Trích từ Dân Chúa

Cách Ứng Xử Làm Đẹp Cuộc Sống

Gioan Lê Quang Vinh

(Tóm tắt bài nói chuyện của Gioan Lê Quang Vinh tại Trung Tâm Mục Vụ TGP Sàigòn ngày 24/10/2009)

Website Thanhlinh.net kể chuyện vui như sau: Có một cha xứ khó tính nọ quyết định ăn chay 40 đêm ngày và đi tham dự buổi tĩnh tâm Mùa Chay đặc biệt. Cha được đánh động rất nhiều, nên khi vừa đi tĩnh tâm về tới nhà xứ, cha chạy vội vào khoe với bà giúp việc: “ Bà ơi, bà có biết không, cha xứ cũ của bà đã chết rồi”. (Ý cha muốn nói rằng: con người cũ của cha đã chết, và bây giờ cha đã thành một người mới). Nói xong, cha lấy một tấm bảng viết dòng chữ: "Cha xứ cũ của quý vị đã chết!" và cắm ở trước nhà thờ để báo cho mọi người biết cha đã được thay đổi. Được vài ngày sau, cha lại khó tính như xưa . Nhân lúc cha đang cử hành lễ Phục Sinh, bà giúp việc ra nhổ tấm bảng của cha lên và thay thế vào một tấm bảng khác. Sau khi làm lễ xong, cha bước ra khỏi nhà thờ và thấy tấm bảng của cha đã được thay thế bằng một tấm bảng mới. Cha tò mò lại xem ai viết gì trên tấm bảng. Cha ngạc nhiên thấy dòng chữ: "Chết 3 ngày thì Ngài đã sống lại".

Chuyện vui ấy nói lên rằng trong ứng xử giao tiếp ai cũng có cái gì đó làm người khác không vui, cha xứ hơi khó, giáo dân cũng không dễ, bà bếp lại càng khó! Chuyện khác, thấy Thảo Linh, vợ mình đi làm về trễ nhiều lần mà không giải thích vì sao, Tuấn rất bực bội. Một lần anh hỏi thẳng: “Cô đi đâu mà ngày nào cũng về trễ? Phụ nữ gì mà cứ la cà!”. Câu nói vừa thiếu tình cảm vừa đầy sự phán xét làm Thảo Linh thất vọng về chồng mình. Và cô cũng không vừa: “Ừ thì em thích la cà hư hỏng vậy đó”. Chiến tranh vợ chồng nổ ra ngay lập tức.

Tình huống rất ít tính nhân văn như thế là vấn nạn chung của con người và gia đình thời đại này. Một nhà tâm lý ở Hoa Kỳ là tiến sĩ Marshall Rodenberg đã nhiều năm nghiên cứu về ứng xử và đã viết nhiều sách cũng như mở các lớp học về phương pháp giao tiếp không có bạo lực (Nonviolent Communication, viết tắt NVC) để giúp giải quyết các xung đột gia đình. Ông giới thiệu đó là “Một phương pháp giao tiếp – nói và lắng nghe – giúp chúng ta trao cho nhau tấm lòng của mình, nối kết chúng ta với chính mình và với người khác theo một cung cách làm cho lòng nhân hậu nở hoa”. Phương pháp này đang được lan truyền mạnh mẽ và đã cứu được biết bao cặp vợ chồng mà sự xung đột tưởng như không còn cứu vãn được.

Những kiểu bạo lực

Rosenberg chỉ rõ ra rằng các cách ứng xử thiếu tình cảm có thể gọi chung là ứng xử bạo lực, làm cho cuộc sống nặng nề. Đó là việc phán đoán chủ quan, kết án quá vội vàng. Đó là đòi hỏi người khác phải làm điều này điều nọ theo ý mình mà không cần quan tâm đến cảm xúc và nhu cầu của họ. Đó là việc cho rằng hành vi này đáng thưởng hành vi kia đáng phạt.

