Trích từ Dân Chúa

Fatima: Những giờ phút sau cùng đầy linh thiêng của người con yêu dấu của Mẹ Maria

Lm Nguyễn Hữu Thy

Nếu bình thường đối với người đời, sự chết là cả một sự mất mát hoàn toàn, một sự đoạn tuyệt với tất cả những gì họ chiếm hữu, kể cả những gì thân thương gần gũi nhất, mà trước tiên chính là sự sống của họ. Vì thế, người ta thường chỉ ham sống và ham sống thật lâu, và rất sợ chết. Thế nhưng ba trẻ thị kiến Fatima lại hoàn toàn ngược lại. Các em mong ước được chết để mau được Thiên đàng hưởng thánh nhan Thiên Chúa và vị Thiên Nữ dấu yêu của các em. Dĩ nhiên, các em muốn chết và muốn mau được lên Thiên đàng, không phải vì các em là những người cực đoan mù quáng, nhưng vì các em đã từng được Đức Mẹ cho nếm thử trước trong một chốc lát niềm hạnh phúc bất tận của Thiên đàng.

Fatima-Lucia3.jpg

Nữ Tu Lucia, người đã được diễm phúc nhìn thấy Đức Mẹ

Niềm khao khát cháy bỏng mau được về Thiên đàng đó của ba trẻ Fatima, kể từ khi Đức Mẹ đã hứa với ba trẻ vào năm 1917 là sẽ đưa các em về Thiên đàng, thì hai em Phan-xi-cô và Gia-xin-ta đã được toại nguyện vài ba năm sau đó. Riêng Lucia thì Đức Mẹ muốn em còn phải ở lại trần thế chỉ "một ít lâu nữa.""một ít lâu nữa" đó đã kéo dài 88 năm trời. Vào ngày 13.02.2005, Lucia, trẻ thị kiến cuối cùng của biến cố Fatima, đã qua đời tại Tu Viện Cát-minh ở Coimbra dưới danh xưng ‘Sơ Maria Lucia của Trái Tim Vô Nhiễm’.

Sau đây chúng ta hãy nghe Sơ Maria Celina, Bề Trên Dòng Kín Các-men ở Coimbra, nơi Sơ Lucia vào tu từ năm 1948, đã thuật lại các diễn biến những giờ phút cuối đời của Sơ Lucia như sau:

Hôm 13.02.2005, sau Thánh Lễ thì chúng tôi đã cho rút kim dẫn chất dưỡng sinh vào người Sơ Lucia, vì chất dưỡng sinh không chảy được nữa. Nhờ thế hai tay của Sơ Lucia được tự do, hết bị vướng víu. Trong những ngày này, Sơ Lucia thường hay giơ tay làm dấu Thánh giá trên mình hơn. Việc làm dấu Thánh giá vốn là một thói quen xưa nay của Sơ, đến nỗi cả khi uống một hớp nước Sơ cũng làm dấu Thánh giá. Sáng nay, Sơ tỏ ra hoàn toàn tươi tỉnh và mở hai mắt, xem chừng như Sơ không đau đớn gì cả. Tôi liền giơ ngón tay chỉ lên trời và Sơ đã trả lời bằng cái gục đầu. Tôi cầm tượng Thánh giá giơ ra trước mặt Sơ cách khoảng 30cm. Sơ Lucia liền đưa mắt nhìn cắm chặt vào Thánh giá, Sơ cử động con ngươi mắt Sơ như thể Sơ đang nói chuyện lâu với ai vậy. Tiếp đến Sơ giơ ngón tay trỏ lên miệng, nhìn tôi và xin đưa tượng Thánh giá đến gần Sơ hơn, và tôi đã làm như vậy. Nhưng Sơ không còn đủ sức để hôn tượng Thánh giá nữa. Chắc chắn Sơ sẽ hôn bằng con tim mà thôi.

