Trích từ Dân Chúa

Hội chứng những người "ăn ảnh"

Người Giồng Trôm

Bình thường, những người, nhất là những cô nhìn bề ngoài không xuất sắc là mấy mà khi lên ảnh khá đẹp thì người ta gọi người đó là người chụp hình “ăn ảnh”. Và ngược lại, có những người bề ngoài xem ra cũng được lắm nhưng khi lên hình thì mất đi cái đẹp tự nhiên của mình và rồi người đó thường được gọi là người “không ăn ảnh”.

Với những người chụp hình gọi là “ăn ảnh”. Chả biết từ đâu và dựa vào nền tảng thần học hay triết học hay nghiên cứu cao sâu nào đó mà nhiều người gọi những người “ăn ảnh” là những người khổ. Và ngược lại, ai “không ăn ảnh” thì sướng.

Bên cạnh những người lên hình đẹp ra người ta gọi là “ăn ảnh” đó thì cũng có những người khác bên ngoài chụp sao sau khi chụp ra như vậy nhưng cũng được gọi là “ăn ảnh”. “Ăn ảnh” ở đây rất đơn giản vì đối với họ mỗi khi ăn là có ảnh. Điều đáng suy nghĩ hơn đó là chuyện ăn uống, vui đùa với nhau thì nên chăng cũng ghi lại những kỷ niệm vui đó nhưng những tấm hình đó chỉ nên để làm kỷ niệm và truyền tay nhau xem chứ không cần thiết phải đưa lên các trang mạng xã hội.

Thật ra cũng hết sức lạ lùng, cứ hễ chộp được hình gì bất kể dù là ăn uống của các đấng bậc hay với các đấng bậc thì liền tức khắc những tấm hình đó chui ngay lên mạng nằm. Bản thân của các đấng bậc không có thời gian để thấy những hình đó nhưng nếu thấy sẽ rất bất ngờ vì không hiểu tại sao mình lại được đưa lên mạng một cách không phép như thế.

Nhiều người quên rằng hình ảnh là chuyện rất riêng tư của mỗi người và có những người không muốn mình ở trên mạng. Đây là điều hết sức tế nhị và nó dính đến chuyện quyền. Không phải bạn chụp hình của ai đó và bạn tự ý đưa người đó lên mặt báo. Quyền riêng tư của mỗi người cần được tôn trọng trong đó có chuyện sử dụng hình mà nhiều người không để ý. Có một vị linh mục kia, đi đâu cũng chụp hình và bất cứ hình gì cũng chụp và không chừa một hình nào không đưa lên mạng. Linh mục đó đâu hiểu cảm giác khó chịu của những người không thích sử dụng hình họ một cách tùy tiện như thế nào ?

Chuyện vui đùa, đưa lên mạng xã hội những hình ảnh bình thường đó thì rất bình thường với giới trẻ và với tuổi teen. Thế nhưng, cũng với chuyện ấy sẽ bất bình thường với những người mang trong mình “made in nhà tu”.

Những người đi tu cũng là người bình thường, cũng sinh hoạt ăn uống ngủ nghỉ như mọi người nhưng hết sức cẩn trọng và tế nhị. Nếu không tinh tế sẽ bị những người ngoài tôn giáo nhìn dưới ánh mắt khác và thậm chí người cùng tôn giáo nữa.

Hết sức giật mình, sau giờ nghỉ trưa, nhìn thấy hình ảnh những nhà tu bên bàn ăn với nhau được vị linh mục nào đó chộp hình và quăng lên mạng. Chẳng mấy chốc, những tấm hình “yến tiệc linh đình” đó bay đến ngay trước mắt những Lazarô ngày ngày nằm ngay cửa nhà những phú hộ.

Tiếc thay không phải vị này mà một số vị khác nữa cứ hễ ăn là có ảnh và ảnh đó được tung lên mạng cùng lắm là vừa khi ăn xong hay đang khi ăn mà có mạng là nằm chình ình một đống trên mạng ngay. Có những người thông thoáng thì họ cũng nói gì nhưng nên nhớ giữa một xã hội và Giáo Hội có nhiều người và rất nhiều người họ nhìn linh mục, nhà tu rất lung linh thánh đức chứ không phải là “dô dô ra ra”. Có những cung cách, hình ảnh của những linh mục tu sĩ mà cứ “dô dô ra ra” đã làm mất đi sự cung kính cũng như hình ảnh vốn có từ trước đến nay dành cho những người dâng mình cho Chúa.

Có người sẽ biện luận “tu cũng là người mà !”.

Vâng ! Dĩ nhiên ai chả biết “tu cũng là người” và người nên cần phải tu nhưng nên nhớ nhà tu có những giới hạn và tư cách của nhà tu. Nếu không thì không còn dáng dấp của nhà tu và như thế thì tu cũng như không tu sẽ bị cào bằng và mất đi sự kính trọng mà từ lâu nay sẵn có trong truyền thống của người Việt Nam.

Dĩ nhiên vẫn là tự do chọn lựa cho mình một lối sống, một lối tu. Thế nhưng xin các vị tu trì đừng đánh mất hình ảnh đẹp, hình ảnh mà cộng đồng dân Chúa đã trân quý dành cho giới tu trì.

Người Giồng Trôm

URL: http://danchuausa.net//hoi-chung-nhung-nguoi-an-anh/