Trích từ Dân Chúa

Suy Niệm Tuần Bát Nhật Phục Sinh

Lm Đinh Quang Thịnh

Thứ Tư Trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh
Cv 3,1-10 ; Lc 24,13-35

BÀI ĐỌC : Cv 3,1-10

1 Một hôm, ông Phê-rô và ông Gio-an lên Đền Thờ, vào buổi cầu nguyện giờ thứ chín.2 Khi ấy, người ta khiêng đến một người què từ khi lọt lòng mẹ. Ngày ngày họ đặt anh ta bên cửa Đền Thờ gọi là Cửa Đẹp, để xin kẻ ra vào Đền Thờ bố thí.3 Vừa thấy ông Phê-rô và ông Gio-an sắp vào Đền Thờ, anh liền xin bố thí.4 Hai ông nhìn thẳng vào anh, và ông Phê-rô nói: "Anh nhìn chúng tôi đây! "5 Anh ta chăm chú nhìn hai ông, tưởng rằng sẽ được cái gì.6 Bấy giờ ông Phê-rô nói: "Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giê-su Ki-tô người Na-da-rét, anh đứng dậy mà đi! "7 Rồi ông nắm chặt lấy tay mặt anh, kéo anh chỗi dậy. Lập tức bàn chân và xương mắt cá của anh trở nên cứng cáp.8 Anh đứng phắt dậy, đi lại được; rồi cùng với hai ông, anh vào Đền Thờ, vừa đi vừa nhảy nhót và ca tụng Thiên Chúa.9 Toàn dân thấy anh đi lại và ca tụng Thiên Chúa.10 Và khi nhận ra anh chính là người vẫn ngồi ăn xin tại Cửa Đẹp Đền Thờ, họ kinh ngạc sững sờ về sự việc mới xảy đến cho anh.

ĐÁP CA : Tv 104

Đ. Tâm hồn những ai tìm kiếm Chúa, nào hoan hỷ. (c 3b)

1 Hãy tạ ơn Chúa, cầu khẩn danh Người, vĩ nghiệp của Người, loan báo giữa muôn dân. 2 Hát lên đi, đàn ca mừng Chúa, và suy gẫm mọi kỳ công của Người.

3 Hãy tự hào vì danh thánh Chúa, tâm hồn những ai tìm kiếm Chúa, nào hoan hỷ. 4 Hãy tìm Chúa và sức mạnh của Người, chẳng khi ngừng tìm kiếm Thánh Nhan.

6 Hỡi anh em, dòng dõi Áp-ra-ham tôi tớ Chúa, con cháu Gia-cóp được Người tuyển chọn! 7 Chính Đức Chúa là Thiên Chúa chúng ta, những điều Người quyết định là luật chung cho cả địa cầu.

8 Giao ước lập ra, muôn đời Người nhớ mãi, nhớ lời đã cam kết đến ngàn thế hệ! 9 Đó là điều đã giao ước cùng Áp-ra-ham, đã đoan thề cùng I-xa-ác.

TUNG HÔ TIN MỪNG : Tv 117,24

Hall-Hall : Đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ. Hall.

TIN MỪNG : Lc 24,13-35

13 Vào ngày thứ nhất trong tuần, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến một làng kia tên là Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số.14 Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra.15 Đang lúc họ trò chuyện và bàn tán, thì chính Đức Giê-su tiến đến gần và cùng đi với họ.16 Nhưng mắt họ còn bị ngăn cản, không nhận ra Người.17 Người hỏi họ: "Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy? " Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu.

18 Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: "Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay."19 Đức Giê-su hỏi: "Chuyện gì vậy? " Họ thưa: "Chuyện ông Giê-su Na-da-rét. Người là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân.20 Thế mà các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá.21 Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi.22 Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm,23 không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống.24 Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy."

25 Bấy giờ Đức Giê-su nói với hai ông rằng: "Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ!26 Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?27 Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh.

28 Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giê-su làm như còn phải đi xa hơn nữa.29 Họ nài ép Người rằng: "Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn." Bấy giờ Người mới vào và ở lại với họ.30 Khi đồng bàn với họ, Người cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, và bẻ ra trao cho họ.31 Mắt họ liền mở ra và họ nhận ra Người, nhưng Người lại biến mất.32 Họ mới bảo nhau: "Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao? "

33 Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó.34 Những người này bảo hai ông: "Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn."35 Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Người bẻ bánh.

TIN MỪNG CHO MUÔN DÂN

Thánh sử Luca viết Tin Mừng cho người Hy-lạp, cũng là có ý cho muôn dân khắp mọi nơi, ở mọi thời đại, trong mọi lãnh vực. Đặc biệt là trong chương 24 Tin Mừng thứ ba, dưới ngòi bút của Luca :

I. LUCA KHÔNG NÓI RÕ AI LÀ NHÂN CHỨNG CHÚA GIÊ-SU PHỤC SINH.

Ông ghi : “Hai người trong Nhóm họ, một người tên là Khêôpha” (x Lc 24,13.18 : Tin Mừng). Trong Tân Ước, 12 môn đệ Đức Giê-su chọn, thường được gọi là “Nhóm Mười Hai” (x Mt 26,47). Nhóm này có bốn danh sách nói rõ tên từng người trong Tin Mừng Nhất Lãm và sách Tông Đồ Công Vụ (x Mt 10,2-4 ; Mc 3,16-19 ; Lc 6,13-16 ; Cv 1,13). Nhưng “hai người trong Nhóm họ” không nói rõ là Nhóm nào ? Chỉ biết một trong hai người của Nhóm này tên là Khêôpha. Tên này không có trong danh sách Nhóm Mười Hai, họ cùng sánh bước đi từ Giê-ru-sa-lem về Emmau, trong tâm trạng buồn bã thất vọng ! Họ vừa đi vừa trao đổi với nhau về cuộc Tử Nạn của Đức Giê-su người Nazareth, đã xuất hiện như một ngôn sứ, quyền năng trong việc làm và lời nói, trước mặt Thiên Chúa và toàn dân. Thế mà các thượng tế và hàng đầu mục trong dân Do-thái đã nộp Ngài cho đế quốc Roma, để Ngài bị án tử hình, và người ta đóng đinh Ngài trên thập giá. Những người trong Nhóm này vẫn hy vọng Ngài sẽ giải thoát Israel, nhưng cơ sự đã xảy ra nay là ngày thứ ba, việc các phụ nữ trong Nhóm làm họ hoảng hồn, tảng sáng họ đã đến mộ mà không gặp thấy xác Đức Giê-su, họ về phân phô là đã gặp Thiên thần hiện ra và nói rằng Ngài đang sống. Vài người trong Nhóm đã đi tới mộ, và đã gặp thấy y như lời các phụ nữ nói, còn xác Đức Giê-su thì họ không thấy” (Lc 24,15-24 : Tin Mừng). Cứ dựa vào các chi tiết ông Khêôpha kể như trên, thì ta phải hiểu đó là Nhóm Mười Hai (x Lc 24,1-12).