Khi người chồng về nhà với một dấu vết lạ trên áo, người vợ có thể làm ba việc: thứ nhất, phán đoán: “Anh lại lăng nhăng, đi chơi với con nhỏ nào!”; thứ hai, không kềm chế cảm xúc, nổi giận hét lên “Anh làm thế mà được à?” thứ ba không nói rõ mình muốn gì, cứ la to “Anh đi luôn đi”. Và cách cư xử ấy rõ ràng là không có chút tình nghĩa nào. Đồng thời, cách cư xử ấy là vô trách nhiệm với chính tình cảm và cảm xúc của mình. Và tan vỡ cứ dần dần ló mặt!

Có một cách giao tiếp khác thọat nghe thì bình thường, nhưng Rosenberg cho rằng đó chính là bạo lực. Ấy là việc so sánh mình và hoàn cảnh của mình với người khác và hoàn cảnh của họ. Thúy An tốt nghiệp đại học nhưng chồng chỉ mới học hết cấp 3 bổ túc văn hóa. Tuy anh làm ăn giỏi, nhưng khi nói chuyện với chồng, cô thường phàn nàn “Giá mà anh học được như anh Lâm trưởng phòng của em thì anh đã…” Cách nói ấy được coi là bạo lực vì điều này rất dễ gây đổ vỡ trong gia đình. Khi so sánh chồng mình với người khác, Thúy An sẽ sống khổ sở, và làm cho chồng mình khổ lây. Hãy nhớ rằng Chúa ban cho mọi người những ân huệ khác nhau và không thể nói ai hơn ai kém.

Giao tiếp bằng tình cảm, không bạo lực

Rosenberg kêu gọi hãy sống và giao tiếp bất bạo động. Ông chỉ ra mấy điều căn bản sau đây mà chúng ta cần thực hiện ngay hôm nay, nếu muốn cuộc sống đẹp, tình cảm thăng hoa và các mối quan hệ trở nên dịu dàng hơn nhiều:

1. Quan sát mà không đánh giá.

Nhìn thấy người khác thực hiện một hành vi hay tỏ một thái độ, ta hãy khoan đánh giá là đúng hay sai, là tốt hay xấu. Cứ quan sát trước đi. Triết gia Ấn độ J. Krishnamurti cho rằng quan sát mà không đánh giá là dạng thức cao nhất của trí thông minh con người.

Chúa Giêsu đã phán: “Các con đừng đoán xét để khỏi bị xét đoán”. Nhưng cần phân biệt phán đoán luân lý khác với việc nhận định đúng sai. Chúng ta phải biết hành vi nào đúng và tốt, hành vi nào sai trái và xấu.

Một ví dụ cụ thể: nhìn thấy bạn gái mình vào quán café với anh chàng nào đó, bạn khoan hãy bảo cô ấy hư đốn, bất trung, bởi vì điều ấy hoàn toàn không chắc chắn. Nghĩ thế đã sai, đi nói với cô ấy như thế còn làm cô ấy bất bình và tự ái. Phải tách rời việc quan sát ra khỏi việc đánh giá. Quan sát là yếu tố quan trọng trong NVC, khi chúng ta muốn biểu lộ rõ ràng và chân tình đối với người khác. Khi chúng ta ghép chung quan sát và đánh giá là chúng ta bắt người khác phải nghe lời bình phẩm và chúng ta dễ gặp phản kháng.

2. Cảm xúc khi quan sát

Khi quan sát, ta sẽ có cảm xúc, hãy chú ý cảm xúc này. Phải phân biệt cảm xúc với suy nghĩ và phán đoán. Khi nhìn thấy bạn trai mình là Phước chở một cô gái tóc vàng, Bích Nga quan sát và thấy anh ấy chở cô gái chạy rất nhanh trước cổng trường. Cô bạn của Bích Nga bảo: “Hay là anh ta phản bội mày hở Bích Nga ?”. Nhưng rõ ràng đó là phán xét không có căn cứ. Nếu là em họ anh ấy thì sao? Bích Nga chỉ quan sát, biết thế, và có cảm xúc lo lắng, bất an. Cô ghi nhớ nỗi lo và nỗi buồn này.

