Trích từ Dân Chúa

Văn kiện của Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện Sự Sống: Đại Dịch và Tình Huynh Đệ Phổ Quát, tiếp theo

Vũ Văn An

Từ sự nối kết qua lại trên thực tế đến tình liên đới được lựa chọn

Chưa bao giờ chúng ta được kêu gọi nhận thức tính hỗ tương, vốn nằm ở nền tảng cuộc sống của chúng ta, nhiều như chúng ta được kêu gọi trong thời gian khẩn trương khủng khiếp này. Nhận ra rằng mỗi cuộc sống là một cuộc sống chung, chúng ta cùng nhau tạo nên cuộc sống và cuộc sống đến từ “người khác”. Các tài nguyên của cộng đồng nào không coi cuộc sống của con người chỉ như một sự kiện sinh học là một thiện ích quý giá luôn đồng hành, một cách có trách nhiệm, với mọi hoạt động khác cần thiết cho việc chăm sóc. Có lẽ chúng ta đã lãng phí một cách thiếu suy nghĩ gia sản này, mà giá trị của nó tạo ra sự khác biệt trong những thời điểm như thế này, và đã đánh giá thấp một cách nghiêm trọng các thiện ích tương quan vốn có khả năng chia sẻ và phân phối khi các mối dây xúc cảm và tinh thần cộng đồng bị thử thách một cách đau đớn, chính do việc chúng ta cần có các nhu yếu phẩm để bảo vệ sự sống sinh học.

Hai cách suy nghĩ khá thô thiển, mà dường như đã trở thành phổ biến và là điểm tham chiếu khi chúng ta nói tới tự do và quyền lợi, có xu hướng được đem ra thảo luận ngày nay. Cách suy nghĩ đầu tiên là, “Tự do của tôi kết thúc khi tự do của người khác bắt đầu”. Công thức này, vốn mơ hồ một cách nguy hiểm, thực không thoả đáng đối với sự hiểu biết thực sự về kinh nghiệm, và không phải ngẫu nhiên, nó được khẳng định bởi những người, trên thực tế, ở vị trí có quyền lực: các quyền tự do của chúng ta luôn đan xen và chồng chéo lên nhau, dù tốt hay xấu. Thay vào đó, chúng ta nên học cách làm cho các quyền tự do của chúng ta có tính hợp tác vì thiện ích chung, học cách thắng vượt các xu hướng, mà một dịch bệnh vốn có thể nuôi dưỡng, chỉ nhìn thấy nơi người khác mối đe dọa “lây nhiễm” để mà xa lánh, một kẻ thù mà chúng ta phải bảo vệ chống lại. Cách suy nghĩ thứ hai là “đời sống tôi chỉ tùy thuộc tôi mà thôi”. Không, không phải thế. Chúng ta là một phần của nhân loại và nhân loại là một phần của chúng ta. Chúng ta phải chấp nhận sự phụ thuộc này và đánh giá cao trách nhiệm đã làm chúng ta trở thành những người tham gia và chủ động trong đó. Không có quyền lợi nào mà không có nghĩa vụ tương ứng: việc sống chung của những người tự do và bình đẳng là một vấn đề đạo đức thanh nhã, chứ không phải là một vấn đề kỹ thuật.
Do đó, chúng ta được kêu gọi nhìn nhận, một cách đầy xúc cảm mới mẻ và sâu sắc, rằng chúng ta được trao phó cho nhau. Chưa bao giờ như ngày nay, mối tương quan chăm sóc lại tự thể hiện như một mô hình căn bản cho sự sống chung của con người. Sự thay đổi từ việc phụ thuộc lẫn nhau trên thực tế bước sang tình liên đới được lựa chọn không phải là một việc chuyển đổi tự động. Nhưng đã có nhiều dấu hiệu cho thấy chúng ta chuyển dịch hướng tới việc hành động có trách nhiệm và tác phong huynh đệ. Chúng ta thấy điều này một cách đặc biệt rõ ràng trong cam kết của các nhân viên chăm sóc y tế, những người quảng đại cống hiến tất cả năng lực của họ, đôi khi nguy hiểm đến tính mạng hoặc sức khỏe của chính họ, để giảm bớt sự đau khổ của người bệnh. Tính chuyên nghiệp của họ vượt ra ngoài các giới hạn của nghĩa vụ hợp đồng, do đó, chứng thực rằng việc làm, trước hết, là lĩnh vực để phát biểu ý nghĩa và giá trị, chứ không phải chỉ là các “giao dịch” hay “hàng hóa” để trao đổi lấy một mức giá nào đó. Nhưng điều tương tự cũng xảy ra với các nhà nghiên cứu và các nhà khoa học đã dùng các kỹ năng của họ để phục vụ người khác. Dấn thân vào việc chia sẻ lực lượng và thông tin đã làm khả hữu việc thiết lập ra sự hợp tác nhanh chóng giữa mạng lưới các trung tâm nghiên cứu về giao thức thử nghiệm để thiết lập được sự an toàn và hiệu năng của các dược phẩm.

