Trích từ Dân Chúa

Ngon hay dở : anh hùng bàn phím

Người Giồng Trôm

Đâu đó ta đọc được câu chuyện kể về chàng nô lệ Ê-dốp :

Một hôm học giả Xăng-tuýt sai tên nô lệ Ê-đốp ra chợ mua một thứ gì ngon nhất và chỉ mua một thứ ấy thôi, để đãi đằng mấy nhà hiền triết - mấy ông bạn thân quý. Trên đường ra chợ, Ê-dốp tự nhủ: "Ta sẽ dạy cho y biết là phải nói rõ ràng mình muốn gì, chứ không nên ỷ lại vào một tên nô lệ như thế!”

Ê-dốp vào chợ và chỉ mua độc lưỡi, đem về nhà chế biến đủ món ăn lưỡi. Nào là món khai vị, món tiếp dẫn, món xào nấu, ninh rang, thơm ngon mặn ngọt... toàn là món lưỡi.

Lúc đầu, cả chú lẫn khách đểu tấm tắc khen ngon. Cuối bữa, họ chán ngấy ra, rồi thì nhau chê bai, bình phẩm, bổ báng.

Ông chủ nghiêm giọng quớ trách: “Không phải ta đã bảo nhà ngươi là mua thứ gì ngon nhất hay sao?”. Ê-dốp lễ phép thưa:

- Thưa ngài học giả kính mến! Hỏi còn gì hơn lưỡi chứ? Lưỡi là mối liên lạc trong đời sống xã hội, là chìa khoá mở cửa xã hội, là cơ quan phát ra chân lí và lẽ phải. Nhờ có lưỡi, người ta mới kiến thiết được đô thị và cai quản nó; có lưỡi mới giáo dục được người, thuyết phục người và ngự trị trong các hội nghị. Có lưỡi mới làm tròn nghĩa vụ đầu tiên của mỗi người là chúc tụng thần linh...

Suy ngẫm một lát, nhà học giả phán:

- Thế thì đến ngày mai, nhà ngươi hãy mua thứ gì dở nhất đem về cho ta! Ngày mai cũng sẽ có những vị khách cao quý ấy, và ta muốn đổi vị!

Ngày hôm sau, tên nô lệ cũng chỉ chế biến và dọn ra một số món ăn xào nấu bằng lưỡi. Hắn lễ phép thưa:

- Lưỡi là mẹ đẻ của mọi mối bất hoà, mẹ nuôi của mọi vụ kiện tụng, là nguồn gốc của chia rẽ và chiến tranh. Nếu bảo lưỡi là cơ quan phát ra chân lí thì lưỡi cũng là cơ quan phát ra sai lầm và còn tồi tệ hơn, phát ra vu khống. Bằng lưỡi, người ta phá huỷ đô thị và xúi giục những điều độc ác. Lưỡi ca ngợi thần linh, nhưng lưỡi cũng báng bổ quyền lực của thần linh.

Nhiều vị khách quý ngồi quanh bàn tiệc vừa lắng nghe Ê-dốp nói, vừa gật gù, mỉm cười. Có vị nói với Xãng-tuýt là Ê-dốp quả cần thiết cho nhà học giả vì Ê-dốp luyện tính kiên nhẫn cho ông.

Qua mẩu truyện ngụ ngôn “món ăn cái lưỡi”, ta càng thấy rõ tài hùng biện của tên nô lệ Ê-dốp.

Ngày nay, cạnh cái lưỡi ta lại bắt gặp "bàn phím". Ngon hay dở, hay hay xấu cũng từ bàn phím mà ra. Bàn phím như chiếc lưỡi trong người của những "anh hùng bàn phím". Nhờ cái bàn phím, với bàn phím và trên tay cái bàn phím, các "anh hùng bàn phím" tha hồ mà gõ chữ trên đó và rồi xuất bản ra biết bao nhiêu văn thư, bao nhiêu bản văn, bao nhiêu biên bản ...

Dĩ nhiên là các văn thư, văn bản thì thật sự là hay và quá hay vì được đánh máy cẩn thận, chau chuốt và rất khó tìm được lỗi chính tả. Xét cho bằng cùng thì từ nội dung đến hình thức có thể nói là thật chỉn chu. Thế nhưng rồi nội dung loan báo đó thật đến mức nào thì có thể nói chỉ có ... Trời mới biết.

Muôn ngàn đời, nghịch lý giữa lý thuyết và thực hành lại là một khoảng cách xa vời vợi. Những người nói thường nói thật hay và không bao giờ hiểu nổi khổ của người làm. Họ tha hồ đưa ra mệnh lệnh, chỉ đạo cho người ở dưới mà chưa bao giờ đưa ngón tay lay thử. Và rồi ta thấy một thực tế đau lòng là khoảng cách từ bàn giấy cho đến mảnh đất cày, cho đến cái chợ, cho đến công việc của người lao động nghèo quả là xa vời vợi.

Ngồi nghĩ miên man giữa trời mưa gió lạnh, giá như hay phải chăng những nhà soạn thảo văn bản hay định hướng chịu khó chồm mình xuống nhìn đám dân đen để thấu hiểu nỗi khổ của cuộc đời chứ đừng ngồi trên cao mà phán bảo nữa. Có thể họ sướng quá và không bao giờ cảm được cái khổ của người khác nên rồi sinh ra vô cảm.

Nên chăng trước khi đặt tay xuống bàn phím gõ điều gì đó thì các "anh hùng bàn phím" nương tay một chút để chúng tôi - đám dân nghèo và ít học - nhẹ thở hơn một chút chăng. Nếu như cứ mãi duy trì theo kiểu lệnh trên xuống dưới phải nghe thì mãi mãi vẫn là chông chênh muôn sự khó cho cuộc đời và mãi mãi chả ai làm được theo đúng như đường hướng chỉ dạy.

Những ước mong mỗi người hãy đặt vị thế của mình nơi người khác trước khi ấn phím en-tơ hay bất cứ mẫu ký tự nào trên bàn phím. Xin đừng mãi vô tư để gồng mình tìm những lời hoa mỹ trong khi thực tế cuộc sống vẫn còn đó những chông chênh.

Từ câu chuyện cái lưỡi và bàn phím, nên chăng ta hãy nhớ và sống lời của Thánh Giacôbê tông đồ : Anh em hãy mau nghe, đừng vội nói".

Người Giồng Trôm

URL: http://danchuausa.net//ngon-hay-do-anh-hung-ban-phim/