Trích từ Dân Chúa

Hãy ‘Rửa Tay’ Nhưng Xin Đừng ‘Phủi Tay’

Jos Đồng Đăng

Nhân loại đang phải đối diện với đại dịch coronavirus, một cơn dịch khủng khiếp đã cướp đi sinh mạng của rất nhiều anh chị em chúng ta. Tính đến lúc 9 giờ sáng Chúa Nhật, ngày 5 tháng 4 năm 2020, số người bị nhiễm vi rút corona là 1,201,933; số người tử vong là 64,716. Giáo Hội đang bước vào Tuần Thánh trong bầu khí ảm đạm. Hầu hết giáo dân đang phải theo dõi các nghi thức Tuần Thánh qua các phương tiện truyền thông. Cơn đại dịch làm cho con người hết sức nao núng, sợ hãi, có khi đóng chặt cửa nhà, hòng được yên bề trong cơn dịch. Việc đóng cửa để bảo vệ mình và những người thân là tốt, tuy vậy, chúng ta không được đóng chặt lòng mình trước những nhu cầu của tha nhân. Thiết tưởng, đó cũng là thông điệp quan trọng mà chúng ta cần lưu tâm trong Tuần Thánh này.

Trước hết, trong hoản cảnh này, ai ai cũng nhận thức được việc phòng dịch là cần thiết. Các chuyên gia y tế khuyên người dân rửa tay để tránh bị nhiễm và lây lan loại vi rút Corona này. Trong bài thương khó Đức Giêsu Kitô mà chúng ta được nghe trong Tuần Thánh này, có một chi tiết đặc biệt chúng ta cần lưu ý. Tại phiên tòa xét xử Đức Giêsu, quan Tổng trấn Philatô “đã lấy nước rửa tay trước mặt đám đông mà nói: ‘Ta vô can trong vụ đổ máu người này. Mặc các người liệu lấy!’” (Mt 27,24). Và chúng ta hãy nghe những lời khuyên đầy tâm huyết của Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Bộ trưởng Thánh Bộ Truyền giáo các Dân tộc, được trích dẫn như sau: “Chúng ta cũng rửa tay của mình nhưng không phải theo cách thế mà Philatô đã làm. Chúng ta không thể phủi tay để chối bỏ trách nhiệm với người nghèo, người bệnh, người thất nghiệp, người tị nạn, người vô gia cư, với những người trợ giúp về y tế, với tất cả mọi người, với toàn thể công trình sáng tạo và với tương lai của biết bao thế hệ. Chúng ta cầu nguyện để nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, chúng ta có tình yêu đích thực cho mọi người khi chúng ta đối diện với tình trạng khẩn cấp chung.”

Chúng ta đóng cửa phòng nhưng không đóng cửa lòng. Trong Tuần Thánh này, chúng ta sẽ được nhắc lại tấm gương khiêm tốn phục vụ của Đức Giêsu, Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa nhưng đã không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, theo kiểu “con vua thì lại làm vua”. Trái lại, chính Người đã mang lấy thân phận tôi đòi, đã mặc lấy thân phận con người trong dung mạo của một Hài Nhi bé nhỏ, đã lang thang khắp mọi nẻo đường xứ Palestine, đã vui với người vui, khóc với người khóc, và cuối cùng đã chịu chết một cách tức tưởi trên cây thập giá để cứu độ con người, trong đó có bạn và tôi.

Trong Thánh Lễ Tiệc Ly tuần này, chúng ta sẽ được chứng kiến một nghĩa cử đặc biệt do các giám mục, linh mục cử hành để lặp lại hành động của Đức Giêsu trong bữa ăn cuối cùng của Người với các môn đệ trước khi Người bước vào cuộc khổ nạn. Thánh Gioan thuật lại: “Trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau” (Ga 13,4-5). Vào thời bấy giờ, rửa chân là việc làm của thứ dân nô lệ. Vậy mà Đức Giêsu đã không nề hà làm điều đó để nêu bài học khiêm nhường phục vụ cho chúng ta. Sau khi rửa chân, Người đã căn dặn các môn đệ: “Nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.” (Ga 13,14-15). Thông điệp Người nhắn nhủ chúng ta là hãy phục vụ anh chị em mình một cách vô vị lợi chứ không phải vì tham vọng thống trị hay áp chế người khác. Ôi! Nhân cách Giêsu là thế ấy, là “hóa mình ra không” để phục vụ, để nêu gương khiêm tốn cho tất cả chúng ta. Đó ắt hẳn là một “phong cách làm lớn” mà chúng ta cần học hỏi.

