Trích từ Dân Chúa

Đại Họa Covid-19. Tôi Nghĩ Gì?

Joseph Lê Văn Phượng, fsc

Đại họa. Đại họa!

Cuối năm 2019, một đại dịch do virut Corona đã khởi phát tại Vũ Hán, Trung Quốc đã lây lan từ người sang người ở nhiều nơi trên thế giới, khi xâm nhập vào cơ thể người virut này sẽ gây ra hội chứng viêm đường hô hấp cấp, dẫn đến suy hô hấp, thậm chí tử vong. Sự lây nhiễm từ người này sang người khác ngay cả trước khi phát bệnh mà không phát hiện được; số ca nhiễm COVID-19 cứ liên tục tăng từng ngày, một “sự lây lan chưa từng thấy”. Người dân Trung Quốc, đặc biệt thành phố Vũ Hán đã kinh hoàng trước tai họa ập đến gây chết chóc, tang thương…

Những ca nhiễm đầu tiên được báo cáo ở Vũ Hán vào tháng 12/2019, rồi sau đó dịch lây lan ra toàn Trung Quốc. Vào cuối tháng 2-2020, virus Corona lây lan từ Trung Quốc qua các nước Châu Á (đặc biệt báo động ở Hàn Quốc, Iran, Nhật Bản), rồi tiếp tục lan nhanh qua châu Âu, châu Mỹ…

Cho đến ngày 21/3/2020, con số lây nhiễm được báo cáo là 255,729 ca nhiễm, trong đó có 10,495 ca tử vong. Hiện tại 15 nước có số ca nhiễm cao nhất thế giới: châu Á có Trung Quốc, Iran, Hàn Quốc, còn lại 11 nước châu  và nước Mỹ… Con số nan nhân tăng lên theo cấp số nhân, từng giờ, từng ngày… Đại họa! Đại họa thật.

Theo dõi cảnh tượng chết chóc ở Vũ Hán trong thời cao điểm dịch hàng ngày có đến cả trăm xác chết trong thành phố, chết không kịp thiêu…

Và tại Ý trong những ngày qua các nhà xác không còn chỗ để hỏa táng, thi thể của các nạn nhân nhiễm Covid-19 phải chuyển đến các tỉnh lân cận. Nghĩa trang tại thành phố Bergamo (phía Bắc nước Ý) hiện không thể tiếp nhận số người tử vong trong thành phố. Ngày 18/3/2020, truyền thông Ý đã xác nhận chính quyền phải điều động một đoàn xe quân đội 15 chiếc để đưa gần 70 quan tài từ nhà hỏa táng ra đường cao tốc rời khỏi Bergamo (Ảnh EPA. Nguồn: Báo Tin Mới).

Quả thật xót xa và đau đớn thay cho nhân loại khi phải chứng kiến những cảnh chết chóc do đại họa gây ra. Người Ý gọi đây là "một trong những bức ảnh buồn nhất trong lịch sử nước nhà"

Đại họa dịch này gợi lên cho tôi suy nghĩ về thời điềm của ngày tận thế. Nó giúp tôi nhận ra rằng, Lời Kinh Thánh như đang được ứng nghiệm, một khung cảnh được loan báo trong Tin Mừng Matthêu rằng trong những ngày này, thiên hạ vẫn ăn uống, vẫn cưới vợ lấy chồng, họ như không hay biết gì cho đến khi con virus ập đến, nó nhỏ xíu, chẳng ai nhìn thấy, cho đến khi nó nhiễm vào cơ thể thì nằm lỳ trong cơ thể người bị nhiễm (gọi là vật chủ) ủ bệnh và đến ngày nó phát ra (bị dương tính), bùng lên và quật ngã… cuốn đi bao nhiêu sinh mạng chỉ trong thời gian ngắn (xem Mattheu 24:37-39). Virus corona không phân biệt giàu nghèo, không phân biệt quan hay dân, không phân biệt tư bản hay cộng sản… nó lây từ người này sang người khác, vượt biên giới, vượt đại dương và chụp xuống cách bất thần gây chết chóc, đến độ các nước phương Tây dù được cảnh báo vẫn không thể ngăn chặn được… Cảnh lây nhiễm và chết chóc của dịch bệnh Covid-19 làm cho lời Kinh Thánh ứng nghiệm: “Như chớp loé ra từ phương đông và chiếu sáng đến phương tây thế nào…” (Mt 24:27). Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất.” (Lc 21:34-35).