Vậy rõ ràng Tin Mừng về Chúa Giê-su Phục Sinh, thánh sử Luca không viết rõ ai là chứng nhân, là ông muốn mọi người đã tin theo Chúa Giê-su phải trở nên chứng nhân cho Ngài.

II. LUCA GHI CHÚA GIÊ-SU LÊN TRỜI, LẠI KHÔNG NÓI RÕ Ở NƠI NÀO.

Cụ thể như

1/ Ông Luca không xác định dứt khoát Chúa Giê-su lên Trời ở đâu, vì

Vậy bất cứ nơi nào, người Ki-tô hữu cũng phải trở nên chứng nhân của Chúa Giêsu Phục Sinh như mẫu gương nghe Lời Chúa của bà Maria ở Bêthania (x Lc 10,38-42), và sẵn sàng liều mạng vì Tin Mừng như Đức Giêsu cầu nguyện ở núi Cây Dầu (x Lc 22,39-46).

2/ Hai người Nhóm họ về làng Emmau, thì Emmau ở đâu ? Và cách Giê-ru-sa-lem bao xa? Bởi vì

Vậy chẳng ai xác định rõ Emmau nằm ở đâu. Điều này ông Luca hậu ý muốn nói : Tin Mừng Chúa Phục Sinh phải đem đến cho mọi người ở khắp mọi nơi.

III. LUCA KHÔNG NÓI DỨT KHOÁT VÀO THỜI ĐIỂM NÀO CHÚA GIÊ-SU LÊN TRỜI ?

Cụ thể như

Vậy ông Luca muốn nói rằng : Ai tham dự Phụng Vụ của Hội Thánh, đặc biệt vào ngày Chúa nhật, để cử hành Bí tích Thánh Thể mà Đức Giê-su đã thiết lập vào ngày thứ năm Tuần Thánh và truyền cho Hội Thánh tiếp tục công việc này, thì đó là Tin Mừng cho họ được thông dự vào sự sống Chúa Giê-su Phục Sinh.

IV. LUCA KHÔNG GHI RÕ CHÚA GIÊ-SU PHỤC SINH ĐẾN SINH HOẠT VỚI CÁC TÔNG ĐỒ VỀ VIỆC ĐỜI HAY VIỆC ĐẠO ?

Cụ thể việc Chúa Giê-su vào nhà hai môn đệ về Emmau, “họ đưa cho Ngài bánh, Ngài đọc lời chúc tụng, bẻ ra rồi trao cho các ông” (x Lc 24, 30 : Tin Mừng). Đây là có phải là Ngài cử hành Thánh Thể hay không ? Có hai ý kiến khác nhau :

- Đây là Bí tích Thánh Thể, vì có chia sẻ Lời Chúa suốt quãng đường đi, và hình ảnh “bẻ bánh” vào thời Giáo Hội sơ khai để chỉ riêng về việc cử hành Thánh Thể (x Cv 2,42). Đó là ý kiến của thánh Augustin và của ông Dupon.

- Đây không phải là cử hành Thánh Thể, vì bữa tiệc này không nói đến rượu, cũng không nói đến ăn ; hai môn đệ này lại không thuộc Nhóm Mười Hai. Đây là ý kiến của các nhà chú giải Kinh Thánh như Prat, Lagrange, Schmid, Huby.

Vậy ông Luca hữu ý viết như thế để minh xác rằng : Mọi sinh hoạt của người Ki-tô hữu trong lãnh vực xã hội hay lãnh vực tôn giáo, hoặc mọi việc làm vì nhu cầu thân xác hay vì nhu cầu linh hồn, phải đan kết với nhau. Nói như thánh Phao-lô : “Dù ăn, dù uống, dù làm bất cứ việc gì, anh em hãy làm tất cả để tôn vinh Thiên Chúa” (1Cr 10,31). Nói cách khác, việc đời phải hướng về việc đạo, hoặc việc đạo phải chi phối việc đời. Có thế mọi sinh hoạt của người Ki-tô giáo mới góp nên một của lễ với Chúa Giê-su Phục Sinh. Có thế ta mới nhận ra Chúa Giê-su Phục Sinh trong cuộc sống.

NGOÀI RA, NHÌN VÀO CƠ CẤU TRONG TIN MỪNG LC 24, CÒN CHO TA NHỮNG XÁC TÍN SỐNG NHỮNG ĐIỂM GIÁO LÝ SAU ĐÂY

1- Trước nhất ta phải biết dùng Lời Chúa chia sẻ cho đồng loại, giống Chúa Giê-su giải thích Kinh Thánh cho các môn đệ hiểu (x Lc 24,27). Để nhờ được nghe Lời Chúa, tác động lòng người mở rộng vòng tay yêu thương, đáp cứu nhu cầu đồng loại. Thực vậy, hai môn đệ mời vị khách lạ vào nhà nghỉ chân, và đưa bánh mời khách (x Lc 24,28-29 : Tin Mừng). Nhờ đó các ông nhận biết Chúa (x Lc 24, 31 : Tin Mừng). Và một khi ta nhận biết Chúa Giê-su Phục Sinh, ta phải mau mắn đi loan báo Tin Mừng cho những người đang sống trong cảnh u sấu thất vọng. Thực vậy, hai môn đệ vừa đi một đoạn đường xa xôi, mệt nhọc, thế mà sau khi các ông nhận ra Thầy Giêsu, hai ông vội vàng trở về Giê-ru-sa-lem, thì trong đêm hôm đó các ông phải chạy mới kịp trở về báo tin cho Nhóm Mười Hai, đang ngồi run rẩy trong một căn nhà đóng kín cửa. Chính lúc ấy, Chúa Giê-su Phục Sinh lại đến với các ông, và Ngài ban bình an cho họ trong khung cảnh Thánh Lễ (x Lc 24, 33t).

