Trích từ Dân Chúa

Thánh Mẫu Học của Mark Shea - một người thệ phản trở lại

Vũ Văn An

Đi thăm một tiệm sách Công Giáo ở Úc hay ở Mỹ hiện nay, ai cũng nghĩ rằng khó có thể viết gì thêm về Đức Mẹ. Nhưng lúc Mark Shea, một tác giả rất quen thuộc của người Công Giáo Mỹ hiện nay, đang suy nghĩ về việc chuyền niềm tin từ Thệ Phản qua Công Giáo, ông gặp được ít tác phẩm tổng hợp có thể giải quyết các quan tâm Thệ Phản của ông đối với học lý và lòng tôn sùng Đức Mẹ của người Công Giáo.

Theo ông, 20 năm sau, một cuốn sách như thế vẫn còn chưa xuất hiện, nên ông cố viết cho mình một cuốn và đó chính là tác phẩm“Maria, Mẹ Chúa Con” gồm ba cuốn do nhà Catholic Answers ấn hành, mà ông Trần Hữu Thuần đã chuyển ngữ sang tiếng Việt và phổ biến trên tủ sách Dũng Lạc. Hiện nay, Mark Shea là chủ bút kỳ cựu của Catholic Exchange và là cây viết thường xuyên của cả hai tạp chí Inside Catholic và National Catholic Register.

Mọi khía cạnh

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây dành cho hãng tin Zenit, Mark Shea cho hay lý do khiến ông viết tác phẩm trên là vì ông vốn chờ đợi một ai đó sẽ viết tác phẩm này từ lúc mới gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Nhưng chờ đợi cả 20 năm vẫn không thấy ai viết, nên ông quyết định thực hiện kế hoạch. Ông nghĩ điều này cũng thích đáng thôi, vì chỉ có ông mới hiểu rõ những vấn nạn nào, những điểm nghi ngại nào để trả lời. Còn về việc tác phẩm 3 cuốn này có xứng đáng đặt trên các giá sách hay không, thì Mark Shea trả lời là có, nó xứng đáng được đặt trên bất cứ giá sách nào. Theo ông, chưa có cuốn sách nào đã đề cập đến đủ mọi khía cạnh như tác phẩm của ông. Thí dụ, các sách nói về tín điều Đức Mẹ thì thường không đề cập tới các lần Đức Mẹ hiện ra. Các sách đề cập tới việc tôn sùng Đức Mẹ thì thường không giải đáp về việc Giáo Hội tìm đâu ra những tư liệu này về Đức Mẹ. Các sách nói về lịch sử phát triền học lý thường không nói về kinh mân côi. Nói tóm tắt, sách vở khá nhiều ở ngoài kia, nhưng phần lớn người ta không có thì giờ để định vị mọi nguồn tài nguyên cho hàng trăm câu hỏi về Đức Mẹ. Bởi đó, ông viết ra “Maria, Mẹ Chúa Con” như một “siêu thị” (one-stop shop) hầu như có đủ mọi vấn đề mà một người không phải là Công Giáo có thể có liên quan tới học lý và lòng sùng kính Đức Mẹ.

Tác phẩm này xử lý mọi nguồn tài liệu liên quan tới niềm tin và thực hành về Đức Mẹ trong phương thức tiếp cận của Công Giáo đối với Thánh Kinh, bốn tín điều về Đức Mẹ, các khía cạnh của lòng sùng kính, các mạc khải tư và các cuộc hiện ra cũng như những đường hướng tương lai trong đối thoại giữa Công Giáo và Thệ Phản về Đức Trinh Nữ Diễm Phúc.

Còn đối với những người e ngại Đức Mẹ, thì chính Mark Shea đã trải qua hết những xúc cảm ấy trong chính cuộc sống ông với đủ mọi vấn nạn và khó khăn mà một người không Công Giáo từng gặp. Nên theo ông, cuốn sách này quả xuất phát từ chính trái tim, lòng quả cảm và cả tâm trí ông nữa. Ông nhận rằng nó không có chi mới lạ cả, vì xét cho cùng nó chỉ là việc lặp lại toàn bộ Thánh Truyền mà thôi. Tuy nhiên sự lặp lại này cố gắng bao quát toàn bộ giáo huấn Công Giáo về Đức Mẹ, chứ không chỉ tập chú vào một lãnh vực chuyên biệt, và nó được viết ra để những người không phải là chuyên môn có thể hiểu được.

