Trích từ Dân Chúa

Phép Lạ Của Người Nghèo Công Chính Giuse

Lm Giuse Trương Đình Hiền

Lễ Thánh Giuse 19.3.2020 tại Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn

Để cắt nghĩa vai trò và địa vị cao cả của Thánh Giuse, cũng như tâm tình và thái độ của dân Chúa đối với Ngài, thánh Bê-na-di-nô thành Siê-na trong bài đọc của giờ phụng vụ Kinh Sách hôm nay đã lý giải như sau: “Nếu bạn muốn nói đến vị thế của Thánh Giuse trong Hội Thánh Đức Kitô, thì không phải thế nầy sao: Thánh nhân chính là con người được tuyển chọn, con người đặc biệt. Nhờ có thánh nhân đứng bảo lãnh mà Đức Kitô đã vào trần gian một cách hợp pháp và đàng hoàng? Vậy nếu toàn thể Hội Thánh mắc nợ Đức Mẹ đồng trinh, vì nhờ Mẹ mà Hội Thánh được đón nhận Đức Kitô, thì sau Đức Mẹ, Thánh Giuse phải được Hội Thánh biết ơn và tôn sùng hơn hết”.

Trong khi đó, nhạc sĩ linh mục Kim Long thì đã giới thiệu tổng quát về địa vị, sứ mệnh và nhân đức của Thánh Giuse qua điệp khúc của bài thánh ca “Tôn vinh Thánh Giuse”: “Muôn dân kết tâm tình, cùng tôn vinh thánh Giuse. Ôi Cha nuôi con Chúa uy linh, xác hồn ngời sáng khiết trinh. Gương công chính cao vời còn luôn soi chiếu nơi nơi. Như hương nam cao vút xanh tươi bóng rợp mát cho muôn người.”

Nhưng, còn điều gì khác nữa khiến Thánh Giuse được tôn vinh, trọng vọng như thế?

- Có phải vì thánh Cả xuất thân từ một gia đình danh gia vọng tộc như các thánh sử Matthêô và Luca trình bày: Ông là “Con cháu Vua Đa-vít” (Mt 1,23), thuộc “hoàng tộc Đa-vít” (Mt 1,27), thuộc “dòng dõi vua Đa-vít” (Lc 2,4)…?

Cũng có thể lắm chứ ! Vì nhắc tới Đa-vít, một thánh vương trong lịch sử của Ít-ra-en, là chúng ta nhớ đến một “cột mốc vĩ đại” trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Bởi vì chính từ nơi “dòng tộc nầy”, sự xuất hiện của Đấng Mêsia đã bắt đầu hiện thực. Phải chăng vì thế, mà Bài đọc 1 trong Phụng vụ Lời Chúa của thánh lễ hôm nay, Phụng vụ đã chọn đọc trích đoạn sách thứ 2 Samuel để nhắc lại lời giao ước của Thiên Chúa dành cho Đa-vít: sẽ “làm cho ngôi báu triều đại người được củng cố đến muôn đời”; và nhất là Tin Mừng Matthêô, trong những dòng cuối của bản Gia phả Đức Giêsu, đã xác nhận cái mắc xích liên tục trong cái chuỗi huyết tộc vương giả mà Giuse được dự phần: “Ông Gia-cóp sinh Giuse, chồng của bà Maria, bà là mẹ Đức Giêsu cũng gọi là Đấng Kitô” (Mt 1,16).

Thế nhưng, nếu Phụng vụ và đức tin của Hội Thánh dành cho Thánh Giuse chỉ căn cứ nguyên trên yếu tố “con ông cháu cha” hay “tính vương giả của cội nguồn gia tộc” đó mà thôi thì cũng không ổn lắm; vì quả thật, trong lịch sử loài người, đã có cơ man những người danh gia vọng tộc như thế nhưng nào có được tôn vinh !

Như vậy thì điều gì khiến thánh Giuse được ca tụng, cao rao và đặt trên bệ thờ với muôn ngưỡng vọng kính tôn của dân Chúa muôn nơi muôn thuở?

Có lẽ đáp án của Tin mừng Matthêo là chính xác nhất: Giuse người công chính. (Mt 1,19).

Trước hết, theo quan niệm của Thánh Kinh, trần gian không mấy ai chiếm được cái danh hiệu nầy. Bởi vì, trước hết và trên hết, danh hiệu nầy dành riêng cho Thiên Chúa. Thiên Chúa là Đấng Công Chính, hay sự công chính của Thiên Chúa. Chỉ riêng thư của Thánh Phaolô gởi giáo đoàn Rôma đã nhấn mạnh chân lý nầy tới 8 lần.

