Trích từ Dân Chúa

Đức Maria, Giáo Lý Viên Gương Mẫu

Vũ Văn An

Thân tặng các giáo lý viên tham dự Đại Hội Giáo Lý Kỳ 8 tại Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam, Sydney, Úc Châu, tháng 1 năm 2009

Ít khi ta nói đến việc Đức Mẹ làm giáo lý viên, và cũng ít khi ta nghĩ đến Ngài (1) như là gương mẫu của những người giảng dạy giáo lý. Nhưng Đức Mẹ không phải chỉ là một mẫu gương, mà Ngài còn là mẫu gương hoàn hảo đối với bất cứ giáo lý viên nào trong Giáo Hội Công Giáo.

Trước khi đào sâu hơn đề tài này, ta nên tự hỏi: “Giáo lý viên là ai?”. Giáo lý viên là người giảng dạy cho người khác biết đức tin duy nhất và chân thật. Ta thấy có hai điều trong câu định nghĩa này: giáo lý viên là người giảng dạy người khác, nghĩa là soi dẫn trí khôn để gây hứng khởi cho ý chí. Giáo lý viên không bao giờ chỉ biết dạy trí khôn người khác mà thôi, nhưng luôn soi dẫn trí khôn để gây hứng khởi cho ý chí của họ.

Đàng khác, giáo lý viên là người giảng dạy cho người khác biết đức tin duy nhất và chân thật. Trên đời này có rất nhiều niềm tin. Thực tế ra, không ai vô tín ngưỡng cả. Ai cũng tin, nhưng không phải ai cũng tin đức tin duy nhất và chân thật. Đức tin duy nhất và chân thật này chính là đức tin được Giáo Hội do Chúa Kitộ thiết lập tuyên xưng.

Ta bảo rằng Đức Mẹ là gương mẫu hoàn hảo của mọi giáo lý viên Công Giáo. Khi nói như thế, ta đã khẳng định một điều có thể không hiển nhiên, đó là việc Đức Mẹ là một giáo lý viên. Nhưng quả tình, Ngài có giảng dạy người khác biết đức tin duy nhất và chân thật. Và Đức Mẹ làm việc ấy hết sức tuyệt vời đến nỗi ta có quyền gọi Ngài là Mẹ Các Giáo Lý Viên.

Điều ấy đưa ta tới câu hỏi căn bản nên được đặt ra là “Đức Mẹ là Giáo Lý Viên hoàn hảo ra sao?” và “làm thế nào ta có thể học hỏi nơi Ngài cách giảng dạy người khác về Đạo Công Giáo?” Câu trả lời hệ ở việc hiểu rõ đâu là các đức tính chính nơi Đức Mẹ mà ta có thể mô phỏng trong các sinh hoạt giáo lý của ta. Theo gương Đức Mẹ, ta sẽ trở nên giống Ngài hơn, Đấng vốn là nhà thông đạt hoàn hảo các chân lý mạc khải của Con Trai thần thánh của mình.

Chúng tôi thiển nghĩ Đức Mẹ có ba đức tính qúy giá sau đây:

  1. Đức Mẹ có một đức tin rõ ràng và hiểu biết
  2. Đức Mẹ kết hợp với Trái Tim Con mình trong cầu nguyện
  3. Đức Mẹ sống Ý Chúa cách thẳng thắn và can đảm trong cuộc sống của mình.

Với các đức tính ấy, Đức Mẹ có đầy đủ tư cách để được xưng hô là mẫu mực các giáo lý viên. Tại sao? Vì yếu tính của việc giảng dạy giáo lý không hệ ở điều nói ra mà hệ ở điều truyền đạt. Để truyền đạt được chân lý, người ta phải có một đức tin rõ ràng, phải kết hợp sâu sắc với Chúa trong cầu nguyện và can đảm sống phù hợp với thánh ý Chúa. Không ai khác là giáo lý viên hoàn hảo; không ai khác, ta dám nói thế, là giáo lý viên thật sự.

