Trích từ Dân Chúa

Giúp trẻ vị thành niên đối phó với những mất mát và tự tử trong thời cấm cửa vì đại dịch

Trần Mạnh Trác

Thời gian “đóng cửa” quốc gia không chỉ mang lại những mất mát về kinh tế mà còn gây nên nhiều hệ lụy tinh thần, nhất là cho những trẻ vị thành niên, là lớp tuổi mới lớn cần sự giao lưu xã hội để được trưởng thành.

Bậc phụ huynh làm sao có thể giúp cho con em mình đối phó với những mất mát và thất vọng trong cuộc sống “bị cầm tù” không do lỗi cuả chúng? Làm sao tránh cho chúng những cám dỗ tự tử?

Phóng viên Mary Farrow cuả CNA đã mô tả vài kinh nghiệm giải quyết khác nhau qua bài viết tựa đề là “How quaran-teens are coping with losses and disappointments.”

Denver Newsroom, ngày 03 tháng năm 2020 / 16:58 MT ( CNA ).- Bà Nikki Shasserre thường nhận được một cảnh báo mỗi tuần, có lúc nhận được tới hai cảnh báo, từ cái “app” tên là Bark, là một ứng dụng báo động cho phụ huynh về những từ ngữ đáng ngại đã được xử dụng trên điện thoại di động cuả con cái.

Bark gửi cho ông bà Shasserre những đoạn nói chuyện có chứa các từ đáng quan tâm như súng, làm tình … Là những từ mà cô con gái Cathy đánh lên máy hay nhận được từ bạn bè. Ý tưởng là để nhắc nhở bậc cha mẹ cần phải nói chuyện với con cái khi có một cái gì đó đáng nghi bị bật đèn đỏ lên.

Bà Shasserre cho biết nhiều khi họ đã nhận được những điều ‘thật buồn cười’ mà cái app nhầm lẫn là một việc đáng quan tâm.

Thí dụ một lần cái app báo động ‘có nội dung tình dục’ về một cuộc thí nghiệm ở trường học trên những con ruồi, các học sinh đã trao đổi ý kiến làm sao cho đám ruồi sinh sản trong phòng thí nghiệm của chúng.

Nhưng sau khi các trường học đột ngột đóng cửa để hạn chế sự lây nhiễm của đại dịch coronavirus, cô con gái Cathy và các bạn cùng lớp senior cuả cô (lớp 12 năm cuối cùng) bị cắt đứt năm học một cách “không kèn không trống”, ông bà Shasserre nhận được hàng hà những cảnh báo từ Bark.

“Bây giờ, có ngày tôi nhận từ 10 đến 15 cảnh báo,” theo ông Shasserre. “Chín mươi phần trăm cảnh báo mà chúng tôi nhận được có liên quan đến tâm lý buồn bã, trầm cảm. Hôm nọ, tôi nhận được một báo động tự tử.”

“May thay, đó không phải là từ Cathy, mà là cuả một đứa bạn của nó. Đại khái nó viết: "Tao không biết tao còn chịu được bao lâu nữa. Tao buồn đến chết được."

Bà Shasserre nói rằng báo động này là một tiếng chuông cảnh tỉnh cho bà và chồng. Bà nói rằng họ đã kiểm tra với đứa con gái mỗi ngày, nhưng Cathy có vẻ miễn cưỡng chia sẻ hoặc đơn giản chỉ nói rằng nó vẫn ổn.

Bà Shasserre cho biết các cảnh báo đã khiến cho bà nhận ra là Cathy và bạn bè, cũng như những thanh thiếu niên khác trong cơn đại dịch này, đã phải đối mặt với nhiều nỗi buồn thực sự, rất nhiều mất mát thực sự.

