3. đó là lý do thân xác phái tính của họ, nhất là thân xác của người nữ, đã được bẩm sinh cấu trúc (built in) cho cả việc diễn đạt tình yêu phái tính và phát sinh sự sống này;
  4. như thế, qua tình yêu phái tính, con người được kêu gọi để, sau khi đã khám phá ra bản thân của mình qua đời sống hôn nhân nên một thân thể vợ chồng, họ sống cho đời, cho con cái. Hôn nhân hiệp thông xã hội là như thế.


Cùng chủ đề:
1. Kinh Cầu Thánh Gia
2. Hôn Nhân - Hiệp Thông Xã Hội
3. Hôn Nhân - Tình Yêu Phái Tính

URL: http://danchuausa.net/giao-duc/hon-nhan-tinh-yeu-phai-tinh/