Trích từ Dân Chúa

Ma ma, Phật Phật

Người Giồng Trôm

Chưa bao giờ mà thông tin bùng nổ đến mức chóng mặt cũng như điên não như ngày hôm nay. Có những thông tin đã làm "rúng độn" cả xã hội dù chưa biết tin đó thật hay giả. Có khi thật mà lại giả và có khi giả mà lại là thật.

Mấy ngày qua, mạng xã hội xuất hiện "Đơn xin ở lại lớp" của một phụ huynh tên L.H.H, ngụ thị trấn Phú Hòa, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang gây xôn xao cộng đồng mạng và địa phương.

Với tất cả tâm tình, anh H. - cha của cháu L.T.N.Q. (đang học lớp 2 Trường tiểu học B thị trấn Phú Hòa) nói rằng lá đơn này không phải do anh làm. Thế nhưng với lòng thành và thẳng thắn, anh có trao đổi với nhiều người bạn nhờ họ chỉ cách làm sao cho con xuống học lại lớp 1.

Anh chia sẻ : "Con bây giờ học lớp 2 nhưng toàn là đánh vần, còn toán thì cộng trừ hàng chục nó làm không được. Chữ viết lại yếu và không nhanh. Nếu so với các bạn thì nó thua xa và học yếu. Các thầy cô đã hứa nếu học lớp 2 một thời gian nữa không được sẽ cho xuống lớp 1 lại rồi".

Thật ra, vấn đề nhức nhối và phải nói là quá đau với giả và thật. Nếu như anh H. im lặng và cứ như thế con anh (cũng như bao nhiêu đứa con khác) cũng lên lớp và cũng sẽ ra trường và có khi có trong tay tấm bằng hạng ưu nữa là khác. Đó mới là thực trạng đáng buồn của ngày hôm nay.

Cứ cho là lá đơn của anh là không phải anh làm (là giả) nhưng cũng gióng lên tiếng nói của lương tâm, của sự thật của đại đa số người còn tính lương thiện trong mình. Nếu cứ để tình trạng giáo dục như thế này thì con người đi về đâu, xã hội đi về đâu ?

Vài ngày trước đó, cộng đồng mạng cũng xôn xao với một văn thư không có chữ ký và nhiều người không tiếc lời thóa mạ người viết văn thư đó cũng như những người trên cao người viết văn thư. Thế nhưng trong bình lặng, hãy suy xét về những chuyện xảy ra trong cuộc đời, trong cuộc sống thường nhật.

Nhiều người thầm nghĩ rằng có thể thôi là văn thư đó không có chữ ký nhưng tự hỏi tại sao có văn thư đó và văn thư đó muốn nói gì ?

Tiếc thay là có những người xem ra thật nhưng vui vẻ nhìn thấy văn thư hoàn toàn giả mạo làm cho bản thân mình nhưng đủ mọi lý lẽ để biện minh về văn thư đó (với chữ ký và con mộc đỏ chót). Khi người ta cố tình giả thì tất cả mọi lời biện minh cho điều đó là giả và có lẽ điều người ta không nhớ luân lý Kitô giáo là KHÔNG ĐƯỢC PHÉP LÀM ĐIỀU XẤU ĐỂ ĐẠT MỘT KẾT QUẢ TỐT như trường hợp văn thư giả đó.

Nếu dựa trên nền tảng luân lý đó thì trong tất cả mọi việc, nhất là truyền thông phải tôn trọng đạo lý và đạo đức của con người. Truyền thông phải đi đầu trong vấn đề luân lý nghĩa là không được làm điều xấu để có kết quả tốt. Chính vì thế, người làm truyền thông hơn ai hết phải tôn trọng sự thật cũng như phải sống thật.

Đúng là sống ở cái thời buổi ma ma - phật phật cũng đáng mệt vì chả biết đúng, điều gì sai và bi đát hơn là người nào thật người nào giả. Thôi thì ta tin ai được thì cứ tin, còn không xem như những chiếc lá ven đường thoảng bay ngang đời ta vậy.

Người Giồng Trôm

URL: http://danchuausa.net//ma-ma-phat-phat/