2- Để chia sẻ nỗi u sầu thất vọng đau khổ của đồng loại, không việc làm nào có giá trị hơn là chia sẻ Lời Chúa. Thực vậy,Chúa Giê-su Phục Sinh đi chung đường với hai môn đệ, tâm hồn họ bấn loạn u sầu chán nản vì Thầy của họ đã mất và đường xá xa xôi. Vậy mà Chúa Giê-su đến bên họ, Ngài không chia sẻ của cải vật chất, Ngài chỉ cắt nghĩa Kinh Thánh cho họ, thế mà họ quên hết nỗi mệt mỏi chán chường, như họ nói với nhau : “Lòng chúng ta đã không cháy bừng bừng lúc dọc đường Ngài ngỏ lời với ta và giải thích Kinh Thánh cho ta đó sao ?” (x Lc 24,25-32 : Tin Mừng).

Hai ông Phê-rô và Gioan đã theo gương phục vụ của Thầy Giêsu, cụ thể khi hai ông vào Đền Thờ gặp anh què nghèo khó ngửa tay xin bố thí, vào thời điểm ấy các ông rất giàu có, vì được dân tín nhiệm, nhiều người đã bán cả tài sản để đưa các ông chia sẻ đồng đều cho mọi người (x Cv 2,45 ; 4,36-37). Thế mà hai ông lại nói với anh què : “Vàng bạc chúng tôi không có, xong có cái gì thì tôi cho anh : Nhân danh Đức Giê-su Ki-tô người Nazareth anh hãy bước đi”, rồi cầm lấy tay phải nó, ông cho nó chỗi dậy, lập tức bàn chân và xương mắt cá nó được chắc lại, nó nhảy vùng lên và đứng dậy đi lại được, rồi nó vào Đền Thờ với các ông vừa đi vừa nhảy mà ngợi khen Thiên Chúa” (Cv 3,1-10 : Bài đọc).

Vậy nhìn vào việc phục vụ của Chúa Giê-su và của các Tông Đồ, ông Luca muốn xác quyết cho chúng ta : Người Công Giáo có một món quà cao quý nhất mà thế gian không ai có, đó là Lời Chúa và Chúa Giê-su Phục Sinh tặng ban cho đồng loại. Đây là cách giải quyết tận căn những đau khổ của con người, chứ không phải là chỉ lo cho kẻ nghèo đói có cơm ăn áo mặc.

3- Chỉ có Lời Chúa làm cho ta thêm đức tin và giáo dục ta sống xứng đáng là một Ki-tô hữu. Thực vậy, Chúa Giê-su nghe hai môn đệ nói về các phụ nữ đã ra mộ chứng kiến xác Thầy Giêsu không còn và họ về báo lại cho các Tông Đồ. Thế mà Chúa Giê-su không trách họ tại sao không tin vào lời các chứng nhân ấy, mà Ngài trách họ : “Ôi những kẻ ngu đần và lòng trí chậm tin vào mọi điều các ngôn sứ đã nói”. Thế thì Đức Ki-tô lại không phải chịu khổ nạn như thế đã rồi mới vào vinh quang của Ngài hay sao ? Và khởi từ ông Mô-sê và hết thảy các ngôn sứ Ngài giải thích cho họ các điều đã viết về Ngài trong toàn bộ Kinh Thánh” (Lc 24,24-27 : Tin Mừng).

Cho nên dù lời chứng của người chết sống lại mà ông phú hộ xin tổ phụ Abraham về báo cho năm anh em ông đang sống để biết cách dùng của cải, nhưng đã bị khước từ. Ông Abraham nói : “Chúng đã có Mô-sê và các ngôn sứ, chúng phải nghe các ngài” (x Lc 16,27-29). Có nghĩa là Lời Thánh Kinh đủ giáo dục đức tin mọi người, chứ không cần dựa vào lời chứng của bất cứ phàm nhân nào. Bởi vậy, “chỉ ai có tâm hồn biết tìm kiếm Thiên Chúa họ mới được hoan hỷ” (Tv 105/104,3b : Đáp ca).

Ông Archimedes đã từng tuyên bố : “Hãy cho tôi một đòn bẩy và một điểm tựa tôi sẽ bẩy trái đất này”. Nhiều người nghĩ rằng không thể có một đòn bẩy, không thể có một điểm tựa, và càng không thể có cánh tay nào đủ mạnh để bẩy trái đất ! Nhưng trong đời sống đức tin của người Ki-tô hữu lại có quyền nói : Tôi có đòn bẩy là Lời Chúa, điểm tựa là Chúa Giê-su Phục Sinh và sức mạnh cánh tay là đức tin của tôi, tôi có thể bẩy mọi người trên trái đất này bật lên Trời.

Đặc biệt trong mùa Phục Sinh này, ta hãy thực hiện những điểm giáo lý trên đây mà ta đã xác tín.

THUỘC LÒNG

Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước là ánh sáng chỉ đường con đi (Tv 119/118,105).

Thứ Ba Trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh
Cv 2, 36-41 ; Ga 20,11-18

BÀI ĐỌC : Cv 2, 36-41

36 Trong ngày lễ Ngũ Tuần, ông Phê-rô nói với người Do-thái rằng : “Toàn thể nhà Ít-ra-en phải biết chắc điều này: Đức Giê-su mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Ki-tô."

37 Nghe thế, họ đau đớn trong lòng, và hỏi ông Phê-rô cùng các Tông Đồ khác: "Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì? "38 Ông Phê-rô đáp: "Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giê-su Ki-tô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần.39 Thật vậy, đó là điều Thiên Chúa đã hứa cho anh em, cũng như cho con cháu anh em và tất cả những người ở xa, tất cả những người mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi."40 Ông Phê-rô còn dùng nhiều lời khác để long trọng làm chứng và khuyên nhủ họ. Ông nói: "Anh em hãy tránh xa thế hệ gian tà này để được cứu độ."41 Vậy những ai đã đón nhận lời ông, đều chịu phép rửa. Và hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo.

ĐÁP CA : Tv 32

Đ. Tình thương Chúa chan hòa mặt đất. (c 5b)

4 Lời Chúa phán quả là ngay thẳng, mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin. 5 Chúa yêu thích điều công minh chính trực, tình thương Chúa chan hoà mặt đất.

18 Chúa để mắt trông nom người kính sợ Chúa, kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương, 19 hầu cứu họ khỏi tay thần chết và nuôi sống trong buổi cơ hàn.