Bởi vậy, ba đức tính trên không những là căn bản của mọi khoa giáo lý chân chính. Mà theo thiển ý, còn là chính linh hồn của khoa ấy nữa. Không có ba đức tính ấy, việc giảng dạy giáo lý chỉ là chuyện sư phạm khoa bảng, vô hồn, thiếu sức sống. Không phải hễ nói về tôn giáo là dạy giáo lý cả đâu!

Đức Tin của Đức Mẹ

Muốn nói về Đức Mẹ như mẫu gương cho các giáo lý viên, ta phải bắt đầu ngay từ thuở ban đầu cuộc sống thiêng liêng của Ngài, lúc Ngài đã có được một đức tin sâu sắc và không thắc mắc. Tĩnh từ “không thắc mắc” quả là yếu tính của một đức tin chân thật. Ta biết rằng đức tin là dùng trí khôn mà chấp nhận điều Chúa mạc khải. Nó có nghĩa ta phải tin mọi điều Chúa tỏ lộ là thật cho ta, tin mà không hoài nghi chút nào. Tại sao? Vì Người không thể đánh lừa ta cũng như không thể bị ai đánh lừa.

Đức Mẹ có thứ đức tin như thế. Lúc được truyền tin, Ngài tin điều thiên thần nói với Ngài, rằng Con Trẻ mà Ngài sẽ cưu mang chính là Con Đấng Tối Cao. Đức tin của Ngài là đức tin thận trọng. Sau khi hỏi việc ấy xẩy ra làm sao được, vì Ngài đã dâng hiến đức đồng trinh của mình cho Thiên Chúa, thiên thần trấn an Ngài rằng Chúa Thánh Thần sẽ biến điều con người không thể làm được thành điều có thể làm được. Ngài tin ngay. Đó là đức tin. Nhưng điều gì con người không thể làm được mà Thiên Chúa thì làm được? Đó là việc một trinh nữ sẽ thụ thai.

Đức Mẹ biết rõ điều các tiên tri xưa tiên báo về các thống khổ của Đấng Mêxia. Ngài không ảo tưởng chút nào về cái giá phải trả để được làm Mẹ Đấng Mêxia ấy. Nhưng Ngài không hề phân vân do dự. Ngài nói với thiên thần: “Xin thực hiện cho tôi điều ngài vừa nói”. Cái giới từ “cho” (to) là một trong những hạn từ quan trọng bậc nhất trong Tân Ước.

Đức tin chân thật luôn sẵn sàng tin không những Thiên Chúa, không những các điều Người có thể làm vì ta. Đức tin chân thật còn bao hàm cả điều Thiên Chúa có thể làm cho ta nữa và những điều ấy thì nhiều vô kể! Chúng có thể gây đau đớn, nhưng ta vẫn tin rằng Đấng gây đau khổ cho ta cũng là Đấng thương yêu ta. Nhận ra ý Chúa giữa các thử thách của cuộc đời là bằng chứng của một niềm tin rõ ràng và hiểu biết.

Giáp mặt với thế lưỡng nan của việc có thai và thấy cảnh lúng túng của Thánh Giuse, người vốn nghĩ Ngài vô tội, đức tin của Đức Mẹ vẫn không xuy giảm. Ngài giữ im lặng, im lặng trong khiêm hạ. Thế là Thiên Chúa làm phép lạ bằng cách sai cùng một thiên thần xuống truyền cho Thánh Giuse phải tiếp nhận Đức Mẹ làm vợ. Nói theo phương diện con người, ta hết sức ngỡ ngàng không hiểu tại sao Thiên Chúa không chịu nói cho Thánh Giuse biết từ trước?

