Trích từ Dân Chúa
Lm Phạm Văn Trung
Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu là một sự tôn sùng có nguồn gốc lịch sử lâu dài trong Kitô giáo, và trong thời hiện đại, đã được thiết lập như một Lễ Trọng trong Giáo hội hoàn vũ.
Lễ Trọng Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu là một lễ rơi vào 19 ngày sau ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, vào thứ Sáu. Lễ phụng vụ được cử hành lần đầu tiên tại Rennes, Pháp. Phụng vụ đã được giám mục địa phương chấp thuận theo yêu cầu của thánh Gioan Euđê, là người đã cử hành Thánh lễ tại đại chủng viện Rennes vào ngày 31 tháng 8 năm 1670. Người ta có thể thấy rằng lễ kính đầu tiên không được tổ chức vào những ngày sau Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Thánh Gioan Euđê đã soạn một Thánh lễ và một bộ những lời cầu nguyện để đọc ngoài Thánh lễ (được gọi là giờ kinh phụng vụ), những lời cầu nguyện này đã nhanh chóng được chấp nhận ở những nơi khác ở Pháp.
Năm 1856, Đức Giáo Hoàng Piô IX đã thiết lập Lễ Thánh Tâm là lễ buộc đối với toàn thể Giáo hội, sẽ được cử hành vào Thứ Sáu sau lễ Mình Thánh Chúa Ki-tô.
Gốc rễ của sự sùng kính
Nhưng lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu lâu đời hơn nhiều. Buổi ban đầu của việc tôn sùng tình yêu của Thiên Chúa, tượng trưng bởi trái tim Chúa Giêsu, được thấy nơi các giáo phụ bao gồm Origênê, Thánh Ambrôsiô, Thánh Giêrônimô, Thánh Augustinô thành Hippo, Thánh Hippolytô thành Roma, Thánh Irênê, Thánh Giútxtinô Tử đạo và Thánh Cyprianô. Vào thế kỷ 11, sự sùng kính này đã có một sự đổi mới trong các tác phẩm của các tu viện dòng Biển Đức và dòng Xitô. Việc sùng kính này đã được định hình bởi Thánh Béc-na-đô ở Clairvaux vào thế kỷ thứ 12 trong bài thơ / lời cầu nguyện nổi tiếng của ngài, “O Sacred Head Surrounded”.
Một kết nối của dòng Phan-xi-cô
Vào thế kỷ 13, tác phẩm của Thánh Bônaventura dòng Phan-xi-cô “Ngài quả là nguồn Sống” (bài đọc Kinh Thần vụ lễ Trọng Thánh Tâm Chúa Giê-su) bắt đầu chỉ ra trái tim là suối nguồn tình yêu Thiên Chúa tuôn đổ vào cuộc sống của chúng ta:
“Hỡi bạn là người đã được cứu chuộc, bạn hãy ngẫm xem Đấng chịu treo trên thập giá vì bạn, Đấng đã chết để làm cho kẻ chết được sống, Đấng đã qua đi mà cả trời đất phải khóc than và đá cứng phải vỡ ra, Đấng ấy là ai, cao cả thế nào, thánh thiện làm sao. Đó là thiên ý nhiệm mầu đã muốn cho lưỡi đòng của người lính đâm thủng và mở cạnh sườn Chúa ra. Điều này đã được thực hiện để Giáo hội có thể được hình thành từ cạnh sườn của Chúa Kitô khi Ngài ngủ giấc ngủ của thần chết trên thập giá, và để lời Kinh thánh sau đây nên ứng nghiệm: 'Họ sẽ nhìn lên Đấng mà họ đã đâm thâu.' Đồng thời máu và nước đổ ra, là giá của sự cứu chuộc chúng ta. Tuôn trào từ nơi sâu thẳm kín ẩn của trái tim Chúa chúng ta, như từ một nguồn nước, dòng suối này làm cho các bí tích của Hội thánh có sức mang lại sự sống ân sủng, và để cho những ai đang sống trong Đức Kitô được uống ở mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời”.
Cũng trong thế kỷ 13, chúng ta thấy một sự tôn sùng rất phổ biến trong tác phẩm “Vitis mystica” (Cây nho Thần bí), một sự sùng kính lâu dài đối với Chúa Giêsu, mô tả một cách sinh động Thánh Tâm Chúa Giêsu như là căn nguyên và sự tràn đầy của tình yêu đổ tràn trên thế giới. Tác phẩm này không rõ tác giả, nhưng thường được quy cho Thánh Bônaventura.
