Trích từ Dân Chúa

Có Mẹ trong đời: Lòng Mẹ Xót Thương

Lm JB Phạm Quốc Hưng, DCCT

Một bản kinh

Cách đây ít năm, khi có dịp đi giảng tĩnh tâm cho các chị Dòng Trinh Vương Thương Xót ở Lincoln, tiểu bang Nebraska, tôi được nghe các chị đọc một kinh kính Đức Mẹ thật hay. Tôi liền xin các chị bản kinh ấy để đọc mỗi ngày. Tôi gọi bản kinh ấy là Kinh Đức Mẹ Trinh Vương Thương Xót, vì đó là danh xưng lời kinh dành cho Mẹ, và vì tôi học được bản kinh ấy từ các chị Dòng Trinh Vương Thương Xót. Bản kinh ấy như sau:

Assumption5.jpg

Ôi Maria Trinh Vương, Mẹ Thương Xót của con, Mẹ được đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội do Chúa Ba Ngôi Chí Thánh ban cho Mẹ. Xin Mẹ lấy đặc ân ấy bao phủ trên con, thánh hóa và gìn giữ con khỏi mọi mưu chước ma quỷ, để cho tình yêu và thân xác con được trong sạch trước mặt Chúa luôn luôn.

Xin Mẹ hãy lấy đức đơn sơ, điềm tĩnh, trung thành, khôn ngoan, hiền dịu và quả cảm của Mẹ thay thế vào lòng con, để làm cho con sống một cuộc đời như Mẹ. Mẹ ơi, Mẹ biết con yếu đuối bất lực trong tất cả mọi sự, nên con trông cậy phó thác hoàn toàn nơi Mẹ. Xin Mẹ hãy sống và hành động trong con mãi mãi. Amen.

Sau này, nhận thấy bản kinh này có ý nghĩa tôn vinh đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Mẹ:danh hiệu được Cha Thánh Anphong đặt làm Bổn Mạng Dòng Chúa Cứu Thế-tôi liền cho các thày nhà tập đọc mỗi sáng để dâng mình cho Đức Mẹ. Sau kinh này, nhà tập chúng tôi đọc thêm một Kinh Kính Mừng và lời xướng đáp Cha Thánh Anphong dạy:

X: Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội
Đ: Xin thanh tẩy thân xác và thánh hóa linh hồn con.

Tôi càng thích thú hơn khi nhận ra đây chính là Kinh Tận Hiến Cho Đức Mẹ in ở cuối cuốn sách mang tựa đề Tôi Muốn Làm Linh Mục của Cha JM Lưu Đức Mẫn, OP mà tôi từng thích thú đọc từ bé. Cũng vậy, khi nhận ra lễ khấn dòng của mình trước đây vào ngày 5 tháng tám không những trùng vào Lễ Cung Hiến Đền Thờ Đức Bà Cả mà còn là Lễ Đức Mẹ Thương xót nữa, như được ghi lại trong Nhật Ký Lòng Chúa Thương Xót của Thánh Maria Faustina Kowalska. Với tôi, sự việc này cho thấy Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội-Trinh Vương Thương Xót chính là Đấng đã đang và sẽ giúp các tu sĩ và linh mục sống trọn vẹn ơn gọi thánh hiến của mình.

Lời Cha Chung

Tôi được hiểu biết rõ ràng hơn về Đức Mẹ Thương Xót, khi đọc được những lời giảng giải thật sâu sắc về danh xưng Đức Mẹ Thương Xót của Đức thánh Cha Bênêđictô XVI trong bài giảng Lễ Chúa Ba Ngôi khi ngài đến viếng Đền Đức Mẹ Thương Xót tại Savona bên ý ngày 17-18 tháng năm 2008.

“Hôm nay chúng ta được nghe một đoạn trong sách Xuất Hành-một điều rất lạ thường-thiên Chúa công bố chính Tên của Người? Người đã làm thế trước sự hiện diện của Mô sê, người đã được Chúa nói chuyện mặt đối mặt như bạn hữu. Và Tên của Thiên Chúa là gì? Tên ấy không thể không đánh động chúng ta: "Đức Chúa? Đức Chúa! Thiên Chúa thương xót và từ nhân, bao dung, đầy nhân nghĩa và tín thành” (Xh 34:6).

“Đây là những lời của nhân loại nhưng đã thực sự được thúc bách và thết lên bởi Chúa Thánh Thần. Chúng bảo cho chúng ta sự thật về Thiên Chúa. Chúng là thật trong quá khứ, chúng là thật hôm nay và sẽ mãi mãi là thật: Chúng khiến chúng ta thấy trong con mắt tâm trí chúng ta Khuôn Mặt của Đấng Vô Hình; chúng bảo cho chúng ta Tên của Đấng Khôn Tả. Tên này là Thương Xót, ân Sủng, Thành Tín.