Fatima-Coimbra.jpg

Cộng Đoàn Dòng Kín Coimbra: Nữ Tu Lucia đứng hàng sau cùng phía tay trái tượng Đức Me

Người ta cho tôi hay là Đức Giám Mục đã tới nhà Dòng. Tôi liền đi ra nhà khách gặp ngài. Đức Cha D. Albino tới để mang sứ điệp và phép lành của Đức Thánh Cha cho Sơ Lucia. Ngài đã gửi cho chúng tôi qua Sứ thần Tòa Thánh. Tôi đã hỏi Đức Giám Mục là ngài có muốn đến thăm bệnh nhân không, thì ngài trả lời là hiện ngài vội phải đi ngay, nhưng sau trưa vào khoảng 5 giờ chiều ngài sẽ trở lại. Tôi từ giã Đức Giám Mục và trở lại phòng Sơ Lucia, một nơi hoàn tất của lễ hy sinh của một cuộc sống cao cả và quý báu. Sơ Lucia là trung tâm của toàn thể cộng đoàn Tu Viện. Sơ mở hai mắt, chứ không nhắm lại như mấy ngày trước nữa. Tôi ghé vào sát tai Sơ và đọc sứ điệp của Đức Thánh Cha cho Sơ nghe. Nhưng Sơ giơ tay và muốn cầm bức sứ điệp đang nằm trên chiếc chăn Sơ đang đắp tới thắt lưng. Tôi trao cho Sơ kính mắt và Sơ đã nhìn kỹ vào bản văn, không phải với một cái nhìn qua loa mệt mỏi, nhưng là đọc qua từng hàng. Trong giây lát này tôi đã có được một hình ảnh đẹp như là nhân chứng cho cuộc sống thánh thiện này. Một hồi lâu sau đó, khi Sơ Lucia xem xong bức thư, Sơ liền trao lại cho tôi. Sơ đã nằm yên tĩnh mãi cho tới giữa trưa. Có lần Sơ đã cố gắng như muốn nói điều gì đó, nhưng sức khỏe không còn cho phép nữa. Vào buổi sáng, bà bác sĩ cũng tới khám và vào 5 giờ chiều bà sẽ trở lại cùng với cô y- tá một lần nữa.

Vào giữa trưa, Sơ Lucia đã bắt đầu tiến gần "sự giải thoát." Sức khỏe lại bắt đầu yếu dần và hơi thở trở nên khó khăn hơn, xem chừng hai lá phổi không còn có thể nạp đủ được dưỡng khí nữa. Sự ra đi của Sơ càng lúc càng trở nên rõ ràng hơn. Khi bà bác sĩ trở lại vào khoảng trước 5 giờ chiều, tôi đã xin bà đừng tiêm vào người Sơ Lucia nữa. Bà bác sĩ trả lời: "Nhưng tôi có bổn phận phải làm tất cả cho tới cùng!" Tôi đồng ý với bà, nhưng tôi xin bà hãy để lương tâm tôi chịu trách nhiệm về điều đó. Tiếp đến, cô Y tá tới. Mọi người đến đúng 5 giờ chiều! Bấy giờ Đức Giám Mục cũng tới. Nhưng ngài vừa tới nơi, tôi đã nói với ngài là người chị em yêu quý của chúng tôi đang trên đường hồi hương trở về nhà Cha. Vâng, Sơ Lucia sắp ra đi về Thiên đàng, không còn hoài nghi gì nữa! Tất cả mọi chị em trong cộng đoàn Tu Viện được gọi tập trung về chiếc phòng nhỏ bé của Sơ Lucia. Đức Giám Mục hỏi bà bác sĩ là bà có nghĩ rằng chúng tôi đang chứng kiến một cuộc chiến đấu với tử thần. Nhưng đó là một cuộc chiến đấu thanh thản. Đức Giám Mục bắt đầu đọc các Kinh cầu cho kẻ đang hấp hối. Mọi người chúng tôi càng trở nên bồi hồi xúc động hơn, khi biết chắc là chúng tôi sắp sửa mất đi một kho báu vĩ đại. Khi những Lời Kinh chấm dứt, Đức Giám Mục đã bộc phát xướng lên những Lời Kinh cho người hấp hối và tất cả chúng tôi lặp lại:

• Xin Chúa Giêsu Kitô đón nhận con, vì con đã tận hiến đời con cho Người!

• Xin Đức Mẹ đón nhận con, Đấng sáng ngời hơn cả mặt trời và cũng là Đấng đã hiện ra với con!

• Xin Thánh Thiên Thần nước Bồ Đào Nha tiếp nhận con, Đấng đã hiện ra với con!