Những trường hợp bị nhiễm virus corona và phải bị cách ly cũng nhắc tôi nhớ đến một lời Kinh Thánh nói rằng có hai người đang làm việc với nhau, một người bị phát hiện dương tính virus corona thì bị đem đi, còn người kia thì để lại; có hai người phụ nữ đi vào siêu thị, họ được đo thân nhiệt và một người (trên 37 độ) thì bị đem đi (cách ly), còn người kia (dưới 37 độ) thì được để lại (xem Mattheu 24:40).

Virus corona với sức lây nhiễm và bùng phát nhanh chóng của nó làm tiêu tốn biết bao nhiêu ngân quỹ quốc gia, làm thiệt hại đến kinh tế…; nó gây hoang mang lo sợ cho dân chúng, nó gây ra bao nhiêu xáo trộn trong xã hội…

Dịch Covid-19 xảy đến… có người đặt nhiều câu hỏi liên quan đến dịch bệnh… và không ai có thể có câu trả lời. Với tôi, lúc này không phải để hỏi Chúa tại sao, mà đây là lúc cần nhớ lại lời Chúa dạy trong Kinh Thánh rằng thứ dịch bệnh này không thể chữa nổi nếu người ta không tỉnh thức, cầu nguyện (Mt 17:21).

Những biện pháp ngăn ngừa dịch Covid-19 lây nhiễm

Trước đại họa do dịch bệnh Covid-19 gây ra, các quốc gia trên toàn cầu chịu ảnh hưởng về kinh tế, xã hội, chính trị... Các lãnh đạo quốc gia trên thế giới đều có những chỉ thị phát ra liên tục để cách ly, ngăn chặn, khuyến cáo và yêu cầu dân chúng tuân thủ các quy định y tế cách nghiêm ngặt để ngăn ngừa bệnh dịch và bảo vệ an toàn cho bản thân và cho xã hội. Các tôn giáo với nhiều sáng kiến mục vụ để tổ chức các nghi thức cầu nguyện vừa tránh không để lây lan.

Việc tìm ra các loại thuốc để ngăn ngừa và chữa cho người nhiễm virus là ở cấp độ của các nhà khoa học… Nhà cầm quyền xây dựng các bệnh viện dã chiến, phong tỏa thành phố, khu vực, lập các khu cách ly… Các biện pháp để ngăn ngừa được các lãnh đạo các nước đưa ra như: ban bố tình trạng khẩn cấp, đóng cửa khẩu, ngừng cấp thị thực nhập cảnh, ngưng hoạt động các chuyến bay từ các vùng tâm dịch đến…; các trường học đóng cửa hết tuần này thì gia hạn thêm tuần khác, các tụ điểm công cộng, các khu vui chơi bị cấm sinh hoạt …

Các nhà chức trách xã hội đã đưa ra những chính sách, những chỉ thị để khuyến cáo, yêu cầu dân chúng tuân thủ những quy định cách nghiêm ngặt, yêu cầu mọi người ở trong nhà, hạn chế đi lại, hạn chế tụ họp đông người, khi đến nơi công cộng cần mang khẩu trang…

Tỉnh thức và cầu nguyện để đủ sức thoát cơn đại dịch xảy đến.

Những ứng phó của chính quyền như phong tỏa các khu vực có người nhiễm dịch, người nghi bị nhiễm, người từ vùng tâm dịch trở về… Những khuyến cáo và hành động ứng phó của chính quyền quả ứng với lời Kinh Thánh: “Ai ở trên sân thượng thì đừng đi xuống, ai ở trong nhà thì đừng ra ngoài đồng” (Mt 24:40-41). “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến.” (Lc 21:36)

Tỉnh thức là quan trọng. Chính phủ cần tỉnh thức để đưa ra những quyết sách khôn ngoan ứng phó với nạn dịch. Thiếu tỉnh thức nên để người nhiễm bệnh đi khắp nơi, mở cửa khẩu cho người nước ngoài bị nhiễm virus vào nước, thế nên khi dịch bùng phát thì “vỡ trận” không kiểm soát được.