Những nhận thức giả hiệu

Theo Mark Shea, trong nền văn hóa Phương Tây, có rất nhiều nhận thức giả hiệu (pseudo-knowledge) về Đức Mẹ cũng như về Giáo Hội Công Giáo nói chung. Theo ông, nhận thức giả hiệu là những điều mà “ai cũng biết” không phải vì chúng có thật mà chỉ vì một ai đó nặng ký nói trên truyền hình hay một tạp chí ưa chuộng nào đó đã phát biểu, hay một vai ưa chuộng nào đó trong một cuốn phim đã bảo đó là sự kiện có thật, hay được người ta lặp đi lặp lại nhiều lần bên cạnh những thùng bia hay nước mát.

Nhận thức giả hiệu khiến người ta đi cùng khắp để lên tiếng như thể họ đã đọc hết các tài liệu về Liên Bang, nắm vững mọi chi tiết liên quan đến hiện tượng thay đổi khí hậu từ các nghiên cứu khoa học, thuộc làu làu mọi văn kiện của Công Đồng Trent nhưng thực ra không trích được năm chữ trong các tài liệu trên.

Điều họ biết thực sự chỉ là những điều vang dội lại từ truyền hình hay từ bằng hữu, bảo với họ rằng đó là “thường thức” liên quan tới chính phủ, khoa học hay Giáo Hội Công Giáo.

Chính vì thế, tại sao “mọi người đều biết” rằng “Đức Maria của Công Giáo” thực ra chỉ là một thứ nữ thần ngoại giáo được hâm nóng lại. Cái huyền thoại tân thời này từng được loan truyền quá lâu khiến không ai còn nghĩ đến việc tra vấn về nó nữa. Và khi bạn lên tiếng tra vấn, bạn mới khám phá ra: chả có tí chứng cớ nào. Vâng chả có tí gì. Không hề có một mảnh vụn chứng cớ lịch sử nào chống đỡ nó.

Giống mọi huyền thoại về Giáo Hội Công Giáo, nó phát sinh do việc biết Gíáo Hội một cách hời hợt. Người ta khó có thể hoàn toàn làm ngơ Giáo Hội và do đó đã chỉ phán đoán Giáo Hội dựa trên những ấn tượng rời rạc, tản mạn. Hơn nữa, phần đông những người không Công Giáo chỉ biết nghe những người không Công Giáo khác phao đồn những tin lá cải vô căn cứ mà cho là sự thật.

Vai trò Đức Mẹ

Theo Mark Shea, vai trò quan trọng nhất của Đức Mẹ là có sao tỏ ra như vậy. Đức Mẹ là “điển hình của Giáo Hội” như lời Thánh Ambrose nói. Sứ mệnh của Đức Mẹ vốn vậy từ ngày Chúa Giêsu ban ngài cho chúng ta với những lời này: “này là mẹ con”. Trong tư cách môn đệ gương mẫu, Mẹ Thiên Chúa, Trọn Đời Đồng Trinh, Vô Nhiễm và Mông Triệu, ngài không ngừng bầu cử cho chúng ta, và đôi khi còn được ủy quyền khẩn thiết kêu gọi người ta thống hối và xin ơn thánh nữa như ở Fatima và một số nơi khác.

Đối với việc Đức Mẹ liên tiếp hiện ra ở khắp nơi trên thế giới, Mark Shea cho rằng ngài chỉ có một sứ điệp để loan truyền, đó là “hãy làm bất cứ điều gì Chúa Giêsu bảo con”. Như ông đã nhấn mạnh trong “Maria, Mẹ Chúa Con”, cuộc đời Đức Mẹ là cuộc đời được nhắc tới một cách sâu sắc nhất trên trần gian. Mọi mạc khải tư riêng chân thực đều có chung điều này: tất cả đều giúp ta quay về với mạc khải công khai của Chúa Giêsu Kitô và truyền thống tông đồ của Giáo Hội. Sứ điệp của Đức Mẹ, chính vì thế, không có gì mới, xét về căn bản: Hãy tốt lành. Hãy tham dự Thánh Lễ. Hãy tin tưởng vào Chúa Kitô. Các em phải nói thật. Đại loại như thế.