Đồng thời, chúng ta cũng không được quên tất cả những người đàn bà và những người đàn ông khác đang mỗi ngày mỗi chọn cách tích cực và can đảm việc bảo vệ và nuôi dưỡng tình huynh đệ. Chính những người mẹ và người cha của gia đình, người già và thanh niên; chính những người này, ngay trong những tình huống khó khăn khách quan, vẫn tiếp tục làm công việc của họ một cách trung thực và tận tâm; chính hàng ngàn tình nguyện viên vẫn không ngừng phục vụ; chính các nhà lãnh đạo các cộng đồng tôn giáo vẫn tiếp tục phục vụ những người được giao phó cho họ chăm sóc, dù phải trả giá bằng mạng sống của họ, như đã được tiết lộ bởi những câu chuyện của rất nhiều linh mục đã chết vì Covid-19.

Về mặt chính trị, tình hình hiện nay thúc giục chúng ta có cái nhìn bao quát. Trong các liên hệ quốc tế (và trong các mối liên hệ giữa các Thành viên của Liên minh Châu Âu), chính thứ luận lý thiển cận và ảo tưởng đang tìm cách đưa ra các giải đáp chỉ phục vụ “lợi ích quốc gia”. Không có sự hợp tác hữu hiệu và có phối hợp hữu hiệu, nhằm giải quyết các đề kháng chính trị, thương mại, ý thức hệ và tương quan không thể tránh, thì virút sẽ không dừng lại. Tất nhiên, đây là những quyết định rất nghiêm trọng và nặng nề: chúng ta cần một viễn kiến cởi mở và những lựa chọn không luôn luôn thỏa mãn các mong muốn ngay lập tức của các quần chúng cá thể. Nhưng vì tính năng động rõ rệt có tính hoàn cầu, các giải đáp của chúng ta, muốn hữu hiệu, không thể bị giới hạn trong những gì đang xảy ra trong biên giới của chính mình.

Khoa học, y học và chính trị: liên kết xã hội đang bị thử nghiệm

Các quyết định chính trị chắc chắn sẽ phải tính đến các dữ kiện khoa học, nhưng chúng không thể bị giới hạn vào các yếu tố này. Cho phép các hiện tượng nhân bản chỉ được giải thích dựa trên các phạm trù của khoa học thực nghiệm có nghĩa là chỉ mới đưa ra được các câu trả lời ở bình diện kỹ thuật mà thôi. Điều này kết cục sẽ là một thứ luận lý học coi các diễn trình sinh học như các yếu tố quyết định của các lựa chọn chính trị, theo con đường nguy hiểm mà nền chính trị sinh học từng dạy dỗ chúng ta. Nó cũng không tôn trọng các khác biệt giữa các nền văn hóa để chỉ hiểu chúng theo một cách khoa học kỹ thuật duy nhất: các nghĩa rộng khác nhau vốn gán cho sức khỏe, bệnh tật, tử vong và các hệ thống chăm sóc sức khỏe có thể tạo nên sự phong phú cho mọi người.