Đức tin của Đức Mẹ nâng đỡ Ngài trong suốt 30 năm ở với Chúa Giêsu tại Nadarét và ba năm trong thừa tác vụ công khai của Người. Nhưng một cách đặc biệt, chính niềm tin của Ngài từ lúc ở Đồi Canvariô tới Chúa Nhật Phục Sinh, đã được Giáo Hội tưởng niệm kể từ thế kỷ thứ nhất. Ta đã mệnh danh thích đáng mọi Ngày Thứ Bẩy là ngày của đức tin. Một mình Đức Mẹ đã tuyệt đối không chút hoài nghi rằng con trai mình, dù bị đóng đinh và chôn cất, sẽ sống lại từ cõi chết. Quả tình, Ngài đã tin điều không thể nào có được về phương diện con người.

Nói về các giáo lý viên, không còn gì căn bản hơn, không còn gì cần thiết hơn trong công việc của họ bằng chia sẻ niềm tin không thắc mắc, đầy hiểu biết của Đức Mẹ. Chỉ những ai tin mới có thể giảng dạy được đức tin, không ai khác. Không tin không thể dạy đức tin được. Không tin chỉ có thể phá hoại đức tin mà thôi. Chỉ một mình đức tin mới gây linh hứng; không tin không thể làm thế. Chỉ có đức tin mới được Thiên Chúa sử dụng để thông truyền đức tin cho người khác. Ai cũng phải nhìn nhận điều này: “Lý do khiến tôi tin chính vì một ai đó từng tin đã chia sẻ đức tin của họ cho tôi”. Không có luật trừ. Người không tin, dù thông thái học rộng bao nhiêu, cũng không thể cho người khác điều họ không có. Kiến thức khoa bảng là điều hữu ích; nhưng đức tin là điều không thể miễn chước được. Sư phạm là một vốn qúy với điều kiện phải xây trên đức tin. Nhưng thiếu đức tin, sư phạm không những là một của nợ, nó còn trở thành rù quyến nữa. Cũng như Đức Mẹ, giáo lý viên gần như giảng dạy mà không cần nói tới giáo lý. Đức Mẹ đâu có đứng lớp và con số những lời Đức Mẹ nói, được ghi lại trong Phúc Âm, hết sức ít ỏi. Thế mà Thánh Augustinô không ngần ngại xưng tụng Đức Mẹ là sách giáo lý sống động, Catechismus vivens. Tại sao? Chì vì điều Đức Mẹ là. Sách giáo lý đâu phải là bản in lạnh lùng. Sách giáo lý đích thực luôn là những hữu thể nhân bản sống động, biết tin. Từ thời Đức Mẹ, mọi giáo lý viên đều chỉ giảng dạy bao lâu họ thực sự tin, giống như Đức Mẹ.

Việc Cầu Nguyện của Đức Mẹ

Đức Trinh Nữ Diễm Phúc từng cầu nguyện. Truyền thống cho ta hay Ngài đang cầu nguyện thì thiên thần hiện ra báo tin cho Ngài biết Ngài đã được chọn làm Mẹ Thiên Chúa. Lúc đi thăm bà Êlisabét, Đức Mẹ cũng cầu nguyện. Ta có thể nói Ngài ca nguyện Kinh Ngượi Khen (Magnificat). Tại Bêlem, không có lời chuyện trò nào của Đức Mẹ với người khác, không một vần điệu nào đã được ghi nhận từ môi miệng Ngài. Ta chỉ được tường thuật là khi các mục đồng được thấy cảnh Giáng Sinh, “họ hiểu rõ điều họ được kể liên quan đến Hài Nhi này. Và tất cả những người nghe truyện, đều bỡ ngỡ về những điều các mục đồng thuật lại”. Nhưng về phần Bà Mẹ, Ngài không nói một lời. “Bà Maria lưu giữ mọi điều đó trong lòng, suy đi nghĩ lại các điều ấy trong tâm hồn mình”.

Điều ấy cần phải đề cập tới xiết bao! Lời cầu nguyện chính yếu của Đức Mẹ là lời cầu nguyện từ trái tim, lời cầu nguyện trong trái tim, lời cầu nguyện bằng trái tim. Tắt một lời, Đức Mẹ cầu nguyện trong thẳm sâu hữu thể của Ngài, kết hợp hoàn toàn với Chúa Giêsu, Đấng Đức Mẹ biết lập tức là Đấng đã dựng nên mình và là Con Trai mình.