Nếu bạn sống một cuộc sống Công Giáo nghiêm túc, vâng lời Giáo Hội, thực hành nhân đức, và năng chịu các bí tích, bạn đang làm mọi sự mà mọi thị kiến, mọi việc chữa bệnh cách lạ lùng, cả mặt trời quay nữa đang được Chúa đưa ra để nói với nhân loại.

Đức Mẹ cầu bầu

Được hỏi tại sao các văn kiện quan trọng của Giáo Hội, từ các tuyên bố của công đồng, như Lumen Gentium, tới các thông điệp giáo hoàng, như Caritas in Veritate, xem ra đều kết thúc bằng lời khuyên chạy đến với sự cầu bầu của Đức Mẹ, Mark Shea cho hay: Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ sự ưu việt so với mọi loài thụ tạo, nên ta có nghĩa vụ phải dành cho ngài sự tôn sùng đặc biệt (hyperdulia), vinh dự cao nhất có thể dành cho một thụ tạo. Nhưng “thụ tạo” chỉ là một hạn từ lạnh lẽo. Vào ngày Hiền Mẫu chẳng hạn, bạn không thể gửi cho mẹ bạn một tấm thiệp với hàng chữ “Tạo Vật Vinh Hiển Qúy Yêu”. Chắc chắn trên tấm thiệp bạn gửi, ít nhất cũng phải có hàng chữ này: “Má qúy yêu: con yêu má và con trân trọng mọi điều má đã làm và đã hy sinh cho con”. Giáo Hội cũng đã thưa như thế với Mẹ chúng ta.

Nhiều người cho rằng nói tới “các hy sinh” của Đức Mẹ là lấy đi vinh dự phải dành riêng cho một mình Chúa Giêsu mà thôi. Mark Shea bảo họ: bạn hãy tưởng tượng tới một nghi thức nhà thờ do cha mẹ xin để cầu cho người con chết tại chiến trường Iraq, trong đó vị linh mục chỉ tay về phía hai ông bà đang khóc lóc và nói: “Thiên Chúa là Đấng đã ban cho các cha mẹ này một người con và chính Người đã sai người con ấy đi chết vì tự do của nhân dân Iraq. Cha mẹ này có hy sinh gì đâu. Họ chỉ bằng lòng làm một phần trong kế hoạch của Thiên Chúa mà thôi”.

Chắc chắn không ai nói như thế về bất cứ hình thức hy sinh nào mà một người bình thường vốn làm. Phần lớn chúng ta đều nắm được sự kiện này là dù Thiên Chúa là tác giả mọi sự, nhưng các hy sinh và lựa chọn của ta, nhờ ơn thánh của Người, cũng có một giá trị nào đó. Chỉ có những người Tin Lành mới nói kiểu trên vì họ vốn không kính phục Đức Mẹ, nên đã phi nhân hóa cả ngài và bác bỏ cả lưỡi gươm đã đâm thâu trái tim ngài, ngõ hầu có thể coi ngài như hoàn toàn không có liên hệ chi tới việc Nhập Thể và cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô, thay vì là đấng thực sự kết hợp chặt chẽ với Chúa Kitô hơn bất cứ thụ tạo nào. Không một người nào đã đau đớn và mất mát trong cuộc Khổ Nạn bằng Đức Mẹ. Nếu ta dành lời cám ơn đối với cha mẹ các chiến sĩ nằm xuống, thì ta càng phải tỏ lòng cám ơn Đức Mẹ xiết bao vì đã ban Con duy nhất của ngài cho chúng ta.

Cho nên theo Mark Shea, quả là thích hợp và xứng đáng khi Giáo Họi tôn vinh và xin Đức Mẹ cầu bầu như thế. Thiên Chúa đã không bao giờ hoàn hảo hóa Đức Mẹ trong thánh thiện, tình yêu và uy quyền như vậy để vứt đi. Suốt 2000 năm qua, Đức Mẹ luôn hân hoan cầu bầu cho con cái của ngài vì ngài giống Chúa Kitô hơn hết mọi người đã sống từ trước đến nay và mãi mãi trong vai trò cầu bầu cho nhân loại.

