Trích từ Dân Chúa

"Con như người thợ dệt" phải không Chúa ơi?

Người Giồng Trôm

Lễ nhất vừa xong, người thân Đà Lạt nhắn tin "Cha Diệm mất rồi".

Bàng hoàng, sửng sốt, chua xót, cay đắng ... và có thể nói không biết bao nhiêu cảm xúc dồn đến khi hay tin này. Như muốn xác định tin nhắn cho rõ, gọi điện cho Cha Giuse - Chánh Xứ Na Goa - và Cha xứ thân thương xác nhận Cha Giuse Trần Ngọc Diệm đã về nhà Cha.

Cha nhỏ hơn bỉ nhân 1 tuổi nhưng lãnh sứ vụ lớn hơn bỉ nhân 2 năm nên cứ gọi là Anh cho tiện. Và, đơn giản thôi, ai chịu chức trước cứ là Anh.

Quen nhau và thân nhau 18 năm tròn để rồi bao nhiêu kỷ niệm, bao nhiêu tình thương mến trong đời tận hiến cứ mãi còn đó và có đó với nhau.

Vui nhất là "bộ 3" của bỉ nhân hễ không gặp nhau thì thôi cứ còn gặp nhau là cả đêm không ngủ vì ... bà tám. Đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, đủ những kỷ niệm buồn vui và nhất là kinh nghiệm mục vụ chia sẻ cho nhau và với nhau như là hành trang bước vào đời tận hiến. Đơn giản là có quá nhiều vấn đề, có quá nhiều cạm bẫy, có quá nhiều chuyện không ngờ được trên bước đường sứ vụ nên cứ phải nói với nhau cho nhau biết để học hỏi.

Gần nhất, hai anh em ăn bún cá ở Cần Thơ trước khi vào mừng Lễ Kim Khánh của Bà Tư kính mến thuộc dòng Chúa Quan Phòng.

Khởi đi từ bộ 5 ở Cái Rắn ngày xưa để rồi bao nhiêu biến cố vui buồn đều có 2 "bà Chúa Quan Phòng", 2 "ông Vinh Sơn" và 1 "ông Chúa Cứu Thế"

Như một mối duyên, 5 người gắn bó với nhau với cụ Piô Ngô Phúc Hậu nơi mảnh đất Cái Rắn, Năm Căn, Rau Dừa, Rạch Cui ... Những ca nước chanh, những bát cơm đầy từ tay Bà Tư và 2 Cha Anh vẫn còn đâu đó thật gần và thật gần.

Ở Cái Rắn, nhiều người đến cứ tưởng "ông Diệm" và "ông Đạt" là 2 ông giúp việc cho họ đạo. Nhưng không, 2 ông cha đó chứ ! 2 ông cha và 2 bà phước đã để lại dấu ấn không thể phai mờ ở vùng đất nghèo Cái Rắn.

Chia tay khỏi Cái Rắn nhưng bộ 5 hay nói đúng hơn là bộ 3 chúng tôi vẫn gần và thật gần trong tâm tình tận hiến.

Trần Ngọc Diệm, bổn mạng là Giuse nhưng anh em chúng tôi vẫn dùng cái tên thân mật cho dễ nhớ : "Cụ Diệm" (như một cách nào đó nhớ đến cụ Ngô Đình Diệm ngày xưa vậy).

Cụ Diệm được cái ơn nhanh nhẹn và hoạt bát nên sau khi rời Cái Rắn thì lại đến vùng núi Sam để phục vụ. Rời núi Sam thì dự định giúp xây Học Viện Vinh Sơn ở quá ngã tư Trung Chánh một chút. Dự định không thành, cụ Diệm về Na Goa "trụ trì" một thời gian. Rời Na Goa khi Na Goa gửi lại cho Giáo Phận Xuân Lộc, cụ Diệm về với giáo xứ Vinh Sơn (giáo phận Đà Lạt)

Tưởng chừng nghỉ ngơi sau nhiều năm dài mệt mỏi nhưng rồi cụ Diệm lại gánh vác việc xây Thánh Đường Giáo Xứ. Thế là cụ lại nai lưng ra "cày".