“Các bạn thân mến, làm sao Cha có thể không vui mừng với các bạn ở đây tại Savona bởi lẽ đây là chính Tên mà Đức Trinh Nữ Manh đã tự xưng khi hiện ra ngày 18 tháng Ba năm 1536 với một nông dân, người con của miền đất này? “Đức Bà Thương Xót” là danh xưng mà người được tôn kính-và ít năm gần đây chúng tôi cũng đã có một tượng lớn của Mẹ ở Vườn Vatican.

“Thế nhưng Đức Maria đã không nói về chính mình, người không bao giờ nói về chính mình nhưng luôn luôn nói về Thiên Chúa, và người làm thế với tên này, một tên rất xưa cũ nhưng mãi mới mẻ: Thương Xót, tên đó đồng nghĩa với tình yêu và ân sủng.

“Đây là tất cả cốt tính của Kitô giáo bởi vì nó là cốt tính của chính Thiên Chúa. Thiên Chúa là Duy Nhất vì Người là tất cả và chỉ là Tình Yêu, nhưng chính vì là Tình Yêu, Người là sự rộng mở, chấp nhận, đối thoại; và trong tương quan với chúng ta những con người tội lỗi, người là lòng thương xót, cảm thông, ân sủng và tha thứ. Thiên Chúa đã dựng nên mọi sự để hiện hữu và điều Người muốn luôn luôn và chỉ là sự sống.

“Với những ai trong cơn nguy biến Người là sự cứu độ Chúng ta mới vừa nghe trong Phúc âm thánh Gioan "Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để những ai tin ở Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời" (Jn 3:16). Trong món quà tự thân của Thiên Chúa nơi Ngôi Vị của Chúa Con cả Ba Ngôi cùng góp phần.

“Chính Chúa Cha, Đấng đã trao vào tay chúng ta điều Người yêu quý nhất; Chúa Con, Đấng vâng phục Chúa Cha đã trút bỏ vinh quang của mình để hiến thân cho chúng ta; Chúa Thánh Thần, Đấng rời bỏ sự bình an của vòng tay thần linh để tưới gội sa mạc nhân loại. "Cho công cuộc của lòng thương xót này của Người, để chuẩn bị cho chính Người mang lấy xác phàm của chúng ta, Thiên Chúa cần một tiếng "xin vâng" của nhân loại, tiếng "xin vâng" của một phụ nữ sẽ trở nên Mẹ của Ngôi Lời Nhập Thể của Người, Chúa Giêsu, Khuôn Mặt nhân loại của Lòng Thương Xót Thần Linh. Đức Maria vì thế đã trở nên và mãi mãi vẫn là "Mẹ Thương Xót" như chính Mẹ đã tỏ mình nơi đây tại Savona.

“Trong suốt dòng lịch sử của Hội Thánh, Đức Trinh Nữ Maria đã 'không làm gì khác hơn là mời gọi con cái người trở về với Thiên Chúa, phó mình cho Thiên Chúa bằng cầu nguyện, gõ cửa của Trái Tim Thương Xót của Thiên Chúa với sự kiên trì tín thác. Thực vậy, tất cả những gì Người muốn là trút hết vào thế giới sự dồi dào của ân Sủng của Người.

“Đức Maria đã van nài 'Lòng Thương Xót chứ không phải sự công thẳng', biết rằng chắc chắn người sẽ được Chúa Giêsu Con Mẹ lắng nghe, nhưng cũng biết rõ nhu cầu phải hối cải của tâm hồn các tội nhân. Vì lý do này Mẹ đã xin cầu nguyện và đền tạ...”

Maria - Trinh Vương Thương Xót

Trong tác phẩm Vinh Quang Đức Mẹ, khi giải thích Kinh Lạy Nữ Vương, Cha Thánh Anphong đã nhấn mạnh đến tình thương của Đức Mẹ và tôn vinh danh xưng "Nữ Vương Thương Xót" hay "Mẹ nhân lành" của Đức Mẹ với những lời sau:

“Tôi chứng thực trăm phần trăm xác thực rằng: không một bài giảng nào sinh được nhiều hiệu quả và thống hối cho bằng bài giảng về tình thương của Mẹ Maria. Tôi nói về tình thương của Mẹ Maria, vì thực ra, như Thánh Bênađô nhận xét: “Chúng ta tán dương Mẹ khiêm nhu, chúng ta ca tụng Mẹ trinh khiết nhưng sự khốn nạn của bọn tội nhân chúng ta lại khiến chúng ta dễ lưu luyến và khoái cảm hơn với tình thương của Mẹ: chúng ta choàng ôm tình thương của Mẹ một cách thân thiết hơn, tư tướng đến nhiều hơn, và kêu cầu mau mắn hơn”

“Do đó, tôi xin nhường những vị khác cái hân hạnh viết về biết bao đặc ân của Mẹ Maria, mà chỉ lấy tình thương cao trọng và quyền cầu bầu vạn năng của Mẹ làm đề tài chính yếu bàn đến trong cuốn nhỏ này?'

