Trích từ Dân Chúa

Mai Khôi: Bông Hồng Đẹp, Viên Ngọc Quý

Lm Anrê Đỗ xuân Quế, OP

Mân Côi, Văn Côi, Môi Khôi, Mai Khôi, tất cả những chữ này đều có cùng một nghĩa là những bông hồng đẹp hay viên ngọc quí, tùy theo thói quen và ý thích, mỗi người mỗi nơi dùng một kiểu. Một số người hiện nay thích dùng chữ Mai Khôi, vì theo họ, chữ này vẫn giữ được nguyên nghĩa là bông hồng đẹp, viên ngọc quí mà đọc nghe lại thấy thanh nhã và mới mẻ hơn.

Chuỗi Mai Khôi là chuỗi gồm năm mươi chục hạt. Mỗi hạt là một kinh Kính Mừng và sau mười hạt lại có thêm một hạt nữa để chỉ kinh Lạy Cha. Những kinh Kính Mừng đó được coi như những bông hồng kết thành vòng hoa dâng kính Đức Mẹ. Một trăm năm mươi kinh Kính Mừng là một trăm năm mươi bông hồng hay một trăm năm mươi thánh vịnh kính Đức Mẹ, vì chuỗi Mai Khôi được coi như tập thánh vịnh về Đức Mẹ, cũng giống như một trăm năm mươi thánh vịnh để tôn vinh ca tụng và cầu xin cùng Chúa vậy.

Nguồn gốc chuỗi Mai Khôi

Ngay từ thế kỷ XI, thời thánh Bê-na-đô, những người có lòng sùng kính Đức Mẹ vẫn đọc một chuỗi các kinh Kính Mừng, vừa đọc vừa nghĩ đến những sự vui mừng của Đức Mẹ. Có thể nói đó là hình thức khởi đầu của chuỗi Mai Khôi. Sau này, năm 1328 ngưòi ta tìm được một tập ghi chép các phép lạ của Đức Mẹ. Trong tập này có nói đến việc Đức Mẹ trao chuỗi Mai Khôi cho thánh Đaminh. Và từ đó trở đi, người ta cứ truyền tụng cho nhau là thánh Đaminh đã lập ra chuỗi Mai Khôi. Vì thế, trong dòng Đaminh mới có tượng Đức Mẹ trao chuỗi Mai Khôi cho thánh Đaminh.

Thực ra, theo cha Lacordaire, một tu sĩ dòng Đaminh và một nhà giảng thuyết trứ danh tại nhà thờ Đức Bà Paris vào giữa thế kỷ XIX, thì năm 1209 ở miền Toulouse, tình thế lúc bấy giờ rất nhiễu nhương: quân của quận Chúa Raymond theo bè rối Albigeois đánh nhau với quân của quận chúa Simon de Montfort theo Công giáo. Thánh Đaminh làm việc tông đồ ở miền Toulouse lúc bấy giờ. Người thấy rằng bao lâu chưa có hòa bình thì bấy lâu rất khó giảng giải để đưa các người theo bè rối về nẻo chính đường ngay. Vì thế, người mới cầu nguyện và xin ai nấy cầu nguyện cho hòa bình. Người được ơn soi sáng kiện toàn kinh Mai Khôi đã có từ thế kỷ XIII, bằng cách cứ sau mỗi mười kinh thì dừng lại một chút, rồi thêm vào một câu hát vắn hay mấy lời lấy trong các sách Tin Mừng về cuộc đời Chúa Cứu Thế, cho thay đổi và đỡ nhàm chán. Ban đầu chỉ lấy những câu nói về các niềm vui, sau mới thêm những câu nói về các nỗi khổ và các điều mừng.

Từ thế kỷ XV trở đi, chuỗi lần hạt Mai Khôi được tổ chức như chúng ta thấy ngày nay, nghĩa là chia làm ba chuỗi, mỗi chuỗi năm chục kinh suy ngắm về một số các mầu nhiệm liên quan đến các niềm vui, nỗi khổ và các điều mừng.

Hai tu sĩ dòng Đaminh là linh mục Alain de la Roche người Pháp ở tỉnh Douai, (sau được nâng lên hàng chân phước) năm 1470 và linh mục Jacob Sprenger người Đức ở tỉnh Koeln năm1475 đã lập ra các Hội Mai Khôi. Từ thế kỷ XVI, các ĐGH chính thức giao cho dòng Đaminh nhiệm vụ rao giảng về chuỗi Mai Khôi và thành lập các hội Mai Khôi.

Nguồn gốc Lễ Mai Khôi

Ngày Chúa nhật 07/10/1571, hải quân công giáo thắng hải quân Thổ nhĩ kỳ một trận thủy chiến oanh liệt ở vịnh Lepante (giữa Co-rin-tô và Pa-trát). Tin chiến thắng được báo về Rô-ma vào Chúa nhật đầu tháng Mười, giữa lúc các hội viên Mai Khôi đang rước kiệu trong thành phố. Để tạ ơn Đức Mẹ đã nghe lời cầu khẩn của các tín hữu, ĐGH Pi-ô V, ngày 5.3.1572 truyền mỗi năm phải làm một lễ kính Đức Bà chiến thắng. Ngày 1.4.1573, ĐGH Ghê-go-ri-ô đặt tên cho lễ này là lễ Mai Khôi và truyền phải cử hành trong các nhà thờ và nhà nguyện của các Hội Mai Khôi vào Chúa nhật đầu tháng Mười. Năm 1716, ĐGH Clément XI truyền cho toàn thể Hội thánh phải long trọng mừng lễ này. Đến năm 1913, lễ Mai Khôi được ấn định vào ngày 7.10 mỗi năm.

Ý nghĩa của Chuỗi Mai Khôi và Lễ Mai Khôi

Trên đây là nguồn gốc của Chuỗi Mai Khôi và Lễ Mai Khôi, nhưng còn ý nghĩa của chuỗi và lễ thì thế nào? Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng thừa biết lần chuỗi Mai Khôi là đề tỏ lòng kính yêu và cầu xin cùng Đức Mẹ. Chúng ta tôn vinh Đức Mẹ và nhớ lại tình thương của Chúa đối với Hội thánh qua tay Đức Mẹ, trong những hoàn cảnh gần như tuyệt vọng. Từ những sự việc hiển hách của Chúa trong các hoàn cảnh này, chúng ta càng thêm xác tín lời của thần sứ trong bài Tin Mừng lễ Đức Mẹ Mai Khôi: “Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”

Thiên Chúa làm được tất cả. Nhưng oái oăm thay! Nhiều khi Chúa không biểu lộ trực tiếp và ngay tức khắc quyền năng của Người cho chúng ta thấy. Bởi thế, nhiều lúc chúng ta hoài nghi, tỏ ra chán nản vì thấy nguyện vọng của mình chưa hay không được đáp ứng và xem ra Chúa như câm lặng xa vắng.

Giữa những hoàn cảnh éo le ở đời và giữa lúc phải đắm chìm trong đêm tối của hoài nghi, thất vọng, ước gì chúng ta nhớ lại những hoàn cảnh lịch sử gắn liền với chuỗi Mai Khôi và lễ Mai Khôi, để giữ vững niềm tin và đốt cháy lên ngọn lửa hy vọng.

Lm Anrê Đỗ xuân Quế, OP

URL: http://danchuausa.net/duc-me/mai-khoi-bong-hong-dep-vien-ngoc-quy/