Trích từ Dân Chúa

Bài giảng dịp lễ khai mạc Hành Hương La Vang tại Washington DC

Lm Matthew Nguyễn Khắc Hy, SS

"Là người Công giáo Việt Nam, chúng ta có bổn phận làm vinh danh dân tộc Việt qua những giá trị văn hoá, đạo đức..."

Bài giảng dịp lễ khai mạc Hành Hương La Vang tại Washington DC. Lễ kính các thánh tử vì đạo VN dựa theo Phúc Âm thánh Gioan 17:11-19

(do LM Lm Matthew Nguyễn Khắc Hy, SS (Dòng Xuân Bích) giảng thuyết)

Kính thưa quí linh mục, tu sĩ nam nữ, quí ông bà và anh chị em, hôm nay chúng ta họp nhau kỉ niệm 20 năm ngày Giáo Hội phong hiển thánh cho 117 anh hùng chết vì đức tin, là cha ông chúng ta. Gương sống và máu đào của các vị là hạt giống đức tin chúng ta đang thụ hưởng ngày nay.

80619danve.jpg

Đoàn con Mẹ từ xa tiến về

Tôi xin được cùng với tất cả qúi ông bà và anh chị em nhìn lại vai trò là những kitô hữu Việt Nam trong bối cảnh mừng lễ các thánh tử vì đạo hôm nay.

Bài tin mừng hôm nay kể lại, khi Chúa Giêsu biết mình sắp lìa các môn đệ, Ngài lên tiếng cầu nguyện với Chúa Cha: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con, để họ nên một như chúng ta.” (Jn 17:11).

Lời cầu nguyện bao hàm hai ý tưởng: (a) xin gìn giữ các môn đệ trong danh cha, (b) và cho họ nên một như chúng ta.

Danh cha là danh gì? Thưa: Danh Chúa là Thánh, như trong kinh Magnificat Đức Maria lặp lại lời của người Do Thái: Danh Yahweh là thánh (Lev. 11:44; 1 Peter 1: 16). “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn!” (Lk 1:49; Matt. 6:9; Lk. 11:2).

80619nhatho.jpg

Những nụ cười rạng rỡ hân hoan

Trong 1 Thes khẳng định: TC là nguồn mọi sự thánh thiện (I Thess. 4:8).

Với người Do thái, sự thánh thiện của TC thể hiện qua sự trung thành của Yahweh đối với dân Người. Nói cách khác, Trung thành là hiện thực hoá căn tính Danh Thánh của Thiên Chúa Yahweh (2 Tim 2:13).

Vì thế, khi Đức Yêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện cùng Thiên Chúa Cha: “Lạy cha chí thánh, xin gìn giữ các môn đệ trong danh Cha mà Cha đã ban cho con” đồng nghĩa với “xin gìn giữ chúng để chúng biết trung thành với lời chúng đã khấn hứa.”

Là kitô hữu, ta hứa trung thành với Thiên Chúa trong đức tin, với GH và tha nhân trong đức mến.

Cha ông chúng ta, những anh hùng chết vì đạo, đã trung thành với những gì họ khấn hứa khi chịu phép rửa tội: yêu TC hết linh hồn, trí khôn, sức lực và yêu tha nhân như chính mình. Họ hiểu lời Thầy Giêsu: trò không hơn thầy, tôi tớ không hơn chủ. Vì một khi thế gian ghét thầy Giêsu thế nào thì cũng đối xử với các môn đệ như vậy.

Nhưng họ cũng thấu hiểu lời thánh Phaolô nhắn nhủ chúng ta hôm nay trong thư gởi giáo đoàn Roma: ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khố, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm gíao? (Rm 8:35).

80619le.jpg

Lễ kính các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Vậy điều gì làm cho cha ông chúng ta “Thánh”? Đó là sự trung thành. Trung thành với đức tin đã lãnh nhận khi chịu phép rửa tội.