“Và đặc biệt trong trường hợp cuả nó (Cathy) là một senior. Vì vậy, càng ngày mãn trường càng đến gần... Tôi càng nhận được rất nhiều cảnh báo, nào là vũ hội (prom) đã trôi qua (mà bị bãi bỏ), nào là mọi đứa bạn thực sự rất buồn vì không được dự đêm vũ hội. Và đối với (Cathy), nó còn bị mất buổi lễ phát phần thưởng ra trường. Đó là những điều đã được ghi trên lịch của chúng tôi, tất cả những sự kiện dành cho việc ra trường cuả lớp senior này... chúng vẫn còn được ghi trên lịch gia đình, được ghi trên hầu hết các điện thoại của chúng tôi. Và vì vậy, khi bạn nhận được một tin báo bật lên. 'Ồ, đây là đêm trao giải.' Hoặc, 'Ồ, buổi tiếp tân dành cho cha mẹ sắp tới rồi.'”…

Cô Caroline Doyon là một thiếu nữ Công Giáo kết thúc năm junior (lớp 11, sang năm lên senior) tại Trường Trung học Bloomington ở Indiana.

Doyon nói rằng lần đầu tiên cô nghe coronavirus có thể đóng cửa trường học khi đang đi nghỉ muà xuân với ba người bạn và một phụ huynh ở Florida.

Tất cả chúng tôi đều thực sự lo lắng và vì vậy chúng tôi bay về nhà sớm, cô Doyon nói với CNA.

“Và mẹ tôi đã nói với tôi rằng có thể chúng tôi sẽ không trở lại trường nữa, và tôi thực sự nghĩ rằng nó có thể kéo dài một hoặc hai tuần. Và sau hai tuần học trực tuyến tại nhà, họ tuyên bố chấm dứt phần còn lại của năm học.”

Doyon cho biết cô cảm thấy may mắn vì cô chỉ là một junior.

“Tôi cảm thấy như nếu tôi là senior, thì tôi sẽ buồn thê thảm lắm. Tôi biết chắc rằng tôi sẽ rất ghét nếu phải bỏ buổi lễ tốt nghiệp.”

Nhưng vẫn còn nhiều điều khác khiến cô ấy buồn, cô nói. Prom (mà cô là khách được mời) đã bị hủy bỏ và buổi tập dượt khiêu vũ lần cuối cũng bị hủy, cũng như các sự kiện cuối năm khác. Và cô rất nhớ bạn bè của mình.

“Tôi nghĩ rằng trong vài tuần đầu cách ly, thật sự là rất buồn. Tôi biết rằng tôi yêu trường học và tôi thích được ở đó với mọi người, điều thực sự khó khăn là vì tôi thích rong chơi với bạn bè,” cô ấy nói với CNA.

Doyon cho biết cô đã cố gắng liên lạc thường xuyên với đám bạn, đặc biệt là những khi chúng than buồn hoặc khi gia đình đang làm cho chúng phát điên lên.

“Tôi đặc biệt lo cho một đưá bạn... ngay cả trước khi có lệnh cấm cửa toàn bộ này, bất cứ khi nào nó ở một mình hoặc nó không thể tiếp xúc được với nhiều người nó muốn, nó sẽ bị rơi vào một trạng thái chán nản và nó cảm thấy cô đơn như không có ai quan tâm đến nó. Và vì vậy, khi tất cả những điều này xảy ra, tôi đã chăm lo nói chuyện với nó và chúng tôi FaceTime khá thường xuyên. Đó chỉ là để duy trì mối liên hệ, mặc dù bạn bè không thể ở bên cạnh nhau.”

Nhưng cũng có một vì sao lấp lánh (silver lining) cô nói. Mỗi học sinh được cung cấp một máy tính xách tay để có thể học ở nhà, và vì không có sự phiền nhiễu ở trường nữa, Doyon nói rằng cô đã có thể hoàn thành rất nhiều công việc. Cô cũng nghĩ ra một cách để gặp bạn bè.

“Chúng tôi hẹn nhau ở một bãi đậu xe bỏ hoang của K-Mart (đã đóng cửa) và chúng tôi đậu xe thành một vòng tròn. Và tất cả chúng tôi đã mở cửa sau cuả xe và ngồi đối mặt với nhau. Tôi nghĩ rằng lần đầu tiên chúng tôi đi chơi như vậy, chúng tôi đã ở đó tới bốn giờ liền, chỉ là để nói chuyện.”

“Tôi biết chắc chắn rằng đối với thanh thiếu niên chúng tôi, chúng tôi thích giao tiếp xã hội, vì vậy thật khó mà chúng tôi chỉ ngồi ở nhà và không có gì để làm.”