Thay vào đó, chúng ta cần một liên minh giữa khoa học và chủ nghĩa nhân bản, một liên minh phải được tích hợp và không bị tách biệt, hoặc tệ hơn, ở thế chống cự nhau. Ta chỉ có thể thắng vượt một tình thế khẩn trương như Covid-19, trước hết, nhờ chất kháng thể là tình liên đới. Các biện pháp ngăn chặn kỹ thuật và lâm sàng phải được tích hợp vào một cuộc tìm kiếm rộng rãi và sâu sắc vì thiện ích chung, một cuộc tìm kiếm sẽ phải chống lại xu hướng dành lợi ích cho những người có đặc quyền và bỏ bê những người dễ bị tổn thương theo quyền công dân, thu nhập, chính trị hoặc tuổi tác.

Điều này cũng áp dụng cho mọi lựa chọn được đưa ra trong việc theo đuổi “chính sách chăm sóc”, trong đó, có các lựa chọn liên quan mật thiết với thực hành lâm sàng. Các điều kiện khẩn trương mà nhiều quốc gia đang lâm phải có thể dẫn đến việc buộc các bác sĩ phải đưa ra các quyết định bi đát và đau đớn, liên quan đến việc định phần (ration) các nguồn tài nguyên giới hạn không có sẵn cho tất cả mọi người cùng một lúc. Trong những trường hợp như vậy, sau khi thực hiện, ở bình diện tổ chức, mọi thứ có thể để tránh việc định phần, nên luôn lưu ý điều này: các quyết định không thể dựa trên các khác biệt về giá trị của sự sống con người và phẩm giá của mỗi người, những điều luôn bình đẳng và vô giá. Quyết định này liên quan nhiều hơn đến việc sử dụng các phương pháp điều trị theo cách tốt nhất có thể dựa trên nhu cầu của bệnh nhân, nghĩa là, mức độ trầm trọng của bệnh và nhu cầu cần được chăm sóc, và việc đánh giá các lợi ích lâm sàng mà việc điều trị có thể tạo ra, dựa trên sự dự đoán bệnh (prognosis) của họ. Tuổi tác không thể được coi như tiêu chuẩn duy nhất và tự động để quản lý việc lựa chọn. Làm như thế có thể dẫn đến thái độ kỳ thị đối với người già và người yếu đuối. Dù sao, cần phải đưa ra các tiêu chuẩn, càng được nhiều người đồng ý càng tốt và dựa trên các lập luận vững chắc, để tránh sự tùy tiện hoặc ngẫu hứng trong các tình huống khẩn trương, như thảm họa y học đã dạy chúng ta. Tất nhiên, cần phải lặp lại điều này: định phần phải là lựa chọn cuối cùng. Tìm kiếm các phương pháp điều trị tương đương với mức độ có thể, chia sẻ các nguồn tài nguyên và di chuyển các bệnh nhân, là những lựa chọn thay thế phải được xem xét cẩn thận, trong khuôn khổ công lý. Trong các điều kiện bất lợi, tính sáng tạo cũng cung cấp các giải pháp cho các nhu cầu chuyên biệt, chẳng hạn như việc sử dụng cùng một máy thở cho nhiều bệnh nhân khác nhau. Dù sao, chúng ta không bao giờ được bỏ rơi người bệnh, ngay cả khi không còn cách điều trị nào có sẵn nữa: chăm sóc giảm đau, quản lý đau đớn và đích thân đồng hành không bao giờ được bỏ qua.