Tấn công Mẹ Thiên Chúa là tấn công Chúa Kitô và Giáo Hội của Người

Tiếc thay, đối với một số người, Đức Maria là trở ngại cho sự hợp nhất Kitô Giáo. Theo Mark Shea, mọi Kitô hữu đều nên hợp nhất với nhau xung quanh Đức Mẹ. Nhưng điều đó đã không xẩy ra trong gần 4 thế kỷ qua. Tuy nhiên trong con số ấy ta thấy có hy vọng. Vì nó cho thấy sự thù nghịch đối với Đức Mẹ, về phương diện lịch sử, chỉ là một hiện tượng mới có đây thôi và thực ra nó chỉ khởi sự một thời gian lâu, sau khi phong trào Thệ Phản bắt đầu.

Thực thế, nhiều nhà Cải Cách vốn có lòng sùng kính Đức Mẹ cách sâu sắc; và trên thực tế, đã chấp nhận phần lớn giáo huấn Công Giáo về ngài. Tuy nhiên, với đà xa dần giáo huấn Công Giáo, như Elizabeth I, chẳng hạn, thấy cần phải thay thế việc tôn sùng Đức Nữ Trinh bằng việc tôn sùng có tính chính trị đối với Nữ Hoàng Đồng Trinh, nên mối liên kết trên đã sa sẩy và cuối cùng tan vỡ.

Cùng với đà trên, họ còn đánh mất cảm thức về tính bí tích, về ý nghĩa Thánh Kinh và sự trân trọng đối với nữ tính trong sinh hoạt của Giáo Hội. Đức Mẹ, từ đó, bị coi gần như một thứ nữ thần ngoại giáo và thực sự là một đe dọa đối với lòng tôn sùng Chúa Kitô thực sự: một cái nhìn hoàn toàn xa lạ với tâm thức của bất cứ Kitô hữu nào trong suốt 16 thế kỷ trước đó.

Đối với Mark Shea, tấn công Thánh Mẫu Học của Giáo Hội là thực sự tấn công Kitô Học của Giáo Hội. Bởi theo ông, sự việc về Đức Mẹ là sự việc không bao giờ về Đức Mẹ cả. Hãy đơn cử việc Sinh Con Mà Vẫn Còn Đồng Trinh chẳng hạn. Một trong các chiến dịch bôi lọ đầu tiên chống lại Chúa Giêsu đã nói rằng Người là một đứa con hoang, là sản phẩm của mối dan díu giữa Đức Mẹ và một binh sĩ La Mã tên là Pantera (có thể là một hình thức thoái hóa của “parthenos”, tiếng Hy lạp có nghĩa là trinh nữ). Việc bôi lọ ấy có phải là để tấn công Đức Mẹ hay không? Chắc chắn là không! Điều quan trọng ở đây là tấn công Chúa Giêsu, coi Người chỉ là một đứa con hoang tầm thường và bác bỏ Người là Con Thiên Chúa hay có nguồn gốc thần thánh nào bất cứ.

Cũng thế, khi lạc giáo Nestoriô yêu cầu các Kitô hữu đừng chào kính Đức Mẹ là “Mẹ Thiên Chúa”, thì ông ta đâu có nhằm đả kích Đức Mẹ, mà là đả kích ý niệm cho rằng Người mang tên Giêsu và Ngôi Hai Thiên Chúa chỉ là một.

Tương tự như vậy, nghi vấn “tìm đâu trong Thánh Kinh ra truyện Mông Triệu?” thực sự đâu có nhằm vào Đức Mẹ. Nó nhằm đả kích giá trị của Thánh Truyền về Chúa Kitô và thẩm quyền của Giáo Hội Người.

Nghi vấn “tại sao tôi phải cầu nguyện với Đức Mẹ?” cũng không nhằm vào Đức Mẹ. Đó là nghi vấn về mối tương quan giữa người sống và người chết trong Chúa Kitô.

Nghi vấn “phải chăng người Công Giáo thờ Đức Mẹ?” không phải là một nghi vấn nhằm vào Đức Mẹ, mà là một nghi vấn về việc người Công Giáo có thực sự thờ Chúa Kitô hay không.