• Xin Chân Phước Phan-xi-cô tiếp nhận con, Đấng đã cùng con được nhìn thấy Đức Trinh Nữ Maria!

• Xin Chân Phước Gia-xin-ta tiếp nhận con, Đấng đã cùng con được nhìn thấy Đức Trinh Nữ Maria!

• v.v…

Thật hoàn toàn bất khả diễn tả được bầu không khí an bình, mà chúng tôi đã trải qua trong giờ phút linh thiêng đó. Vâng, trong giây phút đó, khi mà cái nhìn của Sơ Lucia ở đời này đã khép lại, thì nó lại được mở ra cho ánh sáng vĩnh cửu của Thiên Chúa. Và trong phút chốc không ai ngờ, thì đôi mắt thường đã được nhìn xem những sự vô hình, bỗng chốc mở ra và quan sát! Sơ Lucia đưa mắt nhìn tất cả chị em. Sau đó Sơ quay về phía phải và nhìn thẳng vào tôi. Tôi hoàn toàn bất lực để có thể diễn tả lại sự cao sâu của cái nhìn đó. Thật vô cùng ấn tượng. Tôi giơ tượng Thánh giá về phía Sơ và Sơ lại nhắm mắt lại. Đó là sự vĩnh biệt cuối cùng.

Sơ Maria Lucia từ giã cuộc sống hay chết đời này, để với sự nhanh nhẹn của tuổi thanh xuân vĩnh cửu "bước theo Con Chiên, nơi nào Con Chiên đi, và bắt đầu hát lên một bài ca mới!" Trên Thiên đàng ba trẻ chăn chiên sẽ đoàn tụ với nhau! Đó là 17giờ 25 chiều ngày 13.02.2007.

Mọi người đều muốn ở lại nơi đây, trong căn phòng bé nhỏ của Sơ Lucia, nơi mà trong tám tháng qua đã trở thành căn phòng của tất cả mọi chị em trong Dòng, trong căn phòng đã trở nên nhân chứng cho một cuộc sống đầy hy sinh, đầy đau khổ, đầy hiến dâng cho thế giới. Căn phòng này là thánh cung của những tâm giao giữa Sơ Lucia với Đức Mẹ, với Vị Lang Quân!... Căn phòng của một Nữ tu Các-men, nơi chôn dấu những bí mật, mà khi về Thiên đàng chúng ta mới có thể khám phá ra hết được…

Những ai từng quen biết cuộc sống hết sức đơn sơ giản dị của Sơ Lucia, sẽ không thể tưởng tượng được ngọn lửa luôn cháy rực trong con người thấp nhỏ và thanh nhã này. Sơ Lucia không bao giờ tự giới thiệu mình như một người thị kiến Đức Mẹ và Sơ không hề tự ý nói bất cứ điều gì về biến cố Fatima. Sơ nói là chính Gia-xin-ta là người đã phát biểu.

Và Đức Mẹ đã thường hiện đến trong Tu Viện với Sơ như thế nào? Chúng tôi chưa biết được. Nhưng có một ngày nọ, chính tôi đã chứng kiến một điều cho thấy rằng Sơ Lucia đã tiếp xúc với thế giới siêu nhiên cũng dễ dàng như với cuộc sống bình thường vậy. Số là vào ngày 26.05.2003, khi tôi và Sơ Lucia vào phía dưới Ca Tòa (nơi các Sơ hát kinh), để chụp một tấm hình Sơ với tượng Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria, mà có người vừa biếu tặng Tu Viện chúng tôi. Tấm hình tôi chụp đó, được in đính kèm đây.