Ngay về sức khỏe công cộng, kinh nghiệm chúng ta đang trải qua mang đến cho chúng ta một thử nghiệm nghiêm túc, ngay cả khi đó là một thử nghiệm chỉ có thể thực hiện trong tương lai, trong thời gian ít gặp khó khăn hơn. Vấn đề là sự cân bằng giữa phương thức phòng ngừa và phương thức trị liệu, giữa việc điều trị một cá nhân và chiều kích tập thể (vì mối tương quan chặt chẽ giữa sức khỏe và các quyền lợi cá nhân, và sức khỏe công cộng). Đây là những vấn đề đặt căn bản trên mối quan tâm sâu sắc hơn tới các mục tiêu mà y học có thể tự đặt ra cho chính mình, trong khi lưu ý một cách tổng thể tới vai trò của sức khỏe trong sinh hoạt xã hội trong mọi chiều kích của nó, như giáo dục và chăm sóc môi trường. Người ta có thể thoáng nhìn thấy thành quả của một viễn ảnh đạo đức sinh học hoàn cầu, có tính đến tính đa dạng của các lợi ích hiện đang có nguy cơ và phạm vi hoàn cầu của các vấn đề vốn lớn hơn quan điểm cá nhân chủ nghĩa và có tính giản lược về các vấn đề thuộc sự sống con người, sức khỏe và chăm sóc.

Trong bối cảnh trách nhiệm, nguy cơ dịch bệnh hoàn cầu đòi phải có sự phối hợp hoàn cầu trong các hệ thống chăm sóc sức khỏe. Nhận thức được rằng sức mạnh của diễn trình được xác định bởi móc xích yếu nhất, xét về tốc độ chẩn đoán, tốc độ phản ứng nhanh và các biện pháp ngăn chặn tương xứng, các cơ cấu thỏa đáng, các hệ thống lưu trữ hồ sơ và khả năng chia sẻ thông tin và dữ kiện. Điều cần thiết là các thẩm quyền có khả năng xử lý các trường hợp khẩn trương một cách toàn diện, phải đưa ra các quyết định và phối hợp truyền thông, có thể dựa vào như các điểm tham chiếu để tránh các cơn bão truyền thông từng bùng phát (infodemia=quá nhiều thông tin làm cản trở quyết định), với các dữ kiện không chính xác và các báo cáo rời rạc.

Nghĩa vụ bảo vệ kẻ yếu: Đức tin Tin Mừng ở thế bị thử thách

Trong bối cảnh này, cần đặc biệt chú ý đến những người yếu ớt nhất, và chúng ta đặc biệt nghĩ tới người già và người có nhu cầu đặc biệt. Trong khi tất cả những điều khác đều bình đẳng, thì tỷ lệ tử vong của dịch bệnh thay đổi, tùy thuộc tình hình của các quốc gia bị ảnh hưởng, và trong mỗi quốc gia, theo các nguồn tài nguyên sẵn có, phẩm chất và việc tổ chức hệ thống chăm sóc sức khỏe, các điều kiện sống của người dân, khả năng biết và hiểu các đặc điểm của hiện tượng và giải thích thông tin. Sẽ có nhiều chết chóc hơn ở những nơi, trong cuộc sống hàng ngày, người ta vốn không được đảm bảo về phương diện chăm sóc sức khỏe căn bản và đơn giản.

Dựa trên sự tiêu cực lớn hơn mà những người yếu ớt nhất đang phải đương đầu, sự xem xét cuối cùng ở trên cũng thúc giục chúng ta chú ý rất nhiều đến cách chúng ta nói về hành động của Thiên Chúa trong cuộc khủng hoảng có tính lịch sử này. Chúng ta không thể giải thích các đau khổ mà nhân loại đang phải trải qua theo các sơ đồ thô thiển vốn thiết lập sự tương ứng giữa “tội khi quân” (lèse-majesté) chống lại Thiên Chúa và “sự trả thù thánh thiêng” do Thiên Chúa thực hiện. Nguyên sự kiện, trong bối cảnh như thế, kẻ yếu nhất sẽ phải chịu đau khổ, chính họ là những người được Thiên Chúa quan tâm hơn cả và từng đồng hóa với (Mt 25: 40-45) cũng đủ nói ngược lại khả thể này. Lắng nghe Kinh thánh và việc nên trọn lời hứa rằng Chúa Giêsu sẽ hoàn tất cho thấy đứng về phía sự sống, như Thiên Chúa đã ra lệnh cho chúng ta, được thực hiện thông qua các cử chỉ tình người đối với “người khác”. Như chúng ta đã thấy, những cử chỉ này không thiếu trong những ngày này.

