Trích từ Dân Chúa

Mẹ Maria, Cuộc Đời Xin Vâng

Gioan Lê Quang Vinh

Suy niệm Lễ Truyền Tin

Người bình dân Việt nam, với lòng đạo đức đơn sơ mộc mạc, thường kêu lên “Giêsu Maria” khi gặp những khó khăn trắc trở trong cuộc đời của mình. Có người bảo đó là kêu tên Chúa vô cớ. Nhưng người bình dân không hề có ý xúc phạm, dường như thói quen ấy ẩn chứa một ý niệm thần học: Mẹ Maria luôn ở bên và đi cạnh Con yêu dấu của mình, cả đến lúc người tín hữu kêu cầu Danh Cực Thánh Đức Giêsu thì cũng có bóng dáng của Mẹ hiền.

Từ ngày Đức Giêsu thành thai nơi cung lòng Mẹ, đến ngày Người chịu chết đau thương trên Thánh Giá và rồi cho đến lúc Người vinh quang về Trời, Đức Maria lặng lẽ chiêm ngắm Lời Thánh Kinh, ở bên cạnh và đồng cam cộng khổ với Con mình. Vậy thì có quãng thời gian nào Mẹ phải rời xa Con chí thánh của mình? Có thể thời gian duy nhất Mẹ xa Con ấy là thời gian bốn mươi ngày Đức Giêsu bước vào Mùa Chay đầu tiên trong lịch sử Hội Thánh, Người đi vào hoang mạc và chịu cám dỗ để chuẩn bị cho thời kỳ Người công khai đi rao giảng Tin Mừng.

Kinh Thánh không hề nói Mẹ phải chịu cám dỗ và cũng không nói Mẹ đã làm gì trong suốt thời gian Con chí thánh của Mẹ vượt qua những khó khăn với tư cách là Con Người. Nhưng chúng ta có thể tin rằng Mẹ lặng lẽ hướng về Con của Mẹ, và lúc Mẹ xa Con thì là lúc Con rất gần bên Mẹ. Và hơn thế nữa, nền giáo dục mà Mẹ dành cho trẻ Giêsu chắc chắn ảnh hưởng lớn lao trên nhân cách và lối sống đạo đức của Con Người Giêsu. Nền giáo dục thấm đẫm mầu nhiệm “Xin Vâng”, nền giáo dục bắt nguồn từ Lời Thiên Chúa mà Mẹ lặng lẽ tin tưởng, suy ngắm và sống trong cả đời mình, nền giáo dục do một người Mẹ được tôn vinh là “đầy ơn phúc” hiển nhiên đã đào tạo một Con Người Giêsu mạnh mẽ, can trường và chỉ biết sống cho Mầu Nhiệm của Lời Hứa tự ngàn xưa. Và nếu suy nghĩ như thế, chúng ta lòng tràn cảm xúc mà kêu lên rằng Giêsu có một người Mẹ tuyệt vời, và vinh phúc thay, chúng ta cũng kêu lên rằng chúng ta có một người Mẹ tuyệt vời.

Thiên Chúa khôn ngoan vô cùng đã phú bẩm cho các bà mẹ khả năng “tiên tri”, biết trước con cái của mình sẽ gặp những khó khăn và cám dỗ nào trong mỗi giai đoạn trong cuộc đời của chúng, để có cách giáo dục phù hợp. Mẹ Thiên Chúa chắc chắn với lòng đạo đức sâu xa, càng hiểu được những cám dỗ mà Con Người Giêsu phải đương đầu khi đi vào thời kỳ mở đầu cho sứ mạng cứu rỗi. Là người thấm nhuần Thánh Kinh, người Mẹ ấy biết trước ma quỉ sẽ giương oai diễu võ như thế nào, cho nên Mẹ đã chuẩn bị sẵn cho Con Người lý tưởng và lối sống biết vâng nghe và chỉ vâng nghe Thiên Chúa mà thôi.

