Trích từ Dân Chúa

Video: Cảm động nhưng đầy ngỡ ngàng - Giáo Hội Mẹ tại Giêrusalem khai mạc Tuần Thánh thời dịch bệnh

Thế Giới Nhìn Từ Vatican

Ngay cả trong các thời kỳ căng thẳng khi người Palestine nổi dậy chống người Do Thái, được gọi là Intifada, Thánh Địa Giêrusalem vẫn có những đoàn hành hương, đặc biệt là trong Tuần Thánh. Theo truyền thống, Tuần Thánh tại Thánh Địa được khai mạc như sau: từ mờ sáng ngày Chúa Nhật Lễ Lá, bên trong nhà thờ Mộ Chúa tại Giêrusalem, Đức Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ La Tinh tại Thánh Điạ sẽ cử hành Lễ Lá với các linh mục dòng Phanxicô trong đoàn Hiệp Sĩ Quản Thủ Thánh Mộ.

Ngay sau khi thánh lễ vừa chấm dứt, các tín hữu hành hương lại lũ lượt kéo lên Núi Ôliu để chuẩn bị cho cuộc rước truyền thống từ đây tiến về Giêrusalem bắt đầu lúc 2 giờ chiều. Cuộc rước này là để diễn lại việc Chúa Giêsu khải hoàn tiến vào thành Giêrusalem. Đoàn rước vừa đi vừa hô vang “Hôsana” bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau tạo nên một cảnh tượng rất hoành tráng và cảm động.

Vì cái thứ virus Tập Cận Bình quá độc địa này, tất cả các nghi thức ấy năm nay không thể diễn ra được.

Lễ Lá và Tuần Thánh tại Giêrusalem năm nay diễn ra thế nào. Đó là nội dung chính, chúng tôi sẽ trình bày với quý vị và anh chị em trong chương trình này. Tuy nhiên, trước hết, xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi các tin quan trọng liên quan đến tình hình Giáo Hội và thế giới trước đại họa coronavirus.

Tính đến chiều thứ Hai mùng 6 tháng Tư, tử vong toàn thế giới đã lên đến 69,488 người, trong số 1,274,848 trường hợp nhiễm coronavirus. Như thế, trong 24 giờ qua đã có 4,737 người chết và thêm 71,408‬ người nhiễm coronavirus.

Tử vong tại Hoa Kỳ đã lên đến 9,618 người, trong số 336,830 trường hợp nhiễm coronavirus. Trong 24 giờ qua, số trường hợp tử vong là 1,165 người. Bác sĩ Anthony Fauci trong nhóm phản ứng nhanh của tổng thống Trump cảnh báo rằng Tuần Thánh này sẽ là tuần lễ tổn thất kinh hoàng tại Hoa Kỳ. Ông nói:

“Thật không may, nếu bạn nhìn vào khuynh hướng của các đường cong, nhìn vào động lực của các đường cong, chúng ta sẽ tiếp tục thấy sự leo thang. Vì thế, chúng ta phải tiếp tục cách ly, tiếp tục giảm bớt, tiếp tục thực hiện sự tách biệt, chúng ta phải vượt qua tuần lễ sắp diễn ra bởi vì đây sẽ là một tuần lễ tồi tệ.”

Lần đầu tiên trong một tuần, các ca tử vong tại New York đã giảm nhẹ chút đỉnh so với ngày hôm trước, nhưng vẫn còn gần 600 trường hợp tử vong trong 24 giờ và hơn 7,300 trường hợp nhiễm bệnh mới. Trong khi đó, tình hình tại Lousiana và Michigan xem ra càng lúc càng nguy ngập.

Trước tình hình kinh hoàng đang diễn ra tại Hoa Kỳ, Tòa Ân Giải Tối Cao đã rộng ban Ơn Toàn Xá cho các tín hữu tham gia vào ngày cầu nguyện cho đất nước và Giáo Hội tại Hoa Kỳ vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh 10 tháng Tư tới đây.