Tóm lại, những hốt hoảng lo sợ của người Tin Lành về Đức Mẹ vừa tôn kính vừa không xét tới chân lý chính yếu về Đức Mẹ tức chân lý này: Giáo Hội Công Giáo muốn chúng ta thấy: xét trong toàn bộ, cuộc đời Đức Mẹ là một cuộc đời quy chiếu (referred life).

Mặt khác, các tấn công chống Chúa Kitô và phúc âm của Người gần như luôn luôn được thực hiện qua Nhiệm Thể của Người là Giáo Hội. Như vụ “Mật Mã Da Vinci” (The Da Vinci Code) chẳng hạn. Như thường lệ, người ta muốn nhắn nhe rằng: “tôi hết sức tôn kính Chúa Giêsu, nhưng việc Giáo Hội quá sa đoạ mới là điều Người muốn tới để công bố (điều mà trùng hợp thay,cũng là điều tôi muốn công bố)”. Và vì Đức Mẹ là mẫu mực của Giáo Hội, nên quả ngài đã trở thành một thứ rào che chở bao quanh chân lý Đức Tin.

Tôn kính quá hay tôn kính đủ

Mark Shea cũng cho rằng người Thệ Phản Tin Lành trung bình giống như người sợ uống rượu, lúc nào cũng sợ rằng nhắp một chút rượu nho lúc hiệp lễ sẽ biến anh ta thành một tên say sưa phóng đãng. Thay vì quá chú trọng tới câu hỏi phải chăng người Công Giáo quá tôn kính Đức Mẹ, thì người Tin Lành thường thấy câu hỏi sau đây sinh ích lợi về phần thiêng liêng hơn: “Nói thế này thì sao: người Tin Lành chúng ta tôn kính Đức Mẹ vừa đủ?”. Xét một cách trung thực (nhất là dựa vào cái phông Kitô giáo lịch sử và thực hành của Giáo Hội tông truyền), điều mà họ khám phá ra là phong trào Tin Lành hết sức sợ người phụ nữ vốn được Thánh Kinh công bố rằng muôn đời sẽ gọi bà là người có phúc.

Xét về căn bản, ngoại trừ một vài trường hợp hiếm hoi, phải lôi Đức Mẹ ra khỏi tủ để mà hát “Round yon virgin, mother and child" (Bài Silent Night, đêm Giáng Sinh), người Tin Lành không bao giờ nói tới ngài, ngoài việc công kích rằng người Công Giáo quá tôn kính ngài. Nhưng thực tế cho thấy: những người tôn sùng Đức Mẹ hạng nhất (như Đức Gioan Phaolô II và Mẹ Têrêxa) cũng là những người qui Kitô hơn hết. Là vì lòng tôn sùng Đức Mẹ chân thực luôn qui chiếu ta về Chúa Kitô.

Điều ấy có phải có nghĩa là người Công Giáo không thể nào biến Đức Maria thành một thứ ngẫu thần hay chăng? Mark Shea bảo: chắc chắn không phải thế. Cái khôn lanh phạm tội của con người không bao giờ thiếp ngủ cả, nên chúng ta có thể biến bất cứ tạo vật nào thành ngẫu thần. Trong một số dịp họa hiếm, ngẫu thần Maria có thể xẩy ra. Nhưng cần phải nói ngay rằng nỗi sợ của người Thệ Phản về điểm này cũng chỉ có chút ít sự thực giống như thế hệ người Công Giáo trong quá khứ sợ đọc Thánh Kinh một mình sẽ dẫn họ vào hang rắn rết. Nói chung, bước vào thế kỷ 21 này, ít người Công Giáo nào còn có thứ mê tín như thế nữa. Tuy nhiên, vẫn còn hàng triệu người Tin Lành bám vào nỗi sợ có tính cách mê tín về lòng sùng kính Đức Maria, một tàn tích của hậu bán thế kỷ 19. Mark Shea từng du hành từ Úc qua Ái Nhĩ Lan và chưa gặp ai coi Đức Mẹ là Thiên Chúa. Lầm lẫn thực sự về Đức Mẹ mà một số người Công Giáo, nhất là những người mê say các vụ hiện ra, mạc khải tư…, năng vấp phải là thế này: họ không coi ngài như một Thiên Chúa khác, mà là một vị giáo hoàng khác, buộc các giám mục phải làm điều này điều nọ vì Đức Mẹ bảo thế!