Fatima-Lucia1.jpg

Sau khi tôi đã chụp hình xong, Sơ Lucia vẫn còn chăm chăm nhìn vào bức tượng. Tôi cứ để Sơ được yên như thế. Nhưng sau đó, Sơ quay về phía tôi và nói đầy vẻ lo âu: "Đức Mẹ đang khóc!!!" Qua những lời nói đó, tôi đã cảm nhận được sự tinh tuyền đơn sơ của Sơ. Ôi! êm đềm hạnh phúc biết bao trong giây phút đó. Sơ Lucia - người đã được diễm phúc thị kiến những điều siêu nhiên vô hình và không bao giờ kể lại cho bất cứ ai về điều gì cả – đã tưởng rằng trong giây phút đó chính tôi cũng đã được thị kiến như Sơ. Phần tôi, tôi nghĩ rằng, câu nói chứng thực trên của Sơ cũng là một câu hỏi được đặt ra cho tôi, nên tôi đã trả lời Sơ: "Làm gì có chuyện đó". Khi nghe tôi nói thế, Sơ Lucia biết mình đã lỡ lời, và thái độ lúng túng của Sơ làm cho tôi có cảm tưởng như Sơ đã bị bắt quả tang tại trận một việc làm mà Sơ muốn dấu diếm, tương tự như một đứa bé bị mẹ nó bắt đang lấy trộm bánh kẹo vậy. Tôi rất trân trọng sự kiện này. Bấy giờ tôi thấy là không nên hỏi Sơ gì thêm nữa. Tôi đã giữ kỹ bí mật đó cho tới hôm nay. Tôi ao ước rằng bức tượng Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ với cái nhìn đầy tình mẫu tử sẽ che chở cho thi hài của Sơ Lucia, mãi cho tới khi Sơ được chở tới nhà thờ Chánh Toà Coimbra.

Sơ Lucia được sinh ra vào ngày Thứ Năm Tuần Thánh, sau khi thân mẫu Sơ đã rước lễ xong. Vì thế Sơ thường nói là Sơ đã được rước lễ lần đầu trước khi sinh ra. Sơ qua đời vào Năm Thánh Thể và giờ đây Sơ yên nghỉ ngay sát bên cạnh Nhà Tạm trong Nguyện Đường Tu Viện chúng tôi, dưới ánh mắt nhìn của Đức Mẹ Fatima, của hai Chân Phước Phan-xi-cô và Gia-xin-ta. Sơ Lucia yên nghỉ trong hầm mộ số 3, một hầm mộ còn mới như hầm mộ đã an táng Chúa Giêsu xưa.

Sau khi tin tức về cuộc an táng của Sơ Lucia được loan đi, thì dòng thác những hoa nến đã không ngừng tuôn chảy về Tu Viện. Hàng ngày các thư từ gửi cho Sơ vẫn tiếp tục tới. Các thư đó được xếp vào trong một cái giỏ được đặt bên cạnh mộ của Sơ.

Fatima-Lucia4.jpg

Thi hài Sơ Lucia đang được long trọng rước vào an táng trong Vương Thánh Đường Fatima

Giờ đây chúng ta hãy cùng tưởng nhớ đến hai người bạn, hai người con yêu của Mẹ Maria: Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Sơ Maria Lucia. Hai Vị sẽ canh thức cho chúng ta nơi Bàn Tiệc vĩnh cửu. Trong Tu Viện, mỗi góc nhà là cả một kỷ niệm nhắc nhở đầy thương tiếc! Một nhắc nhở đến từng bước chân của Sơ: Hoặc là một bước đi nhẹ nhàng hay là một bước đi mệt mỏi do cuộc đời đầy tuổi tác gây ra! Đâu đây còn vọng lại giọng hát của Sơ, khi Sơ hát những bài hát tình ca về Đức Mẹ, đó là những bài mà Sơ đã hát khi còn là một đứa bé gái nhỏ, khi Sơ còn đi chăn chiên của gia đình Sơ. Tiếng vọng lại của bài hát Ave-Maria, mà Sơ đã từng âm thầm cầu nguyện. Như những nụ hồng non, Sơ đã dâng trọn tình yêu cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria, Đấng đã rất sớm trạch tuyển Sơ cho riêng mình.

Căn phòng của Sơ vẫn còn đó, dù không có sự hiện diện thể lý của Sơ; nhưng chứa đầy ắp kỷ niệm! Vâng, ở đây, trong căn phòng cô quạnh này, nơi đã từng xảy ra biết bao nhiêu điều tâm giao nghĩa thiết với Thiên Chúa. Bao nhiêu trang Sơ đã viết ra trong cuốn sách cuộc đời, một điều rồi đây chúng ta sẽ cảm nhận được trong nơi vĩnh cửu! Bao nhiêu ơn thánh Sơ đã nhận lãnh được nơi đây cho nhân loại qua sự hy sinh và lời cầu nguyện của Sơ!