Cô Kathleen Kozak là một giáo viên của thanh thiếu niên và là một người mẹ cho ba thiếu niên (và một đứa con trai thứ tư còn bé). Cô Kozak dạy thần học tại trường trung học Cardinal Gibbons ở Raleigh, North Carolina, cô cho biết cô đã tập trung vào việc đưa trật tự vào cuộc sống của các học sinh ở trường cũng như của những đứa con ở nhà.

Cả cô Kozak và chồng đều đã phục vụ trong quân đội, cô nói với CNA, và trong giai đoạn này, họ đã khai thác khả năng thích ứng với các tình huống bất ngờ như lúc còn ở trong quân đội.

“Vì vậy, tôi đã suy nghĩ, Okay, làm thế nào mà chúng tôi có thể thích nghi và vượt qua điều này? Và như thế nào chúng tôi muốn được nhớ lại qua thời gian này? Tôi không nhất thiết phải hoàn thành được tất cả mọi thứ, nhưng chúng tôi có thể làm gì để tạo ra một trật tự giữa chúng tôi với tất cả những cảm xúc khác nhau này?”

Cô Kozak cho biết cô nhận được cảm hứng từ tấm gương của Đức Giáo Hoàng Phanxicô và đã đi theo sự dẫn dắt của ngài. Vào tháng ba, Đức Giáo Hoàng Phanxicô yêu cầu mọi người đọc kinh Mân côi, Kozak và gia đình đã lần hạt Mân côi trực tiếp trên YouTube vào lúc 9 giờ tối, cùng lúc với bạn bè và gia đình tuy không thể tụ tập với nhau.

“Gia đình tôi ngồi ở bàn ăn và chúng tôi lần chuỗi Mân côi trên YouTube Live tối hôm đó. Và sau khi kết thúc, những người tham gia với chúng tôi đã nói, ‘Mình còn tiếp tục chứ?' Vì vậy, thực sự chúng tôi đã lần chuỗi Mân côi trực tuyến mỗi tối vào lúc 9:00,” cô nói.

Thói quen lần chuỗi đi kèm với một loạt các ý chỉ cầu nguyện cuả bạn bè và gia đình, cô nói, mang lại cho họ một ý thức sâu sa hơn khi cầu nguyện.

Cô Kozak cũng giúp những học sinh của cô tập trung vào những điều họ có thể làm, trong bối cảnh nhiều điều mà họ không thể làm được.

Cô nói rằng trước tiên cô thừa nhận cảm xúc của họ, “Okay, điều này là khó đấy,” khi họ nói về mùa thể thao hoặc về những buổi vũ hội bị hủy bỏ.

“Nghiã là danh sách những mất mát có thể tiếp tục và tiếp tục mãi,” cô Kozak nói. Nhưng cô dựa trên kinh nghiệm khi chồng bị triển khai (ra nước ngoài), khi anh ấy phải bỏ lỡ một số khoảnh khắc quan trọng của gia đình, cho nên cô khuyến khích học sinh tập trung vào những điều họ có thể thay đổi và có thể làm.

Chồng tôi đã bỏ lỡ rất nhiều sự kiện qua mắt các con tôi. Anh không có mặt khi con gái tốt nghiệp lớp tám. Chúng tôi mất thời gian nhiều đến hàng tấn. Và tôi nói, "Nhưng chúng tôi đã có thể tạo ra những ký ức cả khi anh ấy phải ở nước ngoài và chúng tôi ở đây, bằng cách sử dụng công nghệ. Cũng vậy, các bạn có thể tạo ra những thứ khác bằng cách sử dụng món quà công nghệ mà chúng ta có, được không?

Cô đã khuyến khích học sinh của mình dựa vào lời cầu nguyện - điều đó đã giúp cô vượt qua sự mất mát của một đứa con, bé trai Liam.

“Câu hỏi có thể, làm thế nào bạn cảm thấy Thiên Chúa trong ý nghĩa của một đại dịch?” Và tôi nói với họ: “Tôi phải dựa vào việc cầu nguyện. Và đối với tôi, lời cầu nguyện mà khi tôi không có lời nào để cầu nguyện, là theo điều mà bà tôi đã dạy tôi, là chuỗi tràng hạt. Khi bà không còn lời, khi ông qua đời hoặc khi anh họ tôi chết, thì đó là chỗ bà tìm tới (chuỗi Mân côi). Và rồi nó cũng trở thành ‘chỗ tìm tới’ của tôi,” cô ấy nói.