Tỉnh thức là quan trọng. Người người cần biết hạn chế đi lại, hạn chế tụ tập để không nhiễm bệnh từ nơi này rồi mang đi nơi khác, lây nhiễm cho nhiều người… Có những người thiếu tỉnh thức, biết mình nhiễm bệnh mà không chịu đi cách ly… khiến virus lây nhiễm người tiếp xúc gần (F1) đến những người tiếp xúc với những người tiếp xúc gần (F2) và qua nhiều tầng lây nhiễm (đến F5). Cũng có những người bị nhiễm bệnh mà không biết mình đã nhiễm bệnh lại không chịu ở yên… mỗi nơi họ đến tụ họp thì bao nhiêu người tiếp xúc đều có nguy cơ lây nhiễm… Và họ trở thành phương tiện để lây lan virus tăng nhanh đến cấp số nhân.

Cầu nguyện là cần thiết. Giữa đau khổ và sự bất lực… con người thấy thân phận mỏng dòn của mình và cần đến sự can thiệp của Đấng quyền năng… và giúp chữa lành những nỗi đau khổ tinh thần… Trong một bài hát cầu nguyện của một giáo xứ trong cơn đại dịch Covid-19 được chuyển thành lời Việt: “Giờ này đoàn con đau đớn với biết bao nỗi khổ trong cơn đại dịch này Chúa ơi…. Nguyện cầu tới Chúa ban xuống ơn an bình, con luôn mong Ngài xót thương…Chỉ cần tình yêu Chúa ở đây, bao phong ba hãi hùng cũng không sợ; chỉ cần tình yêu luôn ở nơi Chúa, con không lo sợ chi bão tố… Vì tình yêu Chúa ở khắp mọi nơi, bao phong ba hãi hùng cũng không sợ; chỉ cần tình yêu Chúa luôn ở đây, cho con luôn kiên vững an lòng.”

Cầu nguyện là cần thiết. Mọi tôn giáo đều kêu gọi tín hữu cầu nguyện. Đức Giáo Hoàng Phanxico, trong những ngày qua, cũng đã biểu lộ sự gần gũi hiền phụ của ngài và lặp lại lời mời gọi toàn thể Giáo Hội cầu nguyện không ngừng cho những người nhiễm virus corona, cho các nhân viên y tế, cho các nhà cầm quyền. Đức Giáo Hoàng khuyến khích “các tín hữu kính viếng Thánh Thể, tham gia vào việc Chầu Mình Thánh Chúa, hoặc đọc Thánh Kinh trong ít nhất nửa giờ, hoặc lần chuỗi Mân Côi, hoặc thực hiện thực hành đạo đức đi Đàng Thánh Giá, hoặc cầu nguyện với Lòng thương xót Chúa, để cầu khẩn Thiên Chúa Toàn năng chấm dứt dịch bệnh, chữa lành cho những người bị ảnh hưởng và ban ơn cứu độ muôn đời cho những người mà Chúa đã gọi về với Ngài.”

Hãy sống theo Lời Chúa dạy: “Anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến.” (Lc 21:36). Đại họa Covid-19 không thể ngăn chặn nổi nếu người ta không tỉnh thức, cầu nguyện. Nếu cầu nguyện mà không tỉnh thức thì bệnh dịch Covid-19 không thể ngăn chặn nổi. Vậy mỗi người hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi đại họa đang xảy đến. Hãy nhận ra thân phận mỏng dòn yếu đuối của mình… Hãy có những hành động đúng cách (tỉnh thức) với tâm tình sám hối và cầu nguyện. Và hãy trở về với Chúa…

Sài Gòn ngày 21/3/2020

Sư Huynh Joseph Lê Văn Phượng, fsc

URL: http://danchuausa.net//dai-hoa-covid-19-toi-nghi-gi/