Sự sùng bái lan truyền chậm
Vào cuối thế kỷ 13, Thánh Gertrude, trong ngày lễ thánh sử Gioan, có một thị kiến trong đó thánh nữ được phép tựa đầu gần vết thương ở cạnh sườn Chúa Cứu Thế. Thánh nữ nghe thấy tiếng đập của Trái tim thần linh và hỏi Thánh Gioan rằng, vào đêm ăn Bữa Cuối cùng, ngài cũng cảm thấy trái tim đang đập này phải không, thế thì tại sao ngài chưa bao giờ nói về sự thật này. Thánh Gioan trả lời rằng điều mặc khải này đã được dành riêng cho các thời đại tiếp theo khi thế giới trở nên lạnh lẽo, cần phải thắp lại tình yêu của họ.
Từ thời điểm đó cho đến thời thánh Gioan Euđê, sự sùng kính tiếp tục lan rộng, chủ yếu là một sự tôn sùng riêng tư, nhưng sự tôn sùng ngày càng lan rộng. Các tu sĩ dòng Phan-xi-cô tiếp tục sự tôn sùng trong cộng đoàn anh em và các nhà thờ của họ, nhưng các dòng tu khác cũng cầu nguyện với lòng sùng kính này: dòng Tên, dòng Cácmen ở Tây Ban Nha và dòng Biển Đức.
Sự sùng kính được đổi mới: Thánh Magarita Maria Alacoque
Vào cuối thế kỷ 17, sự sùng kính đã được đổi mới và được chấp nhận ở những nơi khác, đặc biệt là sau những mặc khải cho Thánh Magarita Maria Alacoque. Thánh nữ là một nữ tu dòng kín Dòng Thăm Viếng, đã nhận được một số mặc khải tư về Thánh Tâm, lần đầu tiên vào ngày 27 tháng 12 năm 1673 và lần cuối cùng vào 18 tháng sau. Các thị kiến đã mặc khải cho từng hình thức của sự sùng kính, chủ yếu là việc rước lễ vào mỗi Thứ Sáu đầu tháng, chầu Thánh Thể trong một “giờ Thánh” vào các ngày Thứ Năm, và cử hành Lễ Thánh Tâm.
Lúc đầu thánh nữ nản lòng khi nỗ lực làm theo chỉ dẫn nhận được trong thị kiến của mình, cuối cùng Alacoque đã có thể thuyết phục bề trên về tính xác thực của thị kiến. Tuy nhiên, thánh nữ không thể thuyết phục được một nhóm các nhà thần học về tính hợp lệ của những lần hiện ra, và thánh nữ cũng không thành công gì hơn với nhiều thành viên trong cộng đoàn của chính mình. Cuối cùng, thánh nữ đã nhận được sự hỗ trợ của Thánh Claude de la Colombière, dòng Tên, cha giải tội cho cộng đoàn trong một thời gian, cha tuyên bố rằng các thị kiến là có thật. Bài viết sùng kính ngắn của Alacoque, La Devotion au Sacré-Coeur de Jesus (Lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu), đã được xuất bản sau năm 1698. Đây là một đoạn trích:
“Và Ngài [Chúa Kitô] đã cho tôi thấy rằng chính khát khao được con người yêu thương và khát khao kéo họ ra khỏi con đường đổ nát đã khiến Ngài có ý muốn bày tỏ Trái tim của Ngài cho con người, với tất cả kho báu của tình yêu, của lòng thương xót, của ân sủng, của sự thánh hóa và sự cứu rỗi mà Trái tim Ngài chất chứa, để những ai khao khát trao hiến cho Ngài và dâng cho Ngài tất cả danh dự và tình yêu họ có, bản thân họ có thể trở nên giàu có dồi dào những kho báu thiêng liêng mà trái tim Ngài là nguồn cội”.
Sự sùng kính đã được các tu sĩ Dòng Tên và Phan-xi-cô thúc đẩy, nhưng mãi đến năm 1928, qua Thông điệp Miserentissimus Redeemor năm 1928 của Đức Giáo Hoàng Piô XI, Giáo hội mới xác nhận sự đáng tin của những thị kiến của Alacoque về việc Chúa Giê-su Ki-tô đã “hứa với thánh nữ rằng tất cả những ai tôn vinh Trái Tim Ngài sẽ được ban cho vô số ân sủng trên trời”.