Rồi, lúc Dâng Con vào Đền Thờ, không một lời nào trích dẫn Đức Mẹ chuyện trò với vị tư tế trong đền thờ hay với ông Simêong và bà Anna. Ông Simêong có nói truyện với Đức Mẹ. Nhưng ta không được tường thuật việc Đức Mẹ có chuyện trò với ông hay không và chuyện trò điều gì. Ta biết Đức Mẹ miệt mài cầu nguyện. Lúc tìm thấy Con trong Đền Thờ, Đức Mẹ hỏi Người tại sao làm điều đã làm. Người trả lời Người phải lo lắng công việc của Cha thật ở trên trời. Lần thứ hai, Thánh Luca cho ta hay: Mẹ Người đã giữ mọi điều ấy trong trái tim mình. Đó là ghi chép duy nhất điều Đức Mẹ làm trong suốt thời gian dài Ngài sống với Con Trai mình tại Nadarét. Người Con Trai ấy luôn hiện diện trong tâm trí Đức Mẹ. Người luôn đầy ắp trong trái tim Ngài.

Bây giờ xin nói về lời cầu nguyện của giáo lý viên. Với đức tin thế nào, thì với lời cầu nguyện cũng vậy. Giáo lý viên không thể thực sự dạy giáo lý nếu không thực sự cầu nguyện. Gọi nó là cầu nguyện bằng tiếng hay suy niệm; gọi nó là cầu nguyện trong tâm trí hay phụng vụ; gọi chúng là nguyện tắt hay thinh lặng với Chúa. Gọi bằng bất cứ tên gọi nào thì gọi, cầu nguyện vẫn là linh hồn của việc dạy dỗ tôn giáo. Người ta chỉ thực sự thành công một cách siêu nhiên trong tư cách giáo lý viên, khi trở thành người cầu nguyện. Ai cầu nguyện, sẽ truyền đạt được điều họ đã học hỏi qua chuyện trò với Chúa.

Ta đụng tới tâm điểm của khoa giáo lý khi nói rằng giáo lý viên phải cầu nguyện. Có nhiều lý do giải thích, chỉ xin kể hai lý do: Cầu nguyện là nguồn suối thông thường của ơn thánh giúp soi sáng tâm trí ta, và cầu nguyện là nguồn suối thông thường của ơn thánh giúp lay động ý chí ta. Suy nghĩ kỹ, ta thấy ở đây có hai tâm trí và có hai ý chí, và cả hai đều cần ơn thánh Chúa mà do Chúa quan phòng, chỉ đến với ta qua cầu nguyện.

1. Trước nhất, tâm trí giáo lý viên. Các kiến thức thuộc lòng về giáo huấn của Giáo Hội và ngay cả việc nghiên cứu sâu rộng về thần học tự chúng không thể đem lại cho ta ý thức bản thân về các chân lý mạc khải mà chỉ có ơn thánh mới cung cấp được. “Lạy Chúa, xin cho con được thấy” phải là lời cầu nguyện của mọi giáo lý viên biết nghiêm túc trong việc chia sẻ với người khác các cái nhìn thông sáng sâu sắc nội tâm về mạc khải Thiên Chúa. Ta cần ơn thánh, và ơn thánh trước nhất và nền tảng hơn cả chính là ánh sáng soi dẫn tâm trí ta.

Không những cầu nguyện cần thiết để thực sự nhận biết ý nghĩa của điều tôi đang giảng dạy trong tư cách giáo lý viên. Cầu nguyện còn cần thiết để tôi biết cách phải giảng dạy ra sao nữa. Thích ứng với các lớp tuổi và khả năng khác nhau đã đành, nhưng việc này còn quan trọng hơn. Chỉ có Chúa, Đấng đọc được trái tim người ta, mới biết cách tốt nhất tôi có thể giảng dạy và với tới trái tim người khác, và Người chỉ cho tôi hay với một điều kiện: tôi đủ khôn ngoan và khiêm nhường để cầu xin Người, Đấng vốn sẵn sàng soi dẫn tôi.