20 Tâm hồn chúng tôi đợi trông Chúa, bởi Người luôn che chở phù trì. 22 Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa, như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài.

TUNG HÔ TIN MỪNG : Tv 117

Hall-Hall : Đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ. Hall.

TIN MỪNG : Ga 20,11-18

11 Khi ấy, bà Ma-ri-a Mác-đa-la đứng ở ngoài, gần bên mộ, mà khóc. Bà vừa khóc vừa cúi xuống nhìn vào trong mộ,12 thì thấy hai thiên thần mặc áo trắng ngồi ở nơi đã đặt thi hài của Đức Giê-su, một vị ở phía đầu, một vị ở phía chân.13 Thiên thần hỏi bà: "Này bà, sao bà khóc? " Bà thưa: "Người ta đã lấy mất Chúa tôi rồi, và tôi không biết họ để Người ở đâu! "14 Nói xong, bà quay lại và thấy Đức Giê-su đứng đó, nhưng bà không biết là Đức Giê-su.15 Đức Giê-su nói với bà: "Này bà, sao bà khóc? Bà tìm ai? " Bà Ma-ri-a tưởng là người làm vườn, liền nói: "Thưa ông, nếu ông đã đem Người đi, thì xin nói cho tôi biết ông để Người ở đâu, tôi sẽ đem Người về."16 Đức Giê-su gọi bà: "Ma-ri-a! " Bà quay lại và nói bằng tiếng Híp-ri: "Ráp-bu-ni! " (nghĩa là "Lạy Thầy").17 Đức Giê-su bảo: "Thôi, đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: "Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em"."18 Bà Ma-ri-a Mác-đa-la đi báo cho các môn đệ: "Tôi đã thấy Chúa", và bà kể lại những điều Người đã nói với bà.

CHỘP ĐƯỢC CHÚA GIÊSU PHỤC SINH TRONG LAO ĐỘNG

Thánh Công Đồng Va-ti-ca-nô II trong Hiến Chế Vui Mừng Và Hy Vọng số 35 dạy : “Hoạt động của con người phát xuất từ con người, nên quy hướng về con người. Thật vậy, khi làm việc, con người không những biến đổi sự vật và xã hội, mà còn cải thiện chính mình. Bởi vì khi làm việc, con người học biết được nhiều điều, phát triển tài năng, cũng như thoát ra (kiếp sinh vật) và vượt khỏi chính mình. Nếu được hiểu cho đúng thì, sự tăng triển này đáng giá hơn mọi của cải thu tích được. Giá trị của con người hệ tại ở cái “TA LÀ” hơn là ở cái “TA CÓ”.

Ta lưu ý giáo lý về lao động theo Ki-tô giáo mà Hội Thánh đã dạy như trên và từ các Bài đọc trong Phụng Vụ hôm nay cho 8 điều “ta là” :

1/ TA LÀ ADAM MỚI VÔ TỘI NHỜ LAO ĐỘNG TRONG CHÚA GIÊSU PHỤC SINH.

Thực vậy, Chúa Giê-su Phục Sinh tỏ mình ra cho bà Maria Madalena, Ngài không vinh quang như đã tỏ mình trên núi Hiển Dung cho ba môn đệ Phê-rô, Gio-an, Gia-cô-bê (x Mt 17,1-8), mà Ngài tỏ mình ra qua dáng người lao động làm vườn (x Ga 20,15 : Tin Mừng). Đây là dấu chỉ Chúa Giê-su Phục Sinh muốn giúp loài người chu toàn sứ mệnh làm chủ vũ trụ mà Chúa đã trao cho Adam, khi Ngài mới tạo dựng nên ông trong tình trạng vô tội (x St 2,15), dù ta còn phải đổ máu như Chúa Giê-su Phục Sinh, vì thế mà trên thân thể Ngài còn mang vết tử thương! (x Ga 20,27)

2/ TA LÀ DÒNG GIỐNG ĐẤNG CÔNG CHÍNH

Thực vậy, Con Thiên Chúa làm người không sinh bởi một gia đình quý phái như vua chúa, mà Ngài làm con của bác thợ mộc Giuse (x Mt 13,55), ông Giuse được Kinh Thánh ban tặng danh hiệu Công Chính (x Mt 1,19). Bởi thế, khi ta ý thức chu toàn việc bổn phận của mình, là ta được cộng tác với Thiên Chúa để làm hoàn hảo công trình Thiên Chúa sáng tạo, đặc biệt là đem lại ơn cứu độ cho nhân loại, thì ta thực là người công chính như thánh Cả Giuse, Cha của Đấng Cứu Thế.

3/ TA LÀ MÔN ĐỆ ĐỨC GIÊSU TUYỂN CHỌN.

Thực vậy, Tin Mừng không ghi chi tiết trường hợp nào Đức Giê-su đã chọn các môn đệ, trừ một số ông đang lao động. Cụ thể như

  1. Lao động tay chân, như bốn ông Phê-rô, An-rê, Gia-cô-bê, Gio-an đang quăng chài bắt cá hoặc vá lưới (x Mt 4,18-22).
  2. Lao động trong cơ cấu chính quyền như ông Lêvi đang thu thuế (x Lc 5,27-32).
  3. Lao động trí tuệ như ông Nathanael đang ngồi dưới gốc cây vả say sưa đọc Kinh Thánh (x Ga 1,45).
  4. Lao động tôn giáo như ông Phao-lô đang nhiệt tình bảo vệ Luật Mô-sê, cũng chính là bảo vệ quyền của Thiên Chúa, dù là sai lầm trong mục đích làm vinh danh Chúa (x Cv 9).

4/ TA LÀ NGƯỜI CÓ LÒNG SÁM HỐI CHÂN THÀNH ĐỂ SỐNG ĐỨC ÁI.

Thánh Gioan Tiền Hô kêu gọi những người tội lỗi phải thể hiện lòng sám hối bằng các việc lành họ làm (x Mt 3,8). Thế thì bà Maria Madalena thuộc loại người tội lỗi nhất, vì “bảy quỷ” điều khiển bà, bởi đó Chúa Giê-su Phục Sinh muốn con người tội lỗi như bà Maria phải thể hiện lòng sám hối bằng làm các việc lành, nên dù Ngài đã Phục Sinh vinh hiển, Ngài vẫn tỏ mình ra cho bà thấy Ngài là người làm vườn (x Ga 20, 15 : Tin Mừng).