Dưới đây là tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ về Ơn Toàn xá cho những ai tham gia đọc Kinh Cầu Trái Tim Đức Chúa Giêsu vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh

Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez của Los Angeles và là chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ đã mời các tín hữu tham gia với ngài trong giây phút cầu nguyện vào Thứ Sáu Tuần Thánh 10 tháng Tư cùng với Kinh Cầu Trái Tim Đức Chúa Giêsu. Đức Tổng Giám Mục yêu cầu chúng ta cầu nguyện cùng nhau như một quốc gia, tìm kiếm sự chữa lành cho tất cả những người không khỏe, ơn khôn ngoan cho những người đang làm việc để ngăn chặn sự lây lan của coronavirus, và sức mạnh cho tất cả con cái Chúa.

Thứ Sáu Tuần Thánh là ngày mà các Kitô hữu trên khắp thế giới long trọng tưởng niệm Chúa Giêsu chịu đau khổ và chết trên thập tự giá. Theo truyền thống, người Công Giáo đánh dấu ngày này với việc ăn chay, sám hối và suy tư về sự hy sinh yêu thương của Chúa Giêsu. Cơ hội để cùng nhau cầu nguyện trong đại dịch coronavirus này mang đến một giây phút hiệp nhất đặc biệt cho các tín hữu trong thời gian mà các cộng đồng trên khắp Hoa Kỳ và trên toàn thế giới không thể tụ tập cùng nhau trong Tuần Thánh và Phục Sinh vì COVID-19.

Ngoài ra, với sự cho phép đặc biệt nhận được từ Tòa Ân Giải Tối Cao, một ơn Toàn Xá được ban cho những ai tham gia cùng Đức Tổng Giám Mục Gomez trong Kinh Cầu Trái Tim Đức Chúa Giêsu vào Thứ Sáu Tuần Thánh.

Kinh Cầu Trái Tim Đức Chúa Giêsu với Đức Tổng Giám Mục Gomez sẽ được livestream trên trang web của Tổng giáo phận Los Angeles: http://www.lacatholics.org và trên trang Facebook của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ:

Để nhận Ơn Toàn Xá, các tín hữu được khuyến khích tham dự trực tuyến trong buổi đọc Kinh Cầu Trái Tim Đức Chúa Giêsu với các tín hữu tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, các tín hữu ở những nơi khác không thể làm như vậy cũng nhận được Ơn Toàn Xá nếu họ đọc Kinh Cầu Trái Tim Đức Chúa Giêsu vào Thứ Sáu Tuần Thánh trong tâm tình hiệp thông với các tín hữu Hoa Kỳ. Họ cũng phải hội đủ các điều kiện luật định là xưng tội, rước lễ, từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi, và cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này trên thế giới và cách riêng tại Hoa Kỳ. Sắc lệnh của Tòa Ân Giải Tối Cao ký ngày 19 tháng Ba truyền rằng trong tình trạng dịch bệnh hiện nay việc xưng tội, rước lễ có thể được thực hiện sau ngay khi có thể.

Tử vong tại Tây Ban Nha đã lên đến 12,641 người, trong số 131,646 trường hợp nhiễm coronavirus. Số trường hợp tử vong trong 24 giờ qua tại quốc gia này là 694 người, là con số người thiệt mạng thấp nhất trong một tuần qua. Số trường hợp nhiễm bệnh mới được xác nhận trong 24 giờ qua là 5,478. Đây cũng là con số thấp nhất trong một tuần qua.

Tử vong tại Ý đã lên đến 15,887 người, trong số 128,948 trường hợp nhiễm coronavirus, tức là có 525 người chết trong 24 giờ qua. Đây là con số tử vong trong một ngày thấp nhất tính từ ngày 19 tháng Ba đến nay. Số trường hợp nhiễm bệnh mới được xác nhận trong 24 giờ qua là 4,316.

Khi con số thương vong có chiều hướng sút giảm đôi chút, dân chúng tại Milan, tâm chấn của dịch bệnh, đã tràn ra đường vào hai ngày cuối tuần qua. Khoảng cách an toàn không được bảo đảm và một số người chạy tập thể dục dọc theo bến tàu và trên các con đường trong khu phố Navigli của thành phố Milan.