Qua các lớp học trực tuyến với các học sinh (dùng app Zoom,) cô Kozak đã biết hơn về các học sinh của mình trong một cách hoàn toàn mới. Khi cô dạy xong, cô chia học sinh thành các “gia đình,” rồi cô sinh hoạt với từng gia đình để xem mọi người có vui mạnh không.

“Đã có rất nhiều chia sẻ tâm tình. Nó cho phép chúng tôi đến gần nhau hơn so với các học kỳ khác của chúng tôi,” cô nói.

Ông Daniel Johnson là một chuyên gia hàn gắn hôn nhân và gia đình Công Giáo với Divine Mercy Clinic có trụ sở tại Duarte, California. Ông thường xuyên làm việc với thanh thiếu niên bị trầm cảm, có ý tưởng tự tử, tự hủy và hay lo lắng.

Ông Johnson nói với CNA rằng điều quan trọng là các gia đình phải nhận ra rằng thanh thiếu niên cũng phải đối mặt với cảm giác mất mát và cô lập và mệt mỏi mà người lớn đang phải trải qua trong thời gian ở nhà và xa cách xã hội.

“Những gì tôi đang thấy... ở những bệnh nhân tuổi vị thành niên thực sự là những phản ứng trước một sự thay đổi mạnh mẽ, mà lại không biết phải chịu đựng điều này bao lâu nữa. Điều đó cũng đúng với tất cả chúng ta,” ông Johnson Johnson nói.

“Ở tuồi thanh thiếu niên, sự biểu hiện thì khác, là bởi vì sự phát triển bình thường của chúng tập trung vào nhóm cùng lứa với chúng và các tín hiệu mà chúng nhận được từ những thanh thiếu niên khác,” ông nói thêm.

“Nhiều đứa trong số này, đặc biệt là những đứa đi học trường công, hoặc những trường lớn, chúng sẽ đặc biệt gặp khó khăn vì mất đi những nhóm đồng đẳng hoặc những tín hiệu từ môi trường xã hội quen thuộc,” ông nói.

“Những tín hiệu như lễ tốt nghiệp, hoặc bữa liên hoan thể thao cuối năm, hoặc các buổi trình diễn báo hiệu sự kết thúc của một cái gì đó và hoàn thành một mục tiêu, đã biến mất.”

“Chúng đã có một kế hoạch và chúng đã làm việc hướng tới một mục tiêu. Và mục tiêu đó, ít nhất là... dấu hiệu cho thấy chúng đạt được mục tiêu đó - vũ hội, tốt nghiệp, bất cứ điều gì các trường học làm để đánh dấu sự kết thúc của năm - những điều đó đã bị vất đi khỏi các em. Và thế là có sự cô lập và nỗi buồn,” ông nói.

Ông Johnson cho biết điều đầu tiên ông làm với những bệnh nhân đang phải vật lộn với sự cô lập và những thay đổi mạnh mẽ do việc phải bị tù hãm ở nhà là thừa nhận với họ rằng những gì họ cảm thấy là bình thường và dễ hiểu.

“Chỉ cần thừa nhận những cảm xúc đang diễn ra, thuật ngữ lâm sang gọi là bình thường hóa, như 'vâng, thì là buồn và là tức giận và bị căng thẳng và không biết phải làm gì.'"

Ông Johnson cho biết điều thứ hai ông làm để giúp bệnh nhân là khuyến khích họ kết nối theo những cách mới với nhóm hỗ trợ của họ, cho dù đó là gia đình hay bạn bè hoặc kết hợp cả hai.

“Những thứ liên quan đến những người khác mới là trọng tâm, chứ không phải những thứ liên quan đến việc ở cùng phòng với những người khác làm một cái gì đó, như coi TV,” ông nói.

Điều thứ ba ông Johnson thấy hữu ích cho các bệnh nhân vị thành niên là giúp họ tập trung vào các mục tiêu ngắn hạn và thiết lập thói quen - đặc biệt là vì trong hiện tại họ không rõ khi nào và làm thế nào họ có thể thực hiện được một số mục tiêu dài hạn của mình, chẳng hạn như đi học đại học vào mùa thu khi một số trường đại học có thể còn bị đóng cửa.