5/ TA LÀ NGƯỜI TRỜI ĐƯỢC ĐỒNG HÓA VỚI CON THIÊN CHÚA LÀM NGƯỜI.

Sứ mệnh chính Ngôi II làm người được Chúa Cha trao phó hoàn toàn nằm trong lãnh vực tôn giáo. Thế mà trong 33 năm tại thế, Đức Giê-su đã dành 30 năm lao động tay chân như những người vô đạo, chỉ có 3 năm Ngài chuyên lo việc Nước Thiên Chúa. Như vậy Đức Giê-su không chỉ lao động bằng bản tính nhân loại của Ngài, mà còn lao động bằng cả thần tính của Ngài. Tỷ lệ lao động công việc Nước Thiên Chúa chỉ bằng 1/10 công việc trần thế ( 3 năm / 33 năm). Thế thì ta được dựng nên giống Con Thiên Chúa, ta muốn giống Chúa Giê-su Phục Sinh, ta cũng phải dành 1/10 thời gian để lo việc Nước Thiên Chúa (2 giờ / 24 giờ trong ngày). Cứ tỷ lệ này, chúng ta tìm thấy được bao nhiêu người Công Giáo giống Chúa Giê-su ! Trong đó có ta không ?

6/ TA LÀ NGƯỜI ĐƯỢC CỘNG TÁC VỚI CON THIÊN CHÚA THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH CỨU ĐỘ.

Đức Giê-su đã cho chúng ta mẫu thời khóa biểu lao động mỗi ngày : Sáng sớm Ngài vào nơi vắng vẻ cầu nguyện (x Mc 1,35), sau giờ cầu nguyện Ngài vào hội đường giảng Lời (x Mc 1,21), tiếp đó Ngài mới chăm lo đến nhu cầu thân xác mọi người (x Mc 1,29).

Nhìn vào cơ cấu Tin Mừng Marco chương 1,21-35, ta thấy Đức Giê-su đặt việc phục vụ nhu cầu những kẻ khốn cùng chạy đến với Ngài ở giữa hai việc cầu nguyện và giảng Lời :

Đức Giê-su là Thiên Chúa toàn năng mà Ngài còn đặt việc cầu nguyện đứng hàng đầu trong sinh hoạt mỗi ngày như thế, còn ta sao không lệ thuộc vào Đấng Toàn Năng qua việc cầu nguyện để Ngài giúp ta làm hoàn hảo mọi việc trong ngày như Ngài ?

7/ TA LÀ NGƯỜI CHIẾN THẮNG.

Bà Maria Madalena gặp Chúa Giê-su Phục Sinh, mừng quá bà ôm chầm lấy chân Ngài, nhưng Ngài bảo bà : “Đừng cầm Ta lại vì Ta chưa về cùng Cha Ta” (Ga 20,17 : Tin Mừng).

Tại sao thế ?

Thưa : Để thực hiện chương trình cứu độ loài người, Đức Giê-su đi ba bước :

  1. Bước I : Ngài tự hủy mình ra không, từ lúc nhập thể và cao điểm là ngày Thứ Sáu Tuần Thánh tại đồi Golgotha.
  2. Bước II : Ngài phục sinh, Ngài chiến thắng mọi sự dữ, cả thần chết.
  3. Bước III : Ngài về Trời để nhận vương quyền từ tay Chúa Cha (x Mt 28,18). Chính là Ngài thiết lập Phụng Vụ mới hoàn hảo thay thế cho Phụng Vụ Do-thái giáo, và Ngài truyền cho Hội Thánh làm hiện tại hóa trong Thánh Lễ mỗi ngày, để ai tham dự thì được Chúa Giê-su Phục Sinh thông phần chiến thắng vinh hiển với Ngài.

Như vậy, bà Maria Madalena lúc ôm chân Chúa Giê-su Phục Sinh, Ngài mới đi bước thứ II, chưa hoàn tất ơn cứu độ cho loài người. Bởi vì lúc ấy Ngài sống lại nhưng chưa về với Cha, thì cũng như con gái ông Giairo (x Mc 5,21-43) ; như con trai bà góa thành Naim (x Lc 7,11-17) ; và như ông Ladaro, cả ba đều đã được Đức Giê-su cho sống lại, nhưng họ vẫn chưa được thông phần vào sự sống Phục Sinh của Chúa Giê-su.

Vậy Chúa Giê-su Phục Sinh chỉ ban ơn cứu độ cho những ai cầm lấy Ngài khi Ngài đã về cùng Chúa Cha, đó chính là lúc họ rước lễ, vì vậy mà khi Đức Giê-su lập Bí tích Thánh Thể, Ngài không nói với các môn đệ hãy há miệng ra Thầy đút cho ăn, mà Ngài nói : “Hãy cầm lấy Ta mà ăn” (x Mc 14,22). Nhờ cầm lấy Chúa Giê-su Phục Sinh mà ta có một sức mạnh trổi vượt hơn ông Samson, dù bị kẻ thù khoét mất hai mắt, nhưng nhờ ông cầu nguyện, ông có sức mạnh bứt tung xích sắt đang cùm trói ông, rồi ông cầm lấy hàm lừa quại chết hàng ngàn kẻ thù, giải phóng cho dân tộc (x Thẩm Phán /Quan án 15,15).

8/ TA LÀ NGƯỜI ĐƯỢC CHÚA GIÊSU PHỤC SINH CỨU ĐỘ.

Khi Chúa Giê-su Phục Sinh đón gặp bà Maria Madala ngay cửa mộ đã an táng Ngài, bà vẫn chưa nhận ra Thầy, bà tưởng đó là người làm vườn, nên bà nói : “Thưa ông, nếu chính ông đã đem Ngài đi, xin cho tôi biết : ông đã đặt Ngài ở đâu, tôi sẽ đến cất lấy Ngài”, lúc ấy Đức Giê-su gọi chính tên bà : “Maria !” Quay lại bà thưa Ngài : “Rabbuni” (Sư Phụ), tiếng Do-thái là “lạy Thầy” (x Ga 20,15-16).

Tại sao lúc Chúa Giê-su Phục Sinh gọi chính tên bà, bà mới nhận ra Ngài ? Thưa ngôn sứ Isaia đã nói về thời Thiên Chúa thực hiện ơn cứu độ : “Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về, Ta đã gọi bằng chính tên ngươi, ngươi đã trở thành dân riêng của Ta” (Is 43,1b).