Theo Mark Shea, đối với cả những người Thệ Phản lo sợ Đức Mẹ lẫn những người Công Giáo chỉ muốn Giáo Hội sẵn sàng biến các vụ Đức Mẹ hiện ra thành một thứ Huấn Quyền, thì đây là lúc cần phải tiến lên, hay đúng hơn lui về với thực hành của các giáo phụ đầu tiên của Giáo Hội, để có được một cái hiểu rõ ràng về ý niệm huấn quyền trong Giáo Hội. Mark Shea cho rằng vấn đề người ta quá chú tâm hay chú tâm không đủ tới Đức Mẹ là do nguyên nhân họ ít quan tâm tới Đức Tin. Việc ngu dốt hay lãnh đạm đối với Đức Maria chỉ là một phần trong cái ít quan tâm đó.

Thệ phản xoay chiều

Hiện nay, một số thần học gia Thệ Phản có tên tuổi xem ra đang càng ngày càng quan tâm tới Đức Mẹ. Được hỏi tại sao, thì Mark Shea cho rằng: đói khiến bạn thèm ăn. Chúa Giêsu biết rõ điều Người làm khi ban Đức Mẹ cho Giáo Hội để làm mẹ Giáo Hội. Linh hồn nhân bản cần có Đức Mẹ, nên trong suốt bốn thế kỷ qua, phong trào Thệ Phản luôn ‘đói ăn’ ngài. Bởi thế, ngày nay, nhờ ơn Chúa quan phòng, đang có sự gia tăng chú ý đến Đức Mẹ, nhất là trong thế hệ đang lên của Tin Lành, thế hệ thường được người ta mệnh danh là “Giáo Hội Đang Xuất Hiện”. Họ đang xem sét lại lòng sùng kính Đức Mẹ từ thời xa xưa trong các truyền thống Tông Đồ và tự hỏi “Đâu là cái hại trong việc này?”. Câu hỏi đó là một câu hỏi tốt, nhất là vì, trong mọi biểu thức linh đạo Kitô giáo lành mạnh, Đức Mẹ luôn luôn hướng ta về Chúa Giêsu. Và dĩ nhiên, qua các ơn phúc độc đáo của Đức Mẹ trong Chúa Kitô, Thiên Chúa sẽ chăm sóc các vết thương trong linh hồn con người vốn không có hình thức đạo đức Kitô giáo nào có thể đụng tới. Đã có những người Tin Lành, khi mất mát con cái, biết chạy đến với Đức Mẹ tìm nguồn an ủi vì Đức Mẹ cũng từng là một bà mẹ nhìn Con chết thảm thương. Đó quả là sợi dây đồng cảm (thương) mạnh mẽ, có thể vượt thắng nỗi sợ Đức Mẹ, một nỗi sợ vẫn còn trổi vượt trong nền văn hóa Tin Lành.

Còn về người Hồi Giáo, Mark Shea đồng ý với cái nhìn của Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen khi nói rằng: các lần hiện ra của Đức Mẹ tại Fatima là chìa khóa đem Chúa Kitô lại cho thế giới Hồi Giáo. Tuy ông không rõ việc ấy sẽ xẩy ra cách nào, nhưng ông kể lại câu truyện ông từng đàm luận với một người Thổ Nhĩ Kỳ. Người này gửi điện thư tìm hiểu về Giáo Hội Công Giáo, sau khi đã tìm hiểu nhiều giáo hội khác. Hỏi tại sao lại lưu ý đặc biệt tới Giáo Hội Công Giáo, ông ta cho hay: vì giáo hội này tôn kính Đức Mẹ, giống chúng tôi trong Hồi Giáo.

Mark Shea tin có cái gì đó hết sức quan trọng đang diễn ra chung quanh hiện tượng Đức Mẹ vì ông cũng từng gặp nhiều người từ Do Thái Giáo trở lại Công Giáo. Hầu như người nào trong số họ cũng có một truyện kỳ diệu về việc gặp gỡ Đức Mẹ.

Vũ Văn An

URL: http://danchuausa.net/duc-me/thanh-mau-hoc-cua-mark-shea-mot-nguoi-the-phan-tro-lai/