“Một yếu tố quan thiết đem lại cho chúng ta một an ủi tràn đầy là: Mẹ là Nữ Vương hoàn toàn nhân từ, hoàn toàn khoan dung, hoàn toàn chủ tâm làm ơn lành cho bọn người cơ khổ chúng ta. Do đó, trong kinh Salve Regina, Giáo Hội đã kêu gọi chúng ta kính chào và tuyên dương Maria là Nữ Vương Thương Xót.”

“Là Nữ Vương nhưng Mẹ không nắm trong tay cái phủ việt công lý để trừng trị kẻ phạm tội, mà chỉ nấm giữ một quyền năng xử dụng tình thương, chỉ có mỗi một trách vụ là thi ân bá chính và ân xá mà thôi. Đó là tư tướng của Giáo Hội khi dạy chúng ta tung hô Mẹ Maria là Trinh Vương Thương Xót.” “Mẹ Không Thể Xử Theo Công Lý Được”

Trong tác phẩm Vinh Quang Đức Mẹ, Cha Thánh Anphong đã ghi lại rất nhiều câu truyện cho thấy lòng thương xót bao la của Đức Mẹ. Nhưng câu truyện sau có lẽ là minh họa thích hợp nhất với lời giảng của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI tại Savona trên đây.

Cha Cario Boviô thuật truyện sau:

Ở Đômăng, miền Champagne, có một người đã có gia đình rồi mà còn ham thú vui xác thịt với người đàn bà khác. Vợ ông tức giận lắm nên cầu xin Chúa giáng phạt cho đôi gian phu dâm phụ. Một hôm bà vào nhà thờ sấp mình trước bàn thờ Đức Mẹ, xin Chúa trừng phạt người đàn bà đã dụ dỗ chồng bà. Bàn thờ ấy cũng là bàn thờ người đàn bà tội lỗi kia vẫn có thói quen đến đọc một Kinh Kính Mừng kính Đức Mẹ.

Một đêm Đức Mẹ hiện ra trong giấc mơ với người vợ sầu khổ ấy. Vừa thấy Đức Mẹ, bà ta đã vội lập lại lời cầu xin hàng ngày: “Lạy mẹ Thiên Chúa, Xin Mẹ cừ thẳng tay phạt chúng đi!”

Nhưng Đức Mẹ trả lời: “Con đòi Mẹ thẳng tay ư? Con đòi Mẹ phải hãy đi kêu cửa khác. Mẹ không thể xử theo công lý được.”

Đức Mẹ nói thêm: “Con phải biết rằng người đàn bà tội lỗi đó hằng ngày vẫn đọc một kinh Kính Mừng tôn kính Mẹ. Mà đối với Mẹ, thì người đọc kinh là ai chăng nữa, Mẹ cũng không chịu để ai truy tố và trị tội được”

Sáng hôm sau, người vợ đau khổ đó đã đi dự thánh lễ ở nhà thờ nói trên. Lúc ra về bà gặp người đàn bà đã dan díu với chồng. Bà liền nổi giận nguyền rủa bà ta, buộc tội bà là phù thủy, tố cáo bà đã chài được chồng bà, lại còn yếm cả Đức Mẹ Đồng Trinh nữa. Nghe bà nói gở lạ, dân chúng la lên: “Im đi bà! Sao mà điêu ngoa thế!”

Bà liền trả lời: “Im sao được? Tôi nói thật đây. Đêm qua Đức Mẹ hiện ra với tôi. Tôi đã xin Đức Mẹ trị tội con ranh đó cho tôi. Đức Mẹ bảo rằng không trị nó được, vì mỗi ngày nó đều làm một việc tôn kính Mẹ.”

Thấy câu truyện thật cảm kích, người ta hỏi người phụ nữ ngoại tình xem bà đã làm việc gì để tôn kính Đức Mẹ. Bà trả lời: “Tôi chỉ đọc một Kinh Kính Mừng.” Và khi được biết Đức Mẹ thương mình như thế chỉ vì một việc sùng kính nhỏ mọn ấy, bà liền đến sấp mình dưới chân tượng Đức Mẹ. Rồi trước mặt mọi người, bà xin họ tha thứ cho các tội làm gương mù của bà. Bà lại tuyên khấn giữ đức thanh tịnh suốt đời. Sau đó, bà xin vào một nhà dòng và ở đó làm việc đền tội cho đến chết.

Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.
Lạy Mẹ Maria đầy lòng thương xót, xin cho con luôn biết trông cậy nơi Mẹ, lại xin Mẹ cho con được lòng biết thương xót như Mẹ. Amen.

(July 4th 2008)

Lm JB Phạm Quốc Hưng, DCCT

URL: http://danchuausa.net/duc-me/co-me-trong-doi-long-me-xot-thuong/