Vậy qua Kinh Thánh ,bà Maria Madalena mới nhận biết Đấng Cứu Độ : Đức Giê-su Ki-tô, bà đã hết lòng tin theo và dùng tiền của cộng tác với Ngài trong công việc truyền giáo, từ khi bà được Ngài trừ cho “bảy quỷ” (x Lc 8,2-3).

Thực vậy, nhờ ông Phê-rô giảng Lời Chúa sau lễ Hiện Xuống, đã có 3.000 người được Chúa gọi tên - được cứu độ - qua việc họ xin lãnh Bí tích Thánh Tẩy trong Chúa Giê-su (x Cv 2,38-41 : Bài đọc). Như vậy, khi ông Phê-rô còn làm nghề đánh cá, ông vâng Lời Đức Giê-su thả lưới, hôm đó ông bắt được mẻ cá lạ, nhưng cũng chỉ đếm được 153 con. Nay nhờ Chúa Giê-su Phục Sinh,ông vâng lệnh rao giảng Lời, thì ông thâu họp được 3.000 người (3.000 con cá mập). Rõ ràng lao động việc Nước Thiên Chúa thì thành quả lớn lao và cao quý hơn lao động việc trần thế (x Ga 21, 1-8).

Ôi “tình thương của Chúa chan hòa mặt đất” (Tv 33/32,5b : Đáp ca).

Cha giáo khảo bài thày Gioan Vianey, thấy thày dốt quá, thốt lên lời than :
- Đần thế này mà làm linh mục thì làm được gì cho Chúa ?!

Gioan Vianey cúi đầu khiêm tốn đáp :

- Thưa cha, xưa ông Samson đã dùng hàm lừa giết cả ngàn quân thù, giải phóng cho dân Chúa (x Tp 15,9t). Vậy khi Chúa dùng cả con lừa Vianey này mà Ngài lại bất lực sao ?!

Chính nhờ sự khiêm tốn chân thành ấy, cùng với lòng bác ái sâu xa, nên khi làm linh mục, ngài cầm lấy Chúa Giê-su Phục Sinh mà trao cho những kẻ yếu đuối, để họ có sức mạnh hơn ông Samson hầu chiến thắng tội lỗi, đánh gục thần chết, giải phóng cho bản thân được tự do làm con cái Thiên Chúa, đồng thời tỏa ra hương thơm của Đức Ki-tô để tập họp thêm nhiều người về cho Chúa.

THUỘC LÒNG

Cha Ta hằng làm việc,Ta cũng thế (Ga 5,17).

Thứ Hai Trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh
Cv 2,14.22b-33 ; Mt 28, 8-15

BÀI ĐỌC : Cv 2,14.22b-33

14 Trong ngày lễ Ngũ tuần, ông Phê-rô đứng chung với Nhóm Mười Một lớn tiếng nói với dân chúng rằng: "Thưa anh em miền Giu-đê và tất cả những người đang cư ngụ tại Giê-ru-sa-lem, xin biết cho điều này, và lắng nghe những lời tôi nói đây.

22b " Đức Giê-su Na-da-rét, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực sứ mệnh của Người, Thiên Chúa đã cho Người làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em. Chính anh em biết điều đó.23 Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giê-su ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi.24 Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi.25 Quả vậy, vua Đa-vít đã nói về Người rằng: Tôi luôn nhìn thấy Đức Chúa trước mặt tôi, vì Người ở bên hữu, để tôi chẳng nao lòng.26 Bởi thế tâm hồn con mừng rỡ, và miệng lưỡi hân hoan, cả thân xác con cũng nghỉ ngơi trong niềm hy vọng.27 Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty, cũng không để Vị Thánh của Ngài phải hư nát.28 Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống, và cho con được vui sướng tràn trề khi ở trước Thánh Nhan.

29 "Thưa anh em, xin được phép mạnh dạn nói với anh em về tổ phụ Đa-vít rằng: người đã chết và được mai táng, và mộ của người còn ở giữa chúng ta cho đến ngày nay.30 Nhưng vì là ngôn sứ và biết rằng Thiên Chúa đã thề với người là sẽ đặt một người trong dòng dõi trên ngai vàng của người,31 nên người đã thấy trước và loan báo sự phục sinh của Đức Ki-tô khi nói: Người đã không bị bỏ mặc trong cõi âm ty và thân xác Người không phải hư nát.32 Chính Đức Giê-su đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng.33 Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống: đó là điều anh em đang thấy đang nghe.”

ĐÁP CA : Tv 15

Đ. Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con, vì bên Ngài con đang ẩn náu. (c 1)

1 Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con, vì bên Ngài, con đang ẩn náu. 2a Con thưa cùng Chúa: "Ngài là Chúa con thờ,ngoài Chúa ra, đâu là hạnh phúc? " 5 Lạy Chúa, Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng,là chén phúc lộc dành cho con;số mạng con, chính Ngài nắm giữ.

7 Con chúc tụng Chúa hằng thương chỉ dạy,ngay cả đêm trường, lòng dạ nhắn nhủ con.8 Con luôn nhớ có Ngài trước mặt, được Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ.

9 Vì thế, tâm hồn con mừng rỡ, và lòng dạ hân hoan, thân xác con cũng nghỉ ngơi an toàn. 10 Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty, không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ.

11 Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống: trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề, ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi!

TUNG HÔ TIN MỪNG : Tv 117,24

Hall-Hall : Đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ. Hall.

TIN MỪNG : Mt 28,8-15

8 Khi ấy, các người phụ nữ vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay.

9 Bỗng Đức Giê-su đón gặp các bà và nói: "Chào chị em! " Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người.10 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với các bà: "Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó."

11 Các bà đang đi, thì có mấy người trong đội lính canh mồ vào thành báo cho các thượng tế biết mọi việc đã xảy ra.12 Các thượng tế liền họp với các kỳ mục; sau khi bàn bạc, họ cho lính một số tiền lớn,13 và bảo: "Các anh hãy nói như thế này: Ban đêm đang lúc chúng tôi ngủ, các môn đệ của hắn đã đến lấy trộm xác.14 Nếu sự việc này đến tai quan tổng trấn, chính chúng tôi sẽ dàn xếp với quan và lo cho các anh được vô sự."15 Lính đã nhận tiền và làm theo lời họ dạy. Câu chuyện này được phổ biến giữa người Do-thái cho đến ngày nay.