3. Các nhu cầu căn bản

Bước thứ ba là dựa vào quan sát và cảm xúc ấy, ta xác định ta cần cái gì. Rosenberg nhắc lại các nhu cầu căn bản mà ta có thể xem xét: thứ nhất, nhu cầu độc lập và tự khẳng định mình. Thứ hai, nhu cầu được nhìn nhận và tôn trọng. Tiếp theo là nhu cầu hiệp thông về tâm linh. Ngòai ra còn có nhu cầu được chăm sóc, chú ý v.v…

Trường hợp Bích Nga trên đây, với cảm xúc ấy, cô có nhu cầu gì? Rõ ràng là nhu cầu được Phước, bạn trai mình quan tâm, chia sẻ và tôn trọng. Vậy cô phải làm gì?

4. Diễn đạt yêu cầu.

Trong giao tiếp, điều cản trở sự thông hiểu chính là không chịu diễn đạt hay diễn đạt khác ý mình muốn nói. Đã có nhu cầu và xác định được nhu cầu thì phải nói cho người kia biết mình muốn gì. Nói cách rõ ràng và cụ thể. Nói cách chân thành và xây dựng. Nhu cầu của mình cũng phải là nhu cầu chính đáng, làm phong phú thêm cho cuộc sống. Bích Nga đã xác định nhu cầu của mình là được tôn trọng, được quan tâm, thì cô cũng nên nói cho anh biết. Đừng nói kiểu nước đôi: “Anh như vậy mà được à. Thôi anh đi luôn đi”. Yêu cầu này vừa không tích cực vừa không diễn tả trung thực tâm hồn mình. Là người yêu quí tình cảm, Bích Nga nhỏ nhẹ nói: “Em thấy anh chở ai đó, em buồn và lo lắm. Lần sau anh đừng làm gì khiến em buồn được không anh?” Cũng là lời nói, nhưng lời này sẽ làm Phước suy nghĩ và yêu quí Bích Nga hơn.

Hai yếu tố chính của NVC

1. Diễn đạt chân thành.

Chúng ta được dạy phải hướng về người khác hơn là giao tiếp với chính mình. Do đó, việc diễn đạt ý kiến có vẻ dễ hơn diễn tả cảm xúc. Nhưng diễn đạt cảm xúc và tình trạng dễ thương tổn của ta có thể giải quyết các xung khắc. Khi diễn tả cảm xúc, nên dùng những từ ngữ cụ thể chính xác, chứ đừng dùng những từ ngữ mơ hồ hay chung chung.

Chúng ta cần chú ý là điều người khác làm có thể kích thích cảm xúc của ta, nhưng đó không phải là nguyên nhân của cảm xúc. Cảm xúc sinh ra là do ta chọn cách cảm nhận điều người khác nói hay làm.

Do đó đừng đổ lỗi cho người khác khi ta có cảm xúc buồn lo hay giận dữ. Đừng trách mình cũng đừng trách người mà hãy tìm cách biểu lộ cảm xúc ấy.

2. Đón nhận với sự thấu cảm

Thấu cảm, sâu xa hơn thông cảm, là khả năng hiểu và chia sẻ những cảm xúc, nhu cầu và tình cảm của người khác. Đó chính là khả năng biết đặt mình vào địa vị, hoàn cảnh và tình huống của người khác. Hãy có mặt và chỉ cần sự cómặt của ta, không làm gì cả, để lắng nghe những cảm xúc và nhu cầu của người khác. Cố gắng giữ thấu cảm lâu dài, chú ý có khi nỗi đau làm ta mất khả năng thấu cảm.

Thấu cảm có khả năng chữa lành, do đó có thể dùng thấu cảm xoa dịu những nguy cơ, dùng thấu cảm để làm hồi sinh cuộc đàm thoại thiếu sinh khí, và giữ thấu cảm trước sự lặng thinh của người khác.

Trong gia đình, nếu các thành viên biết lặng lẽ quan sát, biết chân thành diễn đạt cảm xúc và biết hiện diện bên nhau với thấu cảm sâu xa thì mọi bạo lực sẽ biến tan, mọi nguy cơ đổ vỡ sẽ không có cơ hội bùng phát và lúc đó, cuộc sống sẽ đẹp biết bao!

Gioan Lê Quang Vinh

URL: http://danchuausa.net/giao-duc/cach-ung-xu-lam-dep-cuoc-song/