Trích từ Dân Chúa

Lễ Chúă Kitô Vua: Vương quốc tình yêu

Lm Vinh Sơn, scj

Chúa Nhật XXXVI Thường Niên A - Lễ Chúa Kitô Vua:
Ed 34,11-12.15-17; 1Cr 15,20-26.28; Mt 25,31-46

Thánh Martinô thành Tours, mà Giáo Hội cử hành hằng năm 11/11, Ngài là một trong những vị thánh hiển tu đầu tiên của Giáo Hội, sinh ra khoảng năm 315 ở Sabaria, miền Pannonia (nay là Hungaria) là con của một sĩ quan. Cha mẹ Ngài đều là lương dân, nhưng Ngài đã ghi tên làm dự tòng khi còn trẻ và vào khoảng 20 tuổi, Martinô lãnh nhận phép rửa tội…, và dâng hiến cuộc đời trở nên một đan sĩ khó nghèo. Chính vì sống của một đan sĩ đạo đức thánh thiện và khó nghèo, danh tiếng của ngài lan tỏa và Ngài được chọn và được tấn phong giám mục thành Tours ngày 4 tháng 7 năm 371.

Lúc 15 tuổi, Martinô khi vẫn còn là một dự tòng, nhập ngũ và sớm được phái sang miền Gaule ngoại đạo (nước Pháp ngày nay). Các binh sĩ trong trại sống không gương mẫu gì, nhưng Martinô tin vào Chúa Kitô nên sống như một Kitô hữu. Ngài phân phát một phần tiền lương cho người nghèo và có những hành vi bác ái ít gặp thấy, chẳng hạn đảo ngược vai trò để đánh giày cho người hầu. Ở cửa thành Amiens một ngày mùa đông, chàng hiệp sĩ sẽ trẻ gặp người ăn xin dường như trần truồng. Martinô nói: Tôi chỉ có áo quần và khí giới.

Rồi rút kiếm ra, Ngài xẻ đi chiếc áo cho người ăn xin.

Đêm hôm đó Martinô thấy Chúa Kitô hiện ra mặc nửa chiếc áo và nói với các thiên thần. - Chính Martinô đã mặc cho Ta đây.

Câu chuyện gợi cho chúng ta Tin Mừng Mt 25,31-46 trình bày "Ðoạn đức vua sẽ nói “Xưa Ta đói các ngươi cho Ta ăn, Ta khát các ngươi cho Ta uống, Ta là khách lạ các ngươi đã đón tiếp Ta vào nhà, Ta đau ốm bệnh hoạn các ngươi đã chăm sóc Ta". Bây giờ đám người công chính sẽ thưa với Ngài: "Lạy Chúa có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn, khát mà cho uống đâu? Ðức vua sẽ đáp lại: "Ta nói cho các ngươi hay, bất cứ khi nào các ngươi làm điều này cho một trong những anh em bé mọn nhất trong các ngươi tức là các ngươi đã làm cho chính Ta đó".

“Đức Vua” xét xử công minh trong ngày phán xét, mọi người bị phán xét thì thưa với Người là “Lạy Chúa”, tước hiệu mà Giáo hội sơ khai tôn vinh Đức Kitô vinh hiển khi Người phải trở lại trong ngày tận thế.

Đấng phán xét đến trong uy quyền như “Con Người”, nhân vật huyền bí của các sách Khải Huyền của Do Thái (như trong Daniel 7) ngự đến thi hành phán xét “các dân thiên hạ”, việc đặc quyền chỉ thuộc về Thiên Chúa. Việc phán xét còn được mang hình ảnh như “Mục tử” mà ngôn sứ Ezéchiel loan báo: Người đến thi hành việc phân lựa, Người sẽ tách biệt họ như mục tử tách biệt chiên với dê (x. Ed 34,17), như Chúa Giêsu nhấn mạnh: chiên thì đặt bên phải, dê thì đặt bên trái.