Chung chung theo các nhà chú giải Thánh Kinh, để đạt được “tiêu chí công chính” ít nhất phải vượt qua 3 ngưỡng cửa:

- Chu toàn thánh luật và đường lối Chúa.
- Tin yêu trọn hảo Thiên Chúa và con người.
- Từ bỏ ý riêng và thực thi thánh ý Chúa trọn hảo.

- Trước hết, việc Thánh Giuse chu toàn lề luật và đường lối Chúa đã được Tin Mừng Luca mô tả và khẳng định qua những sự kiện như “làm phép Cắt Bì cho Chúa Giêsu”, “Dâng Chúa vào đền thánh”, “trẩy hội về Giêrusalem mừng lễ Vượt Qua”... Thánh sử Luca đã kết luận: “Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như luật Chúa truyền…”.

Phải chăng, đây cũng chính là điều mà “Người Con Nuôi Giêsu” đã học được từ người cha Giuse để trong cuộc đời rao giảng Tin Mừng luôn tha thiết với việc kiện toàn lề luật: “Ta đến không phải để huỷ bỏ mà để kiện toàn lề luật”. Cách riêng đối với chúng ta, những đang sống đời thánh hiến, bài học đầu tiên trong nhân đức “công chính” của Giuse: “chu toàn lề luật” lại không là điều cần thiết và quan trọng để bảo toàn và trung thành với ơn gọi dâng hiến, đặc biệt trong lời khấn “Vâng phục”, giữa một xã hội đầy những cám dỗ tự do tháo thứ, buông thả và xé rào. Trong vấn đề nầy, chúng ta không quên lời nhắc nhở của Thánh Gioan Bosco: “Hãy trung thành giữ luật, luật sẽ gìn giữ con”.

- Thứ đến Giuse công chính vì có một đức tin và một tình yêu trọn hảo dành cho Thiên Chúa và con người. Điều nầy được Lời Chúa trong thư Rôma hôm nay mượn chân dung của tổ phụ Abraham, cha của những kẻ có lòng tin, để một cách nào đó, chỉ về Thánh cả Giuse: “Mặc dầu tuyệt vọng, ông vẫn tin rằng mình sẽ trở thành cha nhiều dân tộc, như có lời phán với ông rằng: “Dòng dõi ngươi sẽ như thế”. Vì vậy, ông được kể như sự công chính” (Rm 4,22).

Trong chiều kích “tình yêu trọn hảo”, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II trong Tông Huấn “Đấng Hộ thủ Chúa Cứu Thế - Redemptoris Custos” đã diễn giải né đẹp công chính nầy của Thánh Giuse như sau: “Qua sự tự hiến hoàn toàn, Thánh Giuse biểu lộ tình yêu độ lượng Người dành cho Mẹ Thiên Chúa, và tặng cho bà “món quà tự hiến” của một người chồng. Mặc dù Giuse đã quyết định rút lui để không can dự vào kế hoạch Thiên Chúa đang diễn ra nơi Mẹ Maria, Người tuân theo mệnh lệnh rõ ràng của thiên thần và đón Mẹ Maria về nhà mình, trong khi vẫn tôn trọng việc Mẹ chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa mà thôi.” (Số 20).

Đây cũng lại là một bài học rất cần thiết cho mỗi người chúng ta, nhất là trong đời sống cộng đoàn. Một cộng đoàn mà thiếu sự tôn trọng lẫn nhau, thiếu tình yêu dâng hiến cho nhau, không coi chị em như một “vùng đất thánh” mà khi đến gần phải có thái độ “cởi dép”, thì mỗi thành viên trong đó sẽ “không thể sống hạnh phúc”, chứ đừng nói chi đến một đời sống thánh thiện.

- Và sau cùng, Giuse công chính vì luôn tìm kiếm và thực thi thánh ý Thiên Chúa. Một sự vâng phục trọn hảo trước chương trình huyền nhiệm, khó hiểu và đầy thử thách của Thiên Chúa, được cô đọng thành một thái độ yên lặng thẳm sâu, đến độ trong Tin Mừng chúng ta không tìm được một từ nào phát ra nơi môi miệng của Thánh Giuse, mà chỉ thấy một con tim cúi đầu hành động: “Khi tỉnh dậy, Giuse đã thực hiện như lời Thiên thần Chúa truyền”. (Mt 1,24).