2. Là một giáo lý viên, tôi cũng cần để ý chí tôi được ơn thánh Chúa linh hứng để Người dùng tôi làm máng chuyển linh hứng cho những người tôi dạy giáo lý cho. Quả có những điều như mong muốn được dạy dỗ người khác về đức tin. Việc ấy không những chỉ là việc sẵn lòng giảng dạy người khác. Nó còn là ý nguyện sâu sắc muốn mang người khác lại gần Chúa hơn bằng những điều tôi giảng dạy họ. Nhưng tôi chỉ có được ý nguyện ấy bao lâu tôi là người cầu nguyện.

Cũng có khi là người giảng dạy mà không phải là người tông đồ. Trong khi mọi giáo lý viên đúng nghĩa phải là người giảng dạy với tinh thần tông đồ. Giáo lý viên phải có cảm thức truyền giáo, như một ai đó được Chúa Kitô sai đi, không khác gì các Tông Đồ đầu tiên được Thầy sai đi để chia sẻ Chân Lý mạc khải cho người khác, Chân Lý mà họ đã tiếp nhận trước hết từ chính Thầy.

Dạy giáo lý không phải là việc nhân dụng, không phải là một công ăn việc làm. Ngay với nghĩa thường dùng của từ ngữ, nó cũng không phải là một nghề nghiệp. Dạy giáo lý là làm việc tông đồ. Những điều ta nói từ trước đến bây giờ chỉ là một nửa lý do tại sao giáo lý viên phải cầu nguyện: để nhận được ơn thánh cho chính mình. Những người họ dạy giáo lý cho cũng cần tiếp nhận ơn thánh. Ở đây nữa, việc cầu nguyện của giáo lý viên phải là kho dự trữ ơn thánh, cho những người họ dạy giáo lý cho.

Những người này cần ơn thánh để nắm vững những điều được dạy. Những điều ấy phải “có nghĩa” đối với họ. Họ phải rõ ràng nhìn thấy điều đức tin đang nói với họ, và tuyệt đối chắc chắn rằng: điều họ được giảng dạy để tin đều là sự thật. Họ phải có khả năng bênh vực chân lý họ đã tiếp nhận, bất chấp mọi người chung quanh họ không tin hay tin vững vàng, hoặc chống đối người tin vì đã bám lấy điều nhiều người có học cho là lỗi nhịp hay tiền công đồng, cực đoan, và không còn chạy kịp thời gian nữa.

Để tin được kiểu ấy, họ cần ánh sáng của Chúa. Các giáo lý viên phải thủ đắc thứ ánh sáng đó cho những ai họ đang dạy giáo lý cho bằng cách cầu nguyện cho họ.

Những người đang được giảng dạy cũng cần sức mạnh siêu nhiên cho ý chí của họ. Các mầu nhiệm đức tin mà ta tuyên xưng đương nhiên không thể quan niệm được đối với lý trí nhân bản; mà còn không tài nào đem ra thực hành được một cách tự nhiên bởi nguyên ý chí của con người mà thôi.

Không có sự dư đầy ơn thánh siêu nhiên, mà ta phải thủ đắc qua cầu nguyện, thì các chân lý tươi đẹp của đức tin mãi mãi vẫn chỉ là thế: vẫn chỉ là các lý tưởng tươi đẹp để đó mà ngắm. Để được sống thực, không những một lần hay thỉnh thoảng mà là suốt đời, ta cần cả một đời được Chúa nâng đỡ. Nguồn suối nâng đỡ chính của Thiên Chúa chính là ơn thánh của Người. Và cách thế chính để nhận được ơn thánh đó chính là nhờ cầu nguyện, ở đây là lời cầu nguyện của giáo lý viên cho những người dưới sự chăm sóc của họ.