Với chúng ta ngày nay, một trong những thách thức lớn nhất là sự trung thành trong đời sống kitô hữu. Về phương diện đức tin, chúng ta dễ dàng bỏ Thiên Chúa để theo những quyến rũ tầm thường của xác thịt, vật chất. Những đòi hỏi của luân lí kitô giáo bị coi là gay gắt, hay TC qua GH không thông cảm với con người.

Về tương quan với tha nhân, nhất là trong hôn nhân, chung thủy trọn đời bị coi là điều không thể thực hiện được, hay nếu có, thì chỉ do cưỡng chế của Giáo hội hơn là sự tự nguyện của vợ hoặc chồng.

Lời Chúa Giêsu dạy: “sự gì Thiên Chúa liên kết, loài người không được phân li”, hay cha ông ta khuyên bảo: “Thế gian một vợ một chồng, không như vua bếp 2 ông 1 bà” không còn là kim chỉ nam trong đời sống.

Ta thường dạy nhau: không có cuộc hôn nhân nào xấu, chỉ có con người xấu.

Gương sống chung thủy của Phạm Công - Cúc Hoa được thay thế bằng hình ảnh của những tài tử điện ảnh, nghệ thuật coi hôn nhân là một trò chơi hơn là một giao ước: “chuyện đời vợ vợ chồng chồng, thưong nhau cũng vội dứt lòng cũng mau.” Khủng hoảng chung thủy trong đời sống hôn nhân không chỉ là vấn nạn giữa hai người mà còn ảnh hưởng đến sự ổn định của xã hội qua số phận con cái.

Vì thể, kỉ niệm ngày cha ông anh hùng của chúng ta được phong thánh, không gì tốt hơn là bắt chước gương sống hi sinh của các Ngài, chấp nhận thực tế đời sống với con mắt đức tin, vì “thế gian được vợ mất chồng, đâu phải như rống mà được cả đôi.”

Khi người Việt bắt đầu coi thường chữ thủy chung là lúc chúng ta không còn là “môn đệ trong danh Cha” nữa.

80620cadoan.jpg

Ca đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể

Thứ hai, Chúa Giêsu cầu xin cùng Chúa cha: “xin cho họ nên một như chúng ta.” (Jn 17:11).

Chúa Giêsu biết đoàn kết không chỉ là dấu của yêu thương mà còn là căn bản tôn giáo. Thiên Chúa chúng ta thờ là Thiên Chúa Ba ngôi: Cha – Con- Thánh Thần. Thiên Chúa của sự hợp nhất của ba cá thể riêng biệt, của Một Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa của một cộng đoàn liên kết nhau bằng tình yêu.

Là người Việt Nam chúng ta nổi tiếng cần cù, chịu khó, thành công trong nhiều phương diện. Nhưng đoàn kết vẫn là quan tâm hàng đầu của những người có trách nhiệm.

Tổ chức Liên Đoàn Công Giáo là ước vọng của những người xa quê hương, bám víu và nương tựa vào nhau để sinh tồn. Trong thời kì đầu trên đất Mĩ, con số ít ỏi của những người xa quê hương, dù là du học sinh hay tị nạn thời bấy giờ, gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt tôn giáo, không phải vì bị kì thị hay không được chấp nhận trong GH điạ phương, nhưng trở ngại ngôn ngữ không làm cho người Việt lúc đó thấu hiếu và cảm nghiệm cách sâu xa và trọn vẹn chân lí của đức tin.

Nghĩa là, đức tin chưa thực sự được sống và hiểu biết cặn kẽ.

Với thao thức sống đức tin trọn vẹn, những người Việt bấy giờ đứng lại với nhau, rồi những cộng đoàn nhỏ bé tự phát, tự sinh hoạt để được tồn tại. Đoàn kết là súc mạnh, và đoàn kết lúc này cũng là yếu tố để sinh tồn trên đất khách.

Khi những sinh hoạt cộng đoàn bắt đầu thành hình và có tố chức, tạm gọi là vững chân, sự đoàn kết không còn là trọng tâm.