Phản ứng trước những hình ảnh này, ông Capppe Sala, thị trưởng Milan, đã to tiếng chửi thề ngay trên đài truyền hình và đe dọa phạt nặng những ai lang thang ra đường. Người phụ nữ đầu tiên bị phạt là bà cụ này. Bà đã dẫn chó đi dạo và nó đã rơi xuống hồ. Cảnh sát phải vất vả đưa nó lên.

Lệnh cách ly đã được tuân thủ nghiêm nhặt hơn tại Rôma. Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy được thu vào tối Chúa Nhật Lễ Lá tại Rôma.

Bất kể khả năng bị lây nhiễm, Đức Hồng Y Konrad Krajewski, quan phát chẩn của Đức Giáo Hoàng, và các thiện nguyện viên trong cơ quan bác ái của Tòa Thánh tiếp tục công việc cun cấp các bữa ăn cho người nghèo tại Rôma. Trong hoàn cảnh này, đã khốn cùng, họ càng khốn cùng hơn.

Tử vong tại Đức đã lên đến 1,584 người, trong số 100,123 trường hợp nhiễm coronavirus. Trong 24 giờ qua, thiệt hại nhân mạng tại Đức là 140 người.

Các tín hữu Công Giáo ở Đức đang được khuyến khích theo dõi thường xuyên trực tuyến các nghi thức Phụng Vụ trong Tuần Thánh trong bối cảnh phải cách ly.

Trong Chúa Nhật lễ lá 5 tháng Tư, Cha Joachim Geisler, một linh mục ở thị trấn Achern /ờ-hơn/ đã yêu cầu tất cả anh chị em giáo dân trong những tuần qua gửi cho ngài một bức hình kỹ thuật số về bản thân và gia đình họ.

Ngài đã nhận được khoảng 150 hình ảnh, in chúng ra và dán chúng vào các ghế ngồi trong nhà thờ.

Cha Joachim Geisler nói:

“Ban đầu có một chút kỳ lạ. Đứng trên bàn thờ và nhìn vào những hàng ghế trống, chỉ có những hình ảnh trên đó. Thật khó để tưởng tượng mọi người ở nhà đang theo dõi như thế nào. Nhưng tôi đã nghe những phản hồi trong hai tuần qua, đây là một ý tưởng tốt khi bao gồm hình ảnh các tín hữu trong các cử hành”

Tử vong tại Pháp đã lên đến 8,078 người, trong số 92,839 trường hợp nhiễm coronavirus. Số người chết trong 24 giờ qua tại Pháp là 518 người, nghĩa là đã giảm đáng kể so với 3 ngày trước đó.

Tử vong tại Anh đã lên đến 4,934 người, trong số 47,806 trường hợp nhiễm coronavirus. Tối Chúa Nhật, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã phải vào bệnh viện sau khi các triệu chứng do coronavirus gây ra càng ngày càng trầm trọng.

Tại Hoa Lục, bọn cầm quyền Bắc Kinh công bố con số 81,708 trường hợp nhiễm bệnh, và 3,331 trường hợp tử vong. Ba phút mặc niệm những người đã chết đã được cử hành ở nhiều thành phố trên toàn cõi Hoa Lục.

Một linh mục quê ở Vũ Hán, thường được biết với bút hiệu là Sơn Nhân, nhận xét về biến cố này với Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, như sau: “xin lỗi cho tôi nói thẳng: nước mắt cá sấu. Nếu họ đã hành động sớm hơn, chúng tôi không chết nhiều như thế.”

Lễ Lá tại Giêrusalem

Lúc 6h30 sáng ngày 5 tháng Tư, tại nhà thờ Thánh Danh Chúa Giêsu là nhà thờ đồng chính tòa tại Giêrusalem, Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa là Giám Quản Tòa Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ La Tinh tại Thánh Địa Giêrusalem đã cử hành Lễ Lá với các linh mục dòng Phanxicô trong đoàn Hiệp Sĩ Quản Thủ Thánh Mộ. Nhà thờ Thánh Danh Chúa Giêsu nằm trong Khu phố Kitô giáo của Cổ Thành Giêrusalem, khoảng giữa Cổng Mới và Cổng Jaffa.