“Những gì tôi muốn là lập ra một thói quen, tìm ra bốn hoặc năm điều cần thiết để có một ngày tốt lành. Và chắc chắn rằng làm từng việc đó mỗi ngày,” ông ấy nói.

Đối với nhiều bệnh nhân, thì đó là một việc đơn giản như tập thể dục hàng ngày, nói chuyện với một hoặc hai người, thực hiện một số lời cầu nguyện và hoàn thành một số bài tập trên lớp. Những thứ đó. Tập trung vào những gì cần thiết trong 24 giờ để trở thành 24 giờ tốt.

Ông Johnson cho biết ông sẽ khuyến khích các bậc cha mẹ đặc biệt liên quan đến các dấu hiệu trầm cảm hoặc tự làm hại bản thân, nhưng một mức độ trầm cảm nhẹ có thể là bình thường đối với thanh thiếu niên vào lúc này.

“Dưới nhãn quan lâm sàng, tất cả chúng ta có lẽ ít nhiều có thể bị chẩn đoán là bị trầm cảm vào lúc này. Vấn đề là vào lúc này, phải tìm ra một lý do thực sự nào đó cho bệnh trầm cảm.

Ông Johnson cho biết cha mẹ có thể thấy những dấu hiệu như đứa con mình không còn chải đầu quá 24 giờ hoặc ngủ nhiều hơn bình thường, là dấu hiệu đáng lo ngại.

“Tôi nghĩ rằng khó khăn thực sự tại thời điểm này là, chúng ta phải đánh giá trầm cảm và lo lắng liên quan đến một lằn mức (baseline). Thí dụ chúng ta đánh giá một giấc ngủ là quá nhiều so sánh với vài tháng qua, như tôi thường ngủ sáu giờ mỗi đêm, đột nhiên tôi ngủ chín giờ. Vấn đề là bây giờ, chính chúng ta cũng gặp khó khăn trong việc tìm ra lằn mức ấy là gì. Vậy thì còn khó hơn để có một lằn mức cho những thanh thiếu niên của chúng ta.”

Điều tốt nhất có thể giúp thanh thiếu niên tại thời điểm này là các cha mẹ giữ bình tĩnh và lắng nghe, Johnson nói, hoặc có thể diễn đạt một cách trung thực cảm xúc và kinh nghiệm của chính mình với thanh thiếu niên.

“Tôi nghĩ một cách nào đó, điều tốt nhất mà cha mẹ có thể làm thực sự là, hít một hơi thật sâu, giữ một thái độ bình tĩnh trước con cái và sau đó, vào đêm khuya, đi ra ngoài và la hét lên trời... để trút nỗi lòng,” ông nói.

“Một cách khác, nếu khó có thể che giấu điều đó với bọn trẻ, thì hãy thành thật nói với chúng về những cảm xúc đang diễn ra và rõ ràng về cuộc đấu tranh của mình để giữ bình tĩnh,” ông nói.

Bà Shasserre nói rằng bà thấy hữu ích khi nói ra cảm giác buồn bã và mất mát của chính mình trước những điều bị lỡ làng trong năm cuối của Cathy.

“Không có ích gì khi cố quên nó. Nhưng thật là hữu ích khi chúng tôi nói chuyện với Cathy rằng, ‘Mẹ thực sự rất buồn khi chúng ta không được đi dự thánh lễ cho phụ huynh và bữa tiệc tiếp tân sáng. Mẹ rất mong được làm điều đó.’”

“Và khi Cathy trả lời, 'Không sao đâu Mẹ. Con hiểu. Thế giới này còn nhiều điều lớn hơn mà,' tôi nói,' Đúng thế. Mẹ rất vui vì con có thể thấy điều đó. Nhưng dù sao thì việc này vẫn là buồn.' Đó là quá trình cuả sự than khóc. Ttước những mất mát mà chúng phải vượt qua.”

Trần Mạnh Trác

URL: http://danchuausa.net//giup-tre-vi-thanh-nien-doi-pho-voi-nhung-mat-mat-va-tu-tu-trong-thoi-cam-cua-vi-dai-dich/