Trích từ Dân Chúa

Kinh mân côi: Mầu nhiệm năm sự sáng

Lm Đaminh Nguyễn Ngọc Long

Thứ nhất thì ngắm: Đức Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan. Ta hãy xin cho được sống xứng đáng là con Thiên Chúa.

1. Suy niệm

Trong nhiều Thánh đường có xây Giếng Nước Rửa tội nổi trên mặt nền nhà và chung quanh miệng giếng có khắc vẽ hình chim bồ câu. Hay ở trên cây nến Rửa tội cho em bé cũng khắc vẽ hình chim bồ câu đang bay lượn bên dưới có làn nước chảy.

Chim bồ câu là hình ảnh chỉ về Đức Chúa Thánh Thần , và qua hình ảnh đó diễn tả trình bày con đường của Thiên Chúa với con người, như sách Phúc âm thuật lại: “Chúa Giêsu chịu phép rửa, rồi bước lên khỏi nước. Này đây các tầng trời mở ra, và Người thấy Thánh Thần Chúa ngự xuống như một bồ câu và đậu trên Người.” (Mt 3,16; Ga 1,32).

Từ đó chim bồ câu được vẽ trình bày là hình ảnh ngày lễ Đức Chúa Thánh thần hiện xuống, cũng như hình lưỡi lửa bốc cháy tỏa sáng trên đầu Đức Mẹ Maria và các Thánh Tông đồ.

Sống trong xã hội có nhiều phức tạp đua chen cạnh tranh, và cả những điều trái ngược mạnh được yếu thua, nhưng hình ảnh chim bồ câu nói cho ta con đường của Thiên Chúa với con người. Đó là con đường hòa bình, con đường đời sống đơn sơ chân thành, con đường tình yêu và lòng khiêm nhượng.

Thứ hai thì ngắm: Đức Chúa Giêsu làm phép lạ tại tiệc cưới Cana. Ta hãy xin cho được noi gương Đức Mẹ mà vững tin vào Chúa.

2. Suy niệm

„6 Ở đó có đặt sáu chum đá dùng vào việc thanh tẩy theo thói tục người Do-thái, mỗi chum chứa được khoảng tám mươi hoặc một trăm hai mươi lít nước.“

06 chum đá nói lên hình ảnh dấu chỉ về Thiên Chúa tạo dựng công trình thiên nhiên trong 6 ngày như trong sách Sáng Thế ký thuật lại. Điều này muốn nói lên Chúa Giêsu nơi đây và bây giờ qua phép lạ ngài làm mang lại sự sáng tạo mới.: niềm vui và ơn cứu chuộc cho con người.

„ Đức Giê-su bảo họ: "Các anh đổ đầy nước vào chum đi!” Và họ đổ đầy tới miệng.

Hình ảnh đổ nước vào 6 chum đầy tới miệng nói lên chiều kích rộng lớn của phép lạ Chúa Giêsu làm, và sự giầu có quảng đại lòng thương xót của Chúa Giêsu.

„ Nước dùng để tẩy rửa - theo tục lệ nghi thức người Do Thái- được biến hóa thành rượu, trở nên dấu chỉ và qùa tặng góp phần cho niềm vui mừng trong bữa tiệc cưới. Qua đó, sự hoàn thành của Lề Luật được hiển thị ra rõ nơi bản thân cùng việc làm của Chúa Giêsu.

Lề luật không bị chối bỏ hay đẩy sang một bên, nhưng được thi hành cho trọn vẹn như mong đợi. Nghi thức tẩy rửa trước sau vẫn là nghi thức, nó thể hiện một cử chỉ niềm hy vọng. Nước, như việc làm của con người trước mặt Chúa, vẫn là nước. Nghi thức tẩy rửa không bao giờ làm cho con người trở nên thần thánh.