Thế giới được thánh hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu
Maria Droste zu Vischering, là một phụ nữ quý tộc người Đức, ở tuổi 25 đã gia nhập hội dòng Đức Bà Bác Ái của Chúa Chiên Lành, ở Munster. Cô được đặt tên Sơ Maria Thánh Tâm. Năm 1894, ở tuổi 31, sơ được chuyển đến Bồ Đào Nha và được bổ nhiệm làm bề trên của Oporto, Bồ Đào Nha. Khi ở đó, sơ thuật lại một số sứ điệp từ Chúa Giêsu Kitô, trong đó sơ được yêu cầu liên lạc với Đức Giáo Hoàng để thỉnh cầu thánh hiến thế giới cho Thánh Tâm Chúa Giêsu.
Vào ngày 10 tháng 6 năm 1898, cha giải tội của sơ tại tu viện Chúa Chiên Lành đã viết cho Đức Giáo Hoàng Lêô XIII nói rằng Chị Maria Thánh Tâm đã nhận được một sứ điệp từ Chúa Kitô, thỉnh cầu Đức Giáo Hoàng hiến dâng toàn bộ thế giới cho Thánh Tâm. Đức Giáo Hoàng ban đầu không tin sơ và không có hành động gì. Tuy nhiên, vào ngày 6 tháng 1 năm 1899, sơ viết một bức thư khác, thỉnh cầu ngoài việc tận hiến, những ngày thứ Sáu đầu tháng được dành để tôn vinh Thánh Tâm. Trong bức thư, sơ cũng đề cập đến căn bệnh gần đây của Đức Giáo Hoàng và tuyên bố rằng Chúa Kitô đã bảo đảm với sơ rằng Đức Giáo Hoàng Lêô XIII sẽ sống cho đến khi Ngài thực hiện việc dâng hiến cho Thánh Tâm.
Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã ủy thác một cuộc điều tra trên cơ sở các mặc khải của sơ và truyền thống của Giáo hội. Trong Tông thư năm 1899 Annum Sacrum, Đức Giáo Hoàng Lêô XIII đã ra lệnh rằng việc dâng hiến toàn bộ loài người cho Thánh Tâm Chúa Giêsu sẽ diễn ra vào ngày 11 tháng 6 năm 1899. Đây là bản kinh dâng hiến mà Đức Giáo Hoàng Lêô sáng tác cho việc dâng hiến:
Lạy Đức Chúa Giêsu dịu ngọt là Đấng Cứu chuộc loài người. Xin Chúa đoái nhìn chúng con đang khiêm nhượng sấp mình trước bàn thờ Chúa. Chúng con là người của Chúa, cùng muốn thuộc về Chúa, và để kết hiệp cùng Chúa bền vững hơn, thì hôm nay mỗi người chúng con tự ý dâng mình cho Rất Thánh Trái Tim Chúa.
Có nhiều người không hề biết Chúa, cũng có nhiều kẻ khinh thường điều răn Chúa và khước từ Chúa. Lạy Đức Chúa Giêsu nhân từ, xin hãy thương xót họ, và đưa dẫn họ trở về cùng Trái Tim Rất Thánh của Chúa. Lạy Chúa, xin hãy làm vua cai trị chẳng những người tín hữu không bao giờ lìa xa Chúa, mà còn cả những đứa con hoang đàng đã từ bỏ Chúa; cúi xin Chúa hãy làm cho những kẻ ấy được kịp trở về nhà Cha kẻo phải lầm than đói khát mà chết.
Xin Chúa hãy làm vua những kẻ đang sống trong lầm lạc hay bởi bất thuận mà đã lìa xa Chúa, xin hãy đưa họ về đường ngay nẻo chính cùng một đức tin, hầu trở nên một đoàn chiên theo một Chúa chiên.
Xin Chúa hãy làm vua những kẻ đang sống trong bóng tối ngẫu thần hoặc Hồi giáo và xin đừng từ chối không lôi kéo họ vào ánh sáng và vương quốc của Thiên Chúa. Xin hãy ghé mắt thương xót đoàn con cái từng là Dân Chúa đã chọn, thương xót những người xưa kia đã kêu cầu đổ xuống trên họ Máu của Đấng Cứu Độ, thì bây giờ xin đổ xuống trên họ ơn cứu độ và sự sống.