“Ở nước Palestine người ta chăn chiên chung với dê là chuyện thường; nhưng đến chiều, người chăn tách chiên ra để ở một nơi kín đáo hơn”. Vì chiên có giá trị hơn dê nên chúng ta hiểu tại sao, trong dụ ngôn, chúng được đứng bên hữu Đấng Thẩm phán cánh chung (bên hữu là chỗ danh dự). Đấng Phán xét tách rời người lành thánh và người dữ như mục tử tách chiên và dê. Trong Tin Mừng Chúa Giêsu dùng hình ảnh lúa và cỏ lùng trong Dụ ngôn lúa và cỏ lùng (x. Mt 13,24-30) cũng cho thấy hai loại cây cùng sống chung với nhau - không phân biệt được - trên cùng một thửa ruộng. Cả hai cùng lớn lên bên cạnh nhau cho tời mùa gặt, chỉ tới lúc đó chúng mới bị phân rẽ: “cỏ lùng thì bó thành bó mà đốt đi, còn lúa thì thu vào kho lẫm” (x. Mt 13,30).

Vua ngự đến và "Các dân thiên hạ được thâu họp lại trước mặt Người": Đây là một cuộc phán xét phổ quát. Tất cả mọi người thuộc tôn giáo, chủng tộc hay mọi nền văn hóa mọi quốc gia, Chúa Kitô-vua triệu tập tất cả trong cuộc gặp gỡ tối hậu. Ngài sẽ xét xử và đưa các công dân xứng đáng vào Vương Quốc Cánh Chung. Chỉ những ai tin vào Đức Giêsu thì sẽ được cứu độ (x. Cv 16,31; Rm 10,9; 10,13), và người ta được nên công chính là nhờ đức tin (x. Rm 1,17; 3,22.26.30; 9,30; 10,4) chứ không phải nhờ việc làm (x. Rm 3,28; 9,32; Gl 2,16; 3,11). Ai tin, yêu và giữ lời của Ngài thì được cứu: Đó là chu toàn Luật Thiên Chúa như chính Chúa Giêsu đã nhấn mạnh trong giới răn trọng nhất: Giới răn yêu thương. Vương quốc của "Tình Yêu" : công bình và bác ái ngự trị. Chỉ có ai sở hữu Tình yêu và thể hiện qua từng hành động, từng lời nói mà chính Ngài loan báo khi còn ở dưới thế: sứ điệp "Yêu Thương". Đức Kitô đến xét xử theo lòng nhân ái của mọi người. Ngài đến phân rẽ nhân loại thành hai bên tả : những người sống không yêu thương và bên hữu - những người sống trọn bác ái yêu thương (x. Mt. 25,31-46). Chính trong yêu thương Vua Kitô trở nên như những kẻ bần cùng, thực sự chịu đau khổ như mọi người phải chịu, Ngài trở nên một với họ. Chính vì lẽ đó, Ngài hé mở bí nhiệm tình yêu này: "Ta đói... khát... ốm đau... là khách lạ", cho nên ai tiếp đón hay không tiếp đón anh em cùng khổ la tiếp đón hay không tiếp đón chính Ngài.

Vua Tình yêu xét xử và dẫn vào Vương Quốc Ngài những người sinh và sống trong tình yêu: như là luật nhân quả: đời này là nhân, đời sau là quả: nhân nào sinh quả nấy, cây nào sinh trái nấy, “cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt” (Mt 7,17-18). Người làm tốt sẽ được thưởng, người làm điều xấu sẽ bị phạt như thư Rôma và sách Khải huyền viết: “Thiên Chúa sẽ thưởng phạt mỗi người tuỳ theo việc họ làm” (Rm 2,6; Kh 2,23). Chính vì lẽ đó, hôm nay trên dương thế đang hướng về Vương Quốc Tình Yêu, mà Vua Kitô sẽ đến, chúng ta mang tâm tình của Bossuet: “Chúng ta hãy bắt đầu kể từ cuộc sống này những gì mà chúng ta làm trong sự vĩnh cửu. Hãy bắt đầu cởi bỏ những ham muốn bất xứng và sống theo phần thánh thiêng bất diệt thuộc về Thiên Chúa đang hiện diện trong chúng ta”. Thánh thiêng trong chúng ta là nếp sống yêu thương, sẻ chia. Thánh thiêng là sống trên trần thế, chúng ta luôn tâm niệm :

"Ôi lạy Chúa, trên trần gian các dân tộc xâu xé, các vua chúa sụp đổ, chỉ có mình Ngài mới trường tồn bất biến. Không một thế lực nào có thể lật đổ ngai tòa của Ngài"

(Chateaubriand, thi sĩ nổi tiếng người Pháp).

Sài Gòn

Lm Vinh Sơn, scj

URL: http://danchuausa.net//le-chua-kito-vua-vuong-quoc-tinh-yeu/