Tôi không nói đến chia rẽ, vì đó là một yếu tố tiêu cực và chúng ta thường không có, nhưng nhiều khi thiếu cộng tác, thiếu hỗ trợ, thiếu khuyến khích nhau làm cho sự đoàn kết nên một của cộng đoàn bị thoái hoá.

“Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết,” chúng ta nghe và hiểu rõ câu châm ngôn này của mọi dân, mọi nước. Nhưng tính cục bộ và hiếu thắng của nhiều người trong chúng ta khiến tiến trình đoàn kết gặp nhiều ngăn trở. Nhiều người hay mỉa mai rằng: ở đâu có ít người Việt, ở đó có sự đoàn kết. Ở đâu có đông người Việt, ở đó có chia rẽ, cấu xé nhau.

Thật ra, đây không chỉ là tật xấu của chúng ta, mà căn tính xấu của con người nói chung. Hiểu được đời sống con người, Chúa Giêsu cầu xin với Chúa Cha: “xin cho chúng nên một như chúng ta là Một.”

Ước mong đây là thời gian mà lời cầu nguyện của Chúa Giêsu được thực hiện giữa cộng đoàn Công giáo Việt Nam hải ngoại chúng ta.

Thứ ba, Chúa Giêsu tiếp tục cầu xin: “Bây giờ con đến cùng cha….Con đã truyền lại cho họ lời của Cha, và thế gian đã ghét họ, vì họ không thuộc về thế gian…” Ngài cũng nói thêm: “con không xin cha cất chúng ra khỏi thế gian nhưng gìn giữ họ khỏi ác thần” (Jn 17:14-15).

80610co.jpg

Cờ ngũ đại hành ngập trời

Các thánh tử vì đạo, cha ông chúng ta, là những người được Chúa Giêsu nói đến trong lời nhắc nhở này. Vì họ tin vào những gì Chúa Giêsu dạy, nên Thế gian ghét họ, và vì ghét nên đã tìm cách giết chết họ.

Từ cuối thế kỉ 18 đến đầu thế kỉ 19, hàng trăm ngàn Kitô hữu bị giết chết. Ba đời vua Minh Mang, Thiệu Trị, Tự-Ðức đều nhắm triệt tiêu Đạo Gia Tô, bị coi là Tà Đạo, trên đất Việt Nam.

Nhưng, như Chúa Giêsu đã tiên báo: “họ không thuộc về thế gian, cũng như con đây không thuộc về thế gian.” Nghĩa là, chính TC đã vinh danh những người con Việt Nam anh hùng và ban cho họ triều thiên trên trời, như Ngài đã vinh danh người con là Đức Giêsu Kitô, khi Đức Giêsu vâng phục cho đến chết và chết trên thập giá. Và vì vâng phục tuyệt đối nên Thiên Chúa ban cho Ngài một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu, để khi nghe tên Giêsu thì mọi loài trên trời, dưới đất và trong nơi âm phủ đều phải bái quỳ và tuyên xưng: "Đức Giê-su Ki-tô là Chúa" (Phi 2:9-11).

20 năm trước, Thiên Chúa qua Giáo Hội đã tôn vinh những người con Việt anh hùng để toàn thể giáo hội hoàn vũ kính nhớ các Ngài hằng năm vào ngày 24/11, để khi nghe tên “Anrê Dũng Lạc và các bạn tử đạo” mọi người đều tuyên xưng: “họ là những nhân chứng của Thiên Chúa.”

Nhắc đến thử thách đau khổ, Chúa Giêsu cũng nói thêm: “Con không xin Cha cất họ ra khỏi thế gian nhưng xin gìn giữ họ khỏi ác thần.”

Rõ ràng Chúa Giêsu không muốn biến chúng ta thành những siêu nhân, sống ngoài ranh giới của người người phàm, nhưng Ngài muốn mỗi người phải tự cố gắng sống xứng đáng với ơn gọi mình.

Không phải Thiên Chúa không biết chúng ta đang chiến đấu, nhưng có ích gì nếu con người không biết được sức mình khi không có cơ hội tôi luyện. “Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai” (Nguyễn Công Trứ).