Nước hóa thành rượu. Sự hy sinh cố gắng của con người được biến thành của lễ nhờ được Chúa chấp nhận, Đấng đã tự trao tặng mình và mang đến sự vui mừng cho lễ mừng. Điều này chỉ có Thiên Chúa hiện diện và qùa tặng của Ngài mới có thể thành hiện thực được.

Thứ ba thì ngắm: Đức Chúa Giêsu rao giảng Nước Trời và kêu gọi sám hối. Ta hãy xin cho được tin vào lòng Chúa thương xót và siêng năng lãnh nhận bí tích giao hòa.

3. Suy niệm

Việc đạo đức kính lòng Chúa thương xót từ hai thập niên qua ngày càng lan rộng phổ thông trên khắp toàn thể Hội Thánh hoàn cầu. Việc đạo đức bình dân này thể hiện nhu cầu tinh thần thiêng liêng đạo tấm lòng tin tưởng sâu xa của con người vào ân sủng của lòng Chúa thương xót, Đấng là nguồn đời sống và lòng thương xót cho con người.

Chúa Giêsu đoan hứa cho những ai sống có lòng thương xót:„ Phúc thay ai xót thương người, họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.“. Và cho cả những ai phải sống đau khổ trong nước mắt, những ai có lòng khoan dung thanh sạch, họ được Thiên Chúa ban cho an ủi lòng thương xót.

Lòng Chúa thương xót là sự tràn đầy từ nơi Chúa, sự tràn đầy của con người. Một đời sống có lòng thương xót chính là một đời sống của Thiên Chúa.

Lòng thương xót trong ngôn ngữ Kinh Thánh diễn tả nét rộng rãi hơn là một khía cạnh suy tưởng về Thiên Chúa. Lòng thương xót là bản tính của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu nói “Anh em hãy có lòng thương xót như Cha anh em là đấng giầu lòng thương xót.” là lời phản ảnh về giới răn cũ: „ Hãy sống thánh thiện như Ta là Thiên Chúa các người là đấng thánh.“. Như thế Chúa Giêsu đã cho sự thánh thiện bộ mặt lòng thương xót.

Lòng thương xót là ánh sáng phản chiếu bộ mặt Thiên Chúa trong đời sống con người. Thánh Basilius đã có suy niệm: “Khi tỏ hiện lòng thương xót với người khác bạn trở nên giống Thiên Chúa.“. Lòng thương xót là khía cạnh con người của Chúa., và cũng là tương lai thần thánh của con người.

Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI. đã có suy niệm phân tích: „ Sự công bằng và lòng thương xót, sự công bằng và tình yêu chỉ với con người chúng ta là hai thực tế khác biệt nhau. Vì con người chúng ta phân biệt rất tỷ mỉ giữa một hành động công bằng và một hành động tình yêu. Công bằng với chúng ta là điều gì một người còn nợ người khác. Trong khi đó lòng thương xót là nói điều gì tốt đẹp được thực hiện. Điều này đối nghịch hay loại trừ điều kia. Nhưng với Thiên Chúa thì khác, không vậy “nơi Ngài công bằng và tình yêu quy chung lại thành một. Không có hành động công bằng nào mà không có một hành động lòng thương xót và sự tha thứ. Và đồng thời không có hành động lòng thương xót nào mà không hoàn toàn công bằng.“

Tình yêu cha mẹ ban tặng dành cho con cái mình thể hiện qua lòng thương xót. Tình thương yêu của các ngài luôn hướng tới sự tha thứ, sự công bằng sao cho đời sống con mình được bằng an.

Tình yêu, lòng thương xót đó là ánh phản chiếu tình yêu, lòng thương xót thần thánh của Thiên Chúa từ trời cao xuống trên trần gian nơi công trình thiên nhiên của Người hôm qua, hôm nay và ngày mai.

Lòng thương xót Chúa thể hiện qua Bí tích giải tội. Tình yêu lòng thươngn xót Chúa tha thứ mọi tội lỗ con người đã vập phạm đến Chúa va` tha nhân.