Mọi hình thức lo toan ân cần, mọi biểu hiện của lòng nhân từ là một chiến thắng của Chúa Giêsu phục sinh. Làm chứng cho điều này là trách nhiệm của các Kitô hữu. Luôn luôn và đối với mọi người. Thí dụ, trong hoàn cảnh này, chúng ta không thể quên các tai họa khác đang ảnh hưởng đến những người yếu ớt nhất, chẳng hạn như người tị nạn và người nhập cư, hoặc những người tiếp tục bị vây khốn bởi xung đột, chiến tranh và đói khát.

Cầu nguyện chuyển cầu

Nơi nào sự gần gũi Tin Mừng gặp phải giới hạn vật lý hoặc chống đối thù địch, việc chuyển cầu, dựa trên Tượng Chịu Nạn, vẫn giữ được sức mạnh không thể ngăn cản và đầy tính quyết định của nó, ngay cả lúc người ta dường như không sống theo phước lành của Thiên Chúa (Xh 32: 9-13). Tiếng kêu chuyển cầu từ dân tộc những người tin này là nơi chúng ta có thể dần dần tiến đến chỗ chấp nhận mầu nhiệm chết chóc đầy bi đát, mà nỗi sợ hãi nó vốn là một phần trong mọi câu chuyện của chúng ta ngày nay. Trong thập giá Chúa Kitô, ta có thể nghĩ tới kiếp nhân sinh như một cuộc vượt qua vĩ đại: Cái vỏ cuộc hiện sinh của chúng ta giống như một con nhộng đang chờ được giải phóng thành con bướm. Thánh Phaolô nói rằng toàn bộ sáng thế đang sống “cơn đau sinh nở”.

Chúng ta phải hiểu ý nghĩa của việc cầu nguyện trong chính ánh sáng trên. Như một chuyển cầu cho mọi người và cho tất cả những ai đang đau khổ, và Chúa Giêsu cũng mang họ vào tình liên đới với chúng ta, và như một khoảnh khắc để học hỏi từ Người cách sống đau khổ như một biểu thức nói lên niềm tín thác vào Chúa Cha. Chính cuộc đối thoại với Thiên Chúa này đã trở thành nguồn suối giúp chúng ta tin tưởng cả con người nữa. Từ đây, chúng ta có được sức mạnh bên trong để thi hành mọi trách nhiệm của ta và khiến chúng ta cởi mở đón nhận việc hoán cải, theo những gì thực tại làm chúng ta hiểu làm thế nào việc cùng tồn tại có tính nhân bản hơn có thể có trong thế giới của chúng ta. Chúng ta nhớ lời lẽ của Đức Giám Mục giáo phận Bergamo, một trong những thành phố bị ảnh hưởng nhiều nhất ở Ý, Đức Cha Francesco Beschi: “Những lời cầu nguyện của chúng ta không phải là những công thức ma thuật. Đức tin vào Thiên Chúa không giải quyết một cách ma thuật các vấn đề của chúng ta, đúng hơn, nó đem lại cho chúng ta một sức mạnh bên trong để thi hành cam kết ấy, một cam kết mà mỗi người và mọi người, theo những cách khác nhau, đều được kêu gọi sống, nhất là những người được kêu gọi kiềm chế và chiến thắng sự dữ này”.

Ngay những người không chia sẻ việc tuyên xưng đức tin này, dù sao, cũng có thể, từ chứng tá của tình huynh đệ phổ quát này, rút ra được những cái nhìn thông sáng dẫn họ tới phần tốt nhất của thân phận con người. Tức là, nhân loại, vì lợi ích của sự sống như một thiện ích tuyệt đối chung chia, vốn không từ bỏ lĩnh vực trong đó con người yêu thương và đồng hành với nhau, nhân loại ấy đã nhận được lòng biết ơn của mọi người và lòng tôn trọng của Thiên Chúa.

Vũ Văn An

URL: http://danchuausa.net//van-kien-cua-giao-hoang-han-lam-vien-su-song-dai-dich-va-tinh-huynh-de-pho-quat-tiep-theo/