Trích từ Dân Chúa

Một chuyến hành hương Đức Mẹ “khuyết tật” ở Măng Đen

UCAN

KONTUM (UCAN)-- Cuối tháng năm vừa qua, chúng tôi có dịp viếng thăm một vài giáo xứ ở Giáo phận Kontum và nghe tin có nhiều người, kể cả người không Công giáo, từ nhiều nơi kéo đến viếng thăm tượng Đức Mẹ ở Măng Đen thuộc huyện Kon Plong, tỉnh Kontum.

Xuất phát từ thị xã Kontum, chúng tôi chạy xe trên con đường ngoằn ngoèo đèo dốc băng qua những cánh rừng, những ngôi làng của người thiểu số và nương rẫy của họ để đến Kon Plong, cách thị xã Kontum chừng 50 cây số về hướng đông bắc. Nơi đây có thể ví như một Đà Lạt của tỉnh Kontum, với đất đỏ bazan, khí hậu mát mẻ và phong cảnh thơ mộng. Những chiếc xe lăn, xe ủi và các anh công nhân đang làm việc miệt mài và đổ nhựa con đường rộng băng qua những đồi thông bát ngát. Hai bên đường đã và đang mọc lên những biệt thự, khách sạn, nhà hàng sang trọng để chuẩn bị chào đón du khách đến đây du lịch và nghỉ mát.

Tượng Đức Mẹ Fatima mất 2 bàn tay đứng sừng sững trên bệ cao ngay bên con đường mới ủi. Có rất nhiều hoa được khách hành hương đặt dưới chân tượng Đức Mẹ và những luống hoa trồng xung quanh. Một người chăm sóc khu vực tượng cho chúng tôi biết từ cuối năm 2006 khách hành hương bắt đầu viếng thăm nơi này và hiện có khoảng 100 bảng tạ ơn đặt dưới chân Mẹ và 300 ghế đá do khách hành hương dâng cúng đặt xung quanh.

Theo một số linh mục, tượng Đức Mẹ Fatima tay đeo tràng hạt này do Linh mục Giuse Phạm Minh Công dựng lên từ năm 1971 để giáo dân và binh lính đóng quân ở đó có thể đến cầu nguyện vì họ ở xa những nơi có nhà thờ.

Đức cha Paul Seitz Kim, Giám mục Giáo phận Kontum lúc bấy giờ, đã tới dâng lễ Thánh Gia năm đó. Do chiến tranh nên ít người lui tới nơi đây và tượng Đức Mẹ dần dần bị quên lãng cho tới thập niên 1980.

Chúng tôi cũng may mắn gặp được những người dân địa phương sống ở đây từ những năm 1980 và chứng kiến những gì đã xảy ra với bức tượng Đức Mẹ. Họ đã kể cho chúng tôi nghe câu chuyện lý thú sau đây:

Chúng tôi đến đây từ năm 1986 và làm việc cho nông trường Măng Cành, trồng cây thông ở vùng này. Khi đó, mọi người đều thấy tượng Đức Mẹ. Chúng tôi là người không Công giáo nhưng luôn luôn nghĩ rằng là hình người đứng giữa trời tượng trưng cho một con người đứng giữa trời. Cho dù không phải là tượng Mẹ mà bất kể một tượng gì chúng tôi cũng tưởng nhớ.

Khi đó, tượng Đức Mẹ còn nguyên vẹn đứng giữa những cục đá to rất đẹp, cục đá tự nhiên, nửa chìm nửa nổi tạo thành những cái bàn rất to, có những cái to gấp đôi gấp ba cái bàn bình thường cho nên chúng tôi thích lắm.

Tháng 11-1987, chúng tôi phát hiện tượng bị mất đầu và 2 bàn tay nhưng chúng tôi không biết nguyên nhân tại sao. Chúng tôi banh hết lớp lá khô xung quanh tượng để tìm cái đầu và bàn tay để gắn lên lại nhưng chẳng thấy đâu. Chúng tôi làm thế vì một người trong chúng tôi nằm mơ thấy tượng bị mất đầu khi đi công tác xa nhà và chúng tôi muốn tìm gắn lại.

Mãi cho đến năm 2005, khi người ta làm con đường đi qua tượng Đức Mẹ, chúng tôi yêu cầu tài xế xe ủi đừng có ủi tượng Đức Mẹ và cũng không cho ai đập phá tượng.

Lúc đó, con đường này dốc lắm, vì mới ủi sơ sơ thôi. Những người thợ của chúng tôi lên thăm tượng Đức Mẹ, rồi dọn cỏ gọn gàng, sạch sẽ đâu ra đó. Họ nói “người Công giáo tưởng nhớ về Mẹ rất nhiều” và xin chúng tôi xi măng và cát để làm lại cái đầu cho Mẹ. Chúng tôi nghe như thế nên rất mừng. Thế là nhóm thợ đưa cát, xi măng lên và đục cái đầu, rồi đục cái tay đẹp lắm. Đục đẽo xong thì ráp vào tượng.

Khoảng 3 ngày sau, công an lên bắt mấy người thợ và nhốt họ 3 ngày. Ba ngày sau được thả ra, 3 người thợ quyết định về quê ở Hà Tĩnh vì công an cứ kêu lên kêu xuống thế này thì không biết có làm được hay không.

Sau đó, 2 bàn tay bị ai đó đập tiếp và chúng tôi có yêu cầu nhóm thợ đó làm lại 2 cánh tay nhưng tới giờ chưa gắn lại.

Cho đến gần cuối năm 2006, một người Công giáo nghe ai đó kể lại câu chuyện này đã đến xin chúng tôi dắt lên xem tượng, rồi họ chụp hình.

Dù không theo Công giáo, nhưng chúng tôi cảm nhận Mẹ đã thương giúp chúng tôi. Từ khi bước chân vào đây, chúng tôi chỉ có 2 bàn tay trắng. Nhưng bây giờ, chúng tôi thật hạnh phúc vì có con học đại học và làm ăn khấm khá hơn những người khác.

Bây giờ, chúng tôi cũng đi lên viếng Mẹ, có khi 5 giờ sáng chúng tôi đã dậy đi viếng Mẹ. Chúng tôi thường mua hoa, trái cây để dâng lên Mẹ với tấm lòng thành của mình”.

Ngày 28-12-2006, Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, Giám mục Giáo phận Kontum, cùng một số linh mục, tu sĩ và giáo dân đến viếng tượng đài Đức Mẹ Măng Đen. Ngài muốn nơi đây trở thành Trung tâm Hành hương Đức Mẹ của Giáo phận Kontum. Ngài giao cho Cha Tổng Đại diện Giuse Nguyễn Thanh Liên và Linh mục Gioakim Nguyễn Hoàng Sơn (ảnh bên) nghiên cứu nguồn gốc tượng đài.

Hiện nay, mỗi ngày có nhiều đoàn khách hành hương, nhất là những người đau khổ và khuyết tật, đến nơi đây cầu nguyện. Mỗi người tuỳ tâm tình riêng đã gọi Đức Mẹ với nhiều danh hiệu như Đức Mẹ cụt tay, Đức Mẹ cùi, Đức Mẹ khuyết tật để cầu xin bình an và ơn chữa lành bệnh tật.

UCAN

URL: http://danchuausa.net/duc-me/mot-chuyen-hanh-huong-duc-me-khuyet-tat-o-mang-den/