Thứ bốn thì ngắm: Đức Chúa Giêsu biến hình trên núi. Ta hãy xin cho được biến đổi nhờ Chúa Thánh Thần.

4. Suy niệm

Núi là công trình sáng tạo trong thiên nhiên. Núi có độ cao hơn mặt đất liền từ vài chục tới hàng ngàn thước, tùy theo từng ngọn núi. Núi thành hình do những khối tảng đá chồng chất lên nhau. Nơi núi có hang động sâu vào bên trong và có cây cối mọc trên đó nữa. Núi có ở khắp nơi trên trái đất, và cả dưới lòng đại dương nữa.

Về phương diện hình thể địa lý thì như thế. Nhưng về khía cạnh tâm linh, núi cao ẩn chứa một ý nghĩa khác nữa .

Núi là hình ảnh của sự lên cao không chỉ mặt hình thức bên ngoài, nhưng cả về mặt tinh thần tâm linh nữa.

Nơi cao trên núi con người cảm thấy được thanh thoát nhẹ nhàng, tâm hồn cảm thấy như gần gũi thiên nhiên cùng Đấng Tạo Hóa hơn.

Trên núi cao Chúa Giêsu biến hình như phúc âm thuật lại: mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết. Và Tiên tri Maisen và Êlia hiện ra nói chuyện với Người.

Quang này làm liên tưởng nhớ tới cảnh Tiên Tri Maisen ngày xưa cũng ở trên núi Chúa mạc khải: Trong khi Ông Maisen từ trên núi đi xuống, mặt ông chiếu sáng, vì Ông đã đàm đạo nói chuyện với Thiên Chúa.

Được diện kiến nói chuyện với Thiên Chúa, ánh sáng của Thiên Chúa chiếu tỏa trên Ông Maisen. Ông nhận được ánh sáng từ nơi Thiên Chúa, và do đó ánh sáng sáng chiếu tỏa ra nơi gương mặt của Ông.

Nơi Chúa Giêsu trái lại, áng sáng chiếu tỏa ra từ nơi Ngài. Ngài không tiếp nhận ánh sáng, nhưng Ngài là ánh sáng.

Còn áo của Chúa Giesu trở nên trắng như tuyết nói về tương lai của chúng ta. Trong sách Khải huyền của Thánh Gioan áo mầu trắng là mầu của bản chất trên trời, và cũng là mầu của các Thiên Thần . Thánh Gioan nơi sách Khải huyền còn diễn tả áo mầu trắng của các người được cứu chuộc. Đó cũng là mầu áo của những người được tuyển chọn. Vì họ được tắm gội trong máu cin chiên Kh 7,14. Qua phép rửa tội họ được liên kết với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kito, và cuuộc khổ nạn của Người thanh tẩy họ trở nên trắng trong tinh tuyền. Qua bí tích rửa tội chúng ta được mặc khoác ánh sáng với Chúa Giêsu Kito und trở nên sáng trong tinh tuyền.

Trong nghi lễ Rửa tội, linh mục nói với em bé vừa nhận lãnh làn nươuc rửa tội: Chiếc áo trắng con đang trong mình là tước hiệu nhân vị Kito đời ncon. Con hãy mang nó tinh tuyền luôn mãi trong đời sống cho đến cõi trường sinh.

Thứ năm thì ngắm: Đức Chúa Giêsu lập bí tích Thánh Thể. Ta hãy xin cho được sốt sắng tham dự Thánh Lễ và rước Mình Máu Thánh Ngài.

5. Suy niệm

Người Công Giáo, tùy theo phong tục Giáo Hội địa phương, vào lứa tuổi từ 6 đến 9 tuổi được học Giáo lý xưng tội rước lễ lần đầu. Và rồi trong suốt dọc đời sống mỗi khi đi dâng tham dự Thánh Lễ , đều tiếp nhận Tấm Bánh Thánh Thể Chúa Giêsu.