Bởi thế, muốn trở thành các giáo lý viên có tinh thần tông đồ và nhiều hiệu năng, ta phải là những con người của cầu nguyện, giống như Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ. Thiển nghĩ ta không nên do dự quả quyết rằng giống như Đức Mẹ, ta phải luôn ngẫm nghĩ một cách đầy cầu nguyện trong tâm hồn, ngay cả lúc ta đang nói với người khác.

Cuộc Đời của Đức Mẹ

Nếu phải miêu tả cuộc đời của Đức Mẹ bằng một câu duy nhất, hẳn ta sẽ nói Ngài luôn sống thuận theo ý Thiên Chúa.

Ta hãy trở lại với biến cố Truyền Tin. Trong biến cố ấy, ta thấy Chúa muốn Đức Mẹ suy phục thánh ý Người. Và Đức Mẹ đã xin vâng. Thiên thần không bảo Ngài phải đi thăm người chị họ là bà Êlisabét. Cùng lắm, thiên thần chỉ dám đoán là Đức Mẹ sẽ làm việc ấy. Và thực ra, Đức Mẹ đã làm gì? Ngài nhận ra ngay điều ta gọi là ý muốn hàm ẩn (implied will) của Chúa. Ngài hành động một cách tự phát dựa trên sự hàm ẩn ấy. Thánh Luca còn cho ta hay: “Ngài vội vàng làm thế”. Chỉ cần một gợi ý xa xôi của Chúa, cũng đủ để Đức Mẹ lập tức thực hiện điều chính Chúa không minh nhiên truyền cho Ngài thực hiện, mà chỉ hàm ẩn đó là ý của Người.

Kinh Ngượi Khen của Đức Mẹ là cả một thư viện tín liệu nói về ý nghĩa thế nào là làm theo ý Chúa. Làm theo ý Chúa là ngượi khen Người. Nghĩa là ca tụng Người và không tìm kiếm ca tụng hay tiếng tăm cho chính mình. Thể hiện ý Chúa là hân hoan trong ý của Người, bất chấp điều ấy có gây khó chịu cho ta bao nhiêu về phương diện tự nhiên. Quả có việc người ta hân hoan khi thể hiện ý Chúa trong đau đớn! Thể hiện ý Chúa là coi mình thấp hèn dù Chúa thực hiện nhiều điều vĩ đại qua ta. Tôi không bao giờ nên, vâng không bao giờ nên lầm lẫn nhận công lênh về bất cứ điều gì Thiên Chúa thực hiện qua tôi. Thể hiện ý Chúa là không khát mong quyền lực hay giầu có trần gian, nhưng biết hài lòng với những ít ỏi, và sẵn sàng chịu nghèo khó. Tóm lại, thể hiện ý Chúa là coi mình chỉ là đầy tớ không quyền đòi hỏi chi nơi Chúa nhưng luôn ý thức được nhiệm vụ mà một tôi tớ phải chu toàn. Lúc đứng dưới chân thánh giá, Đức Mẹ biết đó là ý Chúa muốn Ngài ở đó, đau đớn trong tinh thần để hợp nhất với Con mình. Và sau biến cố Thăng Thiên, Đức Mẹ cũng biết ý Chúa muốn Ngài hiện diện với các Tông Đồ và môn đệ trong khi chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống. Đức Mẹ luôn coi ý Chúa là ơn Quan Phòng của Người trong cuộc đời Ngài. Ngài coi mọi hoàn cảnh Ngài gặp là một phần trong kế hoạch vô cùng khôn ngoan của Chúa dành cho Ngài. Ngài đáp ứng kế hoạch đó một cách xứng hợp. Ngài luôn nhìn ra bàn tay mầu nhiệm của Chúa trong các hành động của con người nhân bản, kể cả của Xêda Augustô, người đã ra lệnh thực hiện cuộc kiểm kê dân số khiến Ngài bó buộc phải trở về Bêlem để hạ sinh Chúa Giêsu, của Hêrốt, người đã buộc Ngài phải trốn qua Ai Cập với con thơ trên tay, và của cả Philatô người đã kết án tử hình Con mình như một tội phạm và các lý hình từng đóng đinh Con mình vào thánh giá.