Nơi đây chúng tôi đã trải qua với Sơ trong những tháng ngày cuối cùng của đời Sơ – của một cuộc đời, mà chúng tôi đã được hân hạnh chia sẻ với bao yêu thương – đã cùng nhau bước lên những bậc cuối cùng của sự hoàn thiện, trên con đường Hư Không của ngọn núi Các-men! Vâng, đoạn tuyệt và lột bỏ hoàn toàn khỏi mọi ràng buộc, ngay cả đến ý muốn riêng tư, để trở nên đứa bé trong bàn tay Thiên Chúa, hoàn toàn tận hiến cho Thánh Ý của Người. Nơi đây chúng tôi đã nhìn thấy Sơ từ từ tắt lịm dần, hầu như không ai để ý, nhẹ nhàng và âm thầm tựa làn hương trầm thơm tho thoảng bay! Nơi đây Sơ vẫn còn hiện diện, như một dấu ấn sáng chói với nhiều câu chuyện kể, và đó chính là câu chuyện của tình yêu.

Sơ thuộc về những kẻ bé nhỏ của Phúc Âm,
Dù rằng tuổi đời Sơ kéo dài nhiều năm tháng.
Đó là ân huệ lênh láng tựa nguồn pha lê,
Sơ vui mừng ca hát ngay cả khi đang sa lệ!
Cả đời Sơ luôn vâng chịu đau đớn thanh tao,
Dù Sơ chưa lên trời cao, nhưng ngày kia sẽ tới!
mãi tới lúc Sơ quay trở lại làm trẻ thơ,
Như xưa kia khi Sơ được nhìn trông thấy Mẹ.
Sơ trung thành tin tưởng tiếng trời cao,
Giã từ tấm thân đã mệt mỏi mòn hao,
Và Đức Mẹ đã đến chào rước Sơ đi.
Từ chốn Thiên đàng, Sơ sẽ chẳng hề quên ai,
Sơ theo dõi chúng ta bằng mỉm cười tươi thắm,
Cùng chúng ta Sơ nắm tay dẫn vào chốn Thiên đàng!

Sr. Maria Celina
Coimbra, Carmelo der Santa Teresa, 13.05.2005(*)

Tòa Thánh Vatican đã bắt đầu tiến hành thủ tục phong Chân Phước cho Sơ Lucia

Vatican city: 13.2.2008 – Theo tin tức của Thông tấn xã AP cho hay thì Đức Hồng Y Jose Saraiva Martins, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh, trong Thánh Lễ chiều thứ tư vừa qua tại Coimbra, Bồ Đáo Nha, đã loan báo tin ĐTC Bênêđíctô XVI đã chấp thuận việc tiến hành thủ tục phong Chân Phước cho Sơ Lucia, một trong ba trẻ được Đức Mẹ hiện ra vào năm 1917 tại Fatima thuộc nước Bồ Đào Nha. Sơ Lucia tạ thế vào năm 2005, hưởng thọ 97 tuổi. Theo thủ tục thông thường, thời hạn để được cứu xét phong Chân Phước là 5 năm, nhưng trường hợp của Sơ Lucia, cũng giống như trường hợp Mẹ Têrêxa Calcutta và Đức Gioan Phaolô II, đã được Đức Giáo Hoàng đặc miễn.

Tên thật của Sơ Lucia trong giấy khai sinh là Lucia de Jesus dos Santos. Sau khi tạ thế, Sơ Lucia được an táng tại Tu Viện của các Sơ Dòng Kín Carmelô ở Coimbra là nơi Sơ đã sinh sống từ năm 1948. Sau đó, thi thể của Sơ được di dời về chôn trong Vương Cung Thánh Đường Fatima, bên cạnh mộ của các Chân Phước Gia-xin-ta và Phan-xi-cô, là hai Chân Phước đã cùng với Sơ Lucia được nhìn thấy Đức Mẹ hiện ra tại Fatima.

(*) Sr. Maria Celina de Jesus Crucificado OCD: „Schwester Lucia: Die Erinnerung, die wir von ihr haben“, nhà xuất bản Carmelo de Coimbra, Secretariado dos Pastorinhos, 2. Ausgabe - September 2006, trang 42-47.

Lm Nguyễn Hữu Thy

URL: http://danchuausa.net/duc-me/fatima-nhung-gio-phut-sau-cung-day-linh-thieng-cua-nguoi-con-yeu-dau-cua-me-maria/