Con Người Giêsu quyết liệt xua đuổi các cơn cám dỗ của ma quỉ bằng những câu trả lời cực kỳ khôn ngoan trích từ Thánh Kinh, Lời của Thiên Chúa. “Người ta sống không chỉ bằng cơm bánh, mà còn bằng Lời do miệng Thiên Chúa phán ra”. Câu Thánh Kinh này phản ánh cuộc đời thánh thiện của Mẹ Người, người phụ nữ mà sau này khi Người đi rao giảng, Người đã từng đề cao: “Ai là Mẹ Ta, ai là anh em Ta? Đó là những người nghe và giữ Lời Thiên Chúa”. Người nhấn mạnh Đức Maria là Mẹ Người, không chỉ vì Mẹ cưu mang và sinh hạ Người, mà hơn nữa, còn vì Mẹ đã vâng giữ Lời Thiên Chúa cách trọn hảo nhất. Cuộc đời thơ ấu của Đức Giêsu là chuỗi ngày Người nhìn ngắm gương sáng của Mẹ, để bất cứ lúc nào sau này, Người cũng nghĩ một điều duy nhất: Lời của Chúa Cha và Thánh Ý Chúa Cha. Câu trả lời này là lời miêu tả chính xác và đầy đủ nhất chân dung của Mẹ Người: thôn nữ Maria, sau này là Nữ Vương trời đất.

Ma quỉ xảo quyệt còn xúi giục Đức Giêsu nhảy xuống từ trên nóc Đền Thờ. Chúng muốn Con Người Giêsu quên đi sứ vụ làm một người tôi tớ đau khổ mà Isaia đã tiên báo, để bắt Chúa Cha phải đỡ nâng mình ngay cả khi mình muốn thử thách Ngài. Đức Giêsu đã nói thẳng vào mặt loài ma quỉ xảo quyệt kia rằng không ai có quyền thử thách Chúa là Thiên Chúa của họ. Câu trả lời ấy sao mà giống lời Xin Vâng của Mẹ hơn ba mươi năm trước đến thế.

Khi nghe lời thiên thần Gabriel truyền tin, ngày truyền tin làm “xôn xao muôn tinh tú” và “náo động cả muôn trời” như Hàn Mặc Tử diễn tả, Maria vẫn một mực khiêm hạ và mau mắn thưa “Xin Vâng”. Không chút e dè. Không dám thử thách. Không đòi phép lạ. Maria Nazaret là như thế, và Con của Mẹ cũng hành xử trong khuôn mẫu đó. Câu trả lời của Con Người Giêsu lần thứ hai quả thật khắc hoạ thêm hình ảnh của Mẹ Người. Dường như ma quỉ sẽ đến xúi giục Mẹ: Con của bà là Đấng Thánh đấy, bà cứ làm bất cứ điều gì bà thích đi, Chúa sẽ nâng đỡ bà! Mẹ sẽ trả lời như Con của Mẹ. Câu trả lời của Đức Giêsu và cuộc sống chứng tá của Mẹ dạy chúng ta biết phó thác và cậy trông nhưng không bao giờ dám theo ma quỉ mà giương oai diễu võ trước mặt Thiên Chúa.

Xã hội hôm nay đầy dẫy những con người vung tay la hét, không những thách đố Thiên Chúa mà còn muốn loại trừ Ngài. “Chúng tôi đuổi đánh con cái ông, chúng tôi nhục mạ chủ chăn ông đã đặ lên, chúng tôi lừa lọc gia nhân của ông đấy, ông làm gì chúng tôi?” Với lời xin vâng của Mẹ, thế giới bước vào trật tự mới. Với lời thách thức của thế gian, tất cả các giá trị xã hội dường như sụp đổ tan hoang.

Có lúc chúng ta tự hỏi nếu Mẹ Maria được đưa lên núi cao để thấy cả vinh quang thiên hạ và nghe lời dụ dỗ của ma quỉ thì Mẹ sẽ trả lời thế nào. Hỏi xong thì thấy mình ngớ ngẩn. Câu mà Con Người Giêsu trả lời cho ma quỉ chắc chắn Người đã nghe từ Mẹ Người từ thuở còn ấu thơ. Maria, Người Phụ Nữ của lời hứa cứu độ, phải là người am hiểu Lời Thánh Kinh hơn nhiều người thời ấy. Phải hiểu và sống Thánh Kinh thế nào thì Mẹ mới can đảm và tin tưởng “Xin Vâng” tuyệt vời như thế. “Xin Vâng” là hiểu rằng “ngươi chỉ được tôn thờ một mình Chúa là Thiên Chúa ngươi”. “Xin Vâng” nghĩa là coi mọi vinh quang mời mọc của trần gian như phù vân, như bèo bọt. Đền thờ Giêrusalem nguy nga dường ấy mà còn có lúc không còn viên đá nào nằm trên viên đá nào thì nói chi đến của cải trần gian. Vậy mà ngày nay thiên hạ vẫn không học được những bài học của lịch sử, bài học đơn giản mà chỉ cần có cái nhìn thoáng qua, tả quân Lê Văn Duyệt cũng viết được, đại ý rằng các vương triều rồi cũng sụp đổ, các thế lực trần gian rồi cũng qua đi. Vinh quang Thiên Chúa thì muôn đời bền vững, bởi vì chỉ có Chúa là Đấng tuyệt đối cao sang vinh hiển.