Đừng xin phép lạ chỉ vì phép lạ là điều kiện để ta tin, ngược lại hãy tin thì sẽ có phép lạ. Đừng xin cất đau khổ vì đau khổ là thước đo sự trung thành. Đừng xin chết vì có thể đó là lối giải thoát dễ dàng cho những người đang phải chiến đấu. Nhưng xin tăng thêm đức tin để ta thưa “Xin Vâng” như đức Maria, như Chúa Giêsu: “xin đừng theo ý con, nhưng theo ý Cha.”

Nói cách khác, Chúa Giêsu xin Chúa Cha để chúng ta lại trong thế gian, nhưng Ngài cũng xin Chúa Cha gìn giữ chúng ta khỏi ác thần. Vì thế, hãy trang bị một đức tin vững mạnh để chiến đấu với mọi tình huống trong cuộc sống.

80619benme.jpg

Gia đình nào cũng muốn bức hình lưu niệm với Mẹ La Vang

Sau cùng, Chúa Giêsu cầu nguyện: “Như Cha đã sai con đến thế gian, thì con cũng sai họ đến thế gian” (Jn 17:18). Đây là trọng tâm của những gì chúng ta đang cử hành.

Chúa Giêsu được sai đến thế gian để rao giảng tin mừng. Để tin mừng được mọi người biết đến mọi nơi, mọi thời, Ngài chọn các môn đệ và sai họ đi.

Chúng ta là những môn đệ, được sai đi. Công đồng Vatican II dạy: Giáo hội tự bản chất là truyền giáo, Kitô hữu tự bản chất là truyền giáo.

Là những người Công giáo Việt Nam, chúng ta không chỉ rao giáng tin mừng Đức Kitô, mà còn có bổn phận làm vinh danh dân tộc Việt qua những giá trị văn hoá, đạo đức ta đang thừa hưởng.

Giáo hội Hoa Kì, nhiều lần và nhiều cách, đã khen tặng đức tin sống động của chúng ta trong những đóng góp xây dựng Giáo hội điạ phương. Xã hội Hoa Kì cũng nhận ra và kính nễ những thành công về nhiều phương diện của người Việt cần cù, hiếu học.

Nhưng không ít những xung đột, đôi khi gây bạo động và chia rẽ trầm trọng trong cộng đoàn Công giáo Việt Nam làm nhiều vị lãnh đạo điạ phương than phiền.

Những tội ác và tệ nạn băng đảng trong các cộng đoàn Việt Nam cũng làm cho người bản xứ nghi ngờ tính hiếu hoà của người Việt.

Nói cách khác, giá trị đức tin và văn hoá của 4 từ “Công Giáo Việt Nam” là vinh dự và trách nhiệm của mỗi người chúng ta.

Lúc này là lúc chúng ta phải nhìn lại vai trò Được Sai Đi của chúng ta để cha ông, những anh hùng chết vì đức tin, hài lòng vì gia sản các Ngài để lại đang đươc chúng ta trân trọng rao giảng làm vinh danh Thiên Chúa và rạng rỡ giống Tiên Rồng.

Xin Các thánh tử vì đạo tại Việt Nam, cùng với lời cầu bầu của Mẹ La Vang, ban cho chúng ta luôn biết Trung Thành với đức tin đã lãnh nhận để được thông phần vào Danh Cha là Thánh, được đoàn kết nên một như Chuá Cha và Chúa Con là Một, được ở lại trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian, không bị sa tay của ác thần, được thánh hoá trong sự thật.

Có như thế, chúng ta, những người Công giáo Việt Nam, sẽ là những nhân chứng được sai đi làm rạng danh Đức Kitô trong vai trò người công giáo, và vẻ vang dân tộc trong vai trò người Việt Nam. Amen.

Lm Matthew Nguyễn Khắc Hy, SS

URL: http://danchuausa.net/duc-me/bai-giang-dip-le-khai-mac-hanh-huong-la-vang-tai-washington-dc/