Đó không là một sự công chính tuyệt vời cao cả mà theo khía cạnh con người, Ngài đã truyền lại cho chính người con nuôi yêu dấu, để noi gương Ngài, tuyệt đối vâng theo Thánh ý Chúa trên hành trình cứu độ: Nầy con xin đến…Xin đừng theo ý con…

Đối với chúng ta, những người đã chọn vâng theo thánh ý Chúa trong cuộc đời dâng hiến”, nhất là chọn con đường thập giá của Chúa Giêsu, việc tìm kiếm và thực thi thánh ý Chúa ngay trong những nhỏ nhặt đời thường bằng tiếng xin vâng phải là kim chỉ nam và là lẽ sống.

Sau hết, phải chăng cũng từ nhân đức “công chính” tuyệt vời đó, Thánh Giuse xứng đáng được Thiên Chúa ký thác để giữ gìn mầu nhiệm thiên Chúa như quảng diễn của tông huấn “REDEMPTORIS CUSTOS” (Đấng Hộ thủ Chúa Cứu Thế) của Đức thánh giáo hoàng Gioan Phaolô II: “Bằng một cách đặc thù và phi thường, Thánh Giuse đã trở thành Người được ký thác mầu nhiệm “giấu kín từ muôn thuở trong Thiên Chúa” (Ep 3,9). Ý nghĩa nầy cũng đã toát lên nơi lời cầu nguyện của Hội Thánh qua lời kinh tổng nguyện của ngày lễ kính Thánh Giuse hôm nay: "Lạy Chúa, Chúa đã giao phó Đức Giêsu, và thánh nhân đã trung thành gìn giữ trong giai đoạn đầu của công trình cứu độ. Xin nhận lời thánh nhân cầu thay nguyện giúp, cho Giáo Hội biết luôn luôn cộng tác với Đức Giêsu để hoàn tất công trình Người đã khởi đầu".

Và quả thật, trong lịch sử Giáo Hội, không thiếu những chứng từ can thiệp đặc biệt của Thánh Cả Giuse dành cho những ai chạy đến kêu cầu người như chứng từ của thánh nữ tiến sĩ Têrêsa Avila (thế kỷ 16, nhà cải cách Dòng Carmel), hay thánh André Bessette (thế kỷ 20, người thiết lập trung tâm hành hương kính Thánh Giuse Oratory’ st. Joseph trên đồi Mount Royal ở Canada)…Phải chăng đó là “phép lạ của người nghèo công chính Giuse” !

Hội Dòng Mến Thánh Giá chúng ta hôm nay cử hành lễ Thánh Giuse trong bối cảnh mừng kỷ niệm Năm Thánh 350 năm hình thành và phát triển, phải chăng là dịp để cùng dâng lên Thánh Cả Giuse, Quan Thầy của Hội Dòng, tâm tình tri ân cảm tạ vì sự che chở bao bọc, cầu bàu của Ngài dành cho Hội Dòng qua suốt những thăng trầm lịch sử. Trong thời gian đặc biệt nầy, thật là thich hợp để tất cả chúng ta cùng hướng về Thánh Cả Giuse như một điểm quy chiếu, một mẫu gương để “cọng tác với Đức Giêsu và hoàn tất công trình Ngài đã khởi đầu” trong công cuộc loan báo Tin Mừng và làm chứng đức tin trên quê hương Việt Nam và giáo phận Qui Nhơn thân yêu.

Cũng trong bài Tôn Vinh Thánh Giuse của linh mục nhạc sĩ Kim Long, nơi câu tiểu khúc thứ 3, chúng ta đọc thấy những lời thâm thuý nầy: “Đây con thuyền Hội Thánh bập bềnh, triều sóng hằng xô tới xô lui, cuồng phong hằng vây kín mọi lối. Van xin Ngài để mắt thương nhìn, dìu dắt đoàn dân Chúa trung kiên tìm theo đường chân lý vững bền.”

Vâng, hơn lúc nào hết, những ngày nầy, những ngày mà cơn đại dịch Covid-19 đang phú bóng tối âm u trên toàn thế giới, chúng con đang cần sự che chở bảo vệ của Ngài, Người Công Chính Giuse; chúng con cần Ngài dìu dắt chúng con thoát khỏi mọi nguy nan, như Ngài đã dẫn dắt Thánh Gia Thất bình yên trong những ngày đầu của công cuộc Nhập Thể. Amen.

Lm Giuse Trương Đình Hiền

URL: http://danchuausa.net//phep-la-cua-nguoi-ngheo-cong-chinh-giuse/