Như vậy, Đức Maria không đi vào hoang mạc để chịu cám dỗ với Con mình, nhưng Mẹ đã bước vào hoang mạc để ăn chay cầu nguyện trong cả cuộc đời và đã dùng Lời Thiên Chúa làm lương thực cho cuộc đời mình. Và càng suy ngắm, chúng ta càng thấy mầu nhiệm Maria và mầu nhiệm Giêsu gắn chặt với nhau vì cùng một lý tưởng là để Lời Thiên Chúa hướng dẫn trên mọi nẻo đường. Người ta không thể hiểu được Giêsu khi tách Người ra khỏi Mẹ Người. Cách đây ít lâu trong Lễ Giao Thừa, một cha khách đến dâng lễ nhà thờ họ lẻ xứ tôi. Lúc giảng lễ, cha cầm micro đi đi lại lại trên cung thánh mà nói, bất ngờ cha đứng lại giơ tay trên cộng đoàn và nói lớn: “Lúc Chúa Giêsu đi rao giảng, Đức Mẹ tò tò (!) đi theo. Khi người ta nói với Chúa có Mẹ và anh em Chúa đến, Chúa bảo ai nghe và giữ Lời Ta là Mẹ và anh em Ta. Vậy anh chị em ngon hơn Đức Mẹ rồi, vì anh chị em nghe và giữ lời Chúa” (!?)

Chúng tôi nhìn nhau ngơ ngác. Rồi tôi nhìn lên bàn thờ Đức Mẹ. Tại sao cha lại nói Mẹ “tò tò” theo Chúa? Làm sao chúng ta “ngon” hơn Mẹ được? Hình như cha giảng lễ chưa giải thích được câu nói đầy tính ca ngợi Mẹ mà Đức Giêsu đã nói công khai với dân chúng. Tôi ao ước các linh mục là con cưng của Mẹ sẽ soạn bài giảng về Mẹ một cách kỹ càng hơn. Các ngài nên nói như thế nào để con cái Mẹ ngày càng hiểu Mẹ hơn, ngày càng thấy nền giáo dục mà Mẹ dành cho Con Người Giêsu là một nền giáo dục lý tưởng tuyệt đối, bởi vì chính Mẹ, người thầy mẫu mực, đã trọn đời lắng nghe, suy ngắm và thực hành Lời Thiên Chúa.

Buớc vào Mùa Chay, dân Chúa suy niệm mầu nhiệm Chúa chịu cám dỗ, không chỉ suy ngắm việc phải ứng phó thế nào trước mỗi cơn cám dỗ, nhưng còn là học biết phải sống Lời Chúa trong cả cuộc đời mình như thế nào để mọi hành xử, phản ứng và hoạt động của mình phải nằm trong quỹ đạo Lời Chúa. Đức Maria là Mẹ và là thầy dạy của Đức Giêsu, Mẹ cũng là Mẹ và là thầy dạy của chúng ta. Việc Chúa ăn chay và chịu cám dỗ trong sa mạc là kết cuộc của nền giáo dục thánh mà Đức Maria và Thánh Giuse đã tận tuỵ thực hiện, và lại là khởi đầu cho việc Đức Giêsu ra đi làm Thầy muôn dân. Việc chay tịnh của dân Chúa chỉ có kết quả thật sự khi lương thực của mình là Lời Thiên Chúa, chứ không phải chỉ là xé áo hay nhịn ăn cho dù trong suốt bốn mươi ngày liên tục.

Xin Mẹ là thầy dạy của chúng con, cho chúng con bắt chước Mẹ mà đi vào hoang mạc của lòng mình, nơi chúng con qui chiếu tất cả mọi hoạt động của chúng con vào điểm tụ hội duy nhất là Lời hằng sống do Thiên Chúa toàn năng đã phán.

Gioan Lê Quang Vinh

URL: http://danchuausa.net//me-maria-cuoc-doi-xin-vang/