Năm 1847, Đế quốc Ottoman cho phép hàng giáo phẩm Công Giáo được xây dựng một nhà thờ mới ở Palestine. Nhà thờ được hoàn thành vào năm 1872, là một phần của khu phức hợp trong Tòa Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ Latinh tại Giêrusalem. Giáo Hội Công Giáo đã có Nhà thờ Mộ Chúa là nhà thờ chính tòa chính thức. Do đó, ngôi nhà thờ này được gọi là đồng chánh tòa.

Sau thánh lễ, các tu sĩ dòng Phanxicô đeo mặt nạ phẫu thuật và găng tay đã dạo quanh khu Kitô Giáo ở Giêrusalem. Các vị dùng loa gọi các tín hữu ra trước cửa nhà và cửa sổ của họ để nhận các cành ô liu và phép lành.

Thay cho cuộc rước truyền thống từ Núi Ôliu về Giêrusalem, Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa và các tu sĩ dòng Phanxicô đã đến Núi Ôliu và cử hành Lễ Lá tại nhà thờ Dominus Flevit. Danh xưng Dominus Flevit có nghĩa là “Chúa khóc”.

Phúc Âm Thánh Luca (19:41-44) cho chúng ta biết như sau:

Khi đến gần Giêrusalem và trông thấy thành, Đức Giêsu khóc thương mà nói: “Phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi! Nhưng hiện giờ, điều ấy còn bị che khuất, mắt ngươi không thấy được. Thật vậy, sẽ tới những ngày quân thù đắp luỹ chung quanh, bao vây và công hãm ngươi tư bề. Chúng sẽ đè bẹp ngươi và con cái đang ở giữa ngươi, và sẽ không để hòn đá nào trên hòn đá nào, vì ngươi đã không nhận biết thời giờ ngươi được Thiên Chúa viếng thăm.”

Nằm trên sườn phía tây của Núi Ôliu, ngôi nhà thờ Dominus Flevit hiện nay được thiết kế và xây dựng từ năm 1953 đến 1955 bởi kiến trúc sư người Ý, ông Antonio Barluzzi và được giao cho các hiệp sĩ quản thủ Thánh địa trông coi. Nhà thờ được thiết kế theo hình theo hình giọt nước để tượng trưng cho nước mắt của Chúa Kitô.

“Hôm nay mọi thứ đều trống rỗng và im lặng đến độ rất kỳ quặc. Mọi thứ đều trông rất buồn bã,” Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa nói.

Sau thánh lễ, ngài cầm một cây thánh giá hướng về cổ thành Giêrusalem xin Chúa bảo vệ dân thành trước trận đại dịch coronavirus kinh hoàng này. Cho đến chiều thứ Hai mùng 6 tháng Tư, đã có 8,611 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận tại Do Thái, trong đó có 181 người thiệt mạng.

Như chúng tôi đã đưa tin, trong cuộc phỏng vấn với Reuters hôm 1 tháng Tư, Cha Francesco Patton, là Custos, tức là bề trên dòng Phanxicô tại Thánh địa Giêrusalem nói:

“Lễ Phục sinh nên được cho phép cử hành bên trong Nhà thờ Thánh Mộ ở Giêrusalem, dù cho chỉ có một số ít giáo sĩ được tham dự với các yêu cầu phòng dịch nghiêm nhặt.”

Tuy nhiên, các diễn biến đáng lo ngại trong vài ngày qua cho thấy khả năng này khá bấp bênh.

Thế Giới Nhìn Từ Vatican

URL: http://danchuausa.net//video-cam-dong-nhung-day-ngo-ngang-giao-hoi-me-tai-gierusalem-khai-mac-tuan-thanh-thoi-dich-benh/