Thánh Thể Chúa Giêsu là một trong bảy Bí Tích của Hội Thánh Công Giáo do chính Chúa Giêsu thiết lập. Và Ngài truyền trối lại cho các Tông đồ và Hội Thánh tiếp tục cử hành Bí Tích tình yêu này.

Từ ngày đó, Hội Thánh cử hành Bí Tích này mỗi khi dâng Thánh lễ Misa.

Thánh lễ Misa còn được gọi là lễ tế tạ ơn - Tiếng Hylạp là Eucharistia, tiếng latinh là Eucharistica.

Thánh lễ Misa hay Lễ tế tạ ơn bắt nguồn từ bữa Tiệc ly ngày thứ Năm tuần thánh của Chúa Giêsu với 12 Môn đệ trước khi Ngài bị bắt chịu khổ nạn và đóng đinh trên thập gía. Trong bữa tiệc ly này Chúa Giêsu dùng tấm bánh mì không men, chén rượu nho, đọc lời tạ ơn Thiên Chúa, làm phép biến đổi thành Mình và Máu của Người, rồi trao cho các Môn Đệ làm của ăn thức uống cho đời sống tâm hồn đức tin vào Chúa.

Sau đó Chúa Giêsu trao quyền chức Linh mục cho các Môn Đệ và Giáo Hội làm nghi lễ tạ ơn như Ngài đã làm. Từ căn bản đó, Giáo Hội Chúa Giêsu từ hai ngàn năm nay luôn luôn gìn giữ nếp sống đạo đức trung tâm đức tin này. Và nhờ như thế đời sống đức tin vào Chúa được củng cố bền vững cùng sống động.

Trong mỗi Thánh lễ Misa, Lời Chúa viết để lại trong Kinh Thánh là nền tảng cho đức tin được đọc suy niệm cắt nghĩa, lời cầu xin khấn nguyện của dân Chúa cho chính mình, cho gia đình, cho Giáo Hội, cho thế giới được mang dâng lên bàn thờ Chúa hòa lẫn vào hy lễ Chúa Giêsu đã hy sinh chịu chết trên Thánh Gía mang ơn cứu chuộc cho con người.

Trong phần truyền phép, Lời truyền biến đổi Bánh và Rượu, của lễ dâng lên Thiên Chúa, được Gíao hội ủy thác cho Linh mục đọc to tiếng như trong bữa tiệc ly Chúa Giêsu đã nói:

“Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn: Này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì các con.

Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống: vì này chén máu Thầy, máu giao ước mới và vĩnh cửu, sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy.”

Giây phút lúc này là trung tâm của thánh lễ Misa. Như máu ở trái tim, trung tâm điểm con người, bơm luân chuyển đi khắp thân thể mang đến sức sống cho toàn thân xác. Cũng vậy, Mình Máu Thánh Chúa Giêsu là của ăn nuôi dưỡng tâm hồn đức tin cho có sức sống. Sức sống đó là sức sống thần linh Thiên Chúa.

Tấm bánh Thánh Thể tình yêu Chúa tuy nhỏ, không làm cho bao tử no đầy. Nhưng ân đức của Chúa qua Tấm Bánh Thánh Thể mang đến cho tâm hồn sự sống thần linh liên kết với Chúa và với toàn thể mọi người trong Gíao Hội có cùng một Đức tin vào Thiên Chúa tình yêu.

Trong giây phút long trọng trang nghiêm ngay sau khi Bánh và Rượu đã được truyền phép biến đổi thành Mình và Máu Chúa Giêsu, những ý lời cảm tạ, cầu khẩn cho Giáo Hội, cho người còn đang trên đường lữ hành trần gian, cho người đã qua đời, cho người còn sống, cùng hợp với lời cầu khẩn của Đức Mẹ Maria và các Thánh, được đọc dâng lên Thiên Chúa.

Tháng kinh mân côi.

Lm Đaminh Nguyễn Ngọc Long

URL: http://danchuausa.net//kinh-man-coi-mau-nhiem-nam-su-sang/