Trích từ Dân Chúa

Người thu thuế và Người Pharisêu

Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương

Chúa Nhật XXX Thường Niên
Hc 35,15b-17.20-22a; 2 Tm 4,6-8.16-18; Lc 18,9,14

Tin Mừng Chúa Nhật này là dụ ngôn về người Pharisêu và người thu thuế. Câu đầu tiên giới thiệu về hai nhân vật: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế.”

Câu cuối mô tả về kết quả của cả hai nhân vật này: “Người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; con người kia thì không.”

Khi vào đền thờ, dẫu thuộc về cấp bậc tôn giáo và địa vị xã hội khác nhau, cả hai nhân vật quả thực rất giống nhau. Nhưng khi ra khỏi đền thờ, họ trở thành những người hoàn toàn khác nhau. Một người ‘được nên công chính,’ nghĩa là được tha thứ, được hòa giải với Thiên Chúa; còn người kia thì vẫn như cũ, và có lẽ tình trạng của ông còn tệ hơn trước Thiên Chúa. Một người nhận được ơn cứu độ, người kia thì không.

Hai người đã làm gì trong khi cầu nguyện ở đền thờ mà đưa đến kết quả như thế? Chúa Giêsu giải thích cho chúng ta điều này khi nói về cách thức cầu nguyện của hai người.

1- Thái độ của người Pharisêu

Trước hết, người Pharisêu cầu nguyện như sau: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.”

Chúng ta cần phân tích lời cầu nguyện của người Pharisêu. Ông bắt đầu nói: “Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa.” Khởi đầu rất tốt. Ông cầu nguyện bằng cách tạ ơn Chúa, đây là một điều rất tốt đẹp. Nhưng tại sao người Pharisêu tạ ơn Thiên Chúa? Có phải vì ơn Thiên Chúa không? Hoàn toàn không!

Vây, người Pharisêu đã làm gì? Có thể nói rằng ông này là người chỉ dựa vào việc giữ luật để đánh giá những gì xung quanh mình theo thước đo này: ai là công chính và ai là bất chính, ai tốt và ai xấu. Ông tự cho mình là người không như những kẻ khác, tham lam, bất chính, ngoại tình; ông ăn chay hai lần một tuần và đóng thuế thập phân. Ông tự vẽ chân dung, tự cho mình là công chính nhờ việc làm của mình. Vì thế, ông cho mình là hơn người và xứng đáng.

Nhưng người Pharisêu lại quên một điều quan trọng, một giới răn quan trọng đó là yêu mến tha nhân như chính mình. Đó là tình yêu đối với người thân cận. Lòng bác ái không có chỗ trong lý tưởng hoàn hảo của người Pharisêu, nên ông khinh miệt người khác là những người tham lam, bất chính, và ngoại tình. Dẫu ông biết rất rõ rằng yêu người thân cận như chính mình là luật quan trọng nhất trong các giới răn (x. Lc 10,25tt).

Người Pharisêu có thái độ sai lầm vì một lý do còn nghiêm trọng hơn. Ông tự đảo lộn vị trí giữa mình và Thiên Chúa. Ông tự coi Thiên Chúa như chủ nợ và ông là một con nợ. Ông đã làm những việc tốt lành và bây giờ ông đến với Thiên Chúa để đòi lại những gì ông phải được hoàn lại. Thiên Chúa phải làm gì trong hoàn cảnh này? Người không làm gì khác hơn là phải giao lại món hàng cho con nợ. Đây là một quan niệm méo mó của người Pharisêu về Thiên Chúa.

2- Thái độ của người thu thuế

Giờ đây, chúng ta chuyển sang thái độ của người thu thuế:

“Còn người thu thuế thì đứng ở đàng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.”

Người này chỉ đến trước nhan Thiên Chúa, không dám so sánh với người khác như người Pharisêu đã làm, nhưng chỉ một mình với Thiên Chúa. Ông không dám tiến lên cao, vì ý thức mình không dám tới gần Thiên Chúa và cũng không dám ngước mặt lên trời nữa. Ông đấm ngực ăn năn tội. Từ trái tim, ông thốt ra một lời cầu nguyện rất ngắn, nhưng là lời cầu phát xuất từ một tấm lòng hoán cải và khiêm tốn: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội!”

Qua dụ ngôn này, Chúa Giêsu muốn nói đến hai hạng người quan niệm khác nhau về ơn cứu độ. Người Pharisêu là đại diện cho những người cho rằng mình sẽ được cứu độ chỉ nhờ vào việc mình làm; người thu thuế là đại diện cho những người quan niệm rằng ơn cứu độ là hồng ân và quà tặng nhưng không của Thiên Chúa.

Thánh Phaolô là một ví dụ điển hình cho hai quan niệm này. Trước khi chưa gặp Đức Giêsu, Phaolô là một người Pharisêu rất trung thành với lề luật, nhưng sau khi gặp Đức Kitô, ngài coi sự công chính nhờ việc tuân giữ lề luật là thua thiệt và rác rưởi so với sự thánh thiện đến từ đức tin vào Chúa Kitô (Pl 3,5-9).

3- Thái độ của chúng ta

Hai hình thức quan niệm về ơn cứu độ vẫn còn hiện diện và phổ biến trong đời sống đạo của người Kitô hữu hôm nay. Nhiều người hôm nay vẫn còn quan niệm ơn cứu độ như là thành quả cá nhân đạt được nhờ việc giữ luật, khổ chết và hiểu biết của mình. Kitô giáo dạy rằng ơn cứu độ là hồng ân nhưng không của Thiên Chúa. Dĩ nhiên, đức tin này đòi hỏi những nỗ lực cá nhân để tuân giữ các giới răn, như là sự đáp trả đối với ân sủng Thiên Chúa.

Giờ đây, chúng ta liên hệ đến đời sống mỗi người. Có lẽ người ta rất dễ đồng hóa người thu thuế với những người Kitô hữu và người Pharisêu với những người khác. Sự khác biệt ở đây rất tế nhị. Ngay cả giữa những người Kitô hữu, có một số người thuộc loại người Pharisêu, những người khác lại thuộc người thu thuế. Nơi chúng ta không ai hoàn toàn là người Pharisêu và không ai hoàn toàn là người thu thuế. Ít hay nhiều chúng ta có một phần của người Pharisêu và một phần của người thu thuế. Nhiều khi chúng ta hành xử vừa như người Pharisêu, vừa như người thu thuế.

Ngày nay, nhiều người đến tòa xưng tội như thế này: “Con không có ăn cắp, không có giết người, không có làm điều xấu cho bất cứ ai.” Khi nói như thế, chúng ta đã rơi vào thái độ của người Pharisêu. Chúng ta tự tha thứ cho mình và cũng chẳng cần xin ơn tha thứ của Thiên Chúa.

Một mặt, chúng ta học nơi người Pharisêu là không gian tham, bất chính và ngoại tình, cố gắng giữ các giới răn của Thiên Chúa trong đời sống mình.

Mặt khác, chúng ta học nơi người thu thuế về thái độ khiêm tốn khi đối diện trước Thiên Chúa. Lời cầu nguyện của người thu thuế rất đơn giản nhưng rất hiệu quả: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.” Con người luôn có tội. Thiên Chúa luôn thương xót. Một lời cầu nguyện như thế đầy sự khiêm tốn và tin tưởng sẽ đi thẳng tới trái tim của Thiên Chúa. Như thế tại sao chúng ta không lặp lại những lời đó mỗi khi chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa? Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/

Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương

URL: http://danchuausa.net//nguoi-thu-thue-va-nguoi-phariseu/