Lạy Chúa, xin hãy ban cho Hội Thánh được bình yên vững chắc thơ thới; xin hãy ban cho muôn dân trật tự hòa bình; xin làm cho từ Bắc chí Nam cực vang dội một tiếng: Ngợi khen Trái Tim Chúa vì đã mua chuộc ơn cứu rỗi cho chúng con: Tán tạ, sáng danh Chúa đời đời. AMEN.
Kỷ niệm 100 năm Lễ Thánh Tâm
Trong một Thông điệp bước ngoặt, Haurietis aquas (Sẽ Hân Hoan Múc Nước, được viết vào ngày 15 tháng 5 năm 1956) Đức Giáo Hoàng Piô XII bắt đầu suy tư của mình bằng cách rút ra từ sách tiên tri Isaia 12: 3 một câu ám chỉ sự phong phú của các ân sủng siêu nhiên chảy ra từ trái tim Chúa Kitô. Haurietis aquas đã kêu gọi toàn thể Giáo hội công nhận Thánh Tâm là một chiều kích quan trọng của linh đạo Kitô giáo. Đức Piô XII đã đưa ra hai lý do tại sao Giáo hội dành hình thức tôn thờ cao nhất cho Trái tim Chúa Giêsu. Lý do thứ nhất dựa trên nguyên tắc theo đó các tín hữu nhận ra rằng Trái Tim Chúa Giêsu được kết hợp nên một với ngôi vị của chính Con Thiên Chúa nhập thể. Lý do thứ hai bắt nguồn từ việc Trái tim là dấu hiệu và là biểu tượng tự nhiên của tình yêu vô biên của Chúa Giêsu đối với con người. Thông điệp nhắc lại rằng đối với linh hồn con người, vết thương ở cạnh sườn Chúa Ki-tô và những dấu đinh là “dấu hiệu và biểu tượng chính yếu của tình yêu đó” đã uốn nắn cuộc sống của họ sâu xa hơn từ trong lòng”.
Trong một lá thư ngày 15 tháng 5 năm 2006, Đức Biển Đức XVI đã viết: “Bằng cách khuyến khích lòng tôn sùng Trái tim Chúa Giêsu, Tông thư Haurietis aquas đã khuyến khích các tín hữu mở ra cho chính mình mầu nhiệm của Thiên Chúa và tình yêu của Ngài, và cho phép mình được biến đổi bởi mầu nhiệm và tình yêu đó. Sau 50 năm, các Kitô hữu vẫn có một nhiệm vụ thích hợp là tiếp tục làm sâu sắc thêm mối quan hệ của họ với Trái tim Chúa Giêsu, theo cách làm sống lại đức tin của họ vào tình yêu cứu độ của Thiên Chúa và đón tiếp Ngài sâu xa hơn nữa trong cuộc đời của họ”.
Như Tông thư nhận định, từ nguồn này, từ trái tim Chúa Giêsu, phát sinh hiểu biết thực sự về Chúa Giêsu Kitô và kinh nghiệm sâu sắc hơn về tình yêu của Ngài. Do đó, theo Đức Biển Đức XVI, chúng ta sẽ có thể hiểu rõ hơn ý nghĩa của việc hiểu biết tình yêu của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô, để cảm nghiệm Ngài, hướng ánh mắt của chúng ta gắn chặt vào Ngài đến mức chúng ta sống hoàn toàn dựa trên cảm nghiệm tình yêu của Ngài, để sau đó chúng ta có thể làm chứng cho người khác về tình yêu của Ngài.
“Xin cho chúng con luôn hướng về Thánh Tâm Chúa, vì Trái tim Chúa đã mở rộng để Máu và Nước đổ nguồn ơn cứu độ trên chúng con”.
“Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu! Đấng giàu lòng thương xót, xin gíúp chúng con nhận ra tình yêu bao la vô điều kiện của Chúa, để chúng con có thể cảm nghiệm nhịp đập Trái Tim thương xót của Chúa”.
“Lạy Trái Tim Cực Thánh Đức Chúa Giê-su, xin thương xót chúng con. Amen”.
Source: https://sacredheartfla.org/seasonal/feast-days-solemnities/the-solemnity-of-the-most-sacred-heart-of-jesus/
URL: http://danchuausa.net//le-trai-tim-cuc-thanh-chua-giesu/