Phục vụ chính là con đường để ta “làm lớn” vì “ai muốn làm đầu phải hầu thiên hạ”. Một lần kia, khi các Tông đồ đang tranh luận với nhau, họ đang cãi nhau ai là người lớn nhất, Đức Giêsu đã để một đứa trẻ ở giữa và nói: “Nếu các con không nên giống như trẻ thơ thì các con chẳng xứng đáng làm môn đệ của Thầy”. Một trái tim trẻ thơ, đơn sơ, khiêm nhường, nhưng đó chính là một cung cách phục vụ, cung cách của công dân Nước Trời. Và còn có nhiều điều thú vị mà chúng ta có thể liên hệ đến nghĩa cử này trong cuộc sống ngày của chúng ta. Chúng ta bắt gặp hình ảnh Đức Giêsu khiêm tốn phục vụ nơi những người cha phải “đầu tắt mặt tối” trên nương trên rẫy; nơi những người mẹ phải lặn lội trên sông trên nước, để mò cua bắt ốc, để kiếm từng bát cơm manh áo cho cho các thành viên trong gia đình, nơi những mục tử phải “dầm mưa dãi nắng”, phải “nếm mật nằm gai” với đoàn chiên trong cơn đại dịch này. Biết bao vị mục tử đã đứng ở “đầu sóng ngọn gió”, đã nằm xuống để đoàn chiên được tới đồng cỏ xanh tươi là các bí tích của Giáo Hội. Thật đẹp biết bao những bước chân của những người mực tử như thế! Đẹp biết bao những người cha người mẹ như thế! Họ chính là những “Alter Christus”, những Kitô thứ hai cho con người ngày hôm nay.

Tóm lại, giữa bao lo lắng, bao trăn trở, bao lo âu, bao đau khổ vì gánh nặng giữa cơn đại dịch coronavirus, chúng ta luôn được mời gọi sống tình liên đới, khiêm tốn và phục vụ lẫn nhau như Đức Giêsu Kitô – Đấng vốn dĩ là Thiên Chúa quyền năng, được trao phó mọi quyền hành trên trời dưới đất lại không dùng quyền đó để thống trị, để áp chế, nhưng để cúi xuống phục vụ tha nhân. Lề luật mà Người ban hành không phải là để thống trị, để làm hại, để hạ bệ người khác hay để lợi dụng người dân trong cơn khốn quẫn hòng “đục nước béo cò”, nhưng là để phục vụ. Cung cách Đức Giêsu hoàn toàn trái ngược với cung cách vua chúa quan quyền trần thế như chính Người đã nói: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em” (Mt 20,25-27). Ước gì, chúng ta cũng biết noi gương Đức Giêsu, biết trở nên người phục vụ quảng đại hơn, khiêm tốn hơn, hầu xoa dịu những vết thương đau, hầu đem lại niềm vui cho anh chị em chúng ta – niềm vui Tin Mừng cứu độ. Cuối cùng, xin được mạo muội diễn ý thao thức mà Đức Hồng Y Tagle, Bộ Trưởng Thánh Bộ Truyền giáo cho các Dân tộc đã đề cập đến trong bài viết: “Emergencies and Charity: A reflection by Cardinal Tagle” trong lời vắn tắt này: Hãy rửa tay nhưng xin đừng phủi tay!

Jos Đồng Đăng

URL: http://danchuausa.net//hay-rua-tay-nhung-xin-dung-phui-tay/