Lần sau chót gặp Cụ là anh em dùng điểm tâm sáng ở cái thành phố gạo trắng nước trong trước khi mừng kỷ niệm Kim Khánh của "lão bà bà" Laurent dòng Chúa Quan Phòng. Hôm đó, cụ Đạt mắc chăm bầy vịt trong cộng đoàn nên lỗi hẹn không ra kịp. Đến Lễ anh em mới gặp nhau.

Trong lúc hàn huyên tâm sự, cụ Diệm nói về thao thức cũng như gánh nặng của Ngôi Thánh Đường vừa được dựng móng. Cụ chia sẻ là phải về tận Long An để tìm ra lò gạch làm sao cho ưng ý. Tường nhà thờ đơn giản là xây bằng gạch đỏ nung như kiểu kiến trúc ngày xưa chứ không cần tô áo quét sơn ...

Vẫn như vậy đó ! Một cụ Diệm trông bề ngoài tao nhã và bảnh bao hơn bỉ nhân nhưng lại là một người cày và cày không mệt mỏi. Hễ bề trên giao việc gì là cụ Diệm lại cứ đau đáu để chu toàn.

Giờ này đây, cha Diệm đã yên giấc ngàn thu sau nhiều ngày gánh vác bụi trần. Từ nay, cha Diệm không còn phải lo toan hay tính toán cho ngôi thánh đường giáo xứ Vinh Sơn nữa. Cha đã chu toàn sứ mạng hết sức đẹp và đã ra đi trong lúc đang thi hành sứ vụ.

Sự ra đi của Cha làm cho bỉ nhân chạnh lại và nghĩ về phận mình.

Sau khi nghe tin chẳng vui ấy, Lễ 2 và những lễ kế tiếp không còn vững như lễ đầu sáng nay nữa. Lòng vẫn man mác buồn dẫu biết rằng phận con người không tránh khỏi những tiếc nuối khôn nguôi. Cứ phải chầm chậm lại đọc từng câu từng chữ vì sợ sót khi tâm không còn trong như trước khi hay tin Cha mất.

Sự ra đi của Cha nhắc nhớ bản thân bỉ nhân rằng sự sống không còn quý, không còn tính ở năm ở tháng nữa mà là ở ngày nghĩa là ngày nào mình còn sống thì ngày đó là hồng ân và là quà tặng của Chúa. Và, hơn thế nữa, mình cố gắng hết sức mình sống sao cho vuông tròn bổn phận, sứ vụ bề trên trao phó và nhất là vuông tròn tình yêu thương và lòng mến mà Thiên Chúa mời gọi.

Và thật sự, sự ra đi của Cha Diệm, bỉ nhân lại hỏi với Chúa : "Chúa ơi ! Đời con phải chăng như người thợ dệt phải không Chúa ?"

Vâng ! Cha Diệm cũng như bao nhiêu Cha khác ra đi khi mãi mê dệt đời mình nhưng đã bị Chúa cắt đứt ngay hàng chỉ. Đời bỉ nhân cũng thế thôi ! Chả biết đến ngày nào Chúa "cắt chỉ". Ngày nào Chúa còn cho dệt thì dệt hết mình và hết tình. Thế thôi !

Giờ cơm, linh mục chung bàn buộc miệng nói : "Anh em mình sống sao cho đẹp chứ lỡ mất đi rồi thì hối tiếc".

Vâng ! Dẫu biết như vậy nhưng thật khó bởi lẽ ai ai cũng là con người. Thế nhưng rồi trước những biến cố đau buồn như sự ra đi của Cha Diệm cũng như các Cha ở Ý nhiễm Cô Vy và hàng ngàn con người khác phải chăng là lời nhắc nhớ cho mỗi người chúng ta hãy sống yêu thương nhau và cố yêu thương nhau ở mức có thể để "Để lỡ ngày sau khi ta cần nhau còn đôi chút em vui ngày đầu cho mình mãi gọi thầm tên nhau" hay như là cố Trịnh Công Sơn nói : "Sống trên đời sống cần có một tấm lòng để làm gì em biết không ? Đế gió cuốn đi"

Người Giồng Trôm

URL: http://danchuausa.net//con-nhu-nguoi-tho-det-phai-khong-chua-oi/