Giống như Đức Mẹ, đời sống thiêng liêng của giáo lý viên phải là cuốn giáo khoa chính dùng để giảng dạy trẻ em, thiếu niên và người trưởng thành đặt dưới quyền chăm sóc của họ. Đó là nơi Đức Mẹ không còn chỉ là mẫu mực cho ta mô phỏng. Nhưng theo nghĩa sâu sắc nhất, Ngài còn chính là người hướng dẫn đã được Chúa chọn lựa cho ta. Nên nhớ rằng không như Con Trai thần thánh của mình, Ngài phải tin và hy vọng vào Chúa. Bởi thế, cuộc sống thiêng liêng của Ngài đều đặt căn bản trên hai nhân đức cốt yếu mà mọi giáo lý viên đều cần phải có. Tùy theo mức độ cuộc sống họ được xây dựng trên đức tin và tin tưởng vào Chúa như Đức Mẹ, Chúa sẽ dùng họ không những để dạy giáo lý mà còn để đưa người ta vào đạo; và không những đưa các linh hồn trở lại đạo mà thôi, nhưng còn được thấy các phép lạ trở lại đạo nữa. Trong thế giới ngày nay, giáo lý viên nên cầu mong Chúa làm phép lạ đầy ơn sủng cho cả những người chưa được giảng dạy đức tin chân thật..

Ta cũng nên nhớ rằng: chỉ thị mà Đức Mẹ ra cho các đầy tớ tại Cana cũng là chỉ thị Ngài ra cho mọi giáo lý viên. Chúa Giêsu nói với Mẹ Người rằng thì giờ của Người chưa đến nhưng vì Mẹ Người yêu cầu, nên Người đã thực hiện phép lạ biến nước thành rượu. Thiên Chúa sẽ qua ta làm nhiều điều lạ lùng siêu nhiên, miễn là ta biết tuân theo chỉ thị của Đức Mẹ và làm theo mọi điều Con Trai Ngài truyền cho ta.

Kết Luận

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói chắc với chúng ta rằng Đức Mẹ là môn đệ đầu tiên của Chúa Kitô. Đức Mẹ là môn đệ đầu hết vì ngay từ lúc Ngài tìm thấy người Con niên thiếu của mình trong đền thờ, Ngài đã tiếp nhận được nhiều bài học của Con, những bài học được Ngài giữ mãi trong tâm hồn. Mà Ngài không phải chỉ là môn đệ đầu tiên của Chúa Kitô, Ngài còn là môn đệ vĩ đại nhất của Chúa nữa. Không ai khác đã được Chúa giảng dạy sâu xa bằng Đức Mẹ, Đấng đã sống với Chúa gần hết sinh thời trên trần gian của Người. Ngài vừa là mẹ vừa là môn đệ, ta có thể nói như thế, và “tư cách môn đệ của Ngài còn quan trọng hơn cả tư cách mẫu thân”. Chính vì thế, Vị Đại Diện của Chúa Kitô cũng đã không ngần ngại gọi Đức Mẹ là “Mẹ và mẫu mực các giáo lý viên”. Đức Mẹ là Mẹ ta và là mẫu mực của ta ra sao? Theo mức, cũng như Ngài, ta là các giáo lý viên biết tin, biết cầu nguyện và biết sống điều ta cầu và điều ta tin.

Theo Lm John Hardon, SJ

(1) Trong bài này, chúng tôi dùng đại từ “Ngài” để chỉ Đức Mẹ hay các thánh nếu có, trong khi đại từ “Người” chỉ dùng cho Thiên Chúa bất kể là Ngôi Cha, Ngôi Con hay Ngôi Thánh Thần.

Vũ Văn An

URL: http://danchuausa.net/duc-me/duc-maria-giao-ly-vien-guong-mau/