ĐỪNG SỢ VÌ CHÚA GIÊSU ĐÃ PHỤC SINH

Hôm nay ngày đầu tuần Bát Nhật mừng Chúa Phục Sinh, Hội Thánh dẫn ta đứng nhìn giữa hai ranh giới : Ranh giới sự ác của ngày Thứ Sáu Tuần Thánh và ranh giới ngày Chúa nhật Phục Sinh chiến thắng.

I. NHÌN VỀ QUÁ KHỨ NHẤT LÀ TRONG NGÀY THỨ SÁU TUẦN THÁNH CHO ĐẾN SÁNG CHÚA NHẬT PHỤC SINH. Có nhiều điều chúng ta phải sợ :

1/ Sợ tính tham quyền cố vị.

Thực vậy, sau khi những đầu mục Do-thái chứng kiến phép lạ lẫy lừng chưa từng bao giờ thấy, đó là Đức Giê-su làm cho anh Ladaro đã chết thối 4 ngày được sống lại, nhiều người tin theo Ngài. Vì thế những đầu mục Do-thái quyết định phải giết Đức Giê-su, giết luôn cả Ladaro. Nếu không triệt hạ những kẻ này, thì dân chúng theo họ hết thảy (x Ga 11,45t).

Cả đến tổng trấn Philato đã ba lần minh xác Đức Giê-su vô tội trước mặt toàn dân, ông muốn tha bổng Ngài, nhưng dân chúng đe dọa sẽ trình vấn đề này với hoàng đế Roma, ông Philato sợ mất ghế, thế là ông trao Đấng vô tội cho bọn ác đem giết ! (x Ga 19,12-19)

2/ Sợ không xác tín về đức tin, nên bất trung trong lòng mến.

Thực vậy, mới mấy ngày hôm trước, khi Đức Giê-su cưỡi lừa tiến vào thành Giê-ru-sa-lem, toàn dân từ lớn đến nhỏ, ai cũng hớn hở vui mừng, họ trải áo lót đường cho Đức Giê-su đi, tay cầm cành lá chiến thắng và lớn tiếng tung hô : “Vạn tuế Con Vua Đavid, Đấng nhân danh Chúa mà đến” (Mt 21,9). Thế nhưng vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, chính những người này lại giơ tay múa cánh, lòng căm phẫn thét lên trước tòa án xử Đức Giê-su : “Lôi nó đi, đóng đinh nó vào thập gia, chúng tôi chấp nhận máu nó đổ trên đầu chúng tôi và con cháu chúng tôi” (Ga 19,14t).

3/ Sợ tính a-dua nên cáo gian.

Thực vậy, những người Do-thái bắt đầu tố cáo Đức Giê-su phạm những Luật lệ tôn giáo của họ, như không tôn trọng ngày sabat, muốn phá Đền Thờ Giê-ru-sa-lem, tự xưng mình là Chúa ; khi ông Philato nghe những lời tố cáo Đức Giê-su như thế, ông nói : “Các ngươi có Luật thì cứ xử theo Luật của các ngươi”, vì đây thuộc lãnh vực tôn giáo, không liên quan gì với quyền bính đế quốc Roma. Dân Do-thái lại chuyển đổi sang lãnh vực chính trị nên cáo gian Đức Giê-su : “ông này xúi dân làm loạn, động viên dân không nộp thuế cho hoàng đế, lại muốn làm vua thay thế César” (x Lc 23,2t).

4/ Sợ chọn sự ác mà bỏ điều thiện.

Thực vậy, trước tòa án Roma dân Do-thái đã xin tha tên trộm khét tiếng là Baraba, và đòi phải đóng đinh Đức Giê-su, Đấng mà họ không thể tìm ra tội trạng nào ! (x Mt 27,17).

5/ Sợ lối sống giả hình.

Thực vậy, môn đệ Giuđa dùng cái hôn Thầy là dấu yêu thương để chỉ điểm cho kẻ ác bắt Thầy (x Mt 26,50).

6/ Sợ tính tham tiền.

Thực vậy,

- Môn đệ Giu-đa chỉ vì tham 30 đồng bạc, giá mua một tên nô lệ, mà nhẫn tâm bán Thầy cho kẻ ác (x Ga 13,30).

- Các chú lính canh mộ đã chứng kiến Đức Giê-su từ trong mồ bước ra vinh hiển, làm các chú khiếp đảm, sợ hãi thất điên bát đảo! Các chú vội chạy về thành báo tin cho các thượng tế biết phép lạ vĩ đại này. Nhưng những đầu mục Do-thái vẫn còn sợ mất uy tín với dân, nên đã bịt đầu mối : cho tiền các chú lính và dạy nói dối rằng : “Chúng tôi đang ngủ thì môn đệ ông Giêsu đến trộm xác ông ấy” (x Mt 28,11-15 : Tin Mừng).Đúng là “tham tiền là nguốn gốc mọi tội ác” (1Tm 6,10a)

Tất cả những tội lỗi trên, thì “lương bổng của nó là sự chết” ban cho những kẻ cố tình vi phạm (x Rm 6,23).

II. NHÌN VỀ TƯƠNG LAI TỪ CHÚA NHẬT PHỤC SINH TỚI NGÀY CÁNH CHUNG, AI THUỘC VỀ CHÚA GIÊU PHỤC SINH, THÌ CHẲNG CÒN GÌ PHẢI SỢ HÃI.

Thực vậy,

1- Chúa Giê-su đã phục sinh, toàn thắng sự dữ.

Nhờ chiến thắng này, Chúa đem bình an cho hết mọi người thuộc về Ngài, chẳng còn gì phải sợ hãi, vì Ngài đã nói : “Ta đã thắng thế gian” (Ga 16,33).

2- Chúa Giê-su Phục Sinh biến dữ ra lành.

Sự dữ sợ nhất là tội lỗi, vì nó làm cho chúng ta nghẹt thở, thế mà kẻ tội lỗi đã thuộc về Chúa Giê-su Phục Sinh, thì “ở đâu tội lỗi gia tăng, ở đó ân sủng siêu bội” (Rm 5,20).

Ơn siêu bội này được chứng minh :

-Ông Phê-rô có lòng khiêm tốn xưng thú tội mình trước mặt Đức Giêsu (x Lc 5,8), thì Ngài lại tín nhiệm đặt ông làm đá tảng xây dựng Hội Thánh và trao cho ông chìa khóa Nước Trời, mở hay đóng là tùy ý ông (x Mt 16,13-20) ; Mà thực, sau khi Đức Giê-su từ cõi chết sống lại, Ngài mới chính thức trao quyền lãnh đạo Hội Thánh cho ông Phê-rô, lúc ấy Chúa Giê-su lại muốn ông Phê-rô nhớ lại sự bất xứng của mình : đã ba lần chối Thầy (x Ga 21,15t).

- Mặc dù ông Phao-lô là tên sát nhân khét tiếng xông về Đama giết những người Công Giáo vô tội (x Cv 9), nhưng Chúa Giê-su Phục Sinh đã thương gọi ông làm Tông Đồ cho Ngài. Thế mà ông vẫn còn là kẻ yếu đuối, như lời ông thú nhận : “Chẳng có gì lành cư ngụ trong tôi, sự lành tôi muốn, tôi không làm, còn sự dữ tôi không muốn tôi lại cứ làm” (Rm 7,18-19), đã lần ông nài xin Chúa đừng để satan vả mặt ông. Nhưng Chúa nói : “Ơn Ta đủ cho ngươi, vì sức mạnh của Ta được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (2Cr 12,7-10). Chính người Tông Đồ này xem ra nhiều tội hơn các Tông Đồ khác, nhưng nhờ ông biết sám hối và bám chặt vào tình thương của Chúa, Chúa đã chúc lành cho hoạt động Tông Đồ của ông có hiệu quả hơn các Tông Đồ thượng đẳng (x 2Cr 11,5).

3- Chỉ có Chúa Giê-su Phục Sinh mới làm cho những ai kết hợp với Ngài thoát khỏi tay tử thần.

Thánh Phê-rô quả quyết với mọi người : “Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty, cũng không để vị thánh của Ngài phải hư nát”. Vì ông Phê-rô nhắc lại Lời Chúa đã hứa cho dòng họ Đavid rằng : “Người đã thấy trước và loan báo sự Phục Sinh của Đức Ki-tô, khi nói : Người đã không bị bỏ mặc trong cõi âm ty, và thân xác Người không phải hư nát”.(Cv 2,14.22b-33 : Bài đọc).

Bởi vậy, “Căn cứ vào điều này mà tình yêu đã nên hoàn hảo với chúng ta: đó là chúng ta được mạnh dạn trong ngày phán xét, vì Đức Giê-su thế nào thì chúng ta cũng như vậy ở thế gian này. Tình yêu không biết đến sợ hãi; trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi, vì sợ hãi gắn liền với hình phạt và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo.” (1Ga 4,17-18) Cũng chính vì thế mà thánh Phao-lô nói : “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta”. (Rm 8,35.37)

Để cụ thể những ai tin vào Chúa Giê-su Phục Sinh không còn phải sợ hãi, Ngài đòi các môn đệ phải về Galilê để gặp Ngài (x Mt 28,10 : Tin Mừng). Lý do các môn đệ phải về Galilê để chứng tỏ các ông không còn sợ hãi, vì Thầy đã toàn thắng sự dữ, sự dữ cuối cùng là thần chết đã bị đánh gục, và Ngài đã thông chia sự chiến thắng cho các ông, để các ông tiếp nối sứ mệnh của Ngài đã khởi sự từ Galilê, rồi tiến dần tới Giê-ru-sa-lem, kết thúc chương trình truyền giáo của Ngài bằng Hy Lễ thập giá, hầu cứu độ muôn dân. Cũng vì vậy mà Chúa Giê-su Phục Sinh chỉ đến với những người đã từng theo Ngài từ Galilê lên Giê-ru-sa-lem (x Cv 13,31), đồng nghĩa đi chung con đường cứu độ của Ngài, để cộng tác với Ngài làm hoàn hảo những gì còn thiếu trong cuộc Tử Nạn, vì Thân Mình Ngài là Hội Thánh (x Cl 1,24). Mà ai “cùng chịu đau khổ với Ngài, thì cũng được chia phần vinh hiển với Ngài” (Rm 8,17).

Đây mới là vinh quang đích thực tồn tại muôn đời, khác với những thành quả nhờ tự sức con người khắc phục gian nan mà đạt được. Bởi vì những thành công do con người đạt được chưa chắc đó là vinh, có khi lại là mối nhục. Đan cử : có nhiều đảng viên Cộng sản tưởng thắng được Mỹ là vinh, nhưng rồi lại hối hận vì sự chiến thắng ấy ; cũng như có nhiều người đành mất mạng, miễn là thoát ra khỏi nước VN, sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 để sống tự do trong nước tư bản, nhưng đã có nhiều người hối hận vì cuộc ra đi này…! Chỉ có những ai liều mạng vì Tin Mừng, vì Chúa Ki-tô, có khi chưa vinh đời này nhưng chắc chắn sẽ hạnh phúc hơn lòng mong ước khi ra khỏi thế gian này !

Vì “chỉ có Chúa là phần sản nghiệp con được hưởng,là chén phúc lộc dành cho con;số mạng con, chính Ngài nắm giữ” (Tv 16/15,5 : Đáp ca).

Đôi vợ chồng kia, sau ngày mới cưới, rủ nhau vào Vườn Bách Thú dạo chơi. Cô cậu tới một gốc cây ngồi nghỉ chân, chàng nói với nàng :
- Có anh đây đời em không còn gì phải sợ.
- Anh đã hứa nhớ đừng bỏ em nhé, em chỉ sợ một ngày nào mất anh.
- Không đời nào.

Anh vừa dứt lời thì nghe tiếng từ máy phóng thanh trong Sở Thú : “Alo, Alo, bà con nghe cho rõ : có con cọp mới đưa vào vườn thú, vì nó quá mạnh, nên nó vượt chuồng chạy ra ngoài. Bà con phải liệu mà tìm chỗ tránh an toàn. Thế là anh chàng vọt lên cây cao để cô nàng dưới gốc cây run rẩy xanh tái mét, và kêu lên :
- Anh ơi kéo em lên với.
- Cọp đến gần rồi kìa, anh mà xuống nó chộp mất !!!

THUỘC LÒNG

Tình yêu trọn hảo thì xua đuổi sợ hãi ra ngoài, vì sợ hãi có liên quan đến hình phạt (1Ga 4,18)

Lm Đinh Quang Thịnh

URL: http://danchuausa.net//suy-niem-tuan